Căn Phòng Và Những Người Gù

Truyện

Tru Sa

Đường dài. Sâu hút. Chưa thấy lối. Cả con đường lẫn cánh cửa dẫn vào căn phòng đều được bao bọc bởi tường đá. Vách tường hai bên dày và kiên cố. Trần được xây rất cao. Chẳng ước tính được khoảng cách từ nơi chúng tôi đứng tới trần nhà vì khi nhìn lên tôi thấy vẫn xa xăm. Không có trở ngại trên đường, mọi thứ rộng mở, thoáng đãng như đại lộ xuyên Đại Dương. Ngọn đèn pha lê đặt bên ngoài rất sáng, tôi có thể nhìn rõ cả những vết rạn loang lổ hai bên vách tường. Vì đường rộng nên chúng tôi có thể đi chéo, đi theo kiểu zig zag, rồng rắn hay tập trung đi thành một đoàn. Về sau, hai bên vách tường thu hẹp lại và chúng tôi không còn có thể thoải mái đi thành một đoàn nữa. Chúng tôi chia thành từng nhóm và ít lâu thì từng nhóm vội vàng tách ra. Tôi và họ người đi trước, người đi sau. Họ đi rất nhanh và dù tôi đã lên tiếng kêu họ hãy nán lại đợi tôi thì họ vẫn tiếp tục đi. Tôi bị kẹt ở sau và chỉ còn một mình. Nhưng sẽ chẳng khẩn trương gì bởi dù sớm hay muộn thì tôi và họ cũng sẽ có mặt ở căn phòng phía trước. Chẳng những tường hai bên mà ngay cả trần nhà cũng đang thấp dần xuống. Trần hóp theo từng quãng đi. Và dần dần như vậy, tôi bắt đầu chạm tới cái trần nhà xa xăm lúc trước. Tôi ngẩng lên và thấy nó.

Trần sần sùi, thô ráp, bụi tường rụng xuống tóc và áo tôi. Tôi đã vào rất sâu. Ánh đèn pha lê đã không thể rọi tới. Ánh sáng yếu dần và tù mù như lửa ma trơi. Tôi cúi người thấp xuống để tránh cộc vào trần nhà. Hai bên vách tường đã ở rất sát tôi và khi tôi rờ tay thì chạm vào nó. Con đường trở nên chật chội, trần nhà hạ thấp theo độ hóp hai bên vách tường. Căn phòng bắt đầu hiện ra nhưng với tình cảnh khốn đốn này rất có thể tôi phải bỏ cuộc. Tôi dừng lại, nghỉ ngơi một chút để lấy sức. Vì phần đường này rất hẹp, lại chẳng có lỗ thông hơi nên tôi bắt đầu thấy khó thở. Không khí như bị hút cạn thành cái lò hơi ngạt. Ngay tới một làn gió nhỏ cũng chỉ có được khi tôi dùng tay quạt. Chiếc áo độc nhất trên người tôi đã xé bỏ nhưng vẫn chẳng thấy dễ chịu hơn chút nào. Để thuận đường, tôi cúi thấp xuống để đi. Tôi dần thấy rõ căn phòng. Cửa phòng mở sẵn như đón chào tôi. Thực ra tôi muốn đi thẳng người cho thoải mái nhưng cái địa hình hiện giờ thì đâu dễ dàng mà chiều lòng tôi. Tôi dành một khoảng thời gian để mình thích nghi với lối cấu trúc đường quái gở này. Tường và trần cứ hẹp dần lại, ở những đoạn đường khó tôi đã khom người thấp đến mức lọt vào thế ngồi xổm. Nếu như đường dốc, rất có thể tôi sẽ lăn đi như quả bóng. Đoạn đường chật đi nhưng cũng hẹp và ngắn đến mức chỉ một cái nhoài người là tóm được cửa căn phòng. Trong màu tối đen, tôi thành con dơi đi ăn đêm, đói đến mức lót dạ cả bóng tối.

Bây giờ thì tôi đã vào trong căn phòng.

