Văn học miền Nam 54-75 (641): Thế Uyên (kỳ 6)

Tiền đồn (6)

Chị vùng ôm lấy chồng khi người đàn ông vừa bước qua ngưỡng cửa, mắt đang chớp mở tìm quen với bóng tối trong buồng. Chị khóc nức nở trong vòng tay ngỡ ngàng của Ba, toàn thân như muốn trải dài ra tìm nơi nương tựa.
“Coi kìa! Tôi có nói chi nữa đâu, sao em khóc dữ vậy?”

Những đau đớn tích luỹ từ bao giờ, tiếng má la hét đau đớn trên mặt phản, những lời đôi co với Ba, những vuốt ve nhờn trơn mồ hôi của Tía ùa tới làm thân thể như muốn cong gập lại như một con sâu bị kim xuyên qua. Chị nghẹn ngào, khóc không sao ngừng được. Những đầu gối, những đôi giày cao cổ, cặp mắt gườm gườm, hai ba bốn năm cặp mắt gườm gườm từ bốn tường đồn xáp lại bao quanh, lớp lá khô gồ ghề dưới da lưng đùi mông và thân thể Hải quằn quại áp nặng bên trên, giọng nói như van xin của Uông trong bụi cây ven sông khi chị nằm yên đó, thân thể mở rộng với chiếc quần vắt ngang ngực. Chị khóc lớn hơn, đứa bé hét theo, Ba như sợ hãi, lắp bắp:
“Coi kìa!… Con nó khóc kìa”.
Chị buông Ba ra, đứng dậy bồng con ra sân, chùi nước mắt ngồi xuống cạnh vại nước. Nước bên trong phẳng lặng lấm tấm vài hạt bụi và một chiếc lá khô nhỏ hơi lay động. Chị nhìn bóng khuôn mặt mình lờ mờ, đằng sau trên cao những đám mây còn trắng trên nền trời. Một giọt nước mắt rớt xuống làm khuôn mặt tan vỡ, chị mím môi cố ngăn những nức nở từ lồng ngực đưa lên. Không muốn, má ơi má, con không muốn như thế. Con không muốn… Một giọt nước nữa rớt xuống. Má chết rồi, chết chôn ngoài gò cuối làng, mái tóc xoã ra khỏi cáng và bết máu. Sao má khóc nhiều thế, má khóc giấu một mình sau bếp, ngoài vườn. Chị vục gáo múc nước ra chậu, khuôn mặt mờ ảo vỡ nát không còn vết tích, chị khoắng mạnh những lá rau trong chậu, vớt thành bó để lên thớt thái. Chắc chắn như thế đó, chắc chắn từ giờ sẽ để cho Tía… Chị sẽ là người đàn bà có chồng còn ngủ với trai. Trai nào? Gã trưởng đồn gườm gườm, Hải đè nặng đau đớn hay Uông năn nỉ bên trên thân thể mở rộng chiếc quần vắt ngang. Chị bê rổ rau đã rửa xong vào bếp, nhóm lửa. Ngọn lửa đỏ bập bùng, làn khói xanh dày đặc trước cửa bếp. Nhìn qua vách thấy Ba nằm như ngủ trên phản, chắc ảnh say rượu rồi, chị quay lại ngồi ngó lửa, bắt đầu khóc như một ngày đã lâu chị thấy mẹ ngồi khóc một mình như thế, cũng ở chỗ này. Những giọt nước nóng rớt xuống chân xuống đùi, chị ngồi lặng đi không nhúc nhích trong một không gian đầy dẫy tan vỡ không còn biết bấu víu vào đâu. Trước Ba đã có những cặp mắt gườm gườm trong đồn, tiếng la hét trên phản của má, có Hải có Uông, bây giờ thêm Tía hay thêm ai nữa cũng thế mà thôi. Chị chẳng còn gì để giữ để cản nữa khi thân thể căng nóng lên với một người hay nhiều người đàn ông khác nữa. Nghiêng đầu xuống thổi cho lửa bùng lên, chị nghe thấy tiếng một giọt nước rớt tan trên than tro.

*

Định lách đầu lưỡi lê vào khe vải, rọc đứt các đường chỉ khâu phù hiệu vai áo. Người lính ngồi ghế bố bên kia hỏi sang:
“Chuẩn uý ở lại đại đội chỉ huy à?”
“Không, tôi ra đội ngoài kia. Ở lại đồn đêm nay thôi”.
“Chuẩn uý động viên phải không?”
“Sao anh biết?”
Người lính cười, đưa tay xoa bộ ngực trần:
“Thấy chuẩn uý mang theo nhiều sách thì biết. Ông Vận trợ lý, động viên đấy, cũng bao nhiêu là sách”.
“Anh đi lính lâu chưa?”
“Ba năm ba tháng. Quân dịch mà chuẩn uý. Mấy tháng trước em buồn ghê hồn, bây giờ cũng nguôi ngoai rồi”.
Định một tay kéo căng vải áo, tay kia lách mũi lưỡi lê vào khe bảng tên trên ngực:
“Cái gì rồi cũng phải quen đi”.
