Văn học miền Nam 54-75 (345): Túy Hồng (5)

Tôi nhìn tôi trên vách (kỳ 2)

Cái chung cư chúng tôi mướn phòng là một cao ốc ba tầng gồm nhiều gian buồng như một bảo sanh viện. Các vũ nữ xanh, đỏ, tím, vàng, trắng, đen, xanh lục, hoa cà… ngày đêm lướt thướt lượn lờ vào ra với bay bướm từng cánh thời trang lộng lẫy, với ảo huyền lớp lớp phấn son. Ở đây chuyện ái ân là chuyện thời sự hằng ngày, và ái tình lắm khi là tiếng nổ lớn của đánh ghen, của giành giựt. Dãy nhà trệt của cao ốc dành cho bọn Phi kiều mướn, ngày ngày ăn trứng vịt lộn với muối tiêu mà không có rau răm. Lầu nhất, lầu nhì, lầu ba thì gồm đủ người ngợm không cùng quốc tịch. Vũ nữ choán hơn phân nửa số phòng, họ sống sát cánh liền nách níu vạt áo nhau mà đứng ở đời cho bớt cô đơn. Buổi sáng họ ngủ dậy, đầu xổ tung, mặc áo ngủ mỏng không đồ lót, môi thâm cười ra những chiếc răng thiếu sinh lực. Buổi chiều họ mặc quần chân voi, mặc váy củn, áo xắn cao thoăn thoắt ra phố. Đêm về, họ đẹp thoát xác, đẹp như đổi lốt thành tiên họp thành cụm tíu tít cười giỡn không nhìn những người chung quanh. Ở cao ốc này, sự tự do cá nhân được tôn trọng lên cao, không ai muốn tham dự vào cuộc đời tư hữu của ai. Ta có thể ngang nhiên làm điều phải, ta có thể ngạc nhiên làm điều quấy vì trước mắt ta là sự lạnh lùng của những người chung quanh. Vẻ lạnh lùng này đã tạo cho người vũ nữ sự cao sang duyên dáng, sự thờ ơ tế nhị. Thêm vào đó, sự phong phú vật chất, sự lộng lẫy áo quần, sự vung tay tiêu xài khiến họ đứng rất vững giữa cuộc sống với một uy thế khó lật đổ. Và tôi đã biến thành một con tò mò hết dòm người nọ đến ngó người kia để càng ngày càng cảm thấy mình không ưng ý mình, không bằng lòng mình. Tôi bất mãn tôi, bất mãn những áo quần tôi mặc trong người. Những bộ đồ ngủ tự tay tôi may lấy, quần thì không ôm tròn đôi đùi, áo thì cái nào cũng lụng thụng, cũng dài quá cỡ, cũng ngắn quá kích và có những lúc hở hang không đúng chỗ. Áo may bằng vải hoa rẻ tiền, lựa thứ sẫm màu cho lâu bẩn, cái áo này thì kiểu La Mã, cái kia thì kiểu Lèo, cái quần thì mốt Trung Hoa viền đăng tên Nhật Bản cài cúc Phi Luật Tân, màu sắc xung khắc nhau như cờ xí Liên Hiệp Quốc. Buổi sáng nào tôi cũng mặc thứ áo đó, thứ quần đó đi chợ, đóng cửa, thổi cơm, làm cá, xào thịt, đợi chồng đi làm thật sớm, về nhà thật muộn. Có một buổi cơm trưa ăn lúc ba giờ chiều, tôi nói với Nghiễm:

– Cái building này đối với em nó hoang vu quá rồi. Em cảm thấy như em một mình sóng giữa bao nhiêu mồ mả đẹp.

– Em tôi nói cái giọng gì mà chua như nhúng giấm vậy!

– Cái căn phòng này không thể gọi là nhà, không thể gọi là tổ ấm. Em muốn nhà chúng ta phải là một cái nhà hẳn hoi, có nếp, có nền…

– Đừng khó em ạ, tập dễ dễ một chút đi.

– Em không muốn ở đây một tí nào hết.

– Anh đã ở đây tám năm, căn phòng này nó dính liền với cuộc đời độc thân một cách thắm thiết quá rồi. Ở đây có những đứa bé ra đời, lớn lên dưới mắt anh, có những ông cụ, bà cụ chết ở đây.

– Nhưng em thì cô đơn quá, mỗi ngày đi chợ nấu ăn. Đi chợ lỡ quên mua một thức gì thì bí tử. Em thiếu một củ hành củ tỏi cũng không biết xin ai, em cần một muỗng nước mắm cũng không biết mượn ai.

– Em hãy cởi mở, hãy nới rộng ra một tí đi em.

– Bộ tôi nông cạn, hẹp hòi, thiển cận lắm hay sao? Anh thì cái nết giang hồ cứ chứng nào tật đó.

– Thế bây giờ em muốn gì?

– Đi!

– Tiền?

– Bỏ rượu!

– Ngang phành phành!

– Em muốn đi khỏi chỗ này dù phải đi ngang như cua!

– Sao bị bi thương hóa một cái khó chịu vặt?

– Em hỏi: Thế anh có đi không?

– Thủng thẳng.

– Không, phải chạy.

– Người gì mà cay nghiệt khó chịu như kiến lửa!

– Phải, em là con kiến lửa tự đốt em. Vâng, em là con kiến lửa, con kiến lửa này không muốn làm tổ ở đây.

– Nhưng anh tha mồi về cho em ở đây.

– Tại sao em bị bắt buộc không cho đi kiếm mồi? Tại sao ngày ngày em phải ngồi rũ ở đây? Đời em tàn như điếu thuốc anh đang hút. Đời em vơi như chén cơm anh đang ăn.

– Ơ… đầu hàng cô.

– Anh trá hàng và em không hề thắng.

– Anh chịu thua, anh đầu hàng em rồi mà!

– Người đàn bà thường khổ vì những người đàn ông hay trá hàng.

– Khó khăn quá… chua như khế… chua như me… chua như acit.

