Văn học miền Nam 54-75 (230): Nhật Tiến (23)

Người kéo màn: Tiểu thuyết kịch (kỳ cuối)

TRÊN SÂN KHẤU

Nhà đạo diễn: Quái nhỉ, các ông có thấy cụ Mạnh Thường Quân ở đâu không?

Người lao công: Hình như lúc nãy tôi thấy cụ ấy đi vào phòng hóa trang phía bên nữ.

Nhà đạo diễn: À! Thảo nào! Thế mà tôi cứ đi tìm ở ngoài cửa rạp.

Gã săm săm tiến lại dẫy phòng hóa trang. Cánh cửa còn mở hé. Gã đẩy mạnh và đi sộc vào. Như một người bị điện giật, hai chân gã chợt chùn hẳn lại. Vừa đúng lúc ấy, hộp phấn nước để trên mặt bàn bỗng văng ra, rơi vỡ tan tành trên mặt đất. Người nữ diễn viên sắm vai Nga tóc tai xổ tung đang xô nhà Mạnh Thường Quân vào một góc rồi vùng lên chạy. Cái ghế gỗ vướng phải chân nàng nên ngã đổ nhào xuống gây thành một tiếng kêu chát chúa. Chiếc lọ hoa bằng pha lê đặt ở sát cái gương lớn cũng bị lật nghiêng đi. Nước trong bình ộc ra, bắn tung tóe. Nàng cũng bị ngã dúi xuống, nhưng cố vùng dậy, vừa chạy ra cửa phòng vừa kêu thất thanh:

– Đồ tồi! Đồ khốn nạn!

Sức khỏe lạ lùng của nàng lúc đó làm xô nhà đạo diễn ngã nghiêng vào cánh cửa. Gã kêu oái một tiếng ngắn gọn rồi trố mắt ra nhìn theo cho đến khi vạt áo của nàng khuất sau đống đồ đạc lủng củng ở bên ngoài.

Lưng gã đau ê ẩm, gã xoa tay phủi bụi trên quần áo và cố gắng gượng dậy. Gã nom thấy bộ mặt chẩy dài đầy vẻ trơ trẽn của nhà Mạnh Thường Quân lúc ấy đang đứng ngay ở giữa phòng. Hai người ngượng ngập nhìn nhau.

Nhà đạo diễn: Cái gì, cái gì thế?

Nhà Mạnh Thường Quân: Ông đạo diễn. Ồ! Thật là…

Nhà đạo diễn: Thật là đáng tiếc. Tôi không cố ý rình mò. Chỉ là một sự tình cờ mà tôi đã vào đây đúng lúc…

Nhà Mạnh Thường Quân: Thì thế! Cũng chỉ là sự tình cờ mà cô ấy đã hiểu lầm tôi. Một sự hiểu lầm chết người!

Nhà đạo diễn: Thưa ông, đấy là chuyện riêng của ông. Tôi không có quyền biết, mà cũng chẳng muốn biết!

Nhà Mạnh Thường Quân: Thế thì hay quá! Tuy vậy… nhưng mà… nhưng mà chắc ông cũng quên luôn hẳn chuyện này đấy chứ nhỉ?

Nhà đạo diễn: Tôi hy vọng là như thế!

Nhà Mạnh Thường Quân: Nghĩa là cùng lắm thì chỉ có tôi với ông…

Nhà đạo diễn: Vâng… thì chỉ có tôi với ông chứ còn ai nữa.

Nhà Mạnh Thường Quân: Đúng rồi. Đúng rồi. Và chắc ông cũng nhớ rằng chẳng có một thằng nhà báo chó chết nào ở đây hết.

Nhà đạo diễn: Vâng, cái đó là dĩ nhiên…

Nhà Mạnh Thường Quân (thở phào, mặt tươi lên): Ông đạo diễn. Ông thật là người đáng mến. Tôi đang định tìm ông đây. Tìm để bầy tỏ lòng cảm phục của riêng tôi đối với kết quả vô cùng rực rỡ của vở kịch do chính bàn tay của ông tạo ra!

Nhà đạo diễn: Thôi… thôi. Tôi xin ông đừng nhắc tới vở kịch nữa.

