Bi kịch ngoại ngữ

Dạ Ngân

Bi kịch ngoại ngữ ư, bạn có đùa độc giả không đấy? Không, tôi không đùa, không giễu nhại nhưng có một thứ éo le gần như là bi kịch, tạm gọi là bi kịch ngoại ngữ.

Bản lề 1954, môn Hán – Nôm khi ấy đã thực sự lui vào quá vãng, nó để lại sự ngưỡng mộ của xã hội dành cho các chuyên gia. Thế hệ ấy rất đông, bởi những nhà có con Tây học, thảy đều có gốc Nho học. Và, khi Quốc ngữ thành món bắt buộc, ngoại ngữ là Pháp văn, thêm am hiểu Hán văn, lớp người ấy thực sự là tinh hoa của dân tộc.

Và rồi sau Điện Biên Phủ, thời gian đệm trước chia cắt, không ít người dự cảm thế sự, đã tìm mọi cách xuôi Nam, nối dài nền văn hóa – giáo dục đã có nền tảng, cho tới tận 1975. Miền Bắc xã hội chủ nghĩa náo nức gửi người sang nước láng giềng học hỏi vận hành xã hội theo mô hình cầm chắc Thế giới đại đồng, công nông binh thống soái, trí phú địa hào cần phải trốc gốc. Số phận những người Tây học lẫy lừng ra sao? Người Pháp đã cuốn gói thì xin mời các vị đồng hành văn hóa Pháp ngồi chơi xơi nước nhé. Nhưng làm gì có được ngồi không và nước trà miễn phí. Tùy vào thái độ phản tỉnh trong các cuộc chỉnh huấn mà được dùng cầm chừng hay bị xếp xó hoặc đi lao.

Và rồi, tiếng Nga được đưa vào chương trình phổ thông 7+3. Thế giới sẽ đại đồng nhưng Liên Xô đáng tin hơn. Vội vàng cho những chàng trai phải đi chiến trường và những cô gái phải làm ốc vít cho cái guồng chiến tranh lớn – hậu phương lớn. Bây giờ thì ai sáng giá thời tiếng Trung lại bị xếp vào chỗ khuất, ngồi đấy nhé các ngài mê Lỗ Tấn với Tào Ngu, ngồi đấy mà bảo mạng nhé. Tràn ngập sách tiếng Nga cho người học và cũng tràn ngập văn học Nga Xô viết cho những ai ham đọc.

Năm 1975, khá đông người ở Bắc biết tiếng Nga. Khoa Nga các trường sư phạm ở Hà Nội oách nhất. Số ấy phải chi viện cho miền Nam đang là điểm trống ngoại ngữ trong nhà thường vì Anh văn và Pháp văn đều chung số phận bị đánh đổ, tiếng của lũ cựu thù! Những lớp tiếng Nga ban đêm mọc lên như nấm, chỉ vì môn ngoại ngữ duy nhất của cấp ba PTTH là thứ tiếng ấy.

Tôi nhớ cô giáo tiếng Nga ban đêm của mình, trẻ và thơm. Không nhớ gì nữa. Vì tôi bị hội chứng đám đông, ban ngày đi làm, cuối tuần đi học văn hóa bổ túc, ban đêm chen vào được một lớp tiếng Nga gần nhà, đông nghịt. Sự đông, sự khó của tiếng ấy và cả sự bất chợt ngộ rằng, nó khó thế thì nó có thành tiếng thông dụng của quốc tế được không mà mất công cho nó? Tôi nghỉ. Nếu nói tiếc thì tôi chỉ tiếc lớp ba trường làng năm 1961, ngôi trường tư thoi thóp sau Đồng khởi. Năm ấy, vị thầy ấy bắt đầu dạy lũ chúng tôi tiếng Pháp. Cà phê, đi-văng, toa-lét, phơi-dơ-tông, gạt-măng-giê, com-lê… viết đúng sẽ là như vầy như vầy nè các em. Nhưng Đồng khởi rồi, trường tư thầy tư phải bị dẹp, chúng tôi ngơ ngẩn và bắt đầu cuộc đời thiếu sinh quân. Đi kháng chiến, các chú hay đệm tiếng Pháp trong câu chuyện với nhau, các anh các chị ở thành vô thì bảo tôi: Các nhà văn Shakespeare, Hemingway, Victor Hugo… viết đúng là vầy chứ không thể viết kiểu phiên âm như sách dịch từ Hà Nội in chuyển vào nghen.

Những lớp tiếng Nga ban đêm lụi tàn khi nào không để ý nữa. Chỉ thấy các thầy cô sư phạm Nga văn đang tìm cách đi học sư phạm Anh văn, học chính thức hoặc học dự bị, để tự chuyển đổi mà không phải bỏ nghề. Một giai đoạn chuyển tiếp bấp bênh và lê thê, qua việc học của các con tôi mà tôi nhận biết. Không Hán văn, không Pháp văn, không Nga văn nhưng Anh văn chỉ mới thấp thoáng như “người tình ở xa”. Mãi rồi cũng xuất hiện thầy cô trẻ măng có bằng Cao đẳng sư phạm tiếng Anh bắt đầu dạy cho học sinh cấp II. Đến khổ. Chép, mẫu câu, ngữ pháp… gần như học câm. Bởi vì thầy cô biết mình kém phát âm nên thôi thì cho chép bài và phân tích ngữ pháp để an toàn!

Rùng rùng trong đêm tối, bỗng dưng những lớp tiếng Anh lại mọc lên như nấm. Các thầy có nghề Sư phạm ở miền Nam trước 1975 bấy giờ mới vụt sáng như trăng sao. Nới sân, lợp mái, hoặc thuê chỗ, thấy từ xa có tiếng loa và ánh néon lòa cả một vùng, chắc chắn ở đó có thầy hoặc cô luyện tiếng Anh, họ giàu và nổi tiếng còn hơn bác sĩ. Mọi thứ cân bằng khi cả hai miền tan vào nhau ở mô hình nửa công nửa tư kín kín hở hở. Các thầy cô Anh văn vẫn hốt bạc nhờ luyện thi, các loại thi, hơn hẳn các môn khác. Lẽ nào vì sự lệch giàu nghèo này mà rốt cùng, các môn Toán Lý Hóa, thậm chí cả môn Văn cũng bị bày chuyện học thêm. Nghĩa là trên lớp chỉ dạy mưa mứa, học thêm mới được kèm kỹ!

Một điều tra cho thấy đa số học sinh không giao tiếp được tiếng Anh với người nước ngoài. Loay hoay và bi kịch. Nhưng cái gốc đâu riêng chuyện ngoại ngữ, đúng không?

Comments are closed.