Văn học miền Nam 54-75 (491): Chu Tử (kỳ 5)

Sống

Chương 3

Giấy mời thực khách ghi rõ đúng tám giờ tối, nhưng mới bảy giờ, Kha và Lưu đã có mặt ở nhà Nguyễn Đình Thảo, vì họ có nhiều chuyện cần bàn riêng với nhau.
Nhân dịp cho cưới con gái Thu Hồng, nhà triệu phú Thảo thết dạ tiệc ở ngoài sân, kê nhiều dãy bàn chạy dài thăm thẳm, phủ khăn đủ các màu sặc sỡ. Trên các dãy bàn, đều treo đèn kết hoa, bày ra quang cảnh tráng lệ của một phú gia địch quốc…

Xuất thân từ một gia đình nho giáo có khí tiết, năm 18 tuổi, Thảo đã phải bỏ học, rời quê hương đi lập sự nghiệp, vì Thảo vốn là đứa thông minh, nhiều tham vọng, thích phiêu lưu. Chàng từ biệt đất Quảng Trị cằn cỗi, vác khăn gói vào Sàigòn với hai cắc trong túi. Chàng làm đủ các nghề: bồi bếp, cai cao su, dạy học, thầu khoán. Với một nghị lực phi thường, chàng hăng hái vật lộn với cuộc sống. Chiến tranh bùng nổ, chàng lăn xả vào để đầu cơ, làm giàu, gây sự nghiệp cá nhân trên xương máu, đổ vỡ… Được thực dân giao cho công cuộc xây cất hệ thống phòng thủ trong toàn quốc, chàng khôn ngoan điều đình với tên Đại tướng nghiện thuốc phiện để “làm một cái lô cốt thì sẽ khai mười”, và số tiền ăn cắp của công quỹ sẽ chia đều. Nắm được tên chỉ huy quân đội Viễn Chinh, với cơ mưu, thủ đoạn sẵn có, Thảo chẳng bao lâu chi phối được cả guồng máy kinh tế, thương mại của xứ sở. Và khi hiệp định Genève ký kết, Thảo nghiễm nhiên trở thành tỷ phú, chủ nhân ông những đồn điền cao su ngút ngàn, do Thực dân để lại. Nhưng tham vọng của Thảo không phải chỉ có thế. Trở thành tỷ phú một cách quá dễ dàng, Thảo đinh ninh mình là kẻ xuất chúng, làm cái gì cũng phải thành công. Cho nên từ địa hạt kinh tế, Thảo nhảy sang chính trị, rắp tâm tung hoành một phen…
… Khách khứa đã lục tục kéo đến.
Thật là đủ hạng – thượng vàng hạ cám – từ tay anh chị “anh hùng dao búa” đến ông quân sư quạt mo. “Cái đinh” của dạ tiệc là một vị giám mục và mấy ngoại nhân cố vấn một tòa đại sứ. Trong khi chờ đón vị giám mục, Thảo chạy lăng xăng, hết bàn này tới bàn khác, bắt tay khách, nói với mọi người một vài câu xã giao. Qua bàn Kha và Lưu ngồi, Thảo hai tay vỗ vào vai Kha, Lưu dặn dò:
– Này, nếu lát nữa, thằng cha Văn có lại, thì xin hai ông đừng “tả lớ” nó nhé!
– Nó đến thực không? Kha hỏi.
– Cái đó thì tôi cũng chưa dám đoán chắc. Nhưng hai anh nhớ đừng có gây sự với nó ở nhà tôi. Nhất là hiện nay tôi đang cần thằng Văn để giải quyết một vài công việc. Nhớ nhé! Hôm nay là ngày vui mừng của con gái tôi, chớ có gây đổ máu!
– Tính “áp phe” gì với thằng cha Văn vậy?
– Bí mật! Rồi sẽ biết!
Thảo chạy sang bàn khác. Lưu nhìn theo, nói với Kha:
– Thế còn con Huyền? Có chắc lại không?
– Chắc chứ! Tôi đã khoán rằng việc này cho người em gái họ tôi, phải lôi bằng được con Huyền đến đây. Chính đứa em gái tôi đã cho con Huyền mượn tiền để may áo mới!
– Nghĩa là mày nhất định sẽ ngủ với con Huyền, cho thằng Văn hết rêu rao là tao và mày chọc ghẹo em gái nó?
Kha lạnh lùng trả lời:
– Tao sẽ ngủ với con Huyền trước mặt thằng Văn để nó biết là em gái nó chẳng nước mẹ gì, và tao muốn là phải được!
Lưu vẫn có làm ra vẻ hoài nghi:
– Nhưng mày có tin kế hoạch của mày sẽ thành công 100% không?
