Xuân Dương
(GDVN) – Quảng cáo hàng hóa, dịch vụ còn bắt buộc phải viết chữ nước ngoài bé hơn và phải đặt dưới chữ Việt, tại sao ở chốn tâm linh lại không bắt buộc như vậy?
Chiến dịch bài trừ những thứ ngoại lai (sư tử, bình hoa…) khỏi các di tích, cơ quan công quyền đang được Bộ Văn hóa, Ủy ban Nhân dân một số tỉnh chỉ đạo thực hiện, bước đầu đã có những đôi sư tử án ngữ trước trụ sở cơ quan, đình, đền, chùa được đưa ra khỏi khuôn viên công trình.
Sẽ không quá khi nói rằng đây là việc “thả vịt ra đuổi”, một công việc mà dân gian gọi là “mất bò mới lo làm chuồng”, những việc làm này là cần thiết nhưng chỉ mới đụng chạm đến bề nổi, phần chìm của câu chuyện văn hóa ngoại lai còn nhiều điều phải bàn luận, suy ngẫm.
Trong bài “Cờ sao và văn hóa tơ hồng” [1], người viết đã báo động về vấn đề này:
“Có dịp xem chương trình ti vi chiếu một ngôi chùa ở Trường Sa, cửa chính của chùa có bức hoành phi viết bốn chữ “Đại hùng bảo điện” bằng tiếng Việt, người viết chợt nhớ thông tin giới thiệu về chùa Bái Đính ở Ninh Bình: “Gác chuông treo đại hồng chung bằng đồng lớn nhất Việt Nam. Đại hồng chung có đường kính 3,5m, cao 5,5m, nặng 36 tấn. Thân quả chuông khắc bài Tâm kinh Bát Nhã bằng tiếng Hán…”.
Đệ tử nhà Phật chắc đều biết Bát Nhã Tâm Kinh là thuộc về bộ kinh lớn Bát Nhã Ba La Mật Ða (Prajnaparamita Sutra) viết bằng tiếng Phạn. Ðó là một trong những bộ kinh đầu tiên của Phật giáo Ðại Thừa, xuất hiện tại Ấn Ðộ.
Nếu đã có tâm với Phật sao không khắc kinh bằng tiếng Phạn? Nếu quả thật không biết tiếng Phạn sao không khắc bằng tiếng Việt mà lại bằng tiếng Hán?
Không nói đến các di tích được trùng tu, rất nhiều công trình tưởng niệm các danh nhân, đình, chùa mới xây dựng những năm gần đây (ví dụ chùa ở đảo Bạch Long Vĩ, khu lưu niệm danh nhân Cao Bá Quát – Phú Thụy, Gia Lâm, Hà Nội) hoành phi câu đối đều bằng tiếng Hán.
Bao nhiêu trong số chín mươi triệu người Việt ngày nay có thể đọc và hiểu những chữ đó?
Chẳng lẽ phải viết bằng chữ Hán thì công trình mới có giá trị lịch sử? Vài trăm năm sau, hậu thế chiêm ngưỡng các công trình này sẽ không thể không đặt câu hỏi: “Phải chăng đầu thế kỷ hai mươi mốt, chữ viết của người Việt vẫn là chữ Hán?”.
Cùng là những ngôi chùa trên các đảo tiền tiêu của tổ quốc, các chùa trên quần đảo Trường Sa đều viết chữ Việt trên hoành phi, câu đối. Trang mạng Khai tâm ngày 15/8/2010 trong bài của tác giả Nguyên Thu có đoạn: “Một trong những điều làm Phật tử và tất cả những người đến thăm viếng chùa đều vô cùng ngưỡng mộ là các hoành phi, câu đối bằng chữ quốc ngữ”.
Chùa trên quần đảo Trường Sa
Một bài viết trên trang web của Sở Văn hóa, thể thao và du lịch Hải Phòng có đoạn: “Chùa Bạch Long được khởi công xây dựng ngày 24/3/2008 do Thượng tọa Thích Quảng Tùng trụ trì Chùa Bạch Long giám sát thi công với sự chỉ đạo và hỗ trợ của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng và sự đóng góp công sức của nhân dân Huyện đảo Bạch Long Vỹ”. Người dân trên đảo, các chiến sĩ hải quân và du khách bao nhiêu người hiểu được những dòng chữ trong chùa (ảnh chụp dưới) viết gì, viết đúng hay sai?
Chùa trên đảo Bạch Long Vỹ
Không thể nói việc xây mới các công trình văn hóa tâm linh như chùa Bái Đính, chùa ở Bạch Long Vỹ hay khu tưởng niệm danh nhân Cao Bá Quát không qua thẩm định của ngành Văn hóa. Vậy tại sao lại phải viết chữ Hán trên các công trình này? Có cơ sở để khẳng định gần 100% người dân thôn Phú Thụy, Gia Lâm, Hà Nội và dòng họ Cao Bá ở đây không đọc, hiểu được những chữ Hán viết ở cổng khu lưu niệm danh nhân Cao Bá Quát.
