VĂN HỌC MIỀN NAM 1954-1975 (50): Những ngôi mả tổ

Truyện ngắn

Bình-nguyên Lộc

Sáng hôm ấy, dân trong xóm Sỏi đang không làm gì cả, vì mùa lúa đã mãn từ hơn một tháng rồi, thì rất ngạc nhiên mà thấy ba người đàn ông mặc Âu phục đi vòng quanh xóm.

Xóm cất trên một cái gò thấp nhưng vẫn nằm cao hơn ruộng chung quanh. Gò rộng độ bốn mẫu, hình tròn không đều nhưng những kẻ đi vòng quanh đó cũng có vẻ đánh nhiều vòng tròn như các ông thầy chùa chạy Kim Đàng.

Đây là một xóm đèo heo hút gió, nhưng người dân ở đây vẫn thường thấy người ở thành thị, những người đi săn, thỉnh thoảng ghé qua đó để xin vài tô nước, đi mua một con gà, hoặc để thuê một chiếc xe bò, loại xe chà rẹc đi vào rừng kéo một con thịt lớn mà họ săn được, cọp hoặc nai to chẳng hạn.

Nhưng hôm nay họ lấy làm lạ lắm là ba kẻ lạ mặt cứ đi vòng quanh xóm mãi chớ không vào xóm. Ba kẻ ấy lại không có mang súng, nghĩa là không có vẻ gì là thợ săn cả.

Cả ba đi trên ruộng khô – ruộng nầy cũng là ruộng gò, tức ruộng cao ở ven rừng – nằm sát bờ gò xóm Sỏi.

Cả ba người đều cúi gầm mặt xuống đất như để tìm kiếm tiền bạc gì mà họ đánh rơi dưới ấy lúc nào không rõ. Thỉnh thoảng một người cúi xuống lượm cái gì lên xem, có lẽ là một hòn sỏi, rồi họ trao tay nhau món ấy, rồi họ bàn tán với nhau rất lâu.

Dân trong xóm hơi sợ, dĩ nhiên là họ sợ cái gì mà họ không thể đoán được, con người vẫn thế. Vào rừng, họ biết có thể gặp cọp, nhưng họ không lo bằng khi họ vào thành phố Sài gòn chẳng hạn, mà họ không biết cái gì đang đợi họ ở đó.

Cái trò đi vòng quanh xóm kéo dài hơn một tiếng đồng hồ thì có chuyện lạ xảy ra: ba kẻ lạ mặt quả quyết bước lên gò để vô xóm.

Xóm Sỏi chỉ đông có năm cái nhà thôi. Nói nhà để nghe cho sang trọng chơi vậy chớ đó chỉ là năm cái chòi. Chòi cất bằng tre, không cửa, không vách, lợp bằng tranh, tức làm toàn bằng vật liệu tìm được tại chỗ dễ dàng, không tốn của mà cũng chẳng tốn công là bao nhiêu. Nhưng dân ở đây nghèo khổ quá nên họ không buồn nghĩ tới tiện nghi. Họ là tá điền, chủ ruộng ở xa lắm, mà là thứ tá điền hạng bét vì ruộng gò rất thất lúa, cho nên chủ ruộng mà còn không đong được bao nhiêu giạ thóc sau mùa gặt hai mươi mẫu ruộng khô ở đây thì nói chi tá điền họ thường không đủ lúa ăn tới sáu tháng.

Ruộng rừng bị nai và heo rừng phá lúa dữ quá, canh gác không xuể, chỉ đành đánh bẫy chúng để ăn thịt trừ cơm, nhưng ăn bao nhiêu cũng không hết thú rừng nên họ nhẫn nại chịu số phận vậy.

Dân số trong xóm, đếm đầu được hai mươi mạng, vừa già, vừa trẻ, vừa nữ, vừa nam. Người mình rất đông con, nhứt là trong giới nghèo. Nhưng nghèo vừa kìa, chớ nghèo sát đất như dân xóm Sỏi thì lại hiếm con.