– Em ba mươi tuổi, anh mới lấy em làm vợ, em làm con gái lâu quá nên đời em nó vữa ra, nó chua lè.

Hai vợ chồng nhìn nhau cười hòa giải. Chàng gắp ngọn rau kinh giới kẹp miếng thịt ba rọi luộc chấm vào đĩa mắm tép chẳng gừng. Tôi chan nước rau vào cơm ăn với quả cà mặn.

Một đêm khuya Nghiễm đi làm chưa về, tôi tắt cái tivi cho rảnh để nằm xem sách thì có tiếng đập cửa cấp bách ầm ầm đổ hồi, tiếng la hét, tiếng kêu rú, tiếng chửi bới, khóc than. Tôi hoa mắt, chấn động mạnh ngồi dậy đè tay lên ngực rồi ra đứng dựa cửa lớn. Tiếng đập cửa tăng thêm vừa tống vừa xô. Tôi nhìn trước, nhìn sau, cong người chống hai bàn tay giữ cửa lại. Tiếng hò, tiếng hét, tiếng hầm hè. Tôi dáo dác nhìn quanh khiếp vía đến cùng. Nghiễm ơi, Nghiễm ơi, em sợ quá, anh đi đâu, đi đâu. Nước mắt tôi chảy và mồ hôi tôi chảy. Ăn cướp, ăn trộm, ăn cắp… Tôi nghiến răng giữ chặt cửa.

– Cô… cô… bà…

Tôi quay lại, miệng tôi há hốc, mắt mở dại.

– Xin bà cho… xin bà làm ơn cho tôi mượn một bộ quần áo.

Tên đàn ông này vào bằng lối leo cửa sổ, tên đàn ông này ở phòng số 6 không phải ăn kiêu ăn cướp… Tôi run sợ ngậm miệng luôn. Người đàn ông tiến lên hai bước khẩn thiết:

– Xin bà, bà làm ơn chọ mượn một bộ quần áo.

Cơn ngạc nhiên càng líu lưỡi tôi lại không nói được.

– Bà cho mượn một bộ quần áo của bà nhanh đi, nhanh đi.

Tôi kéo ngăn tủ lôi ra chiếc quần đen và chiếc áo bông cụt, mở cửa, người đàn ông nói tiếng cảm ơn bước về.

Đêm hồi hộp qua mười hai tiếng đồng hồ từ lâu. Giới nghiêm rồi, Nghiễm vẫn chưa về. Mắt tôi cứ nhìn mặt đồng hồ mãi, lo sợ, giận hờn, trống ngực đánh bậy. Tôi đi sáu bước chiều ngang, mười một bước chiều dài, chu vi gian phòng không lớn hơn nỗi kinh hoàng. Đồng hồ đã bước tới một giờ. Tôi vụt đứng dậy mở cửa chạy ra ngoài ban công nhìn xuống đường. Cao ốc giờ này im lặng ngủ, con đường Phan Đình Phùng rộng dài hun hút không xe, không người, không bụi bặm. Cơn thổn thức trào ra những giọt nước mắt đứng đắn trông chồng, lo sợ cho chồng. Những cây đèn đường mờ đi vì phải chiếu sáng một thể tích lớn. Một cơn gió không to nhưng có chiều dài có chiều rộng thổi đủ lành lạnh. Tôi đứng ở ban công nhìn dáo dác tả hữu thật lâu và khi nghĩ rằng cao ốc tháng trước có ông giáo sư tự tử, tôi sợ quá, vội đi vào phòng.

Hôm sau, bảy giờ sáng, tôi ở trong phòng vệ sinh nghe bên ngoài mấy chị bếp kể chuyện ông đại úy phòng số 6 lén lút vợ ở nhà mang cô mèo thuê phòng cao ốc chung sống vụng trộm. Bà vợ đến tận phòng đánh ghen, tịch thu tất cả quần áo của kẻ tử thù nhét vào bao bố rồi lột luôn bộ áo ngủ của cô mèo đang mang trên người. Tôi lẩm bẩm:

– Lúc nào ông đại úy mang trả bộ áo quần, mình phải giặt thật kỹ.

Tám giờ sáng Nghiễm mới về tới. Câu hỏi của tôi mát như dưa leo:

– Đêm hôm qua anh bình yên không?

– Anh đi “Đêm màu hồng” ngồi quên lửng… Ra về vội vã quá giờ giới nghiêm bị cảnh sát giữ lại ở quận Hai.

– Hừm.

– Muỗi đốt thấy mẹ.

– Bây giờ anh về rồi hén. Đó em giao phòng lại anh, em về nhà ở luôn rồi em sẽ đi tu.

Chàng sấn lại ôm hôn tôi túi bụi, hôn hồng hộc khiến tôi mờ cả mắt.

– Em tôi ăn nói như mấy con tuổi ngọc.

– Phải, phải, tôi già dê đi rồi… đâu dám so bì với mấy con tuổi ngọc của anh.

Nghiễm lại mở tủ lấy pyjama, đồ lót, khăn bông sửa soạn đi tắm.

– Anh Nghiễm, không biết rồi anh sẽ ra sao đây? Không biết sau này anh sẽ tác tệ đến mức nào? Mới lấy nhau có đầy tháng mà anh đã bỏ nhà đi suốt đêm rồi.

– Anh đã nói với em là anh bị cảnh sát bắt giữ rồi mà.

– Anh có một duyên cớ thật hữu lý.

– Bộ anh dối gạt em sao?

– Tôi chỉ biết là tôi bị bỏ rơi ở cái cao ốc này và những kẻ bao bọc chung quanh tôi không phải là phường lương thiện.

– Thôi thôi, em chán ngán cao ốc quá rồi, để anh đi thuê thấp ốc cho em ở.

