Trong hồn nhiên thứ nhất

Nguyễn Hữu Liêm

Nhân dịp đánh dấu 20 năm (2025-2005) ngày mất của triết gia thông diễn học Paul Ricoeur tôi xin đăng lại bài du ký dưới đây viết dựa trên ý tưởng của ông. Tạp chí Triết học và Tư tưởng (tapchitriet.com) đang chuẩn bị cho số chuyên về Paul Ricoeur vào năm 2025.

For if I lose myself in the world, I am then ready to treat myself as a thing of the world (Paul Ricoeur)*

Phố cổ Hội An (1/2018). Buổi chiều ở phố Cổ đã tàn. Phố đông đầy du khách. Bên dòng sông An Hội – Thu Bồn đầy nước là các quán café vỉa hè treo nhiều lồng đèn đỏ. Từ bên kia sông là đảo Cẩm Nam vang tiếng hát của một thanh niên trên một sân khấu bên bờ sông trong chương trình văn nghệ “Phát huy đạo đức Hồ Chí Minh.” Anh đang cao giọng ca bài “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên người.”

Tiếng ca tràn qua mặt sông, vang dội vào vách tường cũ màu vôi bạc cổ kính như là âm hưởng của lời ca, tiếng nhạc. Du khách hầu hết là người Âu châu, thêm số người Trung Hoa và Hàn, Nhật. Họ nhìn ra bờ sông, nghe tiếng hát như là một thể điệu dân ca nào đó chắc phải là để tăng thêm hương vị cho những chai bia đang uống.

Ngay dưới sân khấu có độ ba mươi người ngồi trên ghế nhựa chăm chú nghe. Khoảng mươi người khác ngồi trên xe gắn máy hút thuốc và trò chuyện. Hầu hết là phụ nữ và trẻ con. Anh ca sĩ mặc quân phục màu trắng. Vì người anh nhỏ con nên nhìn bộ quân phục thấy như là áo thụng. Anh ngây ngất và say sưa hát. Một người bạn đi cùng trong nhóm chúng tôi hát theo. Anh la to lên, đồng ca theo tiếng ca từ sân khấu, “Hồ Chí Minh! Hồ Chí Minh!” Anh vừa la, vừa giang tay phải lên trời, cười tươi, hăng hái.

KHI KHẨU HIỆU CHÍNH TRỊ THAY NIỀM TIN TÔN GIÁO

Trên sân khấu đã có ca sĩ mới. Một cô mặc áo dài lụa vàng mỏng manh đang hát một bài ca của phong trào Thanh niên Xung phong. Giọng ca của cô rất ngọt ngào và đầy phấn chấn. Tóc và tà áo của cô bay trong gió đêm. Đôi mắt cô triền miên nhìn vào khoảng không như là đang bị một tinh thần nào đó chiếm ngự. Anh chàng bạn bên tôi say sưa hát theo bài ca này. “Tôi vẫn thấy em như ngày nào, dù nắng nông trường làm chiếc áo bạc màu.” Anh ta đã từng nằm trong phong trào Xung phong ngày trước. Những bài ca này, đối với những người như anh, thì đã quá quen thuộc. Anh say sưa hát theo, đôi mắt đắm chìm theo hình dáng cô ca sĩ xinh xắn với hình dáng, mái tóc, y phục cổ truyền. Tôi thấy cả phía ca sĩ lẫn khán giả đang trôi dạt trong một cõi hạnh phúc hồn nhiên của con người xứ Quảng – một nơi, như bao nơi khác trên đất nước Việt Nam này, đi đâu cũng thấy tràn đầy lễ hội và âm thanh, biểu ngữ tuyên truyền.

Còn hơn tháng nữa là 3/2 – sinh nhật Đảng. Hình ảnh Hồ Chí Minh và cờ đỏ sao vàng, cờ Đảng búa liềm bay ngập các con đường. Suốt tuần qua, trên các mặt báo chí đồng loạt đăng trang đầu tin và ảnh về buổi lễ khai mạc khóa họp quốc hội mới ở thủ đô Hà Nội. Tiếp đến là hàng loạt các tin về “lễ tân” (Tình hữu nghị Việt-Lào) và các bài viết cổ động phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” cho người có công với tổ quốc.

Sắp tới sẽ là ngày Thương binh Liệt sĩ, ngày Cách mạng tháng Tám. Ở các quầy làm việc của các resorts cao cấp, các nhân viên lễ tân liên tục xin lỗi với khách hàng gọi về đặt chỗ là phòng đã hết. Cả nước tưng bừng tham gia lễ hội. Một thứ lễ hội thì cho Đảng, vì Đảng; còn một loại lễ hội khác thì cho phong trào giàu có mới của một giai cấp tư bản đang lên với túi tiền đầy. Hai thứ lễ hội vướng quyện lẫn nhau.

Dân tộc Việt Nam đang tràn ngập với hạnh phúc hồn nhiên như trẻ thơ ngày Tết. Đảng đang cố gắng bằng mọi cách duy trì mức độ và kéo dài tinh thần cái mà triết gia Paul Ricoeur gọi là “hồn nhiên thứ Nhất” – the first naiveté – một thể dạng hạnh phúc trong niềm tin đến một thẩm quyền ngoại thân của những con người ngây thơ trong văn hóa sơ khai chưa có đủ ý thức về chính mình.

Trong sự hồn nhiên nguyên thủy này, ở Việt Nam hiện nay, trên các trang báo giấy hay mạng chính thống, đầy dẫy tin tức tham nhũng tiêu cực. Nhưng ai cần những bản tin nói về bóng tối quyền lực? – tôi tự bào chữa. Thế giới lúc nào mà không đầy ẩn khuất! Nhân loại bao giờ cũng vẫn thế – đầy thối nát, dục vọng.

Mỗi con người Việt Nam là một lịch sử đầy gian nan, tai biến. Tại sao ta lại phải gặm nhấm lại một thế giới qua văn bản, ngôn ngữ, báo chí những gì mà cá nhân muốn trốn tránh? Cõi sống Việt Nam đang giống như mặt nước sông Thu Bồn kia. Nó long lanh ánh sáng. Nó che đậy tất cả những gì không đáng để nêu lên vốn đang chứa đầy trong dòng nước và dưới đáy sông.

Như những chai bia ướp lạnh với những du khách không biết tiếng Việt, hương vị cuộc sống là cái ảo giác tạm thời của một thể loại hạnh phúc hồn nhiên mà niềm tin tôn giáo nay đã nhường chức năng cho lòng nhiệt thành qua biểu ngữ chính trị.

ĐI TÌM HỒN NHIÊN THỨ HAI

Một du khách Việt kiều trong nhóm hát theo một bài ca khác từ sân khấu cùng với anh bạn kia. Anh đến từ phương xa – nơi không còn cái hồn nhiên sơ khai. Anh ta muốn nhảy vào cái hạnh phúc ngây thơ đầy niên thiếu của dân chúng miền Trung. Có lẽ anh đã đánh mất cái hồn nhiên thứ Nhất khi sinh sống ở nước ngoài. Anh muốn tìm lại cái cảm giác ngây ngô, thơ dại trong bản sắc nguyên sơ nơi con người chân chất ruộng đồng mà nay anh đã không còn nữa. Nhìn anh ta vui hát, vỗ tay, tôi lại tự phiên giải anh ta theo Ricoeur: một hiện thân cho ý chí “hồn nhiên thứ Hai” – the second naiveté.

