Nobel Văn chương 2023

Ngân Xuyên

Chiều nay (5/10/2023) Viện Hàn lâm Thuỵ Điển đã công bố giải Nobel Văn chương của năm nay. Người được giải là nhà viết kịch, nhà văn Na Uy Jon Fosse (sinh năm 1959) với lời tuyên dương: “Vì những vở kịch và văn xuôi đã cấp tiếng nói cho điều không thể nói”.

Dưới đây là một vài nét về cuộc đời và sáng tác của Jon Fosse.

image

Jon Fosse – Nhà văn Nobel 2023

Tấm danh thiếp của nước Na Uy hiện đại, người kế thừa Ibsen Jon Fosse – đấy là cách người ta gọi nhà viết kịch, nhà văn, nhà thơ, nhà tiểu luận Jon Fosse. Các tác phẩm của ông đã được dịch ra hơn bốn mươi thứ tiếng, số lượng các vở diễn của ông đã vượt qua con số nghìn, và Edda – tác phẩm chính trong kho tàng thần thoại vùng Scandinave đã được dàn dựng trên sân khấu theo kịch bản cải biên của Fosse.

Người được đề cử giải Nobel Văn chương sống tại một dinh thự tên là Grotten – một ngôi nhà danh dự dành cho các nhà văn nằm cạnh Hoàng cung Na Uy. Đó là nơi trung tâm của thành phố nhưng lại rất vắng lặng và ngôi nhà như tách biệt với thế giới bên ngoài. Là người theo “nghệ thuật thuần tuý” theo đuổi sự giản dị về văn phong và cú pháp, Fosse viết bằng tiếng Na Uy hoặc tiếng Nynorsk: thứ tiếng chính thức thứ hai của đất nước dựa trên khẩu ngữ và phương ngữ.

“Tôi không biết từ ngữ đến với tôi từ đâu. Tôi có thể nói chắc rằng tôi đã viết 40 vở kịch và công bố 50 cuốn sách, nhưng tôi không thể nói chúng nảy sinh như thế nào. Chính tôi cũng không biết điều đó. Khi viết, nhiệm vụ chính của tôi là lắng nghe” – nhà văn nói.

Fosse sinh tại một thành phố nhỏ phía tây Na Uy. Thiên nhiên vùng đó bằng cách này hay cách khác đều hiện diện trong tất cả các tác phẩm của ông – những vở kịch hiện đại lấy tích xưa. Các nhân vật của ông sống ở ven biển hoặc thường xuyên ở bên cạnh biển. Họ hầu như không có tên hoặc chỉ có những cái tên xưa cũ của Na Uy như Ales hay Asle chẳng hạn. Quan hệ của họ được làm bằng mâu thuẫn. Những khoảng ngừng, khoảng lặng là nhằm diễn đạt một cái gì đó mang tính thần bí ở chiều sâu, cái có ở trong con người.

Xung đột giữa sự vô tận bên trong của con người và sự giới hạn bên ngoài mà hắn không thể bước qua nhưng cố tiến sát đến gần nhất – đấy là động lực trong tất cả những cái Fosse viết ra.

Dịch tác phẩm của người coi cái chính trong các tác phẩm của mình là sự im lặng là một việc rất khó. Nhiệm vụ của dịch giả là tìm ra, giữ gìn và truyền đạt giai điệu của văn bản, dòng chảy và nhịp điệu của nó. Sáng tác của Fosse nằm ở cú pháp hơn ở lời lẽ. Các vở kịch của ông có nhiều đoạn lặp, và nhịp điệu của văn bản nằm ở các đoạn lặp đó, dấu chấm câu thực tế là không có. Nhà viết kịch cho rằng nếu cái có thể gọi là “giọng” mà được truyền đạt đúng thì có thể chấp nhận được việc một từ nào đó bị dịch thiếu chính xác hoặc một nghĩa bị hiểu trái ngược. Mọi thứ liên quan đến nội dung không quan trọng bằng hình thức. Theo quan điểm này của Fosse, hình thức nghiêm nhặt của tác phẩm chính đã tạo tự do cho nhà hát.

Đôi khi trong các tác phẩm có nói đến những thứ riêng biệt của Na Uy mang ý nghĩa cảm xúc quan trọng đối với người dân bản địa nhưng lại xa lạ ở các nước khác. Khi đó đành phải hy vọng là dịch giả sẽ tìm được sự tương đương trong văn hoá của nước mình.

“Tôi viết giai điệu và văn bản. Những giai điệu và văn bản đó có thể hát lên bằng tất cả các thứ tiếng trên thế giới.” – nhà văn nói.

Jon Fosse đến với nghề văn năm 1983 với cuốn tiểu thuyết đầu tay “Raudt, svart” (“Đỏ, đen”).

Sau thời kỳ sân khấu kéo dài 20 năm, Fosse quyết định ngừng viết kịch và dồn tâm lực vào viết cái gọi là văn xuôi chậm. Năm 2019 cuốn tiểu thuyết “Eg er ein annan – Septologien” (“Tôi là kẻ khác – tác phẩm bộ bảy”) dày 1800 trang của ông đã được xuất bản bằng mấy thứ tiếng và ra mắt tại hội chợ sách Frankfurt, nơi Na Uy là khách mời danh dự.

N. X

(Theo báo chí nước ngoài)

Comments are closed.