Đêm chạy trốn (kỳ 1)

Tiểu thuyết Thái Sinh

TS

Chân dung nhà văn Thái Sinh

Nhà văn Thái Sinh (Nguyễn Đình Sinh), sinh năm 1954 tại xã Ngọc Tảo, huyện Phúc Thọ – Hà Nội, qua đời chiều 6.11.2022, sau thời gian dài bị bịnh hiểm nghèo.

Anh từng là thầy giáo tại Than Uyên – Hoàng Liên Sơn, biên tập viên tạp chí Văn Nghệ Hoàng Liên Sơn, biên tập viên tạp chí Văn Nghệ Yên Bái rồi phóng viên báo Lào Cai trước khi trở thành phóng viên báo Nông Nghiệp Việt Nam thường trú tại Yên Bái và các tỉnh phía bắc.

Anh là cộng tác viên lâu năm, đã dăng nhiều bút ký, truyện ngắn và thơ trên Văn Việt. Tác phẩm của anh phong phú chất liệu đời sống với cái nhìn châm biếm sâu sắc về bộ máy và những cán bộ đầy thói hư tật xấu của nông thôn miền bắc.

Chúng tôi khởi đăng tiểu thuyết này, với tất cả sự thương tiếc và lòng yêu quý dành cho một người cầm bút trung thực đầy tâm huyết với cuộc sống, không chấp nhận thỏa hiệp với cái ác và sự dối trá – Văn Việt.

1.

Sao cố cưỡng lại cơn buồn ngủ đang ập đến, chị căng đôi mí mắt nặng trĩu nhìn căn phòng hình khối hộp, trên tường nhằng nhịt những hình vẽ quái gở mà bệnh nhân nào đó vừa vẽ lên, người ta quét phủ một lớp vôi nhưng vẫn không xoá hết được dấu vết của nó. Chị có cảm giác đó là thế giới của ma quỉ, chúng đã ùa vào giấc ngủ của chị vừa bí ẩn vừa huyền hoặc. Đã bao nhiêu ngày nay người ta đưa chị vào đây, chị không còn nhớ, cái căn phòng mười tám mét vuông hình khối hộp này giống như cỗ quan tài đang chôn chị cùng với những giấc ngủ triền miên.

Sao không còn có khái niệm về thời gian, bởi trong cái căn phòng này lúc nào cũng mờ mịt một thứ ánh sáng vàng nhợt nhạt, khó phân biệt nổi đâu là ngày, đâu là đêm. Đầu óc chị u u, mê mê cùng với những cảm giác hụt hẫng, bởi người ta đã bơm vào người chị bao nhiêu là mooc-phin? Những lúc tỉnh dậy đầu chị nặng trình trịch, hai bên thái dương nhức buốt như có ai đang dùng búa gõ vào đó, tai chị ù ù khiến cho mọi âm thanh đến với chị đều trở nên méo mó, lúc đó chị hốt hoảng vùng dậy vừa la hét vừa đập phá những hình thù quái gở kia, mỗi lần chị đập phá thì những hình vẽ ấy trông lại càng ma quái hơn, kỳ dị hơn.

Bao giờ cũng thế, sau khi nghe tiếng chị la hét lập tức có hai người đàn ông lực lưỡng từ đâu đó xông vào, họ quật chị xuống, trói ghì chân tay vào hai bên thành giường làm bằng khung sắt, chị oằn oại vừa chửi rủa vừa đấm đạp túi bụi vào hai con người khốn nạn ấy.

– Mụ gào khoẻ gớm! Thít chặt vào. Thế! Thế, để mụ khỏi cựa quậy…

– Bọn khốn kiếp! Buông tôi ra, tôi làm sao mà trói tôi? Hả? Hả?

– Cho mụ ta thêm mấy ống moóc-phin nữa. Mọi thằng điên, chẳng thằng nào nhận mình là điên cả…

– Tôi không điên! – Sao gào tưởng như xé họng – Buông tôi ra…

Bây giờ thì Sao đã mệt lử, người ta vừa tiêm vào người chị thêm mấy ống thuốc ngủ nữa, khiến cho tay chân chị mỏi rã rời, chị cố chống lại cơn buồn ngủ đang ập đến. Ngủ đối với chị là một cực hình, bởi cứ nhắm mắt lại là cái thế giới ma quỉ từ trên tường kia lại ùa đến, chúng chạy nhốn nháo trong giấc mơ của chị, chúng nói cười y như người vậy. Có lẽ nào chị đã lạc vào cái thế giới của chúng?

