Vì sao nên nỗi

Dạ Ngân

Mươi năm trước, Hàng Dương về đêm còn khiến người ta bước vào để xem hàng hàng những ngọn đèn led trên từng phần mộ đồng loạt thắp lên ánh sáng hấp thụ năng lượng mặt trời. Tĩnh lặng, thanh khiết, thiêng liêng. Một quầng sáng tựu trung nơi mộ phần chị Võ Thị Sáu lao xao người. Thả chân đến đó, một nén nhang lòng thành, Chị trinh nguyên, Chị nữ liệt, Chị tiền bối, Chị phù hộ cho mọi người cho quê hương đất nước an bình thịnh vượng nghe Chị. Đứng thành hình chữ U, bái xong, lui ngay ra để người khác bước lên. Và chỉ có thế.

Một thập niên biến dạng. Người vào thăm chỉ được mỗi ba mươi phút, đăng ký hẳn hòi và nhiêu khê như thể đi thăm bệnh trong bệnh viện. Từng toán, từng toán đặt lễ trước hoặc tự mang đến hoa trái, xôi gà, vàng mã… phải thuê người của Ban di tích kéo xe tay vào. Từ 8 giờ sáng đến 21 giờ đêm, áng có bao nhiêu toán bao nhiêu người lũ lượt cầu cúng mỗi ngày? Chị Sáu khói nhang ngút trời, còn bao nhiêu mồ mả có danh và vô danh lúp xúp ở khu A ấy đành chịu cảnh bị đứng chiếm một cách lạnh lùng. Cứ thế, ngày này chí ngày khác, đầu mối thu gom lễ vật là Hội chữ thập đỏ huyện, đến nỗi dân nghèo còn không thiết đến xôi gà bánh trái vì họ chán rồi.

Hộc tốc vào và chậm rãi bước ra khi đã không quá ba mươi phút quy định, tôi ngồi lại trên một ghế đá. Nghĩ và nghĩ. Có phải từ khi doanh nghiệp tư nhân đổi ngôi, họ cần Chị Sáu phù hộ? Có phải các kỳ Đại hội, người nhà các quan cầu khấn thành công nên thường xuyên trả lễ (và cầu tiếp)? Có phải đây cũng là thứ du lịch tâm linh mà người dân đã rỉ tai nhau và chính quyền đang rung rinh vui thích?

Không khỏi tiếc cho Yên Tử khi cáp treo đã thay cho chân người trên 136 bậc đá mới lên được chùa Hoa Yên. Không còn ý nghĩa leo núi để về nguồn với Phật hoàng và đỉnh thiêng. Người già không còn phải thử sức, người trung niên xem như một chuyến sinh thái và trai thanh gái lịch ùn ùn tìm đến ngả ngốn, để thỏa mãn rất nhiều nhu cầu của người trẻ thời smartphone cần hơn cả cơm ăn nước uống. Và cứ thế chùa Đồng phải đắp điếm thêm, núi phải bị bạt ra để làm đường bê tông rộng cho giãn người. Buồn đến mức không muốn quay lại Yên Tử nữa.

Nhớ chùa Bái Đính gọi là “điểm nhấn” của du lịch tâm linh từ 2010 trở về trước. Chính quyền phụng sự cho doanh nghiệp bao nhiêu hecta trong quyền hiến định rằng Đất đai là sở hữu toàn dân? Nhất định phải đưa thêm gỗ từ rừng Lào về, nhất định phải cơ man bệ thờ để sùy sụp khói hương và hòm công đức. Nhất định phải vô số phương tiện di chuyển để thu lợi trong khi cả khu du lịch gọi là tâm linh ấy con người không thể cuốc bộ nổi dù có thành tâm? Buồn đến mức ông chồng gàn không thèm đi cho biết Tràng An chỉ vì Bái Đính phá rừng, Bái Đính vô lối, Bái Đính không nói lên điểm tâm linh gì ngoài Giáo hội – Doanh nghiệp – và Chính quyền kinh doanh để… để làm gì ai cũng biết mà làm như không thèm biết! Và khi Tam Chúc được hệ thống báo đài vinh danh là ngôi chùa “lớn nhất thế giới” thì không ít người Việt đã tràn trề hoài nghi những cái gọi nhất thế giới của xứ này. Để ngang nhiên tiếp tục sẻ trong hiến định Sở hữu toàn dân 5.100 hecta cung phụng tiếp tục cho doanh nghiệp (kinh doanh chùa Bái Đính). Vâng, 5.100 ha! Thực sự không dám nghĩ chuyện phá rừng ở đâu đó để xây dựng, thực sự không dám nghĩ đến thanh tịnh thanh khiết thanh tao ở một nơi sẽ có nghỉ dưỡng và kinh kệ, thực sự không dám nghĩ đến số tiền cúng dường của khách thập phương liên hoàn từ Bái Đính sang Tam Chúc (cùng một Hòa thượng liên trụ trì). Và thực sự không dám nhìn lâu vào biển người nhìn từ trên cao xuống, một bầy kiến không hơn, một bầy kiến u minh, quay cuồng, trần trụi và… tuyệt vọng.

Đời sống tâm linh người Việt nếu có cái gọi là đời sống tâm linh ấy, đã biến đổi và biến dạng từ khi nào? Từ đứt gãy văn hóa làng xã và thờ cúng bởi lý lẽ vô thần đạp đổ sạch, vậy rồi bỗng dưng mọi thứ bật dậy như có âm binh điều khiển. Vậy bao giờ thì Côn Đảo và Hàng Dương sẽ thành một nơi không thể nào chịu đựng nổi với bầy kiến từ đất liền vênh vang ra cúng cầu? Buồn vô hạn, buồn đầy ứ khi nhận ra à, san sát hai bên đường chi chít tên cơ quan hoặc doanh nghiệp, thậm chí cả tên người hiến tặng sơn hẳn hoi lên ghế đá, rất nhiều ghế đá, những hàng ghế đá. Lý ra phải mộc, phải thâm nghiêm, phải đồng bộ, ấy là nhu cầu bắt buộc của một nơi gọi là Đại di tích như ở đây. À, nhu cầu có tên, như cầu có danh, trên ghế đá, bên gốc cây, ở mọi nơi có thể đã là một thứ bệnh vô phương cứu chữa ở xứ này. Có cách nào không biến dân thành kiến trong cái gọi là Du lịch tâm linh không?

Comments are closed.