– Sao lại không thành công? Có tiền thì cái gì mà không làm nổi, ai mà không, đầu hàng tiền? Tao sẽ ngang nhiên ngủ với con Huyền trước mặt thằng Văn, cho mày coi.
Lưu cười:
– Tao coi làm gì! Nhưng mày chủ quan quá. Cũng có cái, tiền không mua chuộc được chứ!
– Chao ôi! Có cái gì mà tiền không mua chuộc được, ở cái đời chó đẻ này? Mày nhìn cái thằng Thảo kia, nó là cái thứ gì trong xã hội này? Thế mà tất cả mọi người đều bợ đỡ hắn, từ thằng trí thức đến nhà đạo đức, chỉ vì nói nổi tiếng là tỷ phú. Và ngày cưới con nó, người ta đã phải đổ xô tới để quỳ lụy, để xưng tụng nó là Mạnh Thường Quân, là anh hùng, là vĩ nhân! Mỉa mai hơn nữa là nó cũng chỉ có cái vỏ ngoài tỷ phú. Và sự thực thì cơ nghiệp của nó đáng giá 100 triệu, nhưng nó nợ hơn ba trăm triệu. Nó đóng vai triệu phú giả mà mọi người còn khiếp đảm, sợ sệ như vậy; nó đóng vai tỷ phú giả mà làm gì cũng được, thì có cái gì mà tao – một tỷ phú thực – không làm nổi?
Lưu trố mắt nhìn Kha:
– Mày là tỷ phú?
– Bẩm vâng ạ! Thằng Thảo chỉ có “tiếng” nhưng không có “miếng”. Còn tao, tao có miếng nên không thèm có tiếng, biết không! Tất cả sản nghiệp của mấy thằng nổi tiếng tỷ phú ở đây, như thằng Thảo này, đều cầm cho tao hết trọi. Tao muốn cho chúng phá sản, vào tù lúc nào chả được! Từ trước tới nay, tao muốn người đàn bà nào, mà người đó lại thoát khỏi tay tao? Chẳng qua là tao coi thường, tưởng con Huyền này cũng chỉ là đứa vô danh tiểu tốt, ngủ chơi với nó một tối rồi cho ít tiền, đá đít như trăm nghìn con khác. Ai ngờ nó và thằng anh khốn kiếp của nó, lại dám chống lại tao, thì tao sẽ cho nó làm đĩ và anh nó vào tù. Mày cứ tin tao đi!
Lời Kha nói khiến Lưu tò mò nhìn Kha như nhìn một người xa lạ, mà từ trước tới giờ, mặc dầu quen thân và thường nhậu nhẹt, chơi bời với Kha, Lưu vẫn chưa hiểu rõ con người thực của Kha. Lưu đinh ninh Kha giàu lắm cũng chỉ có năm, 10 triệu. Ai ngờ Kha là tỷ phú… hơn cả Thảo.
Lưu cũng là một đứa mê thích làm giàu, nhưng chàng làm giàu theo kiểu những anh trí thức nhát gan, chứ không bao giờ liều lĩnh như Thảo. Vì thế, chàng vẫn tự hào mình làn ăn lương thiện, không dùng thủ đoạn, mưu mô này nọ. Sự thực thì đối với những mánh khoé làm giàu táo bạo của bọn Kha, trong thâm tâm, Lưu vẫn thầm phục, rất thèm, nhưng chàng không dám bắt chước, chỉ đành vùng vẫy trong cái phạm vi “lương thiện bất đắc dĩ” của mình. Muốn tìm hiểu Kha giàu tới bực nào và dùng mánh khoé gì để làm giàu, chàng nói khảy Kha:
– Nói vậy chứ mày thì bằng thế nào được thằng Thảo!
Kha cười mũi:
– Mày không thấy thằng Thảo đang rãy chết sao? Thằng Thảo đâu có phải là hạng người kinh doanh. Chẳng qua gặp vận đỏ, nó vớ được vài chục triệu từ trên trời rơi xuống, nhưng vì ngốc, không biết giữ, nên của cải đội nón ra đi! Nó vốn xuất thân hàn vi, ít học, nên rất nhiều mặc cảm, thích đóng vai Mạnh Thường Quân, quân tử “Tàu”, trong khi bản chất nó là bản chất con buôn! Thằng Văn là một thứ trí thức không dứt khoát tư tưởng, còn thằng Thảo là một thứ lái buôn không dứt khoát tư tưởng. Hai thằng ấy đều sẽ ăn mày cả!!!
Kha nghỉ một lát rồi tiếp:
– Chỉ có tao là dứt khoát! Tao chỉ có một chủ nghĩa là Tiền. Tổ quốc, công bằng, bác ái, tình bạn, tình thương, chính trị, tất cả những cái đó đối với tao chỉ là trò bịp, và tao chỉ biết có tiền. Mày cũng biết như tao là tiền mua được tất cả, tiền tạo nên những tình cảm tốt đẹp nhất, tiền mua chuộc được cả những người đàn bà đẹp nhất, khó tính nhất, những nhà đạo đức khắc khổ nhất.
