Nhật ký Sài Gòn lockdown (kỳ 9)

Đỗ Duy Ngọc

lockdown

SÀI GÒN NGÀY PHONG TỎA THỨ HAI MƯƠI TÁM

Hôm qua tôi có nói đến trường hợp của anh bạn tôi khi cầm giấy cho phép đi chợ phải mất cả một buổi sáng mới vào được siêu thị. Nhưng rồi cũng chẳng có bao nhiêu hàng để mua, các quầy hàng đều trống, nhất là mặt hàng thịt và rau. Điều này trái ngược với các hình ảnh đầy ắp hàng hoá tươi ngon trong các cửa hàng thường xuất hiện trên báo đài hàng ngày. Bây giờ trong dân gian thường có câu: lên ti vi mà mua, lên ti vi mà lãnh. Có những sự thật diễn ra trong mùa

dịch nhưng báo chí không nên đưa lên như cảnh trong các bệnh viện điều trị người bị dịch bệnh, cảnh người chết, cảnh đoàn xe chở những quan tài đi thiêu xác, cảnh những nỗi đau của bệnh nhân. Những hình ảnh sẽ gây hoang mang trong nhân dân, gây dư luận không tốt, không nên đưa lên báo thì cũng đành. Còn những cảnh xếp hàng chờ đợi đến khi đến lượt thì các quầy hàng trống rỗng, báo chí nên có bài viết, bài phóng sự, hình ảnh để các cấp lãnh đạo có biện pháp tốt hơn, có giải pháp hay hơn trong việc cung ứng hàng hoá thiết yếu cho cuộc sống trong thời gian giãn cách kéo dài chưa biết lúc nào mới chấm dứt. Bởi đó là một sự thật mà người dân thành phố đang trải qua. Nhiệm vụ của báo chí là phản ánh những hiện thực xã hội, có những hiện thực không tiện nói vì không có lợi, nhưng cũng có những sự thật phải phô bày để người dân còn tin vào các phương tiện truyền thông. Hiện thực việc thiếu thốn hàng hoá trong các siêu thị, cửa hàng được chỉ định là có thật. Hàng hoá, thực phẩm ở các tỉnh lân cận Sài Gòn dư thừa cũng có thật. Nhưng dân lại thiếu hàng. Những tắc trách và nguyên nhân đưa đến hiện tượng thừa thiếu đấy ai cũng thấy và ai cũng biết, chỉ có báo chí là tránh đề tài này vì nghĩ là nhạy cảm? Việt Nam có 779 cơ quan báo chí trên cả nước. Trong số 779 cơ quan báo chí có 142 tờ báo, 612 tạp chí, 25 cơ quan báo chí điện tử độc lập và có 41.000 người hoạt động trong lĩnh vực nghiệp vụ này. Thế nhưng chưa thấy bài báo nào nói cho chính xác, thể hiện cho đúng những nhu cầu cấp bách của người dân khi thành phố bị giãn cách, cuộc sống bị xáo trộn. Khi thành phố bị đại dịch, có những góc khuất của số phận bị bỏ quên, những khu nhà ở trong hóc hẻm sâu không được phát hiện, nhiệm vụ của người phóng viên là tìm đến, đưa tin để xã hội quan tâm giúp đỡ, nhà nước lưu ý để hỗ trợ. Lâu nay, những số phận hẩm hiu đó đều do dân tìm thấy, đưa lên mạng và đến khi đó báo mới nhảy vào khai thác, viết bài. Hệ thống báo chí thiếu năng động cũng như thiếu nhiệt tình trong trách nhiệm của mình. Ngày nay, nhiều người không còn tin ở báo chí nữa. Hôm trước đăng bài toàn nói đến sự không hiệu quả của vaccine Tàu, đưa minh hoạ từ Indo, Thái Lan, Chi lê…Giờ thì quay ngoắt 180 độ, ca ngợi vaccine Tàu theo định hướng. Bản thân và gia đình tiêm chủng thuốc Mỹ, thuốc Anh nhưng viết bài kêu gọi mọi người chích thuốc Tàu. Chán nhỉ! Tôi không có ý kiến gì về Sinopharm, tôi cũng không kêu gọi tẩy chay hay khuyến khích mọi người chích hay không chích, đó quyền và cơ hội của mỗi người, nhưng tôi khinh những người sống hai mặt như thế.

