Các bà bảo mẫu (Trắng Trên Đen 6 và 7)

Ruben David Gonzalez Gallego

Vũ Thư Hiên dịch

Họ chẳng có nhiều lắm đâu, những bà bảo mẫu. Ấy là tôi muốn nói về những bà bảo mẫu đích thực, chính cống là bảo mẫu, những con người dịu dàng và chu đáo. Tôi không nhớ tên các bà, hay nói cho đúng, tôi không nhớ được hết tên của tất cả các bảo mẫu tốt bụng. Trong chúng tôi với nhau, chúng tôi chia các bà làm hai loại, “ác” và “hiền”. Ranh giới thiện ác trong thế giới trẻ con đơn giản lắm, rõ ràng lắm. Một thời gian dài tôi không sao thoát khỏi thói quen hình thành hồi ở nhà trẻ là chia cõi nhân gian thành hai loại, mình và người, khôn và ngu, hiền và ác. Biết làm thế nào được? Tôi lớn lên ở đấy mà. Ở đấy ranh giới giữa sống và chết là mỏng manh, ở đó đểu cáng là điều bình thường. Tính chân thật và lòng tốt cũng là điều bình thường. Tất cả trộn lẫn với nhau. Chắc hẳn do nhu cầu chọn lựa mỗi lần giữa cái xấu và cái tốt đã làm nảy sinh trong tôi sự phân định rạch ròi như thế.

Thường, những bảo mẫu hiền là những bà có đạo. Tất cả các bà bảo mẫu có đạo đều hiền. Ấy đấy, vừa mới đặt bút viết tôi đã lại phân chia người ta thành các loại rồi. Chẳng làm sao thoát khỏi thói quen tệ hại ấy.

Nhà nước cấm dân theo đạo. Chúng tôi được dạy rằng Chúa Trời không hề có. Vô thần là chuẩn mực trong đời sống. Bây giờ nói thế nhiều người không tin, nhưng đúng nó đã là như vậy đấy. Tôi không biết trong các thầy các cô có ai theo đạo không. Có thể cũng có. Các thầy các cô không được phép đả động đến đề tài ấy với học sinh. Vì tội giữ một quả trứng Phục Sinh hoặc vì làm dấu thánh giá, các thầy các cô có thể bị đuổi việc. Nhưng với các bà bảo mẫu thì chẳng sao hết. Lương bảo mẫu thấp, việc thì nhiều. Chẳng ai thiết làm cái việc lau sàn và thay tã cho con nít. Người ta lờ đi chuyện các bảo mẫu theo đạo. Và thế là các bà theo đạo. Thây kệ tất, theo là theo. Trong ca đêm các bà cầu nguyện một lúc lâu, với cây nến nhỏ mang theo người. Các bà làm dấu thánh trên trán chúng tôi khi chúng tôi đi ngủ. Lễ Phục Sinh các bà mang bánh cuốn hấp và trứng có hoa văn cho chúng tôi. Mang thức ăn vào nhà trẻ theo nguyên tắc là không được, ban lãnh đạo nghiêm khắc thì nghiêm khắc, nhưng họ làm gì được với các bà bảo mẫu thất học.

Họ không nhiều lắm đâu, những bà bảo mẫu tốt bụng. Tôi nhớ tất cả các bà bảo mẫu ấy. Tôi sẽ kể cho các bạn nghe về một bà trong số những bà bảo mẫu tốt. Dưới đây là câu chuyện thực, tôi được nghe bà ấy kể. Tôi sẽ gắng diễn đạt thật chính xác những gì trí nhớ trẻ thơ còn lưu giữ.