Mà muốn có tiền thì làm việc lương thiện không nước mẹ gì! Muốn có tiền thì phải ăn cướp của người khác, ăn cướp một cách hợp pháp, một cách đường hoàng, nghĩa là phải lưu manh một cách rất đạo đức. Tiện đây, tao tiết lộ cho mày biết chuyện này, dù mày nói trước cho thằng Thảo biết, tao cũng không cần.
– Chuyện gì?
– Đây này! Thằng Thảo đang tổ chức một cuộc buôn bán nha phiến đại qui mô với thằng Lượng, do thằng Văn giới thiệu. Tao đi guốc vào bụng chúng nó, tao biết chúng nó đang tính, thằng nọ hất cẳng thằng kia. Nhưng tao sẽ phỗng tay trên tất cả và bọn họ sẽ vào tù ráo, vì thằng Thảo cũng chẳng có xu mẹ nào. Thằng Thảo sẽ phải nói với tao, mà đã nói với tao thì sẽ bị tao chi phối.
– Sao anh biết?
– Có cái gì tao chả biết! Nhưng thôi! Tôi cũng xin giao hẹn với cậu là nếu cậu tiết lộ vụ này với bất cứ ai thì tôi sẽ cho đàn em đặt tạm “plastic” vào trường học của cậu. Nếu cậu ngoan ngoãn thì công việc thành tựu, tôi sẽ biếu cậu một tạ thuốc phiện, làm cái vốn để dành.
Nghe Kha nói, Lưu vừa sợ, vừa mừng. Chàng sợ vì không ngờ Kha “tợn” đến thế. Chàng mừng vì vốn là một anh trí thức bần tiện, thích tiền, nên nghe Kha hứa cho một tạ thuốc phiện, đáng giá gần triệu bạc, chàng không khỏi hí hửng như một gã ngốc:
– Dạ, dạ, anh cứ yên trí, tôi có dại gì mà lại kể lể với ai…
Đến đây, có tiếng “A-lô” nổi lên, và người ta thấy Thảo, trịnh trọng bước lên cái bục cao, ở giữa sân để nói trong “micro” chào mừng quan khách. Kha chỉ Thảo, cười xỏ lá nói với Lưu:
– Biết đâu thằng Thảo chẳng mưu toan nhân dịp cưới con gái, làm một vài “cú” gì đó để móc tiền mọi người, cứu vãn tình thế nguy ngập của nó!
Lưu không đáp, đưa mắt tìm kiếm về phía đám phụ nữ đang vây quanh cô dâu. Chàng nhìn thấy Huyền đang đứng bên cạnh năm, sáu cô, cùng lứa tuổi với Huyền, bèn bấm Kha nói khẽ:
– Con Huyền kia kìa! Trông con bé hôm nay trang điểm, mặc áo mới, khác hẳn ngày thường, phải không mày?
Kha nhìn về phía Huyền, chàng không nhận ra Huyền nữa, vì lần đầu tiên, chàng thấy Huyền đánh phấn, gương mặt lồ lộ, tươi tỉnh, khiến Kha gật đầu, lẩm bẩm:
– Ừ ừ… để nó đấy. Lát nữa sẽ hay!
Về phần Huyền, từ lúc bước chân tới nhà Thảo, cảm giác bực bội của nàng mỗi lúc mỗi tăng: Nàng giận mình sao lại quá nhu nhược để Thư lôi cuốn tới cái thế giới ầm ỹ, xa hoa của những kẻ có tiền, khác hẳn với cái thế giới nàng quen sống.
Nhớ lại lúc Thư đến rủ nàng, nàng tâm tâm niệm niệm nhất định không đi, thế mà nàng vẫn để cho Thư đè đầu nàng ra, đánh phấn, bôi môi cho nàng, sửa mái tóc nàng. Đến lúc nàng nhìn vào gương thấy mình lộng lẫy trong bộ áo mới đắt tiền mà lần đầu tiên Thư cho nàng mượn tiền may, nàng không khỏi kiêu hãnh thấy mình không kém ai. Thư ngắm nàng, thốt lên một tiếng khen:
– Ồ! Cái con “lọ lem” này thế mà đẹp ra phết! Chả trách mà ông…
– Chả trách làm sao? Ông nào?
Thư biết mình suýt lỡ lời. Nàng hiểu nếu Huyền biết Kha giao cho Thư trách nhiệm kéo Huyền đi dự tiệc cưới Hồng thì tất nhiên Huyền sẽ không đi. Thư bèn nói lảng:
– Chả trách mà nhiều đứa chết mệt chứ sao!
