Jason Morris-Jung, The Diplomat ngày 23/5/2016
Trần Hạnh dịch
Ảnh: T.A.
Những cuộc biểu tình đang diễn ra nhiều nơi trên cả nước Việt Nam để phản đối tình trạng cá bị chết hàng loạt dọc bờ biển miền Trung Việt Nam là sự kiện thật đáng chú ý. Không chỉ vì những cuộc biểu tình với quy mô như thế này trước đây chưa từng được nghe nói đến, mãi cho tới khoảng năm năm trở lại đây, mà còn đặt ra câu hỏi tại sao hàng ngàn người biểu tình ở tận Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh lại xuống đường vì cá chết ở miền Trung, bất chấp những lời cảnh báo sẽ bị đánh đập và bắt giữ.
Có phải ý thức về môi trường vừa mới đột ngột trỗi dậy và lan tỏa khắp đất nước này chăng? Hay đó là sự thức tỉnh bàng hoàng về cái giá của mấy thập kỷ tăng tốc phát triển kinh tế và công nghiệp hóa? Hay chỉ đơn thuần là do tình cờ vớ được một con dê tế thần ngoại quốc để trút nỗi ấm ức về những bất cập trong phát triển, cụ thể ở đây là nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh của Đài Loan, nơi có đường ống thải ngầm dài 1,8 km bị nghi là nguyên nhân chính gây ra cái chết hàng loạt? Những nỗi niềm trên, dù có thể đã và đang hình thành, nhưng không thể giải đáp đầy đủ được về quy mô và mức độ của tình trạng căng thẳng hiện nay.
Một là, những cuộc biểu tình phải được đặt trong bối cảnh có hàng loạt vấn đề căng thẳng với chính quyền nhà nước đang ngày càng gia tăng trong suốt mấy năm gần đây. Năm ngoái, nhiều đoàn tuần hành của người dân Hà Nội xuống đường phản đối dự án chặt 6.700 cây nội đô của chính quyền thành phố, trong đó có nhiều cây cổ thụ từ thời Pháp thuộc, đã trở thành biểu tượng của thủ đô Việt Nam. Năm 2014, nhiều cuộc biểu tình đông người diễn ra trên cả nước để phản đối thái độ nửa vời của lãnh đạo nhà nước trong khi Trung Quốc bắt đầu ngang nhiên đơn phương khoan dầu ở vùng thềm lục địa của Việt Nam trên Biển Đông [nguyên văn: Biển Nam Trung Hoa]. Năm 2013, một bản kiến nghị do 72 trí thức Việt Nam nổi tiếng khởi xướng đã thu thập được 15.000 chữ ký trên mạng internet, là số lượng lớn chưa từng có và khuấy lên một cuộc tranh luận công khai rộng lớn về cải cách hiến pháp. Năm 2012, hàng ngàn nông dân và người dân địa phương ở một tỉnh phía Bắc biểu tình phản đối chính quyền trưng thu đất đai, thu hút được sự ủng hộ từ khắp cả nước qua mạng internet và báo chí trong nước.
Năm 2011 có thể coi là năm gieo mầm cho những cuộc biểu tình hiện nay. Cứ đến Chủ nhật, hàng ngàn người biểu tình tụ tập ở các thành phố lớn trong suốt mười một tuần liền để phản đối tình hình ở ngoài Biển Đông đang ngày càng tệ đi, cho đến khi bị lực lượng an ninh dẹp đuổi và giải tán. Đương nhiên, một vài năm trước đó đã xuất hiện một số cuộc tranh luận công khai rất ngoạn mục trên mạng internet và trên báo chí trong nước về các vấn đề từ ô nhiễm môi trường đến phát triển đô thị đến khai thác quặng bô-xít. Giờ đây, nhìn lại mới thấy đó là buổi bình minh của một thời đại mới, của những người công dân Việt Nam trên cả nước lên tiếng chất vấn các chính sách nhà nước một cách công khai và tích cực. Các cuộc biểu tình hiện nay về cá chết ở miền Trung Việt Nam (hiện đã diễn ra trong ba ngày Chủ nhật liên tiếp) là một phần của xu hướng đang phát triển này.
Hai là, không thể không thắc mắc khi xét thấy nhiều sự kiện kể trên đều xoay quanh hoặc xuất phát từ các vấn đề môi trường. Nhưng phải chăng môi trường thực sự là vấn đề trọng tâm, kết nối tất cả những hiện tượng bất tuân dân sự không mấy liên quan đó với nhau? Nghiên cứu lại một số vụ việc trong đó có thể hé mở đôi chút manh mối.
