Văn học miền Nam 54-75 (440): Túy Hồng (10)

Tôi nhìn tôi trên vách (kỳ 7)

Đôi mắt tôi nhìn Nghiễm qua những cái chớp và khi tôi ngã người nằm xuống khép đôi mi nhỏ lại tôi thoáng thấy cái tầm vóc thon thon một kỷ niệm chợt hiện về. Ngay đó, ở Huế tôi còn đi học, ở Saigon Nghiễm làm tại đài phát thanh, những cánh thư gởi vào, những cánh thư gởi ra. Ngày đó, trước mặt nhà tôi có trồng cây khế chua. Tôi trèo lên hái một rổ, múc thau nước lạnh cho khế vào ngâm một đêm. Sáng mai, tôi cắt khế ra thành từng mẩu nhỏ rồi lại ngâm khế vào nước vôi trong một giờ đồng hồ, rồi lại ngâm khế vào nước muối trong nửa ngày trời. Đến chiều, khi trời sắp sửa hoàng hôn, tôi đổ khế vào nồi bắc lên bếp nấu đến thật sôi, rồi hạ nồi xuống đem khế ra rổ rửa ba lần nước, sau cùng đổ bốn bát đường cát vào xoong chung với khế đặt lên bếp rim lửa riu riu ngọn nhỏ không thì khế khét. Trời ơi! Miếng mứt khế có vị chua của chính nó, vị mặn của muối, nồng của vôi, ngọt của đường… ăn vào the the đầu lưỡi, ăn vào giãn nở từng khúc ruột. Một miếng khế mà đủ cả mùi đời. Tôi ăn buốt cả răng, tê tái cả lưỡi, một sở thích hảo hạng khiến đôi mắt tôi ngân ngấn ánh nước và thái dương ướm rịn mấy giọt mồ hôi. Tôi tức tốc ngồi vào bàn viết cho Nghiễm một lá thư dài và tôi viết tái bút: Anh Nghiễm ơi, trên mặt trăng có mấy vùng đại dương bão tố thì trong lòng em cũng có mấy vùng đại dương bão tố như mặt trăng vậy. Tôi gấp lá thư làm hai, làm tư cho vào phong bì, tôi lấy bốn lát mứt khế nhét vào bốn góc bao thư, xong xuôi lấy bún dán lại. Những lát mứt khế gởi vào Saigon, những lát mứt khế nồng vôi mặn muối tô vẽ nên bức tranh tình yêu thẳm màu để dẫn đến một hành lang hôn nhân kết bằng những giấc mộng kêu giòn như đá sỏi, kết bằng những chiếc hôn bình yên như từng chiếc bánh bò tròn trịa. Những lát mứt khế ăn vì nhau, nhấm nháp vì nhau, yêu nhau cho đến mãn hạn cuộc đời.

Ngày gặp nhau Nghiễm bảo:

– Lúc đầu, anh mở bao thư ra anh tưởng là bốn miếng lạp xưởng.

– Em cứ sợ mấy lát khế khi tới tay anh thì mốc meo rồi anh chê.

Chàng đưa tôi đi trên con đường Duy Tân, con đường đẹp nhất Saigon với hàng cây cao ngạo trồng đều nhau. Tôi ngước lên hỏi:

– Thế nhưng mứt khế em làm có ngon không? Anh có khen không?

– Ngon quá! Anh khen lắm lắm.

Tôi nhún người lên một tí:

– Để em làm mứt chanh cho anh ăn. Về món mứt chanh em là một bàn tay tuyệt tác.

– Ừa…

Tôi cầm ngón tay út của chàng:

– Còn mứt me nữa, để em ra tay làm mứt me, dầm me cho anh ăn.

– Cũng ngon.

– Ừa… để em rang muối mè cho anh ăn cơm.

Nghiễm vừa cười vừa kêu khẽ:

– Rang muối mè cho anh ăn cơm. Chắc là em định bắt em ăn cơm gạo lứt.

– Không, em phản đối phép tân dưỡng sinh. Em chỉ rang muối mè cho anh ăn xôi buổi sáng, em vắt từng nắm xôi cho anh chấm muối mè mà…

Nghiễm quàng vai tôi:

– Thôi, hãy gác những món ăn thượng hảo hạng sang một bên… Anh không ngờ em lại đẹp như thế này. Tối nay anh đưa em đi phòng trà.

– Vâng, tối nay anh đưa em đi phòng trà, chiều mai anh đưa em đi xem đá bóng.

Nghiễm tỏ ra rất thích tôi mặc áo màu xanh nữ tiếp viên hàng không. Sáu giờ chiều, Nghiễm đón tôi vào Chợ Lớn ăn cơm chiên Tàu với chim câu nhồi yến. Nghiễm hỏi có ăn một món rau không? Tôi trả lời, em ghét rau lắm, chỉ ăn thịt thôi, chiều mai anh cho em đi ăn chè với ăn kem. Ai cũng bảo kem Saigon ngon lắm, cả thành phố Huế chỉ có hai tiệm kem mà thôi. Lần đầu tiên tôi chợt để ý Nghiễm thật tha thiết với những ly rượu và tôi gật gù: đàn ông uống rượu oai hơn uống xá xị con cọp.

Không khí trong phòng trà không phải là không khí những cuộc vui tôi vẽ ra trong trí từ ngoài Huế, không khí đó dành cho những chuyến hẹn hò có đụng chạm. Nghiễm ấn tôi ngồi xuống ghế trong thứ ánh sáng yếu ướt mắt và tôi thèm ăn một gói đậu phộng rang. Nghiễm kêu khẽ:

– Em thích ăn những món ăn nhỏ nhỉ?

– Vâng, em chuyên ăn những món ăn nhỏ, trứng vịt lộn đối với em cũng là một món ăn to… sang trọng đài các.

Nghiễm cười nâng ly rượu màu hổ phách lên môi:

– Lát nữa “cái bang” kéo lại đông lắm. Chúng say chúng mới kéo lại đây.

Nghiễm giới thiệu tôi với “Cái bang”, bạn bè chàng, rằng tôi sẽ là vợ Nghiễm. Cả bọn bỏ chỗ cũ kéo lên ngồi thật gần chỗ các ca sĩ. Những ông “Cái bang” càng say càng ít nói. Một nữ mầm non đong đưa thân hình thật gần mặt tôi trong một bài tình cảm của Y Vân. Nàng có dáng dấp dài dịu dàng, uyển chuyển, mềm mại như một dải lụa, đôi mắt chớp chớp nửa vời và chiếc miệng không hé cười. Ông “Cái bang” ngồi bên cạnh Nghiễm say nhèm nhẹp ngoác miệng vẫy tay lên kêu và kêu với lên:

– Yêu cầu bài hát “Anh nghe chăng cung kèn rạng đông”.