Căn phòng rộng và sáng sủa. Trong đây có rất nhiều người nhưng không quan trọng gì vì mỗi chúng tôi đều có một khoảng rộng cho riêng mình. Có một bức tường lớn ngăn giữa các căn phòng. Mỗi gian buồng trong căn phòng đều có cửa thông ra hành lang, tôi thường ra đó để bắt chuyện với những người khác. Tôi gặp lại vài người bạn đường. Sau mấy câu chào hỏi khi giáp mặt, tôi và họ liền cố thủ bằng cách đi qua nhau. Cái tủ đặt ở góc phòng lúc nào cũng đầy ắp thức ăn và đều là thượng phẩm. Tôi đã tẩm bổ nhiều loại dinh dưỡng và có một chế độ thể thao, lưng của tôi vẫn không thể duỗi thẳng như bình thường. Cái lưng tôi cong xuống như người bị tật bẩm sinh. Tôi chẳng phải động tay vào việc gì. Mọi thứ đều giao cho người giúp việc. Họ là người làm thuê cho nơi đây nên tuyệt đối nghe lời. Họ chẳng bao giờ nói quá nhiều và chỉ làm việc. Lúc mới đầu tôi còn cảm thấy khó hiểu về sự im lặng nơi họ nhưng khi biết tới nguyên tắc ở căn phòng thì tôi hiểu cả.

1. Những ai không thuộc về căn phòng tuyệt đối không được nói nếu người chủ căn phòng chưa cho phép.

2. Những người không thuộc về căn phòng không được ghi nhớ bất kì điều gì, ngoài mệnh lệnh của người chủ căn phòng.

Thứ nguyên tắc kì quặc này tôi đã phải mất khá lâu để làm quen. Những người giúp việc rất tận tụy. Họ có thể cả năm chỉ làm một công việc mà không ngán. Tất cả họ đều rất khoẻ mạnh nhưng dáng đi lại lom khom và khi tôi đứng dậy thì họ cúi thấp xuống để không cao hơn tôi. Tôi vẫn băn khoăn về những nguyên tắc của căn phòng, hẳn là tới ba nguyên tắc chứ không phải hai, nhưng thật khôi hài khi nghĩ rằng việc đi đứng cũng là một nguyên tắc quan trọng. Một nơi trang nghiêm như căn phòng này tất nhiên sẽ phải có rất nhiều nguyên tắc. Tôi có làm quen với một người lớn tuổi trong căn phòng. Bắt chuyện thường xuyên nên hai chúng tôi thành thân. Ông ấy đã kể cho tôi về những điều khoản hà khắc ở căn phòng. Rất lâu về trước, căn phòng này có hàng tá những nguyên tắc. Nó được ghi trên bản thông cáo và dán khắp nơi nhưng bụi bặm thời gian đã làm nhòa đi những con chữ. Các bậc bề trên, những người đã xây nên nơi này đã tổ chức nhiều cuộc họp. Có cả các cuộc xung đột vũ trang và điều này là một bí mật. Họ đã cùng tranh luận và quyết định loại đi phần lớn các nguyên tắc. Các nguyên tắc còn lại được ghi chép, trở thành thứ luật lệ bất biến, thép hơn cả quân đội. Chúng, số nguyên tắc ngắn đoạn dành cho những đầy tớ của căn phòng. Mỗi người vào làm đều phải thuộc làu và trước khi chính thức thân phận, từng người phải ký thác hết cái tên, dấu vân tay để chứng nhận lòng tận trung với người chủ căn phòng. Thân phận mới, cuộc đời mới của họ là nơi người chủ căn phòng.

Những người chủ căn phòng cũng có ràng buộc nhưng đó chỉ là

Không được bằng bất cứ lý do gì xâm phạm vào phòng của người cùng phòng.