Rồi nàng giục Huyền:
– Thôi mau mau sửa soạn để đi em ạ! Chị nói thực với em, thời buổi này, có sắc đẹp như em, dại gì mà ro ró ở nhà. Phải đi đây đi đó, phải quen biết, phải cho bọn đàn ông chúng thèm muốn mình. Có sắc đẹp mà không biết khai thác sắc đẹp của mình là ngốc đấy em ạ!
Lời Thư dạy khôn làm cho Huyền khó chịu. Nhưng nàng cũng mơ hồ thấy rằng nếu nàng lại cởi cái áo mới ra, lau bộ mặt phấn đi, để lát nữa, lại đi gánh nước, đi nấu bếp, thì nàng sẽ nản đến khóc mất… Nàng tặc lưỡi một cái, như người sắp sửa làm một điều gì liều lĩnh:
– Ừ thì đi! Kẻo con Hồng nó lại trách móc này nọ!
Thế là Huyền ra đi với Thư. Nhưng ở nhà Thảo, sự hối hận lại rày vò Huyền. Nhìn bộ mặt phè phỡn, dáng điệu đĩ bợm của mọi người xung quanh, Huyền thấy mình vụng về, lạc lỏng, như một cô gái quê ra tỉnh lần đầu tiên…
Thư thì cho rằng nhiệm vụ của mình chỉ là rủ Huyền tới nhà Thảo, theo đúng “chỉ thị” của Kha, cho nên nàng cũng bỏ mặc Huyền ngồi đó, để đi tìm tinh nhân. Thư là một góa phụ, có hai con. Nàng đã hẹn với người tình – cũng là một thứ em út của Thảo – hai người sẽ gặp nhau ở tiệc cưới, và sau đó sẽ đưa nhau đi bù khú. Không thấy mặt người tình, Thư tìm đến bàn mấy gã đàn ông, để hỏi thăm.
Trong lúc Huyền bơ vơ chưa biết nên về ngay hay ở lại, thì Hồng tới bên cạnh nàng. Hồng chỉ đủ thời giờ bắt tay nàng, bẹo vào má nàng một cái để khen: “Chà chị tôi xinh quá”, giới thiệu Huyền với chồng mới cưới, rồi cắp tay chồng đi chào các bạn khác. Mãi 10 phút sau, khi Thư đã tìm thấy người yêu, vui vẻ trở lại bên nàng, Huyền mới thấy đỡ khổ sở.
Nhưng cực hình của Huyền chưa chấm dứt. Ăn xong, người ta bắt đầu khiêu vũ. Thư sung sướng đưa tay cho gã tình nhân cầm, dẫn nàng xuống “piste” ở ngay kế sân đặt tiệc. Huyền thấy hầu hết các thiếu nữ cùng lứa tuổi với nàng đều dung dị, tự nhiên khoác tay những gã thanh niên bước vào sàn khiêu vũ. Một thanh niên lạ, sặc mùi rượu, tiến đến gần Huyền cúi đầu mời Huyền khiêu vũ, khiến Huyền đỏ mặt ấp úng: “Xin… lỗi ông, tôi không biết…”. Nàng thẹn cứng người. Nhưng không hiều sao, nàng vẫn chưa dám bỏ về. Huyền nhìn những thiếu nữ, đang được các thanh niên âu yếm ôm trong tay, Huyền càng cảm thấy ngượng ngùng hộ. Nàng chỉ nghĩ, chỉ tưởng tượng đến bàn tay của người con trai nào đó, chạm vào người mình, thì nàng đã xấu hổ, rùng mình, nàng không hiểu sao các bạn này lại có thể trơ trẽn, táo bạo đến thế.
Nàng tìm đến chỗ mấy người đàn bà “nạ dòng’ không biết khiêu vũ, lân la đi ra phí cổng, thì Kha đã đứng trước mặt nàng:
– Chà! Cô Huyền hôm nay đẹp quá!
Nhận ra Kha, Huyền thất sắc. Nhưng nàng lấy lại ngay bình tĩnh, hỏi Kha cho có chuyện:
– Ông không khiêu vũ?
– Dạ! Tôi đang định mời cô!
– Tôi có biết khiêu vũ đâu!
Kha cười:
– Như vậy càng hay. Vì tôi muốn thưa chuyện với cô về chuyện anh Văn gọi điện thoại cho tôi hôm nọ. Chắc cô giận tôi lắm?
– Tôi không giận, nhưng ông nói với anh tôi như vậy kể cũng hơi…
– Hơi bậy có phải không cô? Tôi nhận là bậy thực. Nhưng vì phải bảo vệ danh dự trước một người đàn ông, nên ông bịa ra như vậy, chắc cô cũng thứ cho.