Chàng mang khăn áo đi ra buồng tắm khi tôi bắt đầu pha cà phê. Lát sau Nghiễm trở vào nói:

– Building này hôm qua náo động om sòm lắm nhỉ… Em có nghe gì không? Con Thu Hân bị vợ thằng đại úy Sáng lên tận phòng đánh ghen tịch thu cả áo quần giày dép cho vào bao bố rồi còn lôi con nhỏ ra ban công đánh cho một trận mê mệt, xé áo, xé quần bắt con nhỏ lột trần như nhộng.

– Đêm khuya đại úy Sáng leo cửa sổ đột nhập vào phòng em mượn bộ áo quần đàn bà.

Đôi mắt Nghiễm trợn trắng cơ hồ muốn lồi ra ngoài:

– Thế hả? Thế hả? Phiền nhỉ?

Trong lúc tôi mở tủ tìm chiếc quần đen để mặc đi chợ thì Nghiễm tiếp:

– Thôi thì đi thuê chỗ khác cho em ở vậy, không lưu luyến nữa.

– Con Thu Hân bị đánh nặng hay nhẹ?

Nghiễm đến nằm trên giường xuôi tay xuôi chân:

– Nghe mấy chị Ba chị Bảy bảo đau lắm. Rồi Nghiễm tiếp: Đòn ghen là đòn trí mạng mà!

– Ông đại úy đó với bà mèo biết nhau lâu chưa?

– Lâu. Đánh ghen là một vấn đề anh thấy hết sức không nên. Đàn ông là thứ cấm không được. Cái việc họ có tình ngoài nó đương nhiên quá đi rồi.

Tôi chồm lên:

– Ừa… ừa… Cám ơn anh đã báo trước cho em…

Nghiễm cười ha hả, tôi tiếp:

– Thưa anh, đã đến lúc em mua chổi, mua kéo, mua dao, mua acit, mua bao bố, mua gậy gộc chưa ạ?

– Xin can, em không nên làm vậy! Khi một người chồng có tình ngoài, người vợ cao sách nhất là người vợ biết giữ im lặng và hiền lành, để yên vậy rồi chồng và tình địch sẽ chán nhau, sẽ lẳng lặng xa nhau. Chứ nếu mà đánh đập chửi bới, bêu xấu nhân tình của chồng trước thiên hạ… làm cho người nhân tình thân bại danh liệt đường cùng cũng không có mà bước… thì anh chồng càng thương thêm, càng thấy rõ vì mình mà người yêu ra nông nổi ấy, người yêu của mình hết đường, chỉ còn mình là tấm phao mà thôi.

Tôi giật tóc tôi:

– Ừa, ừa… thế thì khi nào anh có tình ngoài, thì đòn ghen hay nhất là em tự đánh em cho chết, cho mệt cho mê, cho thân bại danh liệt.

– Láo lếu.

– Biết rồi mà, lá gan anh có bảy lỗ, mỗi một lỗ có nhét hai con tuổi ngọc.

– Ẩu tả.

– Mấy con tuổi ngọc sung sướng gọi anh bằng chú… chú chú cháu cháu… Còn em già tra đắng chát như khổ qua, phước đức lắm anh mới cho gọi anh bằng anh.

– Thì em cứ gọi anh bằng chú đi.

– Em gọi anh bằng chú rồi anh gọi em bằng chị thì sao?

Tôi cười hắc hắc cầm giỏ đi chợ chạy vụt ra cửa, đóng cửa lại.

Bàn tay thôi không còn đưa lên mặt để nhận chân những hạt mụn, bàn tay bây giờ đặt nhẹ lên bụng, chiếc bụng vẫn lép, vẫn cứng, vẫn ép sát để thân hình tôi thật đẹp khi mặc áo dài. Tôi muốn thân hình tôi xấu đi, phình ra, biến dạng lớn và chiếc bụng gồ to.

Me tôi là một người đàn bà mắn con, đẻ khoẻ đẻ nhiều và đẻ lần nào nuôi được lần ấy. Nhìn mẹ, tôi cứ tưởng mình sẽ thụ thai ngay đêm tân hôn. Lấy chồng trễ, tôi hãy có con sớm một tí, tôi hãy tắt kinh, tôi hãy thèm đồ chua, tôi hãy ói mửa, ghét cá và ghét mùi hành. Đêm tân hôn, đêm thư hùng lồng lộn, đêm trống mái dập vùi, tôi khao khát kêu gào những triệu chứng đó. Nhưng, tháng thứ nhất, tháng thứ hai, tháng thứ ba, đường kinh tròn vẫn kín, vẫn đúng, vẫn đều. Tháng thứ tư, tháng thứ năm, tháng thứ sáu, bàn tay đưa lên thoa bụng nắn nắn chiếc bụng vẫn sát vẫn lép… Sau tháng trôi qua như tháo chỉ, như đan lên, như không có một chuyện gì cả, như không có một ngày nào quan trọng để đánh dấu những tháng ngày.

Tôi nói trong cơn lo sợ âm ỉ:

– Sáu tháng rồi mà vẫn chưa có thai.

– Ừ

– Tại anh.

– Đổ lỗi nhanh thế.

– Tại anh uống rượu.

– Bậy nào, máy anh vẫn chạy tốt.

– Hay là mình ở đây quá cao. Ngày ngày em phải leo bao nhiêu lượt cầu thang.

– Không đâu, ở lầu ba này bao nhiêu đứa trẻ ra đời, anh đã chứng kiến chúng lớn lên, đi học, ăn quà, đi nhà thờ.

“Đã có gì chưa? Đã có tin vui chưa? Đã thèm của chua chưa?” những câu hỏi thăm của người lạ, người quen, bỏ vào tai nằm vùng biến thành nỗi hoảng hốt lạnh ngấm ngầm tàn sát những cơn vui cùng niềm tin phải có. Tôi vẫn nằm nghiêng dài trên giường, tay phải giương trước mắt cuốn sách của bác sĩ Spock, tay trái đưa lên sờ nắn chiếc bụng rỗng. Quả chanh nào, quả cam nào, quả bưởi nào là chiếc bụng tròn tôi mang thai và quả dưa hấu là chiếc bụng chín tháng mười ngày tôi nặng nhọc? Tôi chưa hề được mặc hai lớp áo và tôi đã chọn rất kỹ hai cái tên đẹp. Tên cho con trai Nguyên ơi và tên cho con gái Khanh Hiền ơi!