Trong một cõi đất nước mà cái “hồn nhiên thứ Nhất” vẫn đang diễn ra trong tâm thức con người Việt Nam, khi mà linh hồn của họ vẫn là của những con chiên đang được các giáo sĩ của giáo hội Đảng làm thánh lễ ban phép lành, nhân danh thánh linh và Thiên Chúa từ lịch sử – trong khi đang cố dàn xếp để giải quyết những vấn nạn thối nát lớn lao tạo nên bởi ý chí phủ định cái ngây thơ ban đầu.

Còn những Việt kiều như anh bạn, như tôi, những con người bên ngoài cuộc vui, đã bước ra khỏi cái hồn nhiên thứ Nhất đó – và cảm thấy bơ vơ. Những khái niệm, ý tưởng về chân lý và hạnh phúc trong cõi sống xa quê hương không thỏa mãn chúng tôi. Chúng chỉ vang lên như tiếng gọi đò trên bến sông chiều vắng.

Và bên bờ nước từ nhánh sông Thu Bồn này, một số trong chúng tôi như là lần nữa, trong “hồn nhiên thứ Hai”, muốn tung thân vào âm thanh duy ý chí của tầng tâm thức thiếu niên – của “đấu tranh độc lập”, của “lãnh tụ anh minh và đạo đức Hồ Chí Minh”, của “lịch sử Đảng bách chiến bách thắng”, của “dân tộc Việt Nam kiêu hùng” – trong nét đẹp huy hòang mầu sắc lồng đèn đỏ giữa những căn phố cổ trộn lẫn đầy cái cũ và cái mới.

NHL

___

* “Bởi vì khi tôi đánh mất chính mình trong thế giới là lúc mà tôi đã sẵn sàng để đối xử với chính tôi như là một vật thể của thế giới.”

Giới thiệu tạp chí Triết học và Tư tưởng số 11: từ tập san lên tạp chí (tapchitriet.com)

Nguyễn Hữu Liêm

Tổng Biên Tập

image

 

Đúng 28 năm trước, 1996, chúng tôi, một số anh chị em ở vùng California, đã cho ra đời TRIẾT: Tập san Triết học và Tư tưởng. Trong “Lá thư Chủ nhiệm” số ra mắt, chúng tôi đã viết,

Chúng ta hãy cùng bước vào TRIẾT: Con lộ Triết học và Tư tưởng. Đây là một hành trình tìm ra phía trước cho chính chúng ta và cũng để tìm ra chính mỗi cá nhân một cơ hội và nhận thức trong bối cảnh đầy khả thể tính của thời đại… Đây là con lộ rộng mở – để đàm thoại, trò chuyện, thảo luận, để trao đổi, để truyền đạt, để hiểu thấu và phổ biến những gì khác biệt, riêng tư, của thời đại và nhân loại để cùng nhau học hỏi, tiến hóa. TRIẾT là lối đi nhiều thao thức, mang một nỗ lực thât tình để khai phá, tìm hiểu, thử nghiệm, trải thân để mở rộng chính chúng ta cho khả thể đổi thay. TRIẾT nhìn thấy giới hạn từ trong mỗi cá nhân và vô hạn của thế giới tư tưởng – sự chuyển động từ chu vi hữu hạn của mỗi chúng ta đến tính vô biên của nhân loại và thời đại chính là nội dung của TRIẾT. Đây là một cố gắng chuyển mình, tiếp cận với bối cảnh thông đạt cho con người và thời đại chung – trong ý thức rằng dân tộc Việt nằm trong tổng thể thời tính của nhân loại nầy. TRIẾT là con lộ đi tìm sự gần kề đó bằng Việt ngữ.

Đó là ý tưởng ban đầu. Tuy nhiên, khi đi vào thực tiễn xuất bản và phát hành, chúng tôi đã gặp nhất nhiều trở ngại. Khó khăn đầu tiên là bài vở. Chúng tôi muốn có một tạp chí chuyên môn, thuần học thuật cho triết học và các lãnh vực gần với triết học. Khi các thế hệ tác giả triết học và tư tưởng ở hải ngoại dần dần đi vào tuổi xế chiều thì số lượng bài vở đủ chất lượng cho một tạp chí chuyên môn như TRIẾT trở nên khan hiếm trầm trọng. Vì lý do đó, TRIẾT đã phải ngừng xuất bản sau bốn số phát hành.

Nhờ cơ duyên mới, nhất là với sự khuyến khích và tham gia của Ts Nguyễn Lê Tiến trong vai trò quản trị và kỹ thuật, năm 2021, TRIẾT đã được tục bản từ số 5, qua hình thức lên mạng với trang nhà tapchitriet.com. Như quý vị nhận thấy, Ban Biên Tập vẫn cố gắng duy trì chất lượng chuyên môn cho TRIẾT – dù bài vở chuyên môn, thuần triết học và tư tưởng vẩn còn là một thử thách lớn. Các số gần đây nhất liên tục bị trì hoãn vì không có đủ số bài đúng tiêu chuẩn.

Cuối năm 2023, qua trung gian của Giáo sư Trần Văn Đoàn (Đại Học Quốc Gia Đài Loan & Academia Catholica, Đại Học Phụ Nhân, Đài Loan), TRIẾT đã ký văn bản ghi nhớ cộng tác với Trung Tâm Nghiên Cứu Việt Nam tại Đại Học Quốc Gia Thành Công (National Cheng Kung University) của Đài Loan do Giáo sư Tưởng Vi Văn, một học giả Việt học và Đài Loan học nổi tiếng, điều hành. Việc được Đại Học Quốc Gia Thành Công, một trong 200 đại học hàng đầu thế giới (theo bảng xếp hạng của QS và THE) và tốp 4 của Đài Loan, công nhận và hợp tác nói lên tính chất khoa học nghiêm túc của TRIẾT.

Kể từ số 11 này TRIẾT sẽ chính thức là một Tạp chí Nghiên cứu do Trung Tâm Nghiên Cứu Việt Nam của Đại Học Thành Công đứng tên xuất bản.

https://cvs.twl.ncku.edu.tw/index.php?option=module&lang=cht&task=pageinfo&id=348&index=1

Ở Hà Nội, cũng qua trung gian của Gs Đoàn, TRIẾT đã làm việc với Khoa Triết HọcTrung Tâm Tôn Giáo Đương Đại của Trường Đại Học Khoa Học Xã Hội Nhân Văn thuộc Đại Học Quốc Gia Hà Nội và được nhiều nhà triết học tâm huyết của Trường cũng như của Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội Việt Nam và Đại Học Sư Phạm Hà Nội ủng hộ và sẵn sàng tham gia Ban Biên Tập hay Ban Cố Vấn của TRIẾT. TRIẾT vinh dự được Phó Giáo sư Nguyễn Quang Hưng (một nhà triết học và học giả tôn giáo nổi tiếng, nguyên giám đốc Trung Tâm Tôn Giáo Đương Đại tại Đại Học Khoa Học Xã Hội Nhân Văn) nhận giúp trong vai trò Phó Tổng Biên Tập Thường Trực cho TRIẾT với sự góp tay của Ts Trần Thúy Ngọc (Viện Triết Học, Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội Việt Nam) và Ts Ngô Đăng Toàn của Đại Học Khoa Học Xã Hội Nhân Văn trong vai trò Trị sự về bài vở ở trong nước.