Nhà Mạnh Thường Quân: Làm sao mà lại không nhắc tới được. Ông khiêm nhường thì mới nói như thế, chứ tôi thì… tôi là người bỏ tiền ra dựng kịch, tôi phải biết bao quát mọi sự. Tôi xin thành thực bầy tỏ lòng ngợi khen đối với tài đạo diễn của ông.

Nhà đạo diễn: Tôi bò! Tôi bò thực mà!

Nhà Mạnh Thường Quân: Dù thế nào thì tôi cũng vẫn sẽ quyết định để ông phụ trách kỹ thuật cho tôi một lần nữa trong kỳ tổ chức tới. Và tất nhiên lần này thì tôi sẽ… tôi sẽ… giao phó toàn quyền hoạt động cho ông.

Nhà đạo diễn: Thôi xin ông đừng nói vội. Tôi cho rằng ông hãy nên suy nghĩ kỹ trước thì hơn.

Nhà Mạnh Thường Quân: Vậy ra ông tưởng tôi chỉ tuyên bố trong một lúc bốc đồng mà thôi sao?

Nhà đạo diễn: Không! Không! Có lẽ tôi không nghĩ như thế.

Nhà Mạnh Thường Quân: Nếu vậy thì ông hãy tin tôi đi. Tôi sẽ dành cho ông một ngân khoản lớn để dựng một vở kịch vĩ đại cho xứng đáng với tài ba của ông. Bây giờ, ta hãy tạm biệt.

Nhà đạo diễn: Xin chào ông!

Nhà Mạnh Thường Quân: Này ông! Chắc tôi có thể tin được rằng cái chuyện hiểu lầm đáng tiếc vừa rồi sẽ không lên mặt báo đấy chớ?

Nhà đạo diễn: Ô hay! Báo với bổ gì! Sao ông lại nghĩ rằng tôi có thể “bò” đến như thế được nhỉ.

Nhà Mạnh Thường Quân: Xin lỗi! Xin lỗi! Ấy cái tính hay cẩn thận lắm lúc làm cho tôi trở thành lẩn thẩn như thế đó!

Ở TRONG RẠP

Diễn viên sắm vai Nga: Này bác! Bác có thấy người thổi kèn clarinette trong ban nhạc không? Ông ta đã ra về chưa?

Người quét rạp: Tôi không thấy ai, nhưng tất cả đều đã ra về hết rồi.

Người quản lý: A! Cô Nga đây rồi. Tôi đang tìm cô để chuyển cho cô mảnh giấy này.

Diễn viên sắm vai Nga: Của ai gửi thế?

Người quản lý: Của cái ông thổi kèn clarinette.

Mắt nàng chợt mở to ra. Tay nàng run bắn lên. Nàng đỡ lấy mảnh giấy mà người như chết lặng đi. Phải mất một lát nàng mới mở được mảnh giấy ra một cách khó khăn và cúi xuống đọc những giòng chữ nguệch ngoạc:

Em,

Anh rất sung sướng khi thấy em thành công trong những bước đầu trên con đường mà em theo đuổi. Ngày mai anh sẽ đi xa. Anh không ước gì hơn là cầu mong cho em ở lại được hoàn toàn hạnh phúc với con người mà em đã lựa chọn. Vĩnh biệt.

Người thiếu nữ xây xẩm mặt mày. Nàng buông mảnh giấy xuống đất và ngã khuỵu xuống chiếc ghế bọc đệm ở ngay cạnh nàng. Rồi cứ thế, nàng òa lên nức nở khóc.

Gã quản lý tò mò nhìn nàng, định tiến tới tìm lời an ủi nhưng sau nghĩ thế nào lại nhún vai lặng lẽ bỏ đi. Gã vươn vai và ngáp thật dài. Trong rạp bây giờ đã vắng ngắt bóng người. Những dẫy ghế nằm im lìm trong ánh sáng yếu ớt tỏa xuống từ những ngọn đèn thắp ở hai bên sân khấu. Chiếc màn nhung đỏ được cuốn lên cao. Từ dưới nhìn lên, hậu trường trơ trụi mang đầy vẻ trơ trẽn với từng đống bàn ghế và dụng cụ ngổn ngang ở khắp mọi chỗ. Những tấm phông cảnh bây giờ cũng được rút lên nửa chừng, treo lơ lửng ở trên những cái xà gỗ.

