Foulcault và xã hội trừng phạt

Dương Thắng

(Bài viết tham dự tọa đàm về cuốn Giám sát và Trừng phạt của Michel Foulcault do Viện Pháp tại Hà Nội tổ chức ngày 10/6/2022)Bìa cuốn Giám Sát và Trừng Phạt

ảnh tác giả 1

 

Giám sát và Trừng phạt của Michel Foucault, xuất bản năm 1975, chắc chắn là một trong những đóng góp quan trọng nhất, cả trên phương diện lịch sử, xã hội học và triết học, cho vấn đề nhà tù. Cuốn sách nhanh chóng trở thành một tài liệu kinh điển để tham khảo và nó vẫn còn được trích dẫn rộng rãi cho đến tận hôm nay. Trong gần nửa thế kỷ kể từ khi nó xuất hiện, vô số các bài bình luận, chú giải, đánh giá, các số báo đặc biệt đã cố gắng khám phá các vấn đề lý thuyết và thực tiễn của nó. Tuy nhiên để đọc hiểu cuốn sách này và nắm bắt trọn vẹn các tư tưởng lớn của tác giả là một công việc khó khăn bởi Foulcault triển khai một lối viết theo kiểu “phả hệ” khiến những kết luận chính ẩn sâu dưới những sự kiện lịch sử được ông trình bày một cách chi tiết ở đây. May mắn cho chúng ta là có một tài liệu khác cho phép trực tiếp tiếp cận với những phân tích lý thuyết của Foulcault về vấn đề này, những suy ngẫm cho đến nay vẫn còn ít được biết đến nhưng lại mang ý nghĩa quyết định giúp cho Foulcault hoàn thành cuốn sách Giám sát và Trừng phạt vào năm 1975. Nó được Foulcault trình bày trong một chuỗi bài giảng ở Collège de France từ 3/1 đến 28/3 năm 1973 dưới tiêu đề “Xã hội Trừng phạt” (La Société punitive). Trong Giám sát và Trừng phạt, một số nghiên cứu được công bố năm 1973 sẽ được sắp xếp, tái cấu trúc lại, được tô đậm hơn và làm phong phú hơn, và một số quan điểm khác thì lại bị gác lại. Dựa trên cả hai tài liệu: các bài giảng năm 1973 và cuốn Giám sát và Trừng phạt (1975) Chúng ta sẽ phác họa ở đây những luận điểm nổi bật nhất trong các nghiên cứu của Foulcault về nhà tù.

 

Một bước nhảy gián đoạn

Như Foucault đã khẳng định vào năm 1973, những nghiên cứu về nhà tù của ông sẽ không lặp lại cùng một lược đồ như đã trình bày trong cuốn sách nổi tiếng trước đó Lịch sử chứng điên thời cổ điển, có nghĩa là không thể xem nhà tù chỉ như là một công cụ loại trừ những kẻ tà đạo. Hiểu theo cách này, nếu không phải là hoàn toàn không chính xác, thì cũng sẽ là quá hời hợt. Bởi vì sâu xa hơn, vào thời điểm ra đời của nó, thay vì chỉ đảm nhiệm chức năng loại bỏ những nhóm dân cư “không mong muốn” ra khỏi đời sống xã hội, nhà tù hiện đại tích hợp, thanh lọc, tái cấu trúc các chiến lược xã hội của quyền lực, thông qua đó tìm cách phân bổ lại các luồng dân cư chứ không loại bỏ nó. Ý tưởng quan trọng cần nắm vững, đó là quan điểm xem xét nhà tù như một nơi bộc lộ các chiến lược quyền lực nhiều hơn là một hiệu ứng thể chế đơn giản trong những hành động chính trị đơn điệu và đồng loạt (loại bỏ phản kháng, trục xuất những kẻ đối nghịch có sức thu hút lớn).

Nhà tù cũng phù hợp với chiến lược trừng phạt mới: thay vì tiến hành các vụ tra tấn và hành hình công khai man rợ nhắm vào thân xác nạn nhân để trả thù, nhà tù cho phép tiến hành sự trừng phạt, cải tạo mà đối tượng là linh hồn của phạm nhân thông qua biện pháp giam giữ và tước bỏ/ hạn chế các quyền tự do của phạm nhân.