Đáng lý gì năm gia đình nầy gồm ít lắm là bốn mươi người, vậy mà số nhân khẩu ở đây không bao giờ vượt lên khỏi hai mươi. Khí hậu bất bao dong ở đây, nhứt là bịnh sốt rét rừng, cọng với nghèo đói, tàn phá sức khỏe của người dân nên đường tử tức của đàn bà bị giảm, mà họ có đẻ đi nữa, con cái của họ cũng yểu tử vì hoàn cảnh, vì thọ khí bẩm không tốt của cha mẹ chúng. Vậy mà xóm nầy là một xóm rất lâu đời, bằng vào những nấm mộ sau xóm, đông đúc bằng mười lần dân số hiện tại, mà nấm mộ nào cũng có chủ cả, nghĩa là người ngày nay là con cháu của những kẻ đã sanh cư ở đây từ thuở nào rồi.

Chó trong xóm từ nãy tới giờ chỉ đứng ở các sân nhà mà sủa cầm chừng kẻ lạ mặt ngoài xa. Giờ thấy họ vào xóm, chúng đổ xô ra mà sủa dữ dội. Trẻ con sợ hãi, níu áo mẹ, còn người lớn thì hồi hộp mong đợi coi việc gì xảy ra. Ở đây buồn quá, một bác thợ săn ghé lại xin một tô nước cũng đủ làm huyên náo cả xóm rồi, và đó là một “biến cố” hay ho, giúp họ dùng làm đầu đề câu chuyện cả tuần, phương chi ba người nầy có vẻ bí mật, lạ lùng, thì “biến cố” có thể đáng kể hơn nhiều lắm.

Ba kẻ lạ mặt vào ngay nhà Tư Hoặc là cái nhà ngói ở đầu xóm. Sân không có rào, nên họ khỏi gọi cổng, cứ bước thẳng vô nhà.

Tư Hoặc không hề giao thiệp với ai, trừ với người trong xóm, mà họ đã quá thân với anh, thành thử anh không bao giờ biết xã giao là gì. Anh lại quen làm thinh cả ngày trong một thế giới gần như không người nên anh chỉ nhìn khách chớ không chào hỏi bằng lời hay bằng cử chỉ nào hết.

Người trẻ tuổi nhứt trong bọn ba người lạ mặt, hất hàm ra hỏi một cách bửa củi:

– Nhà nầy anh bán bao nhiêu?

Xóm nhà nầy xơ rơ quá, mà đất gò lổm chồm đá sỏi, đến cỏ mọc cũng không được, làm cho nó càng xơ rơ hơn. Người trẻ tuổi thiếu kinh nghiệm ở đời, ngỡ đề nghị giá cao, là họ bán ngay. Hoặc há miệng trố mắt mà nhìn khách rất lâu không nói không rằng gì cả.

– Mười ngàn, anh bán hay không?

Tư Hoặc vẫn trố mắt há miệng mà nhìn những con người kỳ dị nầy. Phong tục Việt nam ta, hỏi mua nhà ai mà không có lời rao bán của người ta, không những là một sự xúc phạm danh dự của người ta không thể dung tha được, mà lại còn là một lời trù rủa cho người ta sạt nghiệp, có thể làm cho người ta điên tiết lên mà giết mình nữa là khác.

Nhưng Tư Hoặc không giận. Nhà anh không đáng giá một ngàn bạc mà kẻ nầy trả đến mười ngàn nên anh tưởng đó là một lũ điên. Anh chỉ cười lặng lẽ rồi lắc đầu.

Người cao niên hơn hết trong bọn, nói với người trẻ tuổi bằng một thứ ngoại ngữ, Tư Hoặc không hiểu nhưng anh cứ cho đó là tiếng Tây.

