Nguyễn Hữu Liêm
Nhân dịp lễ Noel, và trước thềm Đại hội XIII của Đảng Cộng Sản Việt Nam (CSVN), ta hãy thử suy giải một ý nghĩa tôn giáo cho bản sắc chính trị Việt Nam hiện nay. Khi người đạo Chúa đang đón chào Chúa giáng sinh thì người CSVN cũng đang cố gắng làm sống lại phong trào thần thánh hóa Hồ Chí Minh (HCM) như là một đấng Cứu thế cho dân tộc Việt.
Chúng ta hãy thử bình tâm để nhìn lại con người đặc biệt HCM trong không khí lễ hội cuối năm này.
Khai sinh ý chí lịch sử
Ở giữa thế kỷ 19, khi người Pháp xâm chiếm và đô hộ Việt Nam, biến chuyển lịch sử này đã đánh thức một năng lực ý thức mới cho dân tộc Việt. Từ bàn cờ của biện chứng Chủ-Nô dưới ách cai trị của thực dân, cái Ta dân tộc đã bị những đòn roi oan nghiệt và nhục nhã – và từ đó, nỗi đau nhục đã đánh thức dân ta về tới vận hội lịch sử mới. Dư lực từ Dự án Khai sáng và Cách mạng Pháp 1789 khi đi vào Việt Nam, nó không những đã đem nạn Thực dân Đế quốc trên mặt trận quyền lực chính trị, Công giáo trên bình diện siêu hình, mà đã một cách gián tiếp kích động một bản sắc tự ý thức mới cho cái Ta thiếu thời dân tộc: Ý thức và Ý chí lịch sử.
Với ý thức Sử tính, Ta nhận ra rằng Ta và dân tộc Việt đã sống trong một lịch sử không ý thức về Sử tính và về chính mình. Vì không mang bình diện tri kiến về Ta và Thế giới, lịch sử lâu dài của dân tộc đã không mang giá trị tích luỹ nào. Tất cả mọi biến cố đều vô nghĩa và trở nên hư không. Từ nay, Ta phải biến sự chuyển động của Thời thế thành nên một cỗ xe chuyên chở nội dung tiến hóa với khả năng tích luỹ về cho ý chí Sẽ Là. Ta sẽ tự mình cầm tay lái, tự lực xô đẩy chuyến xe Sử tính về phía trước mà không nhờ đến hay tuỳ thuộc vào một năng lực siêu hình nào.
Số phận nay là Ý chí; định mệnh là một Sử tính duy ý chí. Thay vì cầu nguyện Chúa, Phật hay ông Trời cho một số phận tốt đẹp hơn, Ta sẽ là Chúa, là Trời Phật, tự ban cho Ta một năng lực ý chí để chuyển hóa số phận cho Ta. Đây là một bản sắc cho một chủ nghĩa nhân chủ cực đoan và toàn triệt phản ứng lại toàn diện với quá khứ phong kiến và tình trạng nô lệ bởi Thực dân.
Khi được trang bị bởi năng động ý chí Sử tính, cái Ta dân tộc, mà hiện thân là HCM-Nguyễn Tất Thành, đột nhiên đã tìm ra con đường để khai mở một Thời Quán tự ý thức mới cho mình. Ta hãy gọi lộ trình mà ông đã khai mở là Con đường thứ Ba – sau hai con đường (1) Kháng chiến trong tuyệt vọng của nhà Nho, và (2) Chọn lựa hợp tác của giới Tân tòng với Thực dân nhằm khai dân trí để chuyển hóa chính trị.
Hồ Chí Minh và cái Ta mới cho dân Việt
Ở đây ta chọn HCM để làm khuông thức cho năng lực tự ý thức cho cái Ta dân tộc vào đầu thế kỷ XX. Không ai xứng đáng hơn HCM khi đóng vai trò hiện thân biểu trưng và đại diện này. Đã có nhiều anh hùng chống Thực dân cũng đã phần nào đại diện cho cái Ta dân tộc trong giai đoạn giải Thực để giải phóng đất nước. Những Nguyễn Thái Học, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, hay các vị tướng của triều Nguyễn, đều đã là những ngọn lửa được thắp lên, nhưng rồi tất cả đã bị dập tắt để trở nên những hoài niệm anh hùng trong ký ức tập thể của người Việt – hơn là một năng lực Sử tính có ý nghĩa hiện thực.
