Văn học miền Nam 54-75 (485): Dương Kiền (kỳ 3)

Một nơi nào bên ngoài thành phố

Chung quanh một quân trường như trung tâm huấn luyện X… có thể có nhiều người sống được với nhiều nghề khác nhau. Nhưng lão già, thằng bé và con chó, con chó thì hẳn hoi rồi, không sống bằng một nghề nào cả, dù cả ba cùng sống dựa vào quân trường này.

Thật ra thì lão già và thằng bé không liên hệ gì với nhau không ai biết họ ở đâu tới, chỉ biết họ có ở đó, vất vưởng quanh quân trường, đêm ngủ dưới một mái hiên, hay một nhà mát nơi bãi tập, ngày lê la khắp nơi, kiếm sống hoặc bằng cách nhặt nhạnh những lon sữa bò, những đồ phế thải còn có thể dùng được hay bán được năm cắc một đồng, vài ba đồng bạc…

Lão già mù cả hai mắt, bù lại lão nuôi được một con chó trung thành và khôn ngoan lạ thường: con chó không bao giờ rời lão nửa bước, nói cho đúng nó không thể rời lão vì bị lão buộc vào một chiếc xe giống như xe bò thu nhỏ, bằng cỡ chiếc xe đẩy của trẻ con, con chó kéo chiếc xe dẫn lão lang thang từ bãi tập này sang bãi tập khác, xin cơm thừa của các đại đội khóa sinh ăn trưa cơm ngoài bãi.

Hình ảnh lão già và con chó dần trở nên quen thuộc với các cán bộ quân trường nhưng luôn mới mẻ với bọn khóa sinh, hết khóa này đến khóa khác, đều đến và đi qua chốn này.

Thoạt đầu họ tưởng lão xin cơm bán cho những người nuôi heo, nhưng không, sau khi họ vét cho lão một ít cơm cháy lẫn cả những khúc đầu khúc đuôi những con cá mối, những quả cà chua xanh lè không ai nuốt nổi, lão ngồi xổm bên chiếc xe bốc một nắm cơm cho lên miệng nhai một cách ngon lành, hai con mắt trắng dã trân trân nhìn về phía trước. Bốc một nắm khác lão dúi vào mồm con chó thân yêu. Ăn no một bụng cơm, người và vật lại lếch thếch kéo nhau đi, con chó gò người kéo chiếc xe đã khá nặng trên con đường đất mấp mô, dưới trời nắng chang chang của một vùng không cây cỏ.

Thằng bé có vẻ cô đơn, không có cả đến con chó làm bạn. Nhìn nó khó mà đoán được tuổi, mặt nó thì già khằn mà thân hình thì nhỏ thó, nhưng chắc nó không dưới mười tuổi cũng chưa quá mười bảy, mười tám. Người nó ốm nhách, tóc vàng hoe như một mớ cỏ rối chết khô. Không hiểu nó xin được ở đâu chiếc áo nhà binh Mỹ thứ áo bốn túi bỏ ngoài quần, mặc trùm từ cổ đến quá đầu gối. Không biết nó có mặc quần hay không, nhưng chắc là không.

Cũng như lão già, nó loanh quanh ngoài vòng rào quân trường. Có khi nó xin cả ngoài chợ nhỏ, có khi đi theo các đại đội xem bọn khóa sinh tập tành, lăn lê làm quen, gạ xin vài đồng bạc. Đôi khi nó cũng giở trò ăn cắp vặt, nhưng dù sao cũng chưa trở thành chuyên nghiệp.

Tất nhiên một ngày kia lão già và thằng bé phải gặp nhau, dưới mái nhà tôn bộn bề gió lộng gọi là “nhà mát” của quân trường, lão già đang nằm ngủ cạnh con chó thì thằng bé vào tới, con chó khẽ gừ một tiếng khiến lão nhỏm dậy, ngồi thu lại thủ thế. Thằng bé cũng có vẻ ngán con chó đang gờm gờm chờ đợi, nó nhìn xa xa hết nhìn lão già rồi nhìn con chó rồi mỉm cười vu vơ ra vẻ làm quen. Nhưng lão già mù tịt vẫn lom lom thủ thế, mắt trợn trừng hướng về phía thằng bé, lắng tai nghe ngóng động tĩnh một cách kiên nhẫn.

