Đêm chạy trốn (kỳ 4)

Tiểu thuyết Thái Sinh

TS (1)

Nhà văn Thái Sinh

 

6.

Ngôi sao đêm lần lượt bị các đám mây che khuất, bầu trời xám đục, từ phía cuối chân trời vài ánh chớp nhì nhằng chốc chốc lại loé lên, cây cối và các gò đống nhuốm một màu xám đục hiện lên trong chốc lát lập tức bị bóng tối xoá nhoà, rồi lại hiện lên, lại bị xoá nhoà trông vừa kỳ quái vừa bí ẩn.

Bây giờ đang là cuối thu, lúa trên đồng đã gặt vãn, cánh đồng phẳng mờ, Sao nhớ ngày bé cô cùng lũ trẻ ra đồng thả trâu dứt những cọng cỏ gà ven bờ ruộng chơi trò chọi gà, chơi chán chúng nhặt những bông hoa tím vàng nhỏ li ti lẫn trong cỏ kết thành từng bó gài trên ve áo, hoặc có khi dán lên mặt, đuổi nhau chạy nhông nhông khắp cánh đồng.

Bọn con trai đi thả diều hay đi đào hang chuột, hễ con chuột nào vô phúc rơi vào tay chúng sẽ bị chúng hành hạ một cách tàn nhẫn, chúng trói bốn chân vào bốn cái cọc ghim xuống mặt ruộng, lần lượt đốt cháy các râu, đuôi và tai, sau chúng dùng con dao bé tí xíu tự chế từ một mẩu dây thép khoét mắt, bẻ răng rồi lột da… Chúng ví con chuột như một kẻ phản động, tên ăn cắp… nên hành hạ con chuột một cách thích thú và đầy hứng khởi.

Trong đám con trai ấy Sao còn nhớ thằng Bông, nó hơn Sao chừng bốn, năm tuổi, đám trẻ gọi là Bông bạc má. Năm lên ba, mẹ nó đang rót nước từ siêu vào chiếc ấm ủ đặt trên bàn, nó từ đâu chạy tới níu tay mẹ, dòng nước từ vòi siêu chảy chệch ra, dội toé lên đầu làm nó bị bỏng nặng, một mảng đầu to gần bằng bàn tay không tài nào mọc nổi tóc, nhẵn thín.

Bông bạc má rất tợn, ngoài ông bố nghiện rượu rất hung dữ nó không sợ bất cứ ai, mặt nó trơ lì lúc nào nom cũng nhơn nhơn như sẵn sàng gây gổ. Nó săn chuột, bắt rắn rất thạo, đi chăn trâu bao giờ nó cũng mang một chiếc ống bơ, ít muối và một bao diêm. Lũ trẻ con phải nghe nó răm rắp. Sau khi hành quyết những con vật sa vào tay chúng, chúng mới mổ nướng trên ngọn lửa nhóm từ các gốc rạ, hoặc nấu từ chiếc ống bơ con con, sau đó chúng bày ra chiếc lá khoai hoặc tàu chuối dứt trộm trong vườn chùa.

Thỉnh thoảng thằng Bông bạc má vẫn rót trộm rượu của bố ra chiếc chai nhỉnh hơn chuôi dao, chúng tu rượu, ăn, cười ha hả vang động một góc đồng.

Một lần chúng chơi trò đám cưới, Sao đóng vai cô dâu, thằng Bông làm chú rể, chúng lấy lá chuối non làm cho Sao một chiếc khăn trùm đầu, còn thằng Bông đội chiếc mũ lá mít có cài hoa xung quanh, trông mặt nó ngồ ngộ như một thằng hề. Nhà trai là chiếc lều lá chuối, trên chót đỉnh cắm một ngọn cờ bằng lá chuối, thằng Bông thọc tay vào túi đi xung quanh ngắm chiếc lều rồi bảo lũ trẻ.

– Lấy hai tàu lá chuối to làm cửa, cưới vợ mà cửa giả hở hếch hở hoác thì vợ nó dí đít vào. Vứt cái cờ kia xuống, đây là nhà chứ không phải lô cốt, càng không phải là trụ sở uỷ ban…

Nhà gái thì lợp bằng cỏ, trước cửa ra vào có cài nhiều hoa râm bụt và hoa đao. Từ nhà trai nhìn sang nhà gái giống như một lùm hoa trông rất đẹp mắt. Thằng Bông chạy sang xem nhà gái, nó gật gù:

– Được, đẹp lắm! Nhưng chúng mày phải giúp mấy thằng bên tao trang trí phòng cưới cho đêm tân hôn chứ.

Lũ con gái mang hoa cài lên vách lều và trải xuống đất một lớp cỏ khô rồi rắc những cánh hoa cúc dại, hoa râm bụt giả làm giường đệm.

Chiều dần xuống, mặt trời xuống tới ngang vai, ánh nắng vàng bợt lấp lánh trong các vũng nước còn sót lại ở các dấu chân trâu, lúc ấy bên nhà trai mới sang đón dâu. Lũ con gái tất bật trùm lên đầu Sao chiếc khăn nõn chuối, cài lên tóc cô những bông hoa cúc đồng, chúng di hạt mồng tơi lên môi, lên má Sao thay cho son, chúng dặn Sao khi nhà trai sang đón phải khóc. Sao bảo: Tao không khóc được. Thì bôi ớt vào, khóc mới thương mới quyến luyến bố mẹ. Ừ, thì khóc. Trời ơi, ớt cay quá, mắt tao đến mù mất thôi. Sao ngồi thụp xuống dụi mắt, cô thấy mắt mình nóng bỏng, nước mắt chảy giàn giụa, càng dụi, mắt cô càng cay, càng tấy đỏ.

Người nhà trai đã đến, chúng đốt pháo đì đẹt ngoài cửa lều và nói với nhau những gì Sao không nghe được. Căn lều thấp lè tè dày đặc khói thuốc lá cuộn bằng cỏ khô khét lẹt càng làm mắt Sao cay hơn. Cái Lanh làm phù dâu xốc nách Sao lên dìu ra ngoài cửa lều, có một bàn tay nào đó nắm lấy cánh tay Sao, cô chẳng biết, chỉ muốn vùng chạy ra vũng nước rửa mặt cho đỡ cay. Đứa nào đó đưa cho Sao chiếc khăn mùi xoa ướt cho cô lau vài lượt cho mắt đỡ cay hơn. Cô ngước mắt nhìn người vừa nắm tay Sao, người ấy là thằng Bông, nó mỉm cười hỏi.