Người lớn tuổi ấy nói với người trẻ tuổi:

– Thưa ông chủ, ông chủ hành động như ở Sài gòn không được đâu. Dân Sài gòn bị Âu hóa với lại bị tình trạng khan nhà hai mươi năm nay tập cho họ quen với việc bán nhà, mua nhà dễ dàng và cấp tốc như mua một hộp diêm, nhà họ đang ở ấm êm, ta nhào vô xáng xả đòi mua, họ bán ngay tức khắc nếu ta đề nghị giá cao, mặc dầu họ không có ý định bán nhà bao giờ. Người nhà quê thì khác.

–  Chớ biết làm sao bây giờ?

–  Ông chủ cho phép tôi dàn xếp có được không?

–  Anh cứ tự tiện đi, tôi cho anh trọn quyền hành động

Xin được phép của chủ hắn xong, người lớn tuổi đi ra ngay. Hai người kia nối gót theo hắn. Hắn rảo khắp xóm, dòm vào từng nhà, đoạn dừng lại trước một cái thum mà trong đó hắn thấy một ông lão râu tóc bạc phơ.

Hắn đứng ngoài sân, xá ông ta một cái, ông ta gật đầu, mời hắn vào nhà. Y như Tư Hoặc, ông lão nầy cũng không hỏi han gì khách cả, đợi khách nói mà thôi.

Người cao niên lễ phép thưa:

–  Thưa bác, gò nầy có phải thuộc quyền sở hữu của chủ dãy ruộng nầy hay không?

–  Ơ…không. Đây là đất công thổ.

–  Nghĩa là đất của làng, bà con mướn năm mà ở.

–   Ừ.

–  Vậy thì hay quá! Thưa bác, anh em cháu là người Sài gòn, chán đời nên muốn tìm chỗ hẻo lánh mà ẩn dật. Thấy cuộc đất nầy thuận tiện để anh em cháu cất một cái am, anh em cháu xin thử hỏi bác coi bà con ở đây có bán nhà, hoặc nhường đất, dọn đi nơi khác hay không. Anh em cháu sẵn sàng đền bù cho mỗi nhà bán hoặc dọn đi một số tiền là mười ngàn đồng.

Ông lão choáng váng mấy giây rồi nổi giận nói:

–  Trời ơi, chú thật là vô phép, lại không biết cữ kiêng cho người ta; nhà người ta đang ở yên lành, khi khổng khi không dám cả gan xáng xả đòi mua, đòi đuổi. Xui cho bà con tui quá, tui nói cho chú đặng biết, bà con tui ở chung quanh đây không nghe cho chú đâu.

–  Xin bác tha thứ cho. Anh em cháu bằng lòng đền bù thiệt hại cho bà con mỗi người mười ngàn tức mười lần nhiều hơn giá cái nhà của bà con. Có phải bà con được lợi hay không?

Khác hẳn Tư Hoặc, ông lão nầy tuy biết bị mích lòng, mà lão lại cũng biết tham lợi nữa. Vì thế mà lão dịu cơn thịnh nộ ngay rồi suy nghĩ rất lâu.

Nhưng rốt cuộc, lão vẫn lắc đầu từ chối.

–  Không thể được, lão nói.

–  Anh em tôi thấy cách đây độ hai cây số, nghĩa là ở bên kia dãy ruộng nầy, có đất trống, mà lại là đất tốt nữa, trồng trọt được, chớ không phải đất cỏ cháy như ở đây. Bà con có thể…

–  Không, nhứt định không, chú đừng có nài nỉ mất công.

Người thương thuyết lắc đầu, đoạn xin phép chủ nhà ra đi, cả ba đều rời khỏi xóm.

Ra tới ruộng, ông chủ trẻ tuổi cười nói:

–  Anh có tài Trương Nghi, Tô Tần, nhưng cũng không thành công hơn tôi.

Bây giờ người trung niên mới mở lời lần thứ nhứt. Hắn trạc ba mươi lăm tuổi, gương mặt lanh lợi và một vẻ gì ác hiểm ẩn trong đó. Hắn hỏi:

– Nhưng các anh có chắc ăn lắm hay không mà dám dùng đến phương tiện lớn như vậy?