– Thưa ông tôi đã bỏ qua từ lâu! Và bây giờ thì cô cho phép tôi gửi lại số tiền dạy học của cô.
Khá rút ví, lấy ra 10 tờ giấy 500$ đưa cho Huyền. Huyền xua tay:
– Chết! Lương tôi chỉ có một 500$, thì tôi lấy một. 500$. Tôi không đời nào lấy quá số tiền của tôi.
Huyền cầm số tiền một 500$ về phần mình, đưa lại số còn thừa cho Kha và nói, giọng cương quyết:
– Nếu ông khinh tôi, xin ông cầm số tiền còn lại về…
Biết là có vật nài, Huyền cũng không đời nào nhận, Kha cầm lấy tiền, nói với Huyền:
– Để chuộc lỗi của tôi, tôi xin phép được đến thăm cô tại nhà cô, vô vui lòng không?
Huyền đứng dậy, tỏ ý muốn chấm dứt câu chuyện:
– Thưa… Chỗ ở của chúng tôi khó kiếm lắm. Nếu có đưa địa chỉ, chưa chắc ông đã tìm thấy nhà. Vậy xin để khi nào thư thả, chúng tôi xin đến thăm ông và các em…
– Dạ! Các cháu vẫn nhắc tới cô và mong cô lại thăm. Tiện đây, sẵn có xe của tôi, cô cho phép được đưa cô về.
Huyền vội khước từ:
– Quả là không dám phiền ông! Chúng tôi đi taxi cũng không sao.
– Tôi có tài xế, nếu cô ngại, thì tôi bảo tài xế đưa cô về, tôi ở lại đây cũng được…
– Tôi không dám phiền ông.
Rồi Huyền lặng lẽ chào Kha, bước ra phía cổng nhà Thảo. Nhưng Kha vẫn yên lặng đi theo Huyền, khiến Huyền không hiểu Kha định mưu toan cái gì? Chả nhẽ nàng lai kêu cứa ầm lên!
Ra tới đường, gió thổi tạt vào mặt nóng bừng của Huyền, khiến Huyền đỡ lo sợ viển vông. Nàng ngơ ngác nhìn sau trước để gọi taxi, thì Thịnh ở đâu hiện ra. Huyền mừng như bắt được vàng, quên cả giữ ý, chạy lại phía Thịnh:
– Anh Thịnh đưa tôi về với!
Thịnh lừ lừ tiến lại gần Kha.
Thịnh không chào Kha, Kha cũng không chào Thịnh. Trong thoáng mắt, Kha nhìn Thịnh để nhận xét Thịnh thuộc loại gì, bạn hày em, quyến thuộc hay người yêu của Huyền…
Đụng vào tia mắt Thịnh, Kha hiểu ngay, và bình tĩnh nói với Huyền:
– Thôi cô Huyền về nhé.
Rồi chàng rút lui.
Huyền hỏi Thịnh:
– Anh đi đâu mà lại qua đây?
– Tôi đợi Huyền đã nửa giờ!
– Sao lại đợi? Anh biết tôi đi dự tiệc cưới Hồng?
– Biết! Có phải người đàn ông vừa rồi, là ông Kha mà Huyền dạy học con ông ta không?
– Phải rồi. Sao anh biết?
– Tôi biết.
Huyền nhìn Thịnh, nhớ lại những điều Văn đã nói về Thịnh, Huyền càng tin sự phỏng đoán của Văn là đúng. Trước mắt Huyền, Thịnh không còn là một học sinh Đệ nhị ngây thơ như Huyền tưởng. Huyền chưa tìm được câu gì hỏi Thịnh, để khám phá xem có thực Thịnh là người của Việt Cộng không, thì Thịnh chăm chú nhìn Huyền, giọng mỉa mai:
– Hôm nay Huyền đẹp quá, lại đánh phấn nữa!
Huyền từ lúc ra đi, vẫn ngượng vì bộ mặt lần đầu tiên đánh phấn của mình, nàng vẫn có cảm tưởng như hàng trăm, nghìn con mắt đều đổ dồn vào “bộ mặt mới” của mình, nên khi nghe Thịnh nhắc tới, nàng tự nhiên nổi cáu:
– Đánh phấn thì đã làm sao? Anh cấm tôi đánh phấn?
Thịnh vẫn mỉa mai:
– Đánh phấn thì càng đẹp chứ sao! Mà tôi cấm thế nào được Huyền. Tôi có quyền gì!
– Dĩ nhiên là không có quyền, vậy sao anh lại khen mỉa tôi?
– Tôi khen mỉa đâu. Huyền đẹp thực. Nhưng người khác đánh phấn thì không sao, Huyền đánh phấn thì hơi lạ….
Huyền càng thấy tức trào lên ngực:
– Lạ! Tại sao tôi không có quyền đánh phấn như người khác? Chính anh mới kỳ lạ!