Để TRIẾTNgôi Nhà Chung của giới triết học trong và ngoài nước, thuần túy học thuật, không phân biệt quan điểm chính trị, tôn giáo, chủng tộc, quốc tịch, chúng tôi đã mời nhiều nhà triết học, học giả về các lãnh vực liên quan hay gần gũi với triết học – như triết học tôn giáo, nhân văn, mỹ học – tham dự vào biên tập, duyệt bài và cố vấn. Ngoài Ban Điều Hành, TRIẾT còn có Hội Đồng Biên Tập (HĐBT) và Hội Đồng Cố Vấn (HĐCV). TRIẾT hân hạnh được Ts Dương Ngọc Dũng (Đại Học Hoa Sen) giúp trong vai trò Chủ tịch HĐBT trong khi Gs Trần Văn Đoàn (Đại Học Quốc gia Đài Loan & Academia Catholica, Đại Học Phụ Nhân Đài Loan) nhận làm Chủ tịch HĐCV.

Chúng tôi cũng đã có mã ISSN của Thư viện Quốc hội Hoa kỳ. Khi đã là một Tạp chí chuyên ngành đúng chuẩn mực quốc tế từ chất lượng bài vở đến quy trình điều hành, các tác giả đăng bài sẽ nhận được tín chỉ xuất bản trong ngành của mình.

Từ nay, quy trình làm việc, từ tiếp nhận bài vở đến biên tập, chúng tôi sẽ làm việc quy cũ hơn, theo đuổi quy chuẩn học thuật của một tạp chí chuyên ngành. TRIẾT không còn là đứa con Việt ngữ trôi dạt vô định, mà đã có căn nhà ở Á châu và Việt Nam. Với sự tham dự của các giáo sư và học giả trong nước, TRIẾT nay đã trở về lại quê nhà trong vòng tay rộng mở của cộng đồng nhân văn Việt. Đây là một hồi sinh lần thứ hai cho TRIẾT.

Số 11 mà quý vị đang đọc là số chuyển tiếp từ Tập san lên Tạp chí. Bắt đầu từ số 12 phát hành tháng Bảy năm nay, TRIẾT sẽ chính thức là một Tạp chí Triết học và Tư tưởng với nội dung và hình thức mới.

Kính mong độc giả tiếp tục đón nhận TRIẾT như từng đã và xin mời đóng góp bài vở nhằm xây dựng cho Tạp chí được gia tăng chất lượng học thuật và cho ngành triết học Việt Nam được phát huy rộng lớn hơn.

 

Trân trọng,

MOU with Cheng Kung University-Viet Studies Center

Ký biên bản với GS Tưởng Vy Văn (phải), Đại học Chengkung, Taiwan với vai trò Nhà Xuất bản Tạp chí Triết học và Tư tưởng. GS Trần Văn Đoàn ở giữa

Tọa đàm ra mắt sách “Lịch sử đã đến hồi chung cuộc?”

 

D:\PBT\Trust\logo\TrustBooks Logo_Black-05.png

THÔNG CÁO BÁO CHÍ

TỌA ĐÀM RA MẮT SÁCH

LỊCH SỬ ĐÃ ĐẾN HỒI CHUNG CUỘC?

Khảo Cứu Tư Tưởng Hegel, Kojève Và Fukuyama

Và Viễn Kiến Mới Cho Triết Học Lịch Sử

 

TP.HCM, ngày 21/01/2024 – Công ty Sách Trustbooks phối hợp cùng Trung Nguyên Legend – Cà phê thứ 7 tổ chức buổi tọa đàm ra mắt sách của tác giả Nguyễn Hữu Liêm, cùng với sự tham gia của Tiến sĩ Dương Ngọc Dũng (chủ trì) với chủ đề LỊCH SỬ ĐÃ ĐẾN HỒI CHUNG CUỘC? trong tư tưởng của Hegel, Kojève, Fukuyama, đồng thời trình bày viễn kiến mới cho triết học lịch sử.

Continue reading “Tọa đàm ra mắt sách “Lịch sử đã đến hồi chung cuộc?””

Bước vào hiện tượng con người: Một ý nghĩa cho ngày Phật Đản

Nguyễn Hữu Liêm

Rằm tháng Tư âm lịch, tức 3 tháng 6 dương lịch năm nay, 2023, là ngày lễ Phật Đản. Câu chuyện về đức Phật Thích Ca Mâu Ni đản sinh là một tác phẩm biểu tượng và ẩn dụ ngoạn mục.

Chuyện kể vầy. Vùng đất mang tên Jambudvipa, ngày nay được biết đến là bắc Ấn Độ, 2567 năm trước, là nơi tập hợp của nhiều vương quốc lớn nhỏ. Một trong những vương quốc đó là Kapilavastu (Ca Tỳ La Vệ), nằm dưới chân núi Himalayas (Tuyết Sơn), bắc ngạn của dòng sông Tapti. Cai trị quốc vương này là vua Suddhodana (Tịnh Phạn), thuộc dòng họ Sakya (Thích Ca). Họ này có tên chung là Gotama (Cồ Đàm). Hoàng hậu là Maha Maya (Vô Minh Lớn).

Continue reading “Bước vào hiện tượng con người: Một ý nghĩa cho ngày Phật Đản”

Cái chết của triết gia tiếng Việt – Thư Chủ nhiệm tạp chí Triết (tapchitriet.com)

Nguyễn Hữu Liêm

Đầu tiên là một lời xin lỗi cùng quý độc giả vì TRIẾT số 10 đã không lên mạng đúng thời hạn vào đầu năm nay. Lý do thì chắc bạn đọc cũng biết: thiếu bài vở.

Nếu đổ lỗi thì nó như vầy. Đây là vấn đề đơn giản – nhưng nó là một cơn bệnh kinh niên của thời đại và thế hệ. Không còn ai để tâm vào chuyện học thuật công phu nữa. Thế hệ viết triết bằng tiếng Việt ở hải ngoại đang dần dần ra đi. Thế hệ trẻ hơn thì đang bận tâm với các dự án ngôn ngữ bên ngoài lãnh vực triết học và tư tưởng. TRIẾT như đang là một cụ bà 90 tuổi cố níu kéo hoàng hôn ngôn từ vào chặng cuối đời mình.

Continue reading “Cái chết của triết gia tiếng Việt – Thư Chủ nhiệm tạp chí Triết (tapchitriet.com)”

Trong hồn nhiên thứ nhất

For if I lose myself in the world, I am then ready to treat myself as a thing of the world (Paul Ricoeur)*

Nguyễn Hữu Liêm

Phố cổ Hội An. Buổi chiều ở phố cổ đã tàn. Phố đông đầy du khách. Bên dòng sông An Hội – Thu Bồn đầy nước là các quán café vỉa hè treo nhiều lồng đèn đỏ. Từ bên kia sông là đảo Cẩm Nam vang tiếng hát của một thanh niên trên một sân khấu bên bờ sông trong chương trình văn nghệ “Phát huy đạo đức Hồ Chí Minh.” Anh đang cao giọng ca bài “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên người.”

Continue reading “Trong hồn nhiên thứ nhất”

ChatGPT: Ảo vọng toàn năng và tương lai toàn trị

Nguyễn Hữu Liêm

(TS Nguyễn Hữu Liêm đánh giá cơn sốt ChatGPT hiện nay từ góc độ triết học để hình dung đến một nước Việt Nam vào năm 2030).

Trong cuốn Homo Deus: A Brief History of Tomorrow, (2017), sử gia Do Thái Yuval Noah Harari viết rằng giống loài nhân loại Homo sapiens như là chúng ta biết đã đi hết giai thời của nó và sẽ trở nên vô nghĩa trong tương lai. Bởi vì công nghệ điện toán thông minh nhân tạo – Artificial Intelligence (AI) – sẽ giải quyết hầu hết những vấn nạn mà con người thời nay đang cố tìm câu trả lời.

