Tư liệu: Cuộc Thảo luận về truyện ngắn Nguyễn Minh Châu đăng trên báo Văn nghệ tháng 7 năm 1985 (2)

THẢO LUẬN VỀ TRUYỆN NGẮN NGUYỄN MINH CHÂU NHỮNG NĂM GẦN ĐÂY TẠI BÁO TUẦN BÁO VĂN NGHỆ, THÁNG 6/ 1985

ĐÀO VŨ  -… Tuần báo Văn nghệ hay riêng chúng tôi, chúng tôi cho rằng những năm vừa qua, tiểu thuyết và cả truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu có nhiều thành tựu, có nhiều đóng góp rất đáng quí. Chúng tôi tin ở tấm lòng của anh, cũng như ở tài năng của anh. Nhưng cũng phải nói thật lòng, bên cạnh niềm vui và cả niềm tự hào nữa về người bạn viết của mình, chúng tôi có không ít những băn khoăn về một số truyện ngắn của anh những năm gần đây.

Khi lướt một vòng nhận mặt lại những nhân vật truyện ngắn ấy thấy dường như có những con người lạ lẫm quá. Đọc xong truyện này truyện kia cứ phải loay hoay tìm mãi xem vấn đề anh đặt ra là gì vậy, mối quan hệ giữa cuộc sống sôi động những lao động và chiến đấu với cuộc sống được tái tạo trên trang viết của anh thế nào đây? Ngòi bút anh trăn trở, tìm kiếm, tìm ra sao và tìm tới đâu? Còn người đọc, có phải lại đang đi tìm gặp Nguyễn Minh Châu hôm qua? Có lúc thấy dường như tác giả bối rối điều gì đó, nhưng lại có lúc sợ rằng chính mình bối rối…

Bởi vậy, chúng tôi chờ đợi cuộc gặp mặt hôm nay để được nghe các anh chị, nghe anh Nguyễn Minh Châu, nghe cho mình và cho bạn đọc…

BÙI HIỂN – … Trước kia anh hồn hậu, trữ tình, hào hứng ca ngợi, giờ đây anh trầm giọng, nghiêm giọng nữa, nói lời phê phán thì cũng là phê cái mặt trái, cái phía bóng tối, cái khía cạnh vị kỷ, cá nhân chủ nghĩa, để làm nổi bật lên những gì là đẹp, là rực rỡ, là hy sinh cao cả từng được ngòi bút anh làm chói sáng trên những trang truyện cũ. Một số truyện ngắn của anh viết trong thời gian này cũng có những ưu điểm tương tự. Ý nghĩa rõ, thái độ dứt khoát, nội dung ấy lại được phục vụ bằng tình tiết khá đắt và tập trung, những chi tiết độc đáo, sắc sảo.

Tuy nhiên (hoặc tiếc rằng) chúng ta không thể nói như thế về một số truyện khác nữa, trong đó anh đẩy sự tìm tòi khám phá về nội tâm, về tính cách, về hình ảnh cuộc sống và ý nghĩa cuộc đời theo một hướng có vẻ phức tạp hơn, nhưng chưa chắc đã là sâu sắc hơn. Đặc biệt tôi nghĩ đến Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hànhKhách ở quê ra. Phải chăng trong những truyện đó, anh Châu chưa làm chủ được ngòi bút và cả đến sự chiêm nghiệm suy tưởng của mình? Đã từng tiếp xúc ít nhiều với những khuôn mẫu văn học đông tây kim cổ, chúng ta đều có dịp nhận thấy cái phong phú đa dạng của tâm hồn con người, chẳng hạn, không hề có nghĩa là rối rắm. Hoặc nữa, cái ảo và cái thực, hai mặt biện chứng của thực tại, sự kết hợp của nó cũng đầy tính logic tất yếu chứ không hề là một sự tư biện mung lung… Về một phương diện khác, trong văn học cách mạng của ta, theo tôi nghĩ, một trong những truyền thống tốt đẹp mà chúng ta xây đắp được qua mấy chục năm nay và cần phải giữ gìn, chính là bao giờ cũng có chủ đích rõ ràng, có mục tiêu hướng tới. Khi nó phanh phui những mặt phức tạp của đời sống thì chính là nhằm phát hiện ra những qui luật vận động sâu kín nhưng đầy tính năng động, soi sáng thêm nhận thức, hướng con người đến chỗ hiểu biết và tin ở mình và hành động. Phải chăng ở trong một vài truyện nói trên, do sự quá say sưa phân tích mổ xẻ nào đó, cái chủ đích ấy, cái niềm tin ấy phần nào như bị hẫng hụt. Đồng thời, hình tượng quả có kém đi vẻ chân thực sinh động và sức mạnh thuyết phục…

PHAN CỰ ĐỆ – … Truyện ngắn của ta sau bảy lăm có một bước phát triển mới, ngày càng hiện đại hơn, đáp ứng nhu cầu bạn đọc ngày càng cao hơn. Truyện ngắn những năm gần đây của Nguyễn Minh Châu cũng có những ưu điểm ấy. Nó không dừng lại ở trực giác mà đi sâu vào tâm lý, tiềm thức. Nguyễn Minh Châu muốn đóng góp vào sự thức tỉnh con người từ phần sâu kín bên trong của bạn đọc. Một nhận xét khác là gần đây giọng điệu riêng, cách nói riêng của Nguyễn Minh Châu rõ hơn. Tôi cũng nói thêm rằng, anh đã đóng góp để lấp đi một mảng yếu trong văn học viết về chiến tranh, đó là mảng đề tài viết về cuộc sống bình thường hàng ngày, là số phận cá nhân trong cộng đồng… Có người nhấn mạnh đến việc cộng đồng áp đặt lên cá nhân. Ý kiến đó không đúng. Truyện ngắn trong mười năm gần đây có rõ ràng hơn trong chuyện này.

Bây giờ, tôi xin nói đến một vài băn khoăn. Đây là ý kiến của tôi, cũng là ý kiến của một số sinh viên, một số bạn bè. Có thể do ý muốn khái quát hóa, do tính luận đề thôi thúc nên ở một số truyện, bàn tay dẫn dắt của tác giả quá rõ. Tôi cũng đồng ý với ý kiến của anh Huỳnh Như Phương trong một số báo nào đó nói rằng một số nhân vật của Nguyễn Minh Châu được xây dựng có tính chất khiên cưỡng. Tôi cũng nhận xét rằng ở một hai truyện, nhân vật của anh độc đáo nhưng hơi cá biệt.

Viết về cuộc sống bình thường hàng ngày và số phận cá nhân là một vấn đề bình thường và cũng là đặc trưng của văn xuôi. Câu chuyện Khách ở quê ra, tôi cảm thấy cảm hứng của tác giả hơi gán ghép. Có người cho là được viết sau Cái sân gạch thì nhân vật Khúng là hơi cũ.