Chị Ba chị Bảy thường khuyên:

– Cô đi chùa cầu đi!

– Cô đi lăng xin đi!

– Cô đừng uống thuốc Tây nóng.

– Có ông thầy thuốc Bắc ở Chợ Lớn hay lắm! Cô đi đi.

Lời chị Ba chị Bảy được nhắc lại khiến Nghiễm nạt nhẹ:

– Mới có sáu tháng mà đã kêu như bộng… sau này nó lọt cho đều đều một năm một tha hồ mà kêu than.

– Hay anh đi đốc tờ rọi kiếng xem. Có người người vì nghiện rượu mà tuyệt tự đó!

– Chuyên môn đổ tội cho người khác.

– Tục ngữ ta có câu “Hỏi con xem mẹ…”. Anh xem mẹ em…

– Thôi thôi đi cô. Mới sáu tháng mà đã rùm beng la hoảng. Người ta lấy nhau hàng chục năm thì sao?

– Khi người ta lấy nhau, người ta còn trẻ. Còn mình già khú đế không đẻ kịp giờ sau này ai nuôi con cho.

– Thôi cô đi nạo, đi rửa, đi sửa đi…

– Tại anh hết.

– Nói chuyện với cô một lát, phát khùng lên, rồi long đầu, váng óc.

– Em mà có được đứa con là em phóng thích anh tha hồ tự do, tha hồ đi chơi khuya, đánh bài, uống rượu, không giữ anh bên mình đâu, có cô nào muốn anh cũng cho luôn.

– Thật không? Nhớ giữ lời nhé.

– Em sẽ ném anh ra đường như ném trự tiền.

– Thề đi!

– Cha chết mẹ chết…

Tôi hạ tay xuống, Nghiễm cười:

– Thằng Tâm nó bảo là lấy vợ thì phải có ngay đứa con. Đứa con là hình nhân thế mạng cho mình. Giao cho vợ giữ con làm tin để mà giông, mà bay. Có hình nhân thế mạng rồi. Có lẽ đúng, có con rồi, anh có mất tích em cũng không đi tìm. Anh có bị tù, em cũng không vào thăm.

Tôi lườm chàng bằng tất cả đường cong của khóe nhìn và đôi mắt tôi cùng cười với đôi môi. Nụ cười chợt dịu lại khi tiếng cạch cạch ai gõ ngoài cửa. Nghiêm hất hàm ngầm ý sai khiến, tôi mở hẹp cánh cửa vừa đủ thò mặt ra ngoài.

– Dạ, dạ, bà hỏi ai ạ?

– Dạ đây có phải chỗ ở của ông Nghiễm?

– Chồng tôi hiện có mặt tại chỗ ở ạ!

Tôi phát âm: chồng tôi hiện có mặt tại chỗ ở, thay vì “chồng tôi hiện ở nhà”, vì căn phòng phập phồng hạnh phúc của vợ chồng tôi tọa lạc tại lầu ba này, không bao giờ có thể được gọi là nhà. Bà khách đi vào trước mặt Nghiễm ngồi xuống. Nghiễm kêu à chị.

– Anh ở đây bao lâu rồi?

– Tám năm.

– Lâu quá nhỉ? Anh thuê một tháng bao nhiêu?

– Chỉ một nghìn ba kể cả điện nước.

– Rẻ quá! Nghe nói anh có ý định đi chỗ khác?

– Tôi đang tìm một căn nhà nhỏ vì vợ tôi trèo lầu với tụt lầu không nổi kêu la đuối sức.

– Có một bà giáo sư cần sang một chỗ ở như thế này. Anh có chịu cho sang không ạ?

Tôi chồm tới:

– Sẵn sàng chị ạ!

Nụ cười của Nghiễm thoáng qua cái nhíu mày. Bà khách tiếp:

– Họ bằng lòng với giá một trăm nghìn. Anh chị chín chục, tôi một chục, chịu chứ?

Tôi định nói: chị chín chục, vợ chồng tôi một chục, chúng tôi cũng quá chịu đi rồi, nhưng tôi chỉ nhìn Nghiễm cười dè dặt. Nghiễm hất hàm:

– Em tính sao?

– Em rất chịu. Chữ ký của em đây.

Bà khách đợi cho những nụ cười vui vẻ tàn dần rồi đứng dậy chào về hẹn ngày sẽ đem bà giáo sư lại.

Hôm sau, bà khách sang phòng lại. Tôi kêu lên:

– A! Dân Huế! Chị Ánh Minh…

Chị Ánh Minh, cùng một mặt Huế với nhau cả, cái mặt Huế như tôi, cũng nói trong Bắc rất sành, cũng cách nói chuyện tíu tít vồ vập ân cần, cũng cái dân Đồng Khánh cũ mi-mi tau-tau chi-lạ-rứa! Dân Huế sống giữa Saigon… một lũ người bí mật và bất mãn. Dân Huế sống giữa Saigon, một lũ người dễ biến dạng, nói tiếng Bắc và tiếng Nam đều được. Chị Ánh Minh vỗ tai tôi cười:

– Người Huế tưởng ít té ra nhiều chi lạ, đi đâu rồi cũng gặp nhau cái rầm.

– Ờ ờ người Huế mình vô Saigon nhiều lắm, cứ đi hai vòng chợ Bến Thành là đủ làm một bản thống kê nhỏ.

– Ờ hồi đó bà học thua tôi mấy lớp hả?

– Em học lớp nhất thì chị học lớp đệ lục.

– Xa xăm tiền sử quá hí… Ê mấy con rồi? Bà lấy chồng ai cũng biết, báo đăng ùn ùn…

– Hai vợ chồng cheo leo.

– Gắng gắng kiếm một cục đỏ hỏn cho vui.