Cánh cửa đột ngột bật mở, hai người mặc áo bơ-lu dìu một cô gái bước vào, mặt mũi nhem nhuốc, đầu tóc xõa xượi, cô bước liêu xiêu một cách vô định. Cô bé còn trẻ quá, có lẽ ít hơn thằng Núi vài ba tuổi, họ đặt cô nằm xuống chiếc giường ở góc trong cùng, trước lúc nằm xuống cô còn nói u ơ một câu gì đó chẳng ai hiểu nổi.

Một người tiến sát giường chị hai ngón tay khẽ vành mí mắt chị ra, rồi nói với người bên cạnh như ra lệnh:

– Cho bệnh nhân giường số hai này thêm ống thuốc ngủ nữa, như vậy mới đủ đô…

– Thưa, bệnh nhân đang sắp ngủ…

– Bữa nay mụ lên cơn khiếp quá, mụ đập phá lung tung, nhìn bốn bức tường mụ bôi bẩn trông mới gớm ghiếc chứ…

Đôi mí mắt Sao nặng như đôi cánh cửa sắt đóng sập lại khi người y tá rút mũi kim ra khỏi cơ thể chị. Trước đó chỉ vài phút chị đã van nài.

– Này cô bạn bé bỏng ơi, tôi xin em, em đừng bắt tôi ngủ nữa. Tôi chỉ muốn thức thôi. Em có nhìn thấy lũ quỉ kia không? Chúng đứng phía sau em ở trên tường ấy, chúng chỉ chờ tôi ngủ là đến quấy rối rồi bắt tội tôi thôi. Mà tôi có tội gì gì hả em?

– Tội trời đày – Cô y tá sẵng giọng – Đừng có giãy kim gãy bây giờ. Người ta bảo: Ăn được ngủ được là tiên, bà sắp sửa vào cõi tiên rồi, sướng nhé!…

Sao thấy người bồng bềnh như đang lạc vào cái thế giới nào đó, cô đi mà như bay, đôi chân không bén đất, chỉ khẽ lướt lên trên đầu những ngọn cỏ lá xanh mướt như rêu. Sao vô cùng sửng sốt bởi cái thế giới mà cô đang đặt chân trông kỳ lạ quá, chỉ rặt một thứ cây không cành, không lá, trên ngọn mỗi cây đều có một bông hoa cực lớn y như một ngọn tháp, từ mỗi cánh hoa nảy ra một con mắt đỏ cứ nhìn chị chòng chọc. Dáng hình các bông hoa sao giống những quả thông đến thế, chị chợt nhớ những cây thông ở Ta Khao, có lẽ bây giờ cũng đã ra quả rồi.

– Núi ơi! Chị sung sướng reo lên – Núi ơi, con hãy nhìn kia, những cây thông mẹ trồng giờ đã ra quả rồi đấy…

Cái hình người trên tường đầu đội chiếc mũ trên chóp có ngù nom như hoa mào gà, hắn khẽ rùng mình rồi bước xuống đi tới bên Sao vừa chớp chớp con mắt độc nhất nằm ở giữa trán vừa nhìn xói vào mặt chị, hắn cất giọng khàn đục:

– Thưa bà, hẳn người ta đã lầm nên dẫn bà vào đây?

– Ông nói gì thế, thưa ông? Sao lùi lại một bước, nét mặt ngạc nhiên.

– Ta là người giữ sổ ở cái cung đình mả này, rất ngạc nhiên khi thấy bà bước chân vào đây mà chưa được Nam Tào thông báo. Bà hãy nhìn những thành viên ở đây khi trên trần gian họ đều là những tên “đầy tớ” tận tuỵ với ông chủ nên ông chủ ra ân đưa tất cả họ vào đây giữa bốn bức tường đá uy nghiêm như thể bảo với họ rằng: Trên mặt đất mỗi vị đều mở rộng cái vương gia của mình rộng hẹp tuỳ theo quyền lực của mỗi người nắm giữ, còn bây giờ mỗi vị đều có một vuông đất như nhau: Mả! Tất cả đều là mả. Trần gian gọi chốn này là nghĩa địa, đây là nghĩa địa cung đình. Mẹ kiếp, mả tất! Đấy, bà hãy nhìn kia những thành viên của cái cung đình mả này đang phản đối sự có mặt của bà đấy…

Nhìn theo bàn tay của con quỉ một mắt những thân cây không cành lá bỗng chốc trở thành những bộ xương người chao đảo như gặp bão, bông hoa trên đầu trụt xuống để lộ những chiếc đầu lâu miệng ngoác ra lởm chởm những hàm răng trắng nhởn. Tiếng của đám ma người ấy nghe ù ù, eo éo, Sao cố lắng nghe mà không tài nào hiểu nổi.

