Văn học miền Nam 54-75 (658): Xuân Vũ (kỳ 2)

XƯƠNG TRẮNG TRƯỜNG SƠN

clip_image002

1

Càng đi tôi thấy con đường càng khó khăn, hiểm trở và sức khoẻ như cái thùng không đáy, cứ rót và lại chảy tuột ra hết, đôi khi chỉ sau một cơn sốt một con người đang khoẻ bỗng trở thành bại liệt, nằm ngo ngoe như một con lươn giữa đống trấu.

Càng đi, tôi thấy con đường này là một sự vô lý, vô lý đối với từng con người một, đối với Dân tộc ta và ngay đối với cả cái mục đích mà vì đó nó được vạch ra. 
Càng đi càng trông thấy đích ngắm càng xa, hy vọng càng mờ và lý tưởng càng ung thối ra như một vết thương nhiễm trùng bị những lớp băng bao bọc, cuối cùng máu mủ vẫn tuôn ra không bịt lại được nữa. 
Đã hơn một tháng qua, trên con đường này tôi toàn thấy những sự kêu la, oán trách, tự gây thương tích, lủi trốn, cướp bóc, trộm cắp, thậm chí cả sự tự sát hoặc chống lệnh chỉ huy. Gương tốt người tốt ít quá, hoặc không tìm thấy ở đây. 
Tôi chưa hề trông thấy một sự kiện nào chứng tỏ rằng những người có trách nhiệm xua quân vào đây, hiểu rõ hoàn cảnh của binh sĩ một khi binh sĩ đã vào con đường này. Họ không tiên đoán được, hay họ biết mà họ vẫn mặc kệ? 
Ai đời đại liên, trọng pháo, cối 82 mà được dự định tải bằng xe cút kít, một thứ xe dùng để chở phân bón đồng của hợp tác xã? 
Họ bắt con người phải hy sinh quá nhiều. Sự hy sinh trở thành vô bờ bến, không có thời hạn, không có điều kiện. Vì thế sự hy sinh đã trở thành những cực hình, chứ nó không mang tính chất tự nguyện của cách mạng. 
Tôi nhìn đi nghĩ lại, thấy Năm Cà Dom nói đúng, không còn cách nào cấu cào ra củi bằng cách gọt gốc cây sống lấy ra từng lát. Nhưng đây không phải chỉ là một vấn đề lao lực đơn giản mà nó thuộc về ý thức tư tưởng nhiều hơn. 
Tôi tự hỏi: 
– Cái cảnh này sẽ tái diễn bao nhiêu lần? 
Tôi cầm con dao găm mà bổ vào cái gốc cây rừng. 
Chao ôi! Lưỡi dao găm của một hợp tác xã ở phố Hàng Thùng Hà Nội là một con dao trên hình thức, còn thực tế thì nó chỉ là một cái trành bằm. Mép nó dày như da trâu và không đủ thép để mài cho bén. Thành ra tôi bổ lia lịa mà chưa lấy ra được một cái dăm nào bằng lát cam thảo. 
Năm Cà Dom làm cái việc gọt cây như tôi với một sự kiên nhẫn phi thường. Anh ta có kinh nghiệm nên chỉ trong giây lát anh ta lại nhìn sang tôi mà bảo: 
– Nhìn sang tôi đây này.
Còn Thu thì ôi thôi! Tay này cầm con dao găm nom thật thảm khổ. 
Những ngón tay búp măng móng dài và nhọn hoắc, cố nắm chắc cán dao và bổ lưới dao vào gốc cây, và cứ mỗi nhát Thu lại cau mặt. 
Những ngón tay ấy xuất hiện trên sân khấu như những búp hoa ngọc lan búp trong các điệu múa Tân Cương, múa ba-lê của Nga La Tư. Mỗi cử động của ngón tay là cả một nghệ thuật… thế mà giờ đây những ngón tay ấy dùng để bổ củi. 
Vâng, đảng đã dùng con người “như cái vốn quí nhất ” như thế đó! Như thế đó, những “con người vốn quí nhất ” của đảng được đem ra dùng. 
Và chung quanh đây, dọc hai ven suối này, tất cả những người nằm la liệt trên phiến đá, trong hốc đá, trên võng vì bệnh tật, vì thương tật, vì đói, v.v. cũng lại là những cái “vốn quí nhất” được đảng đem ra dùng… 
Năm Cà Dom cứ hét lên từng chập một: 