“Quen đi đâu, chuẩn uý. Hồi đầu năm con vợ ở quê nó đi lấy chồng”.
“Vợ hả?”
“Không hẳn thế, chuẩn uý. Bà già định đợi em hết quân dịch là về cưới. Nhưng nó không đợi được nó đi lấy chồng từ hồi ấy rồi. Em buồn hoài, chuẩn uý”.
Định cầm mảnh vải lên ngắm hàng chữ thêu tên bằng chỉ đen. Linh đã thêu cho chàng vào buổi sáng trong khu tiếp tân quân trường, ngồi trên bậc thềm ở phía sau nhà chòi, Linh đã vừa cắt bánh vừa nói: “Em thêu cả tuần mới xong đó. Anh đi lính mà điệu quá đi. Biên bằng bút nguyên tử như mọi người không được sao, bắt em thêu gần chết”. Giọng nói bông đùa của nàng vang như một tiếng vọng, chàng dò xét từng đợt hơi ấm từng sự di chuyển nhẹ của từng thớ thịt sau làn lụa quần thấm vào bàn tay chàng những ngón mở rộng. “Anh ăn bánh đi. Cầm hai tay không rơi bây giờ”. “Muốn anh bỏ tay ra thì cứ nói. Dùng mưu không nổi đâu”. “Thế anh buông ra đi! Từ hồi nhập trường, cứ gặp nhau là anh ôm em ác quá đi”. Chàng đưa miếng bánh lên miệng cắn: “Mười lăm hôm nữa sẽ làm lễ gắn an-pha rồi, anh…”. Mái tôn che khuất nửa người trên, chàng chỉ trông thấy hai tấm thân hai đôi chân kề sát. “Em nhìn đây này, Linh! Thấy chưa… Anh ôm em thế này là quá lành mạnh rồi. Nhìn đi, nhìn thiên hạ đi…”. Linh vùng vẫy thoát khỏi vòng tay chàng, ngồi thẳng dậy mặt đỏ bừng: “Đi chỗ khác đi anh!”. Chàng cười, cầm một miếng bánh đưa lên ăn: “Đi đâu bây giờ. Các câu lạc bộ chật cứng lại ồn kinh hồn. Em phải biết anh mang poncho ra trải ở đây từ bảy giờ sáng mới giữ được chỗ này”. Mái tóc Linh rũ xuống che khuất một bên mặt, chàng búng mẩu thuốc ra phía trước. Nàng bất động, mái tóc vẫn che khuất nửa khuôn mặt, chàng nghiêng người ra phía trước, thấy những giọt nước mắt đọng và hai má đẫm nước, những giọt im lặng rớt xuống vạt áo. Chàng thở dài cầm vải bảng tên và phù hiệu đơn vị cũ bỏ vào túi quân trang, tháo cấp bậc cho vào túi áo, đứng dậy ra sân. Người lính nhìn lên, hỏi:
“Gia đình chuẩn uý ở đâu?”
“Sài Gòn”.
“Em ở Cao Lãnh kia lận. Chuẩn uý biết Cao Lãnh chứ? Tụi Cộng về nhiều lắm. Thằng bạn em, ở sư đoàn 7 ấy, về thăm vợ bị tụi nó bắt vô trỏng liền”.
“Vợ chưa cưới đi lấy chồng rồi, anh cần gì về làng nữa”.
“Không về biết đi đâu, chuẩn uý?”
Định bước nhanh ra ngoài, những câu hỏi những lời nói của người lính làm chàng khó chịu. Rải rác ngoài sân ven tường đồn, binh sĩ bắt đầu ăn cơm. Làn khói trắng mỏng bùng dâng lên từ một nồi cơm mở nắp. Chàng không thấy đói, có lẽ tại ly cà-phê vừa uống, có lẽ cũng tại bàn tay đẫm máu người lính bị thương vừa rồi. Không có gì đâu anh, không có gì hết đâu anh! Chàng đi dọc vách đồn, leo lên lô cốt đại liên. Cánh đồng phía dưới tràn đầy nắng vàng của buổi chiều. Hai đứa bé đang tắm ở chiếc giếng phía dưới, chiếc gàu bị kéo tung hắt nước vào người con gái. Vài binh sĩ đứng quanh phá lên cười. Chàng tự dưng thấy nôn nao trong người, hình ảnh Linh ngồi dưới gốc cây tầm ruột xuất hiện trở lại rõ từng đường nét từng màu sắc. Chàng nhắm mắt lại, hình ảnh biến đi và chàng thấy gió từ cánh đồng phía dưới mơn trớn trên da mặt. Mùi hoa cải phảng phất, chàng dựng chiếc xe đạp vào bụi xương rồng trơ trụi, ngồi nghỉ. Những gốc nhãn vỏ nâu chạy dài trên những lớp lá khô di chuyển theo gió tạo những âm thanh xào xạc và cô quạnh. Đầu người bà bạc trắng cúi xuống thấp hơn nữa: “Bà già rồi, sống ở đây chết ở đây cho gần ông bà. Cháu về nói với ba me là bà không đi đâu”. Khi đạp xe rời làng, con đường lát gạch hai bên bờ rêu mọc xanh, nước mắt chàng chảy ràn rụa trên má. Khóc tại người bà ở lại lủi thủi một mình hay là khóc cho ao bèo dày đặc mát xanh, những