– Em buồn vì xa bố mẹ phải không?

– Ừ, buồn…

– Tới nhà anh là em hết buồn thôi. Có gì em phải buồn, ngày mai anh lại đưa em về với mẹ…

Chúng chỉ kịp nói với nhau như thế là vừa qua hết mấy thửa ruộng đến nhà trai, đám trẻ chăn trâu chạy theo sau reo hò ầm ĩ, thằng Bông mở hai tàu lá chuối làm cửa mời Sao vào.

– Đây là phòng hạnh phúc của chúng mình, em thấy đẹp không?

Sao bước vào lều, hai đứa ngồi trên chiếc đệm cỏ, thằng Bông với tay rút ngọn nến giắt trên mái lều bật diêm châm lửa. Lũ trẻ bên ngoài chạy túa ra xung quanh tìm dắt trâu về. Sao thấy buồn cười quá khi thấy thằng Bông vứt chiếc mũ lá mít xuống đất, ngáp dài.

– Anh buồn ngủ quá, em thân yêu, chúng ta ngủ nhé…

Cô chưa kịp bảo: Mới đang là chiều… thì thằng Bông đã quàng tay ôm lấy eo lưng Sao ghì vào lòng.

– Em yêu ơi…

Thằng Bông chà gương mặt màu chì lên mặt cô, nó hôn vào trán vào môi cô. Sao hoảng hốt đẩy cái gương mặt gớm ghiếc và cái miệng tanh mùi cá của nó ra khỏi mặt mình. Thằng Bông đè cô xuống đất, nó luồn tay vào trong áo cô, miệng lắp bắp.

– Vợ… vợ…, tao cưới mày rồi, bây giờ mày là vợ tao…

Sao co hai đầu gối lên, thằng Bông kéo chân cô ra, lập tức bị Sao cắn cho một nhát vào bả vai, nó vội nhổm người lên, cô đạp mạnh vào bụng nó làm nó nhảy dựng lên ngã bổ chửng ra phía sau, làm chiếc lều lá chuối đổ ụp xuống. Sao vùng đứng dậy dứt tung chiếc khăn lá chuối và đám hoa trên đầu ném xuống đất, vừa khóc cô vừa chạy đi tìm con trâu nhà mình.

Lũ trẻ đã biến đâu hết, bóng tối ùa vào các lốt chân trâu, đồng vắng tanh chỉ còn những đống lửa mà bọn Sao đốt còn âm ỉ cháy, thỉnh thoảng bị gió thổi bùng lên đỏ lừ như mắt quỉ. Tối một lúc Sao mới dắt trâu về tới nhà, bố cô đang đứng chờ cô ở cổng, thấy Sao vừa đi vừa khóc, ông hỏi:

– Sao hôm nay con về muộn thế, ai đánh mà khóc?

Cô trả lời tấm tức.

– Chúng nó cưới con…

– Mày làm cô dâu à?

– Vâng!

– Ai làm chú rể?

– Thằng Bông bạc má.

– À… à… Chúng mày cưới nhau hả?

Bố Sao vào nhà rút chiếc roi mây trên mái nhà xuống, ông nghiến răng quật túi bụi lên đầu lên cổ và khắp người cô. Giọng ông rít lên:

– Này chồng, này vợ! Tao sẽ cho chúng mày cưới, tha hồ cưới…

Sao quằn quại như một con giun, đó là trận đòn mà suốt đời cô không bao giờ quên.

Khi Sao lớn lên không thấy Bông ở nhà, người ta bảo Bông đi học rồi lên miền núi công tác, cho đến tận ngày Sao đưa thằng Núi về làng cô mới gặp lại Bông. Anh không còn ngỗ ngược, lấc láo như cái thuở chăn trâu, anh bối rối và ngượng ngùng khi gặp lại Sao. Không ai nhắc tới cái chuyện trẻ con ngày xưa nữa. Bông cho Sao hay, bây giờ anh là trạm trưởng trạm kiểm lâm Vân Hà. Khi hỏi chuyện gia đình, Bông chỉ cười không đáp.

Chị nép mình vào thành tàu để tránh gió, về khuya gió càng thêm lạnh, những hạt mưa đầu tiên từ trên bầu trời cao thẳm lọt qua cửa sổ con tàu rơi vào trong toa. Vài người choàng dậy, buông cửa,

Sao biết đây là trận mưa cuối cùng của mùa mưa năm nay, chị muốn ngắm mưa một lát, nhưng trời thì đen đặc thế kia, tuy vậy chị vẫn cảm nhận được trận mưa qua những hạt nước lọt qua cửa sổ con tàu rơi xuống bàn tay chị đặt hờ lên đầu gối. Một tiếng nói u ơ của một người nào đó ngồi phía sau chị.

– Lại mưa, thế là khoai tây nhà mình thối hết.

– May quá, nhà mình vừa mới làm đất. Thời tiết năm nay kỳ cục quá thể, năm ngoái nhà mình trồng khoai tây vào khoảng đầu tháng mười thì thắng, còn năm nay cứ cái trận mưa này kéo thêm vài ngày nữa coi như đi đứt.

– Ở Na Rì giá vàng bây giờ bao nhiêu nhỉ?

– Cốm mười ba, cũ mười tám. Còn Động Qua giá hạ hơn một chút.

– Bọn mình đi cái dịp này cứ gọi là bán lưng cho trời.

– Trời nào bóc lột các ông bà? Các vị làm cho bọn chủ thầu, chúng nó cũng là người đấy chứ?