Người quét rạp len lỏi đi qua từng dẫy ghế chạy dài. Tiếng chổi của gã lê quèn quẹt bên tai ngưòi nữ diễn viên. Nàng úp hai bàn tay lên khuôn mặt nhếch nhác phấn son. Nàng cứ ngồi như thế và vẫn bật lên từng tiếng khóc nức nở.

TRONG HẬU TRƯỜNG

Hằng: Này cụ kéo màn ơi. Cụ có thấy ông tác giả vở kịch hôm nay đang ở đâu không?

Lão kéo màn: Say khướt rồi! Có xin chữ ký thì mai mốt tìm ổng ở nhà riêng.

Hằng: Không! Tôi không cần xin chữ ký. Tôi có việc.

Lão kéo màn: Việc gì cũng phải chờ tới lúc khác. Đã bảo là ông ta say khướt rồi mà.

Hằng: Đâu? Ông ta nằm ở đâu?

Lão kéo màn kéo tay nàng đi về phía một cái phòng xép. Lúc lão mở cánh cửa ra, Hằng thấy con người ngày xa xưa cũ của mình đang nằm sóng sượt dưới sàn, miệng ậm ừ những câu gì nghe chẳng rõ. Có thể hắn đang hát, mà cũng có thể hắn đang kể lể tâm sự với chính mình.

Thế này thì còn nói năng phải trái gì được nữa”. Hằng nghĩ như thế và rút trong bóp ra tờ giấy khai sinh. Nàng lật mặt sau lên, dùng cái bút kẻ lông mày viết nguệch ngoạc lên mấy chữ: “Khai sanh con của anh đây. Muốn đi tìm thì cứ việc tìm!”. Rồi nàng gấp mảnh giấy lại, nhét ngay vào túi áo veste của hắn ta.

Hằng: Khi ông ấy tỉnh hẳn, cháu nhờ cụ nói là cháu có gửi cho ông ấy tờ giấy trong túi áo vét.

Lão kéo màn: Được rồi! Được rồi! Tôi sẽ nhớ.

Hằng quay lại nhìn hắn ta một lần nữa rồi quay ra. Trong đầu óc của nàng, hình ảnh hào hoa của gã văn sĩ ngày xưa nay đã bị xóa nhòa hoàn toàn. Bây giờ nó chỉ còn là hình bóng của một kẻ trác táng, bê tha và sa sút một cách thảm hại. Tuy nàng thương hắn nhưng nàng thấy rõ lòng mình bỗng trở nên nhẹ tênh. Bao nhiêu nỗi nhớ thương, hờn giận ám ảnh trong lòng nàng ròng rã trong bao nhiêu năm trời bây giờ chợt biến mất trong khoảnh khắc. Nàng thực sự đã được giải phóng ra khỏi ngục tù của sự tiếc nuối.

Lúc nàng đi qua mấy tấm phông cảnh thì vừa vặn có một thiếu nữ tặng hoa tiến vào hậu trường. Những cánh hoa trắng ngần rung rinh trên hai bàn tay búp măng ngượng nghịu vì tâm trạng bối rối của nàng. Sự bối rối làm tan loãng tất cả những lời nói mà nàng đã sắp đặt sẵn ngay từ khi vở kịch chưa chấm dứt.

Cuộc đời bên trong của những người viết đối với nàng bao giờ cũng mang một vẻ cao cả đầy quyến rũ. Bởi vì, theo ý nàng, những kẻ đã sáng tạo được nên những cái đẹp thì tất nhiên tâm hồn họ phải đẹp, hay ít nhất cũng biết hướng về cái đẹp. Đoạn kết của vở kịch hôm nay là một trong những bằng cớ chứng tỏ điều đó. Nàng hâm mộ tác giả chính vì tinh thần trách nhiệm mà hắn đã mang vào tác phẩm. Những nhân vật, những lời nói, những tình tiết diễn biến trong các tác phẩm đã in trước đây của hắn đều như những nấc thang đưa con người tới Chân Thiện Mỹ. Thế thì hắn phải là một trong những kẻ xứng đáng nhất được trao tặng những bông hoa. Nàng tiến tới chỗ của lão kéo màn.

Thiếu nữ tặng hoa: Cháu muốn được gặp ông tác giả vở kịch.