Tôi không nói riêng về Nguyễn Minh Châu, nhưng gần đây một số truyện chỉ đi ở bên lề, không đi vào trung tâm công cuộc xây dựng. Số truyện viết về trung tâm công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa hơi ít, hoặc giả, có những truyện như vậy nhưng lại không thành công thành ra người ta không nhớ được.

NGUYỄN MINH CHÂU -… Sau chiến tranh tôi đã đi thực tế nhiều lần, gặp nhiều đồng chí chỉ huy và chiến sĩ cũ, chuẩn bị cho một cuốn tiểu thuyết mà bối cảnh là cuộc chiến đấu anh hùng ở thành cổ Quảng Trị năm 1972. Nhưng khi bắt tay vào làm thì song song với những vấn đề chiến tranh chống Mỹ, cái đời sống của ngày hôm nay nó bắt tôi phải quan tâm. Chắc các đồng chí cũng thấy những biểu hiện của lối sống, đạo đức, và thậm chí là cả quan niệm sống của những con người xung quanh ta – nhất là thanh niên – khiến chúng ta không thể không quan tâm và lo lắng. Tôi nghiệm thấy mỗi lần đất nước chuyển từ chiến tranh sang hòa bình, chúng ta lại phải đặt ra vấn đề chống chủ nghĩa cá nhân, nhưng so với lần hòa bình năm 1954 thì cái lần hòa bình sau 1975 này, cái diện mạo của chủ nghĩa cá nhân nó to lớn hơn. Tôi nghĩ rằng chúng ta đang sống trong một thời kỳ mà con người Việt Nam chưa bao giờ đạt đến tầm vóc lớn lao như vậy – nhưng bên cạnh đó, cũng thấy những gì nằm trong tính cách và tâm lý con người hiện nay đã tạo nên cái mà chúng ta thường gọi chung là tiêu cực xã hội. Lắm lúc tôi đã tự nhủ: có lẽ là do đời sống khó khăn, nay mai đời sống được nâng lên, những tâm lý và tính cách xa lạ kia sẽ tự nó biến mất. Nhưng điều đó không làm tôi yên tâm và tôi còn lo rằng: cái mà ta thấy ngoài đường hay ở nơi công cộng, nó sẽ vào từng nhà, và lâu ngày, liệu nó có trở thành cốt cách của con người Việt Nam chúng ta hay không?

Thế là tôi quyết định xông vào cái mặt trận đạo đức này. Có lẽ, cái đầu tiên mà tôi viết với cái ý định này là một bài báo trên báo Nhân dân dưới hình thức truyện ngắn với nhan đề Người Việt Nam mình, sau đó, lại một bài nữa cũng trên báo Nhân dân số tết, bài tùy bút Nghĩ lúc giao thừa, cũng với những ý định trên.

Những bài báo và truyện ngắn của tôi đều dựa trên một nhận xét đầy lạc quan: quan sát những người ở xung quanh mình, tôi thấy người tốt vẫn là đa số, vẫn chiếm đa số. Nhưng hình như họ luôn luôn có một cuộc đấu tranh bản thân giữa thiện và ác, lý trí và dục vọng, cái riêng và cái chung ở bên trong từng con người.

Người ta vẫn tốt nhưng cái tính hồn nhiên ở trong những con người tốt dường như ít hơn xưa: Người ta cứ phải luôn luôn giữ gìn mình để khỏi lỡ làm một điều gì xấu. Khi tìm ra điều này, tôi đã tìm ra địa bàn cho tiếng nói truyện ngắn của mình: tôi muốn dùng ngòi bút tham gia trợ lực vào cuộc giao tranh giữa cái tốt và cái xấu bên trong mỗi người, một cuộc giao tranh không có gì ồn ào nhưng xảy ra từng giờ từng ngày và khắp mọi lĩnh vực đời sống. Tôi nghĩ rằng nhà văn phải là người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng của Đảng nhất là trong giai đoạn quá độ xã hội chủ nghĩa đầy thử thách với từng con người này. Nhưng cái lĩnh vực mặt trận của nhà văn cũng có khác với lĩnh vực các nhà báo và các nhà thông tấn. Văn học nghệ thuật sở dĩ có sức mạnh của nó vì nó có khả năng diễn tả sự vật ở trong các dạng quá trình sinh thành. Một vụ việc chỉ là một vụ việc. Nhưng nếu ta mô tả con người tham gia vào những vụ việc ấy với tất cả chiều sâu của tiến trình diễn biến tâm lý và tính cách thật là chân thực và khách quan thì khiến người đọc không thể thờ ơ được. Mỗi truyện ngắn tôi nêu ra một trường hợp cụ thể và xen vào mạch kể chuyện, tôi bàn bạc về quan niệm sống hoặc báo động một điều gì.

Trong Đứa ăn cắp qua một trường hợp cá biệt, tôi muốn người đọc lưu ý: con người ta có thể trở nên độc ác một cách hồn nhiên ngoài ý muốn. Trong Dấu vết nghề nghiệp tôi muốn đề nghị một cách nhìn con người sao cho thỏa đáng, mang tính xây dựng. Tôi cũng thích viết những truyện ca ngợi những vẻ đẹp của con người như xưa nay tôi vẫn viết (Mùa hè năm ấy, Bên đường chiến tranh) và tôi đem cả những con người anh hùng mà tôi quen biết ra để trả lời những vấn đề đạo đức, cách sống bây giờ (Hạng, Bức tranh, Cơn giông…) Trong truyện ngắn Hạng tôi đã đưa nhân vật chính ủy Kinh trong Dấu chân người lính xuất hiện trở lại với tất cả phong độ chính ủy cũ, để làm chỗ tựa tinh thần cho Hạng giờ đây đã trở nên một con người thực dụng.

TÔ HOÀI – Đọc Nguyễn Minh Châu, người ta thấy cuộc đời và trang sách liền nhau. Chặng đường đời hôm nay cũng như từng đoạn sáng tạo trên trang giấy của người viết tài năng. Những cái tưởng như bình thường lặt vặt trong cuộc sống hàng ngày, dưới con mắt và ngòi bút Nguyễn Minh Châu đều trở thành những gợi ý đáng suy nghĩ và có tầm triết lý.

Tinh thần hăng hái đến hồn nhiên của lứa tuổi thanh niên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (Mùa hè năm ấy). Hơn ba mươi năm đánh giặc của cả dân tộc, của mỗi đời người, ai cũng có kỷ niệm trong sự xáo trộn long trời lở đất ấy (Bên đường chiến tranh). Những câu nói truyền miệng nghìn đời vẫn mang ý nghĩa trước mắt: “Con hư tại mẹ cháu hư tại bà” (Hạng), “Cha mẹ nuôi con bằng trời bằng bể, con nuôi cha mẹ con kể từng ngày” (Mẹ con chị Hằng).

