Lê Minh Hà
Ngõ như bàn tay chỉ ngang chỉ dọc nét rõ nét mờ. Bà cháu về làng, sống ở ngôi nhà giữa ngõ như thế. Ưỡn ngực chạy ù một cái qua vườn củ bột và nhà cụ lang Mạch là tới bờ đê, bước mấy bậc thang dốc bến xây gạch nghiêng từ thuở cụ nảo cụ nào lấy nhau nộp cheo nộp cưới là xuống sông. Cũng ưỡn ngực chạy ù qua vườn nhà là tới nhà cổng nhà ông Lúa, chơi ngược xây nhà ngoảnh hướng đông, rồi dấn thêm mấy bước là hết ngõ, là gặp nhà ông Ánh lính bảo an, chẳng biết lập được thành tích gì thời Pháp chiếm làng, sang thời ta, suốt mấy cuộc chiến tranh đánh phá chỉ thấy đội cái mũ lá xách bọc quần áo cần cù đi tù.
Cách mặt ngõ đứng quay lưng vào nhà của mấy bà cháu là nhà ông Đức Đạo, liền vách nhà ông Huân. Ông Huân tính khoảnh, liếc một cái là vợ con nem nép, có cái gối mây lên nước bóng ngời. Bíu cửa sổ nhà ông nhìn vào, lúc thấy ông ngồi thông cái điếu bát, lúc thấy ông nằm gối đầu trên cái gối đó lim dim, chủ động tò mò mà trẻ con đứa nào cũng giật mình. Ông Đức anh em thúc bá với ông Huân thì ngược lại, tính vui. Đi cày về còn mời con Hà Nội con dắt con bò vào cổng cho biết hộ ông. Làm nông, nhưng có lúc ông Đức cũng mặc sơ mi, quần âu, lụng thà lụng thụng, mặt vải tàu tàu rồi nhưng là quần âu thật của đàn ông ngoài tỉnh, may bằng kaki cài khuy chứ không thắt dải rút hay vận một nùi như mấy ông trong ngõ chuyên đời quần ta áo khách. Không biết còn có nơi nào gọi cái áo cánh xẻ tà có túi cổ viền tròn là áo khách như ở làng tôi không? Ông Đức ăn mặc khác người vì có con giai là bác Đạo đi thoát li, làm việc và sống cùng vợ con dưới Khu Cháy, quần tây chắc là do bác Đạo thải ra đem về biếu bố.
Thường thì trong xóm người lớn được gọi theo tên con đầu, nhưng chẳng hiểu sao ai cũng gọi đúng tên ông Đức là ông Đức, kèm tên con thành ông Đức Đạo. Nhưng vợ ông thì người ta lại gọi ngược là bà Đạo Đức, ghép tên con với tên chồng. Tên thật của bà là gì, bà tôi có lần nói rồi lại dặn đừng có hỗng mồm nói ra bà ấy chửi cho thì chết. Hai ông bà ở với nhau, con cháu xa cả, chẳng có cơ hội nào cho bọn tôi cãi nhau với bọn trẻ con cháu chắt của ông bà rồi mang tên thật người trên ra rủa, thế nên tôi chưa bao giờ có dịp nhỡ mồm phải nghe chửi.
Ở làng cứ nhìn cái sân, chân đống rơm, cửa giả bếp núc là biết gia chủ. Nhà ông Huân sân trị vôi không có lấy một mạch sứt, không phơi phóng gì thì sạch tinh trắng lóa, chân đống rơm quét quáy đâu ra đấy, bếp núc gọn gàng, gà cũng không dám lai vãng. Hai cái sân cách nhau có đúng một hàng gạch, nhưng bên nhà ông Đức thì rơm rác gà qué làm vương vãi, sau mưa một góc sân nước đọng lên rêu, cửa giả tanh bành. Thế nhưng trong khi bà Huân cun cút dọn dẹp cửa nhà sau mỗi chuyến đi măng, bông, hạt cải từ đằng rừng ra còn ông Huân kê gối mây lim dim ngẫm nghĩ thì bên này bà Đạo Đức chỉ buông váy qua đầu gối ngồi nói thầm một mình chỗ đầu hè. Chả bao giờ ông Đức Đạo cằn nhằn gì, dù ông bận tối mắt tối mũi với việc đồng áng, có dạo lại còn làm đội trưởng đội sản xuất, sáng tối còn phải ra thúc kẻng giục người ra đồng với họp phân công công việc và bình bầu công điểm.
