Tương Lai
Thở phào nhẹ nhõm đặt tay lên bàn phím máy tính đã được phóng to lên 200% để nhìn cho rõ, mắt tôi đang bị xuống cấp khá nhanh, phải cố mà giữ gìn vì đó là báu vật duy nhất để tôi biết là mình còn tồn tại giữa cuộc đời này một cách có ý nghĩa. Nhẹ nhõm, vì tôi đã có trong đầu biểu tượng mừng năm mới 2022 thay cho công thức quen thuộc đã quá cũ kỹ như “Happy New Year” hay “Năm mới vạn sự như ý”…
Năm nay tôi sẽ gửi lời chúc đến bạn bè bằng tiếng chim hót với lời nhắn: “Mong sao tiếng hót thanh thoát và ríu rít của con chim giữa bầu trời ít bị ô nhiễm thay cho lè nhè tiếng hót lừa bịp và dối trá làm ô nhiễm đời sống tinh thần của cả xã hội vốn đã ô nhiễm trầm trọng càng thêm ô nhiễm”. Và rồi sau ngày 2/1/2022, tôi vui nhận những phản hồi thú vị.
Có những lời thân tình dung dị: “Thật có ý nghĩa thầy ơi, đầu năm được nghe tiếng chim hót ríu rít, líu lo mà tâm hồn sảng khoái, xua bớt đi những nặng nề ngột ngạt, thầy thật tâm lý vì đầu bạc trắng của U 90 vẫn trẻ trung. Mong thầy luôn vui khoẻ ạ”.
Cũng lại có phản hồi gửi gắm nỗi niềm tâm sự ẩn chứa trong một câu bâng quơ: “tiếng chim hót giữa trời… không phải trong bụi mận gai”. Mặc dầu đã nhắn trả lời Chu Hảo, người bạn tri kỷ kém tôi vài tuổi về lời nhắn gửi: “thì chính môi trường chúng ta đang sống đang là “bụi mận gai” rồi, còn cần chui vào đâu nữa?” Chẳng phải M. Gorki đã cảnh báo ngay khi Cách mạng tháng Mười Nga vừa nổ ra năm 1917-1918: “Chính trị là miếng đất trên đó các loại cây gai của sự thù nghịch độc hại, các nghi kỵ xấu xa, các sự lừa dối trơ trẽn, vu khống… phát triển um tùm đó sao!… Chúng ta sống giữa một cơn bão của các xúc cảm chính trị, trong sự hỗn độn của một cuộc chiến đấu giành quyền lực; cuộc chiến đấu này đánh thức bên cạnh các tình cảm tốt đẹp còn cả những bản năng đen tối. Điều đó là tự nhiên, nhưng lại đe dọa bẻ cong đi tính cách của chúng ta, và làm cho nó phát triển một cách giả tạo theo một hướng nhất định.”[1]
Bỗng trong sâu thẳm nghe văng vẳng tiếng hát Văn Cao:
Ai tha hương nghe ríu rít oanh ca
Cánh nhạn vào mây thiết tha
Lưu luyến tình vừa qua…
… Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về
Mùa bình thường mùa vui nay đã về
mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên
Bằng sự nhạy cảm thiên phú của người nghệ sĩ lớn, Văn Cao đã dự liệu được chiều sâu của những chuyển đổi, những khát vọng “đang đến đầu tiên”. Sự hồ hởi đón nhận những “ríu rít”, những “dặt dìu” ấy sớm bắt gặp những “bản năng đen tối” đe doạ bẻ cong tính cách vốn có của con người:
Có lúc
một mình một dao giữa rừng đêm không sợ hổ
có lúc
ban ngày nghe lá rụng sao hoảng hốt
có lúc
nước mắt không thể chảy ra ngoài được
Nếu tôi nhớ không nhầm thì trong Mùa xuân đầu tiên (1976), Văn Cao viết “Từ đây người biết thương người. Từ đây người biết yêu người” mà vì thế, ca khúc của ông không được trình diễn để rồi âm thầm chìm lắng suốt gần 30 năm.
Liệu có phải Văn Cao đã thấm thía sự ràng buộc và áp đặt của một “ý thức hệ XHCN” lên khát vọng tự do – nguồn mạch sáng tạo của người nghệ sĩ khi mà ca khúc tuyệt vời “Tiến về Hà Nội” được viết năm 1950, thể hiện một dự cảm thiên tài đã bị Tổng bí thư Trường Chinh nhận xét là “lạc quan tếu” nên vừa chớm được quần chúng háo hức đón nhận đã sớm bị dập tắt. Và rồi, trong chuyến đi Liên Xô 1952 trong phái đoàn do Trần Huy Liệu dẫn đầu, đối với Văn Cao (cũng tương tự như chuyến đi Liên Xô 1936 của André Gide), nhà nghệ sĩ đã bước đầu vỡ mộng vì tận mắt chứng kiến và cảm nhận đôi nét sự thật của một “thiên đường” mà ông từng ao ước và tự vẽ ra trong đầu.