Mắt thằng bé nhìn vào chiếc “xe cơm”:

– Cho tao ăn với.

Nhận ra giọng non choẹt của thằng bé, lão già dịu lại:

– Mày là ai?

Thằng bé có vẻ khó kiếm ra câu trả lời:

– Ơ… tao là… tao đây mà.

– Tao là tao là làm sao? Mày còn nhỏ phải không? Mấy tuổi rồi?

– Tao không biết nhưng tao còn nhỏ.

Lão già xì một tiếng:

– Mày nhóc con mà dám mày, tao với tao?

Thằng bé ngơ ngẩn:

– Tao tưởng ai cũng là mày. Ai cũng gọi tao là mày hết.

– Thế mày cũng gọi bố mày là mày à?

– Tao không có bố.

– Thế còn mẹ mày, chú mày, anh mày…

– Tao không có ai hết.

Lão già à một tiếng ra vẻ hiểu.

– Nhà mày ở đâu?

– Tao không có nhà.

– Thế mày ở đâu?

– Đâu cũng được.

– Lấy gì mà ăn?

– Tao ăn xin.

Lão già im lặng lúc lâu rồi bỗng dưng lão nói:

– Tao cũng vậy.

Cả hai im lặng. Thằng bé thấy đói bụng mò tới chỗ xe cơm của lão già, con chó từ nãy vẫn nghe ngóng gừ lên một tiếng dữ dằn hơn.

– Mày làm gì thế?

– Cho tao ăn cơm với.

– Ừ, bốc ăn đi.

Lão vỗ vỗ vào đầu con chó, ra hiệu cho nó nằm im.

– Mày tên gì?

– Không biết.

– Mấy tuổi?

– Không biết.

– Mẹ kiếp, cái gì cũng không biết. Mầy chui ở đâu ra mà không biết gì ráo trọi vậy?

Thằng bé không hiểu:

– Tao có chui ở đâu đâu.

Lão già cười rộ. Thằng bé hỏi lại:

– Thế mày tên gì?

Lão già ngẩn người.

– Ừ há, tao cũng không biết. Ngày xưa tao là Tư hay Năm gì đó, nhưng vì tao là thứ tư hay thứ năm chứ đâu phải tên tao. Lâu lắm tao không xưng tên nên cũng quên bẵng mất rồi.

Lão sờ mấy sợi râu dưới cằm ra chiều suy nghĩ. Thằng bé ăn no bèn nằm bò dưới đất trêu con chó:

– Thế còn con chó tên gì?

– Nó cũng không có tên, muốn gọi nó tao chỉ cần chậc… chậc… mấy tiếng là nó tới.

– Khôn hé!

Lời khen ngợi của thằng bé thật ra không đúng chỗ nhưng lão già vẫn khoái chí.

– Khôn chứ! Nó còn biết kéo xe, biết dẫn tao đi khắp nơi. Bảo đi là đi, bảo đứng là đứng.

– Sao nó lại phải dẫn mày?

Lão già bực mình nhưng vẫn đáp?

– Thì tao mù.

Thằng bé nhìn vào mắt lão.

– Mù là sao hả mày?

– Mù là không nhìn thấy gì hết.

– Thế mày không nhìn thấy tao à?

– Không.

– Mù có khổ không?

Lão già im lặng không trả lời. Thằng bé nhắm mắt tưởng tượng mù ra sao, rồi nó bỗng nhiên cười khúc khích.

– Chắc mày ngủ không phải nhắm mắt đấy nhỉ?

Lão già chợt cáu:

– Mày bằng tí tuổi đầu mà cứ gọi tao bằng mày hoài. Mày phải gọi tao bằng bác, nghe chưa?

– Ừ thì bác. Nhưng bác phải gọi tao bằng gì?

Lão già bật cười:

– Bằng mày chứ bằng gì. Mày bé thì gọi bằng mày. Mày gọi tao bằng bác thì xưng cháu mới được.

– Rắc rối thế cơ!

Buổi chiều đã xuống mênh mông trên bãi tập. Thằng bé bỏ ra ngoài, vừa đi vừa đái, hai tay vén chiếc áo thùng thình lên cao.