Ta cũng không quan tâm đến những chi tiết về câu chuyện đời tư của HCM, tích cực hay tiêu cực, huyền thoại hóa hay bi kịch hóa. Thay vào đó, Ta chỉ nhìn đến con ngưòi này như là một nhân vật biểu trưng, một thể tính anh hùng dân tộc, với ưu và khuyết điểm của một con người và một lãnh tụ cách mạng và chính trị vốn đã quyết định sinh mệnh Thời tính Sử lý Việt Nam suốt gần thế kỷ qua. Sai lầm của nhiều sử gia, hay người đọc sử, mang tâm chất nhà báo, ưa đánh giá anh hùng lịch sử như là HCM trên bình diện đạo đức và giá trị cá nhân.
Người họ Hồ là một tính thể Sử lý vượt qua những ưu khuyết điểm của một con người bình thường – dù rằng , nếu ta biết rõ, ông cũng đã tỏ ra một con người rất Việt Nam với những ưu khuyết điểm của một nhà cách mạng tài ba, liêm khiết, một chiến lược gia sâu sắc, một thanh niên biết kỷ luật bản thân, nhưng cũng với đầy mưu mô, hiểm độc, dối trá, gian hùng. Nhưng bên trên tất cả những gì thuộc về cá nhân riêng rẽ, a private person, thì trên bình diện đại thể, HCM đại diện cho cái Ta mà ở trong nội dung Thời Ý đó – the Spirit of the Time – đã mang thiết yếu tính và cứu cánh tính trên vai. Điều quan trọng nhất là ông đã thành công, dù gia sản để lại có tốt đẹp hay xấu xa.
Sử lý là một trường biện chứng của Đúng và Sai – và với bước chân Sử tính, cái sai hôm qua trở thành đúng hôm nay, và ngược lại. Tất cả phải tuỳ vào Thời tính cho mỗi Thời Quán chân lý hay sai lầm. Khi ta nay đang ở vào thời điểm bước sâu vào thế kỷ XXI, khi nhìn lại lịch sử mà HCM đã hành hoạt ở giai thời đó, xa xỉ Thời gian sẽ làm cho Ta quên đi rằng, ở mỗi giai đoạn của lịch sử quốc gia, kẻ chiến thắng trở nên chân lý cho Sử tính ở Thời Quán liên hệ. Không có chân lý nào là tuyệt đối vì ý thức và khuôn mẫu kiến lập nên chân lý cũng phải được chuyển hóa để thay đổi theo Thời Ý mới.
Chức năng trọng yếu nhất mà HCM đã đóng góp cho Sử lý và tính năng tỉnh thức cho cái Ta của dân Việt trên trường biện chứng tự ý thức là vai trò của ông với tư cách của một cán bộ Cộng sản quốc tế. Đã biết bao nhiêu ngàn trang sách đã dành ra để tranh cãi về câu hỏi, có phải HCM là con người Cộng sản chỉ muốn mượn chiêu bài giải phóng dân tộc khỏi ách Thực dân phục vụ cho cứu cánh và mục tiêu Cộng sản; hay là ngược lại, ông trước tiên là một nhà cách mạng dân tộc và sau đó Cộng sản chỉ là một biến số thuộc tính cho chủ nghĩa yêu nước? Ở đây ta phải thấy câu hỏi này trở nên thừa thải và vô nghĩa.
HCM bao gồm hai mặt trên một cái Ta của Việt tộc vừa mới tỉnh thức trước Thời tính mới. Trước hết HCM là một cán bộ Cộng sản quốc tế trên bình diện con người phổ quát, nhìn lịch sử như là một công án nhân loại cho một mẫu thức Sử tính nơi con người hoàn vũ. Nhưng ông cũng là một nhà ái quốc dân tộc khi nhìn Sử lý nước nhà từ góc độ của một con người Việt Nam trên một căn cước tính cá nhân. Cả hai là một, không có mặt nào có thể đứng riêng biệt.
HCM cũng như là một tăng sĩ Phật giáo, một nhà Nho quân tử, hay là một mục sư đạo Chúa. Tất cả đều mang hai bình diện ý chí cho một cái Ta lưỡng diện – của đại thể tính con người phổ quát chung đối nghịch với cá thể tính từ một cá nhân có gốc gác và căn cước riêng. Hai năng lực này thường ở trong tình trạng mâu thuẫn và lôi kéo lẫn nhau. Hễ khi cái Ta đại thể chiến thắng thì Ta làm tu sĩ, hay chiến sĩ cách mạng. Nếu cái Ta cá nhân mạnh hơn thì Ta sẽ là một thường dân lo toan cuộc sống riêng tư như đa số quần chúng.