Nhà tù cần được xem xét và phân tích như một chiến lược của quyền lực. Foucault đã khẳng định rằng việc giam giữ mang bản chất của một chiến thuật hình sự nhiều hơn là một nội dung hình sự, ngoài việc cầm tù, người ta còn có ba chiến thuật chính khác nữa: trục xuất (cấm sự hiện diện của tội phạm ở một số nơi nhất định); chuộc lại (áp đặt một hệ thống nghĩa vụ và bồi thường); để đánh dấu (làm xuất hiện những vết sẹo của quyền lực trên cơ thể). Ở đây chúng ta đã dùng thuật ngữ “chiến thuật hình sự”, bởi đó là một trong những cách tiến hành cuộc chiến tranh của các nhóm xã hội. Nhà tù phải được hiểu như một phần chiến thuật trong một một cuộc chiến xã hội.

Một ý tưởng quan trọng được Foulcault đưa vào các bài giảng tại Collège de France vào năm 1973, và được nhắc lại vào năm 1975, đó là hiện tượng dưới vẻ bề ngoài của nền hòa bình dân sự, mọi xã hội đều thấy mình bị vướng vào/ ràng buộc vào những mối quan hệ cơ bản của thời chiến. Cuộc “nội chiến” này về nói chung không giống như các cuộc nội chiến khác mà chúng ta thường gặp, nó là cuộc chiến của những nhóm có lợi ích khác nhau, cuộc xung đột giai cấp với những quyền lợi mâu thuẫn. Theo Foucault, quyền lực không phải là thứ đặt dấu chấm hết cho chiến tranh, mà là thứ sản sinh ra/ cấu trúc ra chiến tranh, quyền lực lèo lái khả năng chiến tranh để duy trì hoặc điều chỉnh các hình thức và đường lối của mình.

Trong suốt thời Trung cổ, tội phạm và trộm cắp liên quan đến việc phá vỡ sự cân bằng trong hệ thống nghĩa vụ và trao đổi, những bội ước khi thực thi nghĩa vụ đối với các món nợ tư nhân, hoặc là những cuộc tấn công báng bổ vào các điều cấm thiêng liêng, xúc phạm tôn giáo. Thời đại hiện đại đang dần hình thành quan điểm cho rằng hành vi phạm tội phải được hiểu là hành vi vi phạm khế ước xã hội, tấn công vào lợi ích công cộng. Trong nhiều thập kỷ, chủ đề được đề cập nhiều với sự hỗ trợ bởi thể chế công tố, đánh dấu sự kiện nhà nước hóa tư pháp và công lý rằng tội phạm cấu thành một mối đe dọa về cơ bản đối với trật tự công cộng, chứ không phải đối với lợi ích cá nhân hoặc các giá trị thiêng liêng. Chẳng hạn, các nghiên cứu của Beccaria và Brissot đưa ra định nghĩa về kẻ du đãng hay du thủ du thực như một kẻ thù xã hội, một kết luận đã xóa bỏ đi mọi mơ hồ vẫn còn tồn tại trước đây. Tình trạng sống lang bạt đã phá hoại các quá trình kinh tế sơ đẳng nhất (trốn thuế, phân tán lực lượng lao động một cách vô chính phủ, không tham gia sản sinh ra của cải, v.v.). Người du đãng được xây dựng, trong văn bản này, được nhìn nhận như một kẻ ăn bám nhiều hơn là một kẻ lười biếng, cái mà anh ta xúc phạm nhiều nhất là các quy tắc sản xuất chứ không phải là các quy luật đạo đức.

Như vậy đã có hai điều luận điểm mới đã được thiết lập: Luận điểm 1 hiểu nhà tù như một vũ khí chiến thuật trong một cuộc nội chiến đang tiếp diễn, thay vì chỉ hiểu như là một hành động loại trừ (tạm thời) ra khỏi đời sống xã hội; và Luận điểm 2 (xuất hiện từ cuối thế kỷ 18) coi tội phạm là “kẻ thù xã hội”.