– Cố lên anh chị ơi? Không có củi thì chết đói! Chết đói. 
Tôi vừa đẽo vừa nhìn quanh quất, thấy nước đã tràn lên đến nền võng. Chỉ còn có một lõm nơi chúng tôi để ba lô. Thật ác quá, trời không ngó lại cho mình. 
Một lũ kiến bò loanh quanh trên quai ba lô, rồi chuyền lên đầu võng bò lên cây. Ô chúng nó sắp bị lụt. Chúng có đường thoát, còn chúng tôi thì cam chịu, đành nhìn nước lên tấn công mình mà không có đường rút lui. 
Chắc trên nguồn lại mưa cho nên nước đổ xuống hung hơn. 
Tôi nói với Năm Cà Dom: 
-Chỗ đâu mà bắt bếp anh? Làm sao mà nhóm lửa? 
– Đừng lo! Đẽo cho ra củi cho tôi đi, rồi sẽ có bếp. 
– Không, anh phải nói đi rồi tôi mới đẽo. 
– Ta treo cà mèn. 
– Còn lửa? 
– Ờ, ờ cũng kẹt dữ he? Nhưng mà không sao… Rồi Năm hì hục bổ vào gốc cây với con dao găm bất hủ. 
Bỗng Thu òa lên khóc… Thu buông con dao xuống đất gục mặt vào hai đầu gối… 
– Gì thế em? Tôi cũng ngừng tay hỏi. 
Thu không nói, vẫn cứ nức nở, làm cho lòng tôi càng thêm rối rắm. Tôi buông dao, đến gần bên Thu, rỉ tai nàng. 
– Cái gì thế em? 
Thu lắc đầu nguẩy nguậy. Chao ôi! Trông nàng khóc mà tôi não lòng. Nàng đẹp ra, thế mới chết! 
Đôi vai nàng run run. Tóc nàng lòa xòa phủ xuống gương mặt tuy mang đầy dấu vết bàn tay quái ác của hung thần sốt rét, nhưng nó vẫn cứ đẹp và đáng nhìn quá! 
Nàng ngước mắt nhìn tôi. Đôi mắt đẫm lệ, như đôi mắt của một con vật sắp sửa bi đem ra tế lễ, van xin tên đao phủ đừng sát hại. Đôi mắt châm chọc tim tôi. 
Tôi nhìn tay nàng. Bàn tay, ôi!… Tôi cầm lấy nó, mềm mại mong manh như làm bằng bột, những ngón tay nho nhỏ như những cái búp non. Tuy đã gầy đi, và đầy vết sẹo nhưng nó vẫn còn vẻ đẹp thanh tú, quí phái. 
Tôi nhìn cái vết phồng to, căng ứ nước trong lòng bàn tay. À, đây rồi nguyên nhân của những dòng nước mắt. Tôi khẽ bóp tay nàng và hỏi: 
– Có đau không? 
Thu lắc đầu. 
-Vậy sao em khóc? 
Thu lặng thinh và nhìn xuống. 
Tôi sực nhớ ra rằng nàng đang trong lúc khó ở. 
Chao ôi! Có kinh mà phải lội suối? Và nàng đã vượt con sông chiều hôm trước, chạy qua cả một vùng đất trắng không có một cái lá cây và còn hăng xè mùi chất độc, nàng đã lội suốt một ngày hôm qua và bây giờ lại sắp lội suối. 
Tôi không biết làm sao thì bác sĩ Năm Cà Dom quay sang. Anh ta đã nói từ hôm qua. Cái anh này chuyện gì cũng biết, việc gì cũng có sự tính trước. Anh ta nói thằng vào vấn đề. 
– Chốc nữa, trước khi đi phải băng lại thật kỹ. Nó mà nhiễm trùng một cái, thì ảnh hưởng tới buồng trứng là mất tương lai… 
Thu nghe nói thế lại òa lên, nước mắt của nàng như đang đựng trong những bọc thật căng bỗng nhiên bị xé toạc ra tràn trề… 
Tôi ngồi ngây ra. Tôi nghe như tương lai của chính tôi cũng bị đe doạ, vì đời sống của tôi hình như một phần đã là của nàng. 
Năm Cà Dom nói: 
– Nếu tôi biết thế, hôm vượt sông tôi đâu có cho đi. Nguy lắm. Dưới suối chưa biết chùng cũng có chất độc? 
Tôi nói: 
– Nhưng nếu không đi thì ai chờ mình. 
– Bây giờ thì phải cố mà đi! Phải đi…! 
Ngại quá! Mỗi người có một cái ngại khi nghĩ đến lúc mình đì trên một con đường như con đường đang trải ra trước mặt tôi đây. Con đường không phải như những con đường khác. 