– Họ nói gì thế, thưa ông?

Con quỉ một mắt cười khịt khịt qua hai lỗ mũi.

– Có kẻ muốn tống cổ bà đi, có kẻ muốn giữ bà lại, bởi lâu lắm hôm nay họ mới thấy một người phụ nữ tươi ngon như bà đến…

Sao rùng mình, chị chưa kịp gỡ bàn tay của con quỉ một mắt vừa đặt lên vai, thì những hình vẽ trên tường rùng rùng chuyển động, chúng bước xuống cùng với những bộ xương người kéo đến bâu quanh chị, chúng là những thằng lùn xấu xí, những thằng thọt, những thằng trọc đầu cao lêu đêu không mồm mũi… toàn những kẻ dị dạng không thành người, nom chúng vừa ghê tởm vừa quái đản. Chúng nhâu nhâu kẻ cầm tay, đứa nắm túi…, từ thân thể chúng bốc ra một thứ mùi hôi hám, chua loét đến nôn mửa.

Sao cố vùng vẫy để thoát khỏi bàn tay của chúng, những bàn tay của lũ quỉ sứ lạnh giá và cứng như những thanh sắt chịt lấy cổ chân, cổ tay ấn vai chị xuống, khiến chị không thể nào ngúc ngoắc nổi. Tên quỉ sứ lùn mũi hếch kiễng thân chân lên, nó thò bàn tay ngắn ngủn luồn qua nách Sao, chị rùng mình và cảm thấy ghê lợm khi chiếc cúc áo con bật ra…

– Mẹ ơi, con chết mất! Sao thét lên kinh hãi.

– Xin bà đừng cựa, con sẽ cởi giúp bà những sợi dây trói này…

Sao nghe văng vẳng đâu đó tiếng người nói, nhưng chị không tài nào mở mắt ra được, chị có cảm giác cổ chân, cổ tay mình được nới lỏng hơn.

– Ai trói bà mà chặt thế này? Ối a là đau… Người ơi… Đời là địa ngục và lũ người chẳng khác gì bọn ma quỉ, chúng luôn luôn cắn xé và tàn sát lẫn nhau. Con nói vậy có phải không, thưa bà?

– Ta vừa dưới địa ngục lên – Sao mở đôi mắt và quờ quạng chỉ tay lên tường – Chúng đấy, những tên quỉ sứ mặt người, chúng đang ở bên ta đấy em gái ạ.

– Người thì có, thưa bà.

Sao đã nhận ra cô gái được người ta dẫn vào trước lúc người y tá tiêm cho Sao thêm ống thuốc ngủ nữa. Cô bé quì dưới đất, vuốt ve đôi bàn tay Sao.

– Bà bị bệnh tâm thần à? Nói láo, ngay cả đến tôi đây người ta cũng cho rằng tôi bị bệnh tâm thần. Đã lần nào bà nghe tới cái tên Bích Ngân chưa? Có hả? Tôi là ca sĩ nổi tiếng của đoàn ca múa Ngọc Sơn, còn người yêu của tôi ư? Bích Ngân thầm thì – Anh ta bỏ con đi rồi, thưa mẹ kính yêu của con. Đó là một con người mà con đã yêu bằng trái tim đau đớn và nỗi niềm cay đắng của mình… Bích Ngân oà khóc, cô úp mặt vào bàn tay Sao khóc nức nở – Hắn là tên khốn nạn, tên khốn nạn… Ây… a …a…

Bích Ngân đứng bật dậy, cô trút bỏ tất cả những gì đang mặc trên người, cô vừa hét vừa nhảy như đang biểu diễn trích đoạn một vở ca kịch nào đó. Chợt tiếng quát từ ngoài vọng vào, Bích Ngân ngẩn người ra trong giây lát rồi len lén mặc quần áo, cô đến bên Sao thì thầm vào tai chị.