Cô ca sĩ lườm một cái cong vòng. Tôi nói với Nghiễm:

– Đối với nữ ca sĩ, phòng trà là cái trường đời cuối cùng dạy cho họ dày dạn nhất, phong sương nhất, khôn ranh quỷ quái nhất, họ khôn ngoan đến trầy da tróc vẩy đàn ông ra, đến khô héo phổi phế tim cật đàn ông ra.

Nghiễm bóp tay tôi cười hề hà:

– Chưa có chồng mà đã ghét ca sĩ.

– Lấy nhau rồi, ngày nào em cũng tụng vào tai anh câu đó để anh đừng đặt chân đến phòng trà.

Nghiễm chợt hỏi:

– Gia đình em vào Saigon lâu rồi. Sao bây giờ em mới vào?

Nỗi lúng túng của tôi chuyền tới bàn tay Nghiễm đang giữ:

– Em bị kẹt câu chuyện nhỏ.

– Chuyện nhỏ gì mà kẹt tới hai năm.

– Chuyện nhà cửa bán chưa được, mấy cổ phần hùn mở trường tư chưa thanh toán xong.

– Em giàu đến thế cơ à?

– Nhà cửa ở Huế rẻ rề mà anh, mấy cổ phần trường tư coi như mất. Nó chìm vào bàn ghế học trò ngồi, vào những dụng cụ học đường. Công việc làm ăn của cha em đó… Đến bây giờ, nhà vẫn bán chưa được, em sốt ruột quá vào đại Saigon, giao hết cho bà cô trông coi.

– Thế mà anh tưởng em kẹt chuyện kia.

– Dứt khoát lâu rồi, anh Sanh với em không hạp tâm hạp tạng nhau.

– Nhà em ở Huế giá trị bao nhiêu?

– Chừng nửa triệu, à… anh biết không? Ngôi nhà em ở Huế nằm trên đường lớn đi tới Phú Cam… Tết Mậu Thân vừa rồi bao nhiêu nhà cửa ở con đường đó sập hết, hư hết, thế mà ngôi nhà của em vẫn y nguyên không sứt không sờn, người ta trưng dụng làm trại tạm cư…

Yến bĩu môi:

– Cái mặt mày trông cũng được mà sao để cái đầu tóc bẩn quá?

Tôi ngẩng đầu lên hỏi:

– Yến nói ai?

– Thằng cha Phải tóc ru-lô.

– Ừa, hip-pi ngu xuẩn, dơ dáy.

Vân vừa nói vừa cười, tôi đặt cây bút xuống bàn góp tiếng:

– Sao thằng Phi nó không biết rằng cái đầu tóc của nó thật bất lợi cho nó nhỉ?

– Hắn là một hip-pi quá khích, mà đã quá khích thì can không nổi.

Vân tiếp:

– Phải tìm một khu rừng không chiến tranh cho hắn sống.

Tôi cười:

– Hắn là một dị nhân giữa cuộc đời.

Yến chỉ vào mặt tôi:

– Không chừng hắn mê chị Khanh đấy, mà chị Khanh kể cũng hip-pi đấy chứ… áo dài raglan ngắn gần tới đầu gối.

Chất kem đánh răng hồi sáng vẫn còn dư vị trong miệng khiến tôi mát rười rượi, ly nước đu đủ xay hòa với sữa đặc có đường uống điểm tâm làm tôi bây giờ nhẹ nhõm, tôi phát vào má Yến một cái đánh yêu:

– Nói bậy nói bạ…

Yến cười:

– Nói tầm bậy tầm bạ hồi nào đâu, nói trúng lỗ rốn cái phóc. Chị đẹp thì phải khen chị đẹp chứ!

Tôi đưa mắt một vòng quanh các cô bạn đọc nhanh những biểu lộ trên mặt. Đàn bà cũng luôn miệng khen đàn bà đẹp. Đàn bà nhìn đàn bà bằng màu mắt riêng, trong sự công nhận người khác đẹp có sự so sánh ta với mình. Thân hình tròn hơn, da mịn hơn, đôi mắt quá to, chiếc miệng hình tim rõ quá. Sự chấp nhận cũng là một sự so sánh hơn thua. Và trong sự phê phán hạnh kiểm cũng có sự so sánh. Cái nhìn bắt nguồn từ mình, nhìn suy ra từ mình.

Phi bước vào, Vui bước vào, cùng những người khác, những người đàn ông nhỏ nhìn sang phía phái đẹp. Vân cầm cánh tay tôi dong lên kêu lớn, anh Phi hip-pi ơi, hôm nay chị Khanh cũng mặc áo hip-pi đẹp lắm. Bọn đàn ông lấy mắt ngó qua im lặng cười. Liên từ nãy vẫn cúi xuống chép bài, ngẩng đầu lên hỏi, chị Khanh may áo dài ở hiệu nào, bao nhiêu tiền công. Ở cái tiệm gì đường Phan Đình Phùng có bốn trăm thôi à. Trời, áo dài mà may bốn trăm tiền công làm sao mặc được. Em may phải một nghìn tư tiền công. Tay raglan, cổ classique, nách không nhăn, bụng không nhăn, vạt hẹp mà ngắn. Áo dài phải may ngắn mặc mới trẻ, áo dài của em, em không cho chít bốn đường nhíp song ở bụng đâu, một nghìn tư mà em bắt phải may sít vào người ôm lấy cái bụng, ôm lấy cái ngực, thân hình em sao thì cái áo dài vậy, mà không được nhấn bốn đường nhíp song, phải để tự nhiên cho người ta thấy mình đẹp tự nhiên, có eo tự nhiên …

Tôi nói:

– Bà vừa đi học vừa đi làm nên mới dám may áo dài nghìn tư tiền công, chứ tôi…

Suốt ba tiếng đồng hồ chép bài tê tay, mười một giờ hấp tấp ra về thì bị Phi giữ lại:

– Tôi phân vân không biết nên đưa thư tay cho chị hay là nói lời trực tiếp với chị.