Tại sao con đường Cộng sản?
Ta hỏi: Tại sao HCM chọn chủ nghĩa Cộng sản? Câu trả lời ngắn gọn có thể tóm tắt như vầy: Vì ông đã mất hết kiên nhẫn với Sử tính nước nhà. Đó là điều mà chủ nghĩa Cộng sản, qua học thuyết Marxism, đi vào ý thức của HCM một cách thích hợp, đúng với bản sắc ý chí đại thể mà HCM đang nung nấu.
Ta nên biết rằng, HCM từ gốc gác là một nhà Nho cổ truyền, như bao nhiêu trí thức ở miền Trung thời ấy. Từ trong một văn hóa chính trị và xã hội, khi quan hệ đến ý chí cá thể, thì mệnh lệnh cao cả nhất cho kẻ sĩ Nho học là hãy kiên nhẫn. Chữ Nhẫn trở thành chân lý và luân thường cho cái Ta thời đó. Nó là một nội dung đạo lý nhân danh trí tuệ siêu việt để cho cá nhân khi nhìn vào thế cuộc trần gian không phải bị khổ đau và nôn nóng vì cái Thời nó chưa đến. HCM muốn phủ định chân lý của chữ Nhẫn – và ông đã gặp được Karl Marx trong một hệ ý thức phủ định giá trị chữ Nhẫn toàn triệt.
HCM nhìn lại lịch sử Việt và đã thấy rằng tốc độ di chuyển của các triều đại đi theo quá trình địa chất, geographic time, vốn rất chậm. Đã cần đến 10 thế kỷ thì nước Việt mới hoàn tất tiến trình khai sinh. Theo đó là nhà Lý kéo dài đến 216 năm, Trần 171 năm, Lê 625 năm, và Nguyễn gần 150 năm. Duy chỉ nội chiến giữa Mạc và Trịnh, Trịnh Nguyễn cũng đã kéo dài gần thế kỷ. Không ai nhìn vào một lịch sử với tốc độ của con rùa như thế mà không mất kiên nhẫn cả.
Từ trong chủ nghĩa Marxism, những vấn nạn lý thuyết về duy vật, hay tôn giáo, hay bản thể luận hay tri thức học, phần lớn đối với HCM là không quan trọng hay chỉ là vô nghĩa. Cái mà HCM muốn và lấy được từ Marx là ý chí Sử tính để giải phóng dân tộc. Ta sẽ phải làm chủ lịch sử từ nay. Hơn thế nữa. Ta phải thúc đẩy cơn chuyển bụng của Sử tính dân tộc vốn đã quá lâu dài để nhanh chóng khai hoa nở nhuỵ cho đứa con Thời tính mới theo ý chí cách mạng của Ta. Ý chí tuỳ thuộc và nô lệ vào các đấng siêu hình, của Trời, Chúa, Phật, số phận nay được thay bằng ý thức về thần đế mới. Ta là Chúa cho số phận của Ta. Ta sẽ giẫm lên trên những đổ nát từ Thời tính Đã Là để đứng lên như con chim phượng hoàng bay lên cao từ đống tro tàn quá khứ.
Khi nắm được chân lý về Ta như thế trên ý thức Sử tính thì HCM đã mất hết kiên nhẫn, cũng như Marx đã. Tất cả mọi con đường giải phóng dân tộc đều không cung cấp một khả thể giải phóng con người trên bình diện phổ quát. Và chỉ có con người bị áp bức mới xứng đáng để làm lịch sử – vì lịch sử là gì nếu không phải là một trường biện chứng đấu tranh giành công lý cho quần chúng nô lệ, tức là những kẻ bần cùng, khốn khổ nhất trong xã hội. Tức là giai cấp vô sản của những người cùng khổ bị xiềng xích tự chính nó là một khối thuốc nổ, một tiềm năng cách mạng – nay trở thành một tiền đề cho ý thức Sử lý.
