Thế nào là tác phẩm nghệ thuật tốt?

Giới thiệu (lại) tác phẩm ĐƯỢC SẢN XUẤT TẠI (MADE IN) của nghệ sĩ Lee Wan

Như Huy

1- Một sáng như mọi sáng, Lee Wan, nghệ sĩ Hàn Quốc sinh năm 1979, đang ngồi ăn sáng. Bỗng ông chợt chú ý tới các bao bì đựng thức ăn ông mua về từ siêu thị. Chuối, gạo, thịt, trứng vân vân. Chuối thì sản xuất tại Thái Lan, thịt nhập từ Úc, trứng từ Đài Loan, vân vân.

2- Một ý nghĩ bừng dậy trong ông: Sự đối lập giữa nhu cầu của con người và công cụ để họ để đạt tới nhu cầu đó. Chẳng hạn, với nhu cầu đơn giản và mang tính cá nhân của con người: có một quả chuối để ăn sáng, thì để đạt tới nhu cầu đó, phải có cả một hệ thống có tính toàn cầu. Chuối từ trang trại được trồng và chăm sóc theo tiêu chuẩn. Thu hoạch. Kiểm tra. Đóng gói. Vận chuyển tàu biển tới công ty bán sỉ. Từ đó chuyển tới các nhà cung cấp khác nhau với các nhãn hiệu khác nhau. Đi kèm với đó là các chiến dịch quảng cáo, không chỉ về chất lượng của chuối, mà còn kéo theo một không gian có tính hương xa văn hoá (chuối: đại diện cho miền nhiệt đới đầy bí ẩn, cần khám phá, vân vân) – và thế là mở thêm ra các nhu cầu cho ngành công nghiệp du lịch, cứ thế, cứ thế, tới vô cùng.

3- Sự đối lập giữa một quả chuối đơn giản, và cả một hệ thống đồng bộ toàn cầu từ gieo trồng, tới tài chính, và phân phối đã khiến Lee Wan nhìn sâu xa hơn vào thế giới hiện nay. Nói chính xác hơn, ở đây, Lee Wan đã bừng tỉnh – một sự bừng tỉnh có tính khai minh – về việc con người thật ra, bất chấp việc họ đang chống và giết nhau hàng ngày bởi các lý do có tính ý thức hệ hay tôn giáo, tất cả họ, hàng ngày, thậm chí kể cả khi ngủ, đều đang bị nhốt chung trong cái lồng của chủ nghĩa tư bản tân phóng khoáng. Và đó là chiếc lồng của mọi nhu cầu thiết yếu. Tất cả các nhu cầu thiết yếu ấy, ví dụ như chỉ một hạt gạo trước khi đến với một cá nhân, chắc chắn nó phải đi qua chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu – và chính hành trình đó của hạt gạo nhỏ nhoi ấy đã đồng thời duy trì hệ thống – chiếc lồng giam con người – khi nó giúp tạo lãi cho tất cả các thành phần nằm trong chuỗi sản xuất và phân phối toàn cầu mà nó đi qua.

4- Thế nhưng câu hỏi là, nếu không có cái hệ thống “ký sinh” vào nhu cầu thiết yếu của con người đó thì sao? Chẳng sao cả. Con người KHÔNG CẦN có cái hệ thống đó để có thể tự mình thoả mãn nhu cầu của mình. Sở dĩ chúng ta không tự thoả mãn nhu cầu thiết yếu của chúng ta là bởi chúng ta đã và đang bị chìm vào trong các định kiến về sự chuyên nghiệp, về tiêu chuẩn chất lượng, về cái đẹp, cái xấu, về giai cấp, về sự tiện dụng, tiện lợi, vân vân – tức là về tất cả những gì thật sự là được kiến tạo ra bằng văn hoá, bằng văn minh, bằng súng, vân vân. Và đây chính là lõi cốt ý tưởng nơi tác phẩm tuyệt vời của Lee Wen.