Tôi muốn giậm chân một cái:

– Nửa trưa đứng bóng nắng nôi thế này mà anh giữ tôi lại dọc đường dọc sá…

Phi bước xích lại một bước:

– Một là chị nhận bức thư, hai là chị nghe tôi tuyên ngôn.

– Tôi có chồng có con đàng hoàng đâu phải là thứ hớ hênh, anh phải rút lại tất cả lời nói.

Phi sừng sộ:

– Tôi cực lực bất mãn chị vì lời nói đó. Tôi giận méo cả mặt, ngọn nắng xỉa xói vào mắt xống xang chỉ muốn nhắm mắt lại. Phi lớn tiếng:

– Tôi cho chị chứ tôi có lấy của chị cái gì đâu. Chị quá hấp tấp nên chị có thái độ xuẩn ngốc.

Tôi muốn rên lên một tiếng lớn hừ hừ từ một cơn sốt tưởng tượng có mồ hôi vã ra thấm ướt lưng áo, tôi muốn vùng vằng giậm mạnh hai chân, vung lớn hai tay:

– Anh nói vậy với tôi không được đâu!

– Tôi cho chị không hết chứ có lấy của chị cái gì đâu mà chị chửi. Chị có anh Nghiễm, chị có một bình điện để làm ra hạnh phúc; bây giờ tôi cho chị một bình điện nữa. Chị có hai bình điện, tại sao chị không sung sướng?

Tôi nhủ thầm trong bụng: họ hàng nhà anh có mấy mồ mả, tôi, chồng tôi, con tôi muốn chửi cho sập hết, chứ… sung sướng … sung sướng … Tôi mỉm cười:

– Tôi sẽ đập bể bình điện của anh.

– Không, chị phải đeo bên người hết sức cẩn thận. Bình điện của anh Nghiễm chị quý trọng chừng nào thì bình điện của tôi chị cũng phải quý trọng như vậy.

Tôi xem đồng hồ tay:

– Xin lỗi anh, tôi phải về nhà gấp.

Phi vụt cầm tay tôi chặt cứng:

– Tôi sắp nổ tung ra đây, chị phải tiếp giữ bình điện cho tôi.

Tôi sợ dại người, nhìn quanh quất, giựt mạnh bàn tay về. Phi cười rung rung cả râu:

– Em có cắn tôi cũng không trả tay về.

– Anh cổ quái hung hãn quá.

Mấy cuốn vở rớt xạch xuống đất.

– Ai em út với nhà ngươi. Bỏ tay ra, du đãng.

– Cắn cũng không bỏ tay ra.

– Sức nhà ngươi được mấy hơi, ta chỉ vung tay mạnh một cái là nhà ngươi văng xa, cần gì phải cắn, cắn bẩn miệng, để miệng mà hôn chồng hôn con, mà ăn đồ ngon vật lạ.

Tôi nhìn lại Phi cười rất lạt một cái rồi đón xe lam bước lên. Tôi ngồi nhét vào một chỗ gần tài xế nhất, vướng víu bứt rứt khó thở. Chỗ ngồi tốt nhất trên xe lam là chỗ xa tài xế nhất không ai nhường ai. Tôi về tới nhà vén mùng thăm con rồi đi nằm. Hôm nay con bé mặc áo hồng khiến nước da trắng càng làm sáng càng tươi. Có tiếng một đứa em réo kêu ở phòng khách: Chị Khanh ơi, chị nhìn chung quanh chiếc nôi của con Khanh Hiền xem có gì lạ không. Tôi ờ một cái cúi xuống lục tìm. Chung quanh nôi con bé dán đầy những cánh hoa hip-pi xanh đỏ tím vàng. Tôi vỗ đít con nói nựng:

– Mới tí toe còn nằm trong nôi mà cũng đã hip-pi.

Tôi nói vọng ra:

– Ai dán hoa giấy vào nôi em rứa?

– Chị Trâm đó.

– Ẩu, anh Nghiễm về anh nói chết.

Tôi nghĩ tới từng nét mặt nhăn như xếp của Nghiễm: Trời… con tôi không phải là búp bê để làm một trò chơi. Ai xức nước hoa lên đầu con bé vậy? Trẻ con da thịt non nớt phải để cho nó hô hấp tự nhiên, nước hoa làm ngột hơi nó.

Tôi cười nhẹ tháo gỡ từng cánh hoa ra.

– Để nguyên cho đẹp. Tháo gỡ ra làm chi? Trâm cười khúc khích cúi xuống mặt con bé: Mới ranh mương cũng đã hip-pi.

– Tau ghét cái chuyện này lắm.

– Đạo đức quá ta, đạo đức giả cũng dễ ghét, đạo đức thật cũng dễ ghét. Hễ cứ đạo đức là dễ ghét rồi.

– Tau sợ luôn!

– Sợ chi mà sợ, bộ cái thằng bạn thân thiết nhất của bà không phải là hip-pi sao?

– Thúi chưa?

– Cái thằng có tới nhà mình một lần, cái thằng mặt mày trắng hếu như đau bệnh bạch tạng.

Một nỗi ớn lạnh ghê người rùng mình tôi mấy lần, một nỗi ớn lạnh đâm xuyên vào bên trong làm gây gây cần cổ khi tôi nghĩ đến Phi, nghĩ đến như một con bệnh ám chướng, một hiện tượng ma quỷ rùng rợn, một trường hợp quái đản kinh dị. Tôi cho chị chứ tôi không lấy của của chị, tôi cho chị bình điện thứ hai.

Tôi lẩm bẩm:

– Bình điện thứ hai, bình điện thứ ba, thứ bốn, thứ năm…, nghe mà đổ mồ hôi lạnh.

Trâm hỏi:

– Cằn nhằn cái chi đó?

– Tự nhiên tau nghĩ đến những người nhái mang trên lưng bình dưỡng khí và thở ra bọt.

Trâm xoa tay:

– Thôi đừng nghĩ đến ếch nhái nữa, hãy nghĩ đến tôi và cho tôi mượn tám trăm mua đôi dép.

– Cho mượn là mất.

Trâm trợn mắt:

– Mất sao được, tui đem cả cái chức giáo sư trung học của tui ra cầm cho chị tám trăm đồng.

Tôi dí tay vào trán Trâm:

– Mi không trả tám trăm đồng cho tau, cuối tháng tao trừ vào tiền cơm của mẹ.