***

“Ta ở đây lâu rồi, con ạ, lâu lắm rồi. Hồi ta mới đến, ở đây rặt trẻ con bé tí tẹo, đứa không chân, đứa không tay. Đứa nào đứa ấy bẩn ơi là bẩn. Vừa mới tắm cho nó buông tay là nó đã lại lê la trên sàn, lại lấm như vùi. Đứa thì phải bón bằng thìa, đứa thì mỗi giờ phải chùi rửa một lần. Chao ơi là mệt. Đêm trực đầu tiên ta không ngả lưng được lấy một phút. Có một thằng bé người ta vừa mang đến, suốt đêm nó gào mẹ. Ta phải đến bên giường nó, bế nó lên, cứ thế mà ngồi với nó đến sáng. Chỉ còn nước khóc ròng. Sáng sớm, ta cầu nguyện Chúa lòng lành, xin Người cho ta thôi không làm cái việc này nữa. Ta nói: con chịu hết nổi rồi, nhìn cảnh thế này không đành, đau lòng con lắm, Chúa ơi. Nhưng Chúa lòng lành không cho. Chúa phán: giờ đây công việc ấy là cây Thánh giá của con, con phải vác nó đến trọn đời. Ta van xin Người mãi, nài nỉ Người mãi. Rồi ta lại đi làm, rồi quen dần, rồi chịu được. Ta biên bằng hết tên những đứa ta trông nom vào giấy. Ở nhà, ta có một quyển vở, ta mới chép hết tên chúng nó vào đấy. Cứ đến Phục Sinh là ta thắp cho mỗi đứa một ngọn nến. Tốn lắm, con ạ, mất nhiều nến lắm đấy, nhưng dù sao thì ta vẫn cứ thắp cho mỗi đứa một ngọn, đọc cho mỗi đứa một kinh “Lạy Cha”. Bởi chưng Chúa hằng dạy chiên Chúa phải cầu nguyện cho trẻ vô tội. Mà cái tên của con kỳ ghê, Ruben ạ. Có phải con là người Armenia không? Người Armenia toàn tòng, ta biết chắc thế. Vậy ra con không phải người Armenia à? Không thấy bố mẹ con không đến thăm con, ta biết ngay: đích thị dân ngoại giáo rồi. Kẻ có đạo chớ hề bỏ con mình. Chỉ có giống chó má nó mới thế, xin Chúa tha cho con, mụ già xuẩn ngốc, con chẳng muốn ăn nói thế đâu, mà miệng cứ thế, vẫn phạm tội. Ruben ạ, ta sẽ biên tên con vào vở mà không biên họ. Họ của con cũng kỳ quá đi, ta không biết nên biên thế nào cho phải. Đứa nào ta cũng biên có họ cả, trừ con ra. Theo phép đạo, khi cầu nguyện thì chỉ cần xướng tên lên thôi, nhưng dù sao không có họ thì cũng không hay”.

Có cần thêm gì nữa vào câu chuyện này không? Tôi lớn lên, đọc cả đống sách các loại, và tôi nghĩ tôi thông minh lắm. Xin cảm ơn các thầy cô đã dạy tôi biết đọc. Xin cảm ơn nhà nước Liên Xô đã nuôi tôi khôn lớn. Xin cảm ơn người Mỹ thông minh đã làm ra máy vi tính để cho tôi có thể gõ được bản văn này bằng ngón trỏ tay trái.

Xin cảm ơn tất cả các bảo mẫu hiền thục đã dạy tôi lòng tốt, đã cho tôi hơi ấm trong tâm hồn, cái mà qua mọi gian nan thử thách tôi không để mất. Xin cảm ơn vì tất cả những gì không thể diễn đạt bằng lời, không thể tính được kể cả bằng máy tính, những gì không thể biết đâu là bờ là bến. Xin cảm ơn các bảo mẫu đã cho tôi tình yêu và tình thương Thiên chúa giáo, xin cảm ơn vì nhờ các bà tôi là kẻ có đạo, vì những đứa con của tôi. Xin cảm ơn các bà vì tất cả mọi sự.

LŨ NHÓC

Trong phòng chúng tôi có độ mươi đứa. Chính xác là chín. Không kể Vova. Vova không nói được, nó câm. Nó không làm được gì hết, chỉ ăn rồi ị. Chúng tôi thường bị thức giấc vì tiếng la hét của nó. Lúc nào Vova cũng thèm ăn. Nó ăn nhiều vô kể, cho bao nhiêu nó ăn hết bấy nhiêu. Thức ăn được chia đều cho mọi người, nhưng nó thì bao giờ cũng vẫn thiếu, thế là nó gào. Một đứa trẻ sơ sinh mười hai tuổi.