– Nghe thằng Hinh về nói, tay chủ thầu mà bọn mình tới đây làm cho hắn cũng vào hạng tử tế. Tôi đi nốt đợt này để trả nợ cho số thóc vụ mùa vừa qua mình nợ sản, may dư ra chút nào thì càng hay, kiếm cho bọn trẻ cái Tết. Mấy năm rồi Tết nào cũng vậy, thương lũ trẻ quá…

– Cô Chín ơi, thằng Nhâm nhà cô năm nay mười mấy tuổi rồi?

– Mười hai, nó đẻ cùng năm với cái Thìn nhà bác đấy, bác Hữu ạ.

– Thằng chồng cô thế mà tệ. Đợt này về cô đánh mấy cái xúc xích đeo vàng choé cổ làm cho nó ngốt.

– Vắt mũi đút miệng may lắm thì đủ ăn, chứ đâu dám nghĩ tới xúc với chả xích. Bọn đàn ông các người chả khác lũ chó dái đâu, xong là cút…

– Cô này nói liều. Này cô Chín, trông cô còn thơm thịt lắm, thằng cha chủ thầu biết đâu chả vì cô mà nó trả công cho bọn tôi khá hơn. Hắn vừa ở tù về, nhưng làm ăn với hắn còn tử tế bằng vạn kẻ khác…

Cô gái rùng mình hốt hoảng chui ra khỏi chiếc áo choàng, đứng dậy ngơ ngác nhìn ra xung quanh.

– Ôi khủng khiếp qua, cháu vừa mơ thấy một điều cô ạ…

– Với cháu hay với người khác?

– Với cháu! Cô gái lấm lét nhìn người con trai, cúi xuống nói nhỏ vừa đủ cho Sao nghe rõ.

– Cháu vừa mơ thấy mình đẻ ra một đứa con có hai đầu. Anh ấy bảo đó là con quái vật chứ không phải là người, rồi lấy dao khoét bốn con mắt ngâm rượu. Ba hôm sau cái đầu thứ nhất rụng xuống, còn cái đầu thứ hai của đứa trẻ khóc đúng một trăm ngày thì mất. Cô ơi, có ai ở trên cõi đời này đẻ con hai đầu như cháu không?

Sao lắc đầu, nắm lấy bàn tay cô gái kéo xuống ngồi vào lòng mình, chị âu yếm vuốt mái tóc và hai bờ vai cô gái.

– Cô chưa bao giờ nhìn thấy mà chỉ đọc trên báo thôi. Với tiến bộ của y học sẽ mổ tách được những đứa trẻ như thế. Nếu cô không nhầm thì cháu đang có mang phải không?

– Vâng, sau chuyến đi thăm bạn bè ở trên này chúng cháu sẽ về tổ chức. Anh ấy lại sắp sửa phải đi. Vả lại, cháu cũng mong có một đứa con…

– Hãy nghĩ và hướng về những điều tốt lành cháu ạ. Người có mang không nên nghĩ ngợi nhiều về những điều quái dị, điều ấy chẳng có lợi đâu…

– Cô ơi! – Cô gái lảo đảo đứng lên rồi ngồi xuống chỗ của mình – Lúc này là mấy giờ rồi hả cô?

– Có lẽ cũng đã khuya lắm rồi, đêm mùa này khá dài, cháu cứ ngủ đi, chừng nào tới ga cô sẽ gọi. Cháu xuống ga nào?

– Cháu xuống ga Gàng, nhưng cháu không muốn ngủ nữa, chỉ sợ khi ngủ lại giấc mơ ấy sẽ trở về. Vâng, cháu đã nhiều lần như thế, nên cháu chỉ muốn ngủ một mạch từ tối đến sáng. Theo cháu, con người có hai phần đời, phần đời thực và phần trong giấc mơ. Cháu yêu cái phần đời thực hơn, bởi nó ít những chuyện quái dị hơn trong giấc mơ.

– Nhưng chúng ta vẫn cứ phải ngủ và giấc mơ vẫn cứ đến như cái điều chúng ta không bao giờ mong đợi…

Cô gái đưa cho Sao chiếc khăn.

– Cô choàng tạm chiếc khăn này cho đỡ lạnh.

Sao đứng dậy buông cửa sổ xuống, để mưa không tạt vào trong toa nữa. Cô gái ngồi so vai, hai tay chống cằm đôi mắt mở thao láo nhìn Sao, con tàu vẫn lắc lư chạy, tiếng của nó át cả tiếng mưa đang xối xả trút xuống. Toán người đi đào vàng vẫn tiếp tục câu chuyện của mình.

– Tháng trước ở Đồng Khế một người dân Hà Nam Ninh đãi một mẻ được hai cây bảy, đó là cục vàng nguyên khối to gần bằng chiếc bật lửa, người ấy mới đầu tưởng đá toan ném đi, khi lấy mũi dao cạo qua một đường thì thấy vàng choé, anh ta sướng quá chạy nhảy lung tung suýt nữa thì trượt chân rơi xuống vực.

– Cha mẹ ơi, anh ta không phát điên thì tôi cóc tin…

– Bác Hữu còn nhớ cái lò ở cạnh gốc cây cơi ngay sát bờ suối chứ? Cái lò ấy bọn tôi đang đào, sâu tới chín mét rồi còn gì, chủ thầu không cho đào mặc dù vẫn đang được. Đứng từ dưới nhìn lên cả một núi cát thăm thẳm ở trên đầu, mỗi lần xuống cảm thấy như mình đang bước xuống âm ty. Thúc một nhát lại ngước nhìn lên, chao ôi ghê! Ba anh em nhà ông giáo ấy đến sau, thấy bọn này bỏ thì xuống đào mót, mỗi mẻ đãi được nửa phân, sướng quá họ không để ý cái núi đất cát đang rung rinh trên đầu. Trời ơi, lúc đó tôi đang đào ở lò bên cạnh nghe tiếng đất sụt mà dựng cả tóc gáy, bụi bốc lên mù mịt, mặt lò phẳng lỳ như có bàn tay khổng lồ của con quái vật nào đó gạt núi đất đá kia xuống. Khi moi được ba anh em nhà ông giáo đó lên thì một người đã tắt thở. Tội nghiệp, người ấy là ông giáo, ông mới lĩnh sổ hưu được ba tháng sáu ngày, số lương hưu của ông đủ mua bốn suất gạo, nghe vợ con ca cẩm ông đốt hết sách vở đi buôn, bị bắt, bán nửa gia tài mới trả xong nợ. Buồn, chán ông rủ thằng em út và đứa cháu đi đào vàng. Ông chết rồi mà mắt vẫn mở mới khiếp chứ, đôi mắt vốn hiền lành vậy mà lúc đó nom man dại vuốt thế nào cũng không chịu nhắm, còn người em sau đó ba tiếng thì mất, may mà cứu được thằng cháu, nó ở trên kéo đất bị xô xuống, vả lại nó khoẻ hơn hai ông kia nên sống sót. Tôi bỏ về ngay hôm đó, mỗi lúc nhớ lại vẫn không thể nào rũ khỏi nỗi kinh hoàng trong đầu.