Nhận số tiền của chị Ánh Minh rồi Nghiễm phái tôi tức tốc về gia đình xin ở tạm một thời gian chờ kiếm thuê nhà. Mấy đứa em tôi lớn tiếng hoan hô. Căn nhà nhỏ lầu cây gác suốt dưới một phòng và bếp trên một phòng chỗ ngủ tập thể của những người cùng ruột thịt. Tôi không biết định nhét Nghiễm vào xó vào ngách nào thì chiều hôm sau tôi về thăm thấy mẹ và mấy đứa em gái đang xúc cát trộn hồ chuyền gạch cho cha tôi xây tạm bức tường chia đôi phòng khách. Tôi nhăn mặt kêu:

– Răng không thuê thợ… Cha mẹ ra sức lao động quá khiến con bất hiếu quá trời.

Thảo chu mõm:

– Thợ kêu không ra. Saigon bây giờ thắp đèn đi ba ngày kiếm không ra một ông thợ tiền công vừa phải.

Cha nói:

– Thợ bây giờ đắt đỏ quá! Chỗ này gọi, chỗ kia kêu… ba tháng sau mình mới kêu được. Bức tường này tau xây dở lắm, xô mạnh một cái là sụp.

Tuần lễ sau chúng tôi dọn về, cha mẹ rút lên lầu với bầy em để lại hai vợ chồng tôi từng dưới. Nhìn ở phòng khách, gia đình tôi chưa trình bày rõ nỗi nghèo lớn! vào tới bếp! vào buồng tắm! cái nghèo sao mà sâu hoắm; lên đến gác gỗ, cái nghèo là lớp sơn thanh bạch: cái nghèo màu trắng, cái nghèo màu xanh! Mẹ cha tôi nghèo thành thật đến nỗi trong nhà không có một xe gắn máy, cha đi đến sở ngồi trên chiếc xe đạp ọp ẹp cũ kỹ. Rể là khách, Nghiễm là khách, chàng khách ấy đã vượt qua cửa phòng khách, để vào tới nhà bếp, cầu tiêu, để leo lên tận gác gỗ lau chùi sạch trơn không một hạt bụi cho mọi người trải chiếu lăn ra nằm ngủ.

Cả nhà hoàn toàn rút lên phòng trên, rút vào chung một cuộc sống. Tôi và Nghiễm chiếm giang sơn ở dưới, cái giường khổng lồ, máy truyền hình, máy thu băng. Tôi sống lại cái tư thế tam giác ba chị em ngồi ba góc đánh bài xệp. Tôi sống lại cái tư thế bốn cạnh bốn mẹ con ngồi bốn mép chiếu đánh tứ sắc. Nhưng ý tôi không còn sống lại những đêm rời rã mấy chị em nằm luận chuyện tào lao khô cả nước bọt nước mồm. Tôi lại nói tiếng Huế ríu ra ríu rít, mấy chị em hát hò gây gổ om sòm, mượn quần, mượn nhau áo, giày dép son phấn đi phố đi làm. Tôi ăn lại những món tôi đã từng ăn suốt hai mươi tám năm: bún bò, bánh lá chả tôm, bánh nậm, bánh khoái… Buổi sáng mẹ lại bắt lót lòng chén cháo đậu xanh, ly sữa, một lá bánh tét, bánh ú thay vì cầm tô ra ngoài đường mua thức ăn Saigon.

Từ hành lang hôn nhân hai người đi trong cơn mê lần tới hang động hạnh phúc, là tôi cùng Nghiễm, là những người khác cùng những người khác. Tôi đi mua cá trong cơn mê, mua rau, mua cà cuống, thịt ba rọi, gạo, nước mắm, là từng chiếc sơ mi thẳng mướt. Tôi ngủ, tôi nhổ tóc sâu cho chàng, rúc đầu vào nách chàng bẻ từng ngón tay chàng kêu lắc rắc. Đó là mê. Giấc mê dài mở mắt trao tráo nhìn rõ chồng, thấy rõ bàn ghế dụng cụ, nhận ra mình mà mơ một tấm hài nhi. Giấc mơ lại đẩy bàn tay tôi sờ sờ nắn miền da bụng.

Đều đều, Nghiễm vẫn uống một ngày trên dưới hai chục chai bia lùn.

Và bây giờ là thời kỳ hậu hôn. Nghiễm đã ra khỏi cơn mê, vươn vai, chải tóc, sửa lại cà-vạt, còn tôi thì nửa thức nửa tỉnh lăn mình duỗi chân. Qua bao ngày, đám cưới vẫn còn nóng hổi như một viên thuốc ngủ kỳ diệu, đám cưới vẫn còn ngọt như viên kẹo Hoa Kỳ, vẫn còn thơm như trái dâu đất. Tim tôi vẫn còn hồng, mộng tôi vẫn còn biếc, hạnh phúc in hình chập chờn trên đôi gối thêu tên, trên ngón đeo nhẫn. Tôi lẩm nhẩm đọc vài câu kinh hồng đám cưới một vài câu thơ xanh hạnh phúc in trên thiệp mời của người bạn:

“Chúc em đôi má em hồng

Chúc xanh em mộng, chúc nồng em môi

Chúc xinh em đứng em ngồi

Chúc hiền em ở, chúc vui em nằm

Chúc duyên em giận em nhăn

Chúc thương em khóc, chúc đằm em la

Chúc em lẩn quẩn trong nhà

Ngoan như cái kiến mặn mà cái ong”[1].

Cơn mê vẫn còn một nửa trong người tôi, nếu không có Nghiễm có lẽ tôi sẽ mê nguyên một vòng tròn, lăn tròn, trở tròn, trầm trầm êm êm cho đến giấc hôn thụy cuộc đời. Trong lơ mơ, tôi dáo dác mở một mắt bàng hoàng nghe Nghiễm lay gọi:

– Canh rau ngót, nước chưa sôi em đã cho rau vào phải không? Tanh quá! – Nồi riêu cua em khuấy không đều sao gạch nó không nổi. – Tôi đã nói bao nhiêu lần là tôi không ăn được món Huế. – Tại sao cô giao hết cho mẹ vậy. Cô phải xuống bếp làm riêng một món cho tôi ăn chứ! – Tại sao bữa cơm nào cũng có cá nục, cá nục ăn hoài không biết tanh sao? – Trời ơi! Hết cá nục lại măng, măng xào với tôm, chán quá! – Chỉ có dân Bắc kỳ là ăn sang, biết ăn ngon, biết làm món ăn ngon.