– Lê Cư đấy. Người ta bảo hắn là con quỉ đội lốt người. Có bao nhiêu người bị hắn hãm hại giờ trở về báo oán, làm cho hắn bị phát điên, người ta đưa hắn vào đây từ sớm qua – Bích Ngân giơ một ngón tay, gương mặt đầy bí ẩn – Đấy, bà có nghe tiếng kêu khóc của những oan hồn không?

Sao lắc đầu, chị ngước nhìn lên trần nhà.

-Tôi chẳng nghe thấy gì đâu em gái ạ. Nhưng em có có biết tôi vừa mơ một giấc mơ khủng khiếp không?

– Lúc nãy bà bảo, bà vừa dưới địa ngục lên.

– Phải.

– Dưới ấy người ta chắc người ta sống với nhau thân ái hơn cái thế giới khốn nạn này. Con ước ao được tới cái thế giới vĩnh hằng ấy. Chắc ở dưới đó mọi người bình đẳng như nhau, tất cả đều là ma, là ma thì chẳng có đẳng cấp, tước vị gì…

– Cha mẹ ơi – Sao kêu lên thảng thốt – Tôi xin em đừng nói tới chuyện ấy nữa. Tôi vừa dưới địa ngục lên, dưới ấy cũng khốn nạn như trên mặt đất này. Em hãy nhìn kia, chúng nó đấy, chúng đang ở trên tường ngay cạnh tôi đây. Bọn họ ở dưới địa ngục hay trên trần gian em có biết không? Không thể nào hiểu nổi…

Bích Ngân co rúm người lại, cô nép vào Sao, đôi mắt hãi hùng nhìn theo hướng tay Sao chỉ, giọng cô thì thầm.

– Chúng ta phải trốn khỏi đây thôi bà ạ, cái chốn đầy ma quỉ này.

– Trốn hả? Sao hỏi lại.

– Ừ, trốn! Cô gái khẽ gật đầu.

Bằng sức mạnh tiềm ẩn, Bích Ngân bẻ gãy cái chốt cửa và hai người đàn bà công kênh nhau vượt qua cái hàng rào bằng sắt, băng qua một cái sân rộng, lọt ra bên ngoài. Trước lúc ra tới đường, Sao còn quay lại nhìn tấm biển: bệnh viện tâm thần. Chị bóp mạnh tay Bích Ngân hỏi một câu thật ngớ ngẩn.

– Chúng ta là những kẻ tâm thần, những con điên à?

Bích Ngân dừng lại lại, đôi mắt rất đẹp của cô bạc đi vì kinh hãi, cô hét lên dứt ra khỏi tay Sao, chạy trở lại phía mà họ vừa thoát ra.

– Ối là điên…

Sao không dám dừng lại để nhìn cô gái đang múa may quay cuồng dưới ánh đèn trước cổng bệnh viện, chị cắm đầu chạy tưởng như có kẻ nào đó đang đuổi phía sau…

 

2.

Chuyến tàu ngược chạy lúc mười sáu giờ bị chậm mất nửa tiếng, lúc này đã lèn chật người, dẫu vậy Sao vẫn tìm được một chỗ để ngồi. Hơn một ngày chạy trốn giờ Sao có thể yên tâm chẳng ai biết chị là ai, giữa bao người lạ hoắc họ chen lấn xô đẩy, chửi rủa nhau bởi một bao tải đựng hàng hay một lần va quệt…

Sự nhốn nháo lắng dần khi con tàu rùng mình trườn ra khỏi thành phố. Sao không biết mình sẽ đi về đâu, mục đích của chị lúc này là đi khỏi đây càng nhanh càng tốt, biết đâu trong cái đám người kia có kẻ nào đó biết chị, họ sẽ lôi chị trả lại cái bệnh viện tâm thần.

Đã cuối thu, những hàng cây bên đường lá vàng rực đang đổ xuống mặt đất những trận mưa lá, thành phố nhuốm một màu tím lịm, đây đó những ngọn đèn cao áp đã bật sáng. Ngồi đối diện với chị là đôi trai gái, họ đang cắn hạt dẻ, hướng mặt về phía cửa sổ. Có lẽ lần đầu tiên cô gái phải đi xa, nên gương mặt cô như đang phấp phỏng chờ đợi một điều gì đó.