Từ những món tiền vặt một chục hai chục buổi sáng cho em ăn bánh mì gà đến những món tiền lớn ba trăm năm trăm tôi đều giấu Nghiễm. Dạo này bánh mì gà giữa đường mọc lên nhiều chỗ bán quá, em tôi đứa nào cũng thèm, mỗi lần cho tốn bạc trăm. Nghiễm rỉ nhỏ vào tai tôi:

– Em đừng cho chúng ăn bánh mì gà nhiều.

– Em có cho đâu.

– Đứa nào săn sóc con mình thì em nên thưởng. Đứa nào ghét con mình thì em đừng cho gì hết v.v…

– Dạ, em ra lệnh cho mấy đứa là cứ mười lần thay một tã đái cho Khanh Hiền thì được thưởng một ổ mì gà.

– Con mình nó đái nhiều quá.

– Ngày hôm qua con Cúc được thưởng đến ba ổ bánh mì gà.

– Đái gì đến ba chục lần một ngày?

– Em đi học về em đếm đủ ba chục cái tã thay ra mà.

Nghiễm chắc lưỡi:

– Không biết bánh mì gà ngon lành gì mà chỗ nào cũng thấy bán.

Buổi trưa Nghiễm đi làm về liệng xấp giấy xuống bàn:

– Đó giấy hôn thú đó. Hãy ngất đi vì sung sướng.

– Trời ơi, anh làm hôn thú mà làm gì. Em đang định khai con theo họ mẹ mà, anh làm em cụt cả hy vọng.

– Em hay hứng làm những chuyện khác thường.

– Tối nay anh dẫn em đi ăn, dẫn cả nhà đi ăn để giới thiệu cái giấy hôn thú đi.

– Mai mua một con gà bự về đãi cả nhà.

Khi mở tủ cất xấp giấy hôn thú vào, ý nghĩ tôi loáng thoáng lướt qua Phi bởi một khuôn mặt màu trắng mệnh yểu, bởi một bàn tay nham nháp mồ hôi cầm chặt tay tôi khư khư như đười ươi giữ ống. Con đười ươi ngẩng mặt lên trời mà cười. Phi nhìn thẳng vào tôi mà thở dốc hào hển. Bàn tay bị nắm giữ cuối cùng vẫn thoát được. Tôi quay lại bảo Nghiễm:

– Người mình không chung thủy với nhau bằng người mọi, người mình còn bỏ nhau chứ người mọi đã lấy nhau rồi thì không bao giờ bỏ. Bỏ nhau thì phải nạp cho làng hai chục con trâu.

– Tôi không biết đối với cô cái giấy hôn thú này có hiệu lực được mấy năm?

– Đến khi nào tất cả các bình diện trên thế gian đều bị đập bể.

– Cái gì? Là nghĩa lý gì?

– Chẳng nghĩa lý gì cả.

Con bé Hiền ré lên khóc lớn, khóc một cách khẩn cấp, khóc hả họng, khóc ráo riết khiến cha mẹ cuống cuồng. Nghiễm nhìn đồng hồ:

– A, chị ấy đói bụng, đến giờ rồi.

– Anh pha sữa cho em một lần đi.

Mặc con bé khóc khô hơi rát họng, Nghiễm rửa tay bằng xà bông thơm, bằng cồn chín chục chữ, bắc cái ghế, lấy cái gắp nước đá gắp cái bình sữa lên trụng nước sôi, gắp cái núm vú trụng nước sôi. Tôi giựt cái bình trút nước sôi vào:

– Trời oi, đau đẻ mà còn chờ sáng trăng. Làm cái gì mà rờ rờ rận rận vậy, biết đến bao giờ con mới có sữa bú.

Nghiễm trợn mắt thô lố:

– Vậy để lần sau đừng bắt người ta làm.

– Trời ơi, chồng người ta sao mà giỏi giang, súc bình sữa cho con, giặt tã cho con, nấu nước sôi cho con, tắm cho con, rơ miệng cho con.

– Thế trong khi đó thì người vợ làm gì?

Tôi ầm ừ bế bé Hiền lên đùi, dựa đầu vào lòng quàng vào cổ con chiếc khăn đón sữa, ấn núm vú cao su vào miệng con. Con bé bú một hơi hết sạch chưa thỏa mãn. Tôi đưa Nghiễm cất bình, cho con uống ba thõa nước sôi để nguội rồi bế xóc nó lên vai vỗ vỗ vào lưng nó cho ợ hai cái liền.

Nghiễm đưa trước mặt tôi một cuốn sách mở sẵn ở trang giữa:

– Này, đấy đọc đi…

Bài dưỡng nhi dịch từ tiếng Anh sang, rằng sữa mẹ là thiêng liêng, đã là mẹ thì phải có sữa cho con bé. Đứa hài nhi ở thời đại đổ bộ cung trăng này phải nuôi một cách hết sức thiên nhiên: con đói giờ nào cho bú giờ đó, không được tính cách khoảng ba giờ mới cho bú một cữ. Đã là mẹ thì phải bế con luôn tay không được nghỉ, vừa bế vừa hò vừa hát ru, không được quan niệm rằng phải để trẻ nằm riêng không bồng không ẵm sợ trẻ bắt hơi. Đêm cũng như ngày phải cho con ngủ chung với mình. Phải hôn hít con luôn, nói nựng luôn luôn, xoa đầu luôn luôn cho khỏi méo…

Tôi cười vang:

– Phương pháp gì mà quê rích quê rang, xưa mốc xưa meo. Bộ cứ ngồi ôm con cả ngày rồi cơm nó trôi tới miệng cho mà ăn hay sao?

– Đứa trẻ Việt Nam nó khổ lắm, khổ hơn những đứa trẻ khác nhiều. Con trai sẽ đi lính, con gái sẽ là nạn nhân trực tiếp. Vậy lúc nó còn nằm trong nôi hãy ưu đãi nó.

Tôi cãi:

– Phương pháp này để thức tỉnh người đàn bà Tây phương vì văn minh cơ khí đã làm phai lạt tình thâm mẫu tử, khuyên họ phải tuyệt đối gần con để mẹ con khỏi xa cách.

– Em mà cứ nuôi con không bồng ẵm, cứ ba tiếng đồng hồ vác lên cho bú một lần, rồi con nó lớn lên nó không thương em cho mà coi.

– Trời ơi, anh tiền sử quá, có mẹ nào bằng mẹ này nữa!