Hỡi những con người đứng bên lề Sử tính, các ngươi còn chờ gì nữa mà không đứng lên phá nát ngục tù áp bức! Các ngươi còn có gì để mất ngoài những xiềng xích đang trói buộc các ngươi! Tâm trạng nóng ruột, nóng lòng trước vấn nạn Đế quốc Thực dân và nô lệ đã biến học thuyết Marxist thành những dòng khải huyền của một thánh kinh chính trị. Ngọn lửa thánh linh của ý chí tôn giáo, nay là giáo điều cách mạng và lịch sử, tràn ngập tâm hồn HCM. Ôi, Ta đã tìm ra chân lý, đã nhận ra con đường, hỡi các đồng chí của Ta! Hãy hình dung ra tinh thần phấn chấn và khích động ở nơi một tín hữu tân tòng đạo Chúa khi đọc Tân Ước với lời của Chúa Jesus, “Ta là Chân lý, là con Đường, là sự Sống.”
Trong khi Khổng giáo muốn cứu vớt con người qua nhân thể tính Thiên tử và lòng nhân mà không có ý niệm nào về tội ác, Phật giáo thì muốn cứu độ chúng sinh thoát khỏi quy luật nhân quả khắt khe bằng nỗ lực tự tu hành, đạo Chúa thì muốn cứu rỗi cá nhân ra khỏi tội lỗi của mình, thì chủ thuyết Cộng sản muốn giải phóng con người ra khỏi tội ác của kẻ khác.
Khi Hồ Chí Minh leo lên Thánh giá lịch sử Việt
Từ HCM và các cán bộ CS tiên phong mà y chí phá bỏ xiềng xích trói chặt nhân loại vào vòng nô lệ đã trở nên một đạo lý lớn lao và bao trùm cho số phận nghiệt ngã của dân tộc Việt Nam. Không có giải pháp dân tộc riêng rẽ nào được tách rời khỏi một giải pháp lớn hơn cho con người hoàn vũ. Marxism, và qua học thuyết cách mạng Leninism, lần đầu tiên cho cái Ta của HCM một lý tưởng toàn diện và phổ quát mà không phải nhờ đến thần linh siêu nghiệm. Ý chí trở thành Chúa Cứu thế từ vô thức nay biến hóa thành nên một ý chí trở thành Chúa có ý thức cho chính mình.
HCM, nay là một Tân tòng cho giáo lý Marxism, đã trở thành một thừa sai cho tôn giáo chính trị mới, một chiến sĩ cho ý thức hệ hành động, một mục sư chuyển hóa linh hồn cho lịch sử Việt. Giải cứu dân tộc đồng nghĩa với giải cứu con người, và ngược lại. Cái Ta này nay đã trở nên một tín đồ ngoan đạo và cuồng tín, chắc mãn với lý tưởng Marxism và phương thức hiện thực hóa, vấn đề còn lại là Thời Cơ. Ta không muốn mang gánh nặng khổ đau khi vác trên vai cây Thánh giá lịch sử – mà ta sẽ bước lên trên Thánh giá, đứng ở giao điểm của thời thế để làm chủ số phận dân tộc.
Và HCM cũng đã thừa biết rằng, khi Thời Ý đã chuyển, thì Cơ Thời phải là một tập hợp của những điều kiện chuẩn bị sẵn sàng cho ngọn lửa cách mạng mà Ta phải kiến tạo nên, chứ không phải thụ động ngồi chờ. Với ý thức và ý chí lịch sử đó, với tấm lòng cuồng nhiệt về khả thể tính cho cuộc cách mạng giải phóng dân tộc với chủ nghĩa Cộng sản, HCM đã tự mình xây dựng một tập hợp những yếu tố sẵn sàng cho cơ Thời lịch sử sẽ phải và trên đường đi đến. HCM là một ngọn thuỷ triều ập trào đến khoảng trống tự ý thức cho Sử tính Việt ở Thời Quán chuyển mình.
Người cùng khổ, vô sản, kẻ bị áp bức, bần cố nông xưa nay đã bị xã hội và hệ thống công quyền từ triều Nguyễn đến Thực dân đẩy ra ngoài lề đại thể. Họ đã trở thành số không vô nghĩa. Họ chưa từng tồn tại, hay là một biến số liên hệ đến sinh mệnh quốc gia. Căn cước tính của họ là một đối tượng bị phủ định bởi hệ thống, và niềm an ủi duy nhất cho họ là đức tin tôn giáo, vốn chỉ là “thuốc phiện cho đám đông.” Nay người Cộng sản muốn đánh thức con số không của giai cấp vô sản này đứng dậy để trở thành tất cả.