Thịnh đổi giọng, nhìn Huyền, phân bua:
– Tôi không kỳ lạ đâu Huyền ạ! Tôi chỉ buồn là Huyền lại trang điểm đẹp đẽ đến nhà bọn “tư bản” mà Thịnh không ưa. “Giai cấp” họ có coi mình vào đâu, đến làm gì cho thêm nhục, tủi.
“Thêm nhục tủi”! Thịnh đã nói đúng cái tâm trạng của Huyền, khiến Huyền càng tức bực vì những ý nghĩ thầm kín nhất của mình, những cảm giác đang giày vò mình lại có người phanh phui ra – khiến Huyền cãi lại rất hăng, như cãi với chính mình:
– Có gì mà nhục! Chúng giàu sang thì kệ xác chúng, chúng khinh thế nào được mình!
Sẵn cái đà quyết liệt, Huyền chuyển sang thế công, và nói không suy nghĩ, không dè đặt:
– Anh nói anh buồn, vì tôi trang điểm để đi dự tiệc ở nhà bọn “tư bản”. Thôi đi! Tôi hiểu anh lắm! Tôi biết anh là gì? Anh là Việt Cộng…
Nàng nhìn thẳng vào mắt Thịnh, nhắc lại một lần nữa, để thưởng thức sự ngạc nhiên trên gương mặt Thịnh:
– Có phải anh là Việt Cộng không?
Sự kinh ngạc khiến Thịnh im bặt gần một phút, mới cất tiếng hỏi Huyền, giọng không còn chắc như trước:
– Ai nói với Huyền như vậy?
– Chả ai nói với tôi cả. Tôi cứ suy ra thì biết.
– Có phải ông Văn nói với Huyền không?
Nắm được thế chủ động, Huyền thêm tỉnh táo:
– Chả có ông Văn nào cả. Cứ nghe giọng nói của anh xài toàn danh từ của Cộng Sản, tôi lạ gì! Kể ra thì anh còn “non” lắm! Anh làm gì, tôi biết hết. Những người đến tìm anh, nói với anh những gì, tôi biết hết…
Thịnh mỉm cười, yên tâm, vì Thịnh chỉ sợ Văn biết. Văn biết mới là điều Thịnh lo, chứ Huyền biết thì Thịnh không ngại, vì Thịnh vẫn bất chấp Huyền, cho rằng thế nào Thịnh cũng lôi được Huyền vào tổ chức của mình. Vốn có cái mặc cảm tự tôn của đứa con trai coi thường đàn bà, Thịnh cho rằng mình thừa tài để thuyết phục, lôi cuốn Huyền vào tổ chức của mình, chứ còn đối vời Văn, thì Thịnh cam phận mình là học trò, không đủ cỡ nói chuyện với Văn.
Thịnh trở lại thế công:
– Nếu đúng như lời Huyền nói thì có làm sao? Có gì là xấu, Huyền!
– Tôi chả biết xấu hay tốt. Nhưng theo ý tôi, Thịnh còn đang đi học, chớ nên chính “chị” chính “em” làm gì. Thịnh nên nghe tôi.
Thịnh nhìn Huyền, thủng thẳng đáp:
– Chuyện này, lúc nào thư thả, tôi sẽ thảo luận với Huyền. Bây giờ thì tôi chỉ cần nhắc Huyền nhớ kỹ hai điều này: Huyền đừng bao giờ cho ông Văn biết tôi là người trong tổ chức hay không. Điều thứ hai là từ nay tôi cấm Huyền không được đưa những thư tôi gửi cho Huyền cho ông Văn coi, nếu lần sau, Huyền đưa thì chớ trách…
– Anh dọa tôi hay sao?
Thịnh không trả lời. Quãng đường hai người đương đi, vắng người, khiến Huyền tự nhiên thấy trống ngực đập mạnh. Nàng nhìn trước, nhìn sau, nói với Thịnh:
– Anh coi có cái taxi nào, gọi giùm tôi một cái, anh.
Thịnh vẫn yên lặng, đi sát bên Huyền. Hình như Thịnh phải cố gắng lắm, mới thốt ra được một tiếng:
– Huyền!