Năm 2008, một tình trạng tương tự như chuyện cá chết hàng loạt ở miền Trung đã từng xảy ra ở sông Thị Vải ở miền Nam, chỉ khác bây giờ là không có cuộc biểu tình nào. Một công ty khác cũng của Đài Loan, tên là Vedan, bị phát hiện đã xả chất gây ô nhiễm trực tiếp xuống sông qua một hệ thống ống thải ngầm quy mô lớn, rồi bị chính quyền điều tra chỉ sau khi tôm cá trên sông và nguồn sống của những người dân phụ thuộc vào đó đã bị giết gần hết. Tuy nhiên, dù giới chủ nhà máy Đài Loan đó đã bị phê phán kịch liệt trên báo chí trong nước, nhưng giới nhà báo và công luận cũng không quên rằng chính quyền Việt Nam đã và đang thực hiện công tác thanh kiểm tra nhà máy này về các sai phạm môi trường suốt 14 năm qua. Những người dân địa phương cũng đã bày tỏ sự lo lắng về tình trạng dòng sông bị ô nhiễm ngày một nặng với sự phớt lờ của chính quyền cũng gần lâu bằng khoảng thời gian nói trên. Vụ việc ở sông Thị Vải cho thấy rằng, dù đã vớ được thủ phạm tế thần khá vừa ý là chủ sở hữu nước ngoài của nhà máy (đây là chi tiết rất quan trọng, có lẽ là nguyên nhân chính khiến cho các cuộc trao đổi công khai về ô nhiễm công nghiệp được phép diễn ra, xét điều kiện không gian chính trị gò bó ở Việt Nam), nhưng giới chức Việt Nam hữu quan đã bị vạch mặt là vô trách nhiệm hoặc, như đa số mọi người đều nghi ngờ, im lặng đồng lõa để che giấu vụ ô nhiễm.
Một năm sau đó, công luận lại xôn xao mạnh hơn quanh kế hoạch khai thác 5,4 triệu tấn quặng nhôm (còn gọi là bô-xít) ở khu vực Tây Nguyên của chính phủ. Vụ việc này gây ra phản ứng chưa từng thấy với ý kiến phản đối một chủ trương lớn của chính quyền từ nhiều người Việt ở khắp nơi, cả trong nước lẫn ngoài nước, trong đó có ý kiến của vị anh hùng quân đội đã kinh qua cách mạng và nhiều cuộc chiến tranh nhân dân, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, khi đó đã 98 tuổi đời. Dù có những nghi vấn về lợi ích địa chiến lược của Trung Quốc làm phức tạp thêm cuộc tranh cãi, nhưng nỗi bất bình của dư luận và ý kiến phê bình của các chuyên gia chủ yếu tập trung vào sự thiếu hoàn thiện trong quy hoạch, các biểu hiện bất cẩn của chính quyền trong công tác chuẩn bị cho dự án, tình trạng thiếu minh bạch và phân định trách nhiệm giữa các nhà đầu tư và quản lý nhà nước, và hiển nhiên là thiếu kênh thông tin cho những người quan tâm được bày tỏ ý kiến về một vấn đề có tầm quan trọng quốc gia. Vì vậy, vụ bô-xít, xét theo nhiều khía cạnh, là một trường hợp mà tiếng nói phê phán chính quyền về thái độ cố tình hay sự bất lực không giải quyết được các mối quan ngại của công luận cũng mạnh gần như tiếng nói phê phán về chính nội dung các dự án khai thác quặng nhôm.
Kể từ năm 2011, như đã trình bày ở trên, các cuộc biểu tình đông người, nhất là ở các thành phố, thường tập trung ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, bắt đầu xuất hiện như một thông lệ mới. Nhưng cho dù hình thức thể hiện nỗi bất bình của công chúng có thay đổi theo chiều hướng mạnh dần lên, vẫn có thể nhận thấy một số mô thức được lặp đi lặp lại. Bên cạnh nguyện vọng hiển nhiên muốn bảo vệ cảnh quan đô thị độc đáo và có tính lịch sử, phong trào cứu cây ở Hà Nội còn là một tuyên ngôn về nỗi bất bình đối với sự vô tâm rõ rệt trong quá trình ra quyết định của chính quyền, sự thiếu minh bạch trong quản lý nhà nước và phân định trách nhiệm về các quyết định này. Ngay cả khi chính quyền trung ương rốt cuộc phải can thiệp để dừng dự án chặt cây, những câu hỏi cốt lõi về ai là người chịu trách nhiệm ra quyết định ở cấp thành phố và, nhất là điều gì xảy ra với lượng gỗ giá trị cao từ những cái cây đã bị chặt vẫn còn bỏ lửng chưa được trả lời.
