Đêm giữa ban ngày (kỳ 18)

26

Đùng một cái, chúng tôi bị chuyển phòng.

Buổi tối, chúng tôi còn đang chúi mũi vào ván cờ tướng thì bỗng giật mình nghe tiếng mở khóa. Ngẩng lên đã thấy Sứ giả hòa bình sừng sững đấy rồi. Không nhìn đến chúng tôi, cái mũi đỏ hất lên, anh ta nói:

– Chuẩn bị đồ đoàn! Chuyển phòng.

Tù bị di chuyển từ phòng này qua phòng khác, từ khu này qua khu khác là chuyện thường ở đây. Mục đích của việc chuyển phòng, Thành giải thích, là để tránh tình trạng thông cung, thường là sự sắp xếp lại tù nhân trong một vụ. Mục đích thứ hai là không để cho người tù ở lâu một chỗ, không thể có thời gian chuẩn bị cho một cuộc trốn trại. Lệnh chuyển phòng bao giờ cũng đột ngột, tù không thể được biết trước. Người tù có kinh nghiệm lúc nào cũng ở tư thế sẵn sàng. Anh ta không thể không sẵn sàng, bởi vì sự cập rập thường gây ra những tổn thất nặng nề – quản giáo ập vào đúng lúc mình không ngờ nhất, và thế là những vật quý giá chưa kịp cất giấu sẽ không mang theo được, còn bị quản giáo tịch thu và thi hành kỷ luật.

Đứng đầu các thứ quý có thể bị mất là con dao. Để làm một con dao người tù xà lim phải bỏ ra rất nhiều thời gian, nhất là thời gian tìm nguyên liệu. Sắt đai thùng, hoặc sắt nói chung, không phải chỗ nào cũng có, có được nó phụ thuộc vào may rủi. Sau đó mới tới việc chế tạo nó, thường mất cả tuần, cả tháng, có khi hơn, trong điều kiện quản giáo lỏng lẻo, anh tù khéo tay và may mắn.

Tôi chăm chú nhìn Sứ giả hòa bình. Y nói với ai? Với tôi hay với Thành? Hay với cả hai? Liếc sang Thành, tôi thấy anh cũng lo lắng không kém. Anh bước từ phản xuống, hai tay chắp lại, lễ phép:

– Báo cáo ông quản giáo, tôi? Hay anh này?

Tim chúng tôi đập dồn, mặt chúng tôi căng thẳng – chúng tôi nhìn chằm chằm vào mặt viên quản giáo, chờ đợi lời phán quyết.

– Cả hai.

Sứ giả hòa bình hờ hững đáp.

Tim tôi đập rộn. Tôi sung sướng. Phải xa Thành, tôi đau khổ thật sự. Thành nhìn tôi, mắt long lanh. Anh cũng vậy, anh quen sống có tôi bên cạnh mất rồi. Chúng tôi quýnh quáng dọn đồ, không quên cả cái bàn cờ bằng giấy xi-măng và những quân cờ bằng giấy gói kẹo. Chúng tôi nhìn nhau, mặt mày rạng rỡ.

– Đi!

Hiểu được tâm trạng chúng tôi, Sứ giả hòa bình hiền từ mỉm cười. Anh ta lững thững đi trước, chúng tôi líu ríu theo sau.

Sau những cánh cửa đóng kín, những tiếng động không bình thường vẳng ra – tiếng ho khan, tiếng đằng hắng. Đó là các bạn tù nói lời chia tay với chúng tôi. Tuy không nhìn thấy nhau, những người tù hàng xóm láng giềng vẫn cảm thấy sự hiện diện của nhau, vẫn hình dung ra nhau căn cứ những dấu hiệu khó nhận thấy nhất. Bên phải chúng tôi là một ông già, hẳn rất gày còm, ông thường ho khan vào sáng sớm. Tối tối ông ngâm thơ, giọng ư ử như bị cảm lạnh. Bên trái là anh chàng không ngừng chiến đấu “cho ngày nay, cho ngày mai, cho muôn đời sau”[1]… Ngoài cái bài muôn thuở ấy anh ta không biết bài nào khác. Sát anh ta là một cán bộ thương nghiệp, hình như cấp sở hay bộ. bị tù vì tội tham ô. Có lần anh này đi nhận tiếp tế về, tôi nghe Hách nói, giọng ghen tị: "Cán bộ thương nghiệp, hả? Vợ là nhân viên mậu dịch, hả?". Tôi thoáng thấy anh ta từ xa – người tầm thước, trắng trẻo, béo tốt, hơi gù. Ở cuối hành lang là anh tù tử hình đáng thương, trắng bệch và phù thũng do ở trong phòng kín lâu ngày. Để đánh tín hiệu từ biệt, anh ta rống lên một câu vọng cổ thê lương đến nỗi Sứ giả hòa bình phải quát: "Này anh kia, có đậy ngay lập tức cái thượng môn của anh đi không hử?"

Khu xà lim chúng tôi được chuyển tới bề thế hơn khu chúng tôi vừa bỏ đi. Nó cách khu xà lim 3 chưa tới trăm mét tính theo đường chim bay, nhưng vì phải đi vòng vèo theo Sứ giả hòa bình qua mấy khu trại chung cho nên thấy nó xa hơn. Người ta tính toán chu đáo: cuộc di chuyển diễn ra lúc chiều tối, khi tất cả tù xưởng thợ, tù tự giác, đều đã bị lùa vào trong các nhà giam chung, chẳng ai nhìn thấy chúng tôi.

Chăn chiếu cắp nách, tay tòn ten bộ quần áo thay đổi, chúng tôi đi trên những lối hẹp ngoắt ngoéo vắng tanh vắng ngắt. Từ bên trong những nhà giam hình khối chữ nhật vẳng ra tiếng người rầm rì làm thành một tiếng ồn không dứt.

Trước khi vào ngôi nhà-hầm-mộ kế tiếp, chúng tôi còn phải qua một cái cổng nhỏ không khóa, một mảnh sân hẹp.

Bên trong, khu xà lim mờ tối giống như một cái hang với những bóng điện đầy bụi bặm hấp hối trong những rọ lưới sắt. Nó giống một khoang tàu chở khách, loại tàu cổ lỗ từ đầu thế kỷ, với những cửa ca-bin đều tăm tắp ở hai bên hành lang. Con tàu chết máy, nó trôi dạt trên đại dương thời gian, còn hành khách thì ngủ mê mệt sau những cánh cửa đóng im ỉm. Chỉ ở đầu hành lang, gần cửa vào khu hầm mộ, có một xà lim để ngỏ. Tôi ngó thấy bên trong trống rỗng, mấy bức tường đen xì.

– Đấy là xà lim ông Hoàng Văn Thụ. Ông ta nằm đây trước khi bị xử tử. – Thành giải thích, khi chúng tôi đã dọn dẹp xong chỗ ở mới – Khu này có tên là xà lim 1. Còn được gọi là xà lim án chém. Trong các xà lim án chém tường đều sơn một màu đen như thế. Đến thời ta mới quét vôi lại, nhưng xà lim lưu niệm này vẫn giữ nguyên như cũ, trước thế nào sau thế ấy.

– Nghĩa là khu này cổ nhất Hỏa Lò?

– Tôi không dám nói chắc. Khu xà lim 3 ta vừa đi khỏi là khu mới xây, thời tạm chiếm hay là thời mình tôi không rõ, chắc là thời mình, anh không thấy phòng ở đấy hẹp hơn à?