Lão kéo màn: Ôi dào. Lại cô nữa!!!

Thiếu nữ tặng hoa: Vâng, cháu muốn gặp ông tác giả. Thưa cụ, ông ấy đã về chưa?

Lão kéo màn: Chưa! Ông ta vẫn còn ở đây.

Thiếu nữ tặng hoa: Nếu vậy thì thật là may quá.

Lão kéo màn: Chẳng may mắn gì đâu. Cô chẳng nên gặp ông ta lúc này.

Thiếu nữ tặng hoa: Không, cháu có cần nhờ vả gì đâu. Cháu chỉ muốn gặp ông ấy chút xíu thôi.

Lão kéo màn: Ông ấy đang say. Chắc là ngủ rồi!

Thiếu nữ tặng hoa: Cụ nói dối cháu. Cháu biết là đã có bao nhiêu người làm phiền ông ấy rồi. Nhưng cháu cam đoan là chỉ trao cho ổng bó hoa này xong là đi ngay.

Lão kéo màn: Hừ! Cô không tin tôi hả. Vậy thì đi. Đi theo tôi. Tôi chỉ chỗ cho. Rồi mà biết!

Lão vừa nói vừa cười ngất ngư, đầy vẻ chế giễu. Rồi lão nhìn nàng từ đầu đến chân. Nàng bận bộ đồ trắng. Mái tóc đen huyền buông lả lướt trên bờ vai. Cặp mắt thông minh, to và sáng lên dưới đôi lông mày thanh tú. Má nàng phơn phớt hồng. Dưới ánh đèn, khuôn mặt của nàng đẹp lồ lộ và rực rỡ như một bông hoa. Hai người đi qua những chiếc bàn ghế lổng chổng. Gót chân nàng xinh xắn, thoăn thoắt bước trên đôi giầy nạm chỉ kim tuyến. Tà áo của nàng vờn quanh dáng đi nhanh nhẹn và uyển chuyển. Mùi nước hoa thoang thoảng tỏa ra ngây ngất quanh nàng.

Lão kéo màn dừng lại ở căn buồng xép lúc nẫy. Lão gạt sang ngang chiếc màn chắn gió để cho ánh sáng lùa vào soi rõ tác giả vẫn đang nằm sóng sượt trên một tấm vải bạt. Ở ngực hắn, chai rượu đã cạn khô còn được giữ khư khư trong lòng bàn tay. Bộ quần áo nhầu nát, lấm bê bết đất, cát và mạng nhện. Một chân hắn co, một chân hắn duỗi. Hai chiếc giầy thì một chiếc hắn vứt lên mặt bàn, một chiếc nằm lăn lóc ngay ở bên cạnh đùi. Khuôn mặt hắn đỏ rừ. Mái tóc rối bù xõa xợi phủ xuống vầng trán cao. Mồm hắn hơi há ra, hai lỗ mũi mở rộng, phập phồng theo hơi thở sặc sụa mùi men rượu. Lão kéo màn nhún vai nói thản nhiên:

– Ông ta đấy!

Cặp mắt của thiếu nữ chợt tối lại. Đôi lông mày nhíu vào nhau như một lớp mây vụt che mờ một khoảng trời đang rực rỡ. Nàng bối rối đứng lùi lại. Những bông hoa trên bàn tay búp măng như ép sát thêm vào cây thánh giá lấp lánh trên gò ngực. Nàng nói ấp úng:

– Thật ư? Ông tác giả đó ư?

Lão kéo màn không đáp lẳng lặng đặt bàn chân thô kệch lên vai hắn rồi đạp mạnh. Hắn cựa mình ậm ự.

Thiếu nữ tặng hoa: Thôi! Thôi!… Xin để lặng yên cho ông ấy nghỉ.

Lão kéo màn: Chắc ông ta vừa mới ngủ đây thôi. Suốt từ nãy ông ta vẫn nằm hát lải nhải một mình.

Vừa nói lão vừa thúc mạnh thêm bàn chân một lần nữa. Tác giả vụt choàng dậy.

Lão kéo màn: Thưa ông, có một cô thiếu nữ đến tặng hoa!

