BỨC THƯ NGỎ GỬI NHÀ VĂN TIÊU DAO BẢO CỰ

clip_image002

Trương Anh Thụy, làm thơ, viết văn. Sinh tại Hà Nội, di cư vào Nam năm 1954. Hiện sống với gia đình tại Hoa Kỳ. Tác phẩm đã xuất bản: Thơ Của Mưa Gửi Nắng; Trường thi Trường Ca Lời Mẹ Ru kèm theo bản dịch tiếng Anh của dịch giả Nguyễn Ngọc Bích và 30 bức minh họa của họa sĩ Võ Đình; Truyện Trạm Nghỉ Chân; Tập truyện ngắn Ánh Mắt; Trường thiên tiểu thuyết Chuyển Mùa (Giải thưởng Văn Chương do Hội Y Sĩ Quốc Tế Việt Nam Tự Do trao tặng – 2004).

Nhân có dịp đọc lại Bức Thư Ngỏ Gửi Nhà Văn Tiêu Dao Bảo Cự, tác giả cuốn tiểu thuyết Nửa Đời Nhìn Lại cũng trong một ngày đông giá lạnh, tuyết bay phấp phới ngoài khung cửa… để rồi ngậm ngùi nghĩ đến hoàn cảnh đất nước ngày hôm nay, so với 20 năm trước kể từ ngày tôi viết bài này, sao vẫn còn đầy rẫy bất công, vẫn còn hố sâu ngăn cách giàu nghèo, kẻ cầm quyền với dân đen thấp cổ bé họng v.v…? Khác chăng là hồi đó có 74 triệu dân và nay thì đã 94 triệu! Chỉ có một niềm an ủi là những kẻ đồng điệu trong, ngoài càng khăng khít hơn, càng gắn bó hơn, điển hình là sự hội tụ cùng nhau trên Diễn Đàn này.

 

TÁC GIẢ CUỐN TIỂU THUYẾTNỬA ĐỜI NHÌN LẠI”

Trương Anh Thụy

Hoa Thịnh Đốn, đầu xuân Giáp Tuất 1994

Kính gửi anh Tiêu Dao Bảo Cự

Thưa anh,

Hôm rồi nhà xuất bản Thế Kỷ có gởi tặng tôi cuốn “Nửa Đời Nhìn Lại” của anh, với một lời ân cần gửi gắm “Cuốn này lạ lắm… chị đọc và cho vài hàng cảm tưởng”. Tôi đã đọc một mạch… Thực ra, mấy năm gần đây, những tác phẩm hay tài liệu viết một cách trung thực từ trong nước “tuồn ra” hải ngoại, vẫn thường được người quan tâm đến vấn đề quê hương dân tộc đón nhận khá nồng nhiệt. Riêng tôi lần này, nơi tôi ở, vùng thủ đô Hoa Thịnh Đốn, gặp một mùa đông triền miên bão tuyết, có nhiều ngày các công tư sở, các trường học… đóng cửa, tôi phải ngồi nhà như mọi người, nhưng lại có được cuốn sách hay trong tay mà đọc, thật là lý tưởng!

Tôi đang ngồi đối diện cửa sổ trông ra vườn sau tuyết phủ trắng xóa. Các cành cây trụi lá bao bọc một lớp đá trong vắt như pha lê đang lấp lánh trong ánh nắng ban mai. Tôi mở đọc những trang cuối cùng của cuốn “Nửa Đời Nhìn Lại”. Tôi gấp sách, ngồi lặng trong giây lâu, những cảm giác lạ lùng mâu thuẫn tràn về… Phần như tiếc nuối cuốn sách đã đến hồi kết thúc, phần lại thấy trong tâm tưởng, những nhân vật trong truyện vẫn còn linh động, đang vật lộn với định mệnh của họ và câu chuyện như vẫn còn đang tiếp diễn chưa thôi.

Ngồi ngẩn ngơ như thế không biết bao lâu trước cuốn sách đã gấp lại. Chợt nhớ câu cuối cùng anh viết: “Tôi vẫn chưa ra được cơn khủng hoảng và khát vọng tìm kiếm một con đường. Xin các bạn hãy cho tôi những lời tâm sự và những lời khuyên. Điều đó chắc chắn sẽ đem lại cho tôi ngọn lửa, ánh sáng và tình thân, những cái cần thiết vô cùng cho tôi, cho chúng ta, trong lúc này”. Tôi thấy tôi có món nợ đối với anh, món nợ đó ít nhất phải được trả bằng một câu trả lời, đó là “cho vài lời tâm sự và lời khuyên”.

