Mấy suy nghĩ nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh nhà văn – giáo sư Trương Tửu (1913-2023)

Đào Tiến Thi

 

Sáng 17/11/2023, tại Trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức kỷ niệm 110 năm ngày sinh của Nhà văn – Giáo sư Trương Tửu. Theo quan sát của tôi, buổi lễ được tổ chức giản dị mà trang nghiêm, ấm cúng tình cảm mà lại rất nghiêm túc về học thuật.

Tôi nói như thế là vì ở đó không có các quan chức phát biểu lấy lệ như thường thấy, không có các diễn văn với quá nhiều những kính thưa, kính gửi, cảm ơn,… Cũng không có các tham luận dài lê thê với những lớp lang hình thức chặt chẽ, kinh điển. Sau động tác đề dẫn khá hóm hỉnh, thâm thuý của nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, các phát biểu mang tính chia sẻ, cảm nhận, tưởng nhớ khá ngắn gọn mà sâu sắc. Đó là các phát biểu của các nhà giáo, nhà nghiên cứu, đã từng được học trực tiếp hoặc gián tiếp GS. Trương Tửu: Nguyễn Đình Chú, Trần Đình Sử, Trần Ngọc Vương, Lã Nhâm Thìn, Phạm Xuân Nguyên, Nguyễn Hữu Sơn. Mỗi ý kiến nhấn mạnh mỗi phương diện khác nhau nhưng tất cả đều khẳng định Trương Tửu là một nhà nghiên cứu – nhà văn tài năng độc đáo và đầy nhiệt tình công dân, luôn phấn đấu cho lý tưởng xã hội và học thuật, một người yêu nước nồng nàn, một người vừa có tài năng bẩm sinh vừa hết sức tu luyện để thành tài, trong đó có cả tài hùng biện, một kiểu người hiếm hoi ở các nước lạc hậu,…

Một điều đáng chú ý: Các phát biểu tuy không có mục đích đụng đến vụ án oan Nhân văn – Giai phẩm mà Trương Tửu thuộc vào mấy nạn nhân hàng đầu nhưng khi phân tích tài năng và nhân cách Trương Tửu thì không thể nào không đề cập ít nhiều. Vì ở đây có một mối liên hệ giữa tài năng, tính cách, bối cảnh và tai hoạ: với tài năng ấy, tính cách ấy, bối cảnh ấy, Trương Tửu khó mà thoát khỏi tai hoạ. Hiện tượng “Chữ tài liền với chữ tai một vần” của giới văn nghệ và khoa học xã hội không chỉ có ở Việt Nam nhưng có lẽ Việt Nam thuộc trong mấy nước tốp đầu về hiện tượng này, nhất là giai đoạn những năm năm mươi, sáu mươi thế kỷ trước. Đọc các trang sách báo cũ, ta không khỏi rùng mình ớn lạnh về cảnh nồi da nấu thịt ngay trong giới văn nghệ sỹ vốn là bạn bè, đồng chí của nhau thời ấy. Ngoài Tố Hữu là “chỉ huy trưởng” để đánh cả “bọn Nhân văn – Giai phẩm” thì có thể kể ra:

– Mạnh Phú Tư, Như Phong đánh Nguyễn Hữu Đang

– Như Phong đánh Thuỵ An, Trương Tửu, Trần Đức Thảo, Hoàng Cầm, Phan Vũ

– Bùi Huy Phồn, Hoài Thanh đánh Trương Tửu

– Phạm Huy Thông đánh Trần Đức Thảo

– Phùng Bảo Thạch, Thế Lữ, Tế Hanh đánh Phan Khôi

– Vũ Đức Phúc đánh Trần Duy, Trương Tửu

– Hồng Chương đánh Nguyễn Hữu Đang, Trương Tửu, Trần Dần, Lê Đạt, Hữu Loan

– Nguyễn Lân đánh Trương Tửu và Trần Đức Thảo,…

– Chính Hữu đánh Lê Đạt

– Vũ Cao đánh Hoàng Cầm

– Xuân Diệu đánh Văn Cao,…

Nói “đánh” là nói giảm, chứ chính xác là lăng nhục, thoá mạ, vu cáo.

Vậy nên kỷ niệm ngày sinh, ngày mất của các bậc tiền bối, không chỉ là dịp chiêu tuyết cho các cụ mà vấn đề là từ đây làm sao có bài học để không lặp lại các bi kịch đó. Thực tế là cho đến bây giờ vẫn không có gì đảm bảo cho giới văn nghệ sỹ cũng như trí thức Việt Nam nói chung cất lên tiếng nói chính trực mà không sợ ăn đòn. Sở dĩ lâu nay không có những vụ oan trái động trời như vụ Nhân văn – Giai phẩm chẳng qua là vì, trên diễn đàn chính thống, không còn ai dám nói những tiếng nói mạnh mẽ như thế nữa.

image

Một trang nói về Trương Tửu trong sách "Bọn Nhân văn – Giai phẩm trước toà án dư luận" (NXB Sự thật, Hà Nội, 1959)

Comments are closed.