Hắn giơ hai tay lên dụi mắt. Trước mặt hắn mọi vật như nổi lên những vân sáng mầu đỏ nhấp nháy rối loạn. Hắn chống tay vào tường, loạng choạng đứng dậy. Hai đầu gối của hắn bắt đầu run lên. Hắn đứng sát hẳn vào mé tường. Mắt hắn mở to thêm nữa. Vẫn cái mầu đỏ ấy. Mầu đỏ mà hắn thấy trên áo nàng lúc chập tối bây giờ vẫn còn như bưng lấy mắt hắn. Hắn bật lên một tiếng cười khô khan và ngạo nghễ rồi cất giọng lè nhè:

– Cô đến đây làm gì?

Người thiếu nữ hoảng hốt. Nàng không thể lường trước được tình thế này. Tâm tư nàng trở nên rối loạn. Hai bàn tay nàng cũng run bắn lên. Bó hoa hờ hững chực tuột ra khỏi những búp tay thuôn dài. Hơi thở của nàng dồn dập, đôi môi mọng đỏ mấp máy. Nàng muốn trả lời câu hỏi của ông tác giả nhưng sự bối rối làm cho họng nàng tắc lại. Trong khi ấy, người đàn ông trước mặt nàng lại la lên, bằng một giọng gầm gừ:

– Cô đến đây làm gì? Cô hãm hại tôi đến như thế mà chưa đủ sao?

Mắt ông ta long lên, tóe ra những tia lửa của thù hận. Thật là khiếp đảm! Bây giờ thì nàng có cảm giác như mình đang đứng trước một con quỉ dữ. Cặp mắt của hắn đỏ ngầu, khuôn mặt méo mó, hơi thở nặng nề sặc sụa. Hắn tiến lại phía nàng khiến hai chân của nàng díu lại cơ hồ muốn chôn chặt ở đấy. Bàn tay xương xẩu của hắn bỗng xoè ra, hắn đem úp cả năm đầu ngón tay lên mái tóc óng ả của nàng. Như một luồng điện giật, nàng rú lên thất đảm. Rồi bằng một cử chỉ hoàn toàn vô thức, nàng quăng ngay bó hoa xưống đất và vùng lên chạy. Sự thua cuộc của nàng làm mặt hắn rạng ngời. Thế là hắn cười rộ lên. Tiếng kêu thất thanh của nàng trộn lẫn với tiếng cười ngạo nghễ của hắn tạo nên một thứ âm thanh xô xát, chát chúa rồi vỡ òa ra, làm vang động hẳn bầu không khí tĩnh mịch trong rạp lúc về khuya. Nàng vẫn cuống cuồng bỏ chạy. Tà áo của nàng hất tung lại phía đằng sau.

Hắn nom thấy như là một vệt sáng chiếu vào khoảng mù mịt đang ngự trị trong đầu óc của mình. Hắn ngưng bặt tiếng cười và ngơ ngác đứng nhìn theo. Hắn úp tay lên khuôn mặt đầm đìa mồ hôi rồi đi chậm chạp ra phía ngoài. Ông lão kéo màn đã bỏ đi từ bao giờ. Chỉ còn có thằng bé ngồi co ro ở bên cạnh đống dây thừng dùng để kéo màn lên. Nó đang thưởûng thức mẩu xì gà thừa, chắc là của nhà Mạnh Thường Quân quẳng ra ở đâu đó, mặc dù ở cạp quần, phía trước bụng, nó vẫn còn dắt bao thuốc lá mà hắn đã thẩy cho từ hồi chập tối.

Hắn xà xuống cạnh thằng bé. Nom thấy chai nước lã ở trong một góc, hắn vồ lấy và ngửa cổ tu một hơi. Sau đó, hắn với tay lôi bao thuốc trên bụng thằng bé ra, rút một điếu và bật lửa để châm. Đốm lửa đỏ lừ soi rõ những cọng râu của hắn chỉ sau một buổi tối mà hình như đã mọc dài ra, rung rung theo những cử động nhăn nhúm trên nét mặt của hắn. Hắn nhìn ra chung quanh. Mọi người hình như đã ra về hết nên toàn rạp trở nên tĩnh lặng và nhuốm một vẻ hoang vắng, trống rỗng lạ thường.