Tuy nhiên, khát vọng “từ đây người biết yêu người”, một khát vọng nhân văn không chỉ của một Văn Cao, mà là khát vọng người, một nhu cầu mang tính người thì vẫn tiếp tục ngân vang. Thì đó, trong tin nhắn phản hồi, Ma Văn Kháng – người bạn thân quý mà tôi thầm cảm phục – đã nhắc lại câu hát thuở nào của hơn nửa thế kỷ trước trong một ca khúc Liên xô quen thuộc mà chúng tôi thường hát “còn chân còn nhịp bước tiếng lên. Còn đôi mắt sáng ta đâu chịu hèn… Sôi nổi, ta đâu chịu hèn”. Tôi sung sướng nhắn trả lời: “Cứ thế nhé. Ta đâu chịu hèn”.
Đúng thế, thầm cảm phục bề dày sự nghiệp văn học của bạn tôi, người cùng tuổi Bính Tý (kém 8 tháng) với tôi. Năm 1960 khi tôi dạy học ở Hà Nội thì anh lên dạy học ở Lào Cai, và chính đây là mảnh đất ươm mầm, nảy nở bề dày và chiều sâu sự nghiệp cầm bút của bạn tôi. Cách đây mấy năm, lúc đã tám mốt, Kháng còn cho ra mắt tác phẩm “Chim én liệng trời cao” trên 400 trang. Thành thật mà nói, trong đáy sâu tâm thức, tôi tự nghiệm không tránh khỏi xấu hổ với bạn, với đời về những gì còn quá nhỏ nhoi mà mình làm được, so với Kháng.
Thôi thì tự an ủi, mỗi thân phận đều là nghiệp dĩ. Một sự nghiệp – dù to dù nhỏ – rồi cũng đã được an bài, đến được tuổi 86, 87 mà không có gì lớn phải hổ thẹn cũng đã lấy làm may. Nghe “tiếng nhạc chim” trong tác phẩm của Kháng, tôi cảm nhận được hạnh phúc của bạn tôi là đã tránh được tính trần tục đôi khi là nhớp nhúa trong cái môi trường bụi bậm đã quá ô nhiễm đôi lúc nghĩ là vô phương cứu chữa mà tôi đang nghiên cứu và viết lách, cho dù những việc đó cũng nhằm góp phần làm quang quẻ bớt những nhầy nhụa nhớp nhúa mà xã hội đang sặc sụa trong đó.
“Con người cần chim như cuộc sống cần ca hát. Nhưng không có con người thì các ca sĩ tài tử này hót cho ai nghe? Thành ra, hai ngày nghe chim rừng hót cho tôi cái cảm tưởng: Những tập đoàn sinh vật lông vũ có biệt tài bay lượn và có thứ ngôn ngữ đa thanh giàu có nhất thế gian này, dưới sự sai khiến của các đấng thần linh tối cao, đã tự nguyện và vô cùng hào hứng mở cuộc trình tấu để cho chúng tôi thấy được một diệu cảnh tưng bừng ở giới tự nhiên cùng một trạng thái cao cấp của sự sinh tồn trên thế gian này. Được ru trong nguồn ánh sáng, âm thanh thần tiên của chúng, tôi nhận ra rằng: Chúng ta cùng với muôn loài đều là những kẻ thiện nguyện cùng đồng hành trong một cuộc sống chung còn rất nhọc nhằn nhưng tất nhiên là còn tràn trề hy vọng.” … Tất nhiên cao giá nhất thì phải là họa mi, nhồng cưỡng, bạc má, hồng tước… Còn bình thường thì có thể kể cả ngày không hết. Nào hoành hoạch, mỏ chì, nào bạch khuyên, vàng ảnh vàng anh có phải vợ anh chui vào tay áo… Mỗi loài nó hót một kiểu. Sớm bửng thì tất nhiên đã có con họa mi dáng quả vả, mắt như có ánh lửa và cặp chân như của vũ nữ, chẳng khi nào chịu ở yên.