Tôi  không muốn tự giới thiệu dài dòng ở đây. Anh chỉ cần biết tôi là một độc giả của anh. Tôi ở xa anh nửa vòng trái đất. Tôi được thở không khí tự do, nhưng lại ở ngoài nước. Anh ở trong nước, nhưng lại ở trong bàn tay Cộng sản (dù nó đã ít nhiều biến chất). Tôi lúc nào cũng tự hào là người Quốc gia. Anh đã chối bỏ Quốc gia, đi theo Cộng sản.

Bấy nhiêu thôi, chắc anh cũng thấy được sự đối cực quá rõ giữa anh và tôi. Nhưng hôm nay tôi viết bức thư này, không phải để nêu ra những mâu thuẫn đó, mà để “tâm sự” theo lời yêu cầu của anh. Trước hết là cảm tưởng của tôi đối với cuốn “Nửa Đời Nhìn Lại” mà anh là tác giả. Cuốn sách lôi cuốn tôi từ đầu đến cuối. Các tình tiết được sắp xếp một cách lớp lang, hợp lý. Văn giản dị, trong sáng, hấp dẫn người đọc.

Vì đây là một bức thư “tâm sự” tôi xin phép không đi sâu vào văn chương và bút pháp của cuốn truyện mà chỉ xin nói về phần tư tưởng. Trong truyện này anh nói thẳng “Tác phẩm chính là tôi, cuộc sống của tôi. Đó là một cuộc sống hòa lẫn thực và mơ, một sự tồn tại đầy đủ nhất mà tôi đã có từ trước tới nay” (tr. 328). Anh cũng lại cho người đọc coi tiểu sử, tên thật, ngày sinh và cả hình của anh nơi bìa sau trang sách. Tôi xin phép được coi số phận và những trăn trở của nhân vật chính trong truyện (Hoài) cũng là số phận và những nhức nhối của chính anh. Sau khi đọc xong cuốn truyện, tôi vô cùng khâm phục anh, cũng như trước đây tôi đã từng dành sự kính trọng tới các vị như Nguyễn Ngọc Lan, Chân Tín, Đoàn Viết Hoạt, Nguyễn Đan Quế, Hà Sĩ Phu, Nguyễn Huy Thiệp, Dương Thu Hương, Phạm Thị Hoài, Bảo Ninh v.v… những người dám nói thẳng, viết thật ngay trong lòng chế độ. Riêng trường hợp anh, tôi còn đặc biệt khâm phục khi thấy anh đã can đảm nhận lỗi về phía mình, một điều mà ít ai dám làm. Anh thắng được mình, thắng được lòng tự ái, thắng được cái thành kiến cố hữu nó ăn sâu bám rễ trong anh trong nhiều năm tháng, thì tôi nghĩ cái gì trên đời này mà anh lại không thể thắng được?  Hãy nghe hai câu thơ của Linh Thoại:

“Thắng nào thắng giữa ba quân,

Thắng này thắng vượt là thân phận mình.”

Trong suốt cuốn truyện tôi thấy anh không nhắc đến khối người Việt ở hải ngoại. Có thể anh không biết gì nhiều về họ nên khiêm tốn không đụng tới? Hay cũng có thể anh không tin tưởng nơi họ, vì lẽ họ đã từng đứng trong hàng ngũ mà anh gọi là “ngụy quyền tay sai” một chế độ mà theo Vy, vợ của Hoài đã nói: “Trong chế độ đó, cả anh và em đều là những kẻ khốn cùng…” (tr. 133). Nếu chỉ dựa vào mấy câu này, tôi không đo lường được mức “khốn cùng” của vợ chồng Hoài, khi sống dưới chế độ miền Nam? 

