Văn học miền Nam 54-75 (228): Nhật Tiến (21)

Người kéo màn: Tiểu thuyết kịch (kỳ 9)

TRÊN SÂN KHẤU

Nga: Thôi, anh đừng có nói nữa, tôi không nghe đâu.

Nghĩa: Trời ơi! Nga! Anh van Nga. Em không thể hiểu đuợc lòng anh.

Nga: Hừ! Anh tưởng tôi dễ quên đến thế ư?

Nghĩa: Chuyện đã qua, em nói đến làm gì.

Nga: Phải rồi, anh là hạng người không thèm đếm xỉa đến cái gì hết. Ngay cả đến việc chà đạp lên sự đau khổ của người khác.

Nghĩa: Thì bởi thế anh mới ăn năn. Anh muốn về đây xin lỗi em. Anh sẽ nhận nó…

Nga: Hừ, anh nhận nó làm gì cho nó thêm tủi!

Nghĩa: Em ác thật.

Nga: Cũng chưa thấm với anh đâu.

Nghĩa: Thôi mà, trách anh mãi. Cho anh vào bế nó một chút (tiến lại cửa phòng).                  

Nga: Vô ích, cửa tôi khóa rồi.

Nghĩa: Em không thể vô lý như thế được.

Nga: Vô lý hay không thì cũng không can dự gì đến anh.

Nghĩa: Nhưng còn thằng bé. Không ai có quyền ích kỷ để làm nó khổ được.

Nga: Anh tưởng tượng vậy thôi chứ việc gì mà nó khổ.

Nghĩa: Anh đồng ý với em là em lo cho nó đầy đủ về phần vật chất. Nhưng còn tinh thần. Chính tinh thần mới là điều đáng kể. Nó còn bé nên cần phải có đầy đủ tình thương yêu của cả bố lẫn mẹ. Anh muốn sau này nó sẽ không xấu hổ với bạn bè vì sự thiếu sót một trong hai tình thương yêu ấy. Trong cuộc đời, nó sẽ không bao giờ bị mặc cảm là một đứa không cha, nó sẽ lớn lên trong sự hãnh diện có bố, có mẹ.

TRONG HẬU TRƯỜNG

Nhà đạo diễn đã bước tới chỗ kéo màn.

Lão kéo màn: Coi bộ cái nhà ông này ham con dữ!

Nhà đạo diễn: Đây đâu phải là chuyện ham hay không ham. Tôi nghĩ rằng đó là một vấn đề xã hội vô cùng tế nhị mà tác giả vì thiên chức của mình đã mang mổ xẻ trên sân khấu. Tuyệt!

Tác giả: Ồ! Thật à? Ông nghĩ như thế thật à?

Nhà đạo diễn: Ô hay! Tôi thiết tưởng khi đặt bút xuống viết thì ông

Tác giả: Không phải hễ cứ ai viết ra cái gì là người đó đã biết tôn trọng chính cái điều mà họ đã viết ra. Trên cõi đời này có thiếu gì kẻ giả dối, mà tệ hại hơn nữa là thằng giả dối lại biết cả cầm bút! Những quân như thế là những quân bịp!

Nhà đạo diễn: Ông nói ai bịp ai?

Tác giả: Tôi bịp ông. Tôi bịp mọi người. Tôi bịp cả chính tôi nữa.

Nhà đạo diễn: Ồ! Bò thật! Thế thì bò thật! Tôi chẳng thể hiểu nổi ông định nói cái gì cả.

Tác giả: Có gì là lạ đâu. Bởi tôi cũng không hiểu ngay chính cả tôi luôn!

Nhà đạo diễn: Ồ! Thế thì tôi hiểu ra rồi.Ông không tin vào ông, ông không tin vào thiên chức cao quý của ngòi bút.

Tác giả: Ha ha! Đó là những sáo ngữ, những danh từ rỗng tuếch…

Nhà đạo diễn: Nó rỗng nhưng nó vẫn là danh từ để chỉ một sự có thật. Một sự thật hiển nhiên.

Tác giả: A! Thế hả? Ông cho đó là một sự hiển nhiên à? Thế thì nó chỉ có thể hiển nhiên qua lời nói của những người lạc quan, yêu đời như ông.

Nhà đạo diễn: Thế còn ông thì sao?

Tác giả: Tôi ấy à? Theo tôi, đã viết thì không nghĩ, đã nghĩ thì chả thể nào viết được.

Nhà đạo diễn: Ơ! Vậy ông cho rằng ở trên đời này các tác phẩm lớn đều được viết ra trong sự không nghĩ ngợi gì hết cả hay sao?