Continue reading “ChatGPT: Ảo vọng toàn năng và tương lai toàn trị”

Hay ho chi bóng đá

Nguyễn Hữu Liêm

Một trận bóng đá cũng giống như là một vở kịch lớn ở hí trường, với một câu chuyện lớn được kể qua phương cách trình diễn của những vở kịch nhỏ, bao gồm những mẩu đời bi tráng của từng nhân vật tham dự, vờn nhau trên sân cỏ, từng cặp, quấn quýt lẫn nhau, theo từng bước chạy, hiển lộ những kết cuộc bất thường.

Nhà bình luận thể thao Mỹ Lawrie Mifflin đã từng nhận xét như vậy. Bóng đá, hay là túc cầu, soccer hay football, là một hoạt cảnh đầy hương vị, đầy sinh động, chất đầy từng phút giây, mà những ai đã rơi vào màn kịch này thì không thể thoát ra được. Cho dù suốt cả trận chơi mà kết quả không có một điểm phá lưới nào, trận chiến túc cầu vẫn cứ hấp dẫn. Cái khoái lạc của bóng đá là sự liên tục, không ngừng nghĩ của tác hành – mà vở kịch cứ như là bên bờ của một kết quả ngoạn mục và không tiên đoán được.

Continue reading “Hay ho chi bóng đá”

Nấu gà tây dịp lễ Tạ Ơn ở Mỹ: Hướng về một văn minh lao động mới

Nguyễn Hữu Liêm

Every stick has two ends: one points to heaven, the other hell.

(Mỗi khúc cây đều có hai đầu: một hướng thiên đường, kia địa ngục). (Ngạn ngữ Anh)

Liem's Photo (blue shirt)

 

Lễ Thanksgiving (Tạ ơn) của người Mỹ bắt đầu từ năm 1621 để cảm tạ Trời Đất bởi dân di cư Âu châu khi mới sang vùng Bắc Mỹ, vốn mong có đời sống mới nhiều tốt đẹp hơn. Ở giai đoạn đầu khi di dân Anh Quốc sang vùng đất này, gà tây (turkey) hoang dã to béo là nguồn thực phẩm dễ kiếm. Khi Alexander Hamilton, một nhà sáng lập nước Hoa Kỳ ở thế kỷ 18, tuyên bố, “Không một công dân Mỹ nào từ chối thịt gà tây vào ngày Tạ ơn!” thì con chim to lớn nặng nề đã trở thành thực đơn cho truyền thống này.

Continue reading “Nấu gà tây dịp lễ Tạ Ơn ở Mỹ: Hướng về một văn minh lao động mới”

Hãy cẩn trọng khi đọc triết: Trường hợp Nietzsche và Wittgenstein

Nguyễn Hữu Liêm

(Thư Chủ nhiệm, TRIẾT số 9, tháng 10, 2022).

Thân mời độc giả của TRIẾT bước vào những trang tập san cho số mùa Thu năm nay. Cũng như là mùa Thu, các bạn cũng thấy, bài vở cho số 9 nầy thật là khiêm tốn – nhưng chất lượng thì vẫn như các số trước với các công trình sáng tác và dịch thuật công phu, mang giá trị học thuật cao. Mời độc giả suy niệm các bài viết của những tác giả uy tín bao gồm Trần Văn Đoàn, Lưu Hồng Khanh, Tôn Thất Thông và hai bản dịch triết học của Quinne và Kripke bởi Trần Đình Thắng và ĐàoThị Hồng Hạnh.

Đôi giòng tâm sự: Cá nhân tôi, trong chuyến về nước hồi tháng trước đã nhận thấy sự quan tâm cao độ đến triết học và tư tưởng, nhất là trong giới trẻ. Ngay cả trong thành phần chuyên môn, những nhân vật khoa bảng trong các lãnh vực khoa học và xã hội nhân văn cũng tham gia những buổi nói chuyện về các đề tài triết học. Có người đã mời giáo sư triết học về nhà giảng dạy riêng về môn triết cho họ. Giới trí thức nay nhận ra rằng khi ta suy nghĩ về đề tài nào đó, tối hậu thì cũng phải đi vào các nguyên lý triết học. Nhất là giới viết văn, làm thơ, cũng muốn trình bày những câu chuyện vượt qua tầm mức và trình độ mô tả, kể chuyện, hay than vãn, lên án – nhằm khai mở một chân trời triết lý cho câu chuyện của tác phẩm. Không ai có thể thoát và tránh được triết học. Minh triết là nguồn sáng cho trí tuệ, cho ý chí, cho nhân ái và từ bi – và cũng là căn nguyên cho hạnh phúc.

Khi chúng ta tham dự vào câu chuyện triết học là khi chúng ta chia sẻ vào Chân Thức nơi Sat-Chit-Ananda khởi nguồn. Có nghĩa rằng khi đọc và suy niệm triết học, ta tham dự vào nguồn căn nguyên của sự Hữu, Ý thức, Hoan lạc – Being, Consciousness, Bliss. Đó là methexis mà Plato nói đến. Khi ta tồn tại, có ý thức, được hạnh phước, hay chịu khổ đau, tất cả đều tùy vào mức độ mà cá nhân ta chia sẻ và tham dự vào Chân Nguyên Satchitananda.

Đó là siêu hình học. Một lối suy thức cổ điển mà trí thức ngày nay không muốn tham dự vào. Triết học Tây phương nay đã tự cho là nó đã thoát ra khỏi vòng mê ảo của huyền thoại chân lý mang mầu sắc huyền bí và thần linh. Thay vào đó, triết học ngày nay là nàng dâu của khoa học thực nghiệm – tức là chia sẻ dự án đi tìm nguyên lý và quy luật vũ trụ bằng cơ năng thân xác trong tư thế cá nhân, xã hội và sử tính.  Con người thời đại không còn niềm tin vào siêu hình học và tôn giáo vì họ cho rằng khoa học thực nghiệm đã đóng vai trò truy cứu chân lý mà không cần đến huyền thoại. Triết học, trong trào lưu đó, chỉ là những công việc khai sáng những mệnh đề về thực tại cung cấp bởi giới khoa học. Khoa học gia là giai cấp giáo sĩ mới đầy thẩm quyền, độc quyền chân lý, cho tôn giáo thực nghiệm.

Qua chuyến đi, tôi nhận thấy là giới trí thức Việt ngữ bắt đầu tham dự vào triết học rất hào hứng – nhưng có vẻ như là còn thiếu cơ bản học thuật. Họ vẫn còn mơ màng trong cơn say chữ nghĩa mang chất liệu thi ca huyền hoặc của giới văn chương Sài Gòn trước 1975. Và phong trào đọc Nietzsche đang lên cao hiện nay như là biểu dấu của ý chí phủ quyết thực trạng xã hội và giá trị lịch sử vốn theo họ đang nhấn chìm bản thân cá nhân và quốc gia.

Đó là điều hay và đáng ghi nhận – với ít nhiều quan tâm. Nietzsche là một triết gia phủ quyết, là kẻ đánh thức bằng cách đánh đổ huyền thoại quá khứ gần kề – trong khi tôn sùng vào dĩ vãng vàng son thượng cổ Hy Lạp, như là kẻ sĩ Trung Hoa mơ về thời đại Nghiêu Thuấn. Muốn hiểu Nietzsche thì cần phải hiểu cơ bản lịch sử triết học và tôn giáo Tây Âu. Nếu không nắm được cơ bản học thuật đó, ta sẽ bị mê hoặc vào những câu văn mơ hồ, huyền hoặc, mang tính chất thần chú, nặng mùi thi ca – hơn là minh triết trên cơ sở lý tính. Đọc Nietzsche nếu không tỉnh táo thì ta dễ bị rơi vào mê hồn trận thi ca, cứ như đọc Bùi Giáng hay Phạm Công Thiện thưở xưa khi trí thức Việt ngữ còn ở một thời quán hỗn mang ngây ngô.