vườn nhãn ven con sông sâu giữa hai bờ đất, một tuổi ấu thời thiên đàng tìm thấy và mất đi vĩnh viễn. Một tràng súng nổ ở xa, chàng ngẩng lên nhìn, người lính ngồi sau khẩu đại liên nói: “Chắc đồn dân vệ bên kia sông bắn…” Em không cản anh vì em biết anh chỉ có thể sống yên bên em sau khi tham dự cuộc chiến. Những lời nói biểu lộ một khuất phục. Có phải Linh đã khuất phục, đã để dĩ vãng tâm hồn của nàng quấn quít quanh người yêu như đuôi chiếc diều nên đã có tình yêu ấy. Nếu ngược lại, nàng giữ nguyên cá tính, giữ nguyên và khép kín tất cả, mọi sự sẽ ra sao. Trở thành và chỉ còn là một cơ thể đàn bà như những cơ thể đàn bà khác? Nếu em không yêu anh, ngoại tình dễ quá anh. Đàn bà sinh ra vốn là một người đĩ, giữa một gái đĩ và người vợ chỉ khác nhau có thế: một thái độ tình cảm, một khuất phục, một chịu đựng chiếm hữu kẻ khác. Một binh sĩ cầm súng băng qua sân lại gần lô-cốt bắn lên trời ba phát. Yên nói:
“Lệnh cho đại đội 3 mở máy liên lạc đó”.
Chàng nhảy xuống đất. Chiếc cột ăng-tên cao và ngọn cong mềm lắc lư theo chiều gió. Bên trong, chiếc bàn chân nham nhở. Một tấm bản đồ mở rộng, các sĩ quan ngồi quanh chờ đợi. Chàng tựa cột châm thuốc hút, lơ đãng ngắm mọi người, các chi tiết, mái tóc dài ngắn, những nét mặt gãy hay cong nhưng không một ý nghĩ nào xuất hiện. Một khoảng trống không với những cử động đưa điếu thuốc lên môi. Hy và Vũ bước vào, đặt súng dựa vào cột, hất ngửa cái mũ sắt trên ghế bố kế cận, ngồi xuống hai chiếc ghế dành sẵn. Chàng đột nhiên cảm thấy nỗi uể oải từ dáng điệu mệt nhọc hất chiếc mũ sắt đè nặng lên tất cả. Tiểu đoàn trưởng cất tiếng nói, trỏ vào một điểm trên bản đồ, viên sĩ quan cố vấn Mỹ cúi xuống nhìn, một khoảng nắng từ ngoài vào lấp loáng trên mái tóc nâu nhỏ sợi.
“… Tin chót cho biết ngày hôm qua C của tụi chúng còn ở khu này”.
Những cái đầu cúi xuống bàn theo hướng chiếc bút chì trong tay viên đại uý, một nhịp điệu gần như thần bí, chậm chạp trong một đền thờ thần linh và tiếng nói viên sĩ quan như một lời giảng hướng dẫn không có một giá trị nào hơn là một thói quen thường ngày.
“Chắc chúng chuyển quân qua vùng này thôi. Đánh thì chẳng dám đụng tới bọn mình đâu”.
“Nếu ý định của chúng là chuyển quân thì thế nào đêm nay tụi du kích cũng phá rối tối đa… Đại đội 3 đêm nay đóng đây cho tôi… Cho toán kích nằm chỗ này”.
Một người ngồi trước mặt đưa tay lên cởi ngực áo, rút bản đồ ra trải xuống bàn. Một hành động thông thường nhưng làm chàng tự dưng xúc động. Một nỗi xúc động tác động chậm chạp làm tâm hồn chàng như trải dài ra, mềm yếu trong một khắc khoải xao xuyến. Cuộc đời đấy, cái chàng định tìm đấy, có phải thế không những tiếng nói nho nhỏ chậm rãi từ cái bàn loang ra, những âm thanh của toán lính làm việc ngoài sân vẳng vào cùng những tia nắng chiếu hắt trên những sợi tóc nâu vàng. Một nghẹn ngào lẩn khuất đâu đây, trong chàng, ngoài sân nhớp nhúa, trong phòng, trên những cái đầu đang cúi xuống, quanh những âm thanh ngập ngừng. Chàng tìm thấy rồi đó chăng? Đúng thế Linh, đúng thế đấy, Linh? Không có gì ở đây, không có gì ở đây cho anh cả. Hình ảnh Linh mắt long lanh ướt nước dưới ánh trăng mở ra từ bên trong chàng làm nỗi nghẹn ngào thôi không lẩn khuất, ùa tới tích tụ và đè nặng lên từng phần thân thể. Không có gì thật, không có gì hết trong cái chết. Không có đến cả một khoảng chân không tối đen nữa, như vậy đó Linh, có phải em đã tìm thấy như thế khi anh chới với trên thân thể em đêm khuya về sáng… Hai tiếng súng nổ bên trái đồn, tiếp theo từng chuỗi dài. Viên đại uý ngẩng đầu lắng nghe:
“Trung đội nào còn ở phía đó?”