Thói quen tốt xấu mỗi lúc được đấu tranh và biến đổi: thế nào là sống thật (Sắm vai). Xa thì quí, gần thì rẻ (Đứa ăn cắp). Và lối sống gia trưởng trong cuộc sống mới sẽ đưa nếp nhà tới đâu (Giao thừa). Truyện vừa Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành kết thúc tập truyện đã tập trung phát huy những mặt mạnh của Nguyễn Minh Châu và bộc lộ những vấn đề nên bàn ở Nguyễn Minh Châu. Không phải chỉ là đôi chỗ lặp lại nho nhỏ: tính nết “đàn bà” của nhân vật Quỳ trong truyện vừa nãy cũng giống cái tật của các chị trong truyện ngắn Đứa ăn cắp.

Lặp lại về hình thức cũng không phải là kém giá trị khi vấn đề được đào sâu, được phát hiện ở những khía cạnh mới, cùng một sự việc ấy nhân vật kiểu ấy.

Tôi muốn đề cập một vấn đề lớn hơn, Nguyễn Minh Châu có sức quyến rũ người đọc tham dự và yêu cuộc sống. Cuộc sống ý vị sâu sắc, đắng cay khó nhọc thiết tha với cái đương nảy nở xung quanh hơn.

Tác giả đã công phu và chủ tâm xây dựng nhân vật Quỳ trong Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành thật tự nhiên rất đời, một con người và một vấn đề tư tưởng đương có trong cuộc đời hôm nay, điển hình và phổ biến. Người có tốt có xấu, nhưng căn bản là tốt, mẫu mực, có bản lĩnh, một con người mới. Nhưng nhân vật Quỳ còn có thể thật là thật, đáng yêu hơn, khiến nhiều người soi vào đấy cũng thấy được một chút gì như Quỳ, nếu Nguyễn Minh Châu tước đi được ở Quỳ những nét ồn ào, gò ép, kiểu cách – kể cả cái bệnh mát một tí (vừa dở hơi vừa sáng suốt) mà tác giả đã gọi bằng cái tên sang trọng là bệnh mộng du, cũng nên bỏ. Hoặc nên đi sâu, mổ xẻ nó ra, xem thật là cái bệnh gì. Đừng dung dưỡng cái đáng yêu đèm đẹp, buồn buồn vậy.

XUÂN THIỀU – Dường như Nguyễn Minh Châu có thiên hướng tìm cái đẹp trong đời sống bình thường, trong những con người bình thường ngay từ lúc cầm bút viết văn. Anh không say mê viết về những con người anh hùng và sự kiện vĩ đại cao đẹp. Có lẽ chỉ có một lần năm 1965 Nguyễn Minh Châu đã viết về anh hùng Trần Dưỡng (…)

NGUYỄN MINH CHÂU – Không phải tôi không thích viết về những người anh hùng và các sự kiện vĩ đại cao đẹp. Hãy đọc tên các cuốn tiểu thuyết viết về kháng chiến của tôi với các nhân vật trong đó như Lữ, Khuê, chính ủy Kinh, Hiền…

XUÂN THIỀU (…) Là một nhà văn, Nguyễn Minh Châu muốn nói lên tiếng nói riêng của mình, một tiếng nói có sức thuyết phục. Thiện chí của anh thật rõ ràng. Có những người khen Nguyễn Minh Châu hết lời. Nhưng dường như những lời khen ấy xuất phát từ niềm mơ ước khát khao chính đáng tìm đến một lối nói mới. Lại có người chê anh, thậm chí nghi ngờ anh, nhưng dường như lời chê trách ấy phản ánh cái tâm trạng hãy vừa lòng chấp nhận cái ngày xưa anh đã đạt được. Có thể nghĩ rằng lời khen chê ấy vẫn chưa thỏa đáng. Riêng tôi quả thật tôi có băn khoăn. Đọc xong truyện ngắn gần đây của anh, tôi tự lý giải mãi mà vẫn không sao nắm bắt được cái điều anh muốn nói. Truyện Khách ở quê ra chẳng hạn. Thôi khỏi kể lại sự tài hoa của anh nữa, mà tôi muốn nói đến cốt lõi của truyện, cái ta thường gọi là vấn đề hoặc chủ đề tư tưởng. Phải chăng vì tôi chậm hiểu hay vì tiếng nói của anh vẫn còn ngập ngừng, rụt rè? Anh muốn nói tới cái mới nhưng dường như cái mới chưa đủ chín để vàng hươm lên, thơm nức lên trang sách. Cái ngập ngừng rụt rè khiến anh tự làm mất đi một số ưu thế vốn có của anh hồi trước, đặc biệt là tính chân thực của truyện. Những nhân vật anh đưa ra có vẻ không thật, nó là sản phẩm của một ý định truyền đạt cái vừa khám phá. Chị Quỳ trong truyện Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành là một nhân vật không có thật trong đời. Lão Khúng trong Khách ở quê ra cũng khiến ta hoài nghi. Anh quá quan tâm đến cái mình muốn khám phá mà lãng quên những yếu tố quan trọng như tính xã hội, tính thời đại, tính logic… của thiên truyện. Đọc truyện của anh, ta bị hấp dẫn bởi những chi tiết độc đáo, những đoạn miêu tả cuộc sống bình thường thật sắc sảo, nhưng toàn cục câu chuyện lại thiếu một cái gì đó để người ta đủ tin. Truyện của anh mang màu vẻ ước lệ ấy. Cái vẻ ước lệ thể hiện trong tính cách khác thường của một số nhân vật. Nó còn thể hiện ở vài hoàn cảnh khác thường chi tiết khác thường nữa. Có cảm giác như Nguyễn Minh Châu đã sao nhãng những cái cách viết chân thực dung dị trước kia để tìm tòi một loại truyện luận đề. Nhưng luận đề trong truyện của anh hãy còn bị dàn trải. Anh ham nói nhiều điều mà chưa tập trung vào điều chủ yếu. Bởi thế rất khó nắm bắt chủ đề tư tưởng của thiên truyện.

Dường như Nguyễn Minh Châu muốn phô diễn cho người đọc biết rằng cuộc sống đâu phải phẳng lì, đơn điệu, nó phức tạp, xù xì gai góc. Khuôn mặt của cuộc sống đích thực là như thế. Anh không phát biểu tư tưởng hay ít ra anh muốn giấu điều đó. Anh chỉ trình bày cho mọi người biết cái hiện thực.