Tôi xin đính chính, ở đây là một căn phòng nhưng lại có các căn phòng nhỏ khác. Những căn phòng này rộng đều nhau và đều thuộc phạm vi quản lý của mỗi người chúng tôi. Duy nhất chỉ có một nguyên tắc là dành cho chúng tôi và vì lẽ đó chúng tôi phải tuân theo vô điều kiện. Nguyên tắc này truyền miệng, không có văn bản ghi lại nhưng không ai được phép quên. Chúng tôi buộc phải khắc sâu trong não, cả khi chúng tôi già đi và bắt đầu lão hóa, nguyên tắc này vẫn phải ở lại. Cuối căn phòng, tức là ở cuối hành lang nơi tôi và những người khác vẫn thường ra đó, còn có các cánh cửa khác. Chúng được xây cạnh nhau, tạo thành một hàng. Các cánh cửa được xây lớn dần. Tôi chẳng bao giờ mở chúng và tôi biết, mỗi cánh cửa đó đều dẫn tới một căn phòng khác. Để vào căn phòng đó, phải băng hết một con đường. Cũng như con đường dẫn tới nơi này nhưng sẽ hiểm hóc, trúc trắc hơn. Với những gì tôi nghe được từ những người cùng phòng thì đường ở những cánh cửa lớn gần cuối rất khó đi. “Tôi kể nhưng cậu đừng nói với ai và dù thế nào cũng đừng tiết lộ tôi ra…” – Người gù lớn tuổi nói với tôi. Đáng lẽ tôi không tin nhưng vẻ mặt nghiêm trọng, có gì đó lấm lét và e dè của ông ta đã chắc chắn những gì tôi nghe được. Con đường đấy sâu hun hút và không hề có ánh sáng. Vách tường hai bên và trần nhà hẹp từ ngoài và càng vào sâu càng co lại. Độ co nơi đấy rất mạnh, thậm chí tường và trần còn hẹp tới mức chỉ có thể co ro một chỗ. Việc huơ tay ra xa, quay trái, quay phải đều rất khó còn đứng thẳng người thì gần như là một điều hoang tưởng. “Vào đấy, đã không còn là chuyện đi đường nữa, đấy là một cuộc sinh tồn để đứng ngạo nghễ…” – Người gù lớn tuổi nói với tôi như thế. Tôi chỉ nghe, và gật đầu.

Căn bệnh quái gở không rõ từ đâu đang hành hạ tôi mỗi ngày. Cái lưng gù xuống, chỉ làm tôi thấp đi một chút. Tôi thế này đã là may chán. Bệnh gù của những người ở sau những cánh cửa kia mới đáng bàn. Cái lưng của họ cong gập xuống, hầu như chỉ có thể ngồi một chỗ. Những người gù chúng tôi đều vậy cả, chỉ là họ bị nặng quá và tôi lấy làm thương cảm cho họ dù rằng những gì về họ tôi chỉ được nghe.

Cái lưng quá gù khiến tôi vất vả với việc đi lại. Lưng những người ở căn phòng sau cánh cửa lớn gần cuối còn sụm hẳn xuống, cong như cái compa. Mỗi khi muốn đi đâu, đều phải có người dìu. Có người còn mãn đời trong chiếc xe lăn, rõ ràng họ không què, đấy chỉ là chứng gù gãy cột sống. Những thân người kì dị đó lớn hơn chúng tôi và những gì về họ, ngoài dáng dấp thì chỉ có sự thần phục dù sẽ chẳng bao giờ họ lộ diện để chúng tôi một lần được thấy. Tôi từng nghĩ sẽ tới bệnh viện chữa trị. Đấy có thể là biện pháp tốt nhất nhưng cũng viển vông. “Có hài hước đến đâu thì cậu cũng đừng đùa khờ khạo như vậy. Cậu ở đây lâu rồi. Cậu cũng xa quá rồi cái thời trẻ con. Quên nó đi”. Người gù lớn tuổi nói vậy và tôi lặng đi một lúc lâu. Chẳng rõ căn bệnh có khỏi hẳn không mà tôi phải rời khỏi căn phòng này.

Nhiều năm trôi qua tôi cũng dần làm quen với căn bệnh này. Cái lưng của tôi chỉ hơi khom như thoái hóa trước tuổi, tôi vẫn có thể tự đi lại. Những người bạn cùng phòng dạo này tôi không mấy gặp. Người gù lớn tuổi trước giờ vẫn trò chuyện với tôi cũng vắng mặt. Hẳn là ông ta đang bận rộn trong phòng hoặc không thì cũng đang vui thú với một cô gái nào đó đến nỗi quên hết tất cả. Tôi ngồi trong căn phòng của mình. Kể từ lúc đi qua con đường để vào căn phòng tôi đã chẳng phải làm gì nhiều, việc sổ sách đã có những người giúp việc. Công việc chính của tôi chỉ là nhận giấy tờ và ký tên. Tôi được ăn ngon, mặc quần áo đẹp và nếu tôi có nhu cầu, sẽ có hàng tá các cô gái trẻ đẹp hầu hạ tôi ngày cũng như đêm. Tôi xé một tờ giấy và bắt đầu vẽ. Mấy người giúp việc luôn trực sẵn phía ngoài, chờ đợi mệnh lệnh của tôi. Gần đây tôi không cạo râu, tóc cũng không cắt nên trông khá luộm thuộm. Tóc tôi xổ dài ra sau, phần mái phủ xuống, đôi khi những lọn tóc chọc xuống mắt gây khó chịu. Râu mọc tua tủa dưới cằm, ở hai bên mép thì râu khá dày và cứng. Tôi không soi gương vì không muốn nhìn thấy bộ dạng xấu xí của mình nhưng chiều nay tôi sẽ nhờ một người giúp việc cắt tóc và râu. Tôi sẽ nhờ họ thiết kế lại kiểu tóc trẻ trung hơn.