Còn Vasilek nữa. Trông bề ngoài, Vasilek khoảng hai mươi. Vasilek liệt hai chân. Nó khoẻ như một con bò mộng. Nói cho đúng, nó khoẻ như nhiều người mắc bệnh kém thần trí. Một hôm, nó tóm lấy chân một bà bảo mẫu chỉ vì bà này trêu chọc nó. Bà ta không sao rút ra được, vết thâm tím trên chân mãi mới khỏi. Các bà thường trêu Vasilek, nhưng không có ác ý. Khi đi ngang, các bà đá khẽ nó một cái, phát vào lưng nó một cái, hoặc nói một câu tục tĩu, còn Vasilek thì sau đó lục sục thủ dâm suốt đêm, tạo ra cái cớ cho những lời bỡn cợt mới. Nói chung, Vasilek được đối xử tốt, phải nói là như thế, bao giờ người ta cũng cho nó thêm một suất ăn.

Tôi là một thằng bé lên chín. Các bạn hãy hình dung một kẻ bại liệt. Nó nằm ngửa trên sàn, dùng khuỷu tay lắc đi lắc lại làm thân nó đung đưa. Nó đang làm một cái gì đó mà bạn chưa hiểu. Nó bò đấy.

Tôi bò nhanh ra phết. Nếu trong người không mệt, tôi có thể bò ba trăm mét trong nửa giờ. Nhưng cứ mươi mười lăm thước là tôi lại phải nghỉ. Vậy mà tôi vẫn bò được. Trong phòng chỉ có tôi và Vasilek là bò được. Đặc điểm đó phân biệt chúng tôi với bọn cùng phòng.

Bọn cùng phòng có bảy đứa. Tôi không nhớ hết tên chúng nó. Chẳng hơi đâu mà nhớ. Trong bọn ấy chỉ có Sasha Poddubny là ngồi được. Sáng sáng, các bà bảo mẫu đặt Sasha ngồi bệt trên sàn, trước một cái bàn thấp tè. Sáu đứa còn lại nằm trên giường suốt ngày suốt đêm. Người ta gọi chúng là “lũ nhóc”. Trong nhà trẻ chúng được tuyệt đối kính trọng. Thậm chí thủ trưởng nhà trẻ thỉnh thoảng còn đến hỏi ý kiến chúng. Chỉ riêng phòng chúng tôi mới có tivi, chúng tôi muốn xem lúc nào thì xem.

Một cách ngẫu nhiên tôi được đến ở phòng này. Tôi được mang tới đúng lúc có một “nhóc” chết. Cái giường bất hạnh mang số 3. Trước tôi, đã có ba đứa ngủ ở đó, cả ba đều đã ngoẻo. Chẳng đứa nào muốn nằm trên cái giường ấy, trừ tôi là lính mới. Sau đó, người ta toan chuyển tôi qua phòng khác, nhưng Sasha Poddubny đề nghị để tôi ở lại. Nhưng đấy lại là chuyện khác.

***

Một bận Sasha muốn đi tè, mà Vasilek thì lại không có trong phòng.

Tôi chỉ có một chọn lựa: hoặc bò đi gọi một bà bảo mẫu, hoặc tự mình tìm cách giúp nó. Tôi cắn cái dây thun quần của nó kéo xuống, rồi đẩy bô lại cho nó tè. Theo một luật lệ bất thành văn của nhà trẻ, giờ đây tôi có thể đòi hỏi ở nó một điều gì đó. Tôi lên gân đề nghị Sasha cho tôi mượn một cuốn sách. Sasha có nhiều sách. Sasha thường xuyên đọc sách hoặc dịch từ tiếng Đức.

– Cậu lấy “Ba chàng ngự lâm pháo thủ” đi.

– “Ba chàng ngự lâm pháo thủ” tớ đọc rồi, truyện trẻ con ấy mà. Cho tớ mượn “Solaris”.

– Nhưng cậu sẽ chẳng hiểu gì đâu.

– Tớ hiểu được.