Thực ra thì anh cũng không thể giấu mình được. Đằng sau trang sách người ta dễ nhận ra anh đang có điều gì bối rối trước hiện thực xã hội diễn biến phức tạp, anh khao khát muốn nói nhiều điều tâm huyết nhưng do bối rối nên tiếng nói hãy còn ngập ngừng rụt rè. Nhà văn với tư cách là nhà hoạt động xã hội lẽ nào lại không có chính kiến của mình trước hiện thực xã hội? Dù anh nói những điều chưa rõ ràng hoặc muốn tránh không nói những điều rõ ràng thì anh vẫn còn nợ người đọc. Người đọc vẫn ước ao được nghe một lời tâm sự của anh, một lời nhắn nhủ khuyên bảo đúng đắn mới mẻ của anh để họ thêm vững bước trong cuộc sống.

LÊ LỰU -… Từ xưa đến nay tôi vẫn thấy một Nguyễn Minh Châu. Trước đây có một Nguyễn Minh Châu tài hoa, tinh tế, làm sáng lên các chi tiết bình thường hàng ngày. Vẫn cái tài hoa ấy, hôm nay nó không bột phát tự nhiên nữa mà sâu xa hơn. Tôi có điều chưa hoàn toàn đồng ý với anh Xuân Thiều.

Những năm gần đây, Nguyễn Minh Châu vẫn bám sát cuộc sống sôi động và phát hiện nó bằng một cách khác. Tôi thấy Nguyễn Minh Châu có hai cái đáng kể: anh là một trong những nhà văn duy trì sự tìm tòi, góp phần làm cho văn học không nhạt, giúp cho văn học có cái để bàn. Điều thứ hai là anh nhìn đâu cũng ra truyện ngắn.

Đến gần đây, sự thể nghiệm của Nguyễn Minh Châu đã thành công. Trước đây nếu truyện Giao thừa của anh còn ương thì nay truyện của anh đã chín.

PHẠM TIẾN DUẬT – Không biết như vậy, Lê Lựu có khen quá lên không? Về những tìm tòi của Nguyễn Minh Châu, Lê Lựu khẳng định có sớm quá không?

PHONG LÊ – Hình như có dấu hiệu của một cái hay bây giờ là sự không hời hợt, bắt người ta phải suy nghĩ. Truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu không dễ hiểu. Tôi cũng có lúc tâm trạng giống anh Xuân Thiều: Có lúc nghi ngờ cả sự hiểu của chính mình. Đọc Khách ở quê ra tôi khó khăn tự hỏi rồi phải liệt kê ra một loạt cái ý tưởng tượng của truyện: vấn đề nông thôn và thành thị, vấn đề con người và huyết thống, vấn đề làng quê và hình thành làng quê mới,.. nhưng rốt cuộc vẫn không biết đâu là vấn đề của truyện.

Đúng là Nguyễn Minh Châu là người có giọng điệu riêng, mà nói đúng hơn, anh là người đa giọng điệu. Cái đa giọng điệu, cái đa thanh của cuộc đời đã vào anh. Tất cả các cung bậc có trong đời, cái cao thượng, cái ty tiện, cả cái bi lẫn cái hài, anh đều đưa vào truyện. Anh Châu đang tìm. Trong truyện của anh mọi cái đang vỡ ra, tạo nên những khoảng trống phải nghi ngờ, phải nghĩ. Tại sao nhân vật Khúng này lại lạ thể. Đúng là có những khoảng trống như vậy.

Nguyễn Minh Châu dần dần tạo ra thế giới nghệ thuật của anh: cái quyết định không phải là đề tài. Phải sáng tạo thông qua việc khám phá bằng chính cuộc đời. Anh Châu lại được sự ủng hộ của thời điểm. Trong thời kỳ chống Mỹ, ta đi tìm sự nhất trí. Gặp nhau, có thể lẫn vào nhau. Sau 1975, bên cạnh việc đi tìm cái nhất trí. ta còn đi tìm sự đa dạng. Trên chặng đường đi tìm, Nguyễn Minh Châu đào sâu vào tầng tâm, tham gia vào cuộc đấu tranh giữa cái xấu và cái tốt. Trong cái mấp mé hàng ngày giữa cái xấu và cái tốt, truyện ngắn Nguyễn Minh Châu giúp níu chúng ta lại.

NGUYỄN KIÊN – Truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu phù hợp với nhu cầu phát triển chung, nó vượt ra một cái gì gọi là chuyện riêng của Nguyễn Minh Châu. Sáng tác của anh để chúng ta bàn bạc được những vấn đề lớn hơn. Tôi tạm phân các truyện ngắn anh viết những năm gần đây làm ba loại. Một loại đại để như các truyện ta vẫn thường biết, kết cấu thông thường nhưng sâu hơn (Hai con nhóc, Mẹ con chị Hằng, Đứa ăn cắp) cái đáng chú ý là mức đi sâu hơn của tác giả. Một loại, có thể gọi là loại tự vấn lương tâm (Dấu vết nghề nghiệp, Bức tranh), tôi tự vấn tôi để rồi vấn đề lây lan ra xung quanh. Một loại nữa không biết gọi tên như thế nào, đây là loại anh đưa ra những nhân vật dị thường. Đây cũng là cách khai phá. Cái đáng nói là nhiệt tình của Nguyễn Minh Châu, nhiệt tình đến mức nôn nóng. Anh đóng góp tiếng nói với tất cả mọi người đang quan tâm. Chỉ vì thế mà bạn đọc đọc anh và bàn nhiều đến như thế. Gần đây có nạn “dịch” là “dịch trinh thám”. Cũng có tập đứng đắn cũng có tập tào lao. Loại chuyện ấy người ta đọc nhiều nhưng không bàn nhiều. Nhưng truyện ngắn của anh Châu được người ta bàn. Gần đây, không phải không có người viết kiếm tiền, viết chơi bời. Bởi thế những người có tâm huyết như anh Châu là đáng quý. Mình vẫn là mình nhưng lại phải khác mình – đó là ý muốn chung của những người sáng tác có nhiệt tâm. Ở khía cạnh này. Nguyễn Minh Châu hơi coi nhẹ cái Nguyễn Minh Châu hôm qua một tý. Chính vì anh nôn nóng nên đã tạm gác lại cái phần hôm qua. Về tâm lý người sáng tác, anh Châu hơi nghiêng về những nhân vật dị thường có thể khai thác và bộc lộ được nhiều. Việc đẩy lên dị thường cũng hay nhưng càng dị thường thì càng phải bình dị. Anh Châu có những truyện có những chỗ dị thường. Mà dị thường thật. Cuộc sống phiêu lưu tình cảm ở chuyện Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành là một dị thường.

Cái đa giọng điệu, nhiều lớp, nhiều tầng là rất quý, Tuy nhiên nó phải rõ ràng. Anh Châu cũng hơi ham nói ra ngay cùng một lúc tất cả những điều anh muốn nói. Nói nhiều thứ cũng được nhưng rút cuộc lại phải là một cái gì.

