Món nợ của anh Nguyên Ngọc

Nguyễn Ngọc Giao

Tưởng nhớ chị Thanh Tâm

Có hai người phụ nữ mà tôi hằng ước mơ được gặp mặt, mà rốt cuộc giấc mơ không thành.

Người thứ nhất là bác Phạm Thi Tề, hiền thê của nhà cách mạng Vũ Đình Huỳnh – mẹ của anh Vũ Thư Hiên, tác giả Đêm giữa ban ngày. Mùa xuân năm kia, 2020, vợ chồng tôi ra Hà Nội, trải một phần di cốt của ông bạn già Georges Boudarel xuống tả ngạn Sông Hồng, rồi nhờ được anh Dũng, em trai anh Hiên, đưa xuống nghĩa trang Văn Điển, viếng mộ bác Vũ Đình Huỳnh và bác Phạm Thị Tề.

Từ Hà Nội trở lại Thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi đã định dừng chân ở Đà Nẵng, vào Hội An, trao phần cuối cùng di cốt Boudarel cho nhà văn Nguyên Ngọc – theo yêu cầu của anh và các bạn miền Trung, dải đất mà “Bouda” đã đi dọc theo, từ chiến khu Đ lên Việt Bắc trước đó gần 70 năm.

Cuối tháng 2.2020, đại dịch Covid-19 đã lan rộng ở nước ta theo chân các đoàn du khách Trung Quốc, chúng tôi phải hủy chuyến đi Đà Nẵng. Thế là tôi lỡ dịp vào Hội An thăm chị Thanh Tâm, người phụ nữ thứ hai, sau bác Tề, mà tôi mong ước được gặp mặt.

Sáng nay 3.5.2022, nghe tin chị Thanh Tâm từ trần, trong khi anh Nguyên Ngọc đang nằm khu cấp cứu ở bệnh viện Hội An, thật đau buồn và lo lắng. Nhắn tin vào trang FB của Phạm Xuân Nguyên, tôi được Nguyên điện thoại hồi âm ngay. Nguyên vừa bay từ Hà Nội vào Đà Nẵng, ngày mai đi Hội An. Nguyên đang ở nhà nhà văn Thái Bá Lợi, vừa từ Hội An thăm anh Nguyên Ngọc trở ra. Anh Lợi cho biết anh Nguyên Ngọc bị cúm và biến chứng nặng, phải đưa vào cấp cứu ở bệnh viện, chị Tâm ở nhà, bị té, đau nặng, cũng phải nhập viện. Do sức khỏe yếu kém từ nhiều năm nay, chị đã từ trần ngày hôm qua. Anh Ngọc đã tỉnh táo, hôm nay người nhà mới dám thông báo tin buồn, và bác sĩ đồng ý cho đưa anh về nhà chốc lát để gặp mặt lần chót người bạn đời.

Đọc lại mấy trang hồi ký anh Nguyên Ngọc nói về chị Thanh Tâm và mối tình của hai người, tôi hồi tưởng những mẩu chuyện kể của anh, trong những ngày được đón anh về nhà ở Maisons-Alfort và nhất là trong mấy ngày rong ruổi lái xe đưa anh sang München dự Hội thảo Hè tháng 7-2003.

Nhớ sao viết vậy, tôi chỉ xin bổ sung vài thời điểm mà Nguyên Ngọc không kể trong mấy trang hồi ký nói trên.

Như anh đã kể trong đó, anh chị gặp nhau trên chiến trường miền Nam một lần duy nhất vào đầu năm 1965 ở Bình Định: anh đã trở lại miền Nam (“đi B”) trước đó ba năm, chị vừa được “bổ sung”. Sau đó, anh đi nhiều chiến dịch, tham gia nhiều trận đánh, hơn một lần có tin đồn anh đã hy sinh. Tin đồn lọt vào nhà tù, đến tai chị Tĩnh lúc đó bị giam ở Kontum.

Tên thật của người con gái Hội An là Tôn Thị Tĩnh. Tập kết năm 13 tuổi, về lại miền Nam năm 24 tuổi, lấy tên là Hồ Thanh Tâm. Chị bị bắt, tình báo quân đội Sài Gòn chắc mẩm chị từ miền Bắc vào, nhưng tra tấn đến đâu, chị vẫn một mực không khai báo. Cuối cùng, đối phương vẫn tìm ra bằng chứng vật chất không thể chối cãi: trong hàm răng của chị có một vết hàn, làm bằng một hợp kim mà thành phần chỉ được chế tạo tại Cộng hòa Dân chủ (Đông) Đức. Thế là chị được xếp loại “cán binh Bắc Việt”. Trong nhà tù, chị qua nhiều lần thẩm vấn của một sĩ quan quân cảnh. Anh này không khai thác được gì, ngoài một điều: khâm phục người phụ nữ đất Quảng. Có lẽ vì vậy, mà tháng 3.1973, ngẫu nhiên gặp lại chị trong cuộc trao trả tù binh (sau Hiệp định Paris) bên bờ sông Thạch Hãn, anh nói nhỏ với chị: “Hôm nay, chị là người chiến thắng”.

Chị Thanh Tâm – Tĩnh qua sông Thạch Hãn, rồi qua cầu Hiền Lương ra Quảng Bình. Tin đồn chị bị giết trong tù, mấy năm trước, đã ra tới chiến khu, đến tai anh Nguyên Ngọc. Thế là trong mấy năm trời, mỗi người đã mang trong lòng cái tang người yêu. Khó hình dung được cảnh tượng họ gặp nhau vào mùa Xuân năm 1973. Câu chuyện về sau, anh chị kết hôn, sinh cháu Phương – đứa con mà trong chín tháng mang nặng đẻ đau, chị Thanh Tâm sống trong sợ hãi, với ảm ảnh Chất độc Da Cam mà anh chị đã trải qua nhiều lần, Phương ngày nay là một nhà toán học khí phách – bạn đọc đã biết qua mấy trang hồi ký Nguyên Ngọc.

Câu chuyện độc giả chưa biết liên quan tới anh đại úy quân cảnh Sài Gòn đã thẩm vấn chị Tâm ở Kontum. Trong một chuyến sang Mỹ, anh Nguyên Ngọc ghé qua Quận Cam, ở nhà anh Hoàng Khởi Phong, có dịp đã kể lại cho “nhà văn di tản”, cựu quân nhân VNCH. Anh Phong ngờ ngợ, vì có một chiến hữu từng đóng ở Kontum, hiện đang sống ở bang Texas. Hoàng Khởi Phong gọi điện thoại cho anh bạn. Đúng phóc. Thế là Nguyên Ngọc đã có dịp nói chuyện với người đã từng thẩm vấn chị Thanh Tâm.

Nghe chuyện anh Nguyên Ngọc kể lại, chúng tôi đều đồng thanh: nhất định anh phải đưa chị Thanh Tâm qua Mỹ, để chị gặp lại anh đại úy “bên kia” mà chị gặp lần chót vào mùa xuân 1973 bên bờ Thạch Hãn. Đối với tôi, đó là món nợ tinh thần mà anh Nguyên Ngọc phải trả đối với chị.

Từ ấy, sức khỏe của anh chị không cho phép họ đi xa. Món nợ nay không thể trả. Nhưng hình như anh Nguyên Ngọc nợ “hậu phương” của anh không chỉ có vậy. Nhiều lắm.

Nên xin chúc anh sớm hồi phục, chúc anh và cô Phương vượt qua những ngày đau đớn này.

Paris, 3.5.2022

Nguồn: https://www.diendan.org/sang-tac/mon-no-cua-anh-nguyen-ngoc

Comments are closed.