Mà nào chỉ ở rừng mới nghe được tiếng chim. “Xem ra thì tiếng chim sớm mai ở khu phố này quả là một dàn ca nhạc đủ các bè trầm bổng tầm cỡ đáng gọi là giao hưởng thật. Thì đấy, trong khi con sáo mỏ vàng nhà ông Tôn líu lo thì con
yến xanh nhà chú Bao cất giọng non nỉ… Con chào mào nhà bác Thu giọng líu ta líu tíu như giọng ca sĩ nhí thì lũ “chích chòe học dốt có chuôi, bởi chưng nhí nhoẻn nên đuôi phất cờ” nhà cô Hoa lại có kiểu hót cót két như tiếng xa chỉ quay. Mỗi con một vóc hình, một sắc màu mà sắc màu, vóc hình nào cũng ưa nhìn, cũng đẹp. Nho nhỏ là chim yến lông xanh pha vàng mượt mà… Những con chim sẻ bé nhỏ quen thuộc từ hốc nhà bay xuống khi bà cụ Cần sàng sảy gạo. Những con chim sẻ hằng ngày ríu ran trong các mảnh vườn ổi, vườn cam, vườn nhãn. Những con chim có bộ lông nâu pha xám treo mình như những quả chuông trên những cọng lúa đang chín vàng. Những con chim mỏ sừng đen nhánh túc tích trong những chân rạ ải tìm bắt sâu bọ. Những con chim tụ họp cả bầy, đông như nắm bụi bay tung tóe lên từ những vườn hoa thành phố, từ những thảm cỏ xanh trên dải phân cách giữa đại lộ mỗi khi có một chiếc ô tô rú còi inh ỏi chạy qua. Những con chim sẻ từ các khu đồng sau vụ gặt ở ngoại thành bay về, đậu cả loạt làm thành một hình tượng trang trí trên các mái nhà cao tầng, yên bình rỉa lông cánh, để lộ lớp lông tơ trắng mờ ở phần bụng. Những con chim sẻ tắm cát, một dấu hiệu của cơn bão lũ sắp về…”
Trong mạch cảm xúc nhẹ nhõm thanh thoát với tiếng chim hót, tôi những muốn dẫn ra đây nhiều tiếng chim trong tác phẩm của bạn tôi hơn nữa bỗng tôi giật mình nhớ lại truyện “Con chim quên tiếng hót” của Nguyễn Quang Sáng:
“Trong nhà ai cũng dạy nó tiếng nói lịch sự, lễ phép. Nhưng hình như bấy nhiêu tiếng đó, nghe hoài cũng nhàm, bớt vui. Chẳng biết đứa nhỏ nào cắc cớ dạy thêm cho nó vài tiếng chửi cục cằn: “Ðồ đểu, cút, cút đi.”
Ngày đầu, nghe những tiếng lạ lùng đó, bọn nhỏ vỗ tay và nó được nhiều ớt hơn mọi ngày. Nhỏ vui đã đành, người lớn cũng vui… nghe nó chửi “đồ đểu” người nghe không nghĩ là mình đểu nên chẳng ai giận, nghe nó bảo “cút, cút” người ta không cút mà cười và lại thưởng cho nó ớt ngon hơn, nhiều hơn. Nó nói riết thành quen không ai để ý nó quên tiếng hót từ lúc nào!”
Hình tượng con chim quên tiếng hót như cứa vào nguồn mạch xúc cảm. Lặng người suy ngẫm, tôi nhớ đến nét mặt có lúc đăm chiêu không hợp với tính tình sởi lởi vốn có của anh trong đôi lần bên chén rượu cùng anh ở nhà Trịnh Công Sơn hay nhà Nguyễn Duy. Nghệ thuật văn chương với những hình tượng như vậy có sức biểu cảm mãnh liệt, lay động và tỉnh thức con người.
Bỗng nhớ lại hình tượng con chim sáo “Chỉ vì muốn nói được tiếng người. Mà đến nỗi cụt mất cả đầu lưỡi. Xin chép lại đây vài dòng đã viết trên tạp chí Tia Sáng cách nay 14 năm “Đó là hai câu trong bài thơ của Cao Bá Quát, người đã từng chia kẻ sĩ thành ba loại, ứng với ba loài chim. Loại thứ nhất là hồng hộc bay giữa trời xanh. Loại thứ hai là hạc đen ẩn bên sườn núi. Loại thứ ba là hoàng yến luẩn quẩn ở chốn lâu đài của kẻ quyền quý. Con người “những muốn vin mây mà lên cao mãi” như Cao Bá Quát tất nhiên muốn được là loại chim gì, và khinh loại chim gì rồi. Đấy là ý nẩy ra từ một bài thơ làm khi uống ruợu ở nhà bạn, trong nhiều bài thơ khác của ông, ta còn tìm thấy hình ảnh của nhiều loại chim khác nữa. Khi thì là cánh cò trắng giữa sông hồ trong cảnh sắc mùa xuân: “Xuân tĩnh giang hồ nhất bạch âu”. Có khi đó là “con hạc ốm kêu ở đền cổ”. Nhưng có lẽ chua chát, thảm hại nhất là “con sáo cụt mất đầu lưỡi””[2].