Tuy nhiên, điều đó không làm tôi e ngại “đối thoại” với anh, bởi lẽ trong suốt cuốn  truyện, anh đã ít nhất hơn một lần cho nhân vật Hoài tuyên bố là giờ đây anh ta thấy “con người” là trên hết: “Con người cao hơn và trường cửu hơn chủ nghĩa cộng sản hay bất cứ chủ nghĩa nào” (tr. 253). Và ở nơi trang 323, Hoài còn nói: “Con người cao hơn Cộng sản nhiều, cao hơn tất cả mọi chủ nghĩa, mọi chế độ chính trị, trong khi cộng sản và các chủ nghĩa lại muốn đứng trên mà chi phối con người”. Tôi đã, do đó, tìm thấy ở anh một mẫu số chung. “Mẫu số chung” đó là quan niệm “tôn trọng quyền tối thượng của con người”, không một ai, một nhóm nào có quyền nhân danh chủ thuyết này hay chủ thuyết nọ để tước đoạt quyền đó đi. Và một khi anh đã tìm về được với “con người” là anh đã tìm ra được “con đường” để phục hồi quyền tối thượng của con người, đó là con đường nhân bản. Con đường đó dứt khoát không thể là con đường của chủ thuyết Cộng sản, con đường đã đưa con người đến hàng súc vật, như Nguyễn Chí Thiện đã mô tả:

“Từ vượn lên người mất mấy triệu năm?

………

“Ở nước Nam tôi, chính sách siêu quần:

“Từ người xuống vượn mất có ba năm!”

Một chế độ đầy ải con người qua hình ảnh cha con người đẩy xe củi trên dốc. Họ thuộc lớp người mà chế độ không thể nào qui cho họ tội “phản động” vậy mà sao cũng hết đời cha đến đời con vẫn chịu cảnh cơ cực nhọc nhằn? Lại còn hình ảnh người anh hùng Đèo Cả trong bài thơ: “Tục Đèo Cả” của Hữu Loan nữa chứ! Sau khi chiến thắng trở về, anh đeo huân chương đầy ngực, kéo xe ba gác kiếm sống qua ngày ngay giữa thủ đô Hà Nội (tr.229). Còn những người nghệ sĩ trí thức không chịu làm “cô đầu ca ngợi đảng” như hình ảnh quê mùa lạc hậu của nhà thơ Hữu Loan, một nhà thơ lớn của dân tộc, sau khi bị đảng đày ải 30 năm, không thấy được ánh sáng văn minh của thế giới.

Nơi phần bút ký, gần cuối trang 336 anh viết: “Gác qua một bên mọi định kiến, hòa giải hòa hợp dân tộc phải chăng là một con đường tuy khó khăn nhưng là con đường duy nhất đúng trong hoàn cảnh hiện nay?”. Câu hỏi đột ngột này làm tôi hơi ngỡ ngàng, bởi lẽ tư tưởng “hòa giải hòa hợp” chưa bao giờ được nêu ra trong suốt cuốn truyện. Tôi không hiểu ý anh muốn nói hòa giải, hòa hợp với ai? Giữa đảng viên chính hiệu xuất thân từ giai cấp bần cố nông với đảng viên trí thức tiểu tư sản? Giữa cán bộ của Mặt trận giải phóng với cán bộ “từ Bắc vào, từ rừng ra”? Giữa người trong đảng với người ngoài đảng? Hay đi xa hơn nữa, là người Việt trong nước với người Việt ở ngoài nước – một vấn đề đang gây rất nhiều tranh luận tại hải ngoại?

Tôi không dám võ đoán, nhưng dù rằng ý của anh có là hòa giải, hòa hợp giữa ai với ai, giữa nhóm nào với nhóm nào đi chăng nữa (trên một thế đứng ngang hàng và dân chủ) thì sự dự phần trực tiếp hay gián tiếp của đảng Cộng sản Việt nam, một tập đoàn chủ trương độc đảng, làm người ta liên tưởng đến “độc quyền, độc tài, độc ác” (tr. 333) cũng sẽ làm cho sự hòa giải hòa hợp này trở thành không tưởng.

Chính các nhân vật của anh đã chứng minh điều đó. Ta hãy nhớ lại lời của Phó bí thư tỉnh ủy nói với Hoài: “Từ bỏ vai trò lãnh đạo của đảng chính là tự sát. Đảng ta đã được lịch sử giao phó sứ mệnh lãnh đạo dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đảng phải độc quyền lãnh đạo, không chia sẻ với ai khác. Dân chủ cũng phải dưới sự lãnh đạo của Đảng…” (tr. 308). Vậy thì “bên kia” bên muốn hòa giải, hòa hợp với chế độ Cộng sản có chỗ đứng nào?