Tôi quan sát nơi ở mới. Xà lim cũ hẹp hơn, trần cao hơn, nhưng mùa đông ấm hơn vì kín gió. Không biết rồi tôi còn được du ngoạn qua bao nhiêu xà lim nữa?

Ngoài xà lim lưu niệm dành cho Hoàng Văn Thụ, không còn xà lim lưu niệm nào khác. Lịch sử Việt Nam, và lịch sử cách mạng Việt Nam nói riêng, được trình bày như thể nó chỉ bắt đầu hiện hữu với sự ra đời của Đảng cộng sản Đông Dương. Các tổ chức cách mạng khác ít được nhắc đến, mà có nhắc đến thì cũng bằng giọng bề trên, kẻ cả, phê phán điểm này, dè bỉu điểm kia.

– Ở bên này được cái thoáng hơn. – Thành nhìn quanh, nói.

Khác với xà lim trước, ở tường hậu phòng giam chúng tôi có một cửa sổ to, sau chấn song sắt ngăn cách nó với ngoài trời là một lưới thép dày bưng kín. Bụi bám đầy lưới, như trong một kho hàng. Bên trên cửa ra vào có một khoảng cũng bít lưới như thế.

Không biết bằng cách nào những khách trọ cũ ở đây bẻ được cả một mảng lưới sắt, làm thành một lỗ thủng to bằng bàn tay, qua đó không khí ri rỉ chảy vào phòng. Người ta biết, chắc chắn thế, nhưng chẳng buồn vá lại. Tù trong khu xà lim này có vượt ngục được cũng còn lâu – sau tấm lưới và những song sắt gộc là bức tường đá sừng sững, dây thép gai giăng mắc bên trên, bốn bề có vọng gác lúc nào cũng có lính cầm súng canh chừng, đêm cũng như ngày.

Chỗ ở mới có mùi khó tả. Mặc dầu vừa được quét dọn – trên sàn còn ướt những vệt nước – nó vẫn tanh tưởi và lạnh lẽo.

– Còn phải dọn nhiều – Thành nói – Khí lạnh ở đây là tử khí đấy. Chắc có tù tử hình vừa đi.

Xà lim 1, Thành giải thích, bây giờ dùng để giam tù trọng án trong thời kỳ giam cứu là chính, chứ không phải cho tù tử hình. Nói chung, án tử hình bây giờ ít được tuyên, xử nặng nhất cũng chỉ đến chung thân, hai mươi năm. Nếu cải tạo tốt, được giảm án đều đều, sống được qua sóng gió nhà tù, người mang án chung thân có thể được ra sau mười hai, mười lăm năm, còn người mang án hai mươi năm có khi mới tám năm, chín năm đã được về.

Nếu tình hình hiện nay kéo dài thì khả năng tôi ra khỏi đây là ít. Chừng nào Lê Duẩn và Lê Đức Thọ còn sống. Mà chúng còn sống còn lâu. Cả hai đều khoẻ. Béo tốt, hồng hào.

Thiên hạ đàm tiếu nhiều về chuyện quan hệ với phái yếu ở các nhà lãnh đạo cao niên. Theo lời đồn, họ đều là những người hảo ngọt. Chuyện ấy là đề tài ưa thích trong cuộc sống đơn điệu. Tuy nhiên, chẳng ai rỗi hơi nói tới chuyện riêng tư của các vị, nếu như các vị không lên mặt đạo đức, luôn miệng dạy dỗ thần dân lối sống khắc kỷ xã hội chủ nghĩa. Lời đàm tiếu là phản ứng ngược cho những lời rao giảng đạo đức giả. Các vị lang chạ với hết cô này cô khác thì không sao, cán bộ cấp thấp mới chỉ hơi dính dáng chuyện ăn nằm với phụ nữ, gọi là “hủ hoá”, thì đã bị kiểm điểm lên kiểm điểm xuống, bị thi hành kỷ luật rồi. Trong chuyện này, theo lời đồn, Lê Duẩn là người hồn nhiên. Lê Duẩn không coi dư luận ra gì. Cái gì Duẩn thích là Duẩn làm. Thọ chẳng thua gì Duẩn, theo những người gần Thọ cho biết, nhưng kín đáo hơn. Mỗi lần cán bộ nữ đến cầu cạnh Thọ để xin lên chức, lên lương, thường được Thọ cho gặp riêng để đả thông tư tưởng. Họ ra về, mặt tươi nở. Được gặp anh Sáu là đời lên hương rồi.

Tôi là người duy lý. Tôi sẵn sàng chấp nhận những nhà lãnh đạo mắc bệnh tim la. Miễn họ đừng lạm dụng quyền chức gây đau khổ cho đồng bào.

Đêm đến, qua lỗ thủng trên tấm lưới sắt nơi ở mới tôi có thể nhìn thấy những cành sấu trụi lá in những nét gãy lên nền trời tím đen với những vì sao yếu ớt run rẩy trong gió bấc.

Chiều hôm sau, lúc trời nhập nhoạng tối, chúng tôi đang nằm nghỉ sau bữa cơm chiều thì nghe tiếng chân người chạy thình thịch bên ngoài, tiếng mở cửa, đóng cửa, rồi sau đó mọi sự lại trở về yên lặng.

– Có tù mới đến, cậu ạ. – Thành nhận xét.

Ngày hôm sau anh bổ sung:

– Người này trong vụ các cậu.

Một nhận xét hẳn phải là chín chắn. Nó được nghiền ngẫm tới hai ngày.

– Căn cứ dấu hiệu gì mà anh cho là như thế? – tôi hỏi.

– Trước hết, nếu là tù thường, người ta không dọn dẹp xà lim trước khi cho vào. Hôm qua, khi ta mới tới, tôi nghe tiếng quét dọn, là một. Tiếp đến có giám thị hay là cấp to của nhà tù đến kiểm tra, là hai. – Thành phân tích – Sáng nay, đi qua tôi thấy cửa phòng hé mở, ngó vào thấy có cái giá gỗ mới tinh để trên phản, là ba… Tù thường, không phải tù đặc biệt, không được người ta đối xử thế đâu.

– Hôm tôi bị đưa vào, người ta có dọn phòng không?

– Tôi đến trước cậu vài ngày. Phòng đã được dọn dẹp sạch sẽ rồi.

– Hừm, lạ nhỉ?

– Trong vụ các cậu có vẻ họ còn lấn bấn, chưa dám quyết…

Hóa ra Thành có biết nhiều anh em trong quân đội trong vụ chúng tôi. Vài người từng là bạn chiến đấu của anh. Sự có những người quen biết chung làm chúng tôi thêm gần nhau. Anh cám cảnh cho tôi lắm.

– Tình thế của cậu, nói thực nhé, chẳng lấy gì làm sáng sủa đâu. – Thành vuốt mái tóc lòa xòa – Điểu tận thì cung tàng. Kể từ Cách mạng Tháng Tám tới nay tôi chưa từng thấy vụ nào tương tự. Lớn quá, lớn quá! Người ta dám làm thế là người ta quyết tâm lắm. Không dễ gì họ bỏ cuộc. Chơi nhau thế này là sát ván rồi.

– Còn phải nói!

– Họ quyết tâm, nhưng lại chưa quyết liệt trong hành động. Chưa dám. Cách đối xử thế này tỏ ra họ còn một chút e ngại, một chút phân vân… Nếu triệt không được thì cũng phải để lại một đường rút chứ.

Thành tỏ ra có cách suy luận rạch ròi.