Hiện nay, theo báo cáo của Sở Lao động, theo chuẩn của thành phố thì còn 3.767 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,19% và 22.882 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 1,15% dân số thành phố. Giai đoạn 2016-2020, chuẩn nghèo của TP Hồ Chí Minh là hộ có thu nhập dưới 21 triệu đồng/năm (chuẩn quốc gia là dưới 10,8 triệu đồng/năm), hộ cận nghèo dưới 28 triệu đồng/năm (chuẩn quốc gia là 12 triệu đồng/năm). Đó là con số thống kê trên những hộ gia đình đã định cư chính thức có hộ khẩu ở thành phố. Bên cạnh đó còn hàng ngàn người từ các nơi đến thành phố kiếm ăn, buôn bán hàng rong, làm công nhân, lao động làm thuê, tìm mọi cách kiếm kế sinh nhai. Họ cũng đều là hộ nghèo. Do đấy con số người nghèo ở thành phố không phải là ít. Người nghèo bình thường đã khó khăn, giật gấu vá vai, kiếm sống từng ngày, tay làm hàm nhai. Dịch bệnh kéo dài đã tước mất nguồn sống của họ, một số đã đành gạt nước mắt về quê, số còn lại sống trong điều kiện rất khó khăn rất cần sự giúp đỡ của cộng đồng và nhà nước. Báo chí cần phản ánh những trường hợp đấy để cả xã hội góp tay vào giúp họ qua cơn túng quẫn. Lực lượng sinh viên các tỉnh đến thành phố học hành cũng không ít, tình cảnh của các sinh viên ấy cũng rất bi đát. Không tiền đóng học phí, không tiền trả tiền nhà trọ, không tiền để ăn uống qua ngày. Nếu không được báo chí hay cộng đồng đề cập đến, họ rất dễ bị bỏ quên. Hàng xóm, người quen, bạn bè có thể giúp đỡ một thời gian ngắn chứ không giúp được mãi. Cánh cửa tương lai đang khép dần lại, những ước mơ, hoài bão đành xếp xó. Đau lắm! Người nghèo thiếu ăn, sức đề kháng yếu, rất dễ vướng bệnh tật và cũng dễ nhiễm virus. Lúc đấy đã nghèo còn gặp cái eo. Hiện nay, ở Sài Gòn rất nhiều nhóm, nhiều hội đoàn thiện nguyện giúp đỡ rất nhiều cho những người nghèo khổ gặp khó khăn. Nhưng tất cả đều là những tổ chức nhỏ lẻ, tự phát, chỉ hoạt động trong một khu vực, một địa bàn nhất định. Chúng ta thiếu những tổ chức từ thiện có tầm vóc hay có sự giúp đỡ của chính phủ để có thể toả rộng đến khắp nơi, đến với tất cả mọi người. Cho nên, trong mùa dịch dai dẳng này, sẽ có những số phận bị bỏ quên, những vùng đất bị bỏ sót. Và từ đó sẽ có những vùng hàng từ thiện ăn không hết, nhưng cũng sẽ có nhiều nơi không nhận được chút gì.

Ở thời điểm hiện tại, người dân mong ước các chợ được mở lại. Có thể không cần nhiều quầy, hàng hoá phong phú như xưa, chỉ cần thuận tiện mua bán, có chút hàng hoá phục vụ cho bữa cơm hàng ngày. Được như thế, đời sống sẽ giảm nhiều ức chế, không khí bớt căng thẳng hơn nhiều. Ngày 5.8, Sở Công thương TPHCM cho biết, trong những ngày đầu tháng 8.2021, Sở đã mở lại nhiều chợ truyền thống như chợ Bình Thới, chợ Thới An, chợ Hiệp Thành và chợ Phước Thạnh.

Riêng trong ngày 4.8, 2 chợ tại quận 10 là Nguyễn Tri Phương (25 tiểu thương) và Hòa Hưng (15 tiểu thương) cũng đã hoạt động trở lại, chủ yếu bán các mặt hàng thịt, cá, rau, củ các loại.

Tính đến thời điểm hiện tại, thành phố có 33/237 chợ hoạt động. Số chợ tạm ngưng hoạt động là 204/237 chợ, bao gồm cả 3 chợ đầu mối.

Một số địa phương hiện đã đóng toàn bộ các chợ trên địa bàn gồm Thành phố Thủ Đức, quận 3, 4, 5, 6, 7, 8, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú, huyện Hóc Môn, Nhà Bè. Một số chợ sau khi đóng để thực hiện các công tác phòng, chống dịch (như khử khuẩn, xét nghiệm, truy vết…) đã khôi phục hoạt động như: chợ Kiến Thành, chợ Tân Đoàn Việt, chợ tạm ấp 4 Vĩnh Lộc A, chợ Hưng Long, chợ Thạnh Xuân, chợ Thái Bình, chợ Đa Kao, chợ Tân Thông Hội. Hi vọng những ngày tới, sẽ có thêm nhiều chợ được tiếp tục mở, hàng hoá sẽ được thông thương và phong phú hơn cho người dân đỡ mệt mỏi khi thực hiện bữa ăn hàng ngày.