Người cao niên cười ha hả mà rằng:

–  Tôi năm nay đã bốn mươi hai rồi, và đã lặn lội trong nghề nầy hồi tôi mới mười chín tuổi, thì các anh biết cái vốn kinh nghiệm của tôi có kém hiểu biết của một ông kỷ sư mỏ chút nào không.

Chẳng những xem mặt đất tôi không thể lầm về cái chứa của gò nầy, mà tôi còn ước lượng được sức chứa của nó nữa. Hết lớp đá sỏi trên mặt thì tới đất sét, và qua khỏi độ một thước đất sét ta sẽ gặp hai ngàn thước sạn trắng đang ngủ yên dưới ấy từ mấy ngàn đời rồi không rõ. Mỗi thước sạn trắng, trừ đi mọi tổn phí như là vận động, khai thác, chuyên chở, thuế má, là còn kiếm được lối một trăm đồng, nghĩa là ta sẽ bỏ túi hai trăm ngàn như chơi.

Nhưng đó là không kể khối sạn nằm dưới hằng trăm nấm mộ sau xóm mà ta không làm sao khai thác được cả trừ khi hành động theo cách nầy là đào hầm ăn thông dưới mộ rồi dùng trụ hầm mà chống đỡ cho đất đừng sụp, nhưng họ sẽ dòm ngó ta mà ngăn cản, và về sau nầy trụ mục thì mồ mả ấy sụp hết, mang tội lắm.

Hai người kia rất tín nhiệm bác chuyên viên nầy. Họ phấn khởi lắm vì họ biết rằng các hầm sạn trắng ở miền Nam nầy đã cạn hết rồi, không dễ dầu gì mà phát kiến được một mỏ vàng to như thế nầy đâu.

Sạn trắng ngày nay quí như vàng. Các nhà thầu, xây cất bằng bê-tông, đã phải xay nhỏ đá xanh để tạm dùng đỡ, còn sạn trắng thì chỉ để dành làm gra-ni-tô, làm vách tô rửa, hoặc để cho các bực triệu phú trải sân biệt thự thôi.

Người trung niên suy nghĩ giây lát rồi nói:

–  Nếu quả đúng như vậy thì tôi sẽ có cách, miễn ông chủ chịu tốn thêm vài ngàn.

–  Ừ, bao nhiêu cũng được, nói nghe thử coi.

–  Nhưng phải chắc bác nầy không lầm kìa, vì cách đó tàn nhẫn lắm, có đáng việc mới nên dùng tới.

–  Tôi bảo đảm bằng cả hăm ba năm lành nghề của tôi.

Người trung niên bèn hạ giọng xuống rồi thì thầm rất lâu với bạn đồng hành của hắn, mặc dầu ở đây xa xóm, không thể nào ai nghe được lời của họ. Đấy, có những điều mà người ta chỉ dám nói thầm với nhau thôi, vì người ta sợ chính cả người ta nữa.

Người chủ trẻ nghe xong, hoan nghinh liền.

Nhưng người cao niên thì châu mày tỏ vẻ bần dùng lắm.

Hắn hỏi:

–  Liệu sẽ gây kết quả tai hại nào không?

–  Nhứt định là không. Ở đây xa xóm. Nhà họ lại không có vách, không có cửa gì hết thì đâu có lo họ bị kẹt trong đó.

Rồi cả ba kéo nhau ra làng, ở ngoài bờ sông, cách đó độ năm cây số, nơi nhà họ tạm trú. Trước khi rời xóm, người cao niên gọi với người trong xóm mà hô rất to:

–  Xin bà con nghĩ kỹ lại, vài bữa chúng tôi sẽ trở vô đây.

Đêm đó, ba người làm nghề khai thác hầm sạn nầy tổ chức nhậu nhẹt để đãi cả xóm ngoài, xóm lớn nhứt của làng nầy. Họ nhậu với kỳ nhông xé phai, rượu lậu nấu trong làng, thứ nước nhứt. Cả xóm say mèm.