Mỗi người giúp việc ở đây đều có chuyên môn, họ thông thạo nhiều lĩnh vực nhưng rốt cùng họ cũng chỉ là người giúp việc. Người gù lớn tuổi từng nói với tôi “Đừng bao giờ coi rẻ họ. Nhiều người còn rất tài ba, chỉ là họ không đi hết con đường dẫn tới căn phòng này.”. Lúc đó tôi hỏi “Vậy tại sao họ có ở đây?”. Người gù lớn tuổi im lặng. Tôi cũng không hỏi thêm. Một lát, tôi thấy ông ta châm thuốc hút. Một hơi rít dài, ngốn tới đầu lọc. Bức vẽ cuối cùng cũng xong. Tôi buông bút, cầm tờ giấy ngắm nghía hồi lâu. Các đường bút nghuệch ngoạc, vì tôi vẽ tay nên các đường thẳng đều chệch ra ngoài nhìn rất méo mó. Không thể gọi là bức tranh được vì tôi chưa phối màu, cũng không vẽ cụ thể một người hay một vật nào nhưng gọi đó là phác thảo cũng chưa phải vì nhìn kĩ thì đâu có gì trong đó. Đơn giản tôi chỉ dựng một bản sơ đồ về căn phòng này. Có lẽ chẳng thật chính xác nhưng tôi đã đại khái được: Căn phòng này chỉ có một đường thẳng nằm ngang. Có một lớp tường kiên cố nằm chắn từng nơi trong căn phòng và mỗi vị trí nhỏ trong căn phòng đó là chúng tôi. Phía cuối căn phòng là những cánh cửa. Chúng dẫn tới một căn phòng khác và căn phòng đó cũng bố trí như vậy. Chỉ khác là các phòng sau những cánh cửa sắt xếp cao dần đó sẽ tiện nghi, nhiều của cải và có ghế nạm vảy rồng. Mọi thứ xếp theo một đường thẳng nhưng sự sắp xếp theo trật tự lại giống gia phả của một dòng tộc. Sự phân bố này chẳng rạch ròi nhưng quy củ và phi lí hệt như một vương triều tối cổ, hoàng đế là kẻ lõa lồ.