– Ừa, có con mẹ nào bằng con mẹ này!

– Cả ngày ngồi ôm lấy con là việc làm dễ nhất, bỏ con nằm đó đi làm việc khác, đó là chuyện khó, công chức bây giờ cả hai vợ chồng đi làm mới đủ sống… bộ người vợ phải gùi con trên lưng mà đi làm việc hay sao?

– Đàn bà Tàu làm được chuyện đó. Đàn bà Tàu đẻ xong, cắt rốn cho con xong, chôn nhau xong, là ra đồng làm việc liền.

– Anh nói về chuyện sinh đẻ trật bậy hết. Đẻ xong mà không nằm là bị băng huyết.

Nghiễm sửa soạn đi làm, đứng trước gương chải tóc hỏi:

– Sao hôm nay em không đi học?

– Em ở nhà vài hôm.

Cả đến da thịt cũng biết buồn nôn, cả đến những chiếc răng cũng cảm thấy bứt rứt, cả đến những sợi tóc cũng biết mỏi mệt, thái độ Phi là cả một nỗi ớn lạnh chua như pha giấm âm ỉ ăn mòn và tàn phá, một khối cảm tình khắt khe, gai góc úp chụp lên làn da non ý thức tôi đang run sợ bàng hoàng. Cái nắm tay hôm qua vẫn còn bất mãn, cái nhìn đờ đẫn, làn da trắng xanh của cơn bệnh bạch tạng, tôi mường tượng như một sự ám hại mơ hồ. Tôi sực nhớ lại lời của Yến: phải đi giữa đường nói chuyện với thằng Phi thật xấu hổ muốn chết đi được. Tôi sực nhớ lại lời Phương: trời ơi, hôm qua đi xi-nê thấy thằng Phi moa sợ quá vội lủi trốn, sợ nó men đến chào quá. Ý kiến của Nga: thằng Phi trông như một kẻ tà ma yêu đạo trong truyện phong thần, tui mà thấy nó là chạy gấp… Rồi cả mấy cô rúc lên một hồi cười, tôi biện hộ cho kẻ vắng bóng: Hãy đừng cần nhìn đến thằng Phi đi, hãy xây lưng lại đừng nhìn thằng Phi mà cười đi. Tôi nói xong ngồi xuống một chỗ yên tịnh chép bài. Ngay lúc đó thì Phi rà đến hỏi:

– Chị Khanh này, các chị trong lớp chị thấy đối với tôi như thế nào? Họ có cảm tình đối với tôi không?

– Trời ơi… tha thiết.

– Còn chị, chị đối với tôi thế nào?

– Anh là một hiện tượng khác lạ.

– Chị có cảm tình đối với tôi không?

– Sao lại không? Bộ anh cần cảm tình lắm hay sao?

– Hỏi dò cho biết.

– Tui thì ai thương cũng vậy, ai ghét cũng vậy, chẳng sợ đách gì hết.

Nghiễm khẽ đá chân vào tôi:

– Nghĩ đến ai mà đừ ra vậy?

– Cô Vân dạo này có năng lại tòa soạn thăm anh không?

– Ồ… cái con bé hip-pi chán quá! Chẳng được cái tích sự gì cả, chỉ múa may quay cuồng.

– Bộ anh không thích hả?

– Làm sao thích nổi. Mười ngón tay đeo sáu chiếc nhẫn xanh đỏ tím vàng lam lục, hai cổ tay mười bốn chiếc vòng, cổ cũng quàng một mớ dây cườm hoa hòe sặc sỡ, dép cũng dán hoa, áo quần… màu mè diêm dúa lòe loẹt. Chán ôi là chán!

– Anh đếm còn thiếu chi nữa không? Đến bạn gái với nhau mà em còn nhìn nó không kỹ bằng anh.

Chiếc quạt máy đang quay trên tường cũng là một cơn gió xoáy vào tai tôi cho tôi nghe những lời cưỡng bức của Phi. Không, không, chị không được quyền trái ý tôi, chị phải khẳng nhận những giọt tình tôi cho chị. Chị phải thương lấy tôi, tôi phải thương lấy chị. Tôi đã yêu chị rồi. Chị không yêu tôi là cái nghĩa lý gì. Tôi yêu chị mà chị lại đi yêu người khác. Ô hay, sao lạ vậy? Sao chị kỳ quá vậy? Sao chị không yêu tôi? Hãy nhận cái căn phần của chị. Hãy nhận cái căn phần của tôi. Hãy nhận cái căn phần của Nghiễm. Tại sao chị chỉ yêu Nghiễm mà không yêu tôi? Nghiễm mà chị yêu được thì tôi chị cũng phải yêu được. Tại sao lại có hạng đàn bà cổ quái như chị được nhỉ? Kỳ dị như chị được nhỉ? Cái bản chất người của chị đâu? Chị đã đánh mất hồi nào? Hãy trả lời bản chất người và đừng bao giờ quên mình là người. Tôi luống cuống quay sang Nghiễm:

– Em đi học, chiều nay anh lại trường đón em về.

Nghiễm ngửa mặt lên trần nhà:

– Ôi chà!

– Anh đón em về, anh dẫn em đi uống nước mía, ăn trái cóc dầm cam thảo.

– Tôi dẫn cô đi ăn kem chứ!

– Vâng, em đòi ăn kem bốn màu, anh bảo em là nhà quê! Người tân thời chỉ ăn kem một màu.

Nghiễm cười cười, vừa nịt quần vừa cúi xuống nhìn bụng mình, vỗ tay vào bụng mấy cái.

– Chiều nay anh lại đón em về nhé!

– Thôi thôi, bày vẽ, anh thì giờ đâu.

Một cái hất tay rất khẽ, một cái xô đẩy rất nhẹ cho tôi bàng hoàng bật lui, bàng hoàng lạng người ra sau với bộ mặt nóng bừng bừng, với cõi lòng lạnh người.

– Ừ. Thôi.

Chưa bao giờ tôi sửa soạn kỹ bằng lần đi học này, điểm trang từng nét, từng nét với chất thuốc đen bôi vào chân mi nối dài những sợi nhỏ.

Yến kéo tôi ngồi xuống ghế chúc miệng vào tai:

– Bộ anh Nghiễm có mèo sao mà trang điểm kỹ dữ vậy?

– Anh Nghiễm làm sao có mèo được. Ai mà mê anh ấy được.