Tôi thì mới cắt cử, Thu thì đang khó ở, Năm Cà Dom thì không có bệnh gì rõ rệt nhưng sau này tôi mới biết ra là ông bác sĩ này đau bao tử mà ngâm mình dưới nước thì có lẽ cũng không thuốc gì. Còn những anh kia thì đủ một trăm thứ ngại, ngoài nòng pháo nặng như núi còn cái chân gãy báo cô kia. 
Thương nhất là anh anh bị pháo đè gãy chân. Anh ta phải nằm võng để cho người ta khiêng. Người khiêng thì cực chẳng đã khiêng còn người nằm cũng cực chẳng đã phải nằm. Kìa họ đang sửa soạn để lên đường. 
Thú thực rằng tôi không đến đỗi kém thông minh, nhưng tôi không nghĩ ra một cách nào có thể giúp họ đỡ lao lực đi một tí. 
Dưới lòng suối có một người vừa bè bè đi, vừa quơ quơ tay. 
– Đi nghe bà con! Mau lên! Mau lên! 
Tôi nhìn kỹ ra thì nhận ra người đó là anh giao liên. Anh giao liên đang tập họp đám khách ly tán của anh bị trận mưa chiều qua làm tan tác. 
Đã bảo “nhất trạm nhì trời” mà. 
Khách có nhiệm vụ bám anh ta, đeo dính anh ta. Anh ta đi chậm thì đi chậm, đi nhanh thì phải đi nhanh, anh ta khiến gì hay nấy. Anh ta có đủ mọi thứ quyền hành, còn khách thì chỉ có nhiệm vụ là không có quyền hạn gì cả, ngoài cái quyền phải bám chặt anh ta. Khách không có quyền hỏi đây là đâu và sẽ đến đâu và đã qua những đâu. Ở đây không có địa danh, sông không có tên, suối vô danh và những kẻ đi trên con đường này cũng như con suối vô danh kia, đã thay đổi họ, lẩn trốn nhau, từ khi còn ở Hà Nội và vô đến đây thì đi đứng ăn ở đều lén lút như những tên ăn trộm. 
Tại sao phải lẩn lút phải đổi thay tên họ? Phải chăng vì việc làm của mình quá ư quang minh chính đại mà mình phải che đậy như thế? 
Cho nên, xin lỗi độc giả, nếu trong thiên hồi ký này độc giả không hề thấy tác giả nêu lên một địa danh nào thì đó không phải là lỗi của tác giả mà tại nó thế đó. 
Anh giao liên vừa đi giữa lòng suối vừa vẫy gọi khách treo võng hoặc nằm la liệt hai bên vách đá. 
Nhiều người chửi ầm lên: 
– Đi cái lỗ mô giờ mới thò cái mặt mẹt ra đó? 
– Quân bất lương! 
Tôi thấy khổ tâm cho anh Khẩu đội trưởng: một bên là cái nòng pháo, một bên là anh lính gãy giò. Nếu tôi là Khẩu đội trưởng trong lúc này thì tôi xin đổi cái chức vụ của tôi với một thìa muối. 
Tôi bảo Thu: 
– Chuẩn bị đi em! 
Thu đứng chết trân như một cái tượng đá hay chính Thu đã hóa đá? 
Tôi cực lòng quá. Nỗi cho tôi, nỗi vì Thu. Nếu không đi nằm lại đây thì gạo đâu ăn. Cái nhúm gạo chiều qua mắc mưa không có nắng sấy, bây giờ đã thành bột rồi, nhưng tôi cũng cứ giữ nó vì dù sao nó cũng là gạo. Nếu nằm lại đây thì nằm cho đến bao giờ? Chờ cho suối cạn thì đó là điều không bao giờ có. 
Cỏn đi thì làm sao? Thu ngại nước hơn ai hết. Chậm một ngày suối càng dâng lên cao một ngày. 
Sự phát hiện của bác sĩ Năm Cà Dom làm tôi sợ hãi cho Thu. Đàn bà con gái mà nói tới việc không có con là họ sợ nhất. Tôi là cán bộ, còn Thu là văn công trình độ biểu diễn quốc tế. Ấy vậy mà là một đám người đi lẫn trong đám người lô nhô lúc nhúc kia, không ai biết ai. Nói thì nghe hay quá, nào kỹ sư linh hồn gì gì, nhưng thực tế trên con đường này, những điều xảy ra cho tôi đều là [chứng?] minh một định lý ngược lại.

Nguồn: https://vietmessenger.com/books/?title=xuongtrangtruongson

Comments are closed.