Hồi ký của Phạm Thanh Nghiên
04 —
Mẹ Tôi, Những Ngày Mẹ Sống
và Những Ngày Mẹ Mất
— Viết sau lễ giỗ 49 ngày của mẹ
Hôm nay cõng Mẹ đi chơi
Một mai ngồi khóc bên trời
Hôm nay cõng Mẹ đi chơi
Một mai Mẹ bỏ con rồi
Mẹ để con mồ côi
mồ côi… “
Mẹ tôi sinh năm 1937, theo trí nhớ “mang máng” của các ông bác họ ở quê. “Nhớ mang máng” thôi vì bà ngoại tôi mất khi mẹ chưa đầy hai tuổi. Năm mẹ bốn tuổi thì ông ngoại qua đời. Mẹ bắt đầu cuộc đời mồ côi, đi ở đợ, làm con nuôi cho người từ đó. Và cũng thất lạc với hai người anh trai và người chị gái đến khi trưởng thành mới gặp lại. Mẹ nghiện thuốc lào từ năm 12 tuổi.
Bà bắt đầu bị rụng răng khi mới ngoài ba mươi — lúc chưa sinh tôi. Ngoài sáu mươi, chiếc răng cuối cùng từ biệt mẹ, giải thoát bà khỏi những khó chịu, nhức nhối.
Có cả một câu chuyện thương lắm, quanh việc mẹ nghiện thuốc lào. Ngoài việc đồng áng, việc nhà như nấu cơm, trông em cho nhà chủ, nhiều đêm, mẹ tôi cùng bà cô họ xa, quẩy đôi quang gánh, cuốc bộ ngót hai chục cây số từ trong quê ra thành phố mót phân về bón ruộng. Những đêm đông, tấm áo không thể chống chọi cái lạnh thấu xương của miền Bắc. Bà cô họ nghĩ ra cách chống rét: Rít thuốc lào cho ấm người. Thế là hằng đêm, hành trang của hai cô cháu khi đi gánh phân có thêm cái điếu cày. Hút mãi thành quen. Từ đó, mẹ tôi nghiện thuốc lào.
Tôi rất sợ hơi thuốc lá, nhưng lại quen thuộc với khói thuốc lào. Mẹ tôi lo con cái xấu hổ — mà anh em chúng tôi có xấu hổ về việc đó đâu — nên không bao giờ bà hút thuốc khi nhà có khách. Năm 61 tuổi, mẹ tôi tuyên bố bỏ thuốc. Cả nhà nói nếu mẹ muốn thì cứ hút. Bà bảo: “Con cháu đầy đàn, hút người ta cười cho.” Và bà bỏ thật, không phải đem điếu đi chôn, không phải ngậm kẹo, cũng không bao giờ hút lại, dù chỉ một lần.
Cuộc đời gian truân của mẹ tôi, cũng như của bao bà mẹ khốn khó thuở ấy, không chỉ mấy trang viết kể hết được. Nhưng có những khoảnh khắc mẹ tôi trải qua không là trải nghiệm của nhiều bà mẹ khác.
Một chiều thu tháng 9/2008, tôi dắt chiếc xe đạp vào nhà. Dù cố gắng giấu diếm, nhưng sự nhạy bén của người mẹ vẫn nhận ra nét đau đớn trên gương mặt con với chiếc kính cận bị cong vênh, méo mó. Đấy là lần đầu tôi bị hành hung giữa đường sau khi dám… cả gan viết đơn khởi kiện UBND/TP.Hà Nội vì không cho phép biểu tình trái pháp luật và Đơn Khiếu Nại v/v Không Thụ Lý Đơn Khởi Kiện Trái Pháp Luật.
Lúc ấy, việc làm này của tôi là “chưa từng có trong lịch sử từ sau năm 1975” như lời công an Hải Phòng nói khi họ gây sức ép với luật sư Lê Trần Luật để anh từ bỏ việc giúp đỡ pháp lý cho tôi. Bà từng hai lần chứng kiến hàng chục công an đến khám nhà, thu giữ tài sản chỉ trong một tuần lễ. Còn gì kinh khủng hơn khi chứng kiến con mình nằm trên giường bệnh, xung quanh là hơn chục công an đứng chờ bác sĩ truyền xong chai nước để đưa bằng được con gái bà đi thẩm vấn, trong khi hàng chục tên khác đứng ngoài cổng trực chiến?
Ngày 18 tháng 9 năm 2008, tôi bị bắt.
Họ còng tay tôi. Tôi cúi xuống hôn mẹ. Một cái hôn vội vã — lẽ ra tôi không nên vội vã thế. Bà ngồi yên trên chiếc ghế hàng ngày bà vẫn ngồi. Hời hợt đáp lại nụ hôn của tôi. Bà quan tâm đến những kẻ bắt con gái bà hơn.
– Như vậy là các anh đã bắt con tôi về tội yêu nước!
Câu nói đó đã khích lệ tôi suốt 4 năm tù. Phải nhiều ngày sau tôi mới lý giải được vì sao mẹ không đứng dậy tiễn tôi. Không phải bà không muốn. Mà khi đó, mẹ tôi không còn đủ sức đứng dậy. Sức lực còn lại bà đã dồn cả vào câu nói cuối cùng để vừa kết tội những kẻ bắt con bà, vừa truyền một sức mạnh sang cho tôi.
Sau bốn năm tôi trở về với thể trạng ốm yếu.
Ý nguyện sẽ chăm sóc và phụng dưỡng mẹ già nung nấu từ hồi trong tù trên thực tế hoàn toàn bị… đảo ngược. Nhiều khi tôi phải giận dỗi, mới giành được phần nấu cơm, rửa bát. Bốn năm ấy, đôi khi chỉ với một ý nghĩ thoáng qua — chỉ dám thoáng nghĩ thôi — rằng mẹ sẽ ốm, sẽ gặp chuyện chẳng lành đủ khiến cơn sợ hãi, hoảng loạn ám ảnh tâm trí. Tôi không đủ can đảm để đối mặt nếu chuyện đó xảy ra. Tôi không dám nghĩ tiếp.
Trong ngôi nhà thân yêu của mình, tôi bị công việc cuốn đi. Tình yêu, sự nhiệt thành của mẹ mang lại sự bình an kỳ diệu. Dần dần, mọi cơn sợ hãi không còn hiện diện trong đầu óc tôi nữa. Tôi, rất hồn nhiên nghĩ mẹ sẽ luôn đồng hành với mình và sẽ chẳng bao giờ đi đâu hết.
