Niềm tin từ đáy lòng

Lê Học Lãnh Vân

Tối hôm nay, ngày 01/7/2023, đài truyền hình TV5 của Pháp trình chiếu một phim rất hay. Phim về tư pháp, hình sự. Bài này được tác giả viết trong lúc đang coi phim, và được kết thúc khoảng ba mươi phút sau khi phim chấm dứt.

Phim mở ra bằng cảnh một công tố viên, với nhiều bằng chứng vững chắc, luôn cả bằng chứng từ kết quả xét nghiệm DNA, với lương tâm, với niềm tin vào công lý, tin rằng giữ gìn công lý là cách phụng sự xã hội tốt nhất, đã yêu cầu kết tội một người đàn ông. Lời kết tội đanh thép một cách chuyên nghiệp thuyết phục mọi người trong phiên tòa. Người đàn ông bị kết tội, sau khi tuyên bố mình bị oan, chỉ còn biết tự sát trên ghế bị cáo. Những gì tiếp theo cho thấy người đàn ông kia vô tội.

Viên công tố rất hối hận. Ông luôn tự gặm nhấm về năng lực của bộ máy tư pháp và về hai chữ Intime Conviction.

Bộ máy tư pháp, bao gồm công tố viên và thẩm phán, là hệ thống giúp bảo đảm trật tự và sự ổn cố xã hội, cùng lúc giúp bảo vệ người vô tội. Hệ thống đó phải luôn luôn tự vấn tính đúng đắn trong các quyết định của mình vì chúng ảnh hưởng đến sinh mạng pháp lý người khác.

Lâu quá rồi mới nghe lại Intime Conviction, một từ được giới luật học Sài Gòn xưa dịch là sự Xác Tín Nội Tâm. Đây chính là Niềm Tin Từ Đáy Lòng, Niềm Tin sâu nhất từ lương tâm của của quan tòa về lời phán xử của mình. Trong khái niệm pháp đình, Niềm Tin này không xuất phát từ cảm giác, mà phải được sàng lọc bằng lý trí tất cả các chi tiết của hồ sơ, các chi tiết chứng cứ, các phương cách bào chữa. Các vị quan tòa cần sự nghiêm khắc trong lập luận, sự tuân thủ các giá trị đạo đức và sự lắng nghe khoa học, lời nói, trước khi ra quyết định.

Viên công tố có trong tay nhiều bằng chứng vững chắc, được thu thập đúng quy trình và đúng yêu cầu nghiêm nhặt để bằng chứng có giá trị. Vậy mà ông vẫn đưa ra đề nghị kết án sai!

Phiên tòa tôn trọng quyền biện hộ của luật sư, tôn trọng bằng chứng luật sư đưa ra, lắng nghe biện hộ của luật sư, vậy mà phiên tòa vẫn sai!

Phiên tòa tôn trọng các giá trị đạo đức, các thành viên tham gia phiên tòa thực sự độc lập nhau, không chịu áp lực nào khác ngoài áp lực tuân theo các yêu cầu nghiêm khắc của Niềm Tin Từ Đáy Lòng sao cho phán xét chung cuộc thực sự đi từ lòng trung thực tin rằng là phán xét khách quan và hợp lý nhất.

Vậy mà vẫn oan sai!

Trong khi mục tiêu chính của những phiên tòa là bảo vệ người vô tội!

Vậy thì,

Những phiên tòa không được tổ chức để cho tính chuyên nghiệp và tính khách quan được tôn trọng…

Những phiên tòa mà tang chứng kết tội, kể cả tội tử hình, không được thu giữ từ hiện trường mà được tạo mới, được mua từ chợ…

Những phiên tòa mà luật sư biện hộ không được lắng nghe, thậm chí bị đàn áp, bị đuổi ra ngoài…

Những phiên tòa mà mệnh lệnh của phe phái hay tiền bạc được coi trọng còn đạo đức tư pháp bị rẻ khinh…

Những phiên tòa đó sẽ đưa ra phán xét như thế nào? Các vị quan tòa có tin bằng Niềm Tin Từ Đáy Lòng rằng phán quyết mình đưa ra là tốt nhất hay không?

Bộ máy pháp lý, sau những oan sai quá lớn được chỉ ra, có chân thành tự vấn tính đúng đắn của mình không? Có phân tích các nguy cơ gốc dẫn tới sai lầm để cải thiện không? Các nguyên nhân gốc có được giải quyết triệt để không?

Bài viết nhìn tấm hình của bà mẹ đau khổ nhỏ bé bên ngoài pháp đình đòi công lý, giành sự sống cho con bị án tử hình mà tự hỏi đó là hình của người mẹ một tội nhân giết người hay hình của một quan tòa dân đen bên ngoài pháp đình đang phán xét ngược lại bộ máy tư pháp đã xử con bà oan sai khốc hại?

Oan hay không oan, chừng nào câu hỏi trên được trả lời với Niềm Tin Từ Đáy Lòng và cũng được người dân đón nhận bằng Niềm Tin Từ Đáy Lòng?

Ngày 01 tháng 7 năm 2023

Comments are closed.