– Vậy mà chú chẳng chừa, vẫn đi đào đãi vàng đó thôi.

– Chẳng còn cách nào khác, vụ mùa này nhà tôi thất thu. Các cụ xưa có nói: “Bụng đói đầu gối phải bò”, biết làm sao được.

– Mọi người còn nhớ cô Hoa con bà Muỗm ở thôn Vương Điện không? Hiện đang là chủ quán Xanh ở trên ấy. Cánh đào vàng mỗi đêm ném vào đó ít nhất là một cây, nghe nói cô nuôi bao gần hai mươi cô gái, toàn là hạng có học cả, nhưng thất nghiệp.

– Bậy! Bậy! Ông vào đó khi nào mà biết?

– Mấy tháng trời nằm lán ngủ rừng, lúc có tiền thì cũng phải tươi mát tí chút …

– Bác Diên, đảng viên nhà bác đấy…

– Tôi nói cho ông biết, đảng nào cũng là người, đã là người thì ai cũng thế cả thôi: ăn, ngủ… và đảng viên nào mà chẳng sờ… vợ? Ông đừng tưởng các ông tai to mặt lớn đều là những người thánh thiện cả đấy. Họ gái gú hơn cánh ta nhiều, toàn những cô gái trẻ măng, trẻ hơn cả con gái họ. Chỉ có điều họ giữ im lặng, im lặng là vàng mà. Nếu vụ nào vỡ lỡ thì xử lý nội bộ, người ta phải giữ gìn uy tín của đảng viên trước quần chúng nhân dân chứ.

– Này cậu Toàn, tôi hỏi cậu một câu: Trước lúc về nghỉ mất sức cậu có bao giờ nói thế không? Cả bây giờ nữa cậu đang ăn cơm ai, mặc áo ai?

– Vâng, thưa bố già, bố cũng như con vậy mà bố cũng phải bò theo con đi đào vàng đấy. Thì ra trong đội ngũ chúng ta cũng không ít những kẻ hám vàng như bố và con nhỉ? Có lẽ chính vì thế mà chúng ta cảm thấy xấu hổ khi phải ngồi cùng với bọn khốn nạn bàn những chuyện đạo đức, chuyện sinh mệnh của đất nước, của con người…

– Thằng nhóc, mày đừng nghĩ sinh hoạt đảng như cái hội tổ tôm.

– Ở thôn cháu chi bộ họ ông Đấu mạnh hơn chi bộ họ ông Ngàng, nên trong đại hội vừa qua chi bộ họ ông Đấu thắng cử, ông Ngàng ức lắm chửi ông Đấu là đồ đĩ bợm, đồ hủ hoá… Nghe đâu ngày xưa ông Ngàng bắt được ông Đấu ngủ hoá với bà Vị ở trước tam quan chùa ta, ông Đấu sợ bị kỷ luật khai trừ khỏi đảng, ông bịt miệng ông Ngàng bằng cách giới thiệu ông Ngàng, chi bộ giao cho ông Đấu dìu dắt. Vậy nếu không có cái chuyện đại hội đại hè thì ai biết cái chuyện hủ hoá của ông Đấu?

– Đảng họ kín lắm…

– Họ nhà ông Ngàng to nhưng ít đảng viên, sau ngày đại hội ông Ngàng rút ra bài học đau đớn, nên tới đây ông sẽ kết nạp một loạt con cái trong họ. Hôm vừa rồi mấy đứa trượt đại học đến nhà cháu nhờ viết hộ lý lịch, chúng nói dối quanh co là chữ anh đẹp anh viết giùm chúng em. Mình giả tảng nhưng biết mẹ nó rồi. Nghe chúng giảng cho nhau các thuật ngữ về đội tiền phong, giai cấp lãnh đạo… nghe tức anh ách. Gớm, chúng cứ ngỡ sau khi vào đảng chúng trở thành những người hiểu biết hơn hết thảy mọi người, có thể dạy dỗ thiên hạ được. Mấy tháng sau, con Hương nhà ông Phẩm ễnh bụng ra, ông Ngàng đau lắm, nhưng chẳng lẽ giết nó đi, ông ngờ cho ông Đấu chơi xỏ mình, dùng bọn trai tơ đến chim chuột con Hương. Chi bộ họ ông Ngàng họp lấy khẩu cung con Hương suốt ba đêm, nó chỉ một mực khai nó yêu thằng Long, ăn nằm với thằng Long. Thằng Long họ Đỗ, vậy đích thị thằng Long bị ông Đấu thuê. Rối rắm quá, thôi thì kết nạp hết bọn chúng vào đảng cho trong sạch quần chúng…

– Láo toét, mày là thằng ăn cháo đá bát. Nếu cái đất nước này không có chúng tao một thời phải ăn bờ ở bụi thì đời chúng mày đâu được ăn học tử tế để bây giờ chúng mày nhạo báng, chửi bởi đảng, chửi bới chế độ?

– Hậu sinh khả ố, chứ không phải hậu sinh khả uý…

– Hãy cho bọn mất dạy ấy đi học cảm tình đảng đi…

– Nếu tao còn là trưởng công an xã, tao sẽ cho chúng mày biết tay.