Vũ trả lời ngắn ngủn:
“Trung đội tôi”.
Yên la vào phòng truyền tin:
“Vặn to lên!”
Tiếng lạch cạch rít cao vang từ cái loa nhỏ mắc trên cột. Những cái đầu ngẩng lên, một bàn tay quay lại phía sau, chàng đưa mẩu thuốc cháy dở, những ngón tay khép lấy và mẩu thuốc biến sau chiếc gáy tóc đen rậm. Tiếng nói bắt đầu phát ra, ngần ngừ và đứt quãng giữa các âm điện tử:
“Yên! Yên!… Đây Vĩnh, yêu cầu cho gặp thẩm quyền của Vĩnh…”
Đột nhiên Hy mạnh mẽ vụt quay lại, la vào phòng truyền tin:
“Bảo nó có gì thì báo cáo mẹ nó đi cho được việc!”
Chàng tiếp tục nhìn chiếc loa, câu nói dữ dằn của Hy vang bên tai chàng thật tự nhiên như hàng cột có đó. Một bàn tay giơ lên trả mẩu thuốc, chàng cầm lấy đưa lên miệng hút tiếp.
“… Vĩnh báo cáo, Vĩnh báo cáo… Hai tên mặc đồ đen xuất hiện phía chùa, bắn hai phát Mas 36. Nhắc lại, hai tên mặc đồ đen…”
Hy la lớn át tiếng rè rè đang vụt to lên:
“Bảo trung đội 3 cứ ở nguyên vị trí cho tôi!”
Âm thanh từ máy vụt nhỏ đi làm những câu tiếng Anh của Vượng và viên cố vấn Mỹ hiện rõ trong không. Những làn khói thuốc bốc từng vệt nhỏ lơ lửng. Tiểu đoàn trưởng giơ tay bắt:
“Định bảo hai anh ở đồn ăn cơm tiễn cố vấn mai về trung đoàn, nhưng chưa chi đã lộn xộn, thôi vậy”.
Hy đứng dậy giơ tay bắt hai quân nhân Mỹ, Vũ nghiêng người cầm quai chiếc mũ sắt trên ghế bố, hỏi tiểu đoàn trưởng:
“Còn việc đi phép của tôi thế nào, đại uý?”
“Anh cứ yên trí. Giấy phép tôi ký rồi. Sáng mai anh bàn giao trung đội cho chuẩn uý Định rồi vào đây đi xe về tỉnh cùng thiếu tá”.
“Cám ơn đại uý”.
Viên tiểu đoàn trưởng cười, đứng dậy lại gần bàn nước, nói qua vách:
“Mấy giờ ăn đấy các chú?”
Định nói với Vũ:
“Anh ra ngoài luôn tới sáng mai hả?”
“Ừ… Thế là mai anh phải dẫn trung đội của tôi đi mở đường cho tôi đi phép! Thôi, sáng mai gặp nhau”.
“Đợi tôi lấy súng ra ngoài với anh một lát”.
Tiếng của Yên gọi với:
“Anh Định nhớ một tiếng nữa ăn cơm đấy!”
Chàng gật đầu không quay lại, theo Vũ len lỏi giữa các hàng rào kẽm gai, ráng vàng buổi chiều loang loáng trên các mũi nhọn xám trắng. Hai người ngồi xuống bờ thềm nhà hướng ra cánh đồng phía dưới. Một binh sĩ xách một thùng nước đi theo cô gái vào bếp, ngâm vọng cổ:
“… Em Lan ôi!… Vì ai mà anh phải đoạ đày…”
Các tiếng cười xuất hiện rải rác, Vũ tiếp tục nói:
“Không biết anh thế nào, còn tôi, cái khó chịu nhất ở đây là cảm giác mất an ninh thường xuyên. Không thể quen được với cảm giác này. Quen cái gì thì quen, cái này thì không. Nó như bám vào da, như ngấm vào xương tuỷ. Anh biết không, có lần về phép đang ngủ trên giường, thằng bé nằm giường bên kia đạp chân vào thành giường đến rầm một cái, tôi ngồi nhỏm ngay dậy, quơ tay cầm súng. Xoa vào bà xã mới nhớ ra là đang ngủ ở nhà…”
Chàng cười, bỏ mẩu thuốc xuống đất, lấy mũi giày dí nát. Vũ tiếp tục nói:
“Hậu quả kỳ cục và đôi khi bực mình vì bị méo mó nghề nghiệp. Bây giờ nhìn cảnh vật, tôi không thấy đẹp hay xấu. Óc tự dưng chỉ thu nhận những chi tiết địa thế cần thiết cho việc tiến quân, rút hay đóng quân thôi. Một hàng dừa chỉ có nghĩa là chỗ đó có nước, một bờ tre là một nơi phục kích tốt cho địch, con đường quang đãng chỉ có nghĩa là dám bị bắn sẻ, trăng chỉ là một yếu tố để tính xem toán kích đêm nay nên cho đi lúc mấy giờ và về lúc mấy giờ …”
Vũ vụt búng mẩu thuốc lên cao, tiếp tục:
“Thà cứ như thế còn hơn”.