Mồng chín Tết, tôi bệnh. Đó là lần ốm nặng nhất, dai dẳng nhất từ ngày trở về. Mẹ chăm sóc tôi, bằng sức lực như chưa bao giờ vơi cạn. Sau những đêm thức trắng, giọng cười mẹ vẫn hồn hậu, ánh mắt vẫn ấm áp…Hạnh phúc quá, tôi tận hưởng tình yêu và hơi ấm của mẹ. Tôi quên rằng mẹ đã già yếu. Mười bẩy ngày sau tôi bình phục. Có lẽ chỉ chờ thế thôi, hôm sau mẹ tôi đi.
Mẹ đi thật. Lẳng lặng bỏ chúng tôi đi thật.
Đi mà không lời giã biệt.
Cả một trời tan vỡ. Cả một trời đau đớn, mẹ ơi!
Tôi, cho đến ngày hôm nay vẫn không hiểu hết tấm lòng của mẹ.
“… Cuối đời là một trò chơi lên trời”
Vì mẹ là mẹ của một đứa con mang TỘI YÊU NƯỚC nên cuộc từ bỏ Cõi Tạm để đến Cõi Trời thênh thang, mẹ vẫn phải qua một hành trình đầy gian khó.
Người ta không muốn mẹ ra đi thanh thản.
Mẹ đột ngột ra đi, người đến đầu tiên là những tên mật vụ. Sự xuất hiện của họ báo trước những nguy cơ.
Hôm ấy là ngày 27 tháng Giêng năm Giáp Ngọ, tức ngày 26 tháng 2 năm 2014.
Đầu tiên, người ta tự tiện thiết lập cái gọi là Ban Tổ Chức Lễ Tang với thành phần gồm bà chủ tịch Hội Phụ Nữ, một số cán bộ của ủy ban phường đến ông tổ trưởng tổ dân phố. Tức là một danh sách hoàn toàn “đỏ” và không một ai là thân quyến của người quá cố. Tôi rất lịch sự cảm ơn và khước từ “sự giúp đỡ” ấy nhưng ông tổ trưởng nhiệt tình đến kinh ngạc. Dù chị em tôi nhẫn nại giải thích khi còn sống, mẹ đã dặn: ”Nếu sau này mẹ mất, việc tang lễ cho mẹ phải do gia đình, họ hàng thân thuộc đứng ra lo liệu và nhất là tuyệt đối không được dính dáng gì tới hai chữ “chính quyền.” Nhưng ông vẫn ra sức đôi co. Mặt ông đỏ gay, nước bọt từ miệng ông bắn cả vào mặt tôi. Giọng nói và thái độ áp đảo mấy đứa con của người quá cố. Giành giật mãi, cuối cùng quyết định không có Ban Tổ Chức Lễ Tang. Đồng nghĩa với việc tổ dân phố, thực chất là chính quyền địa phương bị mất quyền…cầm micro, giới thiệu thành phần khách khứa tới thăm viếng. Cũng là hình thức kiểm soát, hạn chế và tự quyền loại bỏ những ai được liệt vào diện “nhạy cảm” trong số người phúng viếng như từng diễn ra tại tang lễ của một số nhân vật đấu tranh cho Dân Chủ trong quá khứ. Người sẽ đọc lời giới thiệu việc phúng viếng do bên dịch vụ — Công Ty Phục Vụ Tang Lễ Thiên Thảo — đã hợp đồng với gia đình trước đó, đảm nhận.
Không chỉ là sự tang thương, đau buồn mà cả một không khí lo âu, căng thẳng bủa vây chúng tôi. Thay vì toàn ý lo cho mẹ, tưởng nhớ và đau nỗi đau mất mẹ, anh em chúng tôi phải dốc sức đối phó với thế lực có quyền.
Thất bại trong việc dựng lên Ban Lễ Tang, người ta cố giành giật quyền được soạn thảo và đọc điếu văn trong lễ truy điệu — ngày 29 tháng Giêng. Những kẻ nhân danh cán bộ ủy ban phường, hội phụ nữ, ủy ban mặt trận tổ quốc… và cả một số lạ mặt liên tục tiếp cận anh trai tôi để thuyết phục và gây sức ép. Không ít lần đang lúc túc trực bên linh cữu mẹ để đáp lễ khách phúng viếng, anh trai tôi bất đắc dĩ phải bỏ vị trí đi ra ngoài.
Thậm chí, một cán bộ hội phụ nữ còn giúi vào tay anh chiếc điện thoại đã sẵn người chờ. Anh tôi vội vã đi vào phòng tắm, đóng cửa nghe điện thoại. Chị phụ nữ đứng ngoài canh. Tôi đi theo, không giấu ý muốn kiểm soát. Tôi ghé tai vào cửa để nghe — nghe lén người khác nói chuyện là việc xấu, lần này tôi cho phép mình làm thế. Chị ta phân bua, cố ý nói thật to để tôi không nghe thấy nhưng tôi vẫn hiểu phần nào nội dung cuộc nói chuyện điện thoại của anh trai với kẻ bên kia đầu dây. Chị ta mắng tôi là “quá đáng!”
Anh trai tôi muốn — bắt buộc thì đúng hơn — dành cho họ quyền được đọc điếu văn trong lễ truy điệu.
Không! Tôi đã từng tham dự nhiều đám tang, gần nhất là của ông anh họ. Anh không phải đảng viên, chẳng có chức quyền gì. Anh cũng chỉ ốm hai ngày rồi qua đời. Thế mà trong điếu văn đọc tại lễ truy điệu, người ta ngang nhiên tuyên bố: ”…Mặc dù đã được đảng ủy, chính quyền địa phương và gia đình tận tình cứu chữa nhưng vì bệnh nặng, anh không qua khỏi và đã từ trần hồi…” Không biết bao nhiêu người dù đã nằm trong quan tài, bất đắc dĩ chịu “ơn đảng” như thế. Với mẹ tôi, không chừng ngoài việc “ơn đảng” còn phải nghe đảng kết tội đã sinh ra đứa con ngỗ ngược, dám chống chính quyền. Người chết làm sao có thể bật nắp quan tài dậy thanh minh. Tôi không cho phép họ có cơ hội mạ lỵ linh hồn mẹ tôi, hạ gục ý chí của tôi.
