Chân lý là cụ thể (Mênh mông thế sự để gió cuốn đi số 132)

Tương Lai

clip_image002Đặt tay vào bàn phím gõ bài viết về ngày 30 tháng Tư lịch sử. Ngước nhìn tấm khung hình Trịnh Công Sơn ngồi trước giá sách tôi chụp ngày 23.5.2013, trong tai văng vẳng tiếng hát của Sơn: “Rừng núi dang tay nối lại biển xa/ Ta đi vòng tay lớn mãi để nối sơn hà”. Non sông nối liền một dải, Bắc-Nam không còn phải chia cắt. Đó là một sự thật lịch sử.

Tôi muốn hiểu khái niệm sử mệnh của tiến sĩ triết học Nguyễn Hữu Liêm trong bài viết “Ba mươi tháng Tư, sử mệnh, và con người Bắc Nam[1] theo nghĩa này. Song có thể còn nhiều cách hiểu khác mà tác giả muốn biểu đạt khi ông đòi Vì bản thân ta rất bảo thủ, nên chỉ có những cái không là ta, năng lực ngoại thân dùng cái búa của nó đập vỡ cái ta thì mới khiến chân giá trị lộ diện và giúp ta trưởng thành”.[2]

Con sông Gianh hiền hoà và thơ mộng bắt nguồn từ ven núi Cô Pi chảy qua các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Trạch, Bố Trạch và đổ ra Biển Đông ở Cửa Giang. Sông Bến Hải khởi nguồn từ núi Động Chân chảy dọc theo vĩ tuyến 17 từ Tây sang Đông rồi cũng đổ ra biển ở Cửa Tùng. Cả hai con sông ôm trong dòng chảy của chúng nỗi đau của dân tộc, đều khởi nguồn từ đại ngàn Trường Sơn – như cái xương sống của đất nước – để cùng đổ vào Biển Đông ngày đêm vỗ sóng, khi hiền hoà khi giận dữ trên một dải duyên hải miền Trung mà Quảng Bình, Quảng Trị từng là địa điểm gánh chịu nỗi đau chia cắt.

Ôi sông Gianh! Hồn mi than khóc? Lòng mi đau đớn? Dòng mi căm hờn”. Đó là nỗi đau xé ruột mà tác giả của “Hờn Sông Gianh” – nhạc sĩ Lưu Hữu Phước – viết năm 1944, nói lên nỗi lòng của người Việt nặng tình với đất nước. Tiếp theo nỗi đau đó là lời ước nguyện: “Ôi sông Gianh! Bình minh sáng soi. Toàn dân ước mong một sáng ngày mai. Non nước hết chia phôi, muôn người âu yếm ngày sum vầy”.

Lời ước nguyện ấy đã thành sự thật. “Nối vòng tay lớn” được Trịnh Công Sơn hát tại Đài Phát thanh Sài Gòn trưa ngày 30 tháng Tư cách nay 47 năm:…

Hôm nay là cái ngày mơ ước của tất cả chúng ta, đó là ngày mà chúng ta giải phóng hoàn toàn tất cả đất nước Việt Nam này… Tôi xin hát một bài. Hiện tại ở trên đài thì không có đàn guitar, tôi xin hát lại bài Nối vòng tay lớn. Hôm nay, thật sự cái vòng tay lớn đã được nối kết.”[3]

Có lẽ đây là một ngày đẹp nhất trong cuộc đời của người nhạc sĩ, ngày Trịnh và tác phẩm của anh đi vào lịch sử.

Mặt đất bao la

Anh em ta về

Gặp nhau mừng như bão cát

Quay cuồng trời rộng

Bàn tay ta nắm

Nối tròn một vòng Việt Nam…

Để “nối tròn một vòng Việt Nam”, biết bao núi xương sông máu đã chất đầy và thấm đẫm trải dài trên khắp đất nước ta từ Bắc vô Nam, từ Tây Trường Sơn qua Đông Trường Sơn rồi đổ ra Biển Đông quanh năm triền miên sóng vỗ

Trường Sơn Đông nhớ Trường Sơn Tây.

Một dãy núi mà hai màu mây

Nơi nắng nơi mưa, khí trời cũng khác

Như anh với em, như Nam với Bắc

Như Đông với Tây một dải rừng liền…

…Từ nơi em gửi đến nơi anh

Những đoàn quân trùng trùng ra trận

Như tình yêu nối lời vô tận

Đông Trường Sơn nối Tây Trường Sơn[4]

“Những đoàn quân trùng trùng ra trận” ấy từng kéo dài trong nhiều thập kỷ của một thời đoạn lịch sử đầy bi tráng của dân tộc. Liệu có thể nói rằng “cuộc bể dâu” mà đất nước ta đã trải qua với “những điều trông thấy mà đau đớn lòng” – theo ngôn từ của thi hào Nguyễn Du – vẫn còn nhức nhối trong lòng chúng ta cho đến tận hôm nay. “Một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại, có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là một vết thương chung của dân tộc cần phải được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm nó thêm rỉ máu”. Ý tưởng lớn ấy của Võ Văn Kiệt trải qua gần 20 năm vẫn đang là một đòi hỏi của thời cuộc, một lời giục giã sống động trong tâm thế Việt Nam với ngày 30 tháng Tư lịch sử.