Lòng Sao buồn rười rượi, chị nhớ tới thằng Núi, nó vĩnh viễn không bao giờ trở về với chị. Từ mấy tháng nay, sau khi được tin thằng Núi mất, chị sụp xuống như có kẻ nào đó vừa giáng vào đầu chị một nhát búa. Chị buồn bã, ngơ ngẩn, thế là trên đời này chị chẳng còn ai là ruột rà thân thích. Chiến tranh đã ngoác cái miệng cá sấu rộng hoác nuốt tất cả những người trong gia đình chị. Mái tóc chị đã bạc trắng, lũ trẻ con trong làng giương cắp mắt kinh ngạc nhìn chị, chúng đang gọi chị là cô nay chuyển sang gọi chị là bà: Bà Sao!

Giá thằng Núi còn sống và lấy vợ trước lúc nó nhập ngũ thì có lẽ bây giờ vợ nó cũng đã có con. Cuộc đời sao mà cay nghiệt đến thế, đứa con gái bất hạnh ấy nếu cho chị một đứa cháu thì suốt đời chị không sống trong sự goá bụa, đơn côi.

Đêm đêm Sao trở dậy đi tha thẩn trong làng cho nguôi ngoai nỗi nhớ con, có lúc chị đứng lại nói với cái bóng của mình. Chỉ có đất trời, cây cỏ mới nghe và hiểu được lời chị nói, lũ chó cắn ran lên làm cả làng náo loạn.

Mấy tuần, mấy tháng cái làng Hạ của Sao ầm ĩ bởi tiếng chó sủa. Nhiều người không ngủ được họ chửi đổng:

– Mụ ta bị điên rồi, sao người ta không đưa mụ ấy đi bệnh viện?

– Rồi cái làng này cũng sẽ điên lên hết bởi mất ngủ.

– A Di Đà Phật… Tai hoạ sắp giáng xuống đầu chúng ta rồi…

Hơn nửa tháng sau, ban thương binh và huyện đội cử người xuống thăm Sao, đi cùng họ là một bác sĩ. Lão ta mặt choắt nhưng mang cặp kính khá to nên trông lão vừa kệch cỡm vừa ngồ ngộ. Lão nhìn xoáy vào mắt Sao, cái nhìn xoi mói ấy khiến Sao căm ghét. Lão hỏi:

– Người ta bảo đêm nào bà cũng dậy đi khắp làng và ra ngoài đồng, bà có nhìn thấy ma không?

– Có, đêm nào tôi cũng nói chuyện với họ…

– Họ là những ai thế? – Lão cười, hỏi lại như thể nhạo báng.

– Tôi không biết tên, nhưng ai cũng vui tính – Chị mỉm cười, nhìn lão căm ghét – Cái xã hội ma ấy họ sống thân ái với nhau lắm, chẳng ai làm hại ai đâu, thưa ông…

Sao cười và mọi người cũng cười, miệng Sao nhệch ra làm cho gương mặt chị trở nên héo hắt.

– Chúng tôi muốn chữa bệnh cho bà…

– Nhưng tôi có ốm đau gì đâu? – Sao ngơ ngác hỏi lại.

– Bà bị suy nhược thần kinh. Đảng và nhà nước rất quan tâm tới các gia đình thương binh liệt sĩ, dẫu bà không muốn thì chúng tôi vẫn cứ đưa bà đi, đó là trách nhiệm của chúng tôi…

…Và họ đưa Sao tới cái bệnh viện tâm thần.

Khủng khiếp quá, bây giờ thì chị chẳng dám nghĩ tới những gì đã đến với chị trong những ngày tháng qua. Suốt ngày trốn chạy, nỗi mệt nhọc bây giờ mới ngấm vào Sao, chị tựa đầu vào thành ghế thiếp ngủ đi mặc cho con tàu lắc lư trườn vào bóng đêm.

Cô gái ngồi đối diện với Sao reo lên khe khẽ.

– Ô kìa đẹp quá, thành phố và những ngôi sao trên mặt đất- Người con gái hướng mặt ra phía ngoài thầm thì – Xin chào nhé thành phố thân yêu- cô khe khẽ hát: “ Rừng chiều nghe lao xao…”

Đôi mắt Sao bừng mở, chị nhìn gương mặt người con gái hiện lờ mờ trong ánh sáng của những vì sao đang hắt xuống, thầm nghĩ: “Chắc họ là những học sinh vừa tốt nghiệp đi nhận công tác ở miền núi”.