Theo hợp đồng, Công Ty Phục Vụ Tang Lễ Thiên Thảo chỉ gửi 5 nhân viên đến phục vụ nhưng có lúc lực lượng này vượt quá con số năm gấp mấy lần. Không khó để nhận ra họ là ai dù cũng mặc đồng phục Thiên Thảo. Thái độ hung hăng, bặm trợn, ánh mắt thiếu thiện cảm, nhiều khi lấm lét. Điều họ làm không liên quan tới tang lễ. Khi họ áp sát bàn đăng ký lễ viếng, tự tiện mở sổ tang ra xem, khi họ đi lại trong nhà như chỗ không người, không ngại ngần theo sát tôi mỗi lần nói chuyện điện thoại…Và nhiều việc khác tôi không thể bao quát hết mà blogger JB Nguyễn Hữu Vinh, thuộc phái đoàn anh em Dân Chủ Hà Nội tới viếng, đã tường thuật:
“Điều chứng kiến được ở đám tang này, là sự “chăm sóc” kỹ càng của một lực lượng chủ tang không mời, chẳng trả tiền cũng không cho ăn cơm. Họ đứng nhan nhản khắp nơi, rình rập, quay trộm, nghe lén… đủ trò. Thậm chí là bắt cóc người đến viếng về phường để thị uy rồi chở ngược lên bỏ ở Hải Dương, tấn công người đến dự đám tang, công an các loại canh gác các ngả… Nhưng trò bẩn nhất là giật băng tang trên các vòng hoa viếng người quá cố.”
Cụ thể, các băng tang trên các vòng hoa mà Blogger JB Nguyễn Hữu Vinh đề cập là vòng hoa của: Mạng Lưới Blogger Việt Nam, Đài Phát Thanh Đáp Lời Sông Núi, Hội Bầu Bí Tương Thân, Hội Cựu Tù Nhân Lương Tâm Việt Nam, Hội Anh Em Dân Chủ, Hội Phụ Nữ Nhân Quyền Việt Nam, Hội Phụ Nữ Nhân Quyền Việt Nam tại Hoa Kỳ đã bị cướp ngay đầu ngõ trong sự sợ hãi, ngỡ ngàng của cô nhân viên bưu điện. Thậm chí, vòng hoa của Công Ty Én Vàng Quốc Tế — hãng tắc-xi — nơi anh rể tôi làm việc cũng bị giật. Không hiểu sao, chúng sợ chữ Quốc Tế đến thế.
Tất cả được thay bằng dải băng gắn xộc xệch, vỏn vẹn chữ “Kính viếng” hoặc “Thành kính phân ưu” đã được công an chuẩn bị sẵn. Người bị bắt cóc,”đem ra phường để thị uy rồi chở ngược lên bỏ ở Hải Dương” là facebooker Peter Vũ. Rất dũng cảm, Vũ tiếp tục bắt xe từ Hải Dương, vượt hơn năm chục cây số lộn về Hải Phòng để đưa tiễn mẹ tôi. Vũ đã bị lũ công an mật vụ trả thù bằng một trận đòn theo tường thuật của những người chứng kiến thì “rất đau.” Chúng đánh Vũ ngay tại cổng nghĩa trang Ninh Hải, nơi mẹ tôi vừa được hỏa táng.
Các anh em Dân Chủ Hà Nội là “tâm điểm” chú ý của lũ mật vụ. Họ đại diện cho một số hội nhóm, một số anh chị em ở xa không thể tới dự tang lễ. Đó là các Blogger Nguyễn Tường Thụy, JB Nguyễn Hữu Vinh, Gió Lang Thang, Binh Nhì, nhà báo Nguyễn Vũ Bình, cô Nguyễn Thị Huấn, vợ chồng luật sư Lê Thị Công Nhân, bác Lê Hùng, chú Nguyễn Anh Dũng, các anh Trương Văn Dũng, Nguyễn Thiện Nhân, Lô Đề Việt Nam, Nguyễn Việt Hưng, chị Lan Lê, Thảo Theresa. Các bạn trẻ Ngủ Chưa Say, Peter Vũ, Bạch Hồng Quyền và một số người khác. Những người này hầu hết đã nhận được lời “khuyến cáo” của công an Hà Nội: “Không nên đi đám tang mẹ Phạm Thanh Nghiên.”
Chiếc ô tô chở họ vừa dừng bánh, lập tức lũ côn đồ, mật vụ bu kín. Quá sợ hãi, người lái xe phải bỏ chạy.
Gần đến giờ đưa tang. Nhân viên Công Ty Phục Vụ Tang Lễ, theo yêu cầu của tôi, đọc điếu văn. Xong phần điếu văn, chú họ tôi thay mặt gia quyến lên nói lời cảm ơn. Chú đã được chúng tôi dặn kỹ từ trước, không được cảm ơn chính quyền địa phương hay đảng bộ gì hết. Vì họ không những không giúp gì, ngược lại đã phá đám tang lễ mẹ tôi. Họ đã phá vỡ sự bình yên của mẹ tôi khi bà còn sống cũng như lúc qua đời. Quan trọng hơn, họ là cộng sản, thủ phạm của mọi nỗi đau thương dân tộc. Ngay ngày hôm đó, chú tôi bị mật vụ hỏi thăm.
Trong suốt hai ngày diễn ra tang lễ, ngoài nỗi đau mất mẹ, anh em chúng tôi phải gồng mình chống đỡ. Tưởng loại được thành phần Ban Tổ Chức Tang Lễ toàn là đảng viên cộng sản, giành được phần đọc điếu văn, lời cảm ơn không nhắc tới chính quyền đã là công việc cuối cùng. Nhưng không, đúng lúc đang chuẩn bị khiêng linh cữu mẹ đi, chúng ngang nhiên tiến vào, ngang nhiên cầm micro và giới thiệu dõng dạc: “Sau đây là phần truy điệu của Hội Người Cao Tuổi phường Đông Hải 1.”
Chúng tôi ngỡ ngàng.
Cái gọi là “Hội Người Cao Tuổi” gồm khoảng gần hai mươi người. Trong đó, đếm trên đầu ngón tay chưa tới 5 người thực sự cao tuổi. Mấy người này bị đứng hàng cuối cùng tận ngoài cửa. Phần lớn những tên còn lại đều là cán bộ đương chức của ủy ban phường, tức không thể gọi là “người cao tuổi.” Chúng ùn ùn tiến vào sát linh cữu, nhìn tôi với ánh mắt đắc thắng và thách thức. Quá phẫn nộ, chị gái lớn của tôi xông vào, giật tờ giấy của tên trưởng đoàn. Tên này giật lại và cầm micro bắt đầu đọc. Tôi bị đẩy ra khỏi cửa. Càng xông vào, tôi càng bị chúng đẩy ra thô bạo hơn. Anh trai lớn đã phải quỳ xuống lạy: “Thôi, cứ để họ đọc, cho mẹ tôi được yên.” Không ai trong năm người con gái lại gần được bên linh cữu mẹ. Lúc này, lẽ ra linh cữu phải được khiêng ra ngoài rồi, nơi rất nhiều người đang chờ đưa tiễn mẹ tôi. Trong nhà, tên đảng viên vẫn đang đọc điếu văn: “… được sự quan tâm và giúp đỡ của chính quyền địa phương và đảng bộ…”
Chị gái nhỏ của tôi không kiềm chế được, chị nói trong giàn giụa nước mắt:
– Mẹ tao mất mà lũ chúng nó không cho yên. Chính quyền nào, đảng cộng sản nào lo tang cho mẹ tao? Chúng mày khốn nạn quá. Mẹ tao sống chúng mày khủng bố, sách nhiễu. Mẹ tao chết chúng mày tới phá đám, tới xuyên tạc. Trời ơi! Trời ơi!