Bây giờ nghĩ lại tôi mới thấy cặp vợ chồng đó cọc cạch. Ông Đức Đạo là một ông nông dân không thể nói là quắc thước mà phải nói là điển trai. Tóc đen. Râu chắc cũng đen, nhưng ông không để dài thành chòm như các ông trong làng mà tuần tuần ra lều cắt tóc cắm ở rệ sông của bác Phong con giai cả ông Huân ngửa mặt cho anh cháu cạo. Dáng ông Đức Đạo cao, đội mũ cối, mặc quần âu, dắt cái xe đạp đi từ trong ngõ ra không biết thì tưởng nhà ông có khách ngoài tỉnh về chơi. Bà Đạo Đức thì mặt bủng da chì, là một trong hai bà già mặc váy và đi dép xỏ ngón ở xóm, nhưng xét tuổi thì đâu như kém cụ bà kia tròm trèm ba chục. Bà tôi bảo bà với bà Đạo Đức già bằng nhau. Nhìn thì không thể nghĩ thế, vì bà Đạo Đức gù gập. Chợ phiên họp bên kia cầu, bà Đạo Đức lòm ròm đi, cũng quang cũng gánh quảy theo, nhưng thường hai đầu quang chỉ là hai cái giành nông lòng đựng toòng teng mớ rau, ít giầu cau, với vài ba con cá xỏ lạt hay xóc cua nằm sõng sượt. Người ta gồng gánh thì phải nghiêng người chúi xuống, bà Đạo Đức thì phải rướn tấm lưng còng để cho đòn gánh không trượt lên cổ. Nó mà trượt thì bà sẽ bị đè dí xuống đất mất. Bà tôi đi chợ đều đánh tiếng ngay đầu hồi xem bà hàng xóm có cần mua gì không, nhưng bà Đạo Đức toàn tự đi như thế.
Tôi thích ông Đức Đạo, nhưng không thích qua nhà ông, ngay cả khi cái Loan cháu ông từ Khu Cháy về làng. Nó trạc tuổi tôi, diện hơn trẻ con nhà khá ở Hà Nội nhiều vì mẹ nó làm cung tiêu ở huyện. Tôi không thể giải thích cho cái Loan vì sao khi nó rủ tôi qua nhà ông bà nó chơi tôi toàn lắc. Ấy là vì tôi không thích cái mùi ngai ngái như mùi buồng tằm bỏ không ở nhà nó, do ít được dọn dẹp, và vì bà nó nữa. Cái váy bà Đức mặc khai sặc sụa. Đứng cách cả mét vẫn nồng nặc mũi. Thi thoảng mới thấy bà tròng vào người cái váy không thơm nhưng mà không khai, và không bạc phếch như thường thấy, lại còn đi dép cao su quai hậu xỏ ngón chân cái lóm tha lóm thóm ra khỏi ngõ, cái loại dép chắc chỉ cốt tránh giẫm phải gai chứ không vì lí do vệ sinh thẩm mỹ gì ghê gớm. Bà tôi đứng trong sân nhìn ra đánh tiếng „Bà đã đi ăn tập đoàn rồi à?“ Phải cả tiếng đồng hồ sau bà tôi mới gọi lũ cháu về dặn dò chuyện cơm nước rồi chải lại đầu, vấn lại vành khăn, tìm cái khăn trùm đen và cái thắt lưng bằng đũi rồi theo chân bà Đạo Đức.
Tôi giống bà tôi, khảnh ăn, nên hay bám áo bà nhưng đi ăn tập đoàn hợp tác xã thì không. Bà cũng không thích gì, nhưng vẫn đi. Bà bảo phải đi, vì nhà mình là dân sơ tán, hợp tác xã người ta có lòng. Hết bữa, có lần mấy bà đi cùng đường với bà tạt vào nhà tôi ăn giầu uống nước. Tôi nghe một bà tre trẻ phàn nàn vì chuyện phải ngồi cùng mâm với bà Đạo Đức „Gớm, bà ấy cứ cắm mặt vào ăn chả nhìn nhõi gì đến ai!“
Tôi mới chỉ nhìn thấy bà Đạo Đức ngồi đầu hè vén váy cạo cháy đáy nồi bằng mảnh vỏ trai, vừa nhón nhén ăn vừa như ngẫm nghĩ, mắt đục lờ, lơ cả con gà mái mới bỏ đàn vừa nhảy lên hè luẩn quẩn sau lưng. Tôi cũng hay nhìn thấy ông lang Mạch qua nhà ông Đức Đạo sau mỗi buổi hợp tác xã ăn tập đoàn. Bà bảo bà Đạo Đức bên kia lại ốm rồi.
Ốm vì ăn. Thật thế. Bà bảo bà Đạo Đức bị sản hậu không bao giờ khỏi. Sản hậu là bệnh gì, tôi không hỏi nhưng rất tò mò.
Cứ chắp chắp nối nối chuyện người già, rồi cũng hiểu. Hồi kháng chiến, làng thành làng tề. Ông Đức Đạo làm du kích. Bà Đạo Đức một tay nuôi mấy mặt con, tự dưng có chửa, bị bắt lên đồn. Gần đẻ thì được thả. Đẻ xong, đói quá, bà bò ra ruộng khoai nhà người ta bới trộm. Khoai chưa có củ. Lúc bác Đạo tìm được mẹ, bà Đạo Đức nằm gục bên bờ ruộng, ngậm một mồm rễ, váy sũng máu.
May mà không chết.