Từ rất sâu trong ký ức chị hiện lên quãng đời hơn hai mươi năm về trước, ngày ấy có lẽ Sao ít tuổi hơn đôi bạn trẻ này

***

…Đó là dạo tháng hai, lần đầu tiên chị chứng kiến cái nghiệt ngã của mùa khô ở Ta Khao. Ban ngày trời nắng ong ong, gió Lào thổi suốt mùa khô, đất đai cây cỏ khô xác trắng phớ ra vì nắng gió, không khí mất hết hơi nước trở nên khét lẹt. Còn ban đêm rét thấu tận xương, sương muối, mây mù phủ trắng trời trắng đất. Một ngày có đủ thời tiết của bốn mùa. Sớm dậy đầu người nào cũng nặng trình trịch, tưng tức ở hai bên thái dương và các lỗ tai, người thì ngây ngấy như sốt.

Hồi ấy chị còn là cô bé Sao mười tám tuổi, đã kêu toáng lên khi giật mình tỉnh dậy thấy lửa đốt rừng sáng rực trên các dãy núi Ta Khao, làm tất cả mọi người từ mấy dãy lán của lâm trường vùng dậy, họ nhớn nhác trước luỹ lửa đang ngùn ngụt bốc cao trên các sườn núi.

– Trời ơi, lửa! Lửa đốt rừng sắp lan tới đây rồi, chạy đi thôi…

Có người quẳng vội ba lô quần áo ra ngoài lán.

– Hãy bình tĩnh, lửa chưa cháy tới đây đâu mà lo…

Đêm ấy Sao không ngủ nổi, cứ thao thức mãi cho tới sáng. Cô đi đi lại lại nhìn vòng cung lửa mỗi lúc một rộng ra trên dãy núi và tự hỏi: “Ai đốt rừng thế kia, bao giờ lửa mới tắt nhỉ?”.

Sớm dậy, tro than bay đầy trời. Lúc ra suối cô hỏi Hưng – người đến trước cô hai mùa khô:

– Đêm qua ai đốt rừng thế hả anh?

– Những người dân ở bên kia núi Ta Khao, rất có thể do lửa đốt nương lan ra, hoặc người ta đốt rừng để đi săn…

– Ôi, lửa cháy dữ quá! Cháy suốt đêm, đến bây giờ đã tắt đâu.

Hưng lắc đầu cúi xuống, anh bụm hai bàn tay hứng dòng nước sáng như bạc rót ra từ trong lòng núi, nước bắn tung toé lên người, lên mặt anh.

– Phải hai tháng nữa mới không thấy lửa cháy trên núi kia – Hưng thở dài – Nếu gọi đất này là đất cháy thì đúng hơn…

 

3.

– Ai xôi nóng đơi…ơ…ơi…

– Chè tươi nóng giòn đây…

– Bánh chưng, bánh dẻo, bánh giò đây. Ba trăm một chiếc… Ai gọi đó? Vâng, có đây thưa bà. Chúng con phục vụ tận tâm nhất đấy bà ạ…

Con tàu khập khừng rồi từ từ dừng lại, người trong toa nhốn nháo hẳn lên, đám buôn cá khô, chăn bông… từ mọi chỗ trong toa bật cả dậy:

– Buông cửa xuống, đây là ga rau, chúng tống rau lên cả mặt bây giờ….

– Nước đơi, chè tươi nóng giòn đơ…ơi…

– Ai xôi nóng đây…

Trong toa tàu, dưới sân ga náo loạn với đủ thứ âm thanh, mọi thứ ngôn ngữ nghe nhức óc.

-Em ăn bánh giò nhé – Người con trai quay sang phía cô gái cô gái – Bánh giò ở ga này ngon nổi tiếng đấy em ạ.

– Em không đói, giá lúc này được một cốc nước dừa nhỉ.

– Hay em dùng nước cam. Nhưng thôi, để anh xuống ga xem có quán nào bán dừa không.

– Thôi anh ạ, tàu sắp chạy rồi.

Một bóng người cao lớn từ phía trong nhoai người ra, đột ngột rập cửa sổ xuống. Cô gái đang gác khuỷu tay lên thành toa kịp rụt lại.

– Muốn chúng nó ném cứt lên mặt hả? Cái bóng người cao lớn gầm ghè.

