Tròn 40 năm vụ án ‘Về Kinh Bắc’ (kỳ 1)

Hoàng Hưng

299012744_133718549365562_7844346685028894231_n

Nhà thơ Hoàng Hưng trước ngày bị bắt

Đúng 40 năm trước (17/8/1982) tôi bị bắt vào đồn công an Hàng Bạc – Hà Nội với tập “Về Kinh Bắc” mà nhà thơ Hoàng Cầm chép tặng để đem zô Sài Gòn chơi! Đó là ngày mở đầu “vụ án Về Kinh Bắc”, vụ án văn chương kì quái nhất trong lịch sử văn học nghệ thuật của nước Việt Nam dưới “chế độ ưu việt”!

Ngay sau khi tôi, rồi Hoàng Cầm bị bắt, giới cầm bút đã thấy cực vô lý! Báo Người Giáo viên Nhân dân của tôi công khai bênh vực tôi bằng cách suốt 2 năm cho người tiếp tế tôi trong tù. Những trí thức lừng danh của Pháp gửi thư cho ông Lê Đức Thọ đề nghị trả tự do cho Hoàng Cầm…

Sau Đổi mới, các vị tai to mặt lớn trong Công an công khai thừa nhận “thời đó ấu trĩ”; có những đồng nghiệp tốt giúp tôi đòi lại các quyền làm việc, lương hưu; tập Về Kinh Bắc được xuất bản, tái bản, ông Hoàng Cầm được giải thưởng Nhà nước. Mấy đồng nghiệp còn có thiện chí thu xếp cho tôi gặp cấp lãnh đạo an ninh tối cao để “hoà giải” nhưng tôi cảm ơn và không gặp, vì tôi bị oan, sao phải chủ động gặp họ, mà họ ko chủ động gặp tôi để xin lỗi???

298552141_133718689365548_8459524710278923445_n

Tranh bìa, Văn Cao vẽ

Đến hôm nay, 40 năm đã qua, còn điều gì phải nói? Còn!

1. Các cơ quan hữu trách vẫn tảng lờ việc công khai nhận sai và xin lỗi, bồi thường (ít ra là 1 đồng danh dự) cho nhà thơ đã khuất và nhà thơ còn sống!

2. Vẫn khăng khăng chặn đứng, không cho tôi xuất bản tuyển tập Thơ trong đó có 33 bài Thơ Tù, xin phép nhiều lần không được. Năm 2012 giám đốc NXB Hội Nhà Văn là nhà thơ Ngô Văn Phú không dám cho in nhưng khi về hưu lập tức viết bài ca ngợi Thơ Tù của tôi và in bài ấy trong sách phê bình tiểu luận của ông. Năm ngoái tôi lại gửi xin phép, NXB không dám tự quyết, phải gửi công văn lên Ban Tuyên huấn xin ý kiến, suốt 1 năm nay vẫn… đợi!!!

299479985_133718712698879_831353878410604638_n

Tranh bìa, Trần Thiếu Bảo vẽ

3. Căn bản là đường lối “kiểm soát tư tưởng văn hoá” vẫn hầu như không thay đổi!

Việc tuỳ tiện gán tội, xử sự vô lý vô văn hoá với văn nghệ sĩ vẫn tiếp diễn, gần đây có dấu hiệu trở lại thời xưa (mấy vụ kiểm duyệt triển lãm mỹ thuật gần đây, vụ đòi tiêu huỷ tranh Bùi Chát (Bùi Quang Viễn) đang xôn xao…

Rõ ràng vụ án 40 năm trước chưa kết thúc!

Công luận vẫn quan tâm vụ này đó thưa các vị.

Cuộc trao đổi trên BBC giữa tôi và cựu đại tá an ninh Thái Kế Toại hồi tháng 3/2022 đến giờ phút này có 303.333 lượt người xem! Anh Toại có giải thích bối cảnh chính trị hồi đó dẫn đến vụ án. Cũng đã có những cựu sĩ quan an ninh nói đó là do tham vọng “lập công” của vài sĩ quan hồi đó (sau họ đều lên cấp tướng)! Nhưng tôi vẫn kiên quyết cho rằng vụ án quá vô lý không thể biện minh. Và vấn đề lớn là nó xuất phát từ cả một đường lối quản chế văn hoá văn nghệ khắt khe quá đáng (Tàu Cộng khôn hơn nhiều, nó cho xuất bản văn chương khá thoải mái, trừ những nội dung chống chính quyền chống chế độ rõ rệt!). Và tôi luôn khẳng định quyền tự do sáng tác, tự do công bố tác phẩm là tiên quyết cho sự phát triển lành mạnh của văn học nghệ thuật của bất cứ quốc gia nào.

299198357_133718792698871_891759839116185851_n

Thủ bút của Hoàng Cầm

Mời quý vị theo dõi cuộc trao đổi ở link dưới đây:

Và xin đọc toàn văn bài viết cũ của tôi về vụ này tại đây:

https://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham

 

17/8/2022

H.H

Comments are closed.