Tức là, nói theo Karl Jaspers, lề lối suy tư của Nietzsche phát xuất từ một giai thời chuyển động của sử tính khi mà căn nguyên văn minh Tây Âu đang bị từ chối – nhưng rồi để chỉ đưa Nietzsche đi vào ngõ cụt.  “Nietzsche không biết tính trong sáng của tình yêu, nhưng nói nhiều về khả năng làm ngu muội của nó; không nhận thức được tình thương, từ bi trong liên hệ đến thể tính siêu nghiệm, mà chỉ nói đến tình yêu như là niềm khao khát, đam mê, chỉ là động cơ thuần tâm lý. Nietzsche không biết đến niềm hoan lạc đến từ căn nguyên sử tính mà chỉ thấy đâu đâu cũng chỉ là hiện thân cho ý chí quyền lực, không biết đến niềm hạnh phước mà từ bi mang lại mà chỉ coi đó như chỉ là nguồn gốc cho khả thể sáng tạo” – Jaspers nhận xét. Theo Jaspers thì It takes love to know love – muốn hiểu tình yêu thì ta phải biết yêu. Đọc Nietzsche ta phải cảnh giác khả năng cám dỗ vào hố đen thuần phủ định, cay đắng, hàm hồ và hoang tưởng. Nếu Nietzsche là cha đẻ của cái gọi là “hậu hiện đại” hay “giải cấu trúc” thì những đứa con rơi của ông ta là cả một lũ thiếu niên đi quậy phá đập bỏ những đền thờ linh thiêng nơi đã giữ gìn giềng mối trật tự và hạnh phúc cho làng xóm.

Văn minh và văn hóa Việt có rất nhiều điều mà ta cần phủ định và vươn thoát – nhưng không phải theo tinh thần hoang tưởng, vĩ cuồng đầy tiêu cực – dù xuất thần – như là của Nietzsche. Vậy, muốn đọc Nietzsche ta phải khởi đi từ tư tưởng triết học cơ bản và nắm vững cơ sở logic và tư duy phê phán. Nếu không, chúng ta cứ lập lại phong trào văn triết hoang đường và ngây ngô thưở truớc – vốn chỉ dành cho tuổi thiếu niên chưa trưởng thành về tính khí cũng như là tri thức. Đó là chưa nói đến nạn hoang tưởng và vĩ cuồng, nửa tỉnh nửa mê, nửa trí thức nửa u muội, của một vài doanh nhân và trí thức Việt hiện nay. 

Và Wittgenstein. À ha! Vâng, triết gia gốc Áo nầy nay cũng đang được đọc ở Việt Nam – nhờ công lao phiên dịch của Trần Đình Thắng. Cả giới triết học Anh Mỹ đã một thời tôn sùng Wittgenstein quá mức – như giới trí thức lục địa Âu châu đã từng tôn thờ Karl Marx. Nhưng cũng như là với Nietzsche, dù nội dung rất khác nhau, nhưng chàng Wittgenstein nầy cũng đã đóng vai phủ định như Marx và Neitzsche vậy. Theo Wittgenstein thì tất cả cả chỉ là trò chơi ngôn ngữ. Nhân loại hoàn toàn không có nan đề triết học – mà chỉ là sự lạm dụng ngôn ngữ. Để rồi chàng ta đem những công án logic và ngôn ngữ ra để khêu ghẹo giới trí thức nhàm chán Tây phương. Từ Tractatus đến Investigations chỉ có hai câu hỏi. Làm thế nào để ngôn ngữ tiếp xúc được với thực tại? Làm thế nào để giải ảo triết học bằng cách sử dụng ngôn từ? Wittgenstein là một triết gia khá quan trọng nhưng được đánh giá quá cao – overrated. Đọc Wittgenstein ta học được kỹ năng phân tích, phản biện, giải cấu – nhưng không có một nội dung chất lượng minh triết về thực tại, về sử tính, về các câu hỏi siêu hình vốn là giá trị triết học mà ta không thể bỏ qua bằng cách phân tích ngôn ngữ.

Trong một lần bàn chuyện gần đây ở Sài Gòn với một trí thức đại học, anh nói rằng từ khi đọc Wittgenstein, anh đã bỏ qua hết triết học Tây phương. Đây là câu nói nêu lên cái nan đề triết học mà tôi nói ở trên: Tinh thần phủ định giá trị từ các triết gia phủ định tạo tác cho trí thức một thái độ đầy dấu trừ trống rỗng, một tinh thần phế bỏ tất cả để làm hành trang sinh hữu cho sứ mệnh tri kiến – như là một chú tiểu mới đi tu trong chùa cứ cho rằng vạn sự đều là “không.” Đó là chưa nói đến thói tật lười biếng đọc và suy tư để tự nghĩ rằng triết học có chi mô mà phải mất công nghiên cứu. Wittgenstein cũng như Nietzsche là hai triết gia lừng danh – nhưng đọc mà tin hết vào họ thì thà không đọc họ. Ta phải đọc các triết gia thể loại nầy với đầu óc phê phán, phản biện, và phải biết đặt họ trong bối cảnh lịch sử, thời đại, ngôn ngữ và truyền thống triết học Tây phương. Nếu không, ta sẽ như là một thiếu niên mới bắt đầu học võ, đứng tấn và đi bài quyền cơ bản chưa xong mà đã đòi nhảy đá song phi hay đấm vỡ gạch đá ở trình độ đai đen.

Nhưng cái gì cũng có hai mặt. Biết đâu, cái vĩ cuồng điên loạn của Nietzsche, cái tinh thần phế bỏ siêu hình học bằng phân tích ngôn từ của Wittgenstein ít ra là cũng đang tạo nên một niềm hứng thú để quyến dụ người đọc tiếng Việt đi vào thế giới chữ nghĩa. Ở đây, tôi chỉ muốn nhắc nhẹ.

(Nhân tiện ở đây tôi xin đề nghị. Cho các bạn đọc triết chuyên môn, nếu muốn cập nhật về triết học thì có ba triết gia đương thời cần phải đọc. Về siêu hình tổng hợp thì có triết gia Mỹ Ken Wilber với cuốn Sex, Ecology, Sprituality – The spirit of evolution (Shambhala: 2000). Về triết học ý thức (consciousness) thì David J. Chalmers với cuốn The Character of Consciousness (Oxford: 2010) và cuốn mới nhất Reality – virtual worlds and the problems of philosophy (Norton: 2022). Về triết học khoa học thì có Sabine Hossenfelder với Existential Physics – a scientist’s guide to life’s biggest questions (Viking: 2022). Cũng xin nói thêm rằng khi đã nắm vững và quen đọc triết thì khi đọc các tác giả ở tầm mức học giả và sử gia như Francis Fukuyama, Yuval Noah Harari… các bạn sẽ thấy không đủ “đô” vì các tác phẩm của họ, dù chứa đựng nhiều kiến thức bổ ích, nhưng rất thiếu vắng bình diện khái niệm và nguyên lý).

Trở lại với TRIẾT số 9 nầy. Như tiêu đề của tạp chí nêu rõ, TRIẾT bao gồm triết học và tư tưởng. Thế nên chúng tôi đã từng đăng những bài không thuần triết học, nhưng hội đủ giá trị và tiêu chuẩn học thuật cho một tạp chí nghiêm túc. Mong rằng, lần nữa, số 9 nầy, lượng thì khiêm tốn, nhưng phẩm chất thì hy vọng sẽ được quý độc giả hài lòng, không bỏ công đọc và suy tưởng.

Trân trọng.