– Vậy à?

– Mèo nào mà mê anh ấy được. Trừ phi là một con mèo cụt đuôi. Yến cười cười, tôi tiếp: Anh ấy bây giờ làm việc từ bảy giờ sáng đến mười hai giờ khuya không một phút rảnh. Bây giờ mà có mèo tất phải có hẹn hò, có đi chơi. Ban ngày mà đi chơi một giờ thì ban đêm phải làm việc thêm một giờ. Bây giờ nếu mà đi chơi với mèo thì đêm về không được ngủ. Lại còn phải thay đổi cả một nếp sống. Ảnh lười biếng lắm mà.

– Tự tin ghê nhỉ. Tôi không bao giờ tin đàn ông vì đàn ông nhiều mưu gian lắm.

Tôi cải chính:

– Mình đâu có tin chồng mình. Mình chỉ tạm thời suy luận vậy thôi.

– Chị Khanh chiều về có đi chợ Saigon không?

– Không, mình còn phải ghé chợ Cũ mua vài quả cà nấu canh cà bung cho anh ấy.

– Anh ấy có ăn món Huế được không?

– Không, anh ấy khó lắm, khó ghê lắm lắm, gay cấn lắm, chỉ có mình mới chịu được.

– Thế à. Thế mà trông anh ấy hiền lành như củ khoai từ.

– Chính củ khoai từ là củ khoai độc nhất trong những củ khoai. Kẻ không đau ăn vào thì mệt, mà kẻ đã đau sẵn ăn vào càng đau nặng.

Yến ấn cái móng tay nhọn vào vai tôi nói nhỏ:

– Coi kìa, chị coi kìa, cái thằng Phi sao nó nhìn chị chăm bẳm vậy, nhìn hầm hầm dữ dội quá.

– Nhìn Yến chứ đâu phải nhìn mình.

– Không, nhìn chị mà, tráng sĩ Morito yêu gái có chồng.

– Phát ngôn vung vãi rồi.

– Em tuyên bố một trường hợp động trời cho chị biết mà.

– Gái có chồng rồi chỉ mơ có một điều là được chồng thương, chồng không có mèo, đó cũng là mơ cao quá đầu mình rồi.

Yến cười:

– Ba hồi bảo anh Nghiễm không có mèo, ba hồi bảo tất cả đàn ông đều có mèo.

Yến kéo ghế tránh chỗ ngồi nắng dọi một quệt dài từ cửa sổ xiên ngang, lấy lược chải lại tóc và cúi mặt xuống chiếc gương con đặt dưới bàn. Yến ngợi ca mái tóc mới nhất là phía trước cắt ngắn cho viền quanh mặt, phía sau thả dài, mái tóc tôi đã thấy vài ba lần trên ti-vi. Một bạn trai ở ngoài đi vào, phì phèo ngậm thuốc lá, vai đưa lên ngang tai, đôi tay cho vào túi quần, tóc thì xuống dài tới cổ áo, tới bên cạnh tôi hỏi mấy giờ. Tôi vén tay áo cho anh thấy không có đồng hồ rồi quay sang hỏi Yến. Yến cất chiếc gương con vào cặp, lôi ra một gói nhỏ đặt xuống bàn.

– Chị Khanh ăn bánh bò.

Tôi cầm chiếc bánh lên mân mê:

– “Thân em thì trắng phận em thì tròn…”.

Yến chợt chọt ngón tay vào vai tôi:

– Chị trông thằng Phi cũng đang ăn cái gì kia, nó đang nhai kia kìa.

– Mình khuyên Yến hãy sống bất cần người khác di, sống không phải nhìn người khác để cười.

– Em đâu có nghèo hèn đến thế! Nhưng chị dòm thằng Phi nó đang nhai cái gì kìa.

Tôi nhún vai:

– Chắc là đang nhai thuốc phiện.

– Không, hắn là hip-pi giả mà, làm gì có tiền mua thuốc phiện để nhai. Chắc là đang nhai thịt bò phơi khô.

– Hắn đang nhai thuốc tễ đấy. Hà thủ ô…

Yến chép miệng:

– Nước nhà thì giặc giã lên giặc giã xuống, nghèo bỏ cha đi mà cũng hip-pi.

Cái nhìn xiên ngang qua đó tôi thấy đôi mắt Phi đang nhìn tôi, đang canh gác tôi, đôi mắt cố gắng hắt lên những tia sáng đục, đôi mắt mở mãi vẫn không hề to ra. Lời của Nghiễm là tiếng reo nhỏ trong vành tại hẹp của tôi: ôi cái con Vân hip-pi chán quá là chán, hip-pi quá nên tuổi dậy thì mà không đẹp, tóc cắt ngắn củn khiến hai cái tai vểnh ra, áo quần giày dép thì bung lung hoa hòe hoa sói, mười ngón tay có đến sáu ngón đeo nhẫn, hai cổ tay tròng hai chục chiếc vòng, cần cổ đeo một nắm dây cườm. Nghiễm nói thêm:

– Lũ gái hip-pi thật khó giải thích.

Tôi gật đầu:

– Ừ gái thường dậy thì trông mơn mởn nõn nà, bọn gái hip-pi dậy thì sao trông thế nào, thế nào…

Tôi nhìn Phi mà tưởng như thấy được một người của thời kỳ ăn lông ở lỗ, một thời kỳ chưa có lửa chưa có khói, chưa có con dao, cái kéo và chiếc kim may áo quần. Phi xồm xoàm râu tóc, Phi cầm tay tôi bữa đó mà bữa nay tôi trông hình như những sợi lông măng trên tay mình cũng dài ra, những sợi tóc mai cũng dài ra, và những cái móng tay cũng dài ra. Tôi nhớ lại lời người bạn thân nhất của Nghiễm:

– Tao có thấy sáu thằng hip-pi thật là sung sướng. Sáu thằng ngồi ăn một cái đùi cừu, xẻo từng miếng mà ăn. Sáu thằng mặc xì-líp ngồi đánh bạc.

Sáu thằng mặc xì-líp ngồi đánh bạc. Saigon cũng thường có những cơn mưa rào trong nắng, mặc xì-líp ngồi đánh bạc chắc là lạnh. Saigon bụi bặm nhiều như rắc bột, mặc xì-líp ngồi đánh bạc mồ hôi ra nhớp nháp thân hình. Anh bạn của Nghiễm nói tiếp:

– Để cho cái hip-pi nó vào trong nước được thì thật người Việt Nam dở. Chiến tranh bỏ cha đi mà còn…

Tôi hỏi:

– Chắc hip-pi mỗi ông một vạt lông trước ngực?