Chao ôi, chỉ để nói được tiếng người, đúng hơn, nhại được vài âm thanh vô hồn theo đúng tiếng người để rồi bị giam trong lồng, và rồi không bao giờ còn véo von được tiếng của chính mình nữa. Cái thân phận con sáo nói được tiếng người sao mà khốn khổ làm vậy. Giá mà con sáo cũng biết suy nghĩ như con người thì liệu nó có cam chịu phận cụt mất đầu lưỡi như vậy không?
Ấy thế nhưng, vào thời ông, lắm kẻ sĩ tuy không bị cụt đầu lưỡi nhưng nào có nói được chính tiếng của mình đâu, họ “…phải nói khẽ, sợ nói to trái ý trời, trời ghét”! Đâu phải là ý trời mà là ý người đấy thôi, người có quyền! Đâu phải là trời ghét mà là người ghét đấy thôi. Mà ghét, là vì lời của kẻ sĩ có tài và trung thực thường không thuận tai. “Trung ngôn nghịch nhĩ”, đó là một khái quát xuyên thời gian! Kẻ sĩ, người trí thức mà không nói được tiếng nói của chính mình, không nghĩ được điều mình cần nghĩ và muốn nghĩ, thì suy cho cùng, nào có khác gì con sáo bị cụt mất đầu lưõi đâu? Ấy vậy mà làm con “hồng hộc” bay giữa trời xanh thật quả là khó lắm lắm. Còn chọn được cách thế của con “hạc đen” ẩn bên sườn núi đâu có dễ?
Sự nghiệp và thân phận của Cao Bá Quát thật long đong. Tự nhủ, tự trách mình rồi tự giễu mình trong “Tài tử đa cùng phú”:
Tươi nét mặt thư sinh lồ lộ, bưng mặt trần toan đạp cửa phù đồ;
Rửa buồng gan du tử nhơn nhơn, giương tay Tạo rắp xoay cơn khí số.
Tưởng đến khi vinh hiển coi thường;
Song nghĩ lại trần ai đếch chỗ.
Cho dù ông cũng từng “Quan cái phân phân ngã hành hỹ”, mũ lọng nhộn nhịp ta cứ đi! Thế nhưng, “bước đường phẳng lặng thì mờ mịt, bước đường ghê sợ thì nhiều”.
Đến núi Nam Tào, nhìn vào đền thờ của Trần Hưng Đạo và nơi ẩn dật của Chu Văn An, ông ngậm ngùi “Xuân trên dòng Kiếp dồn cả vào miếu của vị vương lừng tiếng. Mây ở núi Phượng phủ kín ngôi nhà của bậc ẩn dật ngày xưa, Mà nay thì chuyện cũ anh hùng đã gửi cả cho làn sóng biếc”. Cao Bá Quát tự nhủ “Tự thán du du ủy tục tình” (Ngậm ngùi cho mình cứ để thói đời lôi cuốn mãi) và tự trách mình “Đáng phàn nàn cho ta chỉ đóng cửa mà gọt giũa câu văn, lải nhải nhai từng câu, từng chữ. Có khác gì gì con sâu đo, muốn đo cả trời đất”.
Với ông, hai thần tượng mà ông kính phục là Chu Văn An và Nguyễn Trãi: “Tiều Ẩn và Ức Trai là hai nhân vật tuyệt vời, Tài trai sống ở đời, đã không làm được việc phơi gan, bẻ gãy chấn song, giữ vững cương thường. Lại ngồi nhìn bọn cầm quyền sói lang hoành hành… Rồi lúc già thì gối đầu vào vợ con mà chết!”.
Ông những muốn làm con hồng hộc bay giữa trời cao như Nguyễn Trãi từng tung hoành trong sự nghiệp cứu nước, hoặc nếu không, thì như Chu Văn An thanh cao như chim hạc đen ngủ một mình bên sườn núi. Chỉ mới kể tên ba loài chim mà đã thấy bộn bề triết lý. Cho nên, Cao Bá Quát với “Cây đàn thanh kiếm bao năm đi lầm đường… ngày nay một manh áo vải đứng giữa trời đất bao la”,… “rằng tôi còn khỏe, không chết, chỉ mắc chứng điên thôi!”.