Trong lúc cả nước từ lãnh đạo cho đến nhân dân đang lo âu vì dịch bệnh, lại có những quan chức và một số người tỉnh bơ vi phạm chỉ thị 15 của chính phủ, ung dung vác gậy chơi golf và dính virus Vũ Hán. Theo thông tin từ cơ quan chức năng của TP Quy Nhơn, 4 trường hợp gồm: ông Nguyễn Văn Dũng – Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bình Định, ông Nguyễn Công Thành – công tác tại Cục thuế tỉnh Bình Định và 2 người khác (làm việc tại 2 doanh nghiệp ở TP Quy Nhơn).

Bốn trường hợp kể trên tường trình từ ngày 31.7 đến 1.8, họ chơi tại một sân golf ở TP Quy Nhơn.

Tại đây, 4 người này có tiếp xúc gần với nhân viên sân golf và chị này có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 vào ngày 3.8. Dù trước đó, UBND tỉnh Bình Định đã yêu cầu tạm dừng hoạt động quán ăn uống vỉa hè, hoạt động văn hóa thể thao, giải trí tại các điểm công cộng kể từ 0h ngày 1.6. Từ ngày 1.8, tỉnh này cũng thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn toàn tỉnh theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ để phòng chống dịch COVID-19. Quan chức kiểu này thì nên cho về vườn là vừa, cách chức tạm thời không phải là hình thức kỷ luật thích đáng. Loại quan chức vô cảm, vi phạm quy định của nhà nước thì phải xử thật nặng để làm gương và để dân còn chút lòng tin. Không thể có kiểu dân đen thì bắt tội mà quan chức thì ung dung. Xui là mấy ông này bị dương tính thì mọi người mới biết mấy quan vác gậy đi chơi, chứ không thì chẳng ai hay. Và trên cả nước, trong những ngày thê lương và dịch bệnh thế này, còn có biết bao quan chức ung dung, thảnh thơi đi chơi như mấy ông này.

Hành vi này vừa xem thường kỷ cương phép nước, vừa vô nhân vì dịch bệnh đang nhiễm hàng trăm ngàn người, cũng đã có hàng ngàn người chết. Đội ngũ bác sĩ, y tá, điều dưỡng, tình nguyện viên căng mình đến kiệt sức, các ông lại vui chơi, hưởng thụ. Quan thời phong kiến mà lương tâm kiểu đó cũng bị người đời nguyền rủa huống chi là ông quan cách mạng. À mà quan cách mạng bây giờ sang nhỉ, toàn xe hơi, biệt phủ với chơi golf. Lại nhớ đến truyện ngắn “Sống chết mặc bay” của nhà văn Phạm Duy Tốn, bố của nhạc sĩ Phạm Duy. Truyện lên án gay gắt tên quan phủ là quan phụ mẫu cùng với đám nha lại đương vui cuộc tổ tôm ở trong đình mặc cho đê sắp vỡ và đám dân đen đang sầu thảm, lo âu do thiên tai đang ập đến cuốn nhà cửa, sinh mạng xuống sông. Đó là lối sống vô trách nhiệm đến mức tàn nhẫn của những người làm lãnh đạo. Thì ra luật chỉ dành cho dân đen đi mua bánh mì ăn cũng bị phạt, còn quan mang túi đi chơi thì chẳng sao, quan chức có luật dành riêng chăng?

Người ra đường tập thể dục, đi đường vì những nhu cầu thiết yếu đều bị phạt tiền và bị gọi là vô ý thức. Những người này còn bị Đài Truyền hình Quốc gia gọi là não loại bò sát, não thú. Một kiểu chửi vô văn hoá của Đài truyền hình trong chương trình Chuyển động 24h của VTV.

“Có một điểm chung của tất cả các vận động viên tại giả tranh tài “Vài môn phối hợp” của Hà Nội này đó là, họ không sợ Covid-19 thì phải. Tuy nhiên, nếu mà nghĩ rằng họ không sợ thì chưa được xác đáng cho lắm. Để mà hiểu rõ hơn thì có lẽ chúng ta phải nhìn vào bộ não con người. Về cơ bản thì não con người có thể chia thành ba phần như sau: phần thứ nhất là não bò sát, phần thứ hai là não thú và phần thứ ba là não người. Nỗi sợ của ba khu vực này cũng có những khác biệt riêng. Ở phẫn não bò sát thì nỗi sợ sẽ biến thành bản năng ngay lập tức và vô điều kiện, ví dụ như là nhìn thấy lực lượng chức năng thì chạy ngay chẳng hạn; ở phần não thú thì nỗi sợ sẽ chi phối hành vi của con người ở dạng cảm xúc, ví dụ như là “ở nhà chán quá hay là ra ngoài một tí xem nó như thế nào”; và cuối cùng ở phần não người, nỗi sợ sẽ đi kèm với tuy duy trừu tượng, với ý thức với trách nhiệm với những mối nguy có thể có trong tương lại. Vâng, tóm lại thì mỗi người lại đang dùng một phần não khác nhau để đối diện với covid-19 thế nên là mới có người ở nhà và có người ra ngoài không có lý do chính đáng”.