“Tôi không hiểu anh nói gì”.
Vũ cười:
“Rồi anh sẽ hiểu trong hai tuần nữa là tối đa. Bọn mình sẽ ra sao nếu ngày nào cũng nghe gió thổi với cái tai dân sự… Suy nghĩ nhiều ở đây khó sống”.
Một luồng gió mạnh từ phía dưới cánh đồng ùa lên. Không gian hết nắng, chàng mân mê báng súng tự hỏi nắng hết từ lúc nào, sao chàng không biết. Hồi nhỏ, chàng đã ngồi chờ ven hồ nhiều buổi chiều xem lúc hết nắng ra sao nhưng chưa bao giờ biết. Ánh sáng dịu dàng rồi biến đi lúc nào trong khi chàng cạy một hòn sỏi vứt xuống nước hay rứt một cọng hoa cỏ đưa lên miệng ngậm. Vị cỏ hơi cay và hăng trên đầu lưỡi, tiếng Linh cười: “Sao anh hay ngậm cỏ thế. Chắc kiếp trước anh là con bò!”. Thân thể nàng trong áo dài nằm như một vũng nắng ban sáng còn sót lại trên cỏ đồi, những trái thông khô đen rải rác, đôi môi vướng những sợi tóc dài vướng vào miệng. Một khoảng thời gian giữa những khi nắng dịu dàng và khi ánh nắng biến đi, nỗi hạnh phúc chỉ có thế, hay hơn thế? Không, lâu hơn, chàng đã sung sướng suốt ngày hôm đó, cả tuần lễ ấy. Tuần lễ Linh để băng-đô hồng trên tóc và cầm cành mimosa. Tiếng Vũ trầm hẳn xuống như một lời thì thào:
“… Tôi hay tự hỏi một điều như thế này: Tại sao chúng ta tin chúng ta có chính nghĩa nhưng chính nghĩa ấy lại không giúp gì hết trong việc chiến đấu. Anh, tôi, Vượng, Yên… tất cả những tên có mặt trong tiểu đoàn này cũng như các đơn vị khác đều đồng ý là phải chống Cộng. Nhưng mọi sự đã chẳng ra làm sao hết. Tôi đã từng khai thác tù binh, tụi chúng tin tưởng ở chính nghĩa của chúng nó đến độ phát tởm lên được”.
Chàng để súng nằm thăng bằng trên đùi, móc túi lấy bật lửa châm thuốc, nói:
“Tại chúng ngu!”
Vũ quay lại giọng hạ thấp:
“Vì thế tụi chúng sung sướng hơn bọn mình?”
“Tôi không biết”.
Chàng suy nghĩ, rồi tự dưng những lời nói ùa ra khỏi môi, liên tiếp, chèn ép:
“Không thể hơn được. Ngu thì cũng giống như một đứa trẻ. Sung sướng hay không cũng thế thôi. Tôi cho rằng người nào cũng thế thôi. Đại tá có những cái lo và cái sướng của đại tá, chuẩn uý có cái lo cái sướng của chuẩn uý. Mức độ sướng hay khổ như nhau hết”.