– Tôi nghĩ họ vừa làm vừa nghe ngóng. – tôi đồng ý với anh – Trong mọi việc, họ là như thế. Nếu thấy trong ngoài không phản ứng thì họ làm tới.

Thành thông cảm nhìn tôi, khuyên nhủ:

– Lại càng cần bình tĩnh nhìn thẳng vào sự thật để mà chịu đựng. Thôi thì cứ coi như cậu chia sẻ nỗi khốn khó với ông cụ. Tội nghiệp ông cụ quá. Cậu còn sống lâu, còn có quyền hi vọng. Chứ ông cụ thì mất cả cuộc đời!

Tôi thở dài.

– Trong lịch sử nước ta chưa bao giờ xảy ra chuyện bắt nhiều công thần một lúc như thế.

Buổi chiều ra lấy cơm, Thành đưa mắt chỉ cho tôi cái xà lim có tù mới. Cánh cửa đóng im ỉm. Từ bên trong không một tiếng động nào vẳng ra.

Ngày hôm sau, khi ra nhận cơm trưa, tôi thấy cửa xà lim nọ khép hờ. Bên trong, một cái chăn đơn để bừa trên phản và dưới cái giá gỗ mộc mới đóng lỏng chỏng mấy hộp thuốc bên tuýp kem răng Hoa Mai.

– Anh đúng. Người đó trong vụ tôi.

– Cậu căn cứ vào cái gì?

– Nếu là tù khác, chăn để không gọn gàng thì quản giáo mắng, nhưng sáng nay lấy tù đi cung, chỉ nghe tiếng quản giáo mở cửa… Nói chung, họ đối với chúng tôi có nhẹ nhàng hơn. Họ biết quá, chúng tôi không sợ chết, nói gì sợ họ.

Thành gật gù rồi khen tôi:

– Cậu bắt đầu biết xét đoán việc trong tù rồi đó!

Trong khu xà lim 1 chúng tôi thoát được con chuột già của xà lim 3, nhưng lại gặp giặc kiến hôi. Bộ lạc những con kiến li ti màu vàng nhạt này đông vô số kể. Chỉ có thể chạy trốn chúng chứ không thể giết chúng. Con kiến bé tẹo khi bị di chết tiết ra một mùi hăng khó tả, giống mùi hạt thu đủ bị bóp nát. Lũ kiến gan lì và kiên nhẫn không thể tả được. Chỉ một gói kẹo nhỏ thôi cũng đủ để chúng điên lên, lùng xục đủ mọi chỗ mà Thành có thể cất giấu. Ban ngày anh móc vào lưới thép cửa thông hơi. Ban đêm anh treo trên đình màn. Chỗ nào rồi chúng cũng tìm ra. Tìm được rồi chúng lăn xả vào, sẵn sàng chết chỉ để hút một chút xíu chất ngọt. Cái kẹo thế là không thể ăn được nữa vì cái mùi hăng của xác kiến. Nhưng chúng tôi lại quá nghèo để có thể vứt đi. Đành phải rửa kỹ kẹo cho xác kiến trôi đi mà ăn vậy.

Lũ chuột cống ở đây không cần phải vào xà lim kiếm ăn. Thức ăn đã có sẵn ngoài sân. Đó là phần cơm tù được nhà bếp gánh vào, thường là rất sớm. Leo lên cửa sổ ngó ra sân, tôi thấy những con chuột béo múp ngồi chễm chệ trên những tô cơm của chúng tôi. Tôi phải gạt bỏ phần cơm trên nguội ngắt, đè cảm giác ghê tởm xuống mà nuốt phần ít ỏi còn lại. Có hôm tôi bắt gặp Thành rơm rớm nước mắt bưng bát cơm lên miệng.

Trong các quản giáo chỉ có Sứ giả hòa bình là thông cảm với nỗi khổ tâm của tù xà lim trong chuyện ăn uống. Anh ta thường có mặt để mở cửa cho tù ra nhận cơm ngay khi nhà bếp vừa gánh tới. Khốn nỗi, quản giáo làm việc luân phiên nhau, không phải ngày nào tù cũng được gặp Sứ giả hòa bình. Hách thuộc loại người khác hẳn. Mặt y lúc nào cũng vác lên theo hình mẫu lãnh tụ. Già nhưng đỏm dáng, y quan tâm tới nếp là của bộ cảnh phục hơn nhiều thứ trên đời, nói gì tới bữa cơm cho tù. Hách thường để cơm nguội tanh mới đủng đỉnh dẫn rượu vào khu xà lim. Lũ chuột thừa thời giờ ăn, ăn rồi còn ỉa cả vào những tô cơm tù.

Tôi quyết định nói với cán bộ chấp pháp Hoàng về tình hình cơm nước trong khu xà lim.

Hoàng nghe tôi chăm chú, im lặng hồi lâu.

– Làm sao anh biết cơm bị chuột vầy?

– Tôi nhìn thấy.

– Anh trèo lên cửa sổ ngó ra?

– Phải.

– Anh trèo lên bằng cách nào?

– Bằng cách thông thường nhất. Như người ta thường trèo.

– Cửa sổ cao mà.

– Tôi có cách.

– Hừm, nghĩa là anh nhận anh vi phạm nội quy? Anh có biết làm như thế anh sẽ bị kỷ luật không?

Tôi cười khẩy.

– Tôi không còn gì để mất.

– Theo nội quy trại, anh có thể bị cùm một tuần lễ.

– Anh cứ cùm.

Hoàng không cùm tôi. Hôm sau tình hình được cải thiện – Hách phải đi theo nhà bếp để mở cửa. Cái giá phải trả được coi là rẻ – chúng tôi chỉ bị chuyển qua một phòng khác, cũng vẫn trong khu xà lim 1. Từ cửa sổ này tôi không nhìn ra sân được nữa.

Trong những lần ra rửa ráy, lấy cơm, trả bát, tôi tò mò quan sát phòng giam Hoàng Văn Thụ. Nhân tiện ở đây tôi cũng muốn xem kỹ nó một tí. Thỉnh thoảng lại có đoàn tham quan vào khu xà lim này, chắc họ tới viếng xà lim của nhân vật cách mạng nổi tiếng.

Hoàng Văn Thụ có lui tới nhà tôi trong thời kỳ trước Cách mạng Tháng Tám. Người hay nhắc tới Hoàng Văn Thụ nhất mỗi lần đến thăm cha tôi là Chiến Sĩ. Được Hoàng Văn Thụ giác ngộ, từ một sĩ quan lê-dương Chiến Sĩ trở thành đảng viên cộng sản, tham gia tổng khởi nghĩa Tháng Tám và kháng chiến chống Pháp. Mỗi khi nhắc tới Hoàng Văn Thụ giọng Chiến Sĩ bồi hồi, đôi mắt xanh của ông trở nên ướt. Ngồi nghe những người của thời trước, thời cách mạng chưa thành công, khi họ còn là những đồng chí thân thiết, tôi cứ ngẩn người ra mà ngắm – sao thời ấy họ đẹp thế!

Hàng ngày đi qua xà lim Hoàng Văn Thụ, tôi thường nghĩ về tình bạn giữa cha tôi và người anh hùng đã khuất với mối hoài nghi bất giác: nếu Hoàng Văn Thụ còn sống, liệu ông có trở thành một trong những tên đang hành hạ chúng tôi không? Hay ngược lại, ông cũng đang ở một xà lim nào đó, cùng chúng tôi?