Nhìn từ ngoài hành lang căn phòng mình, tôi chỉ thấy một màu thăm thẳm. Hôm nay chỉ có một vài người đứng hành lang. Họ trông lạ hoắc. Có lẽ họ là người mới đến. Phía sau tôi là một lớp tường dày và không hề có một cánh cửa nào. Cửa sổ là lỗ thông hơi duy nhất ở căn phòng này. Cái cửa bằng thép đặc và được khóa dù không có ổ khóa. Cửa sổ không bao giờ mở, chỉ có những khe hở trên cửa là mở. Các khe đủ rộng để nhòm ra ngoài và đủ rộng để dưỡng khí, gió, mưa và nắng thổi được vào trong. Người ở đây thường đứng trước khe cửa để hớp gió, liếm mưa khi quá nhớ mùi gió mưa. Dãy hành lang kéo dài và không rõ tại sao tôi cảm thấy ngày một dốc xuống. Một cơn chóng mặt đột ngột đến, tôi thấy đầu óc xây xẩm. Những cánh cửa nằm cuối căn phòng còn núp trong vùng tối. Những người gù khác vẫn đứng ở hành lang nhưng tôi chẳng trông rõ họ nữa. Cơn chóng mặt quái lạ ngày một nặng nề. Tôi thấy buồn nôn. Bước chân tôi bắt đầu loạng choạng. Những người gù quanh đấy vẫn ở một chỗ nhưng thân hình họ thì uốn éo như mảnh trăng triết học. Tiếng trò chuyện của họ thất lạc vào nhau, ngay cả những viên gạch lát sàn cũng dần biến dạng. Ánh sáng của những ngọn đèn treo trên trần vốn màu vàng óng nhưng cơn chóng mặt đã làm nhiễu thị giác của tôi. Thứ màu óng ả mờ đi và trắng đục sương giá. Những bóng người, bờ tường cũng trắng muốt như ảnh mù trong sương. Tôi đứng lại, bóp trán nhưng không sao tỉnh táo lại được. Luồng sáng phủ dày vào màn đêm. Phía trước vẫn một hố đen hun hút còn màu trăng trắng bao xung quanh theo đường vòng tròn. Tri giác tôi phác ra một con rắn dài quá cỡ bò vòng tròn rồi bò xoắn lại, xoắn mãi theo phương vỏ ốc. Tôi đi tiếp… Đi tiếp… Những cánh cửa hiện ra, rõ dần dần. Cơn chóng mặt dịu hẳn. Để tỉnh táo hơn tôi đã dừng lại, hít một hơi sâu rồi thở từ từ. Có đến mười hai cánh cửa. Chúng xây cạnh nhau. Tôi sờ vào cánh cửa thì chợt giật mình. Cánh cửa tôi nắm là cánh cửa thứ sáu, tính từ ngoài vào. Khi tay chạm cửa tôi đã có một cảm giác lạ lùng. Lớp sắt lạnh và cứng, hơi gai gai nhưng đó không phải nguyên nhân. Một cái gì đấy truyền vào tôi. Nó chạy dai dẳng chừng nào tôi còn chạm vào nắm kéo cửa. Mọi khớp xương tê rần và khi luồng cảm giác chạy sâu hơn, thấu đến buồng tim, tôi thấy như có một chấn động. Một lực va chạm vừa đủ để tách từng mảnh tim ra, nhưng đó không phải cảm giác của người đang hấp hối, chịu sự uy hiếp từ mảnh lưỡi hái vung cao. Vẫn có sự sảng khoái, chen vào cảm giác khiếp đảm khi trái tim bị xẻ đôi. Nó rất nhỏ, thoi thóp như hơi thở của cuộc đời sắp mất tên khỏi cõi người. Tôi nắm bắt được. Thứ cảm giác mong manh, như cận kề sinh tử nhưng cũng đã đầy và lâng lâng như vươn thành người khổng lồ, đi đến đâu đập phá đến đấy trong khi thế gian vẫn ngưỡng vọng coi đấy là công trình Sáng Thế. Tôi có thể đập, đập vỡ, đập tan, đập nát bét. Không ai níu, không ai cản. Tôi, con Xích Long quẫy mình gặm nhai cả thế giới, thách thức cả Chúa. Đúng. Tôi ngại gì không vươn mình lên nước Chúa. Đập tan cả nước Chúa, xóa sổ cả nước Chúa và gieo giống muôn loài bằng… Khi tôi nắm chặt hơn vào nắm cửa hòng kéo cả cánh cửa ra thì cơn chấn động nơi buồng tim dội mạnh lên. Hơi thở tôi tắc nghẽn. Các múi cơ giữ trái tim đứng yên trong lồng ngực đứt dần từng sợi. Tiếng đứt đoạn vang rất kêu, hệt như tiếng đứt của dây đàn. Một cơn lốc và tôi thấy mình xoay vòng trong cực khoái. Từng chút một… Tôi buông tay khỏi nắm kéo cửa và giật lùi vài bước. Khá lâu sau tôi mới có thể hít thở bình thường. Cơn hoa mắt dần tan biến. Hẳn đấy chỉ là một sóng ảo giác hoặc một dạng mê sảng tâm lý, thế nhưng không gì giấu được rằng tôi đã thích thú, thấy được thỏa mãn. Tôi giơ bàn tay, tiến lại gần cánh cửa. Một bước nhích lên, tôi lùi xuống. Một bước lùi, tôi lại tiến. Tiến rồi lùi, lùi rồi tiến. Kho báu ở trước mặt, có thằng ngu nào làm ngơ. Tôi có nguyện làm thằng ngu, hay đang cố tỏ vẻ làm một thằng ngu chín mạng…

“Ái chà! Cậu muốn đi vào phòng số sáu hả?”.