Tôi chạy theo chị:
– Chị cứ để cho chúng sủa. Chúng càng gây tội bao nhiêu thì mẹ mình càng được phước bấy nhiêu. Rồi chúng sẽ bị quả báo. Đạo Trời sẽ không tha cho chúng.
Chưa bao giờ tôi có cảm giác cay đắng, thất bại và bất lực như thế. Mẹ tôi nằm kia, trong cỗ quan tài nghi ngút khói hương. Bà có bảy người con và một đàn cháu chắt. Nhưng trong giờ phút quan trọng và linh thiêng này, chỉ có hai người con trai, mấy cô cháu họ được ngồi phục bên bà. Chị em chúng tôi bị tống ra khỏi cửa, bất lực đứng nhìn lũ chó sói nhảy múa bên linh cữu của mẹ. Nỗi đớn đau, cơn căm phẫn làm đầu óc tôi muốn nổ tung. Không hiểu sao khi ấy tôi không khóc. Tôi ghé tai nói nhỏ với người nhân viên phục vụ tang lễ. Anh ta gật đầu đồng ý. Tên cán bộ quèn đọc xong bài ca ngợi đảng.
Tôi cầm lấy chiếc micro người nhân viên vừa đưa cho, lấy hết bình tĩnh tuyên bố:
– Tôi thay mặt cho tang quyến, cảm ơn Hội Người Cao Tuổi đã đến viếng mẹ tôi. Nhưng xin phép không nhận lời điếu này.
Chẳng phải tôi thông minh gì mà trong lúc cấp bách, tôi nhớ đến đám tang tướng Trần Độ nên học theo cách của anh con trai trưởng tướng Độ hầu hóa giải đòn mạ lỵ của lũ man di mọi rợ.
Tôi nghĩ, mẹ không thất vọng về con gái bà.
Ngoài ngõ, người đưa tang đứng chật ních. Không khí nhốn nháo, căng thẳng vì lũ côn đồ, mật vụ không ngừng gây hấn với anh em Dân Chủ Hà Nội. Trong sân khi ấy chỉ còn lại đoàn Phật Tử, một số bà con thân thuộc. Lũ đảng viên, phái đoàn chính quyền địa phương mang danh Hội Người Cao Tuổi đã làm sai lệch giờ đưa tang, một điều tối kỵ trong phong tục của người Việt.
Lũ người kia bước ra, mặt mũi thâm sì vì tức giận.
Khác hẳn thái độ ngang ngược, đắc thắng khi tiến vào vì bị tôi từ chối lời điếu của họ.
Người đưa tang rất đông.
Tôi đi sát bên mẹ. Đau đớn, buồn khổ, hụt hẫng, mệt mỏi, căm giận và căng thẳng. Tiếng còi không ngớt của cảnh sát giao thông, tiếng còi xe gắn máy, xe ô-tô inh ỏi, huyên náo ngay từ đầu ngõ ra tận đường lớn. Khu Phương Lưu chả mấy khi có cảnh sát giao thông trừ khi nhà tôi trở thành “điểm nóng.” Mật vụ, lưu manh côn đồ đông không kém người đi dự tang lễ.
Trên đường đưa mẹ từ nhà tới đài hóa thân Hoàn Vũ thuộc nghĩa trang Ninh Hải, các con vẫn không thể quây quần bên mẹ. Chị em chúng tôi phải chia nhau ra để bảo vệ những vị khách từ xa tới viếng. Tiếng là bảo vệ thôi, chị gái tôi thậm chí còn suýt bị một tên mật vụ hành hung ngay trước cổng nhà khi phản đối trò giật băng tang của chúng. Ra tới đường lớn, các phương tiện tham gia giao thông dưới sự hướng dẫn của cảnh sát đều phải nhường đường cho đoàn xe tang lễ của mẹ. Tới cổng nghĩa tranh Ninh Hải, thấy ít nhất ba, bốn đám tang đến trước đều dừng lại. Mẹ tôi vào trước.
Đoạn đường từ cổng nghĩa trang tới nhà tang lễ, tôi trông thấy nhiều người lạ. Họ đứng rải rác hai bên đường, cúi đầu khi linh cữu mẹ tôi đi qua. Họ nhìn tôi, ánh mắt đầy sự xẻ chia, thương cảm.
Phút chốc, tôi thấy lòng ấm áp.
Tôi đứng lặng người, nhìn linh cữu của mẹ từ từ được đưa vào đài thiêu. Đầu óc tôi rất tỉnh táo. Tôi không hề khóc. Chỉ thấy toàn thân run rẩy, rồi từ từ quỵ xuống. Tôi vẫn không khóc. Có ai đó dìu tôi ra khỏi nghĩa trang, lên ô-tô về nhà.
Tôi đứng trước cổng! Mẹ không còn ở trong nhà nữa. Tôi đổ xuống. Một người bế tôi vào nhà.
Trời tối rồi. Tôi hốt hoảng vùng dậy. Phải đi lấy tro cốt rồi đưa mẹ về nằm cạnh bố. Tôi chạy xuống nhà. Không còn đông đúc như lúc trước nữa. Khách khứa đã ra về hết, chỉ còn lại vài người bà con thân thuộc. Tôi bần thần, ngồi ngây như kẻ mất trí. Nước mắt trào ra. Các anh chị, các cháu đã đưa mẹ tới nghĩa trang Đằng Lâm, nơi bố an nghỉ từ mười năm trước.