Chàng còn lay gọi nhiều, kêu lớn nhiều, tôi chụi chụi mắt tàn cơn mê. Mỗi buổi sáng sớm, mẹ tôi dậy đun nước sôi, tôi thức giấc sau, vào lấy pha cho Nghiễm bình trà nhỏ. Bình trà nhỏ để lên khay với một cái chén nhỏ, tôi nâng khay ngang ngực bưng vào phòng cho Nghiễm trước khi chàng điểm tâm bánh mì với trứng gà đánh nát chiên hành.

Thảo bĩu môi:

– Hầu chồng như hầu chúa, cha thì đau lên đau xuống chẳng pha cho cốc sữa.

Trâm điềm đạm:

– Cá voi lụy rồi, nước biển tha hồ ra sức chào xáo xung động.

Một bóng tối, trăng soi láng mướt những ngọn lá mít nhà hàng xóm, tôi cảm thấy chán vạn nỗi buồn lớn nhỏ chen chúc, xâm chiếm tâm thần. Nỗi cô đơn nhọn hoắt hình trái núi. Lúc này, lúc cần có một người bên cạnh để tâm sự thì tôi lại càng không muốn tâm sự với ai hết. Tôi ra đứng ở cái lan can gỗ nhìn xuống đường phố ồ ạt trăm ngàn tiếng động lớn tụ lại. Trăng màu trắng như có pha sữa. Tôi yêu trăng từ mảnh trăng một, trăng hai, trăng ba, trăng lưỡi liềm cho đến mười sáu trăng dậy thì.

– Khanh!

Tôi quay lưng lại đi vào. Trước máy tivi là cuộc họp mặt gia đình hằng đêm, cỗ ti-vi của Nghiễm mang từ cao ốc về. Tôi ngầm đến để ý không khoái cô ca sĩ nào hết, chàng chê cô thì mắt lươn, cô thì mắt lòi, cô thì trán ngắn, mũi to mặt mày hãm tài, thân thể lạnh như thây sắt.

Nghiễm ngồi bên Trâm giữa bầy em nhỏ bám vây chung quanh, Nghiễm nhìn tôi nói:

– Anh vừa vào lục trạn chén bát. Cái chén cái bát nào rửa cũng không sạch, son quánh thì chùi còn dính cả mỡ…

Mặt chàng nhăn như đi dưới nắng, chàng đưa hộp bia Úc Đại Lợi lên miệng tu. Nghiễm tiếp:

– Đũa phải rửa từng chiếc một, không phải cầm cả nắm chùi chùi đại khái vậy đâu. Lại còn cái trạn chén bát đậy không kỹ chuột gián nó vào.

Tôi ngầm nghe cơn đau tê nhẹ nhỏ từ một cái xé rách vừa phải, tôi ngầm nghe một đường máu chạy ngược làm chưng hửng mọi khuôn mặt rồi từng sợi mao quản lao xao vùng dậy đả kích tôi. Thảo hì một cái trầm giọng:

– Tối nay con Uyên rửa chén bát đấy anh Nghiễm ạ. Nhà em ăn bẩn ở dơ quen rồi.

Nghiễm quắc mắt:

– Sao Thảo nói như chửi vào mặt anh vậy? Anh có thiện chí xây dựng. Sức khoẻ của chúng ta thật cần thiết để làm việc mà. Vâng đó là chân lý của vệ sinh. Nói đến chân lý của vệ sinh thì hết tế nhị, hết khôn ngoan.

Mẹ leo lên lầu lật đật hỏi:

– Chi rứa Khanh? Có phải là gây lộn không? Có thật là gây lộn không? Ai gây lộn với ai?

Con gây lộn rồi. Tiếng nói của con đang quật tiếng nói kẻ khác. Nhất định có tiếng nói đắng chát của con trong cuộc gây lộn này. Con đang mở miệng, đang nặng mặt, quắc mắt lườm chồng con, lườm em con. Hiện diện ở đây là Nghiễm, hiện diện ở đây là Thảo, là Trâm, là Cúc, là Út… ngôn ngữ của mọi người chùn xuống, chùn xuống chấm đất, mọi người không rướn giọng, không nhấn tiếng, nhưng mọi người pha giấm, mọi người vắt chanh, mọi người bóp khế… Mẹ ơi con chua lắm rồi. Mẹ ơi, an ủi con bằng gáo nước lạnh. Khổ sở con, hãi hùng con, cơ cực con, con đứng ở giữa những lời nói nhọn hoắt, con bẹp dĩ trước những dồn ép sắc cạnh. Nghiễm kéo rị con bên phải, đàn em con giằng con bên trái.

– Anh Nghiễm, hãy rút lại lời nói, con Trâm con Thảo hãy xin lỗi anh Nghiễm. Tại sao mọi người xáp lại tấn công tôi. Tôi đứng ở giữa cheo leo. Tôi đứng ở giữa nức nở. Vị trí trung ương giữa mọi người là tôi.

– Anh Nghiễm tha cho em. Trâm, Thảo tha cho chị. Vị trí trung ương là tôi, là tôi.

Tiếng nói có ngấn nước mắt. Đôi mắt tôi khóc xuống đôi má tôi, nước mắt chảy xuống má qua hai mụt ruồi đây này, hai mụt ruồi chung thủy tình nghĩa.

Thảo cầm tay tôi nhìn sang Nghiễm:

– Anh Nghiễm, qua tình yêu chị Khanh, xin anh tha lỗi cho em.