Tôi muốn dẫn ra đây dòng tâm sự của Khải Đơn – một nhà văn trẻ – được đài BBC dẫn ra hôm nay, 30.4.2022: Chọn tâm thế có lẽ là việc làm đầu tiên để cho một người học như tôi có thể cảm thấy là mình có thể bơi vô lượng thông tin, thậm chí là lượng thông tin tuyên truyền từ cả hai phía, từ những tài liệu được cho là lịch sử từ cả hai phía và phía thứ ba là Mỹ. Nó có thể được bóp méo theo một cách nào đó. Nhưng nếu mình có đủ cảm giác là mình muốn biết câu chuyện này xa hơn thì mình sẽ gạt bỏ được rào cản định kiến của mình để có thể nhìn câu chuyện rõ hơn[5]. Đương nhiên để gạt bỏ được “rào cản định kiến” ấy thật không dễ, nhưng với sức trẻ của lớp thanh niên có điều kiện tiếp cận với những biến động dữ dội của thời đại mà họ đang sống thì họ sẽ tạo được một tâm thế mới định hình những bước đi vững chắc trên con đường mớí. Để làm được điều đó phải chăng cần có “một hoài vọng nhân bản về một khả năng cứu rỗi từ văn hóa cho dân tộc hai miền – khi mà tất cả những di sản đau thương của chiến tranh Bắc Nam thế kỷ trước sẽ chỉ còn là một ký ức nhẹ nhàng đi vào quên lãng”.[6] Làm thế nào để có ký ức nhẹ nhàng ấy. Đó là một câu hỏi không dễ trả lời, càng không là một sự phũ phàng với những sự thật lịch sử cho dù đã cố gắng vượt qua những “rào cản định kiến” và ngoài cái đó ra còn không ít những rào cản khác nữa.

Hôm rồi ngồi bên chén trà pha đậm vì bạn tôi, anh CL vừa từ Mỹ về đến thăm, thích vị đậm của trà. Vừa về hôm trước và hôm sau anh gọi cho tôi ngay. Tôi xúc động hồi hộp chờ. Cuộc hàn huyên giữa hai chúng tôi thật thú vị. Càng thú vị hơn khi anh cho biết đã đọc bài tôi viết về “cuộc bể dâu” của đất nước trên Viet-Studies[7].

Đoạn kết của bài ấy, tôi có nhắc đến lời Ngô Thì Nhậm “Mong Người-Tri-Kỷ chừ, một phương trời / Lòng ta chừ, tri âm ai người.

Thế rồi hôm nay chúng tôi ngồi bên nhau với bao nỗi niềm khi nhắc đến bạn bè cũng từng có dịp ngồi tại đây. Trong căn phòng nhỏ này đã từng ghi nhận hơi ấm của bao người đến từ nhiều nơi, mỗi khi nhớ lại không khỏi bồi hồi:

Anh Đỉnh kém anh một tuổi, hơn tôi ngót nghét một giáp vẫn thường từ Paris gọi cho tôi và luôn hỏi thăm anh”, CL nói. Tôi quài tay ra rút cuốn “Ca từ Trịnh Công Sơn. Phạm Văn Đỉnh phổ ảnh[8] đang nằm trong tập sách trên chiếc đôn thấp đặt cạnh ghế ngồi uống nước tôi chọn đọc vào những ngày tháng Tư này, mở đầu bằng ngày 1.4Cá tháng Tư”, ngày Trịnh ra đi.

clip_image004Lật trang 3 cuốn sách của người bạn quý, tôi chậm rãi đọc: “Sơn thích thú giới thiệu tôi với bạn tên này ở trên núi Pyrénées, nghiên cứu về bụi không gian, ở một mình với con chó có tên là Chó, tức nhiên giới thiệu không đúng lắm, nhưng Sơn là tác giả bài Cát Bụi nên thích thú có người bạn làm việc về bụi. Thật ra tôi nghiên cứu và giảng dạy Vật lý vi bụi cho sinh viên chuyên ngành, nhưng Phùng Quán cũng vui thú lấy ra làm một bài thơ Mời bạn đến chơi nhà tôi, nhưng tiếc thay tôi chưa có dịp ghé chuồng câu cá/cất rượu của tác giả Ba phút sự thật thì anh đã bỏ đi, nói như ngạn ngữ Pháp, những người tử tế luôn đi trước”. Ý này nhói vào tim tôi một nỗi buồn xốn xang trong nỗi nhớ về 30 tháng Tư, nhớ về những người tử tế đã phải vội ra đi mà anh Đỉnh vừa viết.

Tôi vẫn còn bức ảnh chụp anh Đỉnh ngồi ngay chỗ anh đang ngồi”, tôi đập đập tay vào ghế nói với CL. Và rồi hai chúng tôi ngồi im với tách trà nguội dần trên tay. Tôi tiếp tục đọc: “Một hôm tình cờ… tôi nghe băng nhạc, trong đó có bài “Tuổi đá buồn”, nội cái tựa cũng đã thấy khác thường, tuổi đá là tuổi gì, tuổi của đá? Tuổi đá buồn hay là tuổi buồn của đá? Bài hát như là một vở [bi] kịch, gồm vỏn vẹn một một màn ba cảnh, ba cảnh hoa hồng trong mây mưa giáo đường ngày Chủ nhật buồn; ba cảnh là ba bức tranh đi từ hi đến tuyệt… vọng, và tuyệt đẹp; mỗi bức tranh chỉ cần thay đổi một/hai nét cũng đủ sức hấp kéo khán/thính giả đến đoạn kết thúc tất nhiên của nó. Cùng một bối cảnh ngày Chủ nhật buồn trên miền giáo đường với bức tranh đầu,Hoa hồng cài lên tóc mây”, nhẹ như “ru em nồng nàn ru em nồng nàn”, kế bức tranh giữa chuẩn bị cho đại hoạ, Hoa hồng vùi quên trong tay”, ve vuốtru em giận hờn ru em giận hờn, và đi đến bức tranh chung cuộc, “Hoa hồng tàn hôn lên môi”, và chàng tráchru em muộn phiền ru em bạc lòng. Nghe xong não lòng, nhưng được cứu rỗi bởi cái Đẹp, … bởi un desir de beauté (sự thèm cái Đẹp) như tên một cuốn sách văn học nghệ thuật thế giới của anh Lê Thành Khôi.