Chàng tiếp tục nói những lời thành chuỗi liên tục, chàng không hiểu chàng định nói gì, đi đến đâu. Chàng nói để trấn áp một nỗi lo sợ kỳ dị, sợ người ngồi cạnh, một người như sắp chết. Tại sao lại có tin tưởng Vũ ngồi đây sẽ chết? Có gì, cái gì chứng tỏ. Chàng tìm tòi, hối hả. Phải có một lý do, cái mũ úp trên nòng súng? Không, không phải. Chàng thở ra, chính vậy, tại câu văn chàng đọc trong một truyện đã lâu: Ngoài trận, người lính sắp chết hay phân tích sáng suốt toàn thể đời sống của mình. Vô lý. Thế nào là phân tích sáng suốt đời sống. Như Vũ vừa rồi? Chàng ngẩng đầu lên, ráng vàng còn rung rinh trên một ruộng mía phía xa, những ngọn mía đổ nghiên dưới cơn gió từ phía sông tới, cả một nếp xanh ánh vàng nhẹ chuyển động như lớp cỏ tranh cao nguyên. Những lá cỏ sắc cạnh cọ vào thành xe. Phía xa, những đồi thấp chạy xuôi xa mờ đến chân dãy núi và lúc ấy chàng đã tự hỏi ý thức sáng suốt để làm gì, để biết là mình phải sống hay mình phải chết? Suốt đêm được phép ra thị trấn, trời mưa nhỏ và lạnh làm chàng kéo cao áo blouson lính và đút sâu hai tay vào túi, lắng nghe bùn lép nhép ẩm ướt dưới giày. Quán cà-phê phin độc nhất có bốn bậc gạch dẫn lên và nằm cạnh một rạp hát tồi tàn đính những bảng quảng cáo của một đoàn hát mới từ đồng bằng lên ướt đẫm nước mưa. Ngụm cà-phê nóng bỏng và đắng làm chàng dịu người, chùng xuống. Một điệu nhạc twist nổi lên, một binh sĩ không quân mặc quân phục tác chiến đội nguyên mũ xanh đứng dậy tiến ra giữa phòng từng bước đưa dài chậm theo nhịp nhạc. “Solo một bản đi Cường! Cho đời buồn thêm!”. Binh sĩ tên Cường quay lại nhìn các bạn ngồi sát tường, rồi nhìn chàng nhưng chàng biết rằng hắn không nhìn các bạn, không nhìn chàng, không phải nhìn những bóng người cọ quậy, bàn ghế khẳng khiu, hắn nhìn một cái gì khác ở đằng sau, trên kia, trong hắn. Hắn bắt đầu nhảy, những mũi giày xoay đi, day xuống sàn xi-măng hai cánh tay cử động. Một nỗi buồn toả ra trong từng dáng điệu, từng gót giày đi trên xi-măng, chàng không thể rời mắt khỏi Cường, không phải Cường, một người lính, không phải một người lính, một người đang buồn. Không, cũng không phải người đang buồn mà là chính nỗi buồn, chàng biết thế, nỗi buồn của hắn, của người, của chàng. Âm nhạc ngừng, nỗi buồn sững lại, tích tụ đông đặc lại trong một khoảnh khắc, chàng tự dưng nghe thấy một giọt mưa, thật rõ ràng, rơi trên một hộp sắt rỗng ngoài cửa sổ. Vũ hích đầu gối vào chàng, nói:
“Anh nghĩ gì thế?” Nhớ bà xã hả?”
“Không”.
“Mai tôi về anh có cần nhắn gì bà xã không?”
Định cười:
“Anh hỏi tôi câu ấy một lần rồi”.
Vũ cười theo:
“Nhưng anh chưa trả lời”.
Định mở ví lấy danh thiếp đưa cho bạn:
“Địa chỉ đây. Anh nói hộ với cô nàng là khi nào có thư tôi, hãy lên thăm. Đừng có đi ẩu trong cái vùng này”.
“Chị ấy liều lắm hay sao?”
“Đủ để tìm đến tôi bất cứ nơi nào, trừ…”
Định muốn nói “trừ trong cái chết” nhưng âm thanh tắt ngẳng, vô lý. Vũ bỏ tấm danh thiếp vào túi, thở dài:
“Anh có lý do để sống hơn tôi nhiều. Tôi chỉ có…”
Có tiếng gọi từ phía đồn, Vũ lắng nghe, mân mê khẩu súng để giữa hai chân, hỏi:
“Anh chưa có băng cong hả?”
“Tôi có hỏi tiếp liệu. Không có một chiếc nào hết”.
“Dĩ nhiên. Băng của tôi là do hai băng thường nhờ ông già lò rèn ấy làm hộ. Nạp được ba mươi hai viên. Hách hơn cả băng cong Mỹ. Anh cầm lấy mà dùng. Mai tôi đi phép, khi về ở tiểu đoàn bộ, ít cần thứ này. Rồi anh sẽ biết quý nó vì đã đụng lớn, không có dịp lắp một băng thứ hai. Vậy có ba mươi hai viên vẫn dễ chịu hơn mười lăm viên.
Vũ đột nhiên vui vẻ, cười:
“Còn một thứ chưa bàn giao cho tân trung đội trưởng. Khi nào chuyển quân qua tỉnh chỉ ở vài ba tiếng, anh đến số 15 Nguyễn Hoàng, gần ngay chợ. Thường trực có gái. Đợi năm phút là cùng. Bọn tôi có dịp ghé qua tỉnh là nhào vô liền. Anh chàng Oai, trung đội trưởng trung đội này trước, có một lần mang quân mở đường về cách tỉnh sáu cây số, hắn trao trung đội cho trung đội phó, rồi xách một binh cận vệ nhảy xe lôi về tỉnh. Nhào vào chỗ đó làm một trận. Cả đi lẫn về mất đúng một giờ, kể cả di chuyển và uống một chai bia. Hắn hạn định thời gian mà…”
“Bây giờ anh chàng ấy đổi đi đâu?”
