Bóng đá và phê bình văn học *

Nguyễn Hoàng Văn

Bóng đá lôi cuốn ở chỗ bất ngờ. Văn học lôi cuốn ở sự khám phá. Xem một trận bóng mà biết trước kết quả thì cũng chán phèo như đọc một tác phẩm biết rồi khổ quá nói mãi. Tỷ số bất khả đoán của những trận đấu lớn có thể thay đổi trật tự quyền lực của bóng đá. Những khám phá mới mẻ từ một tác phẩm lớn có thể thay đổi hẳn những cách nhìn hiện thực.

Bóng đá là kiến trúc của đường bóng. Văn học là kiến trúc của chữ. Bóng đá là những đường bóng sắc nét hay uyển chuyển. Văn học là những câu chữ rắn rỏi hay hàm súc ý tưởng. Những động tác vờn bóng hoa mỹ nhưng phối hợp rời rạc không làm nên một trận đấu xuất sắc thì một đại dương những câu chữ màu mè mà thiếu đi sự liền lạc cũng không bao giờ làm nên một tác phẩm hay.

Bóng đá lôi cuốn bằng tốc độ và nhịp điệu biến ảo không cùng của thế trận. Văn học lôi cuốn bằng nhịp điệu của mạch văn và sự liền lạc trong kết cấu tác phẩm.

Cái hay của bóng đá gần với cái hay của phê bình văn học hơn là văn học nói chung. Bóng đá căng cứng áp lực. Phê bình thẳng thắn đi vào vấn đề. Bóng đá chờn vờn thế trận nhưng dứt điểm cái rụp. Phê bình khúc chiết lý luận nhưng kết luận cái ào.

Bóng đá phải ồ ạt tấn công. Phê bình phải thẳng thắn, không khoan nhượng. Bóng đá nhạt thếch vì nơm nớp phòng ngự.** Phê bình nhạt thếch vì hoang mang, thiếu tự tin. Bóng đá hấp dẫn ở những cú sút căng phồng lồng ngực. Phê bình hấp dẫn ở những luận điểm chan chát sát phạt. Bóng đá là những đường bóng bay như đường đạn. Phê bình là lưỡi dao sắc lạnh loại bỏ cái thừa của nhà điêu khắc để tôn tạo cái đẹp của tác phẩm.

Bóng đá đốn mạt vì trò dàn xếp. Phê bình khốn nạn vì trò xu phụ. Bóng đá thô bỉ vì trò ăn vạ. Phê bình dơ bẩn ở trò vu khống. Bóng đá nhợt nhạt vì trò cơ hội chủ nghĩa. Phê bình mất sinh khí vì thời thượng và phải đạo.

Thưởng thức bóng đá thì nên take side, phân cực. Đọc phê bình nên có quan niệm, lập trường. Xem hờ hững trung dung thì bóng đá lạt lẽo vô vị. Đọc ba phải thì phê bình vô duyên.

Phía nào của bóng đá cũng phải tôn trọng tính công bằng và phía nào của phê bình cũng phải hướng tới tính duy mỹ và duy lý.

22.6.2006

Chú thích:

*Bài này tôi viết năm 2006, ngay sau khi xem trận đấu giữa Đội Úc và đội Ý, sau in trong cuốn Ngôn ngữ & quyền lực:

https://www.amazon.com/Ngon-Ngu-Quyen-Luc-Vietnamese/dp/1629882402

** Đa số các đội tham dự World Cup 2006 đều chọn chiến lược phòng ngự: thủ chặt khung thành và chờ chực cơ hội để tràn lên tấn công theo lối “hit and run” nên thường chỉ bố trí một tiền đạo. Sự thể khiến World Cup 2006 trở nên nhạt phèo đến độ ông Franz Beckenbauer, nguyên Trưởng ban tổ chức, đã rầu rĩ tuyên bố: nếu có thể thì sẽ loại những đội chỉ chơi với một tiền đạo.

Comments are closed.