5- Lee Wan đã làm gì? Ông đi sang Thái, Đài Loan, Trung Hoa, Việt Nam, Cambodia, vân vân. Mỗi nơi ông ở lại từ vài tháng đến cả năm. Ông ở lại để làm gì? Ông ở lại để học và sản xuất bằng được một sản phẩm đặc trưng của vùng đất đó. Ví dụ, khi sang Myanmar, ông đi vào mỏ vàng. Học cách đào vàng, đãi vàng, và rồi tách vàng, y như một phu vàng chính hiệu – để rồi cuối cùng làm ra được vàng. Ông đi sang Đài Loan học làm phu đường. Vào rừng chặt mía, học cách sản xuất ra được đường mía – là sản phẩm nổi tiếng của Đài Loan. Ông sang Thái học cách làm lụa, đi từ trồng dâu nuôi tằm, đến thu hoạch và dệt lụa. Ở Thái ông cũng học cách trồng lúa. Ông trở thành nông dân chính hiệu – và rồi cuối cùng sản xuất ra gạo. Ông đi sang Trung Hoa, học cách chế tác đũa kiểu, đi từ đốn gỗ, học cách chạm khắc, để rồi cuối cùng lảm ra một cặp đũa y như các cặp đũa do nghệ nhân chế tác bán cho khách du lịch. Ông từng sang Việt Nam để trồng và thu hoạch cà phê – một sản phẩm nổi tiếng của Việt Nam. Vân vân và vân vân.

6- Quá trình lao động khổ ải, để rồi, tự cải hoá bản thân trở thành các nghệ nhân, nông dân, phu vàng, thợ kim hoàn vân vân chính hiệu của Lee Wan đã đặt ra những câu hỏi và chủ đề vô cùng quan trọng cho con người và nghệ thuật. Ở đây, nghệ thuật đã thoát khỏi cái yếu tố nghệ – xét như kỹ năng (skill) – để thành ra điều gì là một với tồn tại (the is). Nghệ sĩ không đứng ngoài tác phẩm của mình. Trái lại, anh ta là một với tác phẩm. Hơn thế, anh ta tự biến cải bản thân trong quá trình hình thành “tác phẩm”. Sau khi hoàn thành một tác phẩm (ví dụ, sau khi chế tác ra một đôi đũa kiểu), anh ta đã chính là một nghệ nhân làm đũa kiểu. Sau khi sản xuất ra gạo, anh ta đã chính là một nông dân Thái Lan. Vân vân và vân vân.

7- Ngay tại nơi đây, Lee Wan đã nhắc lại sự phân biệt xưa kia của Socrates giữa triết gia đích thực và các biện sĩ (sophist). Nói ngắn gọn, các biện sĩ là những kẻ rất giỏi đặt ra các nghịch lý và có tài năng để bắt bẻ vặn vẹo ngay cả những gì hiển nhiên nhất. Tuy nhiên điểm khác duy nhất của họ với các triết gia (hiểu như là kẻ yêu chân lý) nằm ở chỗ, với các biện sĩ, sự đặt câu hỏi, sự bắt bẻ của họ chỉ là để đặt câu hỏi và bắt bẻ. Họ không tìm tới chân lý trong việc đặt câu hỏi và bắt bẻ đó. Nói cách khác, dù có thể bắt bẻ và đặt câu hỏi cho bất cứ điều gì – dù có kỹ năng vặn vẹo mọi thứ – thì bản thân họ không hề chuyển biến theo quá trình đặt câu hỏi đó. Họ và chân lý không thuộc về nhau. Trái lại, với các triết gia – người yêu chân lý đích thực –, việc đặt câu hỏi là để tìm ra chân lý, và khi chân lý xuất hiện, thì kẻ đặt câu hỏi cũng biến cải, trở thành người khác. Quá trình đối thoại kiểu Socrates (socartic dialogue) là quá trình cả hai bên đối thoại cùng nhau lần mò tìm tới chân lý, tới khoảnh khắc giác ngộ, để rồi sau đó, cả hai cùng biến cải. Quá trình này khác hoàn toàn với trò chơi logic vặn vẹo thiên về kỹ năng, mà ở đó, kẻ chơi luôn luôn đứng ra bên ngoài chân lý. Nhìn từ góc độ này, Lee Wan không dùng nghệ thuật như trò chơi vặn vẹo. Trái lại, ông dùng nó như một tiến trình đối thoại kiểu Socrates, để đi tới tận cùng chân lý, tức để làm chân lý lộ ra. Và cái chân lý ấy, đã đồng thời bao bọc lấy chính ông, và làm ông biến cải. Tác phẩm của ông bao gồm cả sự biến cải nơi chính con người trí tuệ và trên hết là sự tồn tại (the is) của ông.