NHL

Chiến tranh là da thịt lịch sử

Nguyễn Hữu Liêm

Thế các ngươi nghĩ rằng ta đến để mang hòa bình cho thế gian? Không! Ta đến để mang phân-rẽ.” (Luke 12)

Cộng hòa Liên bang Nga dưới sự chỉ đạo của Vladimir Putin đã chính thức xâm lăng Ukraine. Chiến tranh bùng nổ. Âu châu sau nhiều thập niên hòa bình, nay cung nhịp lịch sử đã chuyển hướng. Chuyện bất bình thường – của xâm lược, chiến trường đẫm máu, hủy hoại tang thương, chết chóc bi thảm – hôm nay trở lại khung trời Âu châu.

Continue reading “Chiến tranh là da thịt lịch sử”

Khủng hoảng Phật giáo Việt Nam và sự suy tàn Đế chế chính trị

Nguyễn Hữu Liêm

Hiện nay đang có nhiều ý kiến cho rằng ở Việt Nam, dù không chính thức, nhưng Đảng Cộng sản đã coi Phật giáo như quốc giáo. Đi theo những hiện tượng suy thoái của đạo Phật là văn hóa tôn giáo nặng về hình thức và lễ nghi, trong khi nội dung đạo học và tu chứng dần khô cạn. Tăng sĩ thì rất đông, chùa chiền lớn và nhiều, nhưng đời sống tinh thần theo giáo lý thì nông cạn và thoái hóa.

Continue reading “Khủng hoảng Phật giáo Việt Nam và sự suy tàn Đế chế chính trị”

Thích Nhất Hạnh (1926-2022): Người đánh khẽ tiếng chuông tỉnh thức cho thế giới

(Để tưởng niệm Thầy, xin đăng lại bài này)

Nguyễn Hữu Liêm

Trong suốt quá trình lịch sử Việt, trên bình diện triết và đạo học, trí thức Việt chỉ có giao lưu với thế giới Âu Mỹ trên con lộ một chiều. Văn hóa Việt chỉ du nhập và tiếp thu những sản phẩm tư tưởng từ Tây phương – chứ chưa hề có nhân vật nào có khả năng khai mở một dòng tri thức từ Việt Nam để đem gieo giống tư duy ra hải ngoại. Thiền sư Thích Nhất Hạnh (Nhất Hạnh) có lẽ là người đầu tiên và duy nhất đã làm dược chuyện này.

Continue reading “Thích Nhất Hạnh (1926-2022): Người đánh khẽ tiếng chuông tỉnh thức cho thế giới”

Họ không là loài thú – Vài lời với cô Đoan Trang và Tổng bí thư Trọng

Nguyễn Hữu Liêm

Phạm Đoan Trang: Chín năm; Trịnh Bá Phương: 10 năm; Nguyễn Thị Tâm: Sáu năm. Và còn Cấn Thị Thiêu, Trịnh Bá Tư, Lê Quốc Hùng. Và còn nhiều nữa. Những bản án chính trị khắc nghiệt, bất công, và bất hợp hiến vẫn tiếp tục.

Continue reading “Họ không là loài thú – Vài lời với cô Đoan Trang và Tổng bí thư Trọng”

Nhớ đến 1/11/1963: Vài suy nghĩ về ông Ngô Đình Diệm

Nguyễn Hữu Liêm

Nhắc lại chuyện xưa

Một ngày đầu tháng 11, 1963, khi còn là một đứa trẻ bảy tuổi ở vùng quê Quảng Trị, tôi còn nhớ đến chuyện ông nội tôi thông báo rằng ông nghe tin là ông Diệm đã bị truất phế và bị giết.

Hôm sau đến trường, sắp hàng chào cờ, chúng tôi không còn hát bài “Suy tôn Ngô Tổng thống” như mọi khi. Thầy hiệu trưởng lên thông báo là ông Diệm và bào đệ Ngô Đình Nhu đã bị lật đổ. Và ông nói, “Chúng ta phải mang ơn Hội Đồng Quân nhân Cách mạng (HĐQNCM).” Cả sân trường im lặng. Chúng tôi ngơ ngác không biết chi cả. Về đến nhà, ông nội tôi gỡ ảnh ông Diệm trên tường xuống và đốt cháy mấy tập sách ca ngợi “cụ Ngô.” Khi đến Chùa làng cuối tuần, cả khuôn hội họp lại trên chiếu trước bàn thờ Phật, các bô lão Phật tử cũng hoang mang. Hình như họ có vẻ thương tiếc ông Diệm và không hiểu chuyện gì đã xảy ra.

Continue reading “Nhớ đến 1/11/1963: Vài suy nghĩ về ông Ngô Đình Diệm”

Khi người Cộng sản nhân danh vô sản làm chủ nhiều tài sản

Nguyễn Hữu Liêm

Trong The Owl at Dawn (SUNNY, 1995), triết gia Andrew Cutrofello viết về Thời quán Duy vật biện chứng như là một bước chân Mới của Chân Tâm trên hành trình Trở về chính Mình – khi Ngã thức cá nhân giã từ đức tin Tôn giáo và Khoa học để tìm đến chân lý trong Ý chí Chính trị và Cách mạng – rằng,

“Sự sụp đổ của tri kiến tuyệt đối – mà Hegel nhân danh qua Hiện tượng luận – đã nhường bước cho sự rút lui của Ngã thể cô đơn. Cũng như là các tâm hồn cao thượng vốn không có hạnh phúc, cái ta rơi xuống đáy vực tuyệt vọng để rồi hắn có thể xưng hô niềm bất hạnh của mình. Bằng cách xưng tội, hắn tự trách chính mình – vì khả thể dung hợp với Đại thể tính của thời đại đã bị bỏ mất cơ hội.

Continue reading “Khi người Cộng sản nhân danh vô sản làm chủ nhiều tài sản”

Thư của luật sư Nguyễn Hữu Liêm đề nghị cải cách sâu gởi Bộ Chính Trị

Đây là lá thư tôi gởi BCT qua đường dây Lãnh sự Việt Nam tại Hoa Kỳ (ANOTHER VERSION ĐÃ ĐƯỢC ĐĂNG TRÊN MẠNG TRƯỚC ĐÂY) và nghe báo tin là đã nhận được – và báo Nhân Dân có phản hồi gián tiếp không tiêu cực!

Kính gởi: Bộ Chính Trị Đảng Cộng Sản Việt Nam

Vào cuối năm 2020, khi phát biểu chỉ đạo Ủy ban soạn thảo văn kiện cho Đại hội 13, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu họ nhìn về tương lai gần và xa để tiên liệu và phác họa một viễn cảnh chính trị và quyền lực cho Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN). GS Trọng muốn nhìn xa đến 40-50 năm về phía trước và nói, “Khó lắm các đồng chí ạ!” Cái khó ở đây có phải là sự giới hạn về tầm nhìn của cán bộ tư tưởng, hay là khả năng tồn tại của Đảng cho một viễn cảnh dài lâu như thế?