– Cậu bướng lắm, nhưng không sao, thế là tốt. Cậu cứ lấy “Solaris”, đọc xong kể cho tớ nghe cậu hiểu được gì trong đó.

Tôi đọc xong “Solaris” trong một ngày chủ nhật. Khi Sasha hỏi tôi hiểu được gì trong cuốn sách thì tôi trả lời: nhân vật chính chẳng việc gì phải bay vào vũ trụ, lẽ ra anh ta phải thanh toán trước mọi chuyện với người tình của anh ta, và thanh toán ngay dưới đất ấy. Sasha bảo tôi còn bé và tôi chẳng hiểu cái gì sất. Nhưng từ đó trở đi cậu ta cho tôi mượn sách. Nói chung, “lũ nhóc” đối xử với tôi có thịnh tình.

***

Những người bảo trợ, được gọi là các sếp, thường đến thăm chúng tôi. Các sếp là sinh viên trường Sư phạm.

Chúng tôi được gọi đến đại sảnh nghe các sếp hát. Hát cho chúng tôi nghe xong, các sếp về. Nói cho đúng, không phải họ về tuốt. Theo chương trình bảo trợ, các sinh viên phải làm cho chúng tôi một số việc gì đó, chẳng hạn giúp chúng tôi làm bài, vân vân. Có điều phần lớn bọn họ nhìn chúng tôi như nhìn một lũ hủi. Cái lối nói “nhìn như nhìn một lũ hủi” sau này tôi mới biết, và tôi khoái lối nói ấy lắm. Thử hỏi còn cách diễn đạt nào hay hơn cho những cặp mắt thao láo và sự ghê tởm được che giấu vụng về?

Nhưng có những người đến vẫn với chúng tôi. Cũng lạ, đó lại là các nữ sinh viên đầu óc không được sáng láng cho lắm. Lòng tốt bản năng, tính hay thương người, mà cũng có thể là tính tò mò, đã dắt dẫn họ đến, hết lần này đến lần khác.

Một cô như vậy đến phòng.

– Này, các cậu. Mình có thể giúp gì các cậu đây?

– Uống trà quạu không?

– Cái gì?

– Trà đặc ấy mà.

– Uống chứ.

– Thế thì lấy hộ mình cái ấm ở dưới nệm giường, lấy cái vỏ đồ hộp trong tủ giường nữa, rồi đi kiếm nước vào đây và đun nước dưới gầm giường.

Ấy là Vovka Moskva bảo thế. Nó có cái biệt hiệu như vậy “Moskva”. Tại sao nó lại có cái biệt hiệu ấy tôi không rõ.

Cô sinh viên đến với chúng tôi mấy lần, lũ nhóc chiêu đãi cô kẹo sô-cô-la và trêu trọc cô bằng những chuyện tiếu lâm làm cô ta phát khóc. Gặp cô ta thật dễ chịu.

Một bận, cô ta nán lại chỗ chúng tôi khá lâu, đã đến lúc cô phải về, nhưng tất nhiên, chẳng đứa nào muốn cho cô ta về.

– Các cậu ơi, mình còn phải làm bài lý, cả bài toán nữa, mà có muốn cóp chúng nó cũng chẳng cho mình cóp đâu.

– Cậu học năm thứ mấy?

– Năm thứ hai.

– Cậu có mang theo sách học không đấy?

– Có, ở trong cặp.

– Lấy sách ra, đọc bài tập đi coi.

Đó là Genka nằm trên giường trong góc nói với ra.

Cô ta lấy cuốn sách ra, ngồi xuống.

– Nhưng môn này mình chẳng hiểu gì hết.

– Tớ cũng thế. – Genka nói – Tớ mới học cao đẳng được một năm. Đọc to lên xem nào.

– Thế còn các biểu thức?

– Đọc cả các biểu thức nữa.

Cô mở sách giáo khoa ra đọc, chúng tôi mừng vì cô ở lại, chúng tôi tin Genka sẽ giải được tất cả bài tập.

Cô nàng đọc hồi lâu, sau đó Genka bảo cô ngồi vào bàn và chép.

– Nhưng cậu có nhìn thấy tớ viết đâu?