– Thôi các bố ơi, cắn xé nhau như thế đủ rồi. Mục đích của chúng ta bây giờ là vàng. Vàng gọi chúng ta đi tới cái nơi rừng xanh núi thẳm, sướng gì mà các bố chửi nhau như hát hay thế. Các bố bàn chuyện chính trị ở đây thì giải quyết được gì? Đất nước mình lạ thật, ai cũng có thể bàn được những chuyện đại sự, mở mồm là nói chuyện chính trị, xem ra vị nào cũng có khả năng làm được nguyên thủ quốc gai. Loạn thật!

Cô gái nắm lấy tay Sao giọng buồn bã.

– Cháu không tài nào ngủ được, cô kể cho cháu nghe một câu chuyện gì đi cô ơi.

Sao ngúc ngoắc trên ghế, chị cảm thấy bất ngờ trước lời đề nghị của cô gái, biết kể chuyện gì trong cái đêm ngược tàu này với một người còn nhiều xa lạ? Chuyện thì nhiều lắm, nhưng thật vô duyên khi chị đem những chuỵên của đời mình kể ở đây. Cô gái lại nắm lấy tay Sao, làm chị thêm bối rối.

– Cháu gái thân yêu ơi, cô sẽ kể cho cháu nghe câu chuyện xảy ra ở Ta Khao mà cô may mắn được biết trong những năm cô sống ở đó. Chuyện dài lắm, chẳng biết đêm nay có đủ thời gian để cô kể hết câu chuyện ấy ấy không…

– Cô kể cho cháu nghe một đoạn thôi – cô gái van nài.

Sao kéo hai mép khăn lại, đôi mắt chị như nhìn hút vào một điểm ở chốn xa xăm nào đó, chị bắt đầu kể giọng chậm rãi.

7.

“Hồi ấy ở ngọn nguồn dòng Na Ngò giáp với thung lũng Hua Lanh ở Ta Khao có một bản người Thái đen, họ bỏ đi lâu rồi giờ chỉ còn là một bãi đất trống với vạt núi nham nhở những gốc cây khô cháy, đất trơ cằn chỉ rặt một thứ cây cỏ xước, lá sắc như dao. Khó ai có thể tưởng tượng nổi nơi ấy ngày xưa là một bản làng trù phú, cây cối ngờm ngợp xanh tốt, mỗi mùa xuân tới hoa ban nở trắng núi rừng, đêm đêm lũ trai gái đốt lửa ngồi quay xa đàn hát bên những gốc cây ban già, và những câu chuyện bất tận về núi rừng, muông thú, về những mùa nương rẫy của các cụ già kể cho đám thanh niên trai tráng trong bản.

Ngọn lửa âm ỉ cháy suốt mùa đông dài lạnh giá, ngọn lửa là sự sống, nếu ngọn lửa tắt thì cuộc sống của con người ở đấy không còn nữa, bởi thế gia đình nào cũng nuôi lửa, giữ lửa trong ngôi nhà của mình. Mọi chuyện lớn nhỏ từ chuyện phát nương, ngày gieo hạt tới chuyện ngày cưới, ngày dựng nhà và quyết định giết nàng Ban cũng đều được bàn thảo quanh bếp lửa. Ngọn lửa chứng kiến tất cả bằng sự vô tư của nó.

Người ta kể rằng nàng Ban sinh ra từ một bông hoa ban nhỏ xíu trong cái mùa hoa ban năm ấy, lũ trai gái trong bản rủ nhau đi hái hoa, họ thức suốt đêm dắt nhau đi trong rừng ban thơm ngát. Mẹ của nàng Ban là một cô gái mồ côi nhặt được nàng Ban trong bông hoa của chàng trai ở bên kia núi trong đêm hội tặng. Bà nuôi giấu nàng trong ngực áo, nàng lớn lên mỗi ngày một đẹp, tóc dài xanh mướt như dòng suối Na Ngò, đôi môi nàng đỏ thắm như cánh hoa vông rừng bừng nở. Nàng đẹp lắm, nàng đẹp đến nỗi khi nàng bước chân ra ngoài sàn khiến chim rừng đang bay liền sà xuống, khi nàng ra suối soi mặt xuống nước làm bầy cá ngơ ngẩn ngắm nàng.

Người ta bảo nàng là chúa của loài hoa, bởi thế mỗi khi nàng ra khỏi nhà muông thú vây quanh, mặt trời mải mê ngắm nhìn nàng không chịu xuống núi. Đêm đêm xung quanh ngôi nhà của nàng rậm rịch những bước chân của đám con trai từ khắp các bản làng kéo tới, họ gửi vào tiếng đàn, tiếng hát mọi lời yêu thương nồng thắm.

Nàng im lặng quay xa không đáp lời ai, bởi nàng đã nhận lời với một người con trai cũng mồ côi và nghèo như nàng trong bản. Người con trai ấy vạm vỡ như gốc cây lim cháy, chàng chạy nhanh hơn cả dê rừng, mỗi bước chàng đi ào ào như gió bão. Chàng giỏi săn bắn, mỗi phát tên chàng bắn ra là một con thú bị gục ngã, chàng vác con thú lên vai chạy về ném xuống giữa sân bản, người ta cắt cái đầu và bốn chân và một đùi dâng Tạo bản (quan cai trị một bản), còn lại dân bản chia nhau. Đêm ấy quanh chum rượu bên bếp lửa mọi nhà ầm ĩ những lời chúc tụng.

Những câu chuyện về những lần đi săn, người ta kể cho nhau nghe như một huyền thoại không bao giờ hết.

Mùa ban năm ấy, chàng trai nghèo đến nhà nàng Ban, chàng ngắt một chiếc lá lên thổi, chàng hát rằng:

Ta là người trai nghèo khó yêu nàng

Ta chẳng có ruộng vườn nương rẫy

Không có khăn thêu vàng bạc cho nàng

Ta yêu nàng bằng trái tim khổ đau

Bằng đôi tay sần chai dẫu phát cả dãy núi Ta Khao

và tát cạn dòng Na Ngò xanh biếc

Ta là người trai nghèo nghèo khó

Nếu yêu ta nàng hãy cùng ta đi nhặt những cánh hoa ban

đêm nay ngời ngời trăng sáng…

Nàng Ban ngừng quay xa mở cửa bước xuống sàn theo chàng trai đi về phía cánh rừng ban đang mùa hoa bạt ngàn như mây trắng đậu ngang sườn núi. Họ hoà vào dòng người đi hái hoa, suốt đêm qua rừng này núi nọ. Đêm ấy họ nằm bên nhau dưới gốc ban ngay cạnh thác nước, nơi khởi thuỷ của dòng Na Ngò bời bời những cánh hoa ban buông mình xuống dòng thác trôi xuôi để báo với vùng hạ lưu mùa xuân ở trên núi đã hết.