Thành kể thời Pháp bức tường đá bao quanh Hỏa Lò không cao thế này. Vì nó thấp cho nên trong cuộc vượt ngục nổi tiếng trước ngày Tổng khởi nghĩa Tháng Tám tù chỉ công kênh nhau đã leo được ra ngoài. Sửa chữa sơ hở của thực dân Pháp, chính quyền cách mạng đã bồi cho bức tường cao thêm chừng mét rưỡi nữa. Bây giờ vệt nối giữa bức tường cũ và đoạn được xây thêm trông còn rõ.

Từ trong xà lim 1 có thể nhìn thấy một mảng trời khá rộng với những cành sấu, cành me la đà nơi ngã ba Quán Sứ và Hàng Bông Thợ Nhuộm. Bên trong bức tường là mấy vọng gác gần khu trại nữ, trên đó mấy chàng lính trẻ chốc chốc lại cởi cúc quần ngẩn mặt ra thủ dâm trước những con mắt bị giam thèm khát màu xanh.

So với xà lim 3, xà lim 1 đỡ vắng lặng hơn. Nó được dành riêng cho tù trọng án. Đám tù này gồm những kẻ bất cần đời. Vào đến xà lim 1 là họ hiểu ngay: người ở đây không bị xử bắn cũng chung thân, nhẹ nhất là hai mươi năm. Khi buồn quá, họ hát ti tỉ, họ ngâm thơ, quản giáo có la hét thì họ vâng vâng dạ dạ tí chút rồi đâu vẫn hoàn đấy. Lại thêm một anh phi công Mỹ lạc loài vào sau chúng tôi vài ngày, hẳn khu tù binh đã quá chật. Anh chàng này suốt ngày im lặng, thỉnh thoảng lại hứng lên ông ổng cất tiếng hát bằng giọng nam trầm, chẳng ra cái điệu gì. Hách xầm xầm chạy vào, mắng xa xả bằng tiếng Việt, người Mỹ cãi lại oang oang bằng tiếng Mỹ. Hai bên om xòm một hồi rồi chia tay, không bên nào hiểu bên nào.

Khu xà lim 1 còn tiếp giáp với trại nữ. Ban ngày trại nữ im ắng nhưng tối đến hoặc đang đêm lại ồn lên tiếng cãi lộn, những lời chửi bới thô tục. Thỉnh thoảng xảy ra một vụ đánh nhau, vẳng đến phòng chúng tôi tiếng gào the thé đến lạc giọng của những cô gái: "Báo cáo bà quản giáo ạ, báo cáo bà quản giáo! Chúng nó đánh chết con rồi ạ!" Tù nữ ít khi đánh nhau, nhưng đã đánh nhau thì đánh nhau dữ lắm, quản giáo không can nổi. Dẹp một vụ xô xát ở trại nữ mất cả tiếng đồng hồ. Phần lớn tù nữ là gái điếm, trộm cắp, còn lại là các thứ khác: buôn lậu, buôn bán tem phiếu[2], lừa đảo, đánh ghen vv…

Chúng tôi còn nghe thấy cả tiếng trẻ con khóc từ trại nữ vọng lại. Không hiểu có phải khi người mẹ đang cho con bú thì bị bắt nên người ta cho phép mang con vào theo, hay là tù sinh con trong trại. Thành trầm lặng hẳn khi nghe tiếng trẻ gào như mèo kêu trong đêm.

– Khốn nạn, vừa chào đời đã ở tù. Cũng là cháu Bác Hồ cả đấy, chẳng biết rồi ra nó sẽ là cháu ngoan hay là cháu hư? Hư là cái chắc. Đi qua nhà tù, mấy ai còn tử tế…

Trong đêm thanh vắng tôi nghe thấy tiếng người lao xao trên đường Hàng Bông Thợ Nhuộm vào giờ tan buổi chiếu bóng muộn. Có hôm, tôi còn nghe thấy tiếng một người quen. Hỏa Lò được thiết kế rất lạ: ở trong có thể nghe thấy tiếng bên ngoài, nhưng ở bên ngoài không thể nào nghe thấy tiếng người bên trong.

Chẳng bao lâu sau anh chàng Căn cũng theo chân chúng tôi qua bên này. Bằng cách nào không biết, chỉ một ngày sau anh ta đã biết sự có mặt chúng tôi ở đây. Để đánh tiếng cho chúng tôi biết, anh ta nghêu ngao bằng giọng khàn khàn vịt đực:

Em chờ anh tối qua

Suốt canh trường chẳng thấy anh ra…

27

Tôi choàng tỉnh, mồ hôi đầm đìa. Cơn ác mộng đã qua. Trong ánh điện chói chang, tôi nhìn thấy mặt Thành cúi sát tôi, bàn tay đặt lên vai tôi lạnh ngắt:

– Cậu ú ớ mãi, mơ hoảng à?

– Cái gì thế? Có chuyện gì thế? – tôi ngồi nhỏm dậy.

Anh đặt ngón trỏ lên môi suỵt khẽ, hất hàm chỉ ra cửa.

Định thần, tôi nghe ngoài hành lang có tiếng nấc cụt liên hồi, tiếng người xì xào không rõ, tiếng chân rầm rập chạy vào khu xà lim. Trong tĩnh mịch, ầm lên tiếng một vật bằng gỗ rơi xuống sàn xi-măng, sau đó là tiếng bước chân nặng nề xa dần.

Khu xà lim lại chìm vào yên lặng.

Thành rời khỏi khung cửa, leo lên phản, lúi húi chuẩn bị điếu thuốc lào đầu tiên của buổi sáng.

– Cấp cứu – anh điềm tĩnh kết luận sự kiện vừa xảy ra.

Tôi hiểu mối quan tâm của Thành đối với người tù cùng vụ với tôi.

– Cậu đoán ra là ai chưa?

Tôi lắc đầu. Cánh cửa xà lim bên ấy suốt ngày đóng im ỉm, người bên trong không đánh tiếng thì chịu, làm sao biết được anh ta là ai.

Thành là người lính trinh sát tốt. Anh quan sát, anh suy luận, anh liên tưởng, anh đặt giả thuyết trước mỗi hiện tượng và bao giờ cũng vậy, anh có những kết luận khá chắc, khá gần với sự thật.

Ai ở bên ấy nhỉ? Cha tôi không có hiện tượng bệnh như vậy. Ông đau gan, nhưng khi đau lắm ông chỉ rên khe khẽ, như thể suýt soa. Vả lại, nếu là cha tôi chắc chắn tôi sẽ biết, bằng linh tính, bằng một chi tiết nhỏ nhất. Chỉ cần đi qua cửa xà lim tôi cũng có thể bắt được hơi ông. Ông Đặng Kim Giang, tôi nhớ, không có bệnh gì, trừ chứng tê thấp nhẹ, họa hoằn tôi mới gặp ông đi cà nhắc. Vậy còn ai nữa trong những nhà cách mạng già cũng bị trong vụ này, mà người ta phải lo lắng để không cho chết tự do? Ông Bùi Công Trừng? Ông Ung Văn Khiêm[3]?

– Liệu anh ta có việc gì không, anh Thành?

– Chẳng biết nữa! – Thành thở dài – May mà người ta đến kịp.

– Anh ta bị bệnh gì nhỉ?

Thành tư lự.

– Hiện tượng này, theo tôi nghĩ, nhiều phần là bệnh tim, hẹp van hay hở van chi đó. Nhồi máu cơ tim không phải, chứng ấy chết trong “tích tắc, đợi được đến lúc y sĩ tới thì đã ngoẻo.