(VTV, Chuyển động 24h, 11h:15,ngày 31/7/2021)

Ai cho phép Đài VTV dùng những từ ngữ như thế? Và nhân danh cái gì mà Đài truyền hình có quyền mạt sát người vi phạm như thế. Một lối lạm quyền, một kiểu phát ngôn vô văn hoá từ một cơ quan văn hoá của nhà nước. VTV phải có lời xin lỗi công khai trên hệ thống truyền thông dù không nói đến một cá nhân cụ thể nào nhưng kiểu nói năng như thế không bao giờ và tuyệt đối không được sử dụng trên hệ thống của một Đài Truyền hình Quốc gia.

Con số người nhiễm bệnh mấy hôm nay ở Sài Gòn đang là hàng ngang và đang có chiều hướng đi xuống. Tuy nhiên con số tử vong vẫn còn cao. Đó vẫn là nỗi lo. Số người nhiễm giảm chưa hẳn là cơn dịch đang dứt. Chính con số người chết mỗi ngày sẽ nói lên thực trạng. Và nỗi đau còn đó.

Hãy đọc một đoạn ghi lại của một Soeur tình nguyện viên trong một bệnh viện dã chiến:

“Vừa nằm xuống thì cảnh tượng các bệnh nhân thở thoi thóp với bao nhiêu dây nhợ xung quanh lại hiện ra trước mắt. Hơi thở là gì mà khiến cho biết bao người phải khổ sở vì nó? Tiền bạc, địa vị, danh vọng… phải chăng có thể mua được sự sống?

Suy nghĩ đến đây, tôi cảm thấy mình thật hạnh phúc vì được dùng “máy thở tự nhiên” mà Chúa ban tặng; hạnh phúc vì được chứng kiến những hình ảnh cảm động của các bác sĩ thức suốt đêm lo cho bệnh nhân; hạnh phúc vì mình được góp một phần nhỏ bé vào việc phục vụ các bệnh nhân covid. Nơi đây thật sự là gia đình, không phải vì có ba có mẹ, có người thân yêu, nhưng vì nó chứa đựng tình yêu thương nhân loại đong đầy. Đó là nơi các bác sĩ tận tâm vì bệnh nhân, nơi các nhà hảo tâm đổ tràn tình thương bằng cách lo những bữa cơm cho các tình nguyn viên. Đây cũng là nơi các bác tài vui vẻ đưa đón tình nguyện viên đi làm, nơi các bác bảo vệ ngày đêm chờ các đoàn xe đi về, nơi không còn sự phân biệt tôn giáo nhưng tất cả vì bệnh nhân thân yêu, nơi biết bao lời cầu nguyện và lời thăm hỏi từ hậu phương gởi đến để khích lệ tinh thần chúng tôi. Tôi đã lặng người và cảm thấy xót xa khi nhìn thấy túi đồ của bệnh nhân vì bên trong chỉ vỏn vẹn mấy hộp sữa và mấy cái mền có lẽ do quá vội nên chưa kịp xếp gọn gàng. Tôi đã bàng hoàng khi vừa bước vào ca trực thì một bệnh nhân đã ra đi…

Làm sao có thể ngủ khi xung quanh các bệnh nhân còn sống cũng như đã ra đi không có sự chăm sóc hay tiếng khóc than của người thân mà chỉ có tiếng máy “pin…pin..pin”. Tài sản duy nhất của họ chỉ có một chiếc điện thoại bỏ trong túi nilon, không người thân, không địa chỉ. Có những bệnh nhân ra đi mà tìm một lúc mới thấy địa chỉ và số điện thoại, nhưng bác sĩ chỉ kịp báo cho người nhà một câu ngắn gọn: “Bệnh nhân T.. đã ra đi rồi nha”. Khi các bệnh nhân ra đi, họ chỉ được đặt vào một cái túi đựng thi hài rồi chuyển ra xe. Tôi tưởng tượng cảnh người nhà đau khổ thế nào khi đưa bệnh nhân đi là thân hình nguyên vẹn nhưng khi nhận về chỉ là hũ tro. Nghĩ tới đó tôi không dám tưởng tượng tiếp, nước mắt tôi chảy dài trên má mà tôi cứ ngỡ đó là mồ hôi.