Từ hôm đó lão già và thằng bé thường đi đôi với nhau. Nhưng một già một trẻ không hề giao kết mật thiết một điều gì. Có khi thằng bé đi đâu biền biệt mấy ngày liền. Cả hai đều đã quen cô đơn nên không hề sợ cô đơn, có nhau thì nói chuyện tầm phào mấy câu, không thì thôi chẳng hề bận tâm. Xem ra trong bộ ba ấy chỉ có con chó là nhiều tình cảm hơn cả.

Những đêm trời lạnh nó nằm sâu vào lòng chủ, thỉnh thoảng thè lưỡi ra liếm vào tay, vào cổ lão, ra chiều âu yếm. Tuy nhiên ở bên sự im lặng đã lâu, nó ít khi sủa, đùa giỡn, mừng rỡ cuống quýt hay ve vẩy chiếc đuôi. Ngoài những lúc kéo xe nó nằm dưới chân lão, mõm để ngay ngắn trên hai chân duỗi thẳng về phía trước, mắt lim dim như nửa thức nửa tỉnh. Nhưng đừng ai hòng đến gần bắt nó, nó sẽ lồng lộn hung dữ lạ thường. Kể ra nhiều người thấy nó khôn ngoan manh tâm định bắt nó về nuôi, nhưng lần nào nó cũng chống cự một cách dữ tợn cộng với sự tru tréo của lão già khiến không ai làm gì được.

Lão có vẻ hãnh diện về con chó và lão từng kể với thằng bé có người trả lão cả ngàn bạc để mua mà lão không bán. Kể lão không bán là phải, con chó có thể giúp lão cả bao năm nữa còn ngàn bạc chỉ có thể nuôi lão được vài tháng là cùng.

Có một dạo lão già bị ốm, nằm bẹp nơi một chiếc miếu cũ. Thằng bé đem cơm về và còn mua cho lão cả mấy viên thuốc tây. Lão hỏi thằng bé lấy tiền đâu ra, thằng bé đáp “xin người ta” nhưng lão không tin vì thằng bé có vẻ bảnh hơn trước nhiều. Nó mua được cả chiếc quần tây cũ và trong túi thường lách cách mấy đồng bạc chỉ. Lão nghi nó kiếm được cách làm ăn gì mới đây nhưng điều ấy không liên quan gì đến lão nên lão cũng không buồn cật vấn.

Nhiều đêm thao thức khó ngủ, lão già gợi chuyện thằng bé:

– Lớn mày làm gì, chả lẽ ăn xin hoài?

– Lớn cháu đi lính.

Thằng bé đã quen xưng hô bác, cháu với lão già:

– Đi lính khổ bỏ mẹ, sướng chó gì.

– Mấy thằng chả đi tập ở đâu nói lớn là người ta bắt đi, không đi bị tù.

– Ừ há, thôi cũng được, còn hơn như mày như tao.

– Lính oai chứ hả, bắn súng ành ành.

Lão già bỗng phẫn nộ:

– Nó còn hiếp vợ tao trước khi bắn chết nữa!

– Bác có vợ, có nhà kia à? Mà hiếp là làm sao?

– Này hỏi dở thấy mẹ, bố ai nói được.

Từ xa có tiếng bom nổ làm rung mặt đất, tiếng dế im bặt trong một giây rồi lại tiếp tục reo hò.

– Tại sao người ta lại đánh nhau hả bác? Có hôm cháu thấy lính chết cả đống chở về, thấy khiếp.

– Ai mà biết tại sao. Ông giời làm ra vậy thời phải chịu vậy.

– Có thằng chả không phải là lính mà có súng, nó bảo cháu nó đánh giặc chính là vì những người như cháu. Nó nói vì bất công, vì đế quốc, và phản động… lung tung gì đó mà cháu không được đi học, mà cháu phải đi ăn xin. Nó nói nhiều lắm cháu nhớ không hết. Nó bảo cháu đi theo nó sẽ được sung sướng, sẽ trở nên chiến sĩ chiến siếc gì đó…

– Thế mày có theo nó không?

– Không. Nhưng cháu vẫn gặp nó. Nó cho tiền cháu.

– Sao khi không nó lại cho tiền mày?

– Nó bảo cháu lượm vỏ đạn, đầu đạn mà mấy cha lính ở đây bắn tập rớt trên bãi bắn. Lượm nhiều nó cho nhiều, lượm ít nó cho ít.