Marxism cho người bần cố nông một bản thể chính trị, a political ontology, mà từ xưa đến nay họ không có ý thức đến. Dù rằng xã hội Việt Nam ở giai đoạn đó, nền kinh tế và các hình thái sản xuất chưa có định hình thành một giai cấp vô sản rõ rệt – nhưng người Cộng sản sẽ kiến lập nó từ khái niệm dựa vào một số nhỏ nhân công trong các cơ sở sản xuất mới thành hình ở miền Nam.
Chủ thuyết giải phóng là của ý chí sáng thành Sử tính, nó có khả năng chuyển hóa hư cấu tiểu thuyết về xã hội sang một thực tại ý hệ cách mạng bởi tuyên truyền. Tất cả chỉ là vấn đề của ý chí. Thực tại nay được biến thể ra làm hai bình diện: hiện tượng đối với bản chất. Cái gì mà Ta thấy được là hiện tượng, những gì chưa thấy được là bản chất. Một anh nông dân chỉ có hai con trâu và một thưả ruộng nhỏ, nhưng khi đã bị mang nhãn hiệu tư sản thì anh ta là tư sản từ bản chất, tức là khuynh hướng tư duy, còn tình trạng nghèo khó của anh ta cũng chỉ là hiện tượng lâm thời.
Cái Ta Cộng sản nay là vị thừa sai cho đức tin mới. Cũng như các thừa sai Công giáo trước đó muốn cải đạo dân Việt để kiến tạo và cứu vớt linh hồn, thì cán bộ Cộng sản cũng muốn sửa sai những lệch lạc về tư duy, về tính tha hóa tư tưởng, để cho những cá nhân nghèo khổ, bị áp bức giác ngộ về với chân lý cách mạng. Trong tôn giáo của ý thức hệ với ý chí Sử tính này, Chúa, Phật, Trời nay là Sử lý mà đức tin phải được điều hướng về khả thể chuyển hướng toàn diện cho tương lai Sẽ Phải Là. Tất cả mọi mâu thuẫn và tha hóa từ xã hội đến cá nhân sẽ được cách mạng duy vật giải hóa – bằng bạo lực nếu cần. Khi người Cộng sản đã trở thành giáo sĩ thì chân lý là ở họ.
Đối với chiến sĩ Cộng sản, ngay cả mọi hành động, chủ trương chính sách bạo hành, dối trá, sát nhân, phản phúc, tiêu diệt đồng minh, để giải quyết mâu thuẫn quyền lực mở lối ý chí lịch sử được tiến bước thì cứu cánh tối hậu sẽ biện minh cho phương tiện. Máu huyết của các thánh tử đạo nay là của chiến sĩ dân tộc, và của kẻ thù, rất nhiều kẻ thù, trong lý tưởng Cộng sản. Chỉ có chân lý từ máu xương lửa khói – tất cả mọi mệnh lệnh đạo lý cho hòa bình chỉ là biểu lộ của một ý chí hèn nhát và thụ động, không mang được bản sắc Sử lý thiết yếu.Và chúng ta đã thấy, Sử tính Việt đã chuyển sang chương mới từ sự du nhập của tôn giáo duy vật và Sử Ý này – mà HCM là nhà truyền giáo đầu tiên và quan trọng nhất bước về từ trời Tây. Ông là nhà sư Huyền Trang tân thời vượt sa mạc xa xôi qua tận xứ Phật để thỉnh kinh về đánh thức dân tộc.
Dĩ nhiên là đã có nhiều nhà cách mạng muốn đánh đuổi Thực dân Pháp mà không theo ý thức hệ Cộng sản. Họ còn phản ứng, chống đối mạnh mẻ với chủ thuyết cách mạng triệt để này. Tuy nhiên, lý tưởng của giới Tân tòng, của Công giáo, hay những người mang tư tưởng dân chủ, cộng hòa của trí thức thành thị – phe Quốc gia – đã không bén lửa cho cái Ta dân tộc thời đó.