Người gù lớn tuổi đứng sau tôi, đột ngột từ khi nào.

“Ông đã bao giờ nắm vào các cánh cửa?”.

“Tôi mới chỉ dừng ở cánh cửa thứ hai”.

Tôi run rẩy, hơi thở vẫn ngắt quãng

“Nó thật là…”.

“Quên nó đi!”- Người gù lớn tuổi nói – «Cậu hãy bắt đầu từ cánh cửa thứ nhất”.

Tôi nhìn ra, lắc đầu nguây nguẩy.

“Hiện thời cậu chưa thể vào được những căn phòng lớn hơn đâu”.

“Phía trước thì có tới mười hai cánh cửa vậy sao đằng sau thì ngay cả một cái cửa hỏng cũng không có”.

“Quên nó đi”.

Người gù lớn tuổi đi tới, nắm từng cánh cửa. Ở cánh cửa thứ nhất vẻ mặt ông ta bình thản, tới cánh cửa thứ hai trông ông ta có vẻ khó chịu. Mỗi một cánh cửa tóm được, ông ta đùa giỡn bằng cách lật ra lật vào. Có thể ông ta muốn khoe mẽ với một người yếu thế hơn, là tôi, hoặc ông ta đang bộc lộ mình với người tri âm, là tôi. Giữ cánh cửa mở một lúc, ông ta khép nó lại như cũ. Cánh cửa thứ ba có vẻ không suôn sẻ, gương mặt ông ta tái lại, bàn tay dù đã cố nắm chặt nhưng vẫn không giấu được những cái run lập cập của người sắp chết cóng. Ông ta mím môi, những đường gân hằn rõ trên khuôn mặt, thân hình ông ta co giật. “Ây chà !” – Người gù lớn tuổi kêu lên rồi buông ra. Ông ta thở hồng hộc. Hẳn là ông ta sẽ ngã bổ nhào nếu không dựa vào tôi.

“Tôi vẫn chưa vượt qua được!”.

“Thật ma quỷ!” – Tôi nói.

“Nhưng rồi tôi sẽ có được nó, cánh cửa mười hai…”.

Tôi nói:

“Việc nắm cửa đã khó như vậy thì làm sao mà đi qua được con đường bên trong chứ?”.

“Có thể. Tôi dám chắc, nếu cậu chán nơi này rồi ».

“Ông cũng…”.

“Ai trong căn phòng này chẳng muốn vậy, tôi chắc cậu tìm đến đây không phải vì đã quên mất phòng mình ở đâu”.

Tôi quay mặt, im lặng hồi lâu rồi nói “Về thôi chứ, tôi đói lắm rồi”.

Tôi và người gù lớn tuổi quay lại phòng của mình. Trước khi đi ông ta nhìn những cánh cửa và gườm mắt như muốn gửi lại một lời thách thức.

“Bao nhiêu người đã đi vào đó rồi”.

“Nhiều”.

“Họ đều tới đích cả ư?”.

“Tôi không chắc vì chưa ai trở lại”.

“Nếu họ bỏ cuộc giữa chừng hay quay về thì sao, ý tôi là nếu lúc nào đó họ muốn trở về thăm bạn của mình”.

“Con đường trong đó không có cửa sau, và cậu lại nghĩ đi đâu thế, bạn ư? Vặt vãnh, tào lao”.

Tôi đi chậm lại. Chúng tôi đã đi được một quãng xa. Những ngọn đèn gắn quanh đó vẫn tỏa sáng đều đều. Nhiều câu hỏi chạy vào óc tôi và lớn dần lên, không ngừng quanh quẩn. Như một vùng vẫy để không vô vọng, tôi một lần nữa bắt chuyện với người gù lớn tuổi.

“Không có đường ra thật ư? Không ai muốn ra…”.

Người gù lớn tuổi khựng lại.

“Cậu đang đùa đấy ư?”.

“Theo ông…”.

Khuôn mặt ông ta cau lại, đôi mắt già nua hằn lên những tia giận dữ.

“Nếu là một trò đùa thì quên ngay đi, còn thì cậu đáng bị xóa sổ và tôi sẽ nhân danh căn phòng và những người gù”.

Tôi im lặng hồi lâu rồi quay đi, lảng tránh ánh nhìn của ông ta. “Đùa… Phải, té ra cũng chỉ là trò đùa…”.