Tác giả: Thưa ông, chính vì thế mà tôi đã có được một tác phẩm lớn nào đâu. Bởi theo tôi tác phẩm lớn là tác phẩm hãy còn nằm ở trong đầu, ở cái tình trạng mà nó còn có tự do tuyệt đối bởi không có một thế lực nào xâm phạm tới nó được!

Nhà đạo diễn: Ồ! Tôi bò! Thế thì tôi bò thật!

Vừa nói gã vừa bật dậy, đá cái thùng gỗ sang một bên, rồi hầm hầm đi sang phía bên kia cánh gà. Tưởng chừng như gặp trường hợp dùng người không đúng chỗ hắn cũng không thể nào tức giận đến như thế…

NGOÀI  SÂN KHẤU 

Nghĩa: Phải rồi! Em cứ khóc đi! Khóc nữa đi cho vơi nỗi oán  giận chất chứa hàng năm trong lòng em. Rồi sau đây chúng mình sẽ bước vào một cuộc đời mới. Anh sẽ yêu em, yêu con. Trời ơi! Con chúng mình! Con trai chúng mình. Nga ơi! Nói đến mấy tiếng ấy sao anh cảm động quá.

TRONG HẬU TRƯỜNG

Tác giả: Ô! Cái thằng ấy lải nhải mãi. Nó đang làm cái gì thế?

Lão kéo màn: Ông không thấy gì ư? Hắn đã làm hòa được rồi và đang cưng nhà cô ấy đấy!

Tác giả: Tôi nhớ ra rồi. Về sau tôi đã để cho hai đứa huề nhau!

Lão kéo màn: Cô này đóng hay đấy chứ, khóc như thật. Ngày xưa lúc bố thằng nhỏ đây cuốn gói đi rồi, mẹ nó cũng khóc đến thế là hết cỡ.

Tác giả: A! Vậy ra trong các vụ đó đàn ông bao giờ cũng ích kỷ trước.

Lão kéo màn: Dĩ nhiên là thế rồi. Thiên hạ nào có mấy ai nằng nặc đòi con như cái nhà ông này. Thế mới biết kịch với thật khác nhau xa lắc.

Tác giả: Thế đấy! Thế đấy! Ông đã nhận định một cách đúng boong. Vậy mà người ta vẫn thường tự hào về sự gói ghém được cuộc sống vào trong tác phẩm đấy nhé.

Lão kéo màn: Người ta là ai kia?

Tác giả: Thằng tôi chẳng hạn…

Lão kéo màn: Ồ! Như ông thì kể làm gì. Ông viết hay quá đi rồi.

Tác giả: Tôi hỏi thật cụ, cụ thấy hay ở những chỗ nào?

Lão kéo màn: Ơ! Ông nói lạ nhỉ! Nếu chả hay thì thiên hạ hơi đâu mà đi vỗ tay rào rào.

Tác giả chợt phá lên cười…

Nhà Mạnh Thường Quân: (chạy bổ vào) Con khẹc! Con khẹc! Đứa nào thế? Đứa nào mà cười vô ý thức đến như thế?

Tác giả: Thưa tôi! Tôi cười đấy. Xin hỏi là tôi không có quyền thưởng thức cái hay trong vở kịch do chính tôi viết ra ư?

Nhà Mạnh Thường Quân: À! Ông tác giả. Tôi xin ông. Vở kịch của ông hay thì có hay thật nhưng ông cũng phải để cho khán giả người ta thưởng thức với chứ! Đang lâm ly thế này mà ông lại đi cười phá lên…

Tác giả: Ồ! Vậy ra ông cũng thấy kịch của tôi là hay đấy hả?

Nhà Mạnh Thường Quân: Trời ơi! Chết nỗi! Ông cho tôi là cái hạng phi văn nghệ đến mức độ nào mà lại không nhận ra được cái thâm thúy, sâu xa trong tác phẩm của ông chớ.

Tác giả: Tôi xin hỏi thật ông một điều. Ông đã đọc vở kịch của tôi một lần nào chưa?

Nhà Mạnh Thường Quân: Ơ! Ơ….

Tác giả: À, đấy! Sự thực là thế đấy.

Nhà Mạnh Thường Quân: Thế đấy là cái con khẹc gì. Bộ ông tưởng tôi không vì nghệ thuật mà lại chịu tốn tiền bỏ ra một cách vô ý thức đến thế hay sao?