Ý chí độc lập ở nơi người Quốc gia thì chưa đủ, vì nó vẫn chỉ còn là một thể thái ý thức về không gian và địa lý hơn là một tư tưởng cách mạng mang yếu tính Sử lý. Khi văn minh và thượng tầng khái niệm của Tây phương đã chiếm hết ý thức và linh hồn của những nhà cách mạng hay chính trị gia thành thị chống Thực dân thì khẩu hiệu độc lập mà họ hô hào trở nên vô nghĩa, như rượu không có chất men say, như ngọn đuốc không có lửa cháy.
Ta có thể tìm nguyên nhân thất bại của phe Quốc gia trên nhiều bình diện, từ yếu kém về tổ chức, về thiếu dứt khoát về lập trường, và nhiều lý do thực nghiệm khác. Nhưng điều quan yếu nhất là người Quốc gia, dù là thành thật và trong sáng với thiện tâm, họ đã thiếu một ngọn đuốc đốt lửa cháy nóng cho một cao trào cách mạng. Tức là họ là những cá nhân muốn kiến tạo Sử tính nhưng không có một linh hồn Sử Ý. Họ như là một thừa sai giảng đạo Chúa trong khi tự trong tâm mang đầy nghi ngờ về Chúa. Không ai có thể làm cách mạng trong khoảng trống vắng của ngọn đuốc ý chí và niềm tin như thế được.
Con người HCM là một biểu thân đúng nghĩa cho chủ nghĩa Cộng sản. Ông là một nho sĩ kiên cường, với kỷ luật và ý chí cách mạng sắt đá, và vì thế, Sử tính cho Thời Quán ý thức mới đã trao cho ông ngọn đuốc của mệnh lệnh đại thể dân tộc. Đây là cái Ta muốn kiến tạo một hệ thức giá trị mới, trong tinh thần cộng đồng làng xã Việt Nam, nơi mà phần đông dân chúng vẫn còn mù chữ, ngây thơ, chưa có ý thức về đất nước và vai trò công dân.
Khi dân tộc Việt muốn Hồ Chí Minh bước xuống từ Thánh giá
Họ Hồ và các sứ đồ Giáo hội Đảng CSVN đã thành công một vế cho lịch sử Việt – đó là độc lập dân tộc. Nhưng cho lý tưởng nhân loại đại đồng – từ chân lý duy vật – thì ngày nay nó đã biến thái trở nên một hệ quả phản bội lại với lý tưởng tự do cho dân Việt trên cơ bản con người hoàn vũ – mà Marx vốn mơ ước. Đảng CSVN hiện nay là một cơ chế giáo hội khắt khe mang tham vọng ngàn năm độc quyền định nghĩa ý niệm Tự do cho dân tộc.
HCM nay đã thành Chúa Jesus cho tín đồ Cộng sản – như con người lịch sử Jesus hơn hai ngàn năm trước đã thành Chúa Cứu thế (Christ). Ngày nay, định chế giáo hội nhà nước và đảng CSVN tung hô tôn thờ và vinh danh biểu tượng thần thánh ở nơi Chúa HCM. Mọi buổi lễ, họp mặt, mọi nghi thức, mọi không gian, từ trong nhà ra ngoài ngõ, đều có hình ảnh HCM chiếm ngự, từ nhân danh đạo đức nội tâm đến hình thức nghi lễ. Chế độ CSVN lập khuôn người Công giáo Việt Nam trong mùa Noel – đèn hoa, biểu ngữ, hình thái biểu tượng và âm thanh nghi lễ tràn ngập mọi nẻo đường đất nước. Cả hai phía đã tạo cho những người ngoài cuộc một cảm giác bị áp bức bởi hình thức hoa hòe tràn ngập.
Triết gia gốc Nga Nicholas Berdyaev, trong Ý nghĩa Lịch sử, có trích một câu của học giả Pháp Leon Bloy khi viết về dân Do Thái rằng, “Dân Do Thái sẽ chuyển hóa chỉ khi nào Chúa bước xuống từ Thánh giá, và Chúa có thể bước xuống từ Thánh giá chỉ khi nào dân Do Thái đã chuyển hóa.” Câu nói này rất có thể được áp dụng cho trường hợp Việt Nam hiện nay. Tôi nghĩ rằng nhân dân Việt Nam đã được phần nào chuyển hóa. Vế còn lại là của Chúa HCM.
(Nguyễn Hữu Liêm là giáo sư triết học tại San Jose City College, California. Bài này được trích từ cuốn sách của ông, “Sử tính và Ý thức: Một triết học cho sử Việt.”. Sống: 2016).