Khuôn mặt ông ta bớt căng thẳng. Bàn tay nắm thành quả chùy lỏng ra rồi xoa đầu tôi, không quên một nụ cười hiền. Bàn tay rất nóng, tôi không chắc về sự ấm áp nhưng trước khi xòe ngọn lửa, ông ta đã có một thứ rực lửa, tiếng phượng lửa bị bóp chết chẳng hạn… Tôi không nói thêm và ông ta cũng im lặng. Chúng tôi đi tiếp. Bước chân tôi chậm lại, nhiều lúc chỉ có tiếng dép di dưới nền gạch. Đi được một quãng xa ông ta dừng lại, giục tôi đi nhanh lên.

Tôi nhìn về phía ô cửa sổ. Những kẽ cửa sổ dội gió lạnh. “Tôi muốn đứng đây một lát”.

“Này, lại đi tìm cửa phải không?”  – Người gù lớn tuổi cười với tôi.

“Cứ cho là vậy đi” – Tôi quay đi để tránh ông ta nhìn thấy nét mặt mình. 

Người gù lớn tuổi cười một tiếng to, vẫy tay rồi đi. Thân hình lom khom xa dần, trở thành một dấu nhỏ xíu và mất ngút như đã vào hư vô.

Tôi chống tay vào bậu cửa, cơn chóng mặt trở lại. Người ở các phòng gần đó bước ra ngoài. Họ đi về cuối hành lang và tìm tới những cánh cửa.

Các bức tường đã bao quanh đường lui của chúng tôi cả rồi. Những bóng người qua lại, xôn xao một lúc rồi nín lặng. Chiếc đèn chùm treo lơ lửng trên trần vẫn tỏa sáng. Tôi lủi thủi đi, lưng gập xuống. Họng tôi nôn nao. Tôi đưa tay lên, cắn vào phần thịt ở cổ tay. Hàm răng nghiến lại, xẻo đi một miếng thịt. Máu trườn qua những kẽ ngón tay, rơi thành một vũng nhỏ dưới nền gạch. Cơn chóng mặt khiến mắt tôi hoa lên. Tôi thấy dãy hành lang uốn éo, các cánh cửa phòng mờ ảo như bóng ma. Ngoảnh lại phía sau, mười hai cánh cửa sắt vẫn ở đó. Từ chỗ tôi đứng nhìn ra thấy đường dốc không ngờ. Quãng hành lang dốc dần xuống. Các cánh cửa dù đã ở xa nhưng nhìn vẫn lừng lững, đồ sộ, đầy cám dỗ. Mười hai cánh cửa nhân đôi. Miếng thịt chưa nhổ ra ngoài, cũng chưa trôi xuống bụng. Nó kẹt ở miệng, lẫn trong máu và nước bọt. Tôi nhìn về phía trước thấy bức tường chắn, nhìn ra sau thấy những cánh cửa, nhìn sang trái thấy các cửa sổ bọc thép, nhìn sang phải thấy những cửa phòng im lìm như cái miệng bị khâu bằng dây đàn. Tôi nhìn từng phía lần nữa, lần nữa, rồi lần nữa. Miếng thịt vẫn kẹt trong miệng, lúc đầu tôi đưa qua đưa lại miếng thịt va vào hai vòm miệng, kêu lóc bóc. Cặp mắt tôi mờ đi và dần đờ đẫn. Tôi không rõ mình đang đứng về phía nào, đâu mới là đường trở về căn phòng, đâu mới là đường dẫn đến mười hai cánh cửa. Không, mười hai lối ra vào đã nhân đôi. Đâu là đâu? Trái, phải ở đâu? Phải trái ở đâu? Cửa bọc tứ phía, và tôi tưởng rằng chúng đang đóng gập tôi lại, nhồi thành cái bánh kẹp người gù. Mắt tôi tối dần. Rõ ràng là tôi đang đi nhưng không rõ về đâu. Hành lang gấp khúc, kéo dài như dãy mê cung, còn tôi thì vẫn tiếp tục đi, tấm lưng oặt xuống. Tôi không thấy ánh sáng từ những chiếc đèn chùm nữa. Bốn bức tường ép chặt lại, trần nhà đổ dần xuống. Minh mẫn cuối cùng còn sót lại trong tôi đã chỉ báo rằng tôi đang lao đi. Tôi chỉ không rõ mình đang chạy hay có ai đó đẩy từ phía sau. Tôi phi vun vút như đang trượt ván từ đỉnh tuyết dốc thăm thẳm. Gió rít ngược chiều. Gió lạnh và sắc, hai tai tôi tê dại rồi mất mọi cảm giác, có phải gió đã phạt cụt… Mấy mảnh sáng cuối cùng tắt biến từ bao giờ. Ai đó nói vào tai tôi. Một câu, thêm một câu, rồi một câu nữa. Tôi có lên tiếng nhưng không nghe thấy tiếng mình. Mấy tiếng nói vẫn chưa dứt và lặp đi lặp lại như muốn ra lệnh cho tôi phải làm theo… Mọi suy nghĩ đều đảo lộn, không ngừng chồng chéo, chắp vá lên nhau. Tôi không nghe thấy gì nữa. Ký ức bắt đầu lu mờ, cả nhịp tim, tiếng thở cũng mờ trắng và bã nhờ như chưa từng tồn tại.