Đấy chưa là tất cả những gì tôi được biết trong Tang lễ của mẹ mình. Tôi đã hiểu vì sao anh trai tôi có lúc phải quỳ xuống “xin để mẹ tôi được yên.” Phải chấp nhận làm chậm giờ đưa tang trong khi đối với anh đó là điều tối kỵ. Để dành cơ hội cho cái gọi là Hội Người Cao Tuổi vào đọc điếu văn mà thực chất là một trò mạ lỵ, chơi xấu của chính quyền địa phương. Sự thật này, mấy hôm sau chị em tôi mới biết. Có “lệnh miệng” từ ủy ban nhân dân phường Đằng Lâm chỉ thị cho Ban Quản Lý Nghĩa Trang chuyển tới anh trai tôi một quyết định rằng: “Mẹ tôi không thuộc diện được phép chôn cất ở nghĩa trang này. Lý do: liên quan tới chính trị.”
Mặc dù Ban quản lý nghĩa trang Đằng Lâm đã giải thích với ủy ban phường rằng trước đó mấy năm, gia đình tôi đã mua lô đất này và xây sẵn ngay cạnh ngôi mộ của bố. Mọi thứ giấy tờ liên quan đến quyền sở hữu đều hợp pháp. Nhưng chỉ duy nhất một lý do: Liên quan đến chính trị, mọi trật tự, mọi đạo lý đều có thể bị đảo ngược.
Không biết rủi hay may. Một anh công an quận, thường hay tiếp cận với anh trai tôi biết chuyện đã sốt sắng, nhiệt tình giúp đỡ. Anh ta chỉ cần “nói giúp một tiếng” — không biết nói những gì, nói với ai — thế là mọi việc lại êm xuôi. Mẹ tôi đã được hưởng cái quyền đương nhiên của một người chết là được chôn cất. Dù thực hư thế nào, cũng xin cảm ơn anh công an. Đất nước này chỉ một người được phong Thánh là đủ, không cần đến người thứ hai. Được phong Thánh, tức là không được chôn, cũng chẳng được thiêu. Hàng năm tiêu tốn vô số tiền của của người dân lao động vất vả để “bảo tồn” cái xác chết đó. Nhưng xác chết vẫn cứ là xác chết, không hơn không kém, phải không anh?
Đã qua lễ giỗ 49 ngày của mẹ nhưng sự đau buồn vẫn chưa vơi bớt. Sự lo âu, căng thẳng thậm chí ngày một lớn hơn. Kể từ sau tang lễ, một số người thân của tôi liên tục bị đe dọa. Một sự đe dọa có chọn lọc. Đó là những thành viên được “điểm mặt” và bị cho rằng đã bày tỏ thái độ không thỏa hiệp và phản đối chính quyền địa phương trong việc muốn cầm chịch tang lễ của mẹ tôi. Hình thức khủng bố là: chặn xe giữa đường, gọi điện thoại và nhắn tin đe dọa — bắt đi tù, gây tai nạn, đe giết, hành hung, bắt cóc…
Trong tương lai, nếu bất cứ thành viên nào trong số hơn hai mươi người ruột thịt của tôi gặp tai họa, như bị gây sự ngoài đường, bị hành hung, bị mất việc làm, bị công an triệu tập hay bị bắt giữ bởi một sự việc “từ trên trời rơi xuống” hoặc bất cứ một hình thức nào nằm ngoài sự tiên liệu của tôi. Tôi khẳng định, tất cả những tai họa đó nhằm mục đích chính là để trả thù cho những hoạt động vì Tự Do, Nhân Quyền của tôi.
Dầu sao, khó khăn đấy, nhọc nhằn đấy, sóng gió đấy nhưng mẹ tôi đã đi qua, trọn vẹn một kiếp người.
Mẹ đã sống một đời lương thiện.
Chắc chắn giờ này, mẹ đang ở một nơi rất tốt đẹp.
Mẹ ơi! Chúng con yêu Mẹ!
05 —
Ơi Người Mẹ Điên Ơi!
Buổi chiều hôm ấy, đúng rồi, là một buổi chiều muộn. Tôi nhớ rõ như thế. Mẹ tôi quẩy đôi quang gánh trên vai, tay dắt theo một người đàn bà điên. Đúng là người đàn bà từ sáng tới giờ vẫn quẩn quanh ở khu tập thể này, vừa đi vừa nói nhảm. Thỉnh thoảng lại cúi xuống nhặt bất cứ thứ gì chị ta nhìn thấy dưới đất rồi bỏ vào miệng. Đôi quang gánh mẹ tôi quẩy về, còn nằm chỏng gọng ra đấy mấy mớ rau muống ế. Thế là bữa cơm tối nay, lại sẽ ăn rau độn.
Lần nào cũng vậy, hễ thấy mẹ về là mấy chị em tôi đều ngó trân trân vào đôi quang gánh. Và hồi hộp đợi chờ. Rồi cảm xúc vui buồn, lo lắng hay mừng rỡ cứ xuôi theo đôi quang gánh của mẹ. Đôi quang gánh nhẹ bẫng với chiếc sảo (*) trống rỗng có nghĩa là mẹ tôi đã bán hết hàng, cả nhà sẽ không phải ăn khoai hay ăn rau trừ bữa. Gương mặt chị em tôi sẽ sáng bừng lên nếu trông thấy thấp thoáng trong cái sảo là con cá, bìa đậu, vài lạng tép săm hay ít thịt mỡ. Bữa cơm hôm ấy có tí chất tanh, sang phải biết. Nhưng ít khi được thế. Buồn nhất là mỗi ngày tàn, mẹ tôi về nhà vẫn gánh theo vài mớ rau chưa bán hết. Ế hàng, cơm còn thiếu lấy đâu cá với tép săm mà ăn. Bao nhiêu nỗi buồn tênh lẫn khấp khởi vui mừng của những buổi chiều muộn cứ bám lấy tôi suốt tuổi thơ như thế. Tôi thấy thương, thương biết mấy nỗi nhọc nhằn của mẹ. Cho đến bây giờ khi đã qua tuổi 40, tôi vẫn không nguôi đắm đuối về căn gác chật chội trong khu tập thể nghèo, nơi bố mẹ và mấy anh chị em chúng tôi sống chật vật nhưng đầm ấm xiết bao.
Hôm nay, mẹ tôi dắt theo người đàn bà điên.
Không hiểu tại sao mẹ tôi dắt người đàn bà điên, vừa bẩn thỉu vừa hôi hám ấy về nhà? Chị ta cũng không ngoan ngoãn đi theo mẹ tôi đâu. Thỉnh thoảng, chị ta lại vùng vằng, leo được vài bậc thang lại toan chạy xuống. Mẹ tôi phải nịnh nọt, nắm chặt bàn tay nhớp nhúa ấy kéo lên gác. Nhà tôi tận trên tầng 4, chắc chị ta cũng mỏi chân.