Dù các cuộc biểu tình phản đối trưng thu đất đai không phải là điều xa lạ ở Việt Nam, nhưng vào năm 2012 đã trở thành vấn đề được cả nước quan tâm vì những cuộc biểu tình này đã tố cáo thói trục lợi cho thân hữu của những người đại diện cho chính quyền và thể hiện quá trình đấu tranh của người dân để được cất lên tiếng nói và phản đối bất công mà không bị bạo hành, đàn áp hay bắt giữ – vì đó là hậu quả chung không có ngoại lệ của tất cả các cuộc biểu tình được nêu trong bài này. Ngay cả các cuộc biểu tình về tình hình phức tạp và nhạy cảm ở Biển Đông cũng cho thấy giới lãnh đạo rõ ràng là không có khả năng giải quyết các mối quan ngại của người dân, với cách hành xử điển hành là né tránh và nước đôi, và cuối cùng luôn viện đến bạo lực và côn đồ để đàn áp các cuộc biểu tình ôn hòa. Thậm chí một vài cuộc biểu tình dẫn đến bạo loạn vào năm 2014 cho đến nay vẫn bị bao phủ dưới một tấm màn bí hiểm về nguyên nhân và quá trình diễn biến. Phía công an, cho dù đã bắt hơn 1000 người bị tình nghi, vẫn chỉ có thể gợi ý rằng thủ phạm là Việt Tân, một tổ chức chống cộng ở hải ngoại, dù sự hiện diện của tổ chức này ở trong nước là cực kỳ hạn chế. Đó cũng là lời giải thích được áp dụng lại nhằm tước đi tính chính đáng của các cuộc biểu tình đang diễn ra ở miền Trung Việt Nam.
Các cuộc biểu tình hiện nay ở miền Trung Việt Nam cũng trùng khớp với các mô thức nói trên. Một lần nữa, chính quyền quá chậm trễ trong phản ứng và bất lực trong việc đưa ra các lời giải thích có tính thuyết phục. Thông tin thì qua loa hoặc bị ém nhẹm, có lẽ một phần là do thói quen hành xử, một phần là để tránh bị lộ những điều bí mật về việc ai là người thủ lợi và phải chịu trách nhiệm về các khoản đầu tư liên quan tới Formosa. Do thiếu kênh thông tin để đối thoại với chính quyền một cách hợp lý về cá chết, những người dân Việt Nam đã phải dùng đến phương tiện duy nhất mà họ còn có trong tay. Nhưng họ vẫn phải đối mặt với những chướng ngại vật quen thuộc của chính quyền khi Facebook bị chặn, đường tuần hành bị cấm, và những người bị cho là kích động gây rối bị đe dọa, đánh đập và bắt giữ.
Trong hoàn cảnh như vậy, rõ ràng là rất khó thu thập được thông tin chính xác, nhưng mạng Internet đã cung cấp rất nhiều lời tự thuật và một số đoạn video ghi lại hình ảnh người biểu tình bị sách nhiễu và đánh đập dưới bàn tay những kẻ vô danh, nhưng nhiều người nghi ngờ rằng đó chính là công an mặc thường phục. Một số bản tin còn ước tính có tới khoảng 1.000 người biểu tình đã bị bắt giữ ở nhiều nơi trên cả nước.
Vậy phải chăng đề tài môi trường bỗng đột ngột nổi lên như cá mắc cạn, trở thành mối quan tâm hàng đầu của người dân Việt Nam, hay có lẽ có một vấn đề nằm sâu hơn mà các trục trặc về môi trường chỉ là một bằng chứng dễ thấy nhất? Lời hiệu triệu của các cuộc biểu tình hiện nay và phong trào tọa kháng qua Facebook đã trở thành khẩu hiệu “Cá cần nước sạch, dân cần (chính quyền) minh bạch.” Đây là hai yêu cầu song song. Đây là hai câu tuyên ngôn thể hiện cùng một ý tưởng. Câu thứ nhất nói về thực tế thảm họa môi trường hiện nay, còn câu thứ hai nói tới một vấn đề sâu hơn. Như vậy, dù các vấn đề môi trường đang là biểu hiện dễ thấy nhất của tình trạng bất ổn, nhưng sợi dây kết nối những cuộc biểu tình không mấy liên quan này lại với nhau – kể cả các vụ biểu tình chống Trung Quốc trên Biển Đông – là yêu cầu của công chúng về một chính phủ tốt hơn, lãnh đạo tốt hơn và, chung cuộc là một hệ thống chính trị minh bạch, có trách nhiệm và hiệu quả hơn.
Điều ngày càng hiển thị rõ rệt hơn qua từng cuộc biểu tình là trạng thái tiến thoái lưỡng nan giữa những người công dân thể hiện nhu cầu và quyền được có tiếng nói trong các vấn đề của đất nước, với một hệ thống chính trị tiếp tục từ chối và không công nhận quyền ấy. Chừng nào chưa tìm được giải pháp cho trạng thái không ai nhường ai này, những cuộc phản kháng chắc sẽ trở nên thường xuyên hơn, lan rộng hơn và gây nhiều xáo trộn hơn.
——-
Jason Morris-Jung là Giảng viên Cao cấp ở Đại học SIM University, Singapore. Ông có bằng Tiến sỹ về nghiên cứu môi trường của Trường Đại Học University of California, Berkeley.
Nguồn: FB Nguyệt Cầm