VƯƠNG TRÍ NHÀN -… Theo tôi, mười năm vừa qua, văn xuôi của ta có một số tìm tòi. Anh Nguyễn Minh Châu cũng nằm trong cái chung của mười mấy năm ấy. Truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu những năm gần đây là truyện của một người cùng bạn đọc trao đổi, bàn bạc về những vấn đề hôm nay. Về nghệ thuật truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu, về những cái hay, tôi cũng thấy như một số anh đã phát biểu. Tôi chỉ nói thêm là một số truyện của anh Châu ý cứ đan chằng chéo vào nhau, văn cứ dính vào nhau, nó là dấu hiệu một cái gì dang dở chưa hoàn chỉnh. Một khía cạnh khác là truyện ngắn của anh, ở một đôi cái, màu sắc đạo đức quá rõ, quá lộ. Chẳng hạn như truyện Sắm vai, chỉ phê phán một chiều như trong truyện ấy thì không thấu tình đạt lý. Có lẽ là nên yêu cầu ở nhà văn một thái độ thông cảm hơn với sự đời, một cái nhìn độ lượng hơn và khoáng đạt hơn chăng?

LÊ THÀNH NGHỊ – (Lê Thành Nghị không phản đối việc mở rộng đề tài nhưng anh muốn Nguyễn Minh Châu tiếp tục viết về người chiến sĩ, những nhân vật quen thuộc ấy, đừng để đến nỗi “muốn gặp lại họ phải đến các viện bảo tàng của chiến tranh” – Ghi chú của phóng viên báo Văn Nghệ).

…Đối tượng nhận thức thay đổi theo quy luật, một chất liệu văn học khác, một bút pháp khác tự tìm đến để phù hợp. Thay bằng cái tươi tắn trẻ trung trong Cửa sông, cái thi vị hùng tráng có phần lý tưởng trong Dấu chân người lính, cái giản dị, chân mộc trong Mẹ con chị Hằng, Mùa hè năm ấy, Lửa từ những ngôi nhà, trong những thiên truyện gần đây của nhà văn Nguyễn Minh Châu, một phong cách, tưởng đã định hình, đang tự biến đổi. Tác giả thay đổi “chất giọng”, thay đổi góc nhìn phần lớn để truy tìm tận cùng những biểu hiện tâm lý phức tạp, tác giả lựa chọn chất châm biếm trào lộng (Bức tranh, Khách ở quê ra…) nhiều thiên truyện như một giả định, vấn đề được nêu ra như một luận đề, các chi tiết nhiều khi mang màu sắc minh họa. Trong trang viết của anh bỗng nhiên thật nhiều lý lẽ, nhiều biện luận mà thường là chưa thật sắc sảo đủ sức thuyết phục. Có cảm giác đôi lúc tác giả “sao nhãng” trong việc đảm bảo tính chặt chẽ của kết cấu tác phẩm, tính chân thật của hình tượng, việc sử dụng hài hước không hợp chỗ. Đôi truyện chủ đề tư tưởng chưa thật rõ ràng, ít ra ý định của người viết chưa truyền đạt được đầy đủ đến bạn đọc (Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành, Khách ở quê ra, Chiếc thuyền ngoài xa). Nhiều người cảm thấy trong cuộc sống không thể có một cô Quỳ (trong Người đàn bà…), Khúng (trong Khách ở quê ra) một thủ thành trên 80 tuổi triết luận về bóng đá như vậy (trong Dấu vết nghề nghiệp)… chẳng hạn, giới thiệu Quỳ là một cô gái đẹp, làm đủ mọi nghề cả lái xe, tài vụ, quản y… Hầu như đi đến đâu Quỳ cũng được yêu hoặc công khai, hoặc là yêu “trộm”… Con số người yêu của Quỳ phải đến hàng chục và người đàn bà muốn dùng tình yêu để cải tạo và thuyết phục người khác. Như vậy, liệu có thật chân xác hay chỉ là “dị biệt” cá biệt đến mức khó tin, liệu có điển hình cho những người chiến sĩ gái trên chiến trường?

Tuy vậy, đối tượng mới làm văn phong Nguyễn Minh Châu như ở “hoạt” hẳn lên. Nhà văn lại tỏ rõ thêm một khía cạnh trong tài năng của mình. Sự đào xới sâu sắc vào phần tâm lý sâu kín và rắc rối của con người. Nổi lên trong loạt truyện ngắn gần đây có lẽ là Bức tranh. Ở đây tác giả thật sự “hết mình” trong lao động nghệ thuật. Một trong những cái hay của thiên truyện là người chiến sĩ trẻ trở nên độ lượng vô cùng đối với người có tuổi, và người có tuổi phải sám hối sâu sắc trước người trẻ tuổi, vì tội lỗi của mình – (thông thường là ngược lại). Ý nghĩa câu chuyện hình thành từ đó. Ý nghĩa răn đe cũng hình thành từ đó.

VŨ TÚ NAM – Gần đây, tình trạng suy diễn của bạn đọc có đỡ đi rất nhiều, điều đó, do trình độ chung về thưởng thức được nâng lên và còn do sự hướng dẫn, uốn nắn của lãnh đạo. Về mặt lãnh đạo quản lý, không nên đòi hỏi một người viết phải làm được tất cả, mặc dù yêu cầu của bạn đọc, yêu cầu của cuộc sống rất lớn. Mỗi người đóng góp một chút gì đấy cho bạn đọc là tốt rồi. Đứng về phía bạn đọc, tôi thấy một vài truyện ngắn của anh Châu bị rối, có phần khó hiểu. Một truyện ngắn hay phải làm cho người đọc tiếp nhận ý chính một cách dễ dàng. Tôi rất quý sự tìm tòi của Nguyễn Minh Châu, nhưng ở một vài truyện anh chưa tìm tòi, chưa đạt. Khi xây dựng loại nhân vật cá biệt, có lúc anh đã tùy tiện, bất chấp cả logic thông thường, nên ta thấy có cảm giác giả giả, không vào được người đọc một cách dễ dàng. Về một khía cạnh khác, tôi nhận thấy anh Nguyễn Minh Châu là một người rất nghiêm trang trong truyện, nên các đoạn anh viết vui vui đùa đùa thường bị sượng, ít thành công, lại dễ bị hiểu lầm.

TRIỀU DƯƠNG – Trong một truyện ngắn in trên báo Văn nghệ năm ngoái, Nguyễn Minh Châu đã cho nhân vật của mình, một thủ môn bóng đá trước khi chết vài ngày lẫn vào cuộc ảo du để tự vấn mình về những lầm lẫn sai sót trên sân bãi. Đó là mấy quả bóng mà ông ta đã vồ trượt từ hồi còn trai trẻ và lừng tiếng trên sân cỏ đã làm ông day dứt, buồn phiền trong quãng đời già.