Liền tiếp ba đêm liền, đêm nào cũng tiệc tùng như vậy cả, đêm thứ nhì họ nhậu với một con trúc xào lăn, đêm thứ ba thì tuyệt, bởi món nhậu là hai cái vú nai đang nuôi con, bùi và thơm không tả được. Khi cả xóm cúp bình thiếc cả rồi thì người trung niên ra đi một mình. Hắn chỉ uống rượu cầm chừng thôi, nên hắn không say như chủ hắn và người đồng nghiệp cao niên của hắn. Hắn ra khỏi làng rồi băng rừng mà tiến mau vào xóm Sỏi, tay xách một cây ná lảy. Hai tiếng đồng hồ sau, hắn mới tới nơi, vì đường rừng rất khó đi. Trời đã trở bấc, khí lạnh làm cho chó trong xóm rất lười, chúng trốn mà ngủ hết, nên gã cầm ná đi tới bờ gò rồi mà không gây động.

Hắn rút ra một cây tên kỳ lạ lắm. Tên rất dài, nhưng tà đầu. Đầu tên buộc bó nhang và giữa một chục cây nhang ấy, cách đầu nhang độ hai phân tây, mười cây diêm quẹt được chôn thật chặt. Hắn núp sau một bụi cây cơm rượu, đoạn bật cái bật lửa lên mà châm nhang cho cháy. Xong đâu đấy, hắn đặt tên lên ná, nhắm nhía rồi lảy cò ná liền.

Trong bóng đêm mũi tên lửa than nầy xẹt đi, trông như một ngôi sao băng. Nếu có ai còn thức và rủi ro trông thấy, có lẽ họ sợ sệt cho rằng “Bà” giáng hạ, vì ở thôn quê, người ta tin “Bà” giáng như thế.

Hắn lùi ra xa, rồi ngồi xuống mà đợi kết quả. Nhang cháy độ năm phút thì lửa nhang gặp đầu diêm quẹt. Diêm quẹt cháy lên thành lửa ngọn mà cây tên lại đang nằm trên mái tranh của một cái chòi.

Không mấy chốc mà năm cái chòi ấy đều ra tro. Chỉ có hai mươi người trong xóm là kêu la, và năm con chó sủa om thôi, ngoài ra cả thế gian, không ai hay biết có cuộc hỏa hoạn nầy hết.

Sáng hôm sau, ba kẻ “chán đời muốn cất am để tu” trở vào đây, đúng y theo lời bữa hôm nọ, nên không ai ngạc nhiên cả.

Họ rất tốt bụng, giúp cho mỗi gia đình một ngàn bạc rồi người cao niên nói:

– Bà con phải cất nhà ngói mới tránh hỏa hoạn được: Mà cất nhà ngói phải có tiền. Ít lắm là mười ngàn. Ở đây, cây thì bà con đốn lậu được, vậy không tốn hao bao nhiêu. Bà con nên nhận đề nghị của anh em tôi hôm nọ đi.

Cả xóm làm thinh, nhìn nhau, hỏi nhau bằng mắt rất lâu, đoạn lão hôm nọ đáp thay họ:

–  Bà con tôi đội ơn quí thầy tới ngàn ngày về khoản trợ giúp nầy và về đề nghị kia. Nhưng rất tiếc là không thể nhận được. Bà con tôi ở đây đã bảy đời rồi, mồ ông mả cha của bà con tôi đều nằm ở đây. Chúng tôi thương yêu cái gò cỏ cháy nầy quá rồi, không làm sao mà rứt ra để đi đâu được hết, cho dẫu là chỉ đi ở cách đây vài dặm hú.

– Bà con không tiếc mười ngàn sao?

– Tiếc lắm chớ nhưng chúng tôi lại tiếc cái gò nầy hơn.

© Binhnguyenloc.com

http://www.binhnguyenloc.de/pages/TruyenNgan/CrCl/CRCL17_NhungNgoiMaTo.htm

Comments are closed.