Ông điên vì thời cuộc như Khuất Nguyên bên dòng sông Mịch La. Họ, những kẻ sĩ chân chính của mọi thời đại đều phải nhốt trong cái lồng trói buộc của bộ máy chuyên chế dưới mọi biến dạng nhưng đều giống nhau là đang “ngột ngạt vì cái bóng của quyền lực phủ lên tất cả, quyết định tất cả”[3].
Cái lồng chuyên chế ấy khi thì sơn son thiếp vàng, khi thì những thanh tre được chải chuốt dưới dạng thô mộc hoặc phết lên những lớp sơn loè loẹt vào chiếc lồng một tầng, có khi hai ba tầng. Thậm chí với tài ba của người thợ làm lồng, có khi là cà một lâu đài tre trúc… nhưng gì thì gì, nhất thiết không được để chim chui lọt. Thử hỏi, những tính cách “bất cơ” (từ của Tư Mã Thiên) chỉ người không chịu cúi đầu tuân phục làm sao sống nổi trong những cái lồng ấy. Số phận họ phải gánh chịu là điều có thể nhìn thấy trước.
Bạn tôi – Chu Hảo – có lý khi nhắn gửi phản hồi biểu tượng chim hót mừng năm mới của tôi bằng sự gợi ý thâm trầm về tiếng chim hót trong bụi mận gai của Colleen McCullough. “Có một truyền thuyết về con chim chỉ hót một lần trong đời, nhưng hót hay nhất thế gian. Có lần nó rời tổ bay đi tìm bụi mận gai và tìm cho bằng được mới thôi. Giữa đám cành gai góc, nó cất tiếng hát bài ca của mình và lao ngực vào chiếc gai dài nhất, nhọn nhất. Vượt lên trên nỗi đau khổ khôn tả, nó vừa hót vừa lịm dần đi, và tiếng ca hân hoan ấy đáng cho cả sơn ca và hoạ mi phải ghen tị. Bài ca duy nhất, có một không hai, bài ca phải đổi bằng tính mạng mới có được. Nhưng cả thế gian lặng đi lắng nghe, và chính Thượng đế trên Thiên đình cũng mỉm cười. Bởi vì tất cả những gì tốt đẹp nhất chỉ có thể có được khi ta chịu trả giá bằng nỗi đau khổ vĩ đại… Ít ra là truyền thuyết nói như vậy”.
Là truyền thuyết thì sao nào? Không phải là không có lý – cho dù người ta vẫn còn tranh cãi – khi Gustave le Bon đưa ra luận điểm “đem lại cho con người phần hy vọng và ảo tưởng mà không có nó con người không thể sống, đó là lý do tồn tại của các thần thánh, các anh hùng và những nhà thơ… Khi ta phân tích một nền văn minh, ta sẽ thấy rằng trên thực tế cái tuyệt diệu và cái hoang đường là bệ đỡ thực sự của nền văn minh đó”… các nhà triết học của thế kỷ trước [tức là thế kỷ 18.TL] khi phá huỷ chúng, họ đã làm vơi cạn nguồn hy vọng và sự nhẫn nhục. Đằng sau các ảo ảnh bị sát hại, họ lại tìm thấy những sức mạnh mù quáng và ngấm ngầm của tự nhiên. Không động lòng với sự yếu đuối, những lực lượng này không biết đến tình thương”[4]. Vì vậy, truyền thuyết nuôi dưỡng những gì tốt đẹp nhất của một dân tộc, của con người trong dân tộc ấy, nuôi dưỡng tính người.
Phạm Văn Đồng đã rất sâu sắc khi nói: “Thần thoại có khi giàu tính lịch sử, bởi nó là tính lịch sử thông qua tính thơ mộng của dân gian”[5].
Đương nhiên không loại trừ sự cấy ghép một cách sống sượng và khiên cưỡng những yếu tố chủ quan của người vận dụng truyền thuyết và thần thoại vào một mục đích nhất định, mà thông thường là mục đích chính trị, trong cơn bão của các xúc cảm chính trị,3 nói như M. Gorki. Nhưng như vậy không có nghĩa “các xúc cảm chính trị” lúc nào cũng khiên cưỡng. Không thiếu những xúc cảm chính trị lại hàm chứa những tâm trạng, những khát vọng chìm sâu trong tâm thức của mọi người.