Về mặt logic, người ta có thể mong đợi một kết luận sau: Sự ra đời của nhà tù như là một hoạt động hình sự công cộng được áp dụng dựa trên yêu cầu loại bỏ tội phạm trong cuộc chiến chống lại kẻ thù xã hội. Nhưng đó là một kết luận khá vội vàng. Trên thực tế, nhà tù không xuất hiện như là giải pháp thực tế, một hệ quả trực tiếp rút ra từ luận điểm coi tội phạm là kẻ thù xã hội. Thật vậy, khi đưa ra kết luận chính tội phạm là nguồn gốc gây ra thiệt hại cho công chúng và xã hội, các tác giả như Beccaria, Brissot hoặc thậm chí Lepeletier de Saint-Fargeau đã đề xuất mọi giải pháp trừ giải pháp nhà tù: đó là trả thù, lao động cưỡng bức, bồi hoàn hoặc trục xuất.

Chức năng của nhà tù trong kỷ nguyên công nghiệp

Do đó, không phải một triết lý mới về hình sự là nguyên nhân sản sinh ra nhà tù. Nhà tù thực ra đã từng tồn tại từ trước đó, nhưng nó không được coi là một hình phạt, cũng không phải là một biện pháp tư pháp. Ban đầu sự xuất hiện nhà tù ở Pháp liên quan tới câu chuyện về những “lá thư bí mật” – người ta có thể bắt nhốt ai đó mà không cần xét xử, chỉ bằng cách giao cho cảnh sát một bức thư có chữ ký của nhà vua. Còn ở Anh, đó là các nhóm tôn giáo, Methodists hay Quakers –các nhóm tư nhân được thành lập với nhiệm vụ kiểm soát chặt chẽ đạo đức của các thành viên trong cộng đồng (những mô hình nhà tù nghiêm ngặt kiểu này đã áp đặt ở Mỹ, giống như ở Philadelphia, ở Pennsylvania).

Hai hệ thống nhà tù sơ khai kiểu này có vẻ khấp khểnh, hoàn toàn không ăn khớp gì với nhau, tuy nhiên việc xếp chúng ở cạnh nhau lại đem đến cho Foucault một ý tưởng mà ông đã phát triển thành khái niệm nhà đền tội. Nhà đền tội trong quan niệm của Foulcault, đó là một khu giam giữ mà những kẻ bị trừng phạt không hẳn vì vi phạm phát luật mà chủ yếu vì những hành vi bất thường/lệch chuẩn ở nơi họ. Hành vi “đền tội” dựa chủ yếu trên những nhận thức đạo đức về hành vi, tập trung vào việc phát hiện những lệch lạc, khác biệt, thái độ không phù hợp, cuộc sống phóng túng. Nó vẫn là sự giam giữ có chức năng giám sát, kiểm soát và nhằm đạt tới mục tiêu chuyển đổi hành vi cá nhân. Một cá nhân bị nhốt không phải vì những gì anh ta đã làm, mà vì những gì anh ta là, tức là những gì thuộc về bản chất của anh ta (bản chất xấu xa, khuynh hướng xấu của anh ta, v.v.).

Đối với Foulcault, thời điểm khai sinh chính thức của nhà tù là khi mà nhà nước chọn cách thực hành đền tội đặc thù này để biến nó thành nội dung chính của hệ thống hình sự công cộng. Vấn đề trở thành: Tại sao người ta lại chọn nhà tù – một trong các hoạt động đền tội tư pháp đã tồn tại trước đó (cho dù đó là kiểu giam giữ bằng thư bí mật ở Pháp hay kiểu giam giữ các xã hội kiểm soát ở Anh) để chọn làm hình phạt chính thức của nhà nước, mặc dù các nhà cải cách đã đề xuất các phương thức trừng phạt khác? Nhà nước có lợi ích gì khi áp dụng ồ ạt, từ đầu thế kỷ 19, những thực hành về cơ bản là xa lạ với văn hóa tư pháp của mình? Bối cảnh xã hội chung nào có thể áp đặt một cách vững chãi cái chế độ nhà tù giam giữ phạm nhân khi mà chỉ vài thập kỷ trước đó, điều này không hề tồn tại phổ biến?

Câu trả lời của Foucault là đơn giản về căn nguyên, nhưng phức tạp về mô tả. Vào năm 1973, Foucault đã tìm thấy trong những chuyển đổi kinh tế vĩ đại (sự ra đời của chủ nghĩa tư bản, với nền công nghiệp sản xuất hàng loạt và sự phổ cập hóa tài sản của nông dân) lý do áp đặt nhà tù như một công cụ hình sự. Nhưng sự giải thích của ông ở thời điểm đó (1973) còn chưa đủ sức thuyết phục, bởi vì người ta chưa nhìn ra được lý do vì sao nền công nghiệp lớn hay những người nông dân của nền nông nghiệp nhỏ lại có thể mong muốn hay đòi hỏi nhà tù trở thành một phương thức trừng phạt độc tôn ngoại trừ việc nói rằng nhà tù dùng để phục vụ cho việc hấp thụ lượng lao động dư thừa hoặc để nhốt đám dân đen phản loạn, nhưng nhận định như vậy là vừa thiếu hụt vừa sơ lược hóa vấn đề.