“Chết rồi. Ở chiến khu D. Hắn cùng hiệu thính viên chạy băng qua khoảng trống đầu tiên, bị trúng đạn giữa lưng khi quay lại vẫy trung đội lên. Tên ấy liều vô kể. Hành quân ba ngày rồi, binh sĩ hết nước, cả tụi thiết vận xa cũng không còn một giọt. Hắn đòi lấy nước trong đầu máy M. 113 ra, tụi thiết vận không chịu, hắn chửi thằng thiếu uý thiết giáp um cả rừng lên. Đến chiều, khát quá đi không nổi, hắn cho quân chiếm luôn mấy cái M. 113 rút nước trong radiateur ra uống, chia cho cả bọn thiết vận nữa. Thế là cánh quân ì ra không tiến được nữa, đầu máy hết nước lấy gì chạy. Sau cùng, bộ tư lệnh hành quân phải cho trực thăng lên thả nước xuống. Tất cả đều hể hả, vừa được nghỉ quân một buổi chiều vừa được uống nước. Hắn không tử trận ngày hôm sau, về thế nào cũng lãnh ba mươi củ”.
“Hắn khoá mấy Thủ Đức?”
“Không khoá nào cả. Hắn đang học khoá sĩ quan hải quân Nha Trang thì bị nàng cho rơi để lấy một ông tá. Hắn chửi um lên rằng: Thiên hạ bị thất tình mới đi hải quân, tao đi hải quân rồi mới thất tình! Thế rồi hắn nhảy dù về Sài Gòn, rình cô nàng đi mua đồ, bắt mang về nhà riêng. Hắn lột truồng ra nhưng không đụng đến, chỉ chụp một bức ảnh rồi cho về. Rồi vì vừa ba gai, vừa xoay xở, hắn sang bộ binh. Tôi với hắn là bạn khá thân nên khi ra trường, tôi xin đến sư đoàn này để gặp nó. Trung đoàn đang hành quân nên tôi nằm đợi thì trực thăng chở hắn về. Hắn lục bức ảnh ấy cùng phim nhờ tôi trao lại cho cô nàng. Hắn chết chiều hôm ấy một mình trong quân y viện vì tôi phải theo ngay trực thăng tới tiểu đoàn đang hành quân thế chỗ cho hắn. Thật kỳ cục! Xoay đến đây để gặp bạn thì không những được gặp mà còn được thay chỗ nữa… Suốt trong cuộc hành quân, tôi mang bức hình ra coi hoài. Hắn chụp ác lắm, bắt cô nàng kia nằm hếch hoác”.
“Anh có đưa trả không?”
“Có. Tôi có tìm đến sau này ngay sau khi được cái phép đầu tiên”.
“Người con gái nói sao?”
“Tôi không biết. Tôi nói là hắn chết rồi và trả bức hình lại. Nàng ta ngồi im trên ghế và tôi đi về liền”.
“Lúc đó cô ta có con chưa?”
“Rồi”.
Đột nhiên Định hối hận đã không chụp hình Linh khoả thân mang theo tới nơi này. Chàng có định một lần nhưng Linh không chịu. Điều chàng mong ước bây giờ là có ngay một hay nhiều bức nàng không mặc gì rõ từ đầu đến gót chân dưới mọi khía cạnh. Chàng muốn có chúng, cần có chúng. Sự nhớ rằng chàng có một người vợ tên Linh, Nguyễn Thuý Linh, không có nghĩa gì cả. Nhà có cái cổng gỗ, có chiếc sân chứa hai cây muỗm cổ thụ, bộ bàn ghế sơn xanh. Không có nghĩa gì cả. Nàng thường ngủ trên chiếc giường sắt nhỏ kê sát tường, cạnh chiếc tủ sách xếp bừa bãi, hay đi đôi dép Nhật quai trắng. Không là gì cả, không là gì hết, toàn những kỷ niệm, những hình ảnh mờ, những dư vị cảm xúc, những nhớ thương khắc khoải… Không, Linh của chàng không phải chỉ còn là thế khi xa nhau. Chàng mở ví, những khuôn mặt nàng lấp loáng dưới lớp nhựa bọc, Linh không phải chỉ có vậy, những khoảng đậm tối hay sáng uốn quanh tạo một cái gì đó của Linh trên những miếng giấy hình chữ nhật, hình vuông. Trong nghĩa trang, những bức hình người chết gắn trên mộ chí, chàng luôn luôn cảm thấy đó là hình người đã chết rồi bởi vì biết rõ ràng rằng dưới lớp gạch, không còn gì hết. Bây giờ những khuôn mặt Linh dưới lớp nhựa này cũng không khác. Nhưng chàng muốn nàng phải là hơn nữa. Muốn thế, những kỷ niệm và hình ảnh lưu giữ trong tâm chàng không thể đủ, cần phải có một bức hình, tối thiểu là vậy, đầy đủ chi tiết từ vẻ tròn của bộ ngực nằng nằng trong lòng bàn tay, thung lũng êm mượt giữa hai đùi xuôi dài tới ngón chân, những thứ đã tiếp xúc với chàng làm cho nàng qua chúng trở thành một người giống cái chàng yêu. Rồi cũng chỉ là một thất vọng, một thất bại bởi vì tiếp xúc là ở ngoài, thân thể Linh ở bên ngoài, vĩnh viễn như thế và trong tâm hồn chàng lúc này, Linh ở nơi nào. Một số dày đặc những hình ảnh lưu lại, những dư vị cảm xúc không thể chắp nối, không thể tích tụ để Linh đầy đủ nguyên vẹn là của chàng. Vẫn một thất bại đến tuyệt vọng, một thứ thất vọng chàng đã tìm thấy ngay khi phủ lên người nàng, chân tay đan lẫn vào nhau. Và tới cả những khi cả hai cùng sung sướng đồng thời, chàng chỉ cảm thấy những khoái cảm của mình, không phải của Linh. Và có lần hai đứa cùng cố mở mắt nhìn nhau, nhưng nỗi cố gắng phải tạo ra để giữ cho thân thể bất động đã làm cho chàng không tìm thấy được nàng trong đôi mắt như mờ đi ngây dại phía dưới. “Nhiều khi em muốn em là anh quá”. Chàng cũng muốn đổi vị trí như thế, nhưng không được đâu, không bao giờ được đâu, mọi sự là như thế rồi, vĩnh viễn là vậy. Chỉ còn những khoảnh khắc sau cơn ân ái, thân thể lẫn trong nhau, một tiếp xúc thân mật và mệt mỏi. Chúng ta chỉ có được thế thôi, một sự tiếp cận.