Trở về với công việc của mình, tôi nhớ: Mỗi khi tiễn đưa bệnh nhân xong thì ai vào việc nấy. Tôi lau người cho từng bệnh nhân. Khi lau người cho họ, tôi cảm nhận được nhịp thở của họ thật yếu, có người hoàn toàn bất động. Những người này khi còn khỏe đều tự làm mọi thứ, tự tắm rửa, tự ăn uống. Bây giờ, họ phải phó thác số phận cho các bác sĩ và điều dưỡng ở đây chăm sóc. Trong phòng tôi làm có hai người còn tỉnh táo. Một bác nhắn: Nếu nhắn về được cho gia đình, xin báo cho gia đình bác biết là bác vẫn bình an. Tôi thấy thương bác quá! Bản thân bị bệnh nặng mà còn nghĩ cho người khác. Còn một bác khác là cựu chiến binh, bác nói: “Là cựu chiến binh, bao nhiêu khổ cực bác cũng chịu được nhưng nay lại không thể chịu nổi một con virus bé tí. Nó hành hạ bác đau lắm, nóng lắm, trong phổi và cổ họng như lửa đốt”. Hèn chi tôi thấy bác cứ gồng lên từng cơn mỗi khi nhiệt độ tăng. Tôi đã tưởng mình làm bác đau nên hỏi: “Con làm bác đau hả?” Bác trả lời: “Không đau…con làm nhẹ nhàng mà…cảm ơn con nhiều lắm”.

Tôi cũng nhìn thấy hình ảnh của các anh chị em thiện nguyện khác đang lau người bệnh nhân. Hình ảnh ấy thật đẹp, giống như các chị em của Mẹ Thánh Têrêsa Calcutta đang chăm sóc bệnh nhân vậy. Tôi tự hỏi, nếu những người đang nằm đây là người thân hay bản thân mình thì sẽ ra sao nhỉ??? Kì lạ, thay vì cảm giác lo lắng tôi lại cảm thấy thật bình an. Bình an vì tin rằng có Chúa luôn đồng hành. Bình an bởi nơi đây có những người chị em mới, tuy không cùng dòng tu, không cùng tôn giáo nhưng chung một chí hướng. Bình an vì tôi tin ở nhà – “hậu phương vững chắc” – vẫn không ngừng cầu nguyện cho tôi.

Thủ Đức, ngày 25.7 Teresa Nguyễn Thị Vui,

Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Linh Mục

Những dòng chữ của Soeur Teresa Nguyễn Thị Vui sẽ khép lại bài viết hôm nay với lòng tin đại dịch sẽ sớm qua đi và sẽ không còn người phải đau đớn vì không còn thở được, những người trong cơn đau chỉ khát khao một hơi thở. Một hơi thở của chính mình.

Thứ năm.5.8.2021 Sài Gòn ngày lockdown thứ hai mươi tám

SÀI GÒN NGÀY PHONG TỎA THỨ HAI MƯƠI CHÍN.

TIN VUI VÀ NỖI BUỒN MÙA ĐẠI DỊCH

Một cô em của tôi định cư ở Mỹ đã lâu, hôm nay có gởi cho tôi một đường link của một người tên Phong Tran tức Tran Nhật Phong, bảo tôi vào nghe xem có đúng vậy không? Tôi nghe và buồn cười cho cái tin của anh này. Anh ta bảo rằng vợ anh phải gởi về Việt Nam cho cô em số tiền tương đương 3 triệu đồng Việt Nam để cô này có thể chủng ngừa vì ở Việt Nam, muốn tiêm thuốc Pfizer, Moderna hay Astra Zeneca là phải trả 3 triệu đồng. Hơn nữa phải đặt cọc trước mới được gọi khi có thuốc đến tiêm. Thật là một sự bịa đặt trơ tráo. Tôi là người đang ở Sài Gòn, tôi, các con tôi, bạn bè tôi, hàng xóm của tôi đều được chích ngừa mà không tốn một xu nào cả. Hoàn toàn miễn phí và được phục vụ rất chu đáo. Người trên 65 tuổi như tôi thì được chích Moderna, trẻ dưới 65 thì chích Astra Zeneca. Còn Pfizer thì hầu như rất ít người được chích. Ngoài những diện ưu tiên, có nhiều cách để lên danh sách tiêm chủng. Nếu làm việc ở cơ quan, công ty thì đăng ký ở công ty, cơ quan. Người lớn tuổi hay người không làm cơ quan, công ty thì đăng ký ở tổ dân phố và lần lượt gọi đi chích theo thứ tự ngay tại địa phương. Ưu tiên cho người có tuổi trước và gọi theo danh sách đã đăng ký. Và theo chủ trương của thành phố, tất cả mọi người trên 18 tuổi đều lần lượt được tiêm. Kế hoạch tiêm theo thứ tự ưu tiên về độ tuổi (nhóm trên 50 tuổi, nhóm trên 35 tuổi, nhóm trên 18 tuổi). Nhiều người nước ngoài sinh sống tại Sài Gòn cũng được tiêm chủng miễn phí. Chiều 5-8, quận 7 tổ chức thí điểm 4 điểm tiêm vaccine cho 18.000 người nước ngoài sinh sống, làm việc trên địa bàn.