Trong lúc tôi cố xoay mình lội ngược bão thì vướng vào một bề mặt chẳng quá cứng, không quá mềm nhưng đủ rắn để cản tôi. Lối đi đã ép chặt tôi rồi, dường như phía sau ngoài lực thốc quá mạnh còn có các vật cản không ngừng thúc lên. Tất thảy tối đen như bị bịt mắt. Bàn tay tôi không lần thấy gì và khi chạm tay thì ngay tức khắc tôi bị đẩy bật lên. Lại một tiếng nói lạ hoắc nện vào tai, cái lưng gù bị tống một cú mạnh như nhát búa khai sơn phá thạch. Tôi vươn hai tay ép chặt hai bờ tường hẹp, để kềm mình lại. Bầu trời đổ xuống, rắn thành bức tường thép. Tôi chống lưng đỡ trời trong tiếng xương vỡ cột sống. Sự cố gắng chật vật này đã giúp tôi dừng để hít thở. Chính lúc này tôi nghe được nhiều tiếng hơn. Các khối hình kẹt lại phía sau không ngừng ùn lên ùn xuống. Đôi tay tôi vẫn sải dài như cánh đại bàng. Tôi trở thành tảng đá án ngữ lối đi. Tiếng nhốn nháo đổ dồn và vỡ vụn. Lực húc phía sau điên cuồng hơn. Trước khi đôi tay trượt khỏi hai bức vách, tiếp tục bị kéo lết, tôi đã dồn sức lật người về sau. Cú trở mình của con rùa tự lật mai, hoặc cái đảo người vùng bay lên bầu trời của con chim bị đá ném gãy cánh. Trong cái nhích kim đấy, ánh nến từ đâu lóe ra. Những khối cản đằng sau lồ lộ như bộ mặt ẩn bị kéo ra ngoài. Mắt đâm xoáy vào mắt. Ánh nến tắt phụp. Ai đã nuốt mất sợi bấc hay nến đã chảy hết chỉ trong một chớp nhoáng, như một hiến sinh để mắt tôi sáng lại. Bóng tối xiết thòng lọng và lôi tất cả vào hang. Miệng tôi há ra, chưa thốt được chữ trong đầu thì ngay tức khắc bị quật xuống. Lồng ngực tôi bị nện xuống nền đá và lạnh hơn nền đá. Nhiều vật đi trên người tôi. Tôi gãy vụn dưới những vật đang phóng ùn ùn về phía có cửa. Tôi với tay. Tôi gọi. Tôi bẹp dưới nền đá. Tôi lạnh hơn cả lồng ngực vốn lạnh như đóng băng cả nền đá lạnh. Dáng vóc người gù biến dạng rồi biến mất. Quên nó đi… Quên. Không, tôi không quên. Đùa… Đùa. Không, tôi không đùa. Tôi vùng đứng lên và bị quật xuống. Cú ngã này khiến tôi im lìm, cứng đơ như cắm thẳng vào lòng đất. Lực gió cuốn tôi dễ dàng như nắm cẳng chân, giật tung khỏi mả và kéo lê lết, quăng quật khắp nơi chốn cho đến khi mọi xương xẩu lìa tan nát.

Đường dài. Sâu hút. Tối đen.

Cột sống bẻ gập hóa rồng.

Tương lai…

Comments are closed.