À, ra thế, ra dạo này thằng bé khấm khá là nhờ lượm đầu đạn bán cho cái thằng cha nào đó. Mấy ụ đất cản đạn ở đây đắp đã lâu, ngày nào đạn cũng bắn như mưa, thoạt tiên những đầu đạn còn ghim sâu vào đất, sau đạn đã nêm chặt như một lớp thành đồng nên bây giờ các đầu đạn thường văng trở lại hoặc chỉ ghim hờ ngay trên mặt đất. Nhờ vậy thằng bé lượm được khá nhiều đầu đạn, còn vỏ đạn thì chẳng mấy vì bọn lính bắn xong phải lượm đạn về.

– Mày thường gặp thằng chả ở đâu?

Thằng bé rụt rè:

– Thằng chả dặn cháu không được nói cho ai biết, cháu mà nói nó giết chết.

– Tao mà ăn thua gì. Mà mày có nói tao cũng chả biết đâu mà lần.

Lão già đoán chừng thằng cha nào đó là một kẻ cướp, nó có súng nhưng không có đạn nên phải thuê thằng bé đi lượm đầu đạn về làm đạn chăng. Nhưng ôi thôi mặc kệ, lão không muốn lôi thôi gì đến lão, mà chắc thằng bé làm vậy cũng chẳng nên tội tình gì. Nó có cơ hội kiếm tiền nhàn nhã như thế cũng nên mừng cho nó.

Ngày tháng cứ trôi, cuộc đời của hai lũ khốn cùng bị bỏ quên vẫn không hề đổi thay, cho đến một hôm.

Một hôm lão già kiệt sức ốm nặng và lần này có vẻ lão khó thoát. Lão ho liên miên từng trận dữ dội, cứ chiều chiều lão lên cơn sốt hừng hực. Thằng bé mua cho lão mấy viên thuốc vớ vẩn nhưng chẳng ăn thua gì. Nó khuyên lão ra nhà thương thuộc ngoài quận nhưng lão không chịu, lão nói biết mình sắp chết và chỉ mong chết sớm cho xong. Và dĩ nhiên lão được chết. Một hôm kia khi thằng bé về căn chòi hoang mà lão tạm ngụ, lão đã nằm chết cong queo dưới đất, có lẽ sau một cơ ho dữ dội làm lão thổ ra một đống máu. Con chó khôn ngoan đáng thương của lão đang buồn rầu liếm những vết máu dưới đất và cả những vết máu hai bên mép lão già, vừa liếm vừa rên rỉ.

Thằng bé nổi gai khắp người.

Nó định bỏ đi hoặc báo cho những người ở gần đó biết để người ta chôn lão, kẻo tội nghiệp. Nhưng nghĩ sao nó lại nấn ná ở lại. Nó tiếc rẻ con chó. Nó chậc chậc gọi con chó ra khỏi căn chòi nhưng con chó nhất dịnh nằm lì bên cạnh cái thây thảm thương bất động. Chỉ có cách đem chôn lão thì mới bắt được con chó. Đã mấy lần thằng bé làm liều mon men vào túm lấy sợi dây cổ lôi con chó ra nhưng nó vùng vẫy rít lên những tiếng ghê rợn khiến thằng bé hoảng hồn lại phải buông ra. Phải chôn lão. Nhưng gọi người ta đến chôn thì chắc chắn người ta bắt mất con chó. Mà nó làm việc ấy thì không nổi, và sợ nữa. Nhưng rút cục lòng tham muốn vẫn thắng sự sợ hãi, nó ra ngoài đồng rình ăn cắp một cái cuốc để đêm nay chôn lão bạn già.

Từ đó bộ ba chỉ còn hai: thằng bé và con chó. Thường ngày con chó không phải kéo xe nữa nhưng cứ vài ba ngày, sau khi thằng bé lượm đầu đạn đủ đầy một xe, con chó lại phải kéo một chuyến khá nặng và đi một quãng đường khá dài.

Nhờ con chó nên độ này thằng bé “làm ăn” cũng khá và hai thầy trò cũng được no đủ hơn. Con chó và thằng bé cùng trẻ tính nên cũng dễ thân nhau. Ngoài giờ “làm việc” của thằng bé cả hai dẫn nhau chạy chơi trên các bờ ruộng, xục xạo vào các bụi rậm tìm hái những thứ quả xanh xít hay đánh một giấc ngủ trên một bãi cỏ nào đó. Thằng bé còn làm súng cao su bắn chim và dậy con chó chạy đi nhặt xác những con chim vô phúc bị hạ. Rồi một đống lá khô được vun lại châm lửa, con chim được ném vào và hai thầy trò chờ đánh chém bữa tiệc chim mà những lông chưa cháy hết, cả ruột gan còn bầy nhầy máu tươi. Chúng sống cuộc sống man rợ ngay bên lề một xã hội văn minh.