Nàng Ban không thể biết nơi này bà mẹ khổ đau của nàng đã nhặt được nàng trong bông hoa nhỏ xíu của chàng trai bên kia núi tặng. Nàng vuốt mái tóc đen nhánh của chàng trai đang ấp gương mặt và những hơi thở nồng nàn, nóng hổi trên khuôn ngực non tơ của mình.

– Ta sẽ lấy gì để sống với hai bàn tay không nương rẫy, ruộng vườn hả anh?

– Anh sẽ bắt cá dưới suối Na Ngò, bẫy thú rừng trên núi Ta Khao về nuôi em…

– Núi rừng của nhà Tạo, nhà Quan, chim chóc, muông thú cũng của nhà Tạo, nhà Quan.

– Ta sẽ bỏ đất này mà đi, tới nơi con chim không bay tới, con thú không đến nổi. Bằng hai bàn tay anh sẽ gieo hạt cấy cày nuôi em, em hãy đẻ cho anh một đàn con, chúng ta sẽ lập một bản mới. Anh sẽ dạy cho bọn con trai săn bắn, phát rẫy làm nương, còn em sẽ dạy cho lũ con gái quay tơ dệt vải, nấu nướng và nuôi con…

– Nhưng nếu anh chết trước em thì sao?

– Thì em hãy dạy cho các con làm lụng…

Họ say sưa hiến cho nhau tất cả nỗi khát thèm và niềm hứng khởi cho nhau, họ không để ý tới ngọn thác đang réo sôi chuyển rung lòng đất như sự giận dữ của núi rừng ghen tỵ trước tình yêu say đắm của đôi trai gái đang quấn riết lấy nhau, bất chấp phong tục hà khắc của dân tộc họ.

Họ chỉ biết có nhau, không cần biết tất cả những gì đang diễn ra xung quanh, núi rừng rỗng không, trời đất rỗng không, chỉ có những cánh hoa ban trinh trắng đang trút xuống vây bọc lấy họ cùng những giấc mơ kỳ diệu về một miền đất xa xôi, nơi cùng trời cuối đất.

Chàng trai sẽ chặt gỗ dựng một ngôi nhà sàn, cột phải mười con trâu kéo, đi từ đầu nhà nọ sang đầu nhà kia phải mất nửa ngày, trên sàn đầy ắp lúa ngô, dưới sàn lúc nhúc lợn gà, chàng sẽ làm một ngàn chum rượu cần, giết một trăm con dê, đồ một trăm chõ xôi cúng thần núi, thần rừng, thần lửa, thần lúa và gọi tất cả dân các bản trong vùng về mừng đứa con đầu tiên của nàng Ban sinh ra. Nàng sẽ đẻ cho chàng một trăm đứa con, con trai thì khoẻ mạnh như chàng, đi thì sạt núi, lở rừng, chạy nhanh hơn cả gió, săn bắn giỏi như chàng, chim đang bay bắn rụng, con hổ đang chạy bắn vỡ tim. Chúng biết rèn dao, rèn cuốc, khoan súng, đúc lưỡi cày…, một ngày cày được trăm sải tay. Nhìn thấy chúng lũ hổ lủi vào rừng, lũ gấu vội quay đi. Còn đám con gái thì xinh đẹp như nàng, tóc dài như suối, xanh mượt như rêu, da trắng hơn nõn chuối rừng, chúng chịu khó lam làm, khéo xe tơ kéo sợi, dệt nên những tấm vải đủ màu mịn màng mượt như rêu dưới lòng suối, mỗi bước chúng đi làm cả đất trời ngơ ngác…

Họ đắm say trong giao duyên và ước vọng quên đêm xuân đang tàn và ngày mới đang rạng ngời trên đỉnh núi Ta Khao. Họ không thể biết có một người đã nhìn thấy họ, đó là lão thầy cúng Lao Man, lão đã nhiều lần đến nhà nàng trong nỗi khát thèm của con quỷ dâm đãng. Lão ngủ với bao nhiêu cô gái, bao nhiêu bà vợ ở khắp vùng Ta Khao khi lão được mời đến gọi hồn bắt vía. Lão Lao Man ba lần bị nàng Ban đẩy ra khỏi cửa, lão căm giận không bắt được vía nàng, được đặt bàn tay lên khuôn ngực tràn trề sức sống của nàng. Lão định tóm nàng trong cái đêm hái hoa, nhưng lão đã tóm trượt, lão làm sao giành nổi nàng trong cánh tay vạm vỡ của chàng trai kia, lão quay về với sự tức tối đầy trong ngực.

Và lão chờ….

Đám cúng của nhà In đã ba đêm rồi, đêm nay là đêm thứ tư, gần sáng mà vẫn chưa tàn. Đây là lần thứ ba Ngừn, vợ In sinh con thì cả ba lần đều bị ma bắt. In ngồi rũ rượi bên cột nhà đỡ cho Ngừn khỏi rũ xuống, con In nằm kia sắp sửa bị chặt làm ba khúc ném xuống suối Na Ngò, khoảng cách mỗi lần ném là một hồi trống.

“Tao chặt đầu mày, tao chặt chân mày, tao ném mỗi mảnh một phương để mày không thể lộn lại về nhà tao được”. Ngừn năm nay mười sáu, ngày In đến làm rể Ngừn mới mười hai, vú Ngừn khi đó chỉ nhu nhú bằng đầu ngón tay cái. Ở rể được một năm bố mẹ Ngừn cho chung chăn chung gối. Năm nay Ngừn mười sáu, ba lần đẻ nhưng chả lần nào Ngừn được nuôi. Con ma ác quá, Lão Lao Man là thầy cúng có tiếng ở vùng này, lão đã bắt biết bao nhiêu là ma, con ma này to lắm, lão cúng suốt đêm, chiếc đĩa lão để ngoài sân quá nửa đêm rồi mà vẫn chưa thấy máu nhỏ xuống. Lão lại trùm chiếc khăn đỏ lên đầu, giọng lão đã khản và tay lão rời rạc đổ xuống những thanh gỗ con con nhẵn bóng như sừng bởi mồ hôi và mỡ.