Đó là một cố gắng lớn của thành phố để có thể ngăn chặn được dịch và mong đạt chỉ tiêu 70% dân số Sài Gòn được tiêm chủng.

Tốc độ tiêm chủng những ngày gần đây rất cao sau một thời gian rề rà và hơi chậm vì nhiều thiếu nhân lực và lúng túng trong công tác tổ chức. Hôm nay lại có công văn yêu cầu phải chích nhanh hơn nữa trước ngày 8.8 để thanh toán cho hết số vaccine đã được trung ương phân phối. Cho đến hôm nay, tổng số liều vắc xin đã được tiêm trong nước là 8.061.116 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 7.241.093 liều, tiêm mũi 2 là 820.023 liều. Đấy là nội dung tôi trả lời cho cô em của tôi đang thắc mắc. Tôi chỉ nói điều trung thực và cũng muốn nhắn với anh Phong Tran đấy rằng, muốn tuyên truyền cho người ta tin thì yếu tố trung thực đặt lên hàng đầu. Ở Mỹ, những người Việt Nam đang định cư bên ấy hầu như ai cũng có bà con, anh em, bạn bè đang còn ở Việt Nam. Họ sẽ biết rõ thông qua thân nhân đang ở Sài Gòn và lúc đấy sẽ thấy anh đang nói dối trắng trợn. Một lần bất tín, vạn lần bất tin, anh bịa chuyện không bằng cớ, sau này còn ai tin anh nữa.

Tôi là người sòng phẳng, công bằng, chuyện nào ra chuyện nấy. Ai làm tốt thì khen, ai làm bậy, có hại cho dân, cho nước thì tôi lên án, bất kể người đó là ai và thuộc khuynh hướng chính trị thế nào. Dù có thích hay không ưa chế độ này, ta cũng không nên phủ nhận những hi sinh của đội ngũ y tế và tình nguyện viên đã gần như kiệt sức trong chuỗi ngày dài gồng mình làm công tác điều trị cho bệnh nhân, xét nghiệm và chủng ngừa cho hàng triệu người ở khắp cả nước cũng như ở Sài Gòn trong cơn đại dịch. Cũng không nên dựng chuyện để tuyên truyền chống đối lố bịch khi thành phố đang đau buồn và hàng triệu người đang chịu đựng cơn đại dịch, cả nước đang âu lo.

Khi đại dịch bắt đầu tấn công mạnh vào Sài Gòn từ những ngày cuối tháng tư. Chính quyền đã lúng túng trong chỉ đạo và điều hành. Những biện pháp được đưa ra kể cả những nghị quyết và khẩu hiệu. Tuy nhiên con số nhiễm bệnh và tử vong càng lúc càng cao. Những sai lầm như tập trung xét nghiệm toàn dân, mở những khu cách ly để tập trung những người F1, dồn hết người bệnh vào bệnh viện, cách ly khu vực, phong toả rộng những nơi có mầm dịch khiến cho cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn và nhiều ổ dịch bùng phát như sân Phú Thọ, chợ Bình Điền. Chính quyền đã nhận thấy những bất cập trong chỉ đạo nên Bí thư thành phố Nguyễn Văn Nên đã phát biểu xin người dân lượng thứ. Sau đấy đã có những chủ trương quyết liệt hơn với sự trợ giúp của nhiều nhà chuyên môn khắp cả nước, thành phố đã có vẻ làm chủ được tình hình dù con số tử vong còn tăng cao. Bây giờ, bằng chủ trương chích vaccine càng sớm càng tốt, càng nhiều càng tốt, mọi người đều được tiêm chủng, hi vọng thành phố sẽ sớm ổn định tuy cũng còn cần nhiều thời gian nữa.

Chích được vaccine, dù có thể chưa biết hiệu lực thế nào nhưng đã giải toả được phần nào tâm lý sợ hãi. Chích vaccine virus Vũ Hán cũng đồng thời tiêm vào đầu người chích virus ngăn ngừa hoảng sợ. Tuy nhiên, không vì đã được chích mà chủ quan không quan tâm các biện pháp ngăn ngừa.

Những con số người nhiễm gần đây ở Mỹ và Châu Âu giúp ta nên luôn luôn cảnh giác.