Còn ai có thể nhiệt tình và tha thiết với đảng hơn Hoài? Anh “choáng ngợp, kính phục, say mê” đảng (tr. 116). “Đảng đã đến với Hoài như một tất yếu, ngược lại Hoài cũng đến với đảng như một điều không thể khác được” (tr. 18). Vì thế Hoài hy sinh tất cả, tuổi trẻ, hạnh phúc cá nhân để theo đảng. Anh không ngại vào sinh ra tử: “…ngang nhiên công kích chế độ Mỹ ngụy và bí mật hoạt động cách mạng…” (tr. 14). Tiếp tay thành lập được đội ngũ trung kiên (gồm thanh niên, sinh viên, học sinh hoạt động bí mật trong vùng Quốc gia) để “dâng lên đảng” (tr. 26). Những lúc thất bại “anh em đã hướng về đảng như niềm hy vọng cuối cùng” (tr. 18). Một người tâm huyết như thế đã được đảng trả công như thế nào? Hãy nghe ông Nghi, bí thư huyện đoàn nói: “Bản thân tôi rất quý đồng chí Hoài vì đồng chí có năng lực, trình độ và nhiệt tình, nhưng rõ ràng yếu tố đó chưa đủ cho một đảng viên cộng sản. Vấn đề cơ bản là lập trường giai cấp, mà đây là chỗ yếu của đồng chí Hoài. Đồng chí Hoài xuất thân là trí thức tiểu tư sản, từ đó dễ dao động…” (tr. 92). Bởi thế Vy, vợ Hoài đã tỉnh ngộ: “Người ta đã nhân danh điều đó (đảng/tập thể/tổ chức) để sử dụng Hoài, buộc anh phải làm theo họ, không hề chú ý một chút nào về nguyện vọng cá nhân. Khi cần thiết, người ta sẵn sàng chà đạp lên cá nhân không thương tiếc, điều mà người nói là “vắt chanh bỏ vỏ” (tr. 271). Và ở một đoạn khác nàng xót xa: “Người ta sử dụng nhưng không tin tưởng anh, một đảng viên kết nạp trong vùng tạm bị chiếm, có thành phần tiểu tư sản trí thức và quan hệ phức tạp, một thứ con nuôi của cách mạng. Anh đề xuất nhiều kế hoạch hợp lý, táo bạo nhưng anh không có quyền quyết định điều gì. Anh làm việc hết mình, nhưng thành tích thuộc về các lãnh  đạo” (tr. 148).

Còn Minh Hương thì sao? Một nhà thơ nổi tiếng, một cán  bộ cốt cán từ Hà Nội vào, đâu phải thứ con nuôi chế độ được kết nạp từ miền Nam? Nhưng anh nào có được tin cẩn gì hơn. Anh “tình nguyện vào chiến trường miền Nam những năm chống Mỹ” (tr. 140). Sau khi thành tâm cố gắng thực hiện “nghị quyết đổi mới” của đảng, anh quá thẳng thắn nên không dè đó chỉ là một thứ đổi mới giả hiệu “Cải tổ đổi mới gì đi nữa cũng không được buông lơi vai trò lãnh đạo của đảng. Đây là vấn đề sinh tử” (tr. 308). Anh đã bị “Người ta tiếp tục bao vây, đe dọa, mua chuộc anh không được nên đang tính dùng biện pháp hành chính cho anh về hưu và trục xuất anh ra khỏi thành phố Sương Mù” (tr. 329). Ngoài Hoài và Minh Hương ra, còn thiếu gì những nhân vật khác mà điển hình là “ông Tân và các đảng viên trong chi bộ Trung Kiên cũ, người về hưu đúng tuổi, người về hưu non, kẻ bỏ mảnh đất họ đã từng tranh đấu để tha phương cầu thực, người chết dần mòn trong nghèo đói” (tr. 329). Đến đây, thiết tưởng câu hỏi “Hòa giải, hòa hợp” của anh đã tự nó được trả lời?

Nơi trang 323, anh băn khoăn, không biết đi con đường nào: “… vì độc lập, tự do an ninh của tổ quốc, vì sự phồn vinh của đất nước, anh (Hoài) sẵn sàng cống hiến. Nhưng bằng cách nào? Trong chế độ chính trị nào?” (tr.322). Theo tôi, điều quá rõ: Bất cứ con người nào, chế độ chính trị nào có thể phục hồi được nhân phẩm con người, đáp ứng được những nhu cầu căn bản của con người như cơm áo, tình yêu, tôn giáo, giáo dục, “thanh bình riêng rẽ” (nỗi ước mơ đơn sơ của Vy và của tất cả những ai có con tim…) thời chế độ đó sẽ được “con người” chọn lựa và hướng theo. 