Những người có trách nhiệm với tổ quốc, dân tộc chắc phải biết, người Trung Quốc dựa vào việc tìm thấy mấy đồng xu, mấy cái bát vỡ trên các đảo để chứng minh chủ quyền “không thể tranh cãi” của họ với các đảo trên biển Đông. Gần đây không thiếu những tiếng nói cất lên từ bên kia biên giới rằng Bạch Long Vỹ là của Trung Quốc? Vậy tại sao cả thành phố Hải Phòng, cả Bộ Văn hóa lại tùy tiện để cho các công trình tâm linh trên đảo này sử dụng chữ Trung Quốc?
Khoan chưa nói về Luật Di sản, khoản 2,4 điều 5, khoản 2 điều 18 Luật Quảng cáo quy định:
“Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo. Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo trong phạm vi địa phương theo thẩm quyền. Trong trường hợp sử dụng cả tiếng Việt, tiếng nước ngoài trên cùng một sản phẩm quảng cáo thì khổ chữ nước ngoài không được quá ba phần tư khổ chữ tiếng Việt và phải đặt bên dưới chữ tiếng Việt; khi phát trên đài phát thanh, truyền hình hoặc trên các phương tiện nghe nhìn, phải đọc tiếng Việt trước tiếng nước ngoài”.
Quảng cáo hàng hóa, dịch vụ còn bắt buộc phải viết chữ nước ngoài bé hơn và phải đặt dưới chữ Việt, tại sao ở chốn tâm linh lại không bắt buộc như vậy?
Thật đáng buồn khi một thanh tra ngành văn hóa cho rằng, muốn phạt một ca sĩ ăn mặc phản cảm phải xem cụ thể họ ăn mặc thế nào, đôi khi do ánh sáng chiếu ngược làm “lộ hàng” thì không thể kết luận là ăn mặc phản cảm? Liệu ngành văn hóa có đủ thanh tra để xem tận mắt các nghệ sĩ ăn mặc thế nào không? Liệu ngành văn hóa có thể bắt buộc bộ phận thiết kế ánh sáng sân khấu không được chiếu đèn ngược làm lộ “phụ tùng” của diễn viên không?
Công chức Việt ngày nay, không riêng ngành Văn hóa, hễ động đến chuyện sai trái thì việc đầu tiên là tìm cách chống chế, chỉ khi đưa ra các bằng chứng không thể chối cãi thì mới chịu công nhận như trường hợp một nữ ca sĩ trẻ ăn mặc phản cảm gần đây.
Mốt lai căng đang tràn ngập mọi hang cùng, ngõ hẻm, đang len lỏi vào các cơ quan công quyền, vào tận chốn thờ tự linh thiêng vì sao vẫn chưa làm thức tỉnh những người có trách nhiệm ở ngành Văn hóa. Vì sao ngành này và các địa phương mới chỉ để ý đến mấy con sử tử đá mà không chú ý đến những điều sâu sắc hơn, nhạy cảm hơn như hoành phi, câu đối, bia đá… trong di tích?
Cặp sư tử đá ở trụ sở Sở Lao động Thương binh & Xã hội tỉnh Nghệ An.
Sẽ là trái Luật Di sản khi đòi hỏi phải thay toàn bộ chữ Hán trong các di tích đã có hàng trăm năm tuổi, nhưng sẽ là vô trách nhiệm đối với vận mệnh quốc gia và trái đạo lý dân tộc nếu những công trình văn hóa tâm linh được xây từ ngày thống nhất đất nước đến nay và từ nay về sau lại chỉ có chữ Trung Quốc.
Nhà nước cần đưa vào Luật Di sản, hoặc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật bắt buộc sử dụng chữ tiếng Việt trong trong tất cả các công trình văn hóa tâm linh xây mới trên lãnh thổ Việt Nam, có thể chọn thời điểm thi hành từ 1975 đến nay. Đây không chỉ là ý kiến của cá nhân người viết mà là của mọi người.
Những người được nhân dân giao trọng trách quản lý văn hóa hãy đừng để cho người dân ngắm những câu đối, hoành phi, những bia đá dựng trước di tích mà như nhìn vào bức tường vô tri, không hiểu trong đó viết gì, nhằm mục đích gì.
Cùng với Nhà nước, Giáo hội Phật giáo Việt Nam muốn hoằng dương phật pháp thì cũng đừng lạm dụng chữ Hán, hãy sử dụng tiếng Việt và chữ Việt để phật tử có thể đọc hiểu các bài kinh, câu kệ nơi chùa chiền.
Người dân mong muốn ông Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch nhanh chóng cho kiểm tra các chùa trên các đảo ở biển Đông, đặc biệt là đảo Bạch Long Vỹ và cho sửa ngay những gì không phải là văn hóa Việt.