Trong những tuần đầu của dịch bệnh, cứ bệnh viện nào phát hiện dương tính là đóng cửa, giăng dây bệnh viện đó. Cho nên rất nhiều bệnh viện chọn biện pháp đóng cửa, không tiếp nhận bệnh nhân hoặc phải xét nghiệm trước khi chẩn bệnh và điều trị gây rất nhiều khó khăn cho người bệnh. Nhiều bệnh nhân mang bệnh nặng nhưng cấp cứu không nhận hoặc trì hoãn khiến người bệnh phải tử vong một cách oan ức. Một người em trong nghề của tôi bị phát hiện bệnh, ngất xỉu nhưng gọi y tế không có xe chở. Khi liên lạc được, bên kia đầu dây bảo nếu có bệnh viện nào nhận mới điều xe chở đi. Nhờ quen biết nên được bệnh viện Nguyễn Trãi nhận vào cấp cứu. Ở đó sau xét nghiệm phát hiện dương tính và rồi nhờ một số anh em nghệ sĩ quen biết giúp gởi anh vào khoa chăm sóc đặc biệt Bệnh viện Chợ Rẫy. Các bác sĩ khám cho anh phát hiện phổi đã bắt đầu xơ cứng, nếu không chữa kịp sẽ mất mạng. Qua chuyện đó cho thấy nếu không được nhận vào bệnh viện giờ này anh chỉ còn là một đám tro cốt. Trước tình trạng này, hôm qua 5.8, Sở Y tế đã có một công văn gởi đến các bệnh viện, các trung tâm y tế và các cơ sở cách ly tập trung với nội dung phải sẵn sàng tiếp nhận người bệnh đến khám và cấp cứu 24/7. Đảm bảo trực 24/7, luôn mở cổng bệnh viện và tiếp nhận người bệnh và cấp cứu đặc biệt vào ban đêm. Tuyệt đối không vì thủ tục hành chính mà làm chậm trễ việc cấp cứu người bệnh…Công văn tuy trễ nhưng còn hơn không, đồng thời cũng tiếc thương cho những người trong thời gian vừa qua đã chết vì những kiểu làm tắc trách của một số bệnh viện. Nhìn tấm hình chụp cái bảng đề HẾT GIỜ CẤP CỨU mà đau lòng và nổi giận. Khi công văn này xuất hiện, có người đã viết rằng nếu công văn này ra đời sớm vài hôm, cô em của anh chắc là không phải chết. Oan khiên quá! Hôm nay cũng có nhiều tin vui, Tập đoàn Vingroup đã đưa lô thuốc điều trị Covid-19 đầu tiên về Việt Nam. Dưới sự hướng dẫn của Bộ Y tế, Tập đoàn Vingroup đã đàm phán thành công đơn hàng đặc biệt – 500.000 lọ Remdesivir, thuốc điều trị COVID-19, do Công ty dược phẩm Cipla, Ấn Độ sản xuất, dưới sự cho phép Gilead Sciences, Hoa Kỳ.

Hôm qua, lô thuốc Remdesivir đầu tiên đã cập cảng hàng không Tân Sơn Nhất. Do tình hình vận chuyển khó khăn, các lô hàng phải chia thành từng đợt nhỏ, nên thuốc sẽ về liên tục nhiều đợt.

Dự kiến, đến tuần sau, sẽ có khoảng 100.000 lọ tiếp theo về tới Việt Nam để kịp chuyển cho Bộ Y tế phục vụ khẩn cấp việc điều trị cho bệnh nhân nặng.

Sáng 6/8, gần 600.000 liều vaccine Covid-19 của AstraZeneca được đưa về sân bay Tân Sơn Nhứt. Đây là lần giao vaccine thứ 7 thuộc hợp đồng đặt mua trước giữa Công ty cổ phần Vacxin Việt Nam (VNVC) và AstraZeneca dưới sự hỗ trợ của Bộ Y tế.

Như vậy, trong 5 tuần, gần 4 triệu vaccine AstraZeneca trong hợp đồng đặt mua 30 triệu liều của VNVC đã về đến Việt Nam, nâng tổng số vaccine đã nhận theo hợp đồng này lên gần 4,4 triệu liều (tương đương khoảng 37% tổng lượng vaccine AstraZeneca trong nước).

Thêm một tin vui nữa là mới đây, 2 báo cáo khoa học của Tiến sĩ, Bác sĩ Đỗ Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm cấp cứu A9, BV Bạch Mai và ThS, Bác sĩ Thân Sơn Tùng, Trưởng khoa Hồi sức Tích cực và Chống độc Bệnh viện Đa khoa Bắc Giang, về kỹ thuật lọc máu hấp phụ (HP) trên bệnh nhân virus Vũ Hán đã cho kết quả khả quan. Theo đó, với những kết quả rút ra từ kinh nghiệm điều trị thực tế, phương pháp lọc máu hấp phụ đang được kỳ vọng là bước ngoặt lớn trong việc điều trị bệnh nhân nhiễm dịch nặng.