Bố tôi ra mở cửa, gỡ đôi quang gánh khỏi vai mẹ. Ông không hỏi vì sao mẹ tôi “tha” người đàn bà điên ấy về. Làm như điều ấy chẳng có gì lạ. Mẹ tôi, tay vẫn không rời người đàn bà điên. Tôi đứng nép vào tường, vừa hiếu kỳ, vừa sợ sệt quan sát từng cử chỉ của mẹ và của người đàn bà ấy.
Nhiều người, và cả tôi nữa, đã thấy chị ta lang thang, quanh quẩn ở khu tập thể này từ sáng tới giờ. Người ta biết chị bị điên vì trên người mặc độc một chiếc quần lót cắt bằng vải phin màu trắng. Nhưng cái “màu trắng” ấy đã chuyển sang màu bùn đất. Hai quả vú thỗn thệ, chảy sệ xuống gần
bụng. Mái tóc từng được uốn xoăn, ngắn đến ngang cằm bê bết những đất và rối bù. Khắp người chị ta bốc lên mùi hôi hám, khăm khẳm hết sức khó chịu. Thỉnh thoảng, chị ta lại đưa tay tự bấu vào đầu vú mình, rồi nhăn nhó vì đau hoặc lại cười khanh khách. Chị ta điên đến nỗi không gợn một chút gì của cái cảm giác xấu hổ về sự loã lồ của mình.
Đầu tiên, người lớn còn bàn tán, hoặc xúm vào hỏi han chị ta. Nhưng chị ta toàn nói nhảm, nói những câu không ai hiểu được. Rồi ai làm việc người nấy, bỏ mặc người đàn bà lem luốc, bẩn thỉu trở lại với sự quẩn quanh, cười cười nói nói một mình.
Đám trẻ con lẽo đẽo đi theo chị ta, trêu chọc. Bọn thằng Hoàn “bội”, Toàn “béo” còn lượm gạch đá ném vào người chị ta, rồi nhe răng cười khoái chí với nhau. Đến hồi người đàn bà kia đuổi theo, hai đứa nó co cẳng chạy. Thằng Toàn “béo” chạy về đến nhà, đóng chặt cửa lại, khóc tu tu. Thằng ấy chúa nhát.
Tôi không biết người đàn bà điên kia bao nhiêu tuổi, ở đâu, vì sao mà điên. Tôi ước chừng chị ta khoảng ngoài hai mươi tuổi. Còn tôi, năm ấy (có lẽ) lên 9, lên 10 tuổi gì đấy.
Mẹ tôi kéo người đàn bà điên vào bếp, ấn chị ta ngồi xuống rồi múc từng gáo nước xối lên đầu, lên người chị ta. Mẹ tôi tắm rửa, kỳ cọ cho người phụ nữ không quen biết, lại bị điên, bằng sự tỉ mỉ, ân cần như chăm sóc cho một đứa trẻ.
Chị Phượng từ trên nhà ngó xuống bếp, mỗi lần thấy mẹ tôi múc một gáo nước dội lên người đàn bà điên, lại một lần rên rỉ vì tiếc. Hàng ngày, chị Oanh, chị Phượng sau khi đi làm về đều phải gánh nước từ dưới gác lên tầng 4 cho cả nhà dùng.
-Oanh lấy cho mẹ bộ quần áo cũ trong hòm ra đây.
Mẹ tôi vừa lau mình cho người đàn bà điên, vừa nói với chị gái tôi.
Chị tôi mở nắp hòm, lấy bộ quần áo cũ (vả lại cũng làm gì có đồ mới) đưa cho mẹ tôi. Nhà nghèo, không có tủ nên chúng tôi phải đựng quần áo vào chiếc hòm sắt. Khoảng 20 năm sau, tôi đi tù (vì chống chế độ) cũng đựng quần áo, đồ dùng, và thức ăn vào cái hòm giống như thế.
Người đàn bà điên đã được tắm rửa sạch sẽ. Nhưng chị ta không chịu mặc bộ quần áo mẹ tôi cho mà nằng nặc đòi mặc lại chiếc quần lót cũ bẩn thỉu và ướt nhẹp kia. Nịnh thế nào cũng không được.
Tôi nhớ rất rõ bữa cơm hôm ấy chỉ có duy nhấy món rau bắp cải xào. Mẹ tôi cho người đàn bà điên ngồi cùng mâm cơm. Bà không quan tâm xem thái độ của mấy bố con tôi thế nào. Nhưng từ bố tôi, đến các anh chị hình như không ai khó chịu. Ai cũng coi việc làm của mẹ là bình thường, và mọi người cần đồng tình với điều ấy. Lên chín tuổi, tôi chưa hiểu thế nào là đạo lý. Tôi chỉ đơn giản hiểu rằng, người đàn bà ấy bị điên, mẹ tôi thương nên dẫn về nhà. Thế thôi. Song thú thực, tôi không thể nuốt nổi miếng cơm nào khi ngồi cùng mâm với chị ta. Phần vì khó chịu cái mùi bốc ra từ cơ thể ấy, phần vì sợ. Tôi nhớ như in cảnh chị ta đuổi thằng Toàn “béo” lên tận cửa nhà nó. Vừa đuổi vừa la hét, giơ cánh tay lên đòi đánh thằng bé.
Mẹ tôi đơm cơm vào bát ô tô, trộn ít rau bắp cải xào đưa cho chị ta. Vừa ăn, người đàn bà điên vừa lẩm bẩm “ăn cơm với thịt gà, ăn cơm với thịt gà, ăn cơm với thịt gà…”. Rồi lại cười một mình. Ăn được vài miếng, chị ta vứt bát ngay tại mâm, cơm văng ra tung toé. Chị ta đứng phắt dậy, lao ra ngoài, đập cửa thình thịch rồi la hét ầm ĩ. Mẹ, rồi các chị tôi nịnh nọt cũng không nghe. Cuối cùng, mẹ tôi phải mở cửa cho chị ta đi. Người đàn bà điên lao như bay xuống các bậc thang. Tôi chạy ra hành lang nhìn xuống đất, thấy chị ta (lúc này đã hơi khang khác vì vừa được tắm gội sạch sẽ) khuất dạng về phía đầu hồi khu tập thể. Chị ta xuất hiện trong nhà tôi vào buổi chiều muộn. Và chạy biến đi khi trời vừa chạng vạng tối.