Nghiễm xua tay:

– Thôi, thôi, gạt em ra ngoài vấn đề này.

Tôi quay mặt qua anh bạn:

– Hôm qua có người tặng tôi đôi dép ở giữa có cái hoa hip-pi to đại chảng.

Phi lại một lần nữa nắm tay tôi, thở dốc bên cạnh tôi, đờ đẫn bên cạnh tôi, tái diễn cái lối tỏ tình phẫn nộ, bất khuất, cưỡng ép, ức hiếp. Tôi thêm một lần xin van Nghiễm hãy đón tôi từ trường về nhà. Đón từ trường về nhà qua cổng trường bưu điện, con đường Độc Lập, vườn hoa Tao Đàn, bao nhiêu con đường dài có cây cao, qua bao nhiêu đống rác lớn, bùng binh chợ Bến Thành…

Nghiễm cười hắc hắc:

– Cái việc em đi học thêm nó hết sức phụ thuộc, sao em cứ đưa lên hàng chính.

Tôi cau mặt:

– Em biết thân lắm mà. Cái việc em đi học thêm đây cũng như người đàn bà nào đó lén chồng viết văn, lén chồng viết báo, in sách, thay vì lén chồng đi đánh bạc.

Nghiễm nói một câu thật nhanh nuốt bao nhiêu chữ tôi nghe không kịp:

– Sao, sao, cái gì? Cái gì?

– Cái việc đưa đón nhau là biểu diễn một hai lần chơi ở thời kỳ chưa cưới, chứ bây giờ…

– Vâng, vâng, bây giờ… bây giờ là trừng mắt mà ngó nhau, đưa cao quả đấm mà công nhau. Hạnh phúc của vợ chồng mình là hơn thua từng miếng một, là giữ mình từng miếng một.

– Lại cái lối nói vè rồi…

– Vâng, tôi nói vè đấy, bài vè kêu la thảm thiết cho số phận mình.

– Em sống trong sung sướng mà không bao giờ tự biết tự hiểu. Sau này em gặp một hoàn cảnh không may nào đó, em mới thấy tiếc nuối những năm tháng sống bên anh.

– Em không có hạnh phúc. Em công nhận anh là một người tốt nhưng tốt với ai chứ không phải tốt với em. Anh tốt với bạn, anh tốt với những người đàn bà ngoài, anh tốt với nhiều người quá nên anh không tốt với một người là em. Còn em, em không có cung bè bạn, em không tốt với một ai cả nên em rất tốt với chỉ một người là anh.

– Trời ơi, mệt với cô này quá.

– Anh à, tại sao chúng mình luôn luôn cãi lộn, luôn luôn dằn vặt nhau, ngày nào cũng có chuyện ăn thua nhỏ với nhau, và mỗi tháng lại có một cuộc chiến lớn… Thế là sống khổ chứ đâu phải sống sướng. Ngày nào cũng gây lộn. Còn vợ chồng người ta thì cả năm không hề… Có những cặp vợ chồng từ ngày lấy nhau đến ngày đẻ một đứa con, đẻ hai đứa con, ba đứa con… vẫn không hề có một tiếng to với nhau.

– Cái tuổi của chúng mình không hạp, tuổi Thân với tuổi Dần thầy bói bảo nó xung khắc với nhau lắm, nó hậm hà hậm hực, lục đục…

– Xung khắc nhau rồi sẽ đi đến hậu quả nào?

– Không hạp tuổi thôi… thương nhau thì vẫn thương chứ.

Hai giọt nước mắt vẫn chảy qua hai mụt ruồi thương phu, hai giọt nước mắt nếm mãi vẫn còn mằn mặn, tôi vẽ ra trong hồi tưởng những lời từ chối, những cuộc hồi hôn đau nhức tận cùng tim não. Trước mỗi cuộc chung sống lớn, cha mẹ hai bên đều phải đi coi tuổi… Ôi, hai đồng tiền cùng sấp, hai đồng tiền cùng ngửa, thủy không hợp với hỏa, mộc không hợp với thổ, kim xuyên mộc, tuổi không hạp, bỏ ngang cuộc tình, gạt phắt ra hai đứa đang yêu, tuổi không hạp, thôi đừng hỏi, thôi đừng đi cưới.

Môi trên của tôi bặm vào môi dưới nén tiếng nói ẩm ướt:

– Người Huế quan niệm trai gái lấy nhau mà không hạp tuổi là bỏ, là thôi. Đối với người Huế chuyện coi tuổi tác là quan trọng lắm lắm.

– Tụi mình thì lấy nhau rồi mới đi nhờ rồi mới đi nhờ người ta coi tuổi.

– Ừ, chẳng lẽ tuổi không hạp rồi tụi mình không lấy nhau sao?

Tôi nhìn Nghiễm và tôi thu hình hạnh phúc. Tôi nhìn Nghiễm và tôi thấy có hạnh phúc cho tôi thu hình. Tôi nhìn Nghiễm, chiếc lưng của chàng đang đau, chàng mỏi lưng luôn, chàng bắt tôi đấm. Tôi đấm lưng chàng từ trên xuống dưới suốt dọc xương sống. Tôi nhìn Nghiễm, hai bàn chân, hai đùi chân, chàng rung đùi luôn, chàng rung đùi liên miên, rung đùi khi ngồi không, khi nằm, khi uống rượu, khi đọc sách, chàng rung đùi ngay trong giấc ngủ. Hạnh phúc của tôi là đó, là mỏi lưng, là rung đùi.

Tôi dán miếng thuốc cao vào lưng cho chàng bớt mỏi, tôi ngồi bệt xuống đất đặt đôi chân chàng lên vai tôi cho chàng rung đùi. Thương cha, thương mẹ, thương em, tôi thương một. Thương chồng, thương Nghiễm, tôi thương hai. Cha mẹ, em út, chị, mình chỉ gặp ban ngày; chồng mình còn gặp cả ban đêm, gặp suốt đêm, gặp từ đầu đêm đến đầu ngày. Tôi gác chân lên đùi Nghiễm để khỏi bị bóng đè; tôi xoay lưng vào ngực Nghiễm bắt chàng ôm để ma khỏi sờ vào gáy; tôi nằm trong, chàng nằm ngoài, trước khi ngủ vùi còn hỏi nhau, anh ngủ chưa, em ngủ chưa. Chàng bỏ quên trong giấc ngủ bàn tay còn đặt lên ngực tôi. Chàng bỏ quên trong giấc ngủ cái chân thò ra ngoài mùng, chàng bỏ quên trong giấc ngủ những câu nói mơ cũng nhanh như những câu nói thật ban ngày.