Đây là một truyện ngắn bình thường nhưng cũng có thể cho rằng tác giả nói một cái gì đó với bạn đọc, chẳng hạn con người đang phải luôn luôn đấu tranh vật lộn với chính mình để hướng tới cái thiện. Nhưng cho dù nghĩ như vậy thì chủ đích ấy vẫn cứ lờ mờ nhân ảnh. Tôi chỉ ghi nhận một điều, tác giả đang tìm một hình thức biểu đạt, tìm một lối viết vừa thực vừa ảo để từ những mảnh đời thường cho người đọc hiểu thêm ý nghĩa của cuộc sống và phong phú trong cảm nhận cuộc đời. Nhưng tiếc rằng, ngay cả trong một truyện ngắn sau đó, truyện Hai con nhóc Nguyễn Minh Châu lại bộc lộ lối viết văn ấy, rối rắm, lan man, để người đọc không bắt được chủ đích, hoặc muốn hiểu như thế nào cũng được. Phải chăng đây là một phong cách viết rối của Nguyễn Minh Châu? Nhưng nói gì thì nói, đối với một nhà văn đã có tay nghề cỡ ấy, thì lối viết như vậy quả là một điều khó hiểu. Gần đây anh lại cho in truyện ngắn Khách ở quê ra, vẫn lại lối biểu hiện ấy, nhưng do độ dài và dung lượng của cốt truyện, sự rối rắm càng tăng lên. Cũng có lúc tôi cho rằng Nguyễn Minh Châu đặt những vấn đề có tính thời sự. Anh cảnh cáo con người, nếu không được săn sóc, giáo dục, để họ tự bới đất lật cỏ sống một cách hoang dã thì tất yếu họ sẽ ngang ngược, bất cần như Khúng, đó là một trở ngại cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Hoặc cũng có thể, anh phát hiện một loại tâm lý con đẻ của công xã nông thôn ngay trong lòng xã hội chủ nghĩa và đó cũng là một trở lực. Hoặc cũng có thể anh phê phán người nông dân bảo thủ, anh cho rằng người nông dân không thể tiến lên chủ nghĩa xã hội nếu không có công nghiệp hóa. Hoặc anh phản ánh một nông thôn đang giải thể trước sức mạnh của quá trình đô thị hóa. Hoặc anh đưa ra một quan niệm về sự tồn tại của gia đình có nhiều “chủng loại” con cái? Nhưng xem kỹ từng mạch truyện, mặc dù đã cố tình lôi kéo về từng chủ đề, tôi vẫn thấy tất cả đều bàng bạc, chỉ nổi bật những tính cách cùng quan niệm sống của Khúng. Vì thế theo tôi, nhận diện Khúng để hiểu Khách ở quê ra là điều cần thiết, và thực ra cũng chẳng còn cách nào khác.

Khách ở quê ra hoàn thành vào tháng 3 năm 1984 và được in trên báo Văn nghệ sau đúng một năm, tháng 3 năm 1985, nhưng bối cảnh mà Khúng xuất hiện thì khoảng năm 1965, 1966, khi mà, chiến tranh phá hoại lan khắp miền Bắc, khi mà cả ngọn gió của chiến tranh đã thực sự chi phối đến từng gia đình, từng số phận. Truyện ngắn này để nhân vật cựa động trong khoảng hai mươi năm. Có thể nói đó là một khoảng thời gian biến động nhất dữ dội nhất trong lịch sử xã hội chúng ta và cũng có thể nói đó là khoảng thời gian thử thách nghiệt ngã nhất phẩm chất của con người, của dân tộc chúng ta. Mượn cớ ấy, Nguyễn Minh Châu đã bứng nhân vật của mình ra khỏi làng, tách ra khỏi quê hương, nghĩa là hoàn toàn tách ra khỏi cuộc sống xã hội tập thể và đặt Khúng vào một vùng đất hoang dại, cằn cỗi “chó ăn đá gà ăn sỏi”, để từ mảnh đất này, cho Khúng bộc lộ tính cách, nhân cách, bản lĩnh của mình, biểu hiện hết tầm cái chất hoang sơ, hoang dã của một con người không hề bị những xung lực của xã hội chi phối. Có thể nói rằng Khúng là con đẻ của một xã hội công xã nông thôn đang tồn tại ngay trong lòng xã hội chủ nghĩa.

Tôi có cảm nghĩ rằng tác giả đã khá tâm đắc, khá thú vị trong việc xây dựng nhân vật Khúng, một nhân vật tôi cho là dị biệt trong xã hội ta mà anh có lúc cho rằng sắc sảo. Cũng có lẽ bởi cái ý nghĩ ấy mà nhiều lúc tác giả nhận xét về làng quê cũ của Khúng là mặc dù có đủ cả hợp tác xã, trường học, trạm xá, thậm chí cả rạp chiếu bóng nữa, (một nét còn hiếm ở nông thôn ta) nhưng hàng chục năm nay có những biến đổi của cách mạng đến được đó cũng là khó khăn, chật vật và “cái làng vẫn là cái làng, vẫn là cái làng quê thân yêu và lâu đời”, nghĩa là vẫn cái làng cũ ngày xa xưa. Theo tôi, anh Nguyễn Minh Châu đã nhầm lẫn ở chỗ này. Đúng là trong quá khứ lịch sử, nước ta đã tồn tại được, đã bảo vệ được bản sắc của dân tộc mình bằng sức mạnh bảo thủ của làng xã truyền thống – “phép vua thua lệ làng”… Nhưng với cơ sở Đảng chính quyền và các tổ chức cách mạng khác đã được xây dựng, củng cố bốn mươi năm nay thì trường hợp cái làng của Khúng mà tác giả cho là “cái làng vẫn là cái làng”, theo tôi là không thực tế về cả mặt lý luận cũng như hiện thực. Cách mạng đã biến đổi tận gốc cái cơ sở làng xã, không chỉ biến đổi một cách mạnh mẽ về phương diện xã hội mà cả về nếp sống và văn hóa (…) Chính là trong khi say sưa vẽ dung mạo của những nhân vật dị biệt mà Nguyễn Minh Châu đã thiếu đi cái nhìn đẹp đẽ, hợp lý. Cũng không ít khi anh đã rơi vào tự nhiên chủ nghĩa.