Rồi Thịnh đắm đuối nhìn Huyền, Huyền không dám nhìn Thịnh, sắp sửa định tách bước cho khỏi sát người Thịnh, thì hai người đi tới một lùm cây hơi tối. Thịnh đột nhiên nắm chặt lấy tay nàng. Cũng như khi ở nhà, nàng biết là nàng không thể cởi cái áo mới vừa mặc, không thể lau nửa bộ mặt phấn vừa đánh, Huyền có cảm giác là nàng không thể nào thoát ra khỏi cái nắm tay vững chắc của Thịnh; nàng thấy rờn rợn, vẩy ốc nổi khắp người, như mỗi khi đến kỳ kinh nguyệt, đứa em gái chạm vào ngực nàng, nàng cũng rùng mình…
Lần này, có nhẽ vì còn bị ảnh hưởng cái cảnh những đôi trai gái dung dị ôm nhau khiêu vũ ở nhà Thảo, nên Huyền chống cự yếu ớt, và khi Thịnh đứng lại, cầm nốt một tay Huyền, thì Huyền chỉ biết lắc đầu, nói với Thịnh:
– Bỏ tay Huyền ra. Đừng làm thế.
Giọng Huyền lạc đi. Nếu lúc đó, Thịnh ngổ ngáo hơn nữa, ôm đại nàng, hôn thì có nhẽ Huyền cũng cam chịu, mặc dầu nàng không thấy yêu Thịnh, yêu như nàng thường thấy tả trong những tiểu thuyết mà nàng đọc, nhưng Thịnh lại dụt dè, tưởng nàng không bằng lòng, thở dài buông tay nàng ra. Huyền có cảm giác nhẹ nhõm của người vừa thoát nạn, nhưng cũng không khỏi có cảm giác hơi tiêng tiếc…
Một cái taxi từ phía Chợ Lớn chạy tới. Huyền liền vẫy xe dừng lại. Thịnh tần ngần muốn cản trở Huyền đừng lên xe, nửa không dám cản trở. Huyền chỉ kịp nói với Thịnh:
– Ngày mai, tôi sẽ lại thăm Thịnh. Tôi còn nhiều chuyện muốn nói với Thịnh.
Thịnh thoáng có ý định mở cửa xe lên ngồi với Huyền về nhà. Nhưng không biết nghĩ thế nào, chàng vẫn đứng im, nhìn cái xe rồ máy chạy thẳng, và khi xe đã mất hút ở cuối phố, Thịnh mới bần thần tự hỏi tại sao lai. để cho Huyền “bỏ rơi” vô lý như vậy! Anh lủi thủi, chưa biết nên trở về nhà hay đi đâu, thì một cái xe Hoa kỳ lướt tới, vượt qua mặt anh, trên xe có một gã đàn ông. Không biết người ngồi trên đó có phải Kha không, nhưng đới với Thịnh thì người đó nhất định là Kha, và Thịnh thốt lên một tiếng chửi thề:
– Đ… mẹ những thằng đi xe Hoa kỳ.
Trí tưởng tượng dồi dào của anh chàng mê gái, khiến Thịnh tin ngay là xe của Kha chạy về nhà Huyền. Không lưỡng lự, Thịnh cũng gọi một xe xích lô máy, bảo xe chạy về phía nhà Huyền.
… Khi về tới nhà, mẹ Huyền vẫn còn thức, và trái với thường lệ, mỗi khi nàng đi đâu về vẫn bị mẹ nàng gắt gỏng, lần này mẹ nàng vui vẻ, vồn vã hỏi Huyền:
– Sao về sớm thế con?
– Gần 11 giờ rồi, còn sớm gì nữa mẹ!
– Tao cứ tưởng tiệc cưới ở nhà cô Hồng thì cũng phải đến khuya mới tan.
– Người ta khiêu vũ! Mình có biết khiêu vũ đâu mà ở lại! Biết thế, con chả đi cho rồi…
– Ừ nhỉ! Người ta khiêu vũ thì con nên về sớm là phải.
Huyền uể oải, mệt nhọc cởi áo. Mẹ Huyền nhìn nét mặt bơ phờ, chưa hết hốt hoảng của Huyền, vội hỏi:
– Mày làm sao mà bơ phờ vậy con?
Huyền giật mình, sờ lên ngực, như còn nghẹn thở vì hai tay bị cầm tù trong tay Thịnh. Huyền chống chế:
– Đông người quá. Con thấy khó thở…
Mẹ nàng vẫn tò mò nhìn nàng, đột nhiên hỏi:
– À ông Kha hôm nay có mặt ở đám cưới không con?
Huyền kinh ngạc, không hiểu sao mẹ nàng lại biết Kha. Từ khi dạy học ở nhà Kha cho đến khi nghỉ dạy, Huyền chua bao giờ đả động đến Kha trước mặt mẹ. Nàng chỉ biết cuối tháng đưa tiền cho mẹ, và mẹ nàng cũng chả cần hỏi nàng dạy ở đâu. Thế mà không hiểu sao, mẹ Huyền lại biết Kha, và hỏi thăm Kha có dự tiệc không? Thái độ vui vẻ khác thường của mẹ Huyền cũng khiến Huyền ngờ có chuyện gì xảy ra, trong đó có bàn tay Kha dúng vào.