Tôi hiểu rằng bạn tôi tế nhị và thâm trầm gợi lại “tiếng chim hót trong bụi mận gai” khi nhận được biểu tượng tiếng chim hót mừng năm mới của tôi với ước ao “mong sao tiếng hót thanh thoát và ríu rít của con chim giữa bầu trời ít bị ô nhiễm thay cho lè nhè tiếng hót lừa bịp và dối trá làm ô nhiễm đời sống tinh thần của cả xã hội vốn đã ô nhiễm trầm trọng càng thêm ô nhiễm” là anh đã nhắc nhở tôi về “cơn bão chính trị” đang làm vẩn đục môi trường sống của chúng ta. Tôi hiểu Chu Hảo đã đúng. Rất đúng. Thì chẳng phải là chúng ta đang ở trung tâm cơn bão chính trị của cuộc chiến chống tham nhũng mà thực chất là cuộc chiến quyền lực, đúng hơn, cuộc chiến giữa các nhóm quyền lực. Sự kiện Việt Á đã phơi bày sự bục vỡ thê thảm của chế độ toàn trị phản dân chủ diễn ra trong thời đoạn đau thương của cả dân tộc đang sống chết chống lại đại dịch COVID-19. Chúng khai thác sự chết chóc và đau thương cùng cực của mọi tầng lớp nhân dân, chủ yếu là người nghèo đang ở dưới đáy xã hội.
Đúng như tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam viết: “Dư luận Việt Nam đã rúng động mạnh mẽ và bức xúc dữ dội khi vụ kít xét nghiệm virus SARS-CoV-2 (gọi tắt là kít xét nghiệm COVID-19) của Việt Á bị phanh phui với nhiều tình tiết bất thường liên quan tới sự can dự của nhiều cơ quan nhà nước và bộ chủ quản. Nhìn vào bản chất và rà soát lại diễn biến của vụ việc, chúng ta có thể thấy toàn bộ câu chuyện này đã được chuẩn bị rất công phu, có mục tiêu chính sách được thiết lập rõ ràng, và được thực hiện qua các công đoạn đầy đủ theo quy trình pháp luật cũng như việc xây dựng tính chính danh qua hệ thống truyền thông chính thống. Với tính chất quy mô và bài bản như vậy, có thể nói đây là một bằng chứng cho thấy tham nhũng của Việt Nam đã tiến từ giai đoạn tham nhũng hành chính và tham nhũng chính sách sang một giai đoạn mới, có tính chất hoàn toàn khác, là lũng đoạn nhà nước (state capture)”[6]. Như vậy là, từ tham nhũng vặt lên tham nhũng có hệ thống, tham nhũng và thao túng chính sách, rồi đến giai đoạn lũng đoạn nhà nước, cho thấy quá rõ thực chất cuộc chiến “chống tham nhũng” của ông Trọng là gì!
Từ chỗ, như chính ông nói “không tiền không trôi, như ngứa ghẻ phải gãi rất khó chịu”[7], “Đi làm gì cũng phải phong bao phong bì, lót tay, gợi ý. Tham nhũng vặt như ghẻ ruồi, rất ngứa ngáy, khó chịu chứ không phải chỉ có tham nhũng lớn”[8] đến tham nhũng có hệ thống và thao túng chính sách, rồi lên đến giai đoạn lũng đoạn nhà nước, hình thành một mạng lưới phối hợp chặt chẽ, phân chia nhiệm vụ một cách tỷ mỉ và chính xác, để trục lợi cho toàn bộ mạng lưới một cách hợp pháp.
Không phải là không có lý khi một bộ phận không nhỏ người dân băn khoăn về nội dung của phiên họp bất thường của Quốc hội vừa rồi, trong đó có việc sửa đổi sửa đổi tám bộ luật lớn như luật Đầu tư, luật thuế tiêu thụ đặc biệt, và Luật Điện lực được thông qua rất chóng vánh. Điều đáng ngờ là thời điểm sửa đổi và thông qua các luật ấy lại trùng hợp một cách đáng ngạc nhiên với sự quyết định chuyển hướng sản xuất và kinh doanh của một vài tập đoàn lớn[có là sân sau của ai thì còn xem.