Tác giả: Thôi đi… Tôi hiểu ông quá rồi…

Nhà Mạnh Thường Quân: Con khẹc! Đứa nào thối mồm đã đi mách lẻo xằng bậy với ông những gì rồi nào?

Tác giả: Ô hay!… Ô hay! Nào tôi đã nói cái gì đâu mà ông lại xưng ra với tôi như thế?

Vừa nói hắn lại vừa rú lên cười. Tiếng cười sặc sụa xé tan bầu không khí yên lặng đang bao phủ khắp hậu trường và trên tất cả những hàng ghế. Nó bỗng trở thành một que diêm châm ngòi khiến cho hàng loạt khán giả ngồi trên khắp các hàng ghế đột nhiên cũng phá lên cười theo. Rạp hát trong chớp mắt đã trở nên nhốn nháo như chợ vỡ. Các diễn viên đang trình diễn trên sân khấu cũng đột nhiên ngơ ngác đứng sững cả lại. Nhà Mạnh Thường Quân vội vã chồm lên, vớ lấy cái micro nói hổn hển:

– Thưa quý vị, do một sự sơ xuất, nhân viên trật tự để lọt vào hậu trường một thằng điên say rượu. Nhưng xin quý vị yên tâm. Mọi sự bây giờ đã dàn xếp xong. Chúng tôi xin thành thật cáo lỗi!

TRÊN SÂN KHẤU

Nga: Bây giờ anh nói sự thực đi. Suốt một năm nay anh đã làm gì?

Nghĩa: Anh sống trong cô đơn.

Nga: Thôi đi! Anh đã làm em mất cái tính dễ tin người đi rồi.

Nghĩa: Anh xin thề!

Nga: Anh đã thề nhiều lần rồi mà anh vẫn bỏ em ra đi…

Nghĩa: Anh đã cắt nghĩa với em sự  ấy rồi thôi.

Nga: Vậy anh phải thề độc đi.

Nghĩa: Anh mà nói dối em thì anh với con…..

Nga: Thôi! Thôi! Anh đừng nói nữa! Em mở cửa cho anh vào bế con.

Hai người bồng đứa bé đi ra chính giữa sân khấu. Ánh đèn của chuyên viên chiếu rực rỡ lên khuôn mặt của nó, chỉ hơi tiếc nó ốm nhom nên không thể hiện được hình ảnh của một thiên thần như ý muốn của nhà đạo diễn. Diễn viên sắm vai Nghĩa ôm ghì lấy nó, hôn như mưa vào mặt, vào cổ của nó. Sự biểu lộ xúc cảm mạnh mẽ này khiến cho thiên thần òa lên khóc. Cái khóc thật đúng lúc, đúng chỗ, đúng việc, đó là điều đi hẳn ra ngoài dự tính nhưng lại có tác dụng gây nên sự xúc cảm cao độ. Nhất là về phía khán giả. Bầu không khí trong rạp chan hòa tính chất vừa hân hoan vừa cảm động. Nhiều bà đa cảm rút khăn tay lau nước mắt. Riêng ở hàng ghế gần cuối, gần cửa ra vào thì lại có tiếng thút thít khóc.

Ở HÀNG GHẾ CUỐI, GẦN CỬA RA VÀO

Người bạn gái: Thôi đi Hằng. Mày làm thế kỳ quá!

Hằng (sụt sịt, lau nước mắt): Ờ… Tao xin lỗi. Tao cũng không ngờ lại có thể khóc được đến như thế.

Người bạn gái: Cũng tại cái thằng nhỏ. Vừa trông thấy nó là tao cũng muốn ứa gan cho mày rồi.

Hằng: Không đâu. Tao không còn thấy oán gì ông ấy nữa. Tao chỉ oán tao thôi. (mếu máo). Bây giờ thằng Cưng ở cái chốn nào, biết đâu mà tìm!

Người bạn gái: Thì mình cứ làm theo như đã tính đó. Trao cho ông ấy cái giấy khai sinh của nó. Với nhà văn, nhà báo, nếu muốn là họ tìm ra ngay cái rẹt chứ gì!

Hằng (tươi mặt lên): Có chắc như vậy không?

Người bạn gái: Thì tao đã nói bao nhiêu lần rồi. Tin tao đi. Mày cứ nhờ chả đi tìm là chắc ăn nhất. Rồi tìm được, nếu thằng chả nghĩ lại thì càng may cho đứa nhỏ, bằng không thì… hê! Bây giờ nuôi nó mình dư sức qua cầu!

Hằng (vui vẻ): Vậy thì để tao đi.

Người bạn gái: Lau khô nước mắt đi đã.

(còn nữa)

Comments are closed.