Chợt lão vùng dậy, hai mắt lão trợn ngược, tay chỉ vào con đom đóm đang bay vật vờ trên vách.

– Ma, ma cà rồng đấy….

Tất cả mọi người trong gia đình đều bật dậy, những gương mặt ba bốn đêm mất ngủ ngơ ngẩn không hiểu gì. Họ chạy theo lão thầy cúng như những kẻ bị thôi miên. Lão Lao Man vừa chạy vừa huơ nắm hương trên đầu, mọi người rầm rập chạy theo lão về phía nhà nàng Ban.

Nàng Ban đang ngủ, gương mặt nàng xanh lét trong ánh lửa vừa khêu lên từ cây củi vùi một đầu trong tro nóng.

– Nó đấy, đúng là nó là ma cà rồng rồi, mũi nó đỏ thế kia…

Mọi người chạy toá ra trong nỗi khiếp đảm kinh hồn. Nàng Ban tỉnh dậy, nàng ngơ ngác nhìn những người đang xô đẩy nhau ra cửa chạy xuống sàn mà không hiểu chuyện gì xảy ra trong ngôi nhà này. Lão Lao Man chỉ vào mặt nàng giọng dằn xuống.

– Mày là ma ca rồng…

Nàng rùng mình, đôi mắt nàng bạc trắng.

– Tôi là ma cà rồng ư?

– Đúng! Chính mày. Chúng tao phải giết mày, bởi mày đã gây nên bao nhiêu là tội lỗi cái vùng này. Bao nhiêu ngày tháng nay tao rình mày, đến hôm nay thì tao bắt được mày…

– Trời ơi! Không, tôi không phải là ma, tôi đang ngủ, tôi đang đùa với đứa con của tôi…

Nàng Ban ôm đầu gục xuống đống chăn rối bời mà kêu mà khóc.

– Thấy chưa, chúng mày đã nghe thấy chưa? Tiếng lão thầy cúng khi quay ra – Nó đang đùa với đứa con của nó… Ôi, mọi đứa con gái là ma cà rồng đều đẹp như thiên thần ấy, đẹp lắm.

Sớm hôm sau, mấy gia đình ở cạnh nhà nàng Ban vội vã chuyển đi nơi khác. Tin nàng Ban là ma cà rồng bỗng chốc lan đi khắp vùng, mọi người đều ghét bỏ nàng, họ nơm nớp lo sợ một đêm nào đó nàng Ban lẻn vào nhà họ hút máu bà già, trẻ em và những người ốm yếu. Nàng là mối đe doạ cho tất cả mọi nhà, mọi người đều xa lánh nàng. Lũ trẻ hễ thấy nàng là chúng vội chạy vào nhà đóng ập cửa lại, ai cũng xa lánh và xua đuổi nàng, họ ném đá chửi bới khiến nàng không dám đi cùng đường với họ. Đêm đêm mọi nhà đều đóng cửa rất sớm, họ cài những cành gai bên cầu thang, trước cửa ra vào, bên vách buồng họ nằm.

Những người chết, người ốm đau ở vùng này từ trước tới nay đều đổ tội lỗi lên đầu nàng, họ thêu dệt đủ thứ chuyện kỳ quái cho nàng.

– Này nhá, một lần đi săn qua đám nương nhà nó, tôi nhìn thấy một con lợn đang ngửi đám phân ngựa sát cạnh lều nương, tôi nhằm vào đúng đỉnh đầu nó bóp cò. Roạt! Nó lao vụt qua bụi lau bên cạnh, tôi nghĩ con vật đã bị trúng đạn nên vội chạy tới thì chợt thấy thoáng một bóng người sau bụi lau. Trời ơi, tôi bắn trúng người rồi. Sợ quá tôi bỏ chạy một mạch về nhà không dám ngoái lại. Ba bốn hôm sau không thấy động tĩnh gì, mọi nhà đều đủ người tôi mới trở lại chỗ ấy, một vệt lau rạp xuống. Thôi đúng rồi, mụ đã biến thành người…

– Còn tôi một lần nhìn thấy nó thọc hai chân vào mũi, mụ đi như bơi bằng hai cánh tay của mình, từ hai lỗ mũi mụ phát ra hai tia sáng xanh xanh…

– Đêm nào tôi cũng thấy quanh nhà nó những đốm sáng xanh lét.

– Chắc là nó đi kiếm ăn về. Tôi nhớ một hôm đến nhà nó tôi để quên con nhái trong túi bắt được trong lúc đi ra suối, thấy nó ngáp liên tục, nước nhãi chảy ròng ròng. Khiếp quá, tôi phải về ngay.

– Chính nó hút máu làm chết con thằng Làn, rồi bố thằng Đăm, họ đều chết sau hôm nó đến thăm.

– Nó đã làm hại bao nhiêu người, phải giết nó đi thôi…

Rồi một hôm những nhà có người ốm, người chết kéo đến nhà Tạo bản kiện nàng Ban. Tạo bản ngồi ở thương côông (cạnh bếp lửa phía chủ nhà nằm) trên chiếc sạp gỗ có trải một tấm da hổ, trước mặt Tạo là chiếc bàn đèn và đống lửa đang ngùn ngụt cháy. Đám người đi kiện, đàn ông thì ngồi phía quản (phía sàn có bếp lửa chủ nhà ngồi), đám đàn bà con gái ngồi phía chan (phía sàn người gánh nước lên nhà. Nàng Ban quì bênh cạnh bếp lửa nấu ăn, chiếc khăn piêu che gần hết gương mặt chỉ hở đôi mắt, nàng đặt hai tay lên đầu gối kiên nhẫn chờ Tạo bản hút xong điếu thuốc phiện mới ngẩng lên.