Hắn lảo đảo đứng dậy và tiến ra ngoài sân khấu. Tấm màn nhung đã được kéo lên phô ra trước mắt hắn một quang cảnh hội trường rộng mênh mông và lặng ngắt. Những chiếc ghế bọc đệm với những ống sắt mạ kền kê liền nhau san sát tuy còn đó nhưng mọi sự sinh động ồn ào lúc buổi tối đã biến mất như vụt chìm vào một khoảng hư vô, trống rỗng. Hình ảnh của những người thân, những kẻ không thân nhưng vẫn gặp gỡ ngoài đời và những nhân vật trong tác phẩm bỗng hiện ra hỗn độn trong đầu óc của hắn. Hắn thấm thía sự cô đơn tột cùng, nhất là vào cái lúc đứng trước một khung cảnh như thế này.

Cơn xúc cảm đột nhiên ùa đến. Nước mắt của hắn bỗng ứa ra. Hắn nghĩ đến thiếu phụ áo đỏ và mẹ con Hằng. Một hình ảnh thì hắn thấy khinh bỉ, còn một hình ảnh thì hắn thấy tự khinh mình. Tuy vậy, dù với cung cách nào thì cả hai cũng đều là những chỗ trú chân cuối cùng mà hắn đều muốn lánh xa. Hắn thấy mình hoàn toàn cô độc. Sự cô độc làm cho hắn đớn đau nhưng hắn biết rõ vị trí của mình là ở chỗ ấy.

Như một thói quen khi gặp phải những giây phút trống vắng hay buồn bã, hắn chợt nhớ tới chai rượu của mình. May quá, nó còn nằm trong một bên túi. Hắn hăm hở moi ra và ngửa cổ tu ừng ực. Một niềm phấn khích bỗng nhen nhúm trong lòng. Hắn lại nghĩ tới vở kịch và cái đoạn kết vẫn còn đang trăn trở trong đầu óc của hắn. Hắn tự nhủ: “Không thể kết như thế được. Đời sống đâu có dễ dãi như mọi thứ đều cứ trôi trên một tấm thảm nhung êm ả. Bao lâu nay hắn đã thường tự mãn trên tấm thảm nhung của mình. Thế thì vinh quang mà hắn mơ ước hay đạt được cũng chỉ là những điều giả dối.” Một sự thực đơn giản như thế, tại sao bây giờ hắn mới nghĩ ra. Như một con tằm vừa cắn được cái kén để chui ra, hắn thấy rõ là mình đang thay đổi cho dù hắn biết rõ là đang tự du mình những nỗi dằn vặt, đớn đau mới. Hắn lại tu thêm một ngụm rượu nữa để lấy đà cho cơn hứng khởi đang tiếp tục dâng lên. Hắn tiến hẳn ra mé rìa ngoài của sân khấu.Trong lớp ánh sáng lờ mờ không soi rõ những hàng ghế, hắn thấy những nhân vật của mình đang xô đẩy, ẩn hiện. Hắn bỗng cất tiếng như muốn bầy tỏ cho những khán giả tương lai của mình nghe thấy:

Quí vị biết không… Giả tạo là kẻ thù của sáng tạo. Sự sáng tạo cũng không chấp nhận luôn cả thói nhai lại cái dư thừa của người khác. Mà đời sống hừng hực những chất liệu thì can cớ gì phải giả tạo hay đi làm loài nhai lại cơ chứ? Vậy thì xin quý vị hãy luôn luôn sáng suốt đừng để cho những quân làm bạc giả trong văn nghệ nó ru ngủ chính mình…

Tiếng nói của hắn oang oang vang vọng khắp mọi chỗ, từ trên sân khấu bay lên cái vòm trần cao vòi vọi, từ hàng ghế đầu len lỏi qua khắp mọi ngóc ngách xuống đến tận hàng ghế cuối mà ở đó đang có một người ngồi khoanh tay lặng lẽ theo dõi từng cử chỉ của hắn không biết từ bao giờ.

Ở HÀNG GHẾ CUỐI

Thiếu phụ áo đỏ (lắc đầu chép miệng): Đến thế là cùng. Đến thế là cùng.