– Mẹ cũng biết ông Kha sao?
Mẹ nàng im lặng một lát như suy nghĩ, tìm lời để thuyết phục Huyền, rồi chậm rãi, từ tốn nói:
– Hôm qua, ông Kha ông ấy có lại đây. Tao thấy ông ta là người giàu có, đứng đắn, tử tế nữa. Ngày mai, con phải trở lại dạy các con ông ấy học, chứ bỏ ngang xương như vậy, không tiện… Vì có lời ông ấy nói, thì mày mới được đi dự tiệc cưới hôm nay, chứ nếu không, đời nào tao cho mày đi!
Huyền chợt hiểu. Với linh tính bén nhạy của người đàn bà, Huyền đoán chắc chắn mẹ nàng đã chịu ơn về tiền bạc của Kha. Nàng nhìn cái áo mới vừa cởi, và trong một thoáng giây, nàng hiểu ngay nguồn gốc số tiền mà người ta cho nàng mượn để may áo. Huyền ấm ức trả lời:
– Mẹ có hiểu vì sao con nghỉ dạy học ở nhà ông Kha không?
– Ôi chà! Người ta là người đứng đắn, cái thứ mày thì người ta ỉa vào. Thôi tôi xin cô, đừng có nghe lời ông Văn mà sinh sự. Ông Văn thì có giúp được cái gì cho gia đình nhà mình. Đừng có chờ đợi ở ông Văn mà có khi chết đói, con ạ!
Huyền không nén được bực tức, cãi lại mẹ:
– Có dính dáng gì đến anh Văn, mà mẹ lại lôi anh ấy vào. Con bỏ dạy là con bỏ dạy, chứ đâu tại anh Văn!
Mẹ nàng bỗng nổi giận:
– Tôi truyền đời cho cô biết, là ngày mai, cô phải lên nhà ông Kha dạy. Đây này, ông ấy đã trả trước sáu tháng tiền lương, và tôi đã làm giấy nhận tiền rồi. Cô đừng có lôi thôi. Nếu cô không nghe tôi thì cô bán xới ngay khỏi nhà này, đừng có mẹ, con với gái già này nữa!
Rồi bà lấy chùm chìa khóa, mở cái valy cũ kỹ của riêng bà, lấy ra một bọc nhỏ, vứt lên bàn, nhắc đi nhắc lại, như đay nghiến:
– Đây này! Đây này! Tiền của người ta đây này. Cô muốn cho tôi ngồi tù thì cô cứ việc ở nhà, chả cần lên dạy, để tôi ngồi tù cho cô sướng…
Rồi, bà oà lên khóc một cách thật dễ dàng, khóc nức nở, vừa khóc vừa kể lể bà khổ như thế nào, bà phải nuôi các con nheo nhóc như thế nào, các con không thương xót mẹ như thế nào…
Huyền nghe lời mẹ kể lể, tưởng có thể phát điên cuồng ngay lúc đó. Nàng không kịp rửa mặt phấn, nằm vật xuống giừơng, bên cạnh hai đứa em co quắp đang ngủ. Nàng lấy hai tay bịt lên tai để khỏi phải nghe tiếng khóc của mẹ nàng, nhưng tiến rên rỉ của mẹ nàng vẫn lọt vào tai nàng, từng lời, từng câu, thấm thái. Rồi đột nhiên, có tiếng cửa mở, và tiếng Thịnh chào:
– Lạy bác ạ!
Mẹ Huyền im khóc. Còn Huyền chạy ra ngơ ngác nhìn Thịnh:
– Kìa anh Thịnh. Anh chưa về à?
Thịnh ấp úng:
– Tôi… định hỏi chị xem giờ nào ngày mai, chị xuống thăm tôi, để tôi đợi…
Nghe Thịnh nói, mẹ Huyền hầm hầm đi xuống bếp, gọi giật giọng:
– Huyền, xuống tao bảo!
Huyền sợ hãi chạy xuống bếp. Mẹ Huyền nói to, cốt để Thịnh nghe tiếng:
– Muốn sống, hãy tống cổ nó về. 11 giờ đêm mà còn dẫn trai vào nhà hay sao? Đồ vô phúc!
Như một cái máy, Huyền trở lên, nước mắt chảy vòng quanh, nàng ra hiệu cho Thịnh rút lui. Thịnh nhìn nàng, cũng không dám nói gì, lặng lẽ ra đi. Huyền đóng cửa, tắt đèn, lên giường nằm. Khí trời oi bức, nhưng Huyền cũng lấy cái mền phủ kín mặt mày, để khỏi phải nghe mẹ nàng than vãn. Bao nhiêu cảm xúc quá độ làm nàng thiếp đi lúc nào không biết…

Nguồn: http://vietmessenger.com/books/?title=song&page=3

Comments are closed.