Tạo bản là một lão già hom hem, đôi măt trắng dã lúc nào cũng lờ đờ, gương mặt Tạo ám khói thuốc phiện, nhăn nhúm như chiếc bong bóng lợn đã xẹp hơi treo trên gác bếp đã lâu ngày. Vừa dứ dứ ngón tay đen đúa vào mặt nàng ban, tiếng Tạo rít qua cái cổ họng hẹp nghe the thé.

– Mày là ma cà rồng à?

– Tôi không phải là ma cà rồng…

– Thầy cúng Lao Man bắt được mày đến ăn máu con thằng In?

– Tôi không ăn máu con thằng In, vợ nó là bạn của tôi…

Tạo bản mồi thêm một điếu thuốc phiện nữa rồi tựa người vào đống chăn đệm phía sau lưng, ghé chiếc tẩu vào ngọn đèn đốt bằng mỡ lợn, tiếng rít xe xe, mặt Tạo chìm trong làn khói thuốc xanh biếc.

– Mày thường đi ăn đêm vào lúc gà gáy à?

– Lúc đó tôi còn đang ngủ…

– Bao nhiêu người đến kiện mày kia, mày biết những người này chứ?

Người thứ nhất đứng dậy là một lão già bẩn thỉu, thân hình lão cóm róm, tóc cờm cợp xoắn bết lại với nhau cứng quèo, mặt bé choắt, hai hố mắt hũng sâu đầy dử. Lão thu thu hai bàn tay vào trước bụng, giọng phều phào.

– Vợ tao ốm gần một năm không đi lại được, nó ỉa ra cả máu không thuốc nào chữa khỏi, thầy mo bảo vợ tao bị con ma suối làm ốm, tao mời thầy mo về cúng được năm đêm, mày ngửi thấy mùi người ốm mày đến. Mày cầm bàn tay của vợ tao, đến đêm thứ sáu thì vợ tao chết. Có phải mày hút máu của vợ tao không?

Lão già ôm mặt khóc, tấm thân nhỏ bé của lão rung lên, ai đó kéo lão ngồi xuống, tiếng lão càng nức nở hơn.

Người thứ hai đứng dậy là một gã đàn ông, không ai biết được tuổi gã, mặt gã phẳng lì, đôi lông mày lưa thưa chỉ còn vài sợi, đôi mắt u tối, giọng lão khề khà của một kẻ nát rượu.

– Nó là con ma cà rồng à? Phải đấy, tao đã gặp nó đang liếm máu dính trên cỏ chỗ con trâu nhà Xanh Phưn giết hôm dựng nhà. Tối ấy đi uống rượu về, tao nhìn thấy hai vệt xanh lét từ hai lỗ mũi nó tao sợ quá bỏ chạy…

Nét mặt nàng Ban đỏ bừng vì tức giận dần chuyển sang xanh tái. Nàng gục xuống nức nở.

– Không, tôi không phải là ma cà rồng…

Tạo bản đập tay xuống thương côông quát:

– Mày phải cút khỏi nơi này, hoặc mày phải chết!

Mọi người đều bật dậy, họ ném củi, than và tro bếp lên đầu, lên mặt nàng Ban. Nàng ngước nhìn trong đám người kia, chàng trai người mà nàng yêu cũng có mặt tại đó, chàng giương to đôi mắt vì kinh hãi nhìn nàng, tựa như nàng vừa rơi từ một nào xuống, một kẻ chuyên gieo rắc bệnh tật và cái chết cho dân bản khắp vùng Ta Khao. Đôi cánh tay lực lưỡng của chàng không giúp nàng cản được những thanh củi đang tới tấp ném xuống đầu nàng. Chàng đã nghe được hết tất cả những lời của mọi người vừa nói, chàng cũng tin nàng là ma cà rồng thật ư? Chả thế sao đôi mắt chàng nhìn nàng đầy vẻ sợ hãi thế kia?

Nàng Ban rũ xuống trong tiếng la hét và những lời nguyền rủa thậm tệ, ngôi nhà sàn bảy gian của Tạo bản rung lên bởi sự giận dữ của mọi người. Ta là ma cà rồng thật ư? Nàng tự hỏi mình như thế. Không! Không, ta không phải là ma, ta là con người, mẹ ta nhặt được ta trong bông hoa ban nhỏ xíu đẹp nhất vùng Ta Khao, bà nuôi ta trong ngực áo, ta lớn lên theo bà phát rẫy làm nương, cũng giống như mọi người tắm nước suối Na Ngò trong mát, nước suối Na Ngò làm thịt da ta tươi nhuần, tóc ta mịn như rêu, ai cũng khen ta đẹp và khéo tay nhất vùng, tấm vải ta dệt mịn màng không một sợi đứt nối. Ta hát hay và xoè đẹp. Đã bao đêm Tạo bản gọi ta về đây xoè cho Tạo xem, nhiều người trai yêu ta, ta chẳng dám yêu họ bởi vì ta nghèo không có đủ chăn, đệm để mang về nhà chồng. Chàng đến yêu ta, ta yêu chàng, mẹ ta có lần bảo: Chỉ những người nghèo mới biết thương nhau. Chàng còn nhớ trong cái đêm hội hái hoa vừa qua chàng ôm ta trong cánh tay lực lưỡng, chàng vuốt cặp đùi thon dài của ta, vuốt đôi cánh tay và chàng ấp gương mặt lên khuôn ngực ta. Chàng còn nhớ những lời chàng nói với ta không? Chàng hứa sẽ đưa ta tới vùng đất không có dấu chân người để dựng nhà lập bản, ta sẽ đẻ cho chàng một đàn con. Ta chưa báo tin cho chàng biết rằng ta sắp có con, chàng có vui không, đứa bé đang nằm trong bụng ta đây là con của chàng đấy. Còn bây giờ chàng có nhìn thấy mọi người đang chửi rủa ném tro than vào người ta không? Chàng không yêu ta thật, ta là ma cà rồng ư? Người ta nói ma cà rồng sau khi sinh con sẽ ăn con mình. Không! Ta không phải ma cà rồng!…

(Còn tiếp)

Comments are closed.