– Ông muốn buông cửa sổ xuống ông phải bảo người ta chứ? Người thanh niên cự lại.

– Mù à, mày không thấy chúng nó đang vứt rau lên mặt hay sao?

– Nhưng đây là tàu nhà nước, chẳng thằng đếch nào cấm được họ.

-Tao cấm! Mẹ kiếp, mày muốn gì hả?

Cô gái vội kéo áo người bạn trai của mình lại, giọng cô gần như van nài.

– Thôi, thôi em xin các anh, làm gì mà các anh phải ầm ĩ lên thế.

– Này cô em thân mến, cô hãy dạy cho thằng đực của cô sống phải biết điều, bớt cái hung hăng đi kẻo bọn này vặn cho gãy cổ đấy.

– Ha… ha…Hô…hô… Sáu Trọc ơi, lại đây. Khá lắm!

Người con trai hậm hực ngồi xuống, bóng Sáu Trọc như bơi trong cái đám người hỗn độn nhập nhoà khói thuốc. Các cánh cửa sổ lần lượt buông xuống, ánh đèn của cây đèn bão chỉ đủ toả một vầng sáng đục giữa toa, lúc này toa tàu càng trở nên ngột ngạt hơn, mùi người, mùi cá khô, mùi rau úa… quyện vào nhau không khí tưởng như đặc quánh lại. Những người dưới sân ga dùng đòn gánh nện côm cốp vào các cửa sổ, họ la hét ầm ĩ: “Mở ra! Mở ra…”.

Bố con người hát rong từ đầu toa đi lại, tiếng người chợt ắng đi. Hai bóng người còm cõi hiện lên trong ánh sáng đỏ đục của ngọn đèn.

– Thưa các quí ông, quí bà. Chúng con là những kẻ đui mù tàn tật. Hôm nay chúng con mang đến tặng các quí ông quí bà lời ca tiếng hát, để quí ông quí bà đỡ sốt ruột trên chuyến tàu dằng dặc đêm nay.

Tiếng nhị ư ử cất lên cất lên cùng với đôi giọng hát một già một trẻ với cung bậc khác nhau nghe vừa ngộ nghĩnh vừa xót xa: “Một đôi lời, một đôi lời nhắn bạn tình ơi. Thề non nước giao ước kết đôi, trăm năm tạc dạ. Dù xa cách song tình thương chớ phụ thì thôi…”.

– Bố già ơi, chuyến tàu nào tôi cũng chỉ nghe bố ca quanh quẩn mấy bài cổ lỗ sĩ ấy. Cho một bài mới đi, tân cổ giao duyên đi…

Ngập ngừng một lát, ông bố cúi xuống nói gì với đứa con gái đang đong đưa cây đèn sắt trên tay, ông ngẩng gương mặt ngây thộn nhìn ra xung quanh.

– Vâng, theo yêu cầu của các quí ông, quí bà cha con tôi xin phục vụ những bài hát mới.

Tiếng nhị lại rền rĩ cất lên, đứa con gái khép hai tà áo lại cổ vươn ra phía trước, nó cố lấy hết hơi để hát: “Con tàu Việt Nam đi suốt bốn mùa xuân, qua đèo Hải Vân mây bay đỉnh núi…”.

– Bố tướng chưa, Thanh Hoa cứ phải lạy sát đất…

Chiếc nón rách chìa về phía những gương mặt lờ mờ, nhiều tiếng thở dài.

– Thưa quí ông, quí bà thương cho những kẻ tàn tật này…

– Toàn tiền chẵn thôi, chẳng có tiền lẻ đâu. À, đây rồi, tìm thấy hai đồng tiền lẻ. Tiền cũ đấy, quí lắm!

– Ha…ha… Có lẽ vài ba trăm năm sau những đồng tiền hôm nay lại được bán đấu giá cho các viện bảo tàng và những người chơi tiền cổ, lúc đó tha hồ đắt. Các nhà sưu tầm tiền cổ sẽ phải mất bao nhiêu thời gian để nghiên cứu những đồng tiền của cái thời loạn tiền, loạn giá này nhỉ? Thời, giá của đồng tiền liên tục mất giá, thời con người sống trong vinh quang mà đói khổ. Ngày xưa ba hào một bát phở không người lái, năm hào một bát phở có người lái. Vậy mà bây giờ là một ngàn, hai ngàn… Loạn thật! Loạn thật!