Tôi vùng chạy xuống thang gỗ vào phòng đắp mền nằm co rút. Nước mắt hình như nóng hơn khi tôi khép hai mí lại. Ướt đẫm cơn khóc câm, tôi hình dung ra những chuyện tiếp diễn từ buổi sáng đầu tiên tôi về lại nhà cha mẹ: ngày của Nghiễm không phải là một khối thời gian để trắng mà dán đầy công việc, chàng còn bận công chuyện liên miên nên giấc ngủ của chàng chẳng bao giờ cũng bắt đầu từ nửa đêm đến tám giờ sáng và từ hai giờ chiều mới được ngủ lại giấc trưa. Cái tủ lạnh để trong phòng hai vợ chồng. Trong đó là bia là trái cây, là nước lọc, là fromage, jambon, pâté, giấc ngủ chàng bị dựng dậy từ sáu giờ sáng vì tiếng mở tủ lạnh lách cách cả các em tôi vào lấy nước lọc. Chàng nằm trên giường theo dõi bước đi, bước chạy của từng đứa, cánh tay từng đứa dang ra mở tủ đóng tủ. Đến ngày thứ sáu cái tủ lạnh mở không ra đóng không vào. Nghiễm bảo:

– Những đứa em gái của cô sao nhiều đàn ông tính, đãng trí, buông thả, dễ dãi, cẩu thả. Cô phải bảo với chúng là đồ vật cũng có tri giác, đồ vật cũng biết đau.

Hai mí mắt tôi bắt đầu đỏ, sửa soạn những giọt lệ:

– Vâng, vâng, tôi sẽ không cho chúng thọc tay vào cái tủ lạnh này nữa.

Buổi trưa ngủ dậy, nhìn Trâm sửa soạn đi làm, tôi nói:

– Cái tủ lạnh anh Nghiễm mua từ cái lứa nhập cảng đầu tiên. Người ta cho trả góp đấy… bảy tám năm rồi.

– Ừa ừa… mai mốt chị làm kem cho tụi em ăn với nghe!

Tôi không nói lại với Trâm cả cái chuyện tủ lạnh buổi sáng đóng không vào, mở không ra. Anh rể! Anh rể! Gái Huế quan niệm anh rể là anh ruột, anh rể cũng hy sinh lớn như anh ruột. Giữa anh rể và em vợ là những bờ biển đẹp, ấm nồng, những ranh giới loãng mát tình ruột thịt. Tên tuổi những ông anh rể lý tưởng người Huế là đề tài lớn giữa những buổi cơm: Chị Hoa mỗi một tháng gởi năm nghìn đồng về nuôi cha mẹ. Con Nguyên đi dạy học ăn vào lương chồng, lương của con Nguyên bỏ vào bao thư tháng tháng gởi về cha mẹ. Anh Đạm nuôi bốn đứa em vợ trong nhà. Ông Tướng Ích mỗi tuần cho máy bay quân sự ra Huế đón ông gia bà gia vào Saigon chơi. Con Huyền chuyển bụng được chồng cõng đi đẻ. Thằng Phiên làm rể nhà ông Trịnh thật hiền lành, dễ thương, tội nghiệp, việc gì cũng gánh làm lấy, cái đinh trên tường rơi xuống là lấy búa đóng lại ngay…, tội nghiệp làm tới bác sĩ mà buổi cơm nào con mụ vợ cũng chỉ kho cho món thịt kho tàu, tội nghiệp, người chi mà hiền như bồ tát. Đời bây giờ con gái có hiếu hơn con trai, càng đẻ nhiều con gái càng được nhờ.

Bà cô lớn nhất họ một hôm đến thăm bảo chúng tôi:

– Gái Huế tưởng hiền mà té ra không hiền. Hiền là hiền chung, hiền tổng quát đối với tất cả mọi người, nhưng riêng với chồng thì dữ, rất dữ.

Mấy cô cháu cười ha hả cơ hồ bay cả mái nhà, bà cô tiếp:

– Mà phải dữ mới được. Mấy đứa con tau đứa nào cũng ăn hiếp được chồng cả… ha ha… ăn hiếp chồng sướng lắm tụi bay ơi… ha ha. Hắn có mê mình hắn mới để cho mình ăn hiếp. Anh chị này, thằng Hạnh rể ông phán Tri đó mà, một lúc đem về cho cha mẹ vợ mười ki-lô yến sào.

Hồi còn ở cao ốc, một hôm tôi bảo Nghiễm:

– Sao mà gái Huế đi đâu cũng được người ta thương. Có lẽ gái Huế là những người vợ toàn chân toàn thiện toàn mỹ.

Nghiễm trề môi:

– Gái Huế đầu hôi lắm. Anh quen cô nào đầu cũng hôi!

– Anh giao thiệp sát vậy hả? Anh kéo đầu người ta lại để ngửi hả?

– Huế mưa nhiều lạnh lẽo, tóc gái Huế dài nên họ lười gội đầu.

– Huế trồng rất nhiều cây chùm kết và cây dứa dại cho gái Huế gội đầu. Tóc gái Huế sực nức thơm tho. Huế còn trồng rất nhiều chanh, gội đầu không rít tóc.

Cơn khóc khô rồi, tôi đưa tay vuốt tóc và mở mắt ra. Trong ánh điện màu sữa béo, Nghiễm ngồi không uống bia trong một tư thế nặng nề trầm mặc. Cánh tay dài đang cầm ly bia, cẳng chân dài chống lên đôi dép dài, thân hình dài mặc chiếc áo lót dài. Tướng ngũ trường là tướng cầm tiền không đậu. Tướng ngũ trường dài tay dài chân và hơi thở cũng dài thổi phù những tờ giấy bạc tả tơi tan tác.