– Nhưng cậu thì thấy chứ?

– Thấy.

– Vậy thì viết đi.

Genka đọc lời giải các bài tập rồi lặng thinh.

– Mình có thể so với bài giải không? Tớ có mang theo bài giải đây.

– Cứ so đi.

– Đúng hết. Nhưng làm sao mà cậu làm được như vậy chứ? Không cần nhìn vào vở. Mà cậu thì bé tẹo à.

Genka cân nặng chừng mươi ký. Không đi được đã đành, nó còn bị thêm một cái gì đó nữa liên quan tới tuyến giáp trạng, cho nên mới không lớn lên được. Thường người ta đắp chăn lên tận cằm cho nó, chỉ để thò ra một khuôn mặt bé trai lên tám. Cái đó, xét cho cùng, đối với nó lại hay. Thỉnh thoảng nó còn được đưa ra ngoài đường. Tôi và Vasilek có thể tự bò ra đấy, chứ những đứa khác thì chả biết phố xá là cái gì.

– Tớ mười tám. Tớ cũng bé như cậu vậy.

– Chao ôi, các cậu (chỉ có một mình cô ta gọi chúng nó bằng “các cậu”, không ai gọi thế cả). Mình lại cứ tưởng các cậu đang học tiểu học cơ dấy.

– Chính thức thì thế, chúng tớ đang học tiểu học. Lớp hai. Có những cậu còn học hai năm một lớp cơ. Ấy là nhờ ông hiệu trưởng nhà trẻ của chúng tớ tốt tính. Ông ấy không muốn chúng tớ bị đưa đi nhà già. Ở đấy chúng tớ sẽ chẳng được chăm sóc gì hết, và chúng tớ sẽ chết.

– Thế tại sao các cậu không thi vào đại học? Ở đại học các cậu sẽ là sinh viên giỏi đấy.

– Các trường ấy chỉ nhận những đứa biết đi thôi.

Cô ta mau mắn sửa soạn rồi ra về. Tôi bò ra hành lang. Đang có mưa. Tôi thì lại muốn bò ra tới tận cửa ngoài.

Trời hơi lạnh – cuối thu hay là đầu xuân gì đó. Cửa ra vào thường không đóng, tôi thích bò ra tận ngoài ấy để nhìn trời mưa. Những giọt mưa hiếm hoi tạt vào bên trong, hắt vào tôi. Trong lòng vừa dễ chịu vừa buồn.

Nhưng chỗ tôi thường đến hôm ấy đã có người chiếm. Cô ta đứng tựa hẳn vào khung cửa, đang hút thuốc, rít từng hơi dài. Và khóc. Tôi không nhớ cô vận đồ gì. Chỉ nhớ một đôi giày cao gót. Cô rất đẹp. Có lẽ chẳng bao giờ tôi có thể gặp lại một người đẹp đến thế, tôi nghĩ. Cô hút thuốc và khóc. Hút xong điếu thuốc, cô ta bỏ đi dưới trời mưa. Không áo mưa, không ô.

Từ đó không bao giờ cô ta trở lại.

***

Một đoàn kiểm tra từ Moskva đến. Ông hiệu trưởng nhà trẻ bị cảnh cáo, lũ nhóc, tuốt tuột, bị đưa đi nhà già hết. Cô giáo lũ nhóc đến lớp chúng tôi: “Kể từ nay cô sẽ dạy các em cho đến khi các em tốt nghiệp”. Tôi lên lớp 5, tôi đã học xong sơ cấp, giờ chúng tôi phải có thầy phụ trách “của mình”, có cô quản giáo “của mình”.

Một tháng sau khi lũ nhóc bị chở đi nhà già, cô giáo đến đấy thăm học trò của bà. Trở về, cô kể cho chúng tôi nghe mọi sự.