Quả thật là tôi không thể tự kiềm chế để, hết câu này đến câu khác dẫn từ bài viết của một nhà khoa học về “Vật lý vi bụi”, từng đơn độc trụ lại trên ngọn Pyrénées để hoàn thành công trình nghiên cứu lại viết hay đến thế về cái đẹp trong ca từ và giai điệu Trịnh mà tôi chưa từng đọc được.

Cái đẹp là chân lý và chân lý là cái đẹp”, câu nói của nhà nghệ sĩ và hoạt động xã hội người Anh thế kỷ XIX John Ruskin từng đọng lại trong tôi từ những năm chuyên chú tìm hiểu và nghiên cứu về “Mỹ học” ở Viện Triết học trước khi chuyển sang Viện Xã hội học năm 1983. Cuốn phổ ảnh ca từ Trịnh Công Sơn của Phạm Văn Đỉnh mà tôi chọn đọc trong tháng Tư này chính vì để “được cứu rỗi bởi cái Đẹp như nhà khoa học vật lý ấy viết.

Tôi muốn viết thêm: Cuộc sống bộn bề những nhiễu nhương hôm nay cần được cứu rỗi bởi chân lý khi mà sự thật đang bị đánh tráo, vì vậy ánh sáng của chân lý cũng bị che phủ bởi đám mây đen của sự dối trá và lừa mị cho dù “Chân lý, bản thân nó đã là minh chứng. Ngay khi bạn dỡ đi mạng nhện ngu dốt xung quanh, nó sẽ sáng lòa như Mahatma Gandhi từng viết. Thế nhưng ngu dốt chính là chỗ dựa an toàn của độc tài, của chuyên chế, của toàn trị phản dân chủ.

Cho nên, sẽ là ảo tưởng nếu nghĩ rằng có lối tắt, đường phẳng mà không cần phải đấu tranh để đi tới chân lý. Cái mạng nhện của sự ngu dốt đang được nuôi dưỡng bởi sự chuyên chế độc tài nhằm biến số đông trở thành đàn cừu để dễ bề sai khiến và cúi đầu khuất phục. Cái mạng nhện nhân danh chuyên chính vô sản ấy[9] được biến thái trong một mớ lý luận được sao chép lại từ những giáo điều mốc meo đã bị ném vào sọt rác của lịch sử đang được bổ vây khắp nơi, từ nơi thôn cùng ngõ hẹp cho đến đường phố nhộn nhịp bon chen là nguyên nhân đẩy tới sự xuống cấp của văn hoá, đảo lộn hệ thống giá trị, làm băng hoại đạo lý xã hội.

Cho dù chân lý, bản thân nó đã là minh chứng thì vẫn không tránh khỏi “có thể được bóp méo theo một cách nào đó”. Ấy vậy mà chân lý là cụ thể. Văn hào Nga Lev Tolstoy đã viết: “Chân lý vĩ đại nhất là chân lý bình thường nhất”. Sự thật có bị đánh tráo đến cỡ nào đi nữa, chân lý không vì thế mà mất đi. Sự sòng phẳng của lịch sử sẽ trả lại sự thật đúng như nó từng là như thế, vì vậy “chân lý sẽ sáng loà”! Phải chăng ngày 30 tháng Tư cần được nhìn nhận bằng đôi mắt cụ thể lịch sử như thế.

Trong cảm thức riêng tư, tôi đồng tình với tiến sĩ Nguyễn Hữu Liêm khi ông viết: “Hình như ai cũng thấy rằng, miền Nam, phía Quốc gia, trước sau cũng phải thua. Khi so sánh về bản sắc và tính chất nhân văn của hai miền Nam Bắc, giữa Quân đội Việt Nam Cộng hòa (VNCH) và Quân đội Nhân dân (QĐND), thì mặc dù hai phía trong chiến tranh đều là quân nhân người Việt Nam, nhưng bên QĐND được trang bị nhiều ưu thế, từ tinh thần chiến đấu đến vũ khí, chiến thuật, lãnh đạo, chính trị và thời thế. Số phận VNCH hình như đã được an bài – không phải như là một mục tiêu chính sách – nhưng là của một định mệnh lịch sử.

clip_image006Bỏ qua những yếu tố chính trị, lãnh đạo, hay quân sự thì phía miền Bắc có cả một chiều dài lịch sử sau lưng họ. Đó là ý chí độc lập, thống nhất đất nước. Miền Bắc phải hoàn tất thiết yếu tính cho một bản sắc sử mệnh mà thời đại đã giao cho họ. Còn phía miền Nam thì bị lịch sử bỏ rơi. Nó tiếp nối một gia sản chính trị và tâm lý từ vai trò lệ thuộc ngoại bang. Họ thụ động chiến đấu – mà không hề mang một ý chí hay ý thức về sứ mệnh chiến tranh – cho mình. Người dân miền Nam, và cả quân đội VNCH, đã giao hoán lòng yêu nước cho đối phương và vì thế đánh mất luôn linh hồn ái quốc[10]. Với ông: “Dòng máu Việt chảy trong huyết quản là điều không thể thay đổi, ông mong mỏi các thế hệ người Việt trẻ có thể lớn lên nhanh hơn, đáp ứng với những thay đổi của thế giới tốt hơn[11].

Đương nhiên tôi hiểu “người dân miền Nam” mà tiến sĩ Liêm viết là nằm cùng một phạm trù gắn với “quân đội VNCH. Vì, vẫn còn một “người dân miền Nam” cưu mang, đùm bọc, che chở, tiếp tế cho “quân Giải phóng”, trong đó có con em của họ sát cánh với đồng đội từ miền Bắc cùng nằm gai nếm mật với họ chiếm một tỷ lệ rất lớn. Đó là một sự thật.