Thật ra nàng đã ngồi tại đó ngay từ khi hắn mới vừa ôm chai rượu lảo đảo bước ra. Trong thâm tâm, nàng có ý nghĩ quay trở lại tìm hắn sau khi nhận được cái carte của anh làm bếp trao cho với lời nhắn là “Xin bà quay trở lại tìm cụ cháu vào ngày mai”. Nàng đã cười nhạt đứng lên ra về, cơn uất hận vừa thoảng qua đã được nàng thay thế ngay bằng một dự tính quyết liệt: “Để rồi coi đứa nào sẽ là đứa thân tàn ma dại, không còn ai muốn gặp trước!”. Ở những dự tính như thế, sự giận dỗi là một cung cách phản ứng cực kỳ thất sách. Thế là nàng nhoẻn ngay được một nụ cười thật tươi, dù là chỉ đứng trước anh làm bếp.

Nàng đi đến một cái quán nhỏ để ngồi nhâm nhi một ly cà phê. Nàng nghĩ đến hắn, đến buổi trình diễn đêm hôm nay. Đối với sự nghiệp của hắn, nàng đã hết sức tận tụy. Thế mà chỉ vì cái tính gàn dở của hắn mà mọi chuyện trở nên lỡ bộ hết. Thì ra có thiện chí mà không đúng chỗ thì có thể trở thành phá hoại. Nàng tự thấy cái phần trách nhiệm của mình và có ý nghĩ phải tìm cách sửa chữa cái cơn hủy hoại này, mặc dù nàng cũng chưa biết mình sẽ phải làm sao. Thôi thì cứ quay lại hí viện tìm hắn trước đã. Người coi rạp đang đi đóng những cánh cửa sổ chạy dài trên khắp mấy dẫy hành lang. Nàng hỏi:

– Ông tác giả đã ra về chưa?

Anh ta nhún vai chỉ vào trong rạp và buông một tiếng:

“Hôm nay ông ấy say mềm!”

Nàng tất tả đi vào trong rạp. Vừa đúng lúc ấy, hắn từ trong sân khấu bước ra và nàng ngồi phịch xuống cái ghế ngay ở mé cửa ra vào để xem hắn còn giở những trò gì.

TRÊN SÂN KHẤU

Hắn lại ngửa cổ tu thêm một ngụm rượu nữa. Rồi hắn quơ chai rượu về phía hàng ghế khán giả, cất giọng lè nhè:

Thưa quí vị. Như thế từ nay chúng ta nhất quyết loại trừ những kẻ gian dối ra khỏi hàng ngũ những người cầm bút. Bởi trung thực phải là phẩm chất hàng đầu của văn nghệ phẩm mà chúng ta có quyền đòi hỏi.

Hắn móc ở túi áo vét ra một xấp giấy, bao gồm nhiều thứ linh tinh mà hắn đã nhét vào, trong đó có cả bài diễn văn mà đáng lẽ hắn đã phải long trọng đọc trọng buổi trình diễn hôm nay. Và dĩ nhiên cũng có cả cái tờ giấy mà khi hắn đang ngủ, người phụ nữ tên Hằng đã nhét vào. Hắn xoè ra như để trình diện với khán giả. Rồi hắn móc bao diêm trong túi ra, bật lửa lên châm đốt. Giọng của hắn sang sảng đầy vẻ khoái trá:

Kể từ nay, những thứ văn chương giả dối này sẽ bị tuyên án cho lên dàn hỏa! Đốt! Đốt hết! Phải không quý vị.

Rồi hắn cười lên sằng sặc, khuôn mặt của hắn cũng sáng rỡ theo với ánh lửa đang cháy bùng lên từ những tờ giấy. Tàn than cũng theo đó bay tỏa tứ tung. Cả hội trường như dội lên những tiếng nghe cực kỳ nhức óc: “Đốt! Đốt hết!”.

Ở hàng ghế cuối rạp người thiếu phụ áo đỏ nhăn mặt lại. Đây là hình ảnh cuối cùng của hắn mà nàng có thể chịu đựng được. Hắn điên thật rồi. Một người với tâm trạng như thế, khó mà cứu vãn được gì. Nàng đứng phắt ngay dậy, chẳng buồn nhìn lên sân khấu, vội vã bỏ ra phía ngoài với những bước đi nom như một kẻ đang chạy trốn.