Chiếc nón rách chìa về phía Sao, chị giật mình. Lúc này Sao mới nhớ ra khi trốn khỏi bệnh viện chị chẳng đem theo một thứ gì, vậy mà không biết bằng cách nào đó chị lọt được vào ga, len được tới đây. Sao cúi xuống như thể tránh cái nhìn của đứa bé, giọng chị thầm thì.

– Hãy tha lỗi cho cô, cháu ơi…

Chiếc nón lại run rẩy chuyển sang phía đôi trai gái. Người con trai dựa đầu lên đôi vai người con gái tựa như đang ngủ. Cô gái mở chiếc ví mà cô đang đeo ở cổ tay rút ra mấy tờ giấy bạc đặt vào nón đứa trẻ.

– Chị chẳng có nhiều đâu em ạ.

– Cảm ơn quí bà.

Người con trai bừng tỉnh dậy, giọng anh ta hơi sẵng.

– Em vừa cho tiền cha con nhà lão hát rong?

– Vâng, còn mấy đồng tiền lẻ mà anh…

Ngật đầu ra sau ghế, người con trai ngáp dài.

– Chúng ta không quá dư tiền đâu em nhá.

Con tàu huýt một hồi còi dài làm cha con nhà lão hát rong cuống quýt.

– Tàu sắp chạy rồi, nhanh lên, xuống tàu đi con…

Bàn tay đứa bé khua vội trong lòng chiếc nón rách, bất ngờ chạm phải một bàn tay to bè nào đó cũng vừa thò vào.

– Thưa ông….

– Đồ nhãi, ông thì tát cho vỡ mặt cái thói ăn cắp bây giờ.

– Bố ơi!…

– Nhanh lên con, tàu sắp chạy rồi …

Hai bố con lão hát rong dắt díu nhau khuất chìm vào cái đám người đang nhốn nháo. Con tàu rùng mình một cái thật mạnh rồi từ từ chuyển bánh.

Các cánh cửa sổ của con tàu lại bắt đầu kéo lên, Sao nhìn xuống sân ga, những ngọn đèn dầu xanh lét như những con đom đóm đực di chuyển loạn xạ trên sân ga. Sao không thể nhận ra trong vô vàn những ngọn đèn kia ngọn đèn nào của cha con người hát rong. Cũng giống như Sao, cô gái thờ thẫn nhìn về phía sân ga, gió thổi ào ào qua mái tóc họ. Cô gái chợt quay lại hỏi.

– Bao giờ lại có chuyến tàu xuôi qua đây hở anh?

– Mười hai giờ, hình như thế – Người con trai đáp, hơi cáu kỉnh.

Sao thở dài, đêm nay ở dưới cái sân ga kia có ai để ý tới hai bố con nhà lão hát rong đang ngủ gà ngủ gật trong một xó xỉnh nào đó để chờ chuyến tàu mười hai giờ đêm nay?

Tiếng nói chuyện dần dần lắng xuống, ngọn đèn bão treo trên nóc toa tàu cứ lắc lư, lắc lư quét một vầng sáng đục qua những gương mặt nhợt nhạt vì mỏi mệt. Cô gái trùm chiếc khăn lên đầu hướng mặt về phía Sao hỏi khẽ.

– Cô có lạnh không? Cháu buông cửa sổ xuống nhé.

– Cũng hơi lạnh – Sao đáp – Nhưng chả sao, cứ để như thế cho thoáng cháu ạ.

Hai người cùng hướng mặt ra phía ngoài, những bóng cây loang loáng chạy vùn vụt ngược lại phía sau, xa tít ngoài kia con sông hiện mờ mịt trong màn sương trắng đục, ngọn đèn của những người đánh cá đêm lặng lờ trôi trên mặt nước. Cơn buồn ngủ loãng dần và bây giờ thì Sao không tài nào ngủ được, chị căng mắt nhìn ra ngoài, mọi vật đều đen đúa và huyền ảo. Chị không tài nào mường tượng nổi cái gì sẽ đến với chị ở phía đầu đường kia, ngày mai chị sẽ đi đâu về đâu? Nỗi hoảng sợ và ý thức chạy trốn dồn đẩy chị lên chuyến tàu này mà chị không cần biết chuyến tàu sẽ chạy tới đâu.

(Còn tiếp…)

Comments are closed.