Đôi khi thằng bé cũng mơ ước được sống trong cái xã hội văn minh mà nó cảm thấy rất gần gũi nhưng rất xa lạ, cái xã hội mà nó vẫn lảng vảng trước cánh cửa không khép chặt nhưng rất khó vượt qua. Có nhiều hôm nó ngồi hàng giờ bên đường cứ nhìn những chuyến xe chạy về thành phố, bụi cuốn mù mịt phía sau. Có nhiều đêm nó nhìn về phía bầu trời có ánh đèn hắt lên sáng rực. Ở nơi nhiều đèn như vậy hẳn là phải vui. Có lần nó nói những ý nghĩ ấy với thằng cha vẫn mua đầu đạn, tức thì thằng cha giận dữ nói:

– Em có biết nơi ấy là đâu không? Đấy là địa ngục của bọn đế quốc thực dân mới giam hãm nhân dân ta, anh em đồng bào ta. Đấy chính là nôi chứa đầy những vi trùng sa đọa, trụy lạc. Ánh sáng mà em thấy là ngọn lửa thiêu chết biết bao những con thiêu thân ngu dại nghe theo lời đường mật của bọn đế quốc xảo quyệt. Em phải ở đây với các anh, góp phần với các anh đánh đuổi kẻ thù của dân tộc …

Tuy không hiểu thằng cha nói gì nhưng thằng cha có vẻ giận nên nó im luôn. Thằng bé nghĩ thầm nên nó chưa đi vì nó chưa có tiền, ngày nào đó có một số tiền kha khá nhất định nó sẽ đi về phía ánh đèn quyến rũ đó. Nhưng chưa biết bao giờ có tiền, nếu không gặp một cơ hội bất ngờ …

Cơ hội bất ngờ ấy đã đến với thằng bé. Như thường lệ, sau khi lượm được kha khá đầu đạn, thằng bé cùng con chó “chở hàng” đi giao. Vượt qua những đoạn đường gần như bỏ quên, thằng bé tiến vào một khu rừng thưa ít ai đặt chân tới, nơi đây có mấy chiếc chòi thấp lè tè bên trên cây leo phủ kín đứng xa nhìn chỉ thấy xanh rì như những bụi rậm. Nhưng hôm nay khi vừa bước chân lên một mô đất cao mà ở đây có thể nhìn thấy những chòi lá, thằng bé đã thấy phía trước cây cối đổ ngổn ngang, những chiếc chòi cháy rụi hình như còn có khói âm ỉ bốc lên.

Thằng bé đứng sững trong một giây không biết làm gì. Rồi sự tò mò thúc đẩy nó tiến tới. Tất cả đã bị phá đổ tan hoang. Có lẽ nơi đây bị dội bom vì nó thấy những chiếc hố thật lớn bị đào sâu xuống đất. Mấy người mà nó biết thường ở đây đều chết hết. Có người chết ngay trong chòi hai chân cháy đen thò ra ngoài đống than còn nóng. Có người chết dưới giao thông hào đào quanh chòi. Riêng thằng cha vẫn hay mua vỏ đạn nằm vắt người trên một miệng hố cá nhân, có lẽ hắn chưa kịp nhảy xuống thì đã trúng mảnh bom. Thằng bé không dám nhìn vào mặt những người đã chết, nó đoán chết như vậy đau đớn lắm và những khuôn mặt hẳn phải ghê sợ lắm.

Thằng bé đi xơ vơ vòng quanh xem xem có gì đáng nhặt nhạnh chăng. Kể cũng chả có gì đáng. Một tấm vải khá lớn in màu xanh xanh đỏ đỏ vướng trên một thân cây đổ, thằng bé thấy còn lành lặn và hay hay nên quấn vào cổ chơi.

Thế là từ nay thằng bé bỗng mất một cách kiếm ăn.