Thôi chết, đau tim thì đúng là Phạm Viết rồi! Thế mà tôi quên bẵng.

Tôi và Phạm Viết thỉnh thoảng vẫn gặp nhau, khi ở nhà tôi, khi ở chỗ bè bạn, nhưng giữa hai chúng tôi không có sự giao du thân tình. Tại sao lại như vậy thì không thể giải thích được. Thoạt vào Hỏa Lò Huỳnh Ngự còn hỏi tôi về Phạm Viết, cho rằng chúng tôi là hai người “cùng quan điểm”, ắt phải thân nhau, nhưng sau đó qua thái độ của tôi, hoặc qua ai đó, y biết tôi không có quan hệ mật thiết với Phạm Viết, nên chỉ hỏi lấy lệ rồi bỏ qua.

– Sao, cậu đã nhận ra?

– Đó là Phạm Viết, cán bộ mặt trận Hà Nội thời kháng chiến chống Pháp.

Tên của Phạm Viết không nói lên điều gì với Thành. Hai người ở hai chiến trường khác nhau, chưa gặp nhau bao giờ.

Phạm Viết là cán bộ Hà Nội từ thời tiền khởi nghĩa. Năm 1946 anh bị thương trong một cuộc chạm súng với địch. Hà Nội bị Pháp chiếm, anh hoạt động nội thành. Hà Nội giải phóng, anh làm phó tổng biên tập một tờ báo hàng ngày trực thuộc thành ủy[4].

Trắng trẻo, nho nhã, học thức, lại biết nhiều ngoại ngữ, trong thời kỳ công nông được đề cao Phạm Viết đương nhiên trở thành con quạ trắng giữa các đồng nghiệp xuất thân từ những thành phần cơ bản[5]. Khi nổ ra cuộc đấu tranh giữa hai đường lối, Phạm Viết còn bị thành kiến hơn nữa bởi những phát biểu chướng tai các vị lãnh đạo.

Cha tôi vốn hiếu khách. Nhà tôi lúc nào cũng có khách, nhất là trong những giai đoạn có biến động xã hội. Người ta đến để hỏi ý kiến, để nhận một lời khuyên, tin rằng cha tôi hiểu biết, lại có uy tín với các nhà lãnh đạo, được ông Hồ lắng nghe. Người bị oan ức thường đến nhờ cậy cha tôi can thiệp. Đến nỗi trong thời kỳ Cải cách ruộng đất Trường Chinh nổi đóa gọi cha tôi là cái loa của bọn tư sản và địa chủ, còn đến thời kỳ đấu tranh giữa hai đường lối thì Lê Đức Thọ gọi ngôi nhà của chúng tôi là câu lạc bộ Petofi[6].

Trong những người thường lui tới với cha tôi thời gian cuối có Phạm Viết.

Phạm Viết kính trọng cha tôi, như kính trọng một bậc tiền bối cách mạng, kính trọng thái độ dũng cảm của ông trong việc bảo vệ chân lý, không sợ cường quyền.

Tôi cũng quý Phạm Viết, nhưng không mấy đồng tình với anh về tính cách cực đoan của anh. Trong con người đầy nhiệt huyết của anh tính xu hướng quá mạnh. Mà một khi tính xu hướng quá mạnh, nó thường đẻ ra sự chống lại, chí ít cũng là ý muốn tự vệ, ở người đối thoại. Người như anh không thuyết phục được quần chúng, cha tôi nhận xét.

Thời gian căng thẳng của Nghị quyết 9 rồi cũng trôi qua. Ba năm đủ để cho chúng tôi quên đi những nỗi lo âu. Trung Quốc vẫn mải mê đấu tranh chống xét lại, còn ở Việt Nam mọi nỗ lực được dồn cho kháng chiến chống Mỹ. Chúng tôi đã mừng: Đảng ta thoáng, Đảng không bắt ép ai phải theo quan điểm Đảng.

Văn Cao cảnh cáo tôi: hãy coi chừng!

Văn Cao là người mẫn cảm với những động thái của Đảng. Anh đúng. Vài tuần sau khi khởi đầu cuộc chống “xét lại” tích cực, bằng việc bắt bớ những “tên xét lại” đầu sỏ, nanh vuốt của Đảng đã lộ rõ. Những tên hãnh tiến nghiến răng kèn kẹt: "Phải quét sạch cỏ dại trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội", "Đảng nhân đạo, nhưng chỉ có giới hạn thôi", "Phải tống chúng nó (“bọn xét lại”) đi cải tạo hết thì xã hội mới lành mạnh". Lời lẽ của chúng giống hệt lời lẽ bọn quan thầy ở Bắc Kinh, từng chữ.

Những người có ý kiến ngược với Nghị quyết 9 bắt đầu lo ngại. Nhưng lo ngại thế thôi, chứ vẫn tin: mình có làm gì đâu mà Đảng bắt. Nếu không được bảo lưu quan điểm nữa thì thôi, ta chui phắt cái quan điểm của ta đi là xong, như trong ván bài tam cúc ấy.

Nói tóm lại, chúng tôi chưa biết sợ vì chúng tôi mắc bệnh đinh ninh. Chúng tôi tin Đảng quá lâu, quá nhiều. Chúng tôi đinh ninh Đảng đàng hoàng, không bắt bớ bậy bạ, đã bắt là phải có sở cứ. Chắc Hoàng Minh Chính và mấy anh có làm điều gì quá đáng nên Đảng mới bắt. Đến nỗi cha tôi cũng nghĩ thế, tôi cũng nghĩ thế. Théo Ronco, phóng viên thường trú tờ Nhân Đạo (Humanité) gặp tôi, anh hỏi về vụ bắt bớ vừa xảy ra, tôi còn nói rằng chưa biết thế nào, cần phải chờ Đảng thông báo cái đã. Xem ra chuyện có vẻ lớn. Ronco lắc đầu, nói anh không hiểu luật pháp Việt Nam – cứ bắt người cái đã, lúc nào Đảng thích công bố tội trạng thì công bố. Anh cho rằng ở Việt Nam đang diễn ra những gì đã có ở Trung Quốc, tuy kém ồn ào.

Tôi chờ Phạm Viết trở về xà lim 1, nhưng anh không trở về nữa. Không rõ anh bị chuyển đi đâu, điều chắc chắn là không phải đi bệnh viện – nhà cầm quyền không giàu lòng nhân đạo đến thế.

Tôi buồn mất mấy ngày. Tôi nghĩ Phạm Viết đã chết và tôi ân hận trước kia đã có cái nhìn khe khắt đối với anh. Khi Phạm Viết bị bắt, cha tôi nói với mẹ tôi: "Khốn khổ, bệnh nó như thế, nó đến chết trong tù mất thôi. " Chị Lan, vợ anh, kể anh bị bắt trong khi đang đau tim nặng, phải điều trị tại bệnh viện.

Cha tôi nói gở. Tôi biết tin Phạm Viết chết vào cuối năm 1972[7], trong một trại giam ở Thái Nguyên. Khi đó tôi đang ở trại Tân Lập. Nghe nói sau khi anh chết gia đình anh được báo tin và chị Lan[8], vợ anh, được phép lên nghĩa trang nhà tù để thắp nén hương tưởng niệm chồng.