Chàng quay lại hỏi:
“Anh có chụp hình nu bà xã bao giờ không?”
Vũ lắc đầu, mệt nhọc:
“Không. Để làm gì? Có thứ đó trên người, dễ sốt ruột vô ích”.
Có tiếng gọi từ phía đồn, hai người lắng nghe, Vũ nói:
“Họ gọi anh về ăn cơm kìa”.
Định đứng dậy đeo súng lên vai, hỏi:
“Đánh trận, vấn đề sinh lý ra sao? Đòi hỏi dữ dội lắm phải không?”
Vũ ngồi im trên bực thềm đất, mắt nhìn theo lơ đãng một con chim sẻ nhảy từng nấc gần vại nước:
“Bịa. Đại khái thôi, còn ít bị thôi thúc hơn là ngồi văn phòng nữa”.
“Tôi thấy…”
Vũ ngắt lời, giọng khó chịu:
“Anh hiểu sai vấn đề rồi. Nhưng rồi anh sẽ biết. Hồi ở quân trường khác, ở đây khác. Lính hành quân về nhào lấy gái không hẳn vì nhu cầu sinh lý. Có lẽ vì một cái gì khác hơn. Không biết anh sẽ thế nào, còn tụi tôi hôm trước vừa mỗi đứa một chầu xong, hôm sau hành quân đụng địch một trận ba tiếng đồng hồ, rút về hậu cứ một đêm bổ sung, sau một chầu bia là cả bọn tôi lại nhào tới chỗ có gái trong năm phút ấy rồi…”
Định cúi nhìn mũi giày đang dí một mẩu thuốc vào sâu trong đất, Vũ nói tiếp:
“Bàn giao thế là đủ rồi. Còn chiếc võng, tôi còn dùng đêm nay. Sáng mai trao quân, trao võng luôn. Cho anh mượn một thời gian dài hạn”.
“Anh cứ nói với bà xã tôi may hộ một chiếc nữa. Anh cho giùm chi tiết. Khi nào có dịp lên thăm, mang lên sau. Anh đưa lại tôi danh thiếp, tôi viết thêm mấy chữ cho tiện, anh Vũ”.
Định ngồi xuống, kê ngang báng súng trên đùi, viết. Mu bàn tay không có chỗ tựa, ngọn bút như lạc khỏi yêu mến làm chàng không muốn viết nhiều. Em nói đúng, không có gì ở đây cho anh cả. Và ở Sài Gòn cũng không có gì cho anh hết. Anh đang ở một thứ tiền đồn. Vũ cầm danh thiếp lên, hỏi:
“Đọc được không?”
“Cứ tự nhiên”.
Định đứng dậy, đeo súng lên vai. Ráng vàng còn dấu vết trên tấm danh thiếp hơi rung động trong những ngón tay Vũ. Có tiếng gọi, chàng ngừng lại, Vũ tiến lại gần, tấm danh thiếp còn cầm ở tay, giọng nói nâng cao để át tiếng động cơ một xe vận tải đang chạy lại gần:
“Anh nói giùm với Yên là đêm nay trung đội tôi đi kích. Tôi cho số nhà nào, cứ bắn ngay số nhà đó, khỏi điều chỉnh…”
Chiếc xe vận tải lại gần, tiếng động cơ át giọng nói Vũ. Chiếc xe lao xuống dốc băng qua giữa đồn và chợ, một làn khói xanh bay là là mặt lộ. Định hỏi lại:
“Anh nhắc lại đi. Nửa câu dưới tôi nghe không rõ”.
“Thôi không cần”.
Định đứng yên nhìn bạn chờ đợi. Không vì một lý do nào cả, chàng muốn biết Vũ đã nói những gì khi chiếc xe chạy qua. Nhưng Vũ đã quay người đi vào vườn, báng khẩu súng va vào một kẹp đạn kêu vài tiếng khẽ.

Comments are closed.