Khi ấy, ông Đức Đạo nằm ở hầm bí mật đào ngay mép vườn giáp với vườn nhà ông Huân. Gạo nước bà con làng xóm don góp đem cho, bà Đạo Đức sai con thổi chờ đêm xuống thì đưa cơm cho bố. Còn mấy mẹ con thì vặt quanh bờ ruộng góc vườn. Cứ thế cho tới mùa khoai được dỡ.
Khi ấy, chiến dịch Thu Đông năm 1947, ông tôi hi sinh. Năm bốn sáu toàn quốc kháng chiến, ông dặn bà đưa con tản cư về làng, còn mình thì đổi quần tây thành quần nâu có dây chun túm ống, cùng anh em chuyển máy móc lên Việt Bắc trong niềm tin thắng lợi cuối cùng, không biết, chỉ một năm sau mình sẽ.
Lúc Pháp chạy, cải cách ruộng đất, nhà có của ăn của để thì bà Đạo Đức bắt đầu ốm. Mặt xám bủng. Lưng mỗi ngày một gù gập dù mới ngoài ba mươi tuổi. Bụng phình tướng ra. Ăn bao nhiêu cũng được, ăn bao nhiêu cũng không đủ, ăn xong rồi thì ốm nặng, ốm theo kiểu quần cũng chả kịp tụt. Nghe chuyện, tôi tự giải thích cho mình đấy có lẽ là lí do bà Đạo Đức mặc váy đụp dù lúc đó mặc thế là rất lạc hậu, cả làng có độc hai bà.
Lúc Pháp chạy, cải cách ruộng đất, bà tôi chưa kịp về lại nhà ngoài phố thì có tin như gió thổi tạt xuôi tạt ngược khắp làng rằng ông tôi là việt gian bị ám sát. Bà bảo cái lúc bà Đạo Đức phát bệnh tham ăn thì bà khỏe chưa từng thấy dù cả nhà đói rạc. Ông Móm anh họ của bà từng là nghị viên Bắc Kì bị bắt cùng hai bà vợ khi con thứ đang chỉ đạo cải cách ruộng đất toàn vùng. Có lẽ ông con, ông bác họ tôi ở trên cao cũng không biết bố mình đang bị trói giật cánh khuỷu vào gióng chuồng trâu. Thậm khổ, bà bảo thế. Nhà không có lấy một thẻo đất để chó chạy hở đuôi mà cũng bị tố. Ở cách Hà Nội chỉ chừng ba chục cây số mà không có cách nào toài đi nổi. Bị đoạn khỏi phố trong chiến tranh, lại bị đoạn khỏi làng ngày đón hòa bình, bà theo người ta vào rừng kiếm củi, gồng gánh từ phiên chợ này qua phiên chợ khác nuôi con, cứ cúi mặt mà đi thế qua ngày thắng lợi.
Rồi lại chiến tranh, bà lại về làng, lần này cùng lũ cháu. Bà Đạo Đức cứ ốm bệnh tham ăn thế từ cuộc chiến này qua cuộc chiến khác. Bà tôi tính sạch sẽ, nhưng lần nào bà Đạo Đức lần ngang ngõ mang theo cái mùi khai khai khẳm khẳm qua nhà bà cũng vồn vã mời ngồi lên phản, rồi giở âu giầu. Bà Đạo Đức về rồi mà chỗ bà ngồi vẫn khai sặc sụa. Bà Đạo Đức là người đàn bà duy nhất ở tuổi bà không làm đồng, không buôn bán đổi vai như bao đàn bà khác ở làng từ lúc qua tuổi ba mươi, chỉ quanh quẩn sờ sẫm quét thẻo sân, rút rơm, nhặt nắm rau bờ rào lo cơm nước, bập bập gọi gà về chuồng, chờ ông Đức Đạo đi cày đi bừa và lo việc hợp tác xã. Bà Đạo Đức về rồi bà tôi lại thở dài, lại lầm thầm nhắc chuyện ngày bà ấy hoi hóp bờ ruộng, váy sũng máu đẻ, miệng đầy rễ khoai, rồi sau đó chẳng làm cách nào mà cất nhắc được việc nọ việc kia như người ta nữa. Làm thế nào được mà làm sau cơn hậu sản dài suốt cả mấy thời tao loạn với cái lưng gãy gập và cái bụng nửa đời người bị ám ảnh vì đói.
Tôi ngồi bám lưng bà tôi, còn bà nhìn bóng người bạn thì con gái, cổ rụt lưng còng, váy bạc phếch thập thững xa dần ngoài ngõ. Mùi nước cốt giầu ấm sực không át nổi mùi cái váy bà Đạo Đức để lại. Vừa nãy bà còn têm thêm một khẩu giầu đưa bà Đạo Đức, ân cần: „Ừ bà nhỉ. Ngày ấy toàn chuyện tai ngược. Ngày ấy thật là thậm khổ, khổ đến nỗi chẳng hiểu sao còn sống bà nhỉ!“
Berlin 10.1.2016