Phạm Viết đi khỏi xà lim 1 được ít ngày thì một hôm đi ngang dãy phòng giam cuối hành lang để tới phòng vệ sinh, tôi giật mình nghe thấy tiếng ho trầm trầm của ai đó, rất quen. Tiếng ho không tự nhiên, rõ ràng người ở trong cố dặn ra để chúng tôi chú ý. Hôm sau đi qua tôi nghe người trong phòng ngâm nga:

Nhất sĩ nhì nông,

Hết gạo chạy rông

Nhất nông nhì sĩ…

Tôi muốn reo lên khi nhận ra tiếng Hồng Sĩ. Chao ôi, chẳng lẽ cả anh nữa, người trước nay tôi vẫn coi là thuộc phía bên kia, cũng bị bắt, cũng là đồng vụ với tôi? Cuộc đời mới kỳ cục làm sao!

Hồng Sĩ là công an, cấp bậc trung tá, nếu tôi không nhầm, làm công tác phản gián ở Hải Phòng. Anh ở cùng nhà với nhà văn Bùi Ngọc Tấn, bạn thân của tôi, số 10 Điện Biên phủ. Mỗi lần có việc đến cảng hoặc đi xa hơn, tới mỏ Quảng Ninh, tôi đều ghé thăm Tấn. Tấn lại chơi thân với Hồng Sĩ, đến Tấn tức là đến Hồng Sĩ, cho nên chúng tôi gặp nhau luôn.

Mặc dầu chúng tôi tin Tấn, nhưng với ông bạn công an của anh chúng tôi vẫn cứ chờn chợn. Khi trò chuyện với Hồng Sĩ tôi vẫn cảnh giác, lựa lời mà nói, chọn chữ mà dùng, tuyệt không dám khinh xuất.

Cao to, xương xẩu, nghiện thuốc lá nặng, Hồng Sĩ giống một thầy ký nhiều hơn một cán bộ, hơn nữa, một cán bộ công an. Nhưng đó chỉ là bề ngoài. Bùi Ngọc Tấn nhận xét anh là một cán bộ công an giỏi giang, có học thức nhất thành phố cảng. Tôi gặp Hồng Sĩ là mến anh ngay. Anh ham học hỏi, quan tâm nhiều lĩnh vực, hiểu biết rộng. Trong căn phòng hẹp của gia đình anh có một máy thu thanh cổ lỗ hiệu Phillips, trên cái mặt nhựa vàng xỉn hình bát quái của nó chữ in đã mờ hết, nhưng nó vẫn bắt được các đài xa. Đêm đêm anh ngồi lì bên cái radio già lão nghe hết BBC đến Tiếng nói Hoa Kỳ, hết Bắc Kinh đến Moskva, nhờ đó anh biết nhiều chuyện chúng tôi không biết trên cái thế giới xa lắc xa lơ bên kia hàng rào tư tưởng.

Hồng Sĩ không giấu giếm quan điểm của anh. Anh nói anh đang chờ xem Ông Cụ định đưa dân mình tới đâu. Nếu Việt Nam rồi sẽ như Trung Quốc thì chán lắm, anh nói, “thà chết còn hơn”. “Cẩn tắc vô áy náy”, chúng tôi nghe anh, mặt bất động như những nhân vật trong tuồng Nô Nhật-bản.

Có lần Hồng Sĩ còn dặn dò tôi hãy cẩn thận trong mối quan hệ với nhà thơ Hoàng Thượng Khanh cũng ở Hải Phòng trong thời gian đó:

– Nó vừa báo cáo về cậu đấy. Lên Hà Nội, nghe Tố Hữu phê phán Đêm Mất Ngủ của cậu xong là nó về đây báo cáo liền. Nó làm thế để duỗi ra vì trước có quan hệ thân mật với cậu, hay là nó muốn lập công tớ không biết. Hãy cẩn thận với cái thằng vừa là vua vừa là bầy tôi.

Tôi chơi với Hoàng Thượng Khanh từ thời kháng chiến chống Pháp, ở Liên khu 4. Anh người Huế, ăn nói nhỏ nhẹ, rất dễ thương, công tác trong bộ đội nhiều năm, đảng viên, là nhà thơ đầu tiên được tặng thưởng huân chương Chiến thắng. Năm 1956 anh bị dính vào vụ Nhân văn – Giai phẩm, bị Đảng thi hành kỷ luật. Oan cho Hoàng Thượng Khanh, anh không dính dáng gì với Nhân văn – Giai phẩm hết. Anh bị thi hành kỷ luật do lỏng tay lãnh đạo trong cương vị bí thư ở văn phòng Hội Nhà văn hay Hội Văn nghệ tôi không nhớ. Bị mất việc, anh chuyển về Hải Phòng, công tác tại công đoàn cảng, sống nghèo khổ với một nhà thơ nữ có sẵn một đàn con.

Tôi vẫn đến chơi với Hoàng Thượng Khanh. Tôi vẫn thương anh. Nhưng có lần bên ly cà phê hội ngộ tôi đe:

– Bây giờ nhiều thằng bán bạn bán bè lắm. Tớ cũng bị bán, tớ biết, nhưng tớ không trách – khi người ta chẳng còn gì để bán mới phải bán bạn. Tớ chỉ trách cái sự bán quá rẻ. Tiếng thế, tớ cũng có giá chứ!

Hoàng Thượng Khanh cười ngượng.

Tôi kiểm tra, biết việc Hồng Sĩ báo là có thật.

Khi biết tôi vẫn còn e ngại Hồng Sĩ, Kỳ Vân cười hì hì:

– Các cậu lại mắc bệnh Tào Tháo rồi. Thế thì khác gì họ. Tin tớ đi, Hồng Sĩ là thằng bạn tốt lắm đấy.

Nguyên Hồng có vẻ cũng e dè Hồng Sĩ. Anh hay có mặt ở nhà Bùi Ngọc Tấn, và tất nhiên, không thể không tiếp xúc với anh bạn công an có những quan điểm không chính thống. Nguyên Hồng chỉ yên tâm hơn một chút khi thấy Hồng Sĩ không chú ý tới anh nhiều.

Nguyên Hồng hồi ấy cũng rơi vào tâm trạng buồn phiền. Một hôm, Bùi Ngọc Tấn đang đứng dưới tấm bảng lớn bằng cả bức tường để so vé xổ số thì bị Nguyên Hồng bắt gặp. Nguyên Hồng thụi cho Bùi Ngọc Tấn một quả:

– Cái thằng rõ ngu. Ở đời đã chán vạn điều thất vọng mà mày còn bỏ ra hai hào mua thêm một cái, đắt quá!

Bùi Ngọc Tấn đỏ mặt lên.

Ít ngày sau, Bùi Ngọc Tấn bắt quả tang Nguyên Hồng cũng đang so vé số, cũng trước chính bức tường ấy. Anh khoái lắm, đem câu nói của Nguyên Hồng hôm trước ra đay lại. Nguyên Hồng làm bộ sửng sốt:

– Tao có nói thế à? Không có lẽ. Ở đời toàn là thất vọng, bỏ ra có hai hào mua được cả một cái hi vọng, rẻ ơi là rẻ!

Bây giờ Hồng Sĩ đã ở đây, bên cạnh tôi. Mọi nghi vấn về anh thế là được giải tỏa.

Thấy tôi buồn buồn, Thành hỏi:

– Cậu nhận ra người ấy à?

Tôi gật đầu:

– Anh ấy là bạn tôi.

Hồng Sĩ không có con. Vợ chồng anh đón đứa cháu họ về làm con nuôi cho vui cửa vui nhà, tình cảnh thật tội nghiệp. Bây giờ Hồng Sĩ bị giam, không hiểu vợ con anh xoay xở ra sao? Lại còn Bùi Ngọc Tấn nữa. Hồng Sĩ bị thì Bùi Ngọc Tấn cũng dám bị lắm[9]. Tôi biết rõ Bùi Ngọc Tấn. Anh hiền lành, có chính trị chính em gì đâu.