Nhưng cánh tay dài khéo tiêu tiền cũng là cánh tay khéo giữ của. Nghiễm sắt son tận tâm tận lực giữ gìn đồ đạc. Chàng lau cái tủ lạnh bên ngoài thật bóng loáng, chàng chùi rửa biểu tượng sạch trơn sạch trợt để những chai bia đứng trong đó, để những chai rượu nằm trong đó, chàng phủ cái máy thu thanh bằng tấm khăn nhung u tối mướt mịn, thơn tay phiên phiến lau từng cuộn băng tròn trĩnh và cấm không cho trẻ con sờ vào cỗ vô tuyến truyền hình, Nghiễm bắt tôi giặt khăn tay bằng xà bông dưỡng da phụ nữ.

Chàng giữ gìn đôi giày, giữ gìn cái máy chụp ảnh, nâng niu cái gạt tàn thuốc lá, trân trọng cái kệ sách lớn, cho đến tấm gương con soi mặt trị giá năm đồng bạc chàng cũng cất giữ tám năm trường nguyên vẹn, và cái búa cái kìm cái kéo cái kim của chàng không bao giờ bạ đâu bỏ đó. Chàng cẩn thận tỉ mỉ, âu yếm yêu thương tất cả những tài sản nhỏ, giữ gìn những gì tư hữu hơn tất cả những những đàn ông, và qua mặt tất cả những người đàn bà. Đức tính đó là một căn bệnh, đức tính đó là một cái tật, cái tật tốt đó là mấy mươi lần va chạm vào tôi đau đớn.

Trâm trề môi:

– Trời ơi, tôi ăn cơm trọ mòn răng, tôi ở nội trú chung chạ với nữ sinh viên trường kỳ tiểu thuyết ra. Tôi tiếp xúc với bao nhiêu con bạn ích kỷ một cách kỳ cục, bo bo giữ của, bút máy đồng hồ cất thật kỹ, nâng niu búp bê, bợ đỡ máy hát, tỏ ra hết sức yêu thương đồ vật tôi gặp đã nhiều, nhưng không ai si tình với đồ vật một cách quái gở như Nghiễm cả. Chắc anh uống rượu nhiều, ma men nó ám hại một vài sợi dây thần kinh.

Nghiễm thường xuyên mắng tôi: “Em thay áo quần sao cứ vất ra giường?”. “Trước khi đi phố em đá đôi dép vào gầm giường đi”. Có lúc chàng kêu lên: “Cuộc sống độc thân của anh kéo dài gần bốn chục năm, anh lủi thủi tổ chức đời sống, anh đơn côi sắp xếp chỗ ở. Sự ngăn nắp thứ tự, cẩn thận giữ gìn đã dán sát vào với cuộc sống độc thân…”.

Tôi lườm:

– Bộ tiếc lắm hả? Trở về building đi, cam đoan không thèm giữ lại, không làm khó dễ.

Cái việc Nghiễm không ăn được món Huế, không chịu ăn món Huế đánh đau tự ái của cả gia đình, tôi hướng về ai cũng gặp những khóe nhìn bất thông cảm, những âm thầm im lặng mang sức nặng của trăm nghìn cân đá. Đôi mắt tôi luôn cân cấn hình hài giọt lệ thon tròn chỉ chực trào ra nằm dọc trên má; tôi cảm thấy tái tê nhức buốt tới tận mấy tỉ chân tóc trên da đầu. Buổi cơm, gia đình tôi thường xuyên dọn ba món: món xào, món mặn, món canh nấu theo kiểu Huế. Giờ đây phải có một món được thay thế. Hoặc một tô canh Bắc kỳ, hoặc một đĩa đồ xào Bắc kỳ, hoặc một món mặn Bắc kỳ. Mỗi buổi sáng mẹ đi chợ tôi thường kèm lời gửi:

– Mẹ mua cho con một bìa đậu phụ với lạng cà chua để về con om.

– Mẹ mua cho con chục con cua đồng, hai bó rau đay với mười đồng cà pháo.

Mẹ nghiến răng:

– Bắc kỳ, Bắc kỳ, Bắc kỳ… tao dạy cho mi từ nhỏ bao nhiêu công phu thượng thừa về cách nấu ăn món Huế, bây giờ mi xóa bỏ tất cả những công phu cũ, để học những công phu của người ta…

– Mẹ nhớ mua cho con một chục đồng cua đi, mà mẹ lựa cua cái.

– Cua đồng chi, rạm, ba con rạm mà đi gọi là cua đồng…, bày đặt.

Trâm đứng bên cạnh tí toáy bảo Thảo:

– Người Bắc kỳ sao giông giống người đạo Thiên Chúa. Người đạo Thiên Chúa mà lấy người đạo Phật thì ít lâu sau người đạo Phật nhất định bị cám dỗ theo đạo Thiên Chúa liền. Còn người Bắc kỳ mà lấy người Huế thì người Huế nhất định phải ăn món Bắc kỳ.

– Không phải mô, tùy theo đàn ông hay đàn bà chớ. Nếu một người đàn bà Bắc kỳ lấy một người đàn ông Huế thì nhất định mụ ta phải nấu món Huế cho chồng ăn.

Nghiễm ăn thật ít, hai chén cơm lưng lưng mỗi bữa và miệng chàng rộng quá thì chàng chỉ ngoạm hai cái là hết chén cơm, nên mỗi buổi ăn chàng ngồi chưa nóng chỗ đã vội đứng dậy. Trong mâm cơm có hai món Huế với một món Bắc, người xứ nào ăn món xứ đó và tôi thì ăn lung tung không quê hương không xứ sở. Tôi đẩy đĩa cá nục đến trước mặt Nghiễm:

– Anh thời thử một miếng Huế.

Tôi kéo đĩa đậu om cà quay sang mẹ:

– Mẹ thời một miếng Bắc kỳ.

Nghiễm gắp món đậu vào bát tôi:

– Em ăn đi, em phải tập ăn đậu chớ. Dân Bắc kỳ khôn lắm, không có gì bổ bằng đậu nành. Mấy người đi tu quanh năm ăn toàn đậu.

Trâm kê miệng vào tai tôi:

– Chồng chị là thằng cha đậu hũ thôi.


[1] Thơ Viên Linh.

Comments are closed.