Continue reading “Thư của luật sư Nguyễn Hữu Liêm đề nghị cải cách sâu gởi Bộ Chính Trị”

TRIẾT: Tập san Triết học và Tư tưởng, số 5 tục bản

Chủ nhiệm: Nguyễn Hữu Liêm

Chủ bút: Dương Ngọc Dũng

Cố vấn Học thuật: Như Hạnh

Giám đốc Điều hành và Kỹ thuật:  Nguyễn Lê Tiến

Mục Lục số 5

1. Thư Chủ nhiệm – Nguyễn Hữu Liêm
2. Suy nghĩ về Triết – Như Hạnh Nguyễn Tự Cường   
3. Học Triết như thế nào – Dương Ngọc Dũng
4. Phê trình Triết lý Giáo dục Công cụ – Trần Văn Đoàn
5. Giới thiệu Lý Đông A – Đoàn Viết Hoạt
6. Diodore: Khi luận lý làm chủ Triết học – Nguyễn Hoài Vân
7. Dẫn nhập nghiên cứu Kinh Lăng Già – Như Hạnh Nguyễn Tự Cường
8. Hoàng Đế Tứ Kinh – Phát hiện mới nhất về tư tưởng Hoàng Lão – Dương Ngọc Dũng
9. Giới thiệu “Một lý thuyết về Công lý” của John Rawls và "Tractatus-Logico-Philosophicus” của Ludwig Wittgenstein – Nguyễn Hữu Liêm
10. Và các bài khác…

Chúng tôi hân hạnh được tục bản tập san TRIẾT: Tạp chí Triết học và Tư tưởng. Đây là số 5 với phiên bản mới online. Sau hơn 20 năm vắng mặt, chúng tôi tưởng rằng TRIẾT sẽ không bao giờ được tục bản. Việc xuất bản một tập san chuyên môn, bằng Việt ngữ ở hải ngoại qua hình thức báo giấy như từ số 1 đến số 4, đã là một công việc vô cùng khó khăn, từ tài chánh đến phát hành. Nay nhờ vào kỹ thuật internet, việc phát hành online đã trở nên dễ dàng hơn nhiều.

Trước hết, TRIẾT xin cám ơn anh Nguyễn Lê Tiến, Tiến sĩ Vật lý từ Đại học Munchen, Đức quốc, đã khuyến khích tục bản Tập san và đảm trách phần quản lý và kỹ thuật – một công việc đòi hỏi nhiều công sức và thời gian. Mong độc giả gởi đến Tiến sĩ Tiến một tràng pháo tay hoan nghênh.

Hai mươi năm là cả một thế hệ đời người. Phần lớn anh em trong ban Biên tập nay đã vào tuổi nghỉ hưu, sức khỏe và lòng nhiệt thành cũng đã giảm đi nhiều. Không những thế, nhiều người chúng tôi cũng đã có cái nhìn khác về Triết học và Tư tưởng. Tuy thế, chúng tôi vẫn nghĩ rằng một tập san tiếng Việt chuyên môn cho lãnh vực Triết học vẫn là điều cần thiết trong bối cảnh thiếu vắng một cơ sở học thuật tự do và độc lập cho một ngành rất thiết yếu cho nhu cầu phát huy tư tưởng theo tiêu chuẩn học thuật nghiêm chỉnh.

Triết học thuộc về lãnh vực chuyên ngành, mang tính học thuật cao, đòi hỏi trình độ và phẩm chất hàn lâm – và người tham dự phải đã được huấn luyện theo tiêu chuẩn khoa học. Triết không như văn chương hay thi ca vốn tràn ngập các diễn đàn tiếng Việt từ trong nước đến hải ngoại bấy lâu nay. Ai trong người Việt cũng có thể viết truyện ngắn, bút ký, sáng tác thơ – nhưng nếu không được huấn luyện chuyên môn trong ngành Triết thì không thể hiểu Triết hay viết Triết. Triết cũng không phải là một ngành về đạo học, huyền bí học, hay các lãnh vực tương tự. Ai đó có thể tự xưng mình là người hiểu biết và có thể viết về, ví dụ, Bát Nhã Tâm Kinh, về Dịch Lý, về Tân Ước – nhưng đó chưa phải là Triết học. Chúng ta đã có quá nhiều nhà văn, thi sĩ, nhà đạo học vốn bàn những vấn đề mà chúng tôi nghĩ là thiếu cơ sở học thuật, lý tính và khoa học cơ bản. Triết là một khoa học như các nghành khoa học Tây phương khác vốn đặt cơ sở trên lý luận, logic, và theo quy tắc và nguyên lý học thuật mà truyền thống Triết học thế giới đã xây dựng từ hằng ngàn năm qua.

Trong số này, hai tác giả Như Hạnh và Dương Ngọc Dũng – ngoài hai bài nghiên cứu công phu – sẽ cống hiến cho độc giả một cái nhìn chuyên môn về nghành Triết học – cũng như đánh giá lại gia tài Triết học của miền Nam Việt Nam trước 1975 với những ưu điểm và rất nhiều khiếm khuyết. Một trong những nhược điểm được tác giả Như Hạnh nêu lên, với thí dụ của các nhân vật như Phạm Công Thiện, Nguyễn Văn Trung, Bùi Giáng, Nguyễn Đăng Thục, chẳng hạn, là hiện tượng thi ca hóa, văn chương hóa, cường điệu hóa một lãnh vực chuyên môn mà những nhân vật tham dự vốn đã thiếu trình độ học thuật và thái độ nghiêm chỉnh – nếu không nói là tài năng – cho lãnh vực thuần lý luận, logic, minh bạch và thuần lý tính.  Có lẽ các tác giả miền Nam nêu trên phải chăng đã bị tiêm nhiễm, thực dân hóa bởi truyền thống văn hóa Pháp, một văn hóa mang bệnh lý biến Triết học thành văn chương và thi ca mơ hồ, muốn vẽ ma vô hình bằng hình thức nào cũng được xem là siêu việt.

Chúng tôi cũng hân hạnh giới thiệu bài viết về Triết lý Giáo dục của Giáo sư Trần Văn Đoàn, nguyên Khoa trưởng khoa Triết của Đại học Quốc gia Đài Loan – một thẩm quyền về triết học Đông Tây mà trong giới chuyên ngành ai cũng phải biết đến. Trong khi Việt Nam đang đi tìm một nền tảng lý thuyết cho cơ đồ giáo dục vốn đang bị khủng hoảng, thì bài viết của Giáo sư Đoàn sẽ là một đóng góp quan trọng.

Cũng như thế, chúng tôi xin giới thiệu bài viết của Giáo sư Đoàn Viết Hoạt nhằm giới thiệu cho độc giả về Lý Đông A, một nhân vật huyền thoại trong chính trị cách mạng Việt Nam từ tiền bán thế kỷ 20. Lý Đông A là nhân vật cách mạng, nguời lập thuyết Duy Dân, với một hệ thống triết học khá phức tạp và đầy tính sáng tạo.  Có lẽ, với Kim Định, thì Lý Đông A đã là hai triết gia duy nhất đã đưa ra một hệ thống lý thuyết khá nguyên thủy về văn hóa, lịch sử và chính trị Việt.

Từ Thụy Sĩ, Bác sĩ Nguyễn Hoài Vân cũng cống hiến một phương trình mang tính nan đề của Diodore, một triết gia Hy Lạp ở thế kỷ thứ 4 sau Công nguyên.  Diodore trình bày một vấn đề học thuật thuần lý luận như là một hệ công án logic vốn làm cơ bản tiền đề cho mọi lý thuyết về định mệnh, Thượng đế, nhân quả, ngẫu nhiên. Đọc bài của Bác sĩ Vân để người học Triết phần nào hình dung ra một vấn đề mà truyền thống Triết học Phân tích (Analytic Philosophy) của Mỹ bấy lâu nay đã bị chỉ trích – đó là Triết học nay chỉ còn là vấn đề thuần lý luận và chẻ tóc bằng ngôn ngữ, vốn như huyền thoại con rắn Ourobobos tự nuốt lấy cái đuôi của nó để mà chết. Mà thực sự như vậy, ngành Triết học ở các đại học Hoa Kỳ đang đi vào con lộ diệt vong vì tinh thần Triết học suy lý/trắc – speculative philosophy – đã không còn được chú trọng và dạy dỗ như xưa, mà nay chỉ còn là một phân khoa tư duy luận lý cao cấp – critical thinking – hay tu từ học – rhetoric – thì đúng hơn. Và còn nhiều bài khác.