Nghe tôi kể về Hồng Sĩ, Thành chép miệng:

– Anh bạn cậu ở cái phòng chết tiệt ấy là khốn nạn lắm đấy. Hôi hám, ẩm ướt vô cùng. Có lần tôi bị họ nhét vào đấy, chịu không nổi. Anh này chắc bướng, hả?

– Chắc vậy.

Tôi kể cho Thành nghe về Hồng Sĩ. Giả thử Thành là chỉ điểm, có báo cáo với chấp pháp cũng chẳng sao.

Trừ tình cảm quý mến nhau, Hồng Sĩ chẳng có liên quan gì với tôi trên bất cứ phương diện nào. Vả lại, kể chuyện Hồng Sĩ tôi cũng muốn dẫn Thành vào sâu thêm vụ án chúng tôi. Biết đâu sau này anh lại chẳng là người đưa những tin tức cuối cùng của chúng tôi ra ngoài. Nếu không, chẳng ai có thể biết chúng tôi sống chết ra sao.

Tôi không biết trong lòng Thành đang có nỗi buồn. Anh suy luận: cái sự người ta bố trí cho tôi ở chung với anh có thể có nghĩa là vụ án của anh cũng kéo dài luôn – chẳng ai dại gì cho anh ra để mang theo những bí mật về vụ án họ đang bưng bít. Ý nghĩ ấy sau này anh mới cho tôi biết.

Phòng giam Hồng Sĩ liền vách với phòng vệ sinh. Trong căn phòng hơn hai thước vuông có vòi hoa sen ở trên hố xí, tắm ở đấy, đại tiện cũng ở đấy. Nó rộng rãi, tiện đường đi lối lại, cho nên đám quản giáo, lính gác bên trong Hỏa Lò chốc chốc lại tạt vào tiểu tiện đại tiện, nhát nhát lại bì bõm tắm rửa, thậm chí giặt giũ cũng tới đấy. Hồng Sĩ phải sống trong tiếng đóng cửa, mở cửa, tiếng cười nói oang oang, tiếng nước xối ào ào, trong bầu không khí tanh tưởi, sũng nước suốt ngày đêm.

Tôi không mừng gặp Hồng Sĩ, nhưng sự có mặt của anh ở đây làm tôi thấy bớt cô đơn. Chắc hẳn ở cửa phòng anh có cái lỗ ai khoan sẵn ngó ra ngoài được cho nên lần nào tôi đi qua Hồng Sĩ cũng biết. Nghe tiếng ho làm hiệu của anh mà ấm lòng.

– Cần phải giải thoát cho anh bạn cậu ra khỏi cái xà lim chết tiệt ấy. – Thành nói – Nằm đấy lâu mất sức lắm.

Tôi hiểu – trong óc Thành đã nảy ra một kế.

– Đồng ý. Nhưng phải làm thế nào?

– Có gì khó. Nguyên tắc của Công an là không để cho tù cùng một vụ thông cung với nhau…

Kế ấy được.

– Để nghĩ thêm một chút xem có hại gì cho anh ấy không đã.

– Sẽ xảy ra hai trường hợp: một là anh bạn chúng ta được chuyển đi nơi khác, nơi nào thì nơi, vẫn cứ khá hơn ở đây; hai là chính chúng ta bị chuyển đi, trong trường hợp này số phận anh bạn không tốt lên, mà chính chúng ta có thể gặp cái tồi hơn…

– Với tôi thì đâu cũng vậy, nhưng vì bạn tôi mà anh bị ở chỗ xấu hơn tôi không muốn.

– Xì, đừng nghĩ lôi thôi. Cậu cho tôi là loại người gì?

Tôi coi anh là bạn, là người anh. Tôi cảm ơn số phận đã cho tôi gặp anh ở đây. Cách cư xử có nhân phẩm của anh làm tôi cảm phục. Nếu tôi có còn cảnh giác một chút thì đó là do tình thế buộc tôi phải như thế. Nhà tù cho tôi hiểu thêm một điều bình thường tôi không hiểu – được tin một con người là một hạnh phúc.

Còn một điều làm tôi ngần ngại: ấy là tôi sợ Hồng Sĩ hiểu lầm tôi nhát gan đã báo cáo với chấp pháp về việc anh đánh tiếng cho tôi. Mà sự hiểu lầm rằng tôi đầu hàng trong thời gian mọi người đang bị dồn ép khai cung có thể gây ra những tai hại không thể lường trước.

Nhưng tôi không đành lòng không cứu anh. Vạn nhất có bị anh hiểu lầm thì cũng đành chịu vậy, sau này anh sẽ hiểu. Anh đã là công an, anh chẳng đến nỗi non nớt để bị bọn chấp pháp qua mặt.

Tôi thực hiện kế của Thành ngay lần đi cung sau. Tôi nghĩ kế hoạch của mình sẽ chót lọt mà không gây ra sự phiền phức nào vì gần đây tôi chỉ gặp Hoàng chứ không gặp Huỳnh Ngự. Với Huỳnh Ngự việc sẽ phức tạp hơn nhiều.

Tôi quyết định nói với Hoàng vào lúc y chăm chú đọc báo. Bao giờ cũng vậy, sau khi trao cho tôi một số câu hỏi để tôi suy nghĩ, Hoàng vùi đầu vào mấy tờ báo anh ta mang theo.

– Tôi không hiểu sao các anh lại bắt Hồng Sĩ? – đang viết, tôi ngẩng lên hỏi Hoàng – Hồng Sĩ là người của các anh cơ mà?

Hoàng giật mình:

– Hồng Sĩ nào?

– Còn Hồng Sĩ nào nữa.

Buông tờ báo, Hoàng chằm chằm nhìn tôi.

– Làm sao anh biết Hồng Sĩ bị bắt?

– Anh ấy đang ở cùng một khu xà lim với tôi.

– Anh tin chắc?

– Tôi tin chắc.

– Tại sao?

– Tôi nghe tiếng ho của anh ấy. Tiếng ho của Hồng Sĩ không lẫn được.

Hoàng tủm tỉm cười. Như một người Việt Nam chính cống, anh ta cười trong bất cứ trường hợp nào.

– Anh loại trừ mọi khả năng nhầm?

– Tôi loại trừ.

Hoàng không nói gì nữa. Anh ta đẩy bọc thuốc lá sợi về phía tôi.

Tôi cuốn một điếu. Từ khi làm việc với Hoàng, tôi học được cách cuốn thuốc lá của anh ta – trên những ngón tay thành thục điếu thuốc hiện ra tròn trịa, ngay ngắn, đầu bằng đít, đít bằng đầu, như thể cuốn bằng máy. Hoàng không bao giờ hút thuốc bao, anh ta chỉ có thuốc sợi, mà là loại thuốc vụn, phế liệu của nhà máy thuốc lá, thứ thuốc này cán bộ và dân nghèo thường mua được, đã không phải cắt phiếu cung cấp mà lại rẻ.

– Anh có phân biệt được tiếng tên lửa nổ lúc phóng lên và lúc nó nổ trên trời không? – Hoàng hỏi.