Tôi rất thích lối ví von của ông Hà Sĩ Phu, ông ví sự phản bội của cả chế độ Cộng sản như một “tòa nhà năm tầng” (Lời Bạt, tr. 337). Tôi không được biết rõ có bao nhiêu đảng viên Cộng sản đang ở tầng thứ 5 là tầng của những người cộng sản có lương tâm, là những người “chân chính dũng cảm thấy mình là kẻ bị phản bội thật sự”. Là những người nhận thấy mình “đã góp phần củng cố một bộ máy quan liêu, đã tô vẽ cho một ảo tưởng, nhân danh khát vọng ảo tưởng ấy của con người mà chà đạp lên chính con người…” (tr. 337), nhưng tôi hy vọng ông đúng khi ông nói “Tầng thứ năm là tầng sám hối, và chính vì thề tòa nhà phản bội năm tầng ngột ngạt cuối cùng vẫn có hướng mở ra” (tr. 339).

Hồi nhỏ tôi thường được theo bà ngoại lên chùa. Tình cờ một bữa tôi được nghe thầy giảng: “Phật dạy người ta chỉ cần một phút thành tâm sám hối là đủ rửa sạch tội lỗi, nợ trần…”. Thầy còn giảng rộng hơn: “Vì thế nên đối với người thân trong lúc lâm chung, ta không nên khóc lóc om sòm, để yên cho người hấp hối có thể bình tâm sám hối, và ra đi thanh thản, bỏ lại sau lưng cuộc đời đầy phù du giả tạo.” Anh không phải là người đang hấp hối. Lại cũng chưa chắc đã có niềm tin nơi Phật, nhưng tôi mong lời nói đầy nhân từ của Người cũng đáng để anh suy ngẫm. 

Hình như tôi đã tâm sự quá nhiều mà chưa có lời khuyên như anh yêu cầu. Khuyên gì bây giờ khi mọi việc thường nói thì dễ, làm thì khó! Khi tôi ở đất tự do dân chủ, anh ở một nơi mà người ta nhân danh nhân dân để đàn áp nhân dân, nhân danh con người để chèn ép con người. Nơi người ta đã quyết tâm “độc quyền yêu nước, độc quyền chân lý” (tr. 333). Khi tôi ở một nước pháp trị, anh ở một nước chỉ có luật rừng: cấp trên đè cấp dưới, cá lớn nuốt cá bé. Khi tôi được nhàn hạ ngồi ngắm bông tuyết bay, anh phải quần quật tranh đấu từng giờ để có từng miếng cơm manh áo, từng lời nói, từng hơi thở…

Tóm lại tôi không có một lời khuyên, chỉ có vài hàng gửi về chia sẻ tâm tư với anh, và đó cũng có thể là tâm tư của không ít người Việt ở hải ngoại, là luôn luôn thao thức, trăn trở đi tìm một con đường, một lối thoát cho quê hương đau khổ của chúng ta. Người Pháp có câu “Lời khuyên sẽ vô ích, nếu người nghe chưa sẵn sàng”. Anh đã sẵn sàng thì lời khuyên có thể nghe thấy ở khắp nơi, ở 74 triệu dân Việt Nam, trong cũng như ngoài nước.

Để kết thúc bức thư này, tôi xin mượn câu của nhà văn Doãn Quốc Sĩ, “Tiếng hát tự lòng đất”. Tiếng hát này sẽ có ngày dấy lên để tất cả mọi người con dân Việt nghe thấy, và chọn con đường đúng cho mình đi vào thế giới tương lai, đi vào thế kỷ 21, với tất cả tự do, nhân phẩm và dân quyền của mình.

Nhân dịp đầu năm, tôi thành thực chúc anh sức khỏe và thành công trong lý tưởng mới để đưa tổ quốc, dân tộc ra khỏi lầm than khốn khó hiện nay.

Kính thư,

Trương Anh Thụy

(Bài đã đăng trên Tạp chí Thế Kỷ 21(Mỹ), tháng 4 – 1994; tác giả gửi cho số Xuân 2015 Văn Việt)

Comments are closed.