***

TRIẾT sẽ cố gắng phát hành mỗi ba tháng – và mỗi số chỉ giới hạn ở một số bài có tiêu chuẩn học thuật cao. Ban Biên tập xin lỗi các tác giả đã gởi bài viết về các đề tài như đạo học, huyền bí học, hay các vấn đề thuần lịch sử hay thời sự vốn thuộc về các lãnh vực khác. Các bài này dù có chất lượng và công phu, chúng tôi cũng xin phép không thể đăng vì chúng không thuộc về lãnh vực thuần Triết học. Mong các vị thông cảm và lượng thứ.

Chúng tôi mong mỏi và kỳ vọng rằng, cho một tương lai gần, TRIẾT sẽ được trở thành một cơ sở chuyên môn cho một phân khoa Triết học ở một đại học uy tín ở Việt Nam. Hãy hình dung rằng năm, hay mười năm nữa, TRIẾT  sẽ được trình bày trang trọng trên các quầy tập san chuyên ngành ở các thư viện đại học – và các bạn sinh viên ngành Triết học sẽ có cơ hội tiếp cận, nghiên cứu và suy tư, tìm niềm hưng phấn, năng lực sáng tạo, khi đọc các bài viết của TRIẾT.

Ban Biên tập mong chờ sự tham dự và gởi bài cho TRIẾT – cũng như đóng góp ý kiến nhằm giúp TRIẾT ngày càng gia tăng phẩm chất.  Chúng tôi không phải là những chuyên gia về lãnh vực xuất bản online, nên khiếm khuyết, sai lỗi kỹ thuật sẽ không thể tránh khỏi. Mong độc giả hiểu cho.

Trân trọng,

Nguyễn Hữu Liêm

Linh hồn tượng đá: Khi đế chế xuất nhượng linh hồn

Nguyễn Hữu Liêm

Một triều đại chính trị bắt đầu bằng lý tưởng và chấm dứt bởi tượng đài – đó phải chăng là sấm ngôn linh thiêng cho quy luật lịch sử.

Sự tồn hữu của tượng đá luôn cần có một linh hồn mà nó hiện thân. Dĩ nhiên đền đài tưởng niệm tự nó không có linh hồn – vì nó chỉ thuần là vật thể sỏi đá. Trái lại, linh hồn của nó là một hình thái hoán chuyển của cảm thức từ kẻ xây dựng và quán sát. Nó không phải là một hình thức vay mượn cảm quan hay đến từ sự áp đặt từ bên ngoài. Hồn của đền tượng được kiến lập bởi cái Ta thời đại khi ý thức về chính ta đã bị ngoại thể hóa – một năng động xuất nhượng (divestitute/Entauferung) linh hồn tập thể vào cõi thể thái vật chất vô hồn, vô cảm.

Continue reading “Linh hồn tượng đá: Khi đế chế xuất nhượng linh hồn”

Đầu lâu, Mặt trăng và điên loạn Bóng đá

Nguyễn Hữu Liêm

“Một trận bóng đá cũng giống như là một vở kịch ở hí trường, với một câu chuyện lớn được kể qua phương cách trình diễn từ những màn diễn nhỏ, bao gồm kịch tính của những thanh niên vờn nhau trên sân cỏ, từng cặp quấn quýt lẫn nhau theo từng bước chạy, hiển lộ những kết cuộc bất thường.”

Nhà bình luận thể thao Mỹ Lawrie Mifflin từng nhận xét như vậy trước trận chung kết của World Cup năm 1982. Bóng đá, hay là túc cầu, soccer hay football, fútbol, là một hoạt cảnh đầy hương vị, đầy sinh động, chất đầy từng phút giây, mà những ai đã rơi vào màn kịch này thì khó mà thoát ra được. Cho dù suốt cả trận bóng với kết quả không có một điểm phá lưới nào, trận chiến túc cầu vẫn cứ hấp dẫn. Cái khoái lạc của bóng đá là sự liên tục, không ngừng nghỉ của tác hành lừa bóng  – mà vở kịch điêu luyện của các cặp giò cứ như đang ở bên bờ cho một kết quả ngoạn mục và không tiên đoán được.

Continue reading “Đầu lâu, Mặt trăng và điên loạn Bóng đá”

Khi Trung Quốc bay vào không gian bao la thì Việt Nam vẫn còn mơ ra biển lớn

Nguyễn Hữu Liêm

Trung Quốc đưa phi hành đoàn đầu tiên lên trạm vũ trụ mới. Tàu Thần Châu-12 đã được phóng lên bằng tên lửa đẩy Trường Chinh 2F từ bãi phóng Tửu Tuyền trên sa mạc Gobi vào lúc 09:22 giờ Bắc Kinh (01:22 GMT). Vụ phóng và sứ mệnh tiếp sau đó là một minh chứng khác cho thấy sự tự tin và năng lực ngày càng tăng của Trung Quốc trong lĩnh vực không gian.(BBC tiếng Việt, 17 tháng 6, 2021).

Continue reading “Khi Trung Quốc bay vào không gian bao la thì Việt Nam vẫn còn mơ ra biển lớn”

Từ bàn viết Chủ nhiệm: Lời mời vào Triết học và Tư tưởng

(Lời Phi Lộ cho Tập san TRIẾT, số Ra mắt, tháng 10, 1995. Đăng lại nhân dịp TRIẾT được tục bản tháng 6, 2021).

Nguyễn Hữu Liêm

Chúng ta hãy cùng bước vào TRIẾT: con lộ Triết học và Tư tưởng. Đây là một hành trình tìm ra phía trước cho chính chúng ta và cũng để tìm ra chính mỗi cá nhân một cơ hội và năng lực nhận thức trong bối cảnh đầy khả thể tính của thời đại.

Continue reading “Từ bàn viết Chủ nhiệm: Lời mời vào Triết học và Tư tưởng”

Văn hóa là định mệnh chính trị – trường hợp Việt Nam

Nguyễn Hữu Liêm

Khi nhà Nho làm cách mạng

Khó để mà phủ nhận rằng Hồ Chí Minh (HCM) là một nhà cách mạng lớn của lịch sử Việt Nam cận đại. Câu hỏi mà nhiều người đã nêu lên là, tại sao HCM chọn chủ nghĩa Cộng sản? Câu trả lời ngắn gọn có thể tóm tắt như vầy:  Vì ông đã mất hết kiên nhẫn với Sử tính nước nhà.

Continue reading “Văn hóa là định mệnh chính trị – trường hợp Việt Nam”

Ở Thời quán suy tàn của Ý chí Quốc gia Việt Nam

Nguyễn Hữu Liêm

Đã gần một thế kỷ kể từ khi Hồ Chí Minh (HCM) trở nên một chiến sĩ cho chủ nghĩa Cộng sản và đã giới thiệu ý chí lịch sử trong ý thức hệ duy vật cho nhu cầu độc lập, thống nhất và tự do cho dân tộc. Ở buổi giao thời đó, cái Ta cá nhân dân tộc đã hoàn toàn giao hoán cho đại thể tính của Đảng Ta. Đảng Ta nuốt hết cái Ta cá thể Việt để kiến tạo một chủ nghĩa yêu nước, một năng lực anh hùng ái quốc mới trước bình minh thức giấc cho một khả thể văn minh mới đến từ phương Tây.

Continue reading “Ở Thời quán suy tàn của Ý chí Quốc gia Việt Nam”