Cuộc tình của Khúng và Huệ đã biểu lộ nhiều chất bản năng hoang dã của con người Khúng. Suy xét cho cùng, Khúng là loại người khác thường. Anh ta không phải là con người xấu, tiêu cực, không làm hại ai nhưng thật ra khá cản ngại cho một lối sống tập thể, một loại người nếu không phê phán thì cũng không nên khuyến khích. Nhưng với cách nhận diện và vẽ chân dung của Nguyễn Minh Châu, Khúng lại gây được ấn tượng mạnh và xem ra có vẻ có sức thuyết phục, đó là nhược điểm của người viết. Phẩm chất của một nền văn học có giá trị mới chính là ở chỗ những nhân vật văn học bằng hành vi và tư tưởng của mình tham gia vào cuộc đấu tranh cho tiến bộ xã hội, mang lại cho người đọc niềm tin ở con người, nâng tâm hồn của họ lên một tầm cao mới. Hiểu như vậy thì nhân vật Khúng rất hạn chế (…)

NGUYỄN MINH CHÂU – Một trong những truyện ngắn của tôi được các đồng chí nói tới nhiều, đó là truyện Khách ở quê ra. Truyện ngắn ấy tôi viết về Khúng một con người sản xuất nhỏ, tuy thế, vẫn còn sơ sài lắm. Tôi rất muốn khám phá cái con người này. Một con người như cái lão Khúng, cắm rất sâu vào các tầng đất quá khứ, trong chiều sâu tâm lý và tính cách của lão có tàn dư tư tưởng phong kiến thậm chí tàn dư tư tưởng công xã cũng có cơ, và cái cách sống suốt đời giữa thiên nhiên, không khéo chính lão cũng là thiên nhiên cơ.

Và một mặt khác nữa, cũng đừng nên nghĩ, tất cả những tính cách và tâm lý ấy đều là xấu. Không biết nhà văn nào đó đã nói: tính nông dân là phần bản năng hồn nhiên còn lại của nhân loại. Cái phần bản năng hồn nhiên trong con người lão Khúng, rồi đến một lúc nào đó, những nhà văn của các thế hệ sau chúng ta lại phải dò dẫm đi tìm lại để giữ gìn như giữ gìn các phần “bản thiện”, đầy nguyên sơ của tâm hồn con người.

Theo tôi, một tác phẩm mang tính đảng chủ yếu thể hiện ở tính khuynh hướng.

Với nhân vật lão Khúng trong truyện Khách ở quê ra của tôi với một loạt chi tiết và sự việc trong tác phẩm ấy đã đủ để biểu lộ tính khuynh hướng của nó.

1. Vùng khai hoang của lão Khúng cũng là khu vực thăm dò địa chất mà chính phủ ta vẫn không ngừng tiến hành thăm dò ngay trong những năm chiến tranh phá hoại, và quyết định của Hội đồng chính phủ bắt đầu triển khai cái công trường khai thác mỏ rất lớn ở đấy.

2. Lời dặn của Huệ với đàn con: Đừng đi tìm đô thị ở đâu mà ngay trên miếng đất đang sống ở đây.

3. Sự bơ vơ, cô độc của Khúng ở cuối truyện.

4. Những nét tiêu cực của tính chất lão Khúng trong đó có nét tiêu cực đến độ tàn bạo của lão là biến Huệ trở thành một cái máy đẻ và một mụ già nông dân tư hữu. Tôi lại còn muốn nói thêm một điều này: Trong đoạn cuối truyện, tôi tả lão như một con người thất bại hoàn toàn. Nếu lão Khúng thất bại hoàn toàn thì chúng ta đâu đến nỗi vất vả thế này, trong bước đầu của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Đáng lẽ cuộc đời lão Khúng với số phận của người vợ cũng có thể viết một truyện vừa hay truyện dài, nhưng tôi lại đem cô đúc tất cả vào trong truyện ngắn vì tôi không thích viết dài, vì tôi thích đem đặt thì hiện tại của câu chuyện trong bối cảnh đô thị – để đưa vào cái đoạn kết thúc có một ấn tượng mạnh khi lão giật mình trở nên bơ vơ, cô độc, biết đứa con lão đã bỏ lão để trở về với người bố đích thực của nó là một con người của công nghiệp – người tổng công trình sư (đồng thời là tình địch suốt hai mươi năm của lão) đang sắp về vùng khai hoang xa xôi của lão để xây dựng một cơ sở khai thác công nghiệp lớn.

Ở đoạn cuối truyện, tôi đã cho Huệ – vợ Khúng – nhắc nhủ đàn con đông đúc: Trên vùng đất mà cha mẹ đã khai phá, các con hãy đổ mồ hôi tự xây dựng lấy cái đời sống công nghiệp và đô thị đầy hấp dẫn chứ chẳng phải đi kiếm ở đâu xa cả! Đấy cũng là điều cuối cùng tôi muốn nói với người đọc.

Nhìn lại các truyện ngắn đã viết từ lâu cũng như mới hoặc sắp in ra, tôi thấy đã làm được một chút gì đó mới mẻ cho đời cầm bút của mình, sau khá nhiều nỗ lực, nhưng đồng thời cũng thấy có nhiều điều chưa bằng lòng với sáng tác của mình.

Điều khiến tôi chưa thật thích là trong một vài truyện tính chất luận đề về đạo đức để lộ ra quá rõ. Dấu vết của thời gian dài viết tiểu thuyết cũng để lại trong một đôi truyện ngắn của tôi cái tính tham lam và ôm đồm, muốn nói quá nhiều trong một truyện ngắn.

Quá chú trọng tính chất luận đề đạo đức và mổ xẻ tâm lý, tôi chưa đưa được vào cái hơi thở và nhịp điệu của cuộc sống với những vật lộn trong lao động sản xuất và đổi mới quản lý sản xuất – để rồi từ đấy phát biểu những vấn đề đạo đức và cách sống – điều mà tôi đã làm trong cuốn tiểu thuyết mới đây.

XUÂN TRƯỜNG – … Truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu những năm gần đây là một hiện tượng, là một khuynh hướng tìm tòi trong nghệ thuật của chúng ta. Nhằm phục vụ có hiệu quả hơn cho cách mạng, nhằm mang lại một cái gì mới, sâu sắc hơn cho công cuộc xây dựng đạo đức mới, con người mới của xã hội hôm nay và mai sau, trong bối cảnh lịch sử cụ thể hôm nay, Nguyễn Minh Châu muốn soi rọi vào từng con người, để phân biệt, để so sánh, để nhận chân, và cuối cùng để đấu tranh cho cái mới, cho lý tưởng xã hội chủ nghĩa. Anh muốn từ cái hàng ngày, cái thường ngày, anh muốn vượt ra khỏi cái gì đã khô cứng, cái gì như đã thành định kiến, kể cả bản thân mình để đi tìm điều anh mong ước, đi tìm vấn đề và tìm cách thể hiện mới. Tôi nghĩ, chỉ riêng ý định ấy, tinh thần trách nhiệm ấy, chúng ta đã phải trân trọng và tổ chức cuộc thảo luận này. Còn thành công và chưa thành công ở đâu, ưu và nhược chỗ nào trong quá trình tìm tòi đó, thì ta thảo luận. Trong cuộc thảo luận, không phải ý kiến nào cũng đúng, cũng hay cả, vì vậy cần trao đổi cả ý kiến trao đổi nữa. Tất nhiên, trao đổi đến mức độ nào thì phải có kết luận những vấn đề có thể kết luận được. Cuộc trao đổi ý kiến như hôm nay, tôi cho là tốt, và nên tiếp tục dưới những hình thức khác để cho nhiều người, nhất là người đọc có thể tham gia.