Ai đó đưa ra lời bàn khá thẳng thắn: “Vấn đề của tham nhũng chính sách là rất khó xác thực. Nhận một cọc tiền, ký một quyết định bổ nhiệm, hay đi xe Lexus biển xanh thì dễ bị phát hiện và xử lý. Nhưng nếu anh đường đường chính chính ban hành một văn bản pháp luật đúng quy trình để hỗ trợ cho “sân sau” của mình, thì gần như không thể quy kết trách nhiệm… Tham nhũng chính sách nguy hiểm bởi nó tinh vi hơn, tác động lớn và nghiêm trọng hơn, và đặc biệt là bởi nó hợp thức hóa tham nhũng thành một hành vi “lập pháp” bình thường. Câu chuyện thông đồng giữa Việt Á và các quan chức Bộ Y tế và Bộ Khoa học – Công nghệ vừa qua có lẽ chỉ là phần nổi của tảng băng chìm”.[9] Chỉ riêng cái “phần nổi” đó cũng đủ thấy cái gánh nặng đang đè lên vai người dân, trước hết và chủ yếu là người lao động đang oằn lưng chịu đựng. Phải chăng đó là “thành tựu vĩ đại” của Nguyễn Phú Trọng, người cầm đầu bộ máy chống tham nhũng? Trước cửa cái lò ông Trọng đang treo tấm huân chương Lao động Hạng ba tặng cho Việt Á vào tháng3 năm 2021 liệu có uy lực như một “kim bài miễn tử” 免死金牌 để củi tươi củi khô trong vụ Việt Á hơi khó ném vào.
Vậy liệu có phải: cái “que thử” Việt Á đang là “phép thử” đối với tính chính danh và địa vị hợp pháp của Đảng với thể chế toàn trị phản dân chủ mà Nguyễn Phú Trọng là người ra sức vá víu, duy trì khi mà những “cơn bão chính trị” đang đặt sự nghiệp của ông ta vào trung tâm vòng xoáy.
Xin dẫn ra đây sự phân tích của nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Dy: “Trong bối cảnh trật tự thế giới và khu vực diễn biến khó lường, theo hướng độc tài hơn chứ không dân chủ hơn (tại Trung Quốc), thì xu thế chính trị (tại Việt Nam) dễ trượt theo hướng đó, cản trở quá trình đổi mới thể chế (vòng hai). Trong nước, tranh chấp lợiích nhóm và đấu tranh quyền lực càng phức tạp, thì nguồn lực quốc gia càng dễ bị phân hóa, và đồng thuận dân tộc càng dễ bị suy yếu…
Có một quy luật không thành văn là những gì diễn ra tại Trung Quốc hầu như sẽ diễn ra tại Việt Nam, tuy với quy mô nhỏ hơn và thời điểm muộn hơn. Sự kiện tập đoàn Evergrande ở Trung Quốc đã phá sản không chỉ báo hiệu thị trường địa ốc của Trung Quốc đang lâm nguy, mà còn cảnh báo thị trường địa ốc của Việt Nam cũng dễ đổ vỡ. FLC hay Tân Hoàng Minh có thể là con bài thí trong trò chơi quyền lực đang diễn ra trong bối cảnh mới… Có người nghi vấn tại sao Quyết còi phải liều “bán chui” gần hết số cổ phiếu đang nắm giữ, trong khi FLC không có dấu hiệu quẫn bách phải thoái vốn. Tuy Quyết còi lắm mưu nhiều kế, nhưng không loại trừ khả năng lần này bị ép phải “chuyển giao” số cổ phiếu của FLC cho kẻ giấu mặt nào đó. Người ta đồn nguồn gốc tài sản của Quyết “đến từ phương Bắc”, nay đến lúc phải trả lại. …Trong những năm qua, các nhóm lợi ích thân hữu đã lợi dụng lỗ hổng thể chế lỗi thời để thao túng thị trường, trục lợi giàu lên nhanh thành “tỷ phú đỏ. Trong năm Tân Sửu, nhiều người lao vào thị trường bất động sản như “trâu húc mả”, nhưng sang năm Nhâm Dần, họ phải cẩn trọng kẻo dễ bị “hổ vồ”. Trong số các quan chức và đại gia nổi tiếng là “thánh nổ” hay chơi ngông, một số bị sa cơ lỡ vận, đang làm mồi cho hổ đói (như Quyết còi và Dũng béo). Tuy chưa rõ họ có chạy tội được không, nhưng đấu tranh quyền lực trên vũ đài chính trị năm Nhâm Dần hứa hẹn nhiều kịch tính”[10].