8- Về mặt tác phẩm tự thân, khi được trưng bày trong phòng triển lãm với format là các bộ phim tài liệu, và các sản phẩm khiêm tốn, như một chút gạo, chút vài lụa, mẩu vàng thành phẩm, chút đường mía, vân vân, thì chính vẻ đơn sơ, đạm lạnh của nó (khác xa với các dạng tác phẩm hoành tráng đầy tính cảnh diễn, ví dụ của Huang Yong Ping [Hoàng Vĩnh Băng], hay Cai Guo-Qiang [Thái Quốc Cường]) đã mang chứa sức nặng lớn lao của chân lý. Đây chính là cái sức nặng mà Heraclitus từng gọi là polemos, và sau này Heidegger gọi là sự đối đầu, cuộc đấu (strife) của đất và cõi sống. Chính trong sự đối đầu giữa đạm lạnh và khối lượng cả thời gian lẫn công sức khủng khiếp mà nghệ sĩ phải bỏ ra, chính trong sự đối đầu giữa lõi cốt của nhu cầu đơn sơ nhất của con người và cái hệ thống tư bản tân khai phóng hùng vĩ bao trùm toàn bộ cõi sống của con người, cả vật chất, cả tinh thần, mà rồi chân lý đã xuất hiện trong hình hài của một câu hỏi tận căn: TA LÀ AI? và TA SẼ ĐI VỀ ĐÂU TRONG CÁI THẾ GIỚI DƯỜNG NHƯ HOÀN TOÀN TUYỆT VỌNG NÀY, NƠI MÀ DÙ TRONG MỘT TRÁI CHUỐI NHỎ NHOI CŨNG CHÍNH LÀ TÙ NGỤC GIAM CHÚNG TA LẠI.

9- Tuy nhiên, đồng thời, cũng ở chính trong sự thanh đạm và minh bạch nơi các “tác phẩm” của Lee Wan, ta vẫn thấy ra một lối thoát. Bất kể lúc nào con người còn biết suy tư (suy tư ở đây xét như quá trình đặt câu hỏi, quá trình đưa chính mình vào trong câu hỏi để tìm cách đối mặt với chân lý, để được chân lý biến cải) thì con người vẫn còn cơ hội. Họ có sức mạnh vô địch có thể vượt ra ngoài mọi hệ thống ngục tù. Bất kỳ khi nào họ thực sự muốn.

Có thể là hình ảnh về 1 người và ngoài trời

Trồng lúa ở Cambodia

Có thể là hình ảnh về 1 người và ngoài trời

Trồng lúa ở Cambodia

Có thể là hình ảnh về 2 người và ngoài trời

Trồng lúa ở Cambodia

Không có mô tả ảnh.

Nuôi tằm dệt lụa ở Thái Lan

Có thể là hình ảnh về 1 người và trong nhà

Nuôi tằm dệt lụa ở Thái Lan

Có thể là hình ảnh về 2 người

Nuôi tằm dệt lụa ở Thái Lan

Có thể là hình ảnh về ngọn lửa và ngoài trời

Tìm vàng ở Myanmar

Không có mô tả ảnh.

Tìm vàng ở Myanmar

Có thể là hình ảnh về 4 người, mọi người đang đứng và ngoài trời

Tìm vàng ở Myanmar

Có thể là hình ảnh về thực phẩm

Làm đường mía ở Đài Loan

Có thể là hình ảnh về văn bản cho biết '나는 설탕 한스푼과 설탕 그릇 그리고 설탕 스푼을 만드는데 한 달이라는 시간이 걸렸다. I made one spoon of sugar one sugar bowl, and one sugar spoon; and it took a month.'

Làm đường mía ở Đài Loan

Có thể là tác phẩm nghệ thuật

Không có mô tả ảnh.

Không gian triển lãm

Có thể là hình ảnh về 1 người

Không gian triển lãm

Chú thích: Hình ảnh lấy từ: https://www.doosanartcenter.com/en/exhibit/95

Comments are closed.