Trong tôi chợt dấy lên sự lo lắng. Rồi chị ta sẽ đi đâu? Có ai nắm lấy đôi bàn tay nhớp nhúa, bẩn thỉu của chị ta như mẹ tôi đã ân cần thế không? Rồi lỡ có kẻ xấu làm hại chị ta thì sao? Liệu người đàn bà điên ấy có gặp lũ trẻ nào nghịch ngợm tai quái, cầm que, cầm gạch doạ nạt như bọn thằng Hoàn “bội”, thằng Toàn “béo” không?
Tôi thôi nhìn xuống gác, trở vào nhà, lại đứng nép vào tường. Một cảm giác buồn tê dại chiếm lấy tâm hồn bé nhỏ của tôi. Bố mẹ và các chị tôi đang đứng ở cửa nói chuyện với cô chú hàng xóm. Cô Loan nhà kế bên nói với mẹ tôi:
-Hình như nhà con này ở gần Ngã Năm (**) thì phải. Nghe đâu bị người yêu ruồng bỏ nên phát điên.
-Thế gia đình còn ai không? Lang thang như thế, gặp bọn xấu thì khổ. Mẹ tôi hỏi cô Loan, vẻ ái ngại.
-Nào em có biết đâu. Thấy người ta đồn như thế. Mà chị cũng bạo thật đấy, hết đưa ăn xin rồi lại dẫn người điên về nhà. Nó điên, biết cái gì, lỡ nó vung tay đánh mình một cái thì sao. Cô Loan trách mẹ tôi.
-Chị đi chợ về, thấy nó đang nằm ở đầu hồi ấy. Trông tội quá. Mình cũng chỉ tắm rửa, cho ăn bữa cơm thôi. Định hỏi xem nhà nó ở đâu rồi kiếm cách giúp nó tìm lại gia đình. Mà nó chẳng hiểu gì, cứ nói luyên thuyên. Con trai nhà nào mà tệ thế, phải tội chết. Làm hỏng một đời người ta.
Mẹ tôi thở dài.
-Xã hội bây giờ nó thế chị ạ. Hy vọng là con bé đó tìm được về nhà. Từ đây lên Ngã Năm cũng gần ấy mà.
-Ừ, hy vọng thế.
-Hôm nay ế rau hả chị? Vậy bán cho em một mớ rau muống, mai thằng Tuấn ở nhà nấu. Trưa mai em về ăn cơm.
Mẹ tôi mang cho cô mớ rau vẫn còn tươi nguyên.
-Cô cầm lấy mà ăn, chị em với nhau mua bán gì.
Mọi người lại lục tục kéo nhau vào nhà, ngồi xuống mâm cơm còn đang ăn dở. Mẹ tôi cứ xuýt xoa về người đàn bà điên ấy mãi. Bố tôi, lúc này mới trách:
-Bà làm thế con Liên (***) nó sợ. Lần sao bà có đem người điên nào về, thì cho ngồi ăn riêng. Mà nhà mình cơm ăn còn thiếu, bà cứ rộng rãi quá, con mình khổ.
-Cũng chỉ cho người ta một bát cơm chứ có gì đâu mà ông cằn nhằn. Năm thì mười hoạ mới gặp một lần. Thấy những cảnh ấy tôi không nỡ. Để người ta ngồi riêng trong khi cả nhà mình quây quần thì thà không cho người ta ăn lại còn hơn.
Mải lo cho người đàn bà điên, đến lúc nghe bố tôi nhắc “con Liên nó sợ”, mẹ tôi mới sực nhớ ra.
Bà bước đến bên tôi lúc này vẫn đang đứng mút tay, lưng dựa sát vào tường, hai mắt đỏ hoe chực khóc. Tôi có tật xấu là hay mút tay, nhất là những lúc xấu hổ hay cảm thấy tủi thân. Thói quen mút tay, mãi đến khi học cấp hai tôi mới bỏ được.
Mẹ tôi cười, nửa vỗ về, nửa như chọc quê tôi:
-Trông kìa, có thế mà cũng sợ. Chị ấy bị điên, khổ thân lắm con.
Được mẹ hỏi han, miệng tôi méo xệch, mếu máo. Nhưng tôi không khóc vì sợ mẹ buồn. Với lại mẹ tôi đã nói “có thế mà cũng sợ”, thì tôi phải cố nén. Tôi mà khóc, các anh chị tôi sẽ hùa nhau mà trêu chọc. Thực tình thì lúc ấy, tôi đã bớt sợ hơn, nhưng tủi thân quá. Tôi biết là không nên ganh tị với người điên kia, nhưng tôi đã quá quen với việc hàng ngày được mẹ ôm ấp, nựng nịu mỗi khi bà tan chợ. Hôm nay tôi bị ra rìa.
Mẹ kéo tôi ngồi cạnh bà bên mâm cơm. Tôi đã quá quen với những bữa cơm chỉ có rau, hoặc khoai độn. Nhưng hôm nay, tôi không nuốt nổi vì cảm giác người đàn bà điên vẫn đang ngồi ăn cùng, dơ dáy và bẩn thỉu.
Mẹ tôi bưng bát cơm thừa của người đàn bà điên lên, định ăn. Bố tôi gàn:
-Bà bỏ đi. Người ta bẩn thỉu, bệnh tật thế, bà còn tiếc.
Mẹ tôi bỏ bát cơm ấy đi, nhưng vẫn tiếc.
Từ lần đấy, tôi không bao giờ trông thấy người đàn bà điên ấy nữa. Khoảng một năm sau, cũng vào buổi chiều muộn, mẹ tôi (lúc này không còn đi bán rau nữa, mà chuyển sang bán than) vừa về tới nhà, đã khoe:
-Lúc sáng kéo xe than đi qua Cửa Hàng Gạo (***) thấy con bé điên ngày xưa bế một đứa trẻ, đang ngồi cho nó bú.
Sáng hôm sau tôi đi học, thấy người đàn bà điên năm nào đang ngồi trên bậc thềm ở Cửa Hàng Gạo. Trên tay là đứa trẻ sơ sinh. Chị ta đang cho nó bú. Người đàn bà điên ấy không còn mặc độc một chiếc quần lót cắt bằng vải phin nữa. Trên người chị ta là bộ quần áo bảo hộ lao động, cũ kỹ và rách bươm. Bộ quần áo không biết chị ta nhặt ở đâu, hay có người cho. Vẫn là mái tóc xoăn ngang cằm bê bết, bẩn thỉu. Bên cạnh chị ta, đùm túm nào chiếu, nào túi vải với lỉnh kỉnh những đồ dùng chắc chỉ có người điên mới cần đến. Có cả mấy thứ cho đứa bé.