Thế là, cứ ngỡ tiếng tiếng chim líu lo đang thanh thoát với khoảng trời xanh đang rộng mở dần, đẩy lùi sự ngột ngạt, oi bức đè nặng lên cuộc sống thì đám mây đen của “cơn bão chính trị” đã ập tới với vụ “Việt Á” thê thảm. Kéo theo nó là sự bục vỡ của một thể chế mất lòng dân, hay nói một cách tế nhị và kín đáo như cựu bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin Lê Doãn Hợp chỉ ra “khi có chuyện xảy ra [như đại dịch COVID-19. TL] thì bên cạnh Đảng và nhà nước, chỉ còn rõ nhất Quân đội và Công an”[11]. Nhưng bộ đội và công an đâu phải là rô bốt mà nhất nhất hành động theo theo ngón tay bấm nút. Họ đều là những con người có cái đầu biết suy nghĩ, có đôi mắt với những tầm nhìn khác nhau. Mà đã là người, sự vận động của họ đều phải tuân theo quy luật của cuộc sống. Không ai có thể cưỡng lại quy luật ấy.
“Theo quy luật “cùng tắc biến”, hy vọng một ngày nào đó đại dịch sẽ lui dần và các biến thể không còn nguy hiểm như trước. Nhưng muốn dẹp “giặc nội xâm”, thì phải kiểm soát quyền lực và đổi mới thể chế”[12].
Đó là cả “đại vấn đề”, mà nghiệm ra, trong tất cả những bài “Mênh mông thế sự” tôi đã viết để gió cuốn đi” đến được tay bạn bè đều chỉ thể hiện một mong mỏi thiêt tha là làm sao đổi mới thể chế để kiểm soát được quyền lực đang ngày càng bộc lộ tính cực quyền phản dân chủ.
Càng tâm đắc sự tế nhị và thâm trầm của Chu Hảo khi anh gợi lại “tiếng chim hót trong bụi mận gai”. Tiếng chim líu lo trong bầu trời xanh êm ả quả là có làm quang quẻ bớt được phần nào sự ngột ngạt oi bức của môi trường quá ô nhiễm mà chúng ta đang quẫy cựa trong đó, nhưng không vì thế mà quên đi lời nhắn nhủ của “tiếng chim hót trong bụi mận gai: “tất cả những gì tốt đẹp nhất chỉ có thể có được khi ta chịu trả giá bằng nỗi đau khổ vĩ đại”.
Tôi muốn kết húc bài viết về tiếng chim hót đầu năm bằng dòng cuối cùng của tác phẩm “Tiếng chim hót trong bụi mận gai”: “Con chim mang chiếc gai của bụi rậm cắm vào ngực tuân theo quy luật bất di bất dịch của thiên nhiên, bản thân nó không biết sức mạnh nào buộc nó lao vào mũi nhọn và chết mà vẫn hót.Lúc mũi gai xuyên qua tim nó, nó không nghĩ đến cái chết sắp đến, nó chỉ hót, hót cho đến lúc mất tiếng đứt hơi. Nhưng chúng ta khi lao ngực vào bụi mận gai,chúng ta biết, chúng ta hiểu. Tuy thế ta vẫn lao ngực vào bụi mận gai. Sẽ mãi mãi như thế”.
Ngày 17.1.2022
[1] M.Gorki. “Những ý kiến không hợp thời”.
[2] Tương Lai, “Làm con “hồng hộc” bay giữa trời xanh thật quả là khó”. Tia sáng, ngày 28/1/2008.
[3] Nguyễn Khải, Đi tìm cái tôi đã mất.
[4] Gustave le Bon, Tâm lý học đám đông. NXB Tri thức, trang 90 và tr. 160.
[5] Phạm Văn Đồng, Văn hoá và Đổi mới. NXB Chính trị Quốc gia, tr. 19.
[6] Nguyễn Đức Thành, “Cần nhìn nhận vụ kít xét nghiệmvirus SARS-CoV-2 là lũng đoạn nhà nước”. Viet-Studies, 3/1/2022.
[7] Nguyễn Phú Trọng, “Tổng bí thư: Tham nhũng như ngứa ghẻ”. Vietnamnet, 27/9/2013.
[8] Nguyễn Phú Trọng, “Tổng Bí thư: Tham nhũng vặt như ghẻ ruồi rất khó chịu”. Dân trí, 19/7/2015
[9] Khắc Giang, “Việt Nam: Kỳ họp Quốc hội bất thường và tham nhũng chính sách”. BBC, 12/1/2022.
[10] Nguyễn Quang Dy, “Lý giải các vụ bê bối trước thềm năm Nhâm Dần”. Viet-Studies 18/1/2022
[11] Lê Doãn Hợp, “Vài suy ngẫm của một người ngoại đạo về chống đại dịch”. VietnamNet, 25/10/2021
[12] Nguyễn Quang Dy, “Lý giải các vụ bê bối trước thềm năm Nhâm Dần”. Viet-Studies 18/1/2022