Những năm gần đây xuất hiện một số tác phẩm của cây bút trẻ Nguyễn Mạnh Tuấn, từ một công nhân cơ khí đã sớm trở thành một nhà văn gây được tiếng vang lớn trong người đọc, trong xã hội. Cũng như trước đây ta (và không phải chỉ có ta, cả thế giới nữa) đã đón nhận hiện tượng thơ Trần Đăng Khoa và những hiện tượng khác. Đó là những hiện tượng đáng mừng cho nền văn học của chúng ta. Những năm gần đây sự xuất hiện những truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu, một cây bút tiểu thuyết khá già dặn đã có vị trí trong nền văn học của chúng ta, với những vấn đề anh đặt ra, tôi cho đó cũng là một hiện tượng đáng quý. Mục đích của văn học của chúng ta chỉ có một: đấu tranh cho sự thành công của chủ nghĩa xã hội bằng văn học hay nói một cách khác: xây dựng một nền văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa trong thời đại ngày nay. Mục đích chỉ có một, nhưng con đường để đi tới mục đích đó thì nhiều, đối với văn học và nghệ thuật, gần như mỗi người có một con đường của mình: đó là phong cách, là phương pháp (theo nghĩa hẹp), là cách nghĩ, là cá tính v.v… Trên cái bản lĩnh chung của dân tộc, của giai cấp, trên cái vốn thu nhận được của nhân loại, mỗi nhà văn phải có bản lĩnh của mình. Đừng nên đối lập những bản lĩnh, những cá tính ấy, cho rằng thế này mới là văn học, thế kia là không văn học. Khuynh hướng phê bình như vậy chỉ đưa đến sự khô héo cho văn học, chưa nói đến trước tiên gây rối cho sự tiến triển văn học. Cái thước đo cuối cùng của văn học, là sự đóng góp của nhà văn cho cuộc sống hôm nay, cho sự cải tạo nó, cho xây dựng nên nó, và trước tiên cho xây dựng con người.

Những người dự cuộc họp này đã chân thành và thẳng thắn bàn bạc với nhau, với anh Châu và sáng tác của anh. Ở đại hội văn nghệ Hà Nội năm ngoái, tôi có nói vắn tắt về những truyện ngắn gần đây của Nguyễn Minh Châu: tác giả mới thành công một nửa, còn một nửa chúng ta chờ đợi. Chắc ai cũng hiểu nói “một nửa” là nói theo kiểu văn học, chứ không phải theo kiểu toán học, nói một cách khác, có phần thành công, có phần chưa thành công vì đang quá trình tìm tòi, hoàn thiện. Tôi không hề nghĩ rằng ở Nguyễn Minh Châu có gì lệch lạc về quan điểm hay lập trường. Tôi vẫn định có dịp nào nói rõ những ý ấy, trên những tác phẩm cụ thể của anh. Đến cuộc thảo luận này, tuy mới xới lên, nhưng tôi nghĩ thấy có nhiều ý kiến đã nói thay ý nghĩ của mình.(…)

ĐÀO VŨ -… Nếu cần có một sự tổng kết, tôi nghĩ rằng những lời phát biểu của anh Xuân Trường vừa rồi đã là sự tổng kết sâu sắc cuộc trao đổi của chúng ta. Là người sáng tác, lại là người biên lập ở báo, tôi càng thấy ý nghĩa của sự phải áp sát con thuyền văn của chúng ta vào bến bờ của cuộc sống. Đã đành trong văn học, cái cốt yếu không phải là đề tài câu chuyện, thậm chí cả nhân vật.. Nhưng làm sao có thể bỏ qua những yếu tố đó ? Đã đành trong mọi chuyện đời thường, kể cả trong những chuyện vặt vãnh, đều có thể có bề sâu sắc. Nhưng cuộc sống bề bộn và bao la vẫn có những chỗ mũi nhọn, hoạt động chủ yếu của con người vẫn là sản xuất và chiến đấu, vấn đề ngổn ngang trăm mối rốt cuộc vẫn có những vấn đề trung tâm. Sự lẩn tránh là sai, sự xa rời cũng không đúng. Sự chưa lăn vào đó là không nên. Những ngòi bút có trách nhiệm chúng ta tự nguyện và còn mong rằng nền văn học cách mạng của ta đi mạnh mẽ hơn nữa vào những vấn đề trung tâm của cuộc sống chiến đấu và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Vấn đề có phải Nguyễn Minh Châu, trên trang truyện ngắn của mình hay cả trong ý nghĩ, đã thiên về những nhân vật dị thường hay không, dường như trong ý kiến chúng ta (trước hết là với tác giả) còn có sự so le. Dẫu sao việc nêu lên kia là có ý nghĩa. Riêng tôi tôi muốn được tiếp tục suy ngẫm. Cái cảm giác lạ lẫm, miễn cưỡng khi gặp một số nhân vật truyện ngắn của anh Châu gần đây cũng là cảm giác có thật ở trong tôi. Những người bạn viết chúng ta trước hết là những người hoan nghênh tìm tòi của anh, đồng tình với những trăn trở của anh, muốn cùng anh đi trên con đường phấn đấu làm sao cho văn học của chúng ta có bề sâu tư tưởng hơn nữa, không hời hợt, dễ dãi. Mặt khác, trong những sự tìm tòi suy ngẫm ấy, nếu như có sự tìm tòi mà chưa tới, có sự suy nghĩ mà chưa đến nơi, có cái mới mà chưa chín như nhiều anh chị đã nói thì cũng là sự thường tình. Điều quan trọng hơn chính là mình có biết rằng nó như thế hay không.

Nếu gọi truyện luận đề là truyện có một cốt lõi tư tưởng, có một đề để luận bàn với bạn đọc bằng sự thuyết phục của hình tượng thì truyện nào lại chẳng nên là truyện luận đề. Chỉ sợ rằng nếu như truyện của ta lại có trước một đề, đề ấy được áp đặt lên người đọc không bằng những nhân vật, tình tiết chân thật và lô gích cần thiết thì tránh sao khỏi khiên cưỡng, thậm chí là chủ nghĩa khái niệm.

Tôi thấy điều này dường như hoàn toàn có thể yên tâm đòi ở anh Nguyễn Minh Châu – hãy làm sao cho người đọc nắm bắt được ý của anh rõ hơn (…)

Trao đổi về truyện ngắn những năm gần đây của Nguyễn Minh Châu. (Tường thuật của phóng viên báo Văn nghệ).

Tuần báo Văn nghệ, Hà Nội, 1985, s.27 (ngày 6.7) và s.28 (ngày 13.7).

Comments are closed.