– Cũng còn tùy ta ở cách dàn phóng bao xa và tên lửa được cho nổ ở độ cao nào. Và còn tùy ở khoảng cách giữa lúc nó nổ và tai mình nữa. – tôi bình thản trả lời – Tôi cho rằng tôi phân biệt được, mặc dầu chưa bao giờ tôi đặt ra cho mình một câu hỏi như thế.

Hoàng quay lại với đề tài Hồng Sĩ vào cuối giờ làm việc.

Anh ta nói nếu tôi muốn báo cáo với Đảng về Hồng Sĩ thì anh ta không phản đối. Tôi cười nhạt, nói tôi không có tinh thần xung phong lập công. Đáp lại, Hoàng làm thinh.

Không thể nhớ được là ngày hôm đó chúng tôi làm việc gì. Như mọi ngày, Hoàng đặt vài câu hỏi về một nhân vật nào đó, nhiều người tôi không quen, nhưng có gặp, hoặc có nghe tiếng. Tôi trả lời lăng nhăng, cho có lệ, rồi viết những câu lăng nhăng nọ vào giấy, Hoàng đọc lại, tôi ký phía dưới – thế là thành bản cung.

Tôi lấy làm lạ: bọn họ bày ra cái trò vớ vẩn ấy làm gì? Có lẽ họ có những bài bản độc đáo mà tôi không hiểu. Kiến thức của tôi về nghề mật thám quá nghèo nàn.

Trước khi bị bắt tôi có được đọc một số hồi ký của những người cộng sản Liên Xô, phần lớn là cán bộ quân sự, bị bắt dưới thời Stalin. Những hồi ký này thường được đăng trong tạp chí Novy Mir (Thế Giới Mới) và Neva (Sông Neva). Cung cách bắt người ở Liên Xô hoàn toàn giống ở Việt Nam. Hoặc cách bắt người của công an Việt Nam hoàn toàn giống ở Liên Xô, nói thế thì đúng hơn. Nhưng cách hỏi cung thì khác nhiều. Thời Sta-lin, người nào đã bị bắt thì cũng bị tra tấn. Tra tấn bằng nhiều cách, rất đa dạng, nhưng không có ai trong số tác giả tôi được đọc miêu tả tỉ mỉ họ đã bị tra tấn như thế nào. Họ chỉ viết rằng bị tra tấn đủ mọi kiểu, thế thôi. Đọc những dòng chữ ngắn ngủi ấy chỉ có thể mường tượng được là họ bị tra tấn dữ lắm. Có người sau khi nếm mùi các thứ đòn nhà pha Liên Xô đã khai ra hơn một trăm “kẻ thù của nhân dân” trong một ngày đêm. Không biết có phải nhờ OGPU hoặc NKGB, hoặc NGB[10] thả cửa dùng nhục hình mà chính quyền xô-viết của Stalin dựng vụ tài hơn không, nhưng hết thảy những vụ lớn đều được đưa ra xét xử hẳn hoi. Điều đáng khâm phục hệ thống trấn áp của tên độc tài khét tiếng này là trước tòa hết thảy người bị bắt oan đều nhận tội phản Đảng, làm tay sai cho đế quốc. Dưới triều Lê Duẩn, lũ công sai đã vụng về lại không được phép dùng nhục hình[11], thành thử chủ của chúng lúng túng mãi không biết làm cách nào nặn ra cái họ rất muốn có. Ngay đêm ấy, Hồng Sĩ bị chuyển đi nơi khác. Chúng tôi nghe tiếng mở cửa phòng anh, tiếng người nói khẽ, giọng giục giã, tiếng dép lẹp kẹp trên sàn xi măng, tiếng ho khan nhiều lần của Hồng Sĩ. Tôi hiểu: anh gửi tôi lời chào từ biệt.


[1] Lời một bài hát.

[2] Tem phiếu là từ chung dùng để chỉ các loại giấy phân phối các thứ hàng hóa từ gạo, thịt, đường, sữa… cho tới vải, chậu men, xe đạp vv… Buôn bán tem phiếu là một tội, chế tạo và lưu hành tem phiếu giả là tội rất nặng, có thể tới chung thân hoặc 20 năm tù ngồi.

[3] Về sau tôi mới biết hai ông không bị bắt, chỉ bị khai trừ và quản thúc tại gia. Lê Duẩn và Lê Đức Thọ không bắt hai ông có lẽ vì không muốn vụ án thêm ầm ĩ vì cả hai là ủy viên chính thức trong Trung ương Đảng.

[4] Đó là tờ Tia Sáng trong thời kỳ trước năm 1954. Khi Phạm Viết bị bắt, nó mang tên Hà Nội Mới.

[5] Nói xuất thân công nông là nói theo cách thường bấy giờ, chứ giai cấp công nhân Việt Nam vào thời kỳ trước Cách mạng Tháng Tám nhỏ bé đến nỗi hầu như không có mấy cán bộ cách mạng xuất thân từ giai cấp này. Trong hàng ngũ cán bộ trung cao cấp lại càng hiếm người thuộc thành phần công nhân hơn nữa. Số đông cán bộ có thành phần xuất thân là tiểu tư sản và dân nghèo thành thị.

[6] Sandor Petofi (1823-1856), nhà thơ lớn của Hungari. "Câu lạc bộ Petofi" là tên gọi của tổ chức trí thức đấu tranh cho dân chủ, chống lại chế độ độc tài của nhà nước cộng sản tại Hungari vào giữa thập niên 50, từ "Câu lạc bộ Petofi" đã hình thành một phong trào đấu tranh rộng lớn của nhân dân Hungari vì dân chủ và tự do.

[7] Tức là gần một năm sau khi anh mất.

[8] Chị Nguyễn Thị Ngọc Lan, nguyên cán bộ Ủy ban bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam, giáo sư Anh văn ở trường Đại học sư phạm. Chị cũng bị bắt, nhưng không bị giam lâu (hai năm rưỡi). Chị được thả ra sau khi bị chúng cưỡng bức khai bậy bạ cho những người bị bắt khác và chịu sự chỉ đạo của chúng vẽ ra hai sơ đồ tổ chức chống Đảng và hệ thống tình báo (sic) của Liên Xô.

[9] Bùi Ngọc Tấn bị bắt, nhưng không được Đảng gộp vào trong đám xét lại ở Trung ương. Anh bị đối xử xấu hơn, vợ con anh ở nhà không được hưởng nửa lương như vợ con tôi, mà bị cắt hoàn toàn.

[10] Những tên tắt của cơ quan mật vụ Liên Xô trong thời kỳ trị vì của Stalin. Khởi đầu bằng cơ quan Chêka (Ủy ban đặc nhiệm) được thành lập sau Cách mạng Tháng Mười, các cơ quan này thực hiện việc trấn áp "các lực lượng phản cách mạng".

[11] Trong nhà tù ở miền Bắc Việt Nam kể từ sau Cải cách ruộng đất việc dùng nhục hình bị nghiêm cấm. Trong các trại giam, như tôi được biết khi ở tù, đây đó cũng xảy ra vài vụ công an dùng nhục hình đối với phạm nhân, nhưng nếu bị phát giác thì những nhân viên phạm lỗi đều bị thi hành kỷ luật. Đó là sự thật. Tôi có nghe nói sau khi miền Nam Việt Nam bị chiếm, năm 1975, ở một số trại tù những người chiến bại bị đưa đi tập trung cải tạo, thì họ bị phơi nắng, bị giam trong những công-te-nơ, bị đánh bằng roi, bằng gậy. Than ôi, khi con người có quyền hành hạ đồng loại thì nó dễ biến thành dã thú lắm.

Comments are closed.