Đấy là tôi nói một cách dung dị để tạm thoát ra khỏi những khái niệm triết học mà tác giả biểu đạt qua những khái niệm như “Tâm hồn Hy Lạp đối với khí chất Do Thái” hoặc “Chuyển hóa suy thức Không gian lên với Thời gian” để nói về những điều trên mà tôi không muốn lạm bàn trong bài viết này. Để rồi chỉ xin nói những điều dễ hiểu hơn, cụ thể hơn bằng việc dẫn ra đây một đoạn rất ngắn trong cuốn sách khá dày Khi Đồng minh tháo chạy của tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng đã tặng tôi:

Về phía VNCH, từ giờ phút này đã trở nên thân cô thế cô, chỉ còn hy vọng rằng đã chịu đấm thì được ăn xôi, rằng những cam kết tại San Clemente sẽ được tôn trọng. Thế nhưng, San Clemente chỉ là trạm dừng chân của Tổng thống Thiệu trước khi ông rời khỏi trọng tâm chú ý của Hoa Kỳ.

Kể từ khi ký xong Bản Thông Cáo, hai ông Nixon và Kissinger hầu như đã chôn vùi Miền Nam vào dĩ vãng. Trước đó, khi có nhu cầu thì chỉ trong thời gian từ 31 tháng 1,1971 tới 13 tháng 6, 1973, ông Nixon đã viết cho ông Thiệu tới 27 bức thư. Từ lúc đó cho tới khi ông từ chức (ngày 8 tháng 8,1974) thì tuyệt nhiên không còn thư từ, thăm viếng, trao đổi gì nữa. Lời ông Wiliam Sullivan, Phụ tá Thứ trưởng Ngoại giao tóm tắt về quan điểm của Hoa kỳ lúc ấy: Chúng tôi hy vọng rằng Đông Dương sẽ lui vào chỗ của nó trong bóng tối, và nó xứng đáng như vậy.

Tác giả viết rằng: “Do cơ duyên lịch sử run rủi, tôi đã được chứng kiến những gì đã xảy ra đằng sau hậu trường bang giao Việt-Mỹ vào những ngày tháng cuối cùng; và nghĩ là đã đến lúc viết ra một cách trung thực những gì mình đã chứng kiến để soi sáng cho lịch sử”.

Ước mong của ông khi viết tập sách này là “để trả lại lịch sử những sự thật của lịch sử. Ông không chạy tội, không bênh ai, không lên án ai, mà chỉ ghi lại những gì mà ông đã có cơ duyên chứng kiến” và “Tác giả cũng ước mong rằng giới trẻ Việt Nam sẽ tiếp nối công việc mà ông đang làm để trả lại sự thật cho lịch sử, và theo lời ông, để ‘trả lại cho Caesar những gì thuộc về Caesar”.

Trả lại cho lịch sử những sự thật của lịch sử chính là một đòi hỏi bức xúc của thời cuộc, cũng là nỗi niềm giằng co day dứt trong tâm thế của những người Việt Nam đang lưu chuyển trong huyết quản dòng máu Lạc Hồng. Nhưng giằng co day dứt đến cỡ nào thì cũng đều căm hờn, phẫn nộ với dã tâm muốn đẩy dân tộc này trở lại “thời kỳ đồ đá” hay phải “lui vào chỗ của nó trong bóng tối” mà những thế lực ngoại bang xâm lược mong muốn. Đâu phải chỉ những thế lực xâm lược ngoại bang của thế kỷ XX, XXI. Từ thế kỷ XIII, những Thành Cát Tư Hãn, Hốt Tất liệt… đều muốn nuốt trọn dân tộc nhỏ bé nhưng ngang ngạnh ở phương Nam này. Và trước hàng vạn, hàng chục vạn quân Nguyên-Mông từng xéo nát nhiều lãnh thổ từ Á sang Âu đến tận mép nước Biển Đen, không thiếu những giằng co “hoà hay chiến”! Bài hát Hội nghị Diên Hồng của Lưu Hữu Phước năm 1945 tái hiện lại lịch sử của sự “giằng co” ấy:

Toàn dân nghe chăng sơn hà nguy biến.

Hận thù đằng đằng biên thuỳ rung chuyến…

Trước nhục nước nên hoà hay nên chiến. Quyết chiến…

Dòng Lạc Hồng xin thề liều thân liều thân!…

…Thế nước yếu lấy gì lo chiến chinh. Hy sinh!

Phải có Hội nghị Diên Hồng thế kỷ XIII vì, như sử gia Ngô Sĩ Liên viết trong Đại Việt sử ký toàn thư: “Trước nạn lớn của đất nước, hai vua [Trần Thành Tông và Trần Nhân Tông] hiệp mưu, bầy tôi họp bàn há lại không có kế sách gì chống giặc mà phải đợi ban yến hỏi kế ở các phụ lão hay sao? Là vì Thánh Tông muốn làm thế để xét lòng thành ủng hộ của dân chúng, cũng để dân chúng nghe lời dụ hỏi mà cảm kích hăng hái lên thôi”. Thì chẳng phải cũng sách Đại Việt sử ký toàn thư đã ghi lại sự nao núng, dao động muốn hàng trong giới quý tộc đời Trần đó sao: Quyển V-Kỷ Nhà Trần chép: “Thế giặc rất mạnh lại phải lui giữ sông Thiên Mạc… Vua ngự thuyền nhỏ đến thuyên Thái uý Nhật Hiệu hỏi kế sách chống giặc. Nhật Hiệu đương dựa mạn thuyền cứ ngồi chứ không đứng dậy nổi, chỉ lấy ngón tay chấm nước viết hai chữ nhập Tống lên mạn thuyền… Vua lập tức dời thuyền đến hỏi Thái sư Trần Thủ Độ. Thủ Độ trả lời: Đầu thần chưa rơi xuống đất, bệ hạ đừng lo gì khác”.

Mặc dù lịch sử không có từ “nếu”, nhưng nếu Trần Thái Tông cũng hèn nhát mà nghe theo kế sách của Trần Nhật Hiệu đầu hàng giặc để tránh xương máu phải đổ ra thì dân tộc sẽ đi về đâu, và lịch sử nước này e “phải lùi vào bóng tối”! Những trang sử hào hùng viết về cuộc chiến đấu chống xâm lược bảo vệ tổ quốc đâu còn nữa câu chuyện của người lính già từng chiến đấu đánh giặc giữ nước lưu danh thiên cổ:

Bạch đầu quan sỉ tại

Vãng vãng thuyết Nguyên Phong[12]

(Người lính già đầu bạc

Mãi kể chuyện Nguyên Phong)

Có sự hèn nhát của Trần Nhật Hiệu muốn hàng giặc viết lên mạn thuyền hai chữ nhập Tống thì phải có Trần Thánh Tông viết vào mũi thuyền khi đang phải đi lánh nạn trước thế giặc mạnh ào ạt tấn công nói lên cái bản lĩnh kiên cường và cái khí phách không nao núng vì vững tin vào sức dân:

Cối Kê[13] cựu sự quân tu ký

Hoan Diễn do tồn thập vạn binh

(Cối Kê chuyện cũ người nên nhớ

Hoan Diễn còn kia chục vạn binh)

Chính cái khí phách và bản lĩnh ấy của ông cha ta đã lưu chuyển trong huyết quản người Việt cái “linh hồn ái quốc” – khái niệm mà Nguyễn Hữu Liêm viết trong “Sử mệnh và Con người Bắc Nam” vừa dẫn ra ở trên. Khi đã “đánh mất luôn linh hồn ái quốc đó thì chẳng còn gì để biện minh. Bởi lẽ, như Romain Rolland – nhà văn Pháp nổi tiếng từng nhận giải Nobel văn chương năm 1915 – đã khẳng định: “Chân lý và tổ quốc không thể tách rời nhau, chúng phải hợp làm một”.

Phải chăng khi tác giả của cuốn sách Khi Đồng minh tháo chạy viết rằng ông không bênh ai, không lên án ai, mà chỉ ghi lại những gì mà ông đã có cơ duyên chứng kiến để mong “giới trẻ Việt Nam sẽ tiếp nối công việc mà ông đang làm để trả lại sự thật cho lịch sử và cũng theo lời ông, để trả lại cho Caesar những gì thuộc về Caesar”. Theo tôi, như thế là ông đã thực hiện sứ mệnh lịch sử của một người trí thức cầm bút. Ông đã tìm đến chân lý lịch sử từng bị những đám mây đen của những định kiến sai lầm che mờ. Ấy vậy mà, “chân lý, bản thân nó đã là minh chứng”, cho dù “dòng sông của chân lý [nhiều khi phải] chảy qua kênh đào sai lầm” như Rabindranath Tagore nói, thì cuối cùng, khi sông đổ ra biển cũng sẽ phải trở về với hình hài của nó như thuở ban đầu:

Từng lời bể sông nghe ra từ độ suối khe[14]

Trở về với cội nguồn dân tộc chình là điểm tựa để xử lý “những giằng co day dứt trong tâm thế người Việt bởi nhẽ Dòng máu Việt chảy trong huyết quản là điều không thể thay đổi như tác giả của “Ba mươi tháng Tư, sử mệnh và con người Bắc Nam” đã tâm niệm. Cũng chẳng phải chỉ riêng ông, đó là chân lý lịch sử. Mà chân lý là cụ thể như

Mây che trên đầu và nắng trên vai

Đôi chân ta đi sông còn ở lại…[15]

Chỉ có điều, chân lý lớn lao thường ẩn trong sự im lặng. Vậy mà như Mark Twain, nhà văn đã làm thay đổi cách nghe nhìn của người Mỹ, từng nói một cách thâm trầm trong cái vỏ bọc hài hước quen thuộc của ông: “Khi chân lý còn mang giày, lời nói hoang đường đã chạy tới hơn nửa phần của thế giới”.

clip_image008Lời nói hoang đường” dễ được loan truyền như thế vì “cái mạng nhện của sự ngu dốt” vẫn còn giăng khắp nơi. Bởi lẽ chế độ độc tài toàn trị phản dân chủ cần đến nó. Chế độ đó ra sức duy trì và xây đắp nền móng cho nó một mạng lưới gieo rắc sự giả dối, lừa mị khi mà con người cần có sự tỉnh táo để nhìn cho ra những biến động dữ dội của thế giới đang đặt dân tộc ta trước những thử thách sống còn. Nhận cho ra, cho sâu những thử thách đó, đòi hỏi một sự tỉnh táo và đủ bản lĩnh như ông cha ta đãtừng có khi đứng trước sự xâm lăng của đế quốc Nguyên Mông thế kỷ XIII vừa dẫn ra ở trên.

Cuộc chiến tranh xâm lược tàn khốc do Putin phát động nhằm tàn phá đất nước Ukraina một cách dã man đã đặt thế giới vào một thời đoạn mới. Thời đoạn của cuộc đối đầu giữa thế lực độc tài toàn trị phương Đông với sự câu kết Putin – Tập Cận Bình (kéo theo Bắc Triều Tiên và một vài chế độ độc tài khác) với phương Tây đang tập hợp lại nhân danh bảo vệ giá trị của tự do dân chủ chống lai sự tấn công tàn bạo đó mà Ukraina là biểu tượng cụ thể, sống động.

Luận điệu ngang ngược, xằng bậy của Putin và những kẻ đồng loã gắn liền với bom đạn tàn phá dã man đất nước và nhân dân Ukraina, kể cả sự đe doạ dùng vũ khí hạt nhân, đang được những cái loa tuyên truyền của những thể chế độc tài toàn trị phản dân chủ tung hứng. Sự thật đang bị bóp méo, bị đánh tráo một cách vừa tinh vi vừa thô bỉ. Chân lý đang bị che phủ bởi đám mây đen của chuyên chế độc tài phản dân chủ. “Lời nói hoang đường đã chạy tới hơn nửa phần của thế giới như điều Mark Twain đã cảnh báo từ hai thế kỷ trước là vì vậy. Oái oăm thay chúng được tiếp sức bởi công nghệ thế kỷ 21.

Hãy chỉ đưa ra đây một ví dụ về bộ máy tuyên truyền của Trung Quốc mà Sarah Cook vừa viết trên The Diplomat – April 16. 2022 “Bắc Kinh đã thúc đẩy một chiến dịch toàn diện nhằm định hình dư luận và các cuộc thảo luận về các sự kiện đang diễn ra cách xa hàng nghìn dặm. Sâu trong hộp công cụ kiểm soát thông tin của Đảng Cộng sản Trung Quốc, có ba chiến thuật dường như đang đóng vai trò lớn trong chiến dịch này: các phương tiện truyền thông nhà nước lặp lại các tin tức thất thiệt từ phía Nga, thao túng các hashtag và chủ đề thịnh hành trên mạng xã hội, và kiểm duyệt các quan điểm và nguồn thông tin thay thế. Nỗ lực này đã xây dựng thành công một bức tường cô lập Trung Quốc, khiến cho độc giả tin tức của nước này chỉ có thể tiếp cận một phiên bản duy nhất của một trong những sự kiện địa chính trị quan trọng nhất thế kỷ này, khác hẳn với phiên bản được giới thiệu đến các nhóm dân cư khác trên thế giới”.[16] Bộ máy tuyên truyền của ông Trọng chắc cũng không kém.

Vì thế, đã đến lúc những người Việt Nam, trong nước hay đang ở nước ngoài đều phải thấy cho rõ cuộc chiến tranh xâm lược Ukraina của Putin “là cuộc chiến tranh đầu tiên trong thế kỷ 21 xáo trộn tình hình địa chính trị và địa kinh tế thế giới hiện thời, đẩy thế giới vào một cục diện mới đa cực rất phức tạp, với nguy cơ chiến tranh hạt nhân đến gần hơn bao giờ hếtBản chất liên minh Nga-Trung mang trong nó yếu tố kích thích hay đẩy thế giới đến gần chiến tranh hạt nhân!… Ngoài ra phải đặt câu hỏi liên minh này còn có thể làm những gì khác nữa? Thực tế này nhắc nhở loài người hãy cảnh giác![17]

Phải thấy cho rõ “mặt tối của lịch sử” như điều mà tờ L’Express ngày 26.3.2022 đã viết: “Chiến tranh ở Ukraina: Liệu Trung Quốc có đứng về phía mặt tối của Lịch sử”. Vậy thì mặt sáng của lịch sử đương nhiên là thuộc về phía nhân dân Ukraina kiên cường và bất khuất dưới sự lãnh đạo của Zelinsky – vị Tổng thống do họ chọn lựa – đầy bản lĩnh để đủ tỉnh táo và dũng cảm đang ngày càng được thế giới ca ngợi. Zelensky đã thức tỉnh rất thuyết phục Mỹ và phương Tây đứng về phía mình để đương đầu với lực lượng đen tối đang câu kết và đồng loã với nhau để thực hiện những toan tính điên rồ của tư tưởng “Đại Nga” – “Đại Hán” với những ý thức hệ toàn trị độc tài phản dân chủ. Cái liên minh ma quỷ này – tuy sẵn sàng đâm vào lưng nhau bất cứ lúc nào – song trước mắt đã đặt thế giới trước một hiểm hoạ khó lường.

Ông Zelinsky đã làm thế giới bất ngờ không chỉ vì lòng dũng cảm dám hiên ngang trước bom đạn huỷ diệt của Putin mà còn về sự tỉnh táo và khôn khéo bằng một trí tuệ tuyệt vời trong ứng xử ngoại giao. Những bài diễn văn tại các diễn đàn Quốc hội Mỹ và nhiều quốc gia khác nữa qua băng hình đã làm xúc động lòng người.

Người ta nói rằng ít khi tất cả những thành viên của Quốc hội Mỹ đồng loạt đứng dậy vỗ tay hoan hô bài diễn văn của Zelinsky qua băng ghi hình như người ta vừa được chứng kiến. Chính những lời giản dị và sắc bén của người nghệ sĩ cộng với sự thuyết phục bằng logic của người nắm chính nghĩa trong tay đã giúp ông chinh phục được lòng tin của cả thế giới văn minh dứng về “phía ánh sáng” chống lại “mặt tối của lịch sử”.

clip_image010Hình ảnh tổng thống Zelinsky trao huân chương cao quý cho bà Chủ tịch Hạ Nghị viện Mỹ Pelosi mà báo Guardian ngày 30.4.2022 đăng tải cùng với lời phát biểu của bà, người dẫn đầu phái đoàn Mỹ: “Chúng tôi thăm ông để gửi lời cảm ơn ông đã chiến đấu cho tự do… Sự chiến đấu của ông chính là chiến đấu cho tất cả mọi người. Chúng tôi cam kết (ủng hộ) ông cho đến khi cuộc chiến đấu này kết thúc” thật giàu ý nghĩa.

Nhân dân Ukraine chẳng những đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình trong hiệp đấu đầu tiên này, mà còn đang tự lột xác mình để trở thành một dân tộc mới, với những giá trị mới của đoàn kết dân tộc, dân chủ, và tự do”.[18]

Zelinsky thật sâu sắc để nói với nhân dân Ukraina rằng: Khi chúng ta ngừng đo đếm ai yêu nước hơn, ngừng chia rẽ người Ukraine thành bạn và thù. Ngược lại, chúng ta cần đoàn kết, thì khi đó, không chỉ người Ukraine mà cả thế giới sẽ nói Vinh quang cho Ukraine”! Cuộc chiến đấu của nhân dân Ukraina đã nêu một tấm gương cho nhiều dân tộc đang đứng trước hoạ xâm lăng của những kẻ thù sát cạnh nách mình, trong đó dân tộc Việt Nam ta – một trường hợp cụ thể và điển hình.

Do vị thế địa chính trị oái oăm, dân tộc ta suốt hai nghìn năm luôn phải đối đầu với một “thiên triều” tàn bạo – một con hổ đói – chỉ chực vồ mồi. Lũ hậu duệ của chúng ngày nay càng thâm hiểm hơn khi đưa ra cái chiêu bài lừa bịp “cùng chung ý thức hệ XHCN” mà những kẻ khát khao quyền lực một cách bỉ ổi và ngoan cố đã bập vào để dễ lừa mị những người thiếu hiểu biết, nhằm giữ bằng được cái ghế đã lung lay, rệu rã trước bão tố của lòng dân.

Nguyễn Trung đã viết những câu thật tâm huyết: “Phải có một nhân dân Việt Nam có quyền lựa chọn làm chủ chính mình và làm chủ đất nước mình như là một tiền đề tất yếu, để đoàn kết cùng nhau xây dựng nên bằng được một Việt Nam đáp ứng được những đòi hỏi mới. Cái bất biến này là cái đích một ly không rời! Cái đích này cả nước phải cùng nhau đứng lên giành lấy, để Tổ quốc Việt Nam của chúng ta hôm nay tồn tại, sống được, và phát triển trong thế giới này”.[19]

clip_image012Và, Việt Nam không hề đơn độc. Trong chuyến thăm Việt Nam ngày 1 tháng 5 vừa rồi tân Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, như đài BBC ngày 1.5.2022 nêu rõ: “Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Thủ tướng Phạm Minh Chính nhất trí nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc tôn trọng chủ quyền quốc gia và cảnh báo nguy cơ sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt, vào lúc cuộc chiến tại Ukraine vẫn đang tiếp diễn”. Tuyên bố của hai ông được đưa ra tại Hà Nội hôm Chủ Nhật, nơi ông Fumio Kishida đang trong ngày thứ hai của chuyến thăm Việt Nam, một phần trong chuyến công du tám ngày của ông tới Đông Nam Á và châu Âu.

Còn với Tập Cận Bình, khi liên minh với Putin, ông ta đã đứng vào mặt tối của lịch sử, thì như Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Anthony Blinken đã tuyên bố, “Quan hệ của chúng ta với Trung Quốc sẽ là cạnh tranh khi cần, hợp tác khi có thể, và đối đầu khi bắt buộc[20].

Để gắn kết với mặt sáng của thế giới, Việt Nam cũng phải vươn mình lên để “trở thành một dân tộc mới, với những giá trị mới của đoàn kết dân tộc, dân chủ, và tự do.[21] Ngày 30 tháng tư lịch sử phải chăng cần phải là ngày ghi nhận và thúc đẩy sứ mệnh lịch sử ấy. Muốn vậy thì, nói như cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã viết: “Không như thế hệ chúng tôi khi đi làm cách mạng, tuổi 20, 30 ngày nay có đủ các điều kiện để tiếp cận với những tiến bộ của loài người, có nhiều cơ hội không những đứng vững trên đôi chân của mình mà còn có thể đứng được trên vai những người khổng lồ của thời đại.

Bệnh giáo điều, duy ý chí và sự đố kỵ mà các thế hệ cha anh từng phải trả giá phải được thế hệ sau 30-4 tiếp thu như những bài học sâu sắc để tránh không lập lại. Họ lớn lên trong điều kiện mà mỗi người có cơ hội tìm thấy những con đường của mình để cống hiến, để biểu hiện lòng yêu nước, hiểu rõ Tổ quốc đang ở đâu trên bản đồ phát triển của thế giới[22]. Vả chăng “Lịch sử cũng như cuộc sống, cái đúng cái sai nói một lần người ta hiểu; nói hai ba lần người ta im lặng, nhắc lại quá mức cần thiết thì có thể gây ra sự phản cảm… vết thương chung của dân tộc cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu”.[23]

clip_image014Ý tưởng ấy day dứt mãi trong lòng ông Sáu Dân. Tôi nhớ trong một bữa cơm thân mật ở nhà nhân dịp giáo sư Ngô Vĩnh Long, người đồng hương rất gần gũi với ông, tôi được mời cùng dự, ông đã nhắc lại câu nói đó với nhà trí thức yêu nước đang sống ở Mỹ. Mới gân đây, tôi đọc thấy phát biểu đáng suy nghĩ của Ngô Vĩnh Long mà BBC vừa đưa: “Cuộc nội chiến của Mỹ chỉ có 4 năm thôi, mà từ đó đến giờ hơn 100 năm rồi, nhưng bên thắng cuộc nhìn lịch sử khác hơn bên thua cuộc, cho nên người miền Nam nước Mỹ bây giờ vẫn còn phẫn uất với những phân tích chính thống, tôi tạm dùng chữ này, nhưng chính thống ở đây không có nghĩa là chính thống của chính phủ, mà là đường lối chính thống của dòng lịch sử nước Mỹ.

Cuộc nội chiến ở Mỹ chỉ có bốn năm, mà cuộc chiến ở Việt Nam tới 40 năm, cho nên hậu quả để lại rất là lớn, do đó bài học là nếu có chiến tranh, thì cần phải làm sao ngay trong lúc còn đang chiến tranh, tìm mọi cách để hòa hợp, hòa giải…”

Trên BBC ngày 28.4.2017 tôi lại đọc thấy tựa đề “Hoà giải phải trên cơ sở của sự thật”, phát biểu của tác giả cuốn sách Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75:

Người Việt Nam không có ai muốn cầm súng cả… nhưng cái cao hơn tất cả là độc lập tự do của môt dân tộc, quyền tự do của một con người, thống nhất của cả nước. Đó là điều thiêng liêng nhất. Người ta không thể đi làm nô lệ được mà phải chiến đấu đến cùng để thống nhất đất nướcLịch sử là tự nó diễn ra. Lịch sử là sự thật. Không phải anh thắng thì nói thế nào cũng được, mà anh thua thì muốn nói thế nào cũng xong. Nếu có tranh cãi nhau cũng phải tranh cãi bằng sự thật”.[24]

Khi sự thật được sáng tỏ thì chân lý sẽ chói loà. Nói “chân lý là cụ thể” cũng trên ý nghĩa ấy. Chỉ đừng quên rằng rất nhiều khi nghịch cảnh là một con đường đi đến chân lý, điều mà Byron, nhà thơ người Anh đã viết.

Và để bớt đi những nặng nề trong những giằng co tranh cãi về sự thật, “trái tim cần đôi lúc thảnh thơi”, nên chăng mạo muội mượn mấy câu thơ của thi nhân lãng mạn nhất nước Anh để kết thúc bài viết này:

And the moon be still as bright.

For the sword outwears its sheath,

And the soul wears out the breast,

And the heart must pause to breathe

Tâm Minh Ngô Tằng Giao chuyển ngữ:

Và trăng còn sáng êm đềm trên cao.

Bởi vì kiếm đã mòn bao,

Và tâm hồn đã hanh hao lòng người,

Tim cần đôi lúc thảnh thơi

clip_image015

Tranh của hoạ sĩ P. Nedsinov

Ngày 2.5.2022

[1] Bauxite Việt Nam, 25/4/2022.

[2] Hòa Bình, “Cám dỗ Việt Nam” – những góc nhìn triết luận về xã hội Việt. VietTimes, 8/7/2019.

[3] Nguyễn Hữu Thái, Hồi ức về Trịnh Công Sơn vang ca trong thời khắc lịch sử. Vietnam+, 30/4/2015

[4] Phạm Tiến Duật, “Đông Trường Sơn Tây Trường Sơn”.

[5] Người Việt trẻ ‘vượt rào cản’ để nhìn lại sự kiện 30/4/1975. BBC, 30/4/2022.

[6] Nguyễn Hữu Liêm, Ba mươi tháng Tư, sử mệnh, và con người Bắc Nam. Bauxite Việt Nam, 25/4/2022.

[7] Tương Lai, Trải qua một cuộc bể dâu. Viet-Studies 22/4/2022.

[8] Phạm Văn Đỉnh, Nxb Hội Nhà văn, 2021.

[9] Tương Lai, Phát biểu tại Buổi trao Kiến nghị Sửa đổi Hiến pháp 2019: https://youtu.be/4ZfFvy2YZDw

[10] Nguyễn Hữu Liêm, Ba mươi tháng Tư, sử mệnh, và con người Bắc Nam. Bauxite Việt Nam, 25/4/2022.

[11] Hòa Bình, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Liêm – Tự hào là Triết gia nhà quê. VietTimes., 11.7.2019.

[12] Nguyên Phong là niên hiệu của vua Trần Thái Tông. Năm Nguyên Phong thứ 7 (1258), Trần Thái Tông đích thân chỉ huy cuộc chiến đấu chống giặc Nguyên xâm lược lần thứ nhất.

[13] Cối Kê là nơi Câu Tiễn nước Việt nằm gai nếm mật nuôi chí phục thù để rồi diệt được Phù Sai nước Ngô.

[14] Trịnh Công Sơn, Một cõi đi về.

[15] Trịnh Công Sơn, Một cõi đi về.

[16] Sarah Cook, Chiến thuật tuyên truyền chiến tranh Ukraine của ĐCS Trung Quốc. Nghiên cứu quốc tế, 2/5/2022.

[17] Nguyễn Trung, Cuộc xâm lăng Ukraina – Cuộc chiến tranh định hình liên minh Nga-Trung. Viet-Studies 4/4/2022.

[18] Nguyễn Trung, Cuộc xâm lăng Ukraina – Cuộc chiến tranh định hình liên minh Nga-Trung. Viet-Studies 4/4/2022.

[19] Nguyễn Trung, Cuộc xâm lăng Ukraina – Cuộc chiến tranh định hình liên minh. Viet-Studies 4/4/2022.

[20] A Foreign Policy for the American People, March 3, 2021.

[21] Nguyễn Trung, Cuộc xâm lăng Ukraina – Cuộc chiến tranh định hình liên minh. Viet-Studies 4/4/2022.

[22] Võ Văn Kiệt, Tuổi 30. Tuổi Trẻ Chủ Nhật, 1/5/2005.

[23] Võ Văn Kiệt, Những đòi hỏi mới của thời cuộc. Báo Quốc tế, 31-3-2005.

[24] Kỷ niệm 30/4/1975: ‘Hòa giải phải trên cơ sở của sự thật’. BBC, 28/4/2017.

Comments are closed.