Trong khi ấy, hai ông cháu lão kéo màn cũng từ phía hậu trường sân khấu chạy bổ ra. Họ nhìn thấy cánh tay của ông tác giả đang múa lên với xấp giấy đã cháy gần tới phần chót. Ngọn lửa trên những tờ giấy tắt ngúm trong khi những tàn than vẫn còn đang tiếp tục bay tản mác. Hắn thấy mình như một con quay hết đà. Mọi sức lực trong hắn như cùng tiêu tan theo với ngọn lửa. Hắn muốn giơ chai rượu lên tu một ngụm nữa nhưng cánh tay của hắn cất lên không nổi. Hắn loạng choạng đi vào giữa sân khấu và bất thình lình đổ sụm xuống.

Lão kéo màn: Trời đất ơi! Từ đời thuở nào tới giờ, trên cái sân khấu này chưa bao giờ có một màn độc diễn hay ho như thế.

Thằng bé (vỗ tay, giục giã): Hay thật. Hay thật. Thế thì mình hãy kéo màn lên! Kéo màn lên!

NHẬT-TIẾN.

Sài Gòn tháng 12 năm I961

*********************************

Cuốn NGƯỜI KÉO MÀN,

tiểu thuyết kịch của NHẬT TIẾN

dưới mắt một nhà văn Tiệp Khắc.

Tôi đã đọc một số tác phẩm của các nhà văn Việt Nam như Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Vũ Bằng và Nguyễn Huy Thiệp, Dương Thu Hương (Nguyễn Huy Thiệp và Dương Thu Hương qua bản dịch tiếng Pháp). Bây giờ, tôi vui mừng được đọc cuốn tiểu thuyết kịch “ Người Kéo Màn” của nhà văn Nhật Tiến, một nhà văn xuất thân từ Miền Nam VN mà đã có thời kỳ chúng tôi gọi là “nhà văn phía bên kia”, hiện đang định cư tại Mỹ.

Cảm giác đầu tiên của tôi sau khi đọc cuốn này là tôi đã bàng hoàng khi cảm nhận được “sự giao thoa giữa hai nền văn hoá châu Âu và châu Á”. Với bút pháp đầy trí lực, và cao hơn, tính nhân văn hay nói một cách chính xác là ông đã viết tác phẩm này bằng một trái tim nhân hậu, biết yêu thương và biết cả căm giận. Theo tôi, tác phẩm đã làm nổi lên hai nhân vật chính: thằng bé tên Cưng và lão già kéo màn. Đứa bé là một nhân chứng “ hồn nhiên” cho sự xuống cấp về đạo lý con người trong khi lão kéo màn là một chứng nhân lạnh lùng. Cả hai đã như một thứ đòn bẩy để đẩy lên cái sân khấu rộng rãi nhất, đó là cuộc đời!

Để hướng tới cái Đẹp, người ta phải đánh nhau với bản năng. Người kéo màn của nhà văn Nhật Tiến đã đem lại cho tôi một niềm tin, đó là: “Khi đã biết ghê tởm với cái xấu, cái thói vô trách nhiệm thì con người sẽ nhận ra cung cách ứng xử với nhau sao cho tử tế hơn.”

Từ những năm đầu thập niên 60, (lúc chúng tôi đang chuẩn bị cho việc tiến hành Mùa Xuân Dân Chủ 1968 tại Tiệp), thì ở Việt Nam, nhà văn Nhật Tiến cũng đã khởi sự sáng tác tác phẩm này, tôi coi như ông cũng đã cùng chúng tôi “làm một cuộc cách mạng về tình yêu thương hướng về cái nhân bản trong con người”.

Khả năng tiếng Việt của tôi không khá lắm nhưng cũng tạm đủ để hiểu được cái thông điệp mà nhà văn Nhật Tiến muốn gửi tới bạn đọc:

Hãy sống cho tử tế, lương thiện với nhau trước khi muốn bầy tỏ tình yêu đối với đất nước.

Tôi hân hạnh được đọc Nhật Tiến và tôi hy vọng Tổ quốc của các bạn, một ngày không xa sẽ thoát khỏi gông cùm chuyên chế của một thể chế độc tài.

Dr. LUBOMIR SVOBODA

(Thành viên Nhóm Hiến Chương 77,

nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu Việt học)

Nguồn: https://nhavannhattien.wordpress.com/

Comments are closed.