Tôi ôm chặt chiếc cặp sách, đứng lặng người. Từ xa, tôi cố rướn mắt để nhìn cho rõ đứa bé chị ta đang ẵm. Chợt có mấy người phụ nữ từ đâu đi tới, người thì đá chân chị ta, người khác thò tay vào giằng đứa trẻ. Người mẹ điên gào thét, những âm thanh thống thiết, ghê sợ. Tiếng gào thét không hẳn của một con người. Đứng ở góc này, tôi kinh hãi và bất lực. Chị ta ôm chặt lấy con, ánh mắt trừng lên giận dữ, lẫn vẻ hoảng sợ.
Tôi run lên cầm cập. Tôi thương người đàn bà điên và căm ghét hai kẻ bắt cóc trẻ con kia. Tôi cũng không biết là mình đã khóc tự bao giờ. Tuổi tôi, tâm hồn bé nhỏ của tôi ngày ấy còn biết làm gì ngoài việc khóc lóc. Nhưng tôi không phải khóc lâu. Hai người phụ nữ kia không phải bọn bắt cóc trẻ con như tôi nghĩ lúc ban đầu. Họ kiếm sống ở khu Cửa Hàng Gạo này, họ quen thuộc với người đàn bà điên. Thỉnh thoảng, họ lại kiếm chuyện trêu chị ta rồi cả bọn phá lên cười với nhau. Họ khoái nhất là chơi trò “cướp con” để được xem cảnh người mẹ điên bảo vệ con mình. Mỗi lần chơi trò “cướp con” xong, họ đều trầm trồ khen “con điên này khôn thật. Đố ai động được vào con nó”.
Tôi thở phào. Người đàn bà điên ngồi nép vào tường, đôi bàn tay đen đúa ôm con chặt hơn. Đứa bé không khóc, vẫn ngủ ngon lành trên tay mẹ.
Tôi biết về cuộc đời người đàn bà điên qua những câu chuyện người ta bàn tán với nhau. Chị ta bị điên tình. Chị từng yêu say đắm một anh chàng cũng từng yêu chị say đắm như thế. Họ đã định ngày cưới nhưng đùng một cái, anh chàng phản bội người yêu để đi lấy người khác. Đám cưới bị huỷ bỏ. Chị ta phát điên. Từ đó, chị cứ bỏ nhà đi lang thang. Bố mẹ, rồi anh chị em bao phen phải cất công đi tìm. Họ nhốt người đàn bà điên trong phòng. Nhưng chị ta vẫn trốn được ra ngoài để đi lang thang, sống kiếp người điên. Lúc mới phát bệnh, gia đình cũng chạy chữa. Hết đi bệnh viện rồi lại gõ cửa hết ông thầy lang này đến ông thầy cúng kia, vẫn không mang lại kết quả gì. Nghe người ta xúi, bệnh điên là do “ma làm”, ma sợ roi dâu tẩm nước tiểu. Thế là bố và anh trai chị ta trói người đàn bà tội nghiệp ấy vào gốc cây, rồi cứ roi dâu tẩm nước tiểu mà quất. Không thấy con ma nào chạy ra khỏi cơ thể người phụ nữ ấy người. Chỉ thấy mỗi lần bị đánh, người đàn bà tội nghiệp kia lại thống thiết kêu gào đau đớn, người ngợm bầm tím và rỉ máu. Đánh mãi, không hết điên. Rồi cũng chán.
Khoảng một năm trước, gã đàn ông khốn nạn nào đó đã hại chị ta. Người ta điên dại, bẩn thỉu như thế nó cũng không tha. Cái bụng người đàn bà điên cứ lớn dần lên.
Từ ngày có con, chị ta không lang thang xa nữa. Cứ quẩn quanh ở mấy khu chợ, Cửa Hàng Gạo hoặc Ngã Năm. Tức là gần ngôi nhà ruột thịt của chị. Người dân ở đấy kẻ thì cho đồ ăn, người khác cho tã lót hay manh quần tấm áo. Không ai cho tiền vì chị ta toàn xé rách hoặc ném đi. Có con, người đàn bà điên bớt bị người đời đùa ác ý, đánh đập hay ném đá vào người. Tất nhiên ngoại trừ trò đùa “cướp con” của mấy người phụ nữ kiếm ăn gần đấy. Người ta không giải thích nổi vì sao một người đàn bà điên loạn như thế lại có thể yêu con tột cùng như vậy. Nó trong sáng, hồn nhiên và vô cùng vĩ đại. Người mẹ điên ấy, yêu con hơn bất cứ người mẹ bình thường nào. Dường như chị ta dùng toàn bộ sức mạnh và cả sự điên loạn của mình để bảo vệ con, để yêu con.
Thỉnh thoảng, trên đường đi học, tôi vẫn trông thấy chị ta bế con ngồi ở Cửa Hàng Gạo. Mỗi lần như thế tôi lại thấy an tâm hơn. Tôi sợ chị ta đi mất. Tôi sợ không còn trông thấy đứa trẻ. Và mẹ tôi, thỉnh thoảng vẫn mang cho chị ta bộ quần áo cũ, đồ ăn, chai nước hoặc thứ gì đó cho em bé.
Rồi một hôm, trên đường đi học, tôi không còn trông thấy hai mẹ con người đàn bà điên ấy đâu nữa. Người thì nói chị ta được gia đình đón về, nhốt trong nhà. Có người lại bảo chị ta tha con đi lang thang ở một nơi khác.
Tôi bần thần bao nhiêu ngày. Hình ảnh người đàn bà điên bế đứa trẻ sơ sinh, non nớt trên tay làm tôi bị ám ảnh. Tôi như người mất trí, có lúc lại như người tương tư. Tôi nhớ thương họ. Giá như tôi là người lớn và thật giàu có. Nếu tôi giàu có, và là người lớn thì…
Ơi người Mẹ Điên ơi! Ơi đứa con khốn khổ ơi!
Xoáy vào tâm can tôi đến giờ.
Chú thích:
(*) Sảo: Vật dụng được đan bằng nan tre, to khoảng bằng chiếc mâm ăn cơm, nông lòng.
(**) Ngã Năm:Từ Ngã Năm đi ra nhiều con đường. Nhà tôi ở đường Đà Nẵng, cách Ngã Năm chừng hơn một cây số.
(***): Liên: Tên thường gọi của tôi ở nhà.
(****) Cửa Hàng Gạo: Nơi cung cấp gạo, lương thực cho người dân địa phương thời bao cấp.
P.T.N.
(Còn tiếp)