Trong số tám nhóc bị đưa đi, chỉ một mình Genka còn sống sót. Nhà già gồm nhiều ngôi nhà nhỏ kiểu doanh trại. Ở đây, căn cứ vào mức độ tàn phế, người già và người tàn tật được phân thành các loại. Cô giáo kể: “người mình” nằm trong một nhà riêng biệt, cùng với bọn “xác ve” . Kê sát tường là những dãy giường, nước đái chảy ròng ròng. Họ bị bỏ mặc, chẳng ai ngó ngàng. Cô giáo mang cho học sinh của cô chè hoa quả đựng trong những hộp lớn. Kể chuyện Genka, cô nói: ”Genka nom có vẻ dữ tợn thế nào ấy. Cậu ta bảo: “Cô mang đi đi, có để đấy bọn đi được cũng xơi hết”.

Tôi hỏi cô:

– Còn em, lớn lên rồi em sẽ ra sao hở cô? Em cũng sẽ bị đưa đến nhà già và sẽ chết ở đấy hay sao?

– Dĩ nhiên là thế rồi.

– Nhưng lúc đó em mới mười lăm thôi, em không muốn chết sớm như thế. Hoá ra mọi sự đều vô ích cả sao? Thế thì học mà làm gì?

– Chẳng có gì vô ích đâu, em ạ. Các em phải học vì các em được nhà nước nuôi ăn không mất tiền. Mà này, em thuộc bài chưa?

Từ ngày ấy tôi thay đổi hẳn. Hơi một tí là tôi trào nước mắt, và tôi khóc. Dỗ không được, doạ không xong. Tôi khóc ầm ĩ.

Một bác sĩ được mời đến thăm bệnh cho tôi. Đó là một chàng trai trẻ măng. Anh ta ngồi kiễng chân trước mặt tôi, mỉm cười và hỏi tôi điều gì đó. Tôi cũng mỉm cười đáp lại. Tôi không muốn nói chuyện với anh ta. Nhưng tôi buộc phải nói.

– Tại sao em hay ngủ nhè?

– Em có hay ngủ nhè đâu.

– Tại sao hôm qua em ngủ nhè?

– Tại lúc bò em bị vập đầu nên em ngủ nhè.

– Tôi không tin. Cô giáo em đã kể cho tôi nghe mọi chuyện. Em cứ ngủ nhè suốt. Như thế là không bình thường. Tại sao em không muốn nói chuyện với tôi?

– Bởi vì anh là bác sĩ tâm thần. Lúc đầu, các bác sĩ tâm thần đều hiền lành cả, nhưng rồi họ sẽ tống em vào nhà thương. Mà ở nhà thương người ta sẽ tiêm, sẽ bắt em uống thuốc, để rồi sau em sẽ thành ra như Vasilek.

– Đứa nào kể cho em nghe chuyện vớ vẩn ấy? Chẳng ai đưa em đi đâu hết. Vasilek là em nào?

– Vovka Moskva đã kể cho em biết hết về bệnh viện rồi.

– Thế cái cậu Vovka của em giờ ở đâu?

– Nó chết rồi. Các bạn em chết hết rồi. Các bạn là những người tốt bụng và thông minh. Sasha Poddubny còn cho em mượn sách nữa. Bây giờ các bạn không còn nữa, chỉ có Vasilek là còn sống thôi. Bạn ấy được chở đến một trường nội trú khác, trường này tốt, bởi vì bạn ấy bò được và có thể tự đi vệ sinh.

– Ai kể cho em nghe rằng tất cả các em kia đã chết?

– Cô giáo. Cô còn bảo rồi em cũng sẽ bị đưa đi như thế, khi em đủ mười lăm tuổi. Năm nay em lên mười.

Cô giáo tươi tắn nhìn bác sĩ, vẻ ngạc nhiên, nói: “Thì đã sao nào? Có gì lạ? Chuyện ấy tôi kể cho cả lớp cùng nghe đấy”. Bác sĩ đốt điếu thuốc. Lần đầu tiên tôi thấy một người lớn hút thuốc trong phòng bệnh. Không hiểu sao tôi thấy thích anh ta.

– Em sợ tôi hả?

– Vâng.

Anh ta hoàn toàn không ác chút nào. Anh ta hút nốt điếu thuốc, liếc nhìn tôi, rồi bỏ đi.

Còn Genka thì chẳng bao lâu sau cũng chết nốt.

Comments are closed.