Theo Bộ trưởng Bô Y tế, trong quý IV/2021, có khoảng 50 triệu liều vaccine Pfizer về Việt Nam, cần tăng tốc độ tiêm chủng. Đấy cũng là một tin vui.

Đang lạc quan đôi chút vì những tin vui thì nhận được một bài viết được gởi từ một người bạn. Bài viết của một anh đi giao gaz trên đường và gặp một cảnh buồn, buồn đến đau nát cả lòng, một cảnh tượng nói lên nỗi đau thương, mất mát của người Sài Gòn trong mùa dịch. Đăng lại ở đây để kết thúc bài viết hôm nay vì đọc xong bài viết của anh ta, tôi không viết thêm được gì nữa.

“Gần hai chục năm kiếm ăn ở đất Sài Gòn, chưa bao giờ mình chứng kiến không khí ảm đạm, thê lương như lúc này. Khắp mọi nơi nhà nhà đóng cửa, hàng quán đóng cửa. Cả một quãng đường đi làm thường ngày mình phải mất 1h15’ lái xe, nay chỉ cần thong thả 40 phút là đến nơi.

Ơn trời, cái nghề gas tưởng như xa xôi, không duyên nợ nay lại là một trong những ngành nghề thiết yếu còn được phép ra đường.

Trưa nay đúng là rảnh thực sự. Sau khi điều phối cho các em giao hàng buổi chiều, mình lên xe về nhà. Ngang qua ngã tư Âu Cơ-Lạc Long Quân tự nhiên thấy một bạn “shipper” trong đồng phục trắng tinh. Phía sau là một cần xé nhựa chất 3 lớp hũ đựng tro cốt. Vội thoáng nghĩ, cha nội này giờ làm ăn phát tài nhỉ! Nhưng nhìn kỹ lại thì thấy trên mỗi hũ sành lại có dán một nhãn tem ghi họ tên. Thế là tò mò, chạy theo. Em ấy bỗng chạy chậm lại, móc điện thoại gọi cho ai đó. Thì ra em ấy đang chở 27 hũ tro cốt đi giao cho các gia đình không may có người chết trong dịch bệnh Covid này.

Mình vẫn lẽo đẽo theo sau. Đến hẻm 42 Âu Cơ,hẻm cũng bị giăng dây. Mình đứng bên này đường quan sát. Trước hẻm chỉ có một vị cựu chiến binh mang hàm thượng tá trông coi. Thấy em “shipper” sau một hồi cố phân trần nhưng vị cựu chiến binh kia vẫn khoát tay lia lịa. Thì ra vị cựu chiến binh cũng có lý khi hai hũ cốt không có người đủ trách nhiệm nhận bởi cả gia đình trong hẻm kia đều rất hoàn cảnh. Bất chợt từ bên trong có thằng bé tầm 10-12 tuổi đi cùng một bà già tiến ra đầu hẻm. Bà già vội vắn tắt giới thiệu mà nghe rùng mình: “Giờ nhà còn một mình nó ở đây thôi đó, đi cách ly hết rồi. Hôm trước hai hũ của ông bà nội nó mang về đã thờ tự được gì đâu, vẫn để tạm trong nhà. Nay tui dẫn nó ra nhận thêm hai hũ này nữa, cha mẹ nó đó, chắc mang vô tạm rồi sau dịch tính tiếp.”. Vậy là bà hàng xóm bất đắc dĩ phải thò bút ký nhận cho thằng bé. Mặt nó trông vô hồn khi hai tay xách hai hũ cốt như cách người ta bỏ trái dừa trong bao ni lông lẽo đẽo theo bà già quay trở vô.

Trời chợt đổ cơn giông, mình vội vàng giúp em “shipper” lấy tấm áo mưa che tạm cho mười mấy hũ cốt chưa giao kịp. Liếc vội vào những cái tem dán sẵn, đa số có địa chỉ Tân Phú, Tân Bình. Núp dưới hiên nhà hút thuốc chờ mưa tạnh, em “shipper” chợt hỏi: Anh làm nghề gì mà rảnh dữ vậy?

Mình không trả lời, chỉ thầm nghĩ, ờ anh đang rất rảnh, rảnh lắm, rảnh mới cảm nhận được một Sài Gòn đang rất buồn thương hơn lúc nào hết đây em ạ.”

Đoạn văn kể trên của anh Nguyễn Văn Lân, một người đi giao gaz, đăng trên facebook của nhà báo Hà Thạch Hãn.

6.8.2021

(Còn tiếp)

Comments are closed.