Tôi choàng tay qua vai Nghiễm:

– Thôi, thôi… từ nay anh uống bia em không phiền bụng nữa. Em thương anh, em có thể chìu anh đủ mọi chuyện. Em thương anh, em có thể chìu anh đủ mọi chuyện. Để mai anh đi làm việc em thắt cà vạt cho anh.

Nghiễm chồm tới, tôi thoái lui. Nghiễm đưa cái đầu tới, tôi hất cái đầu ra sau. Tôi lăn hai vòng vào sát vách tường. Nghiễm lăn một vòng vào sát lưng tôi. Đuổi nhau trên một chiếc giường cũng thật mệt, cũng thật vất vả… chiếc gối vuông đưa lên che mặt, chiếc gối ôm cầm để thủ thế. Vì Nghiễm cố chồm tới để gõ vào đầu tôi một cái. Vì tôi đã gõ vào đầu chàng một cái trước. Vì tôi đã búng vào vành tai chàng một cái. Nghiễm đã chụp được bàn tay tôi bóp mạnh dọa sẽ vặn ngược đằng trước ra đằng sau. Chừa chưa, chừa chưa, lần sau không được chơi láo lếu nữa nghe không? Tôi khều ngón tay kêu Nghiễm lại gần nói nhỏ cái này một tí, Nghiễm xích lại gần, đưa mặt kề tai chăm chú nghe, tôi chúc miệng vào sát lỗ tai chàng bật tiếng la lớn: cục tác. Nghiễm giẫy nẩy hỏi, chơi cái trò gì vậy, chơi cái khỉ gì vậy. Em chơi trò cục tác, gà đẻ gà cục tác, bác đẻ bác la làng, trò chơi này ở Huế thịnh hành lắm, trò gà mái đẻ cục tác…

Hồi lâu cơn cười nín được, tôi bảo:

– Trưa nay mẹ có hỏi em chồng mi dạo này bớt uống chưa?

– Hì… uống?

– Uống nghĩa là uống rượu, nói tắt cho mau.

– Em trả lời sao? Em có nói là anh đã bỏ rượu rồi không?

– Em nói: bỏ con thì anh ấy bỏ ngay một giờ như gió, chứ bỏ rượu thì không bao giờ anh ấy bỏ.

– Em khùng!

Tôi hất mặt:

– Khùng đó, khùng mà có người mê.

– Hi… hi…

– Có thằng sinh viên mê em như thằn lằn mê đèn điện.

Nghiễm bấm hai ngón tay vào một gốc râu nhổ ra:

– Ai mê cô tôi cho luôn, tôi cho cô đi luôn với hắn!

– Nhưng lỡ em không đi thì sao? Em chỉ muốn ở mãi với anh thì sao?

– Ngày nào, đêm nào cô cũng tơ tưởng có người mê cô mà!

Tôi cười hức hức. Tôi hát “anh đi về đâu mà mặt mày xanh như lá chuối, anh đi về đâu mà bụng xẹp như đứa đói cơm”. Cơn vui giòn, phồng và không xẹp, cơn vui to như quả bí và cơn vui là những hạt dưa ngày Tết dồn lại. Tôi hát huyên thuyên sang những bài dân ca miền núi của người Koho, của người Jarai, của người Êđê… Buổi trưa tôi hát, buổi chiều tôi hát, buổi tối tôi hát và ngày mai ngủ dậy tôi vẫn còn hát. Nhưng Phi đã làm tôi không hát được nữa khi Phi ăn cướp bàn tay tôi để đặt cái hôn lên trên. Phi đưa cả hai bàn tay ra giữ chặt cổ tay tôi. Tôi cảm giác hơi thịt nguội âm ẩm, tôi cảm giác hai bàn tay thật mềm.

– Anh bỏ tay tôi ra, tôi hét lên bây giờ.

Tôi muốn hét lên nhưng sợ mọi người nghe, tôi muốn tát vào mặt Phi nhưng sợ mọi người thấy.

– Tại sao chị dám chống tôi, chị không yêu tôi lại chỉ đi yêu mình Nghiễm?

Phi nhích mặt lại gần, bàn tay tôi vẫn bị giữ ở thế đong đưa.

– Không nói chuyện tử tế với anh nữa. Có bỏ tay tôi ra không?

– Chị hãy xóa bỏ cái thành kiến yêu chồng của chị đi, cái thành kiến chỉ yêu chồng rồi chấm dứt với mọi người.

– Anh muốn bắt tôi làm gì? Nói cho anh biết là tôi rất hạnh phúc với chồng tôi, và cho dù tôi có không hạnh phúc với chồng tôi, tôi cũng không giao du bậy bạ với anh được. Cho dù chồng tôi có độc ác muốn giết tôi, tôi cũng bằng lòng chết dưới nhát dao của chồng còn hơn là …

Người đàn ông ngửa mặt lên cười man dại, nét cười có những chiếc răng không mòn mà ngắn, có đôi môi tái dợt như máu không hề chảy qua đó. Tôi nhìn ngang mặt anh ta khi tôi giật mạnh bàn tay về:

– Lần sau anh còn giở ngón này ra nữa thì tôi sẽ có thái độ.

– Lần sau tôi sẽ ngủ với chị.

Tôi dáo dác nhìn ra hai bên, đứng sững một hồi thất lạc hồn vía. Sự tủi hổ, sự tức giận bốc sùi ngùn ngụt, nỗi hổ ngươi rờn rợn cùng mình, cơn lôi đình căng phồng sôi sục. Cái chốc lát này tôi đã bị bôi bẩn chỉ có mình tôi biết, cái chốc lát này tôi cúi xuống lượm một hòn đá và nước mắt chảy ra. Cái lòng chảo sinh sống giữa người và người đã thối sình rồi, cuộn thừng luân lý bở nát rồi, con người nhích ra thật xa nhau để sinh tồn, con người muốn kéo lại cổ sử man dại.

Comments are closed.