Thằng bé buồn chán đang định bỏ về chợt thấy thằng cha vẫn mua đầu đạn nằm chết và tay còn nắm chặt quai chiếc thùng đạn bằng sắt. Ở gần quân trường đã lâu, thằng bé biết rõ chiếc thùng đạn dùng để đựng đồ rất tốt, một khi đã đậy kín lại thì dù ngậm dưới nước cũng không bao giờ nước ngấm vào được bên trong. Thằng bé đánh bạo giật mạnh chiếc thùng ra khỏi tay thằng cha, thằng cha đang nằm nghiêng bỗng bật ngửa ra khiến thằng bé hoảng hồn.

Chiếc thùng khá nặng, chắc họ đựng gì đây. Nắp thùng vừa bật mở, tim thằng bé nhói lên. Trong thùng đầy ắp những tiền là tiền, tất cả còn mới tinh. Thăng bé ngẩn ngơ khẽ rút một tờ bạc, tiếng sột soạt khiến nó tin rằng đó là giấy bạc và quả thật nó không nằm mơ. Nó vội lật úp chiếc thùng đổ tiền ra đất rồi nhét hết vào bốn chiếc túi áo rộng thùng thình. Nó không cần biết bao nhiêu, chỉ cần biết rất nhiều, thật nhiều tiền và nó cần đi khỏi nơi đây ngay. Nó sẽ về thành phố có ánh đền. Nó sẽ sung sướng.

Thằng bé đi như chạy, vừa đi vừa nhảy qua những bụi cỏ trên con đường mòn dẫn ra khỏi khu rừng. Con chó đang thòm thèm đánh hơi hai bàn chân đen cuống quýt chạy theo nhưng chiếc xe nặng quá khiến nó cố lết mà vẫn không theo kịp. Con chó sủa lên mấy tiếng cầu cứu tuyệt vọng nhưng thằng bé với niềm vui điên rồ đã quên tất cả, quên lão già, quên thằng cha kỳ quái nằm kia, quên cả con chó đang ì ạch đuổi theo bị bỏ rơi mỗi lúc một xa, rồi mất hút bóng dáng ông chủ nhỏ.

*

* *

Thằng bé xuống xe ở Ngã Tư Bảy Hiền và đang ngơ ngác nhìn người qua lại bỗng có tiếng gọi giật:

– Ê, thằng kia!

Quay lại nhìn, nó bắt gặp cặp mắt dữ dằn của một viên cảnh sát. Hắn tiến tới giật vải thằng bé quàng trên cổ, mở bung ra:

– Sao mày dám mang cờ của Mặt Trận Giải Phóng?

Thằng bé chả hiểu Mặt trận Giải Phóng là gì và mảnh vải mà nó nhặt được chỉ là mảnh vải nửa xanh nửa đỏ. Mảnh vải ấy là cái cờ sao? Mà là cái cờ thì cũng có sao đâu: những thằng bé biết trả lời thế nào bây giờ.

Viên cảnh sát túm chặt lấy tay thằng bé như sợ nó chạy mất rồi kêu một người khác tới lục soát người nó. Từng nắm giấy bạc được lôi ra khỏi bốn cái túi áo. Cả hai nói như reo:

– Chết cha mày rồi, ôn con mà dám theo Việt Cộng. Mày mang tiền đi tiếp tế tụi nó phải không? Cho mày vào tù rục xương con ạ!

Mặc dù không hiểu, thằng bé vẫn cảm thấy sợ hãi. Người ta nghi nó giết mấy người ở căn chòi kia để cướp tiền chăng. Nó cắn vào tay viên cảnh sát đang giữ nó rồi vùng bỏ chạy. Cả hai vừa đuổi vừa rút súng bắn. Nó như con chó dại dồn vòa chân tường. Nó bị ba bốn người lực lưỡng đè xuống.

Nó giãy giụa la hét. Nhưng những cái tát như trời giáng làm cho tiếng la tuyệt vọng của nó chỉ còn ú ớ trong cổ họng.

Rồi từ đấy không ai biết số phận của nó ra sao.

Riêng con chó, như một phép lạ, một ngày kia xuất hiện trong một gánh xiếc. Nó khá thành công và được hoan nghênh trong trò kéo xe và đi hai chân. Những miếng thịt bò làm cho lông nó trở nên óng mượt. Nó còn được mặc áo và đeo chuông. Trong ba kẻ khốn cùng, chỉ có con chó là đã gặp cơ may.

DƯƠNG KIỂN

Nha Trang – 1971

Comments are closed.