Những ý tưởng của Foulcault được đưa ra trong bài giảng vào năm 1973, sau đó được phát triển hoàn chỉnh trong cuốn Giám sát và Trừng phạt (1975), đã khẳng định rằng sự biến đổi của tư bản là nguồn gốc của nhà tù, sự biến đổi này đã bộc lộ ra theo hai chiều, được minh họa bằng hai khái niệm: chủ nghĩa bất hợp pháp và chủ nghĩa cưỡng chế. Trong trường hợp thứ nhất, nó liên quan đến chức năng của nhà tù trong các mối quan hệ xã hội, và trường hợp thứ hai nhà tù được xem như là một biểu tượng của những quan hệ xã hội: một tiện ích và một dự án xã hội.

Khái niệm bất hợp pháp

Khái niệm về chủ nghĩa bất hợp pháp bao hàm tất cả các hành vi cố tình vi phạm, lách luật hoặc thậm chí làm chệch hướng luật pháp. Luật pháp chắc chắn áp đặt một số điều cấm, ràng buộc, giới hạn nhất định. Nhưng đối với Foucault kết quả của sự cân bằng xã hội thường ít khi đến từ những sự tôn trọng luật pháp mà thường đến từ những cách thức trong đó sự đồng lõa được thiết lập để vượt qua một tính hợp pháp nhất định. Về mặt tổng quan, sự xuất hiện của các hình thức sản xuất mới sẽ kéo theo việc cấu hình lại và nhân rộng ra/ phổ biến hơn các cuộc chơi bất hợp pháp.

Trong các bài viết của Michel Foucault, khái niệm chủ nghĩa bất hợp pháp được triển khai ở nhiều cấp độ, ngay cả khi các cấp độ này trùng nhau và rất thường song hành với nhau. Trước hết, ông sử dụng nó để mô tả những thay đổi xảy ra trong mức hình phạt tại một thời kỳ cụ thể, đó là sự chuyển đổi từ chế độ phong kiến sang Nhà nước tư sản. Khái niệm này cũng cho phép ông đưa ra sự phân biệt giữa chủ nghĩa bất hợp pháp của hàng hóa và chủ nghĩa bất hợp pháp về quyền. Foulcault cũng nhấn mạnh vào sự quản lý khác biệt dành riêng cho các hành vi bất hợp pháp mà theo ông, bắt nguồn từ công lý giai cấp: Chủ nghĩa bất hợp pháp có thể chấp nhận được khi nó mang lại lợi nhuận kinh tế cho các tầng lớp thống trị, nghĩa là việc sai lệch luật pháp, hoặc thậm chí vi phạm pháp luật, có thể được tái đầu tư, tái hấp thu bởi tính hợp pháp.

Foulcault cũng cho thấy rằng trong mỗi thời đại, mỗi nhóm xã hội phát triển những bất hợp pháp của riêng mình theo lợi ích riêng của nó. Dưới chế độ phong kiến, giai cấp nông dân, thợ thủ công, giai cấp tư sản buôn bán, quý tộc, tăng lữ và những người đại diện cho Nhà nước (người thu thuế, v.v.), ai cũng đều có những hành vi bất hợp pháp mà họ thao túng ít nhiều thành công và có thỏa thuận ngầm (hoặc không) của các nhóm xã hội khác.

Nhưng theo Foulcault, nền kinh tế bất hợp pháp về cơ bản đã được tái cấu trúc vào cuối thời phong kiến với việc dần dần thiết lập một xã hội tư bản dựa trên tài sản tư nhân. Các hoạt động bất hợp pháp được bỏ qua trước đây, chẳng hạn chăn thả quá mức ở nông thôn, thu gom các mẩu len hoặc sắt vụn trong các nhà máy, sẽ dần dần bị truy tố và trừng phạt. Một khi “sở hữu cá nhân và chuyên chế về tài sản” trở nên chủ yếu, nó sẽ phải được bảo vệ bằng mọi giá. Những thực hành này trở thành hành vi “trộm cắp”.

Như vậy đã xuất hiện hai thay đổi lớn: các quyền bất hợp pháp không còn được tiếp cận đối với các tầng lớp lao động và một số bất hợp pháp đã từng được dung thứ đã trở nên tuyệt đối không thể dung thứ được do tình trạng mới của tài sản và hoạt động của xã hội: họ đáng bị theo dõi, truy tố và trừng phạt. Công nghiệp hóa không chỉ đòi hỏi những người lao động có ích mà còn cần những người lao động ngoan ngoãn, những người phải có đạo đức và kỷ luật. Do đó, xã hội tư sản áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với hành vi bất hợp pháp tài sản của các tầng lớp lao động, thường coi nhà tù là lối thoát duy nhất.

Mặt khác, về mặt chính trị giai cấp tư sản sẽ luôn có thể dựa vào tiêu chuẩn trấn áp phạm pháp này để thực hiện những hành động có lợi cho nó, ví dụ thâm nhập vào giai cấp vô sản và ngăn cản các cuộc nổi dậy chính trị của nó. Nếu chúng ta gọi nhà tù là nơi tạo ra sự giam cầm cho các kẻ có hành vi xấu và có khả năng bẻ gãy mọi ý chí chống đối của những kẻ này bằng một sự quản thúc, giám sát thường trực, có thể nhận thấy rằng nhà tù chính là một công cụ hình sự có ích cho giai cấp thống trị và thích hợp để ngăn cản mọi chủ nghĩa bất hợp pháp chính trị.

Khái niệm “cưỡng chế”

Khái niệm thứ hai mà Foucault xây dựng vào năm 1973 cho phép chúng ta hiểu điều gì đã áp đặt sự tồn tại của nhà tù như một điều hiển nhiên vào thế kỷ 19 – ngay cả khi những nhà cải cách hình sự luôn kêu gọi áp dụng các phương thức trừng phạt hoàn toàn khác –, đó là khái niệm cưỡng chế. Sự cưỡng chế theo Foucault là một tập hợp các thể chế, trong thế kỷ 19, đã đóng khung cuộc sống của các cá nhân, từ khi sinh ra cho đến khi chết. Nhà trẻ, trường nội trú, doanh trại, nhà máy, bệnh viện, nhà tế bần… Tất cả các cơ sở “cưỡng chế” này đều hoạt động theo cùng một mô hình: giám sát liên tục các cá nhân, kèm theo các hình phạt từ nhỏ tới lớn trong trường hợp cá nhân có hành vi không phù hợp; kiểm tra thái độ thường xuyên, tiến hành xử phạt bởi một hệ thống thưởng phạt, và tạo dựng ra toàn bộ kiến ​​thức được coi là “chuẩn mực” của các cá nhân, những phần kiến thức bổ sung này được xác định theo “độ lệch so với chuẩn mực” của đối tượng (về giáo dục, sức khỏe, công việc, v.v.), kiến ​​thức cá nhân được hiện thực hóa trong các báo cáo, xếp hạng, hồ sơ, v.v.; cuối cùng là tổ chức chặt chẽ và đầy đủ về lịch trình (hoạt động, du lịch, nghỉ ngơi, v.v.). Bên cạnh những thiết chế “nặng nề” này, đang dần hình thành những thiết chế gọn gàng, những cơ chế linh hoạt hơn như sổ công nhân, ngân hàng tiết kiệm, tòa án công nghiệp hoặc khu nhà ở của công nhân, cho phép chuẩn mực hóa hành vi của các cá nhân và trấn áp các hành vi được coi là lệch lạc (nghiện rượu, không ổn định, v.v.).

So với các mức độ “cưỡng chế” thông thường này, nhà tù có tình trạng đẳng cấp và mức độ nghiệt ngã hơn rất nhiều lần. Điều này có nghĩa là, lý do khiến nhà tù được quyền lực chấp nhận và sự tồn tại của nó được coi là hiển nhiên là vì nó được xem là cơ sở cưỡng chế xuất sắc nhất: giám sát liên tục, giam giữ triệt để và các hoạt động kiểm tra liên tục lặp lại… Không ai còn cả gan xem nhà tù như một biểu tượng của sự lạm dụng quyền lực, bởi vì nó giống với hàng loạt các thiết chế đang tồn tại song song, những thiết chế đã được xã hội chấp nhận một cách hoàn hảo.

Mục đích cuối cùng của cưỡng chế là thiết lập cái gọi là sự mở rộng liên tục của sự trừng phạt. Phần mở rộng của trừng phạt, đó đơn giản là việc tiến hành theo dõi và đánh giá các cá nhân làm cơ sở cho sự trừng phạt. Một cuộc chơi có sự tổng hợp các yếu tố như: cưỡng chế, giám sát, kiểm tra và trừng phạt,

“Ví dụ như khi một bác sĩ hỏi tôi những câu hỏi về tình trạng sức khỏe của tôi, khi một giáo sư hỏi tôi, khi một quản đốc hỏi tôi đã làm việc như thế nào hay cấp trên tra vấn về những gì tôi đã làm, tất cả những câu hỏi này ngay lập tức tỏa ra một luồng không khí mang một sắc thái trừng phạt nhất định”. Biện pháp cưỡng chế sẽ loại trừ khả năng có những câu hỏi tính trung lập kiểu như: “Bạn là ai?”, “Bạn có khỏe không?”, “Bạn đã làm gì?”, “Bạn biết gì?”. Những câu hỏi này về cơ bản không thể hiện gì khác hơn là một sự tò mò khoa học đơn giản hoặc một mối quan tâm đạo đức đối với người kia. Trong vị thế bị cưỡng chế, mỗi câu hỏi đặt ra với chúng ta sẽ đánh thức trong mỗi chúng ta nỗi sợ hãi sẽ bị trừng phạt, nếu câu trả lời sai lệch so với một chuẩn mực (về sức khỏe, học vấn, hành vi, v.v.), và cả một tương lai chắc chắn là đau khổ, nếu khoảng cách lệch lạc so với chuẩn mực là quá lớn, kết thúc trong tù…

Tại sao lại có sự chắc chắn này? Bởi nó thực sự được bảo đảm bởi mối kết nối liên tục giữa sự kiện bị trừng phạt và những hình phạt: ý tưởng tự nhiên cho rằng hình phạt xứng đáng nhất đối với tất cả những hành vi lệch chuẩn là giam giữ trong các nhà tù của nhà nước. Do đó, mặc dù các lý thuyết gia mang tư tưởng tự do đã nghĩ, đã bàn và đã viết ra mọi thứ mọi thứ để giúp xã hội biết cách phân biệt giữa tội và lỗi, biết tách biệt rạch ròi tội phạm khỏi phạm trù đạo đức, biết xác định ranh giới giữa luật công và chuẩn mực đạo đức, nhà tù, nơi các bản án được thực thi, nơi các biện pháp trừng phạt được thực hiện, vẫn đặt trừng phạt công khai và trừng phạt về đạo đức trong mối quan hệ trực tiếp.

Một câu hỏi cuối cùng cần thiết phải đặt ra: Nhà tù – bộ máy trừng phạt có quy mô khổng lồ này dùng để làm gì? Những kết luận của Foulcault là rất sắc nét và rõ ràng đến nhức mắt: nó đóng vai trò biến thời gian sống thành sức lao động. Như Foucault đã nhấn mạnh, cả cuộc đời của Marx chỉ dành để đi tìm hiểu về cái cách mà chủ nghĩa tư bản bắt sức lao động làm con tin, bóc lột nó, cách họ biến nó thành sức sản xuất để có được lợi nhuận lớn nhất. Cái bí mật của sự biến đổi mang tính giả kim thuật này đã được tiết lộ trong cuốn Tư bản. Về cơ bản, các thể chế cưỡng chế không có mục tiêu nào khác ngoài việc thực hiện những chuyển đổi này. Foucault đã nhấn mạnh: Trong con mắt của các nhà tư bản, những gì một con người bình thường theo theo đuổi, đều là những dạng tiêu biến: ngẫu hứng, bất thường, rối loạn, tất cả thời gian của cuộc đời được sử dụng một cách vô ích, “không cần thiết” đối với nhu cầu thu được lợi nhuận của nhà tư bản. Do đó, sự cưỡng chế là giải pháp mạnh mẽ có thể làm cho thời gian sống của con người hòa nhịp vào với nhịp điệu của máy móc và chu kỳ sản xuất.

Kết luận

Với những khái niệm được xây dựng rất chặt chẽ và rõ ràng như thế, ngay trong các bài giảng năm 1973 và tiếp đó là trong cuốn Giám sát và Trừng phạt (1975), Foulcault đã xác định nhà tù như một điểm đồng quy lịch sử là giao điểm của ba trục tọa độ: “đền tội” (gia phả tôn giáo), “thể xác” (chức năng chính trị) và “cưỡng chế” (chức năng kinh tế). Tất nhiên, nghiên cứu này áp dụng cho đối tượng là những nhà tù của thế kỷ 19 nhưng sau nửa thế kỷ khi cuốn Giám sát và Trừng phạt đã được xuất bản, chúng ta cần đặt ra câu hỏi về tính thời sự của những phân tích này và khả năng sử dụng chúng trong hoàn cảnh xã hội ngày nay.

Trước hết cần khẳng định rằng những đóng góp của Foucault cho vấn đề hình sự vẫn còn nguyên ý nghĩa ở nhiều cấp độ. Tuy nhiên, chúng ta sẽ rất khó khăn để xác định chính xác mức độ ảnh hưởng của tác phẩm được thảo luận sôi nổi này, bởi nó đã lan tỏa ra bên ngoài mạng lưới kiến ​​thức hàn lâm thông thường. Nhà tù, cuối cùng, sẽ mất đi sự hiển nhiên của nó và đang thay đổi một cách nhanh chóng. Nhưng có một cái gì đó vẫn còn, mãi mãi không thể thay đổi được đối với cái thể chế này, một thể chế vừa rất hiện đại và vẫn rất cổ xưa. Và, từ góc độ này, câu hỏi của Michel Foucault vẫn là còn là của chúng ta hôm nay: “Trong một thời gian dài, chúng ta lo lắng về những gì nên bị trừng phạt và cái gì không nên; một thời gian dài chúng ta cũng băn khoăn về cái cách mà một người bị trừng phạt. Và giờ đây đã xuất hiện những câu hỏi kỳ lạ: “Chúng ta có nên trừng phạt không?”, “Hình phạt có nghĩa là gì?”, rằng “Tội ác phải bị trừng trị đã rất quen thuộc với chúng ta, rất gần gũi, rất cần thiết và đồng thời có điều gì đó mờ mịt khiến chúng ta không khỏi nghi ngờ”. Chúng ta sẽ hóa giải ra sao cái nhận xét của Nietzsche, nhận xét đã được Foulcault nhắc lại vài lần: “Xã hội mà chúng ta đang sống không biết gì ngoài việc trừng phạt”? Chúng ta sẽ bắt tay vào giải quyết ra sao cái mâu thuẫn chồng chéo sau đây: “Đối với các xã hội đương đại, chức năng trừng phạt, đã trở nên khó nhận biết, bị giằng xé giữa những mục đích mâu thuẫn nhau: một diễn ngôn hình sự tuyên bố ưu tiên xử lý hơn là trừng phạt, một bộ máy hình sự không bao giờ ngừng việc trừng phạt, một cộng đồng lương tâm xúm lại đòi hỏi một vài án phạt đơn lẻ và phớt lờ hình phạt hàng ngày được thực hiện một cách âm thầm dưới danh nghĩa của chính cộng đồng đó”?

++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++

TOẠ ĐÀM GIỚI THIỆU SÁCH "GIÁM SÁT VÀ TRỪNG PHẠT" CỦA MICHEL FOUCAULT

(Dịch giả: Trần Thị Châu Hoàn, Nguyễn Ngọc Tuấn; Hiệu đính: Hoàng Hưng)

  Thời gian: 18:00 Thứ Sáu ngày 10.06.2022

  Địa điểm: Thư viện Viện Pháp, 15 Thiền Quang, Hà Nội

  Ngôn ngữ: Dịch nối tiếp Pháp Việt

  Diễn giả:

Ngài Philippe Artières, nguyên Chủ tịch Trung tâm Michel Foucault (trực tiếp qua Zoom)

Dịch giả cuốn sách Trần Thị Châu Hoàn, Nguyễn Ngọc Tuấn, nhà giáo Lê Xuân Thu (qua Zoom)

  Dịch giả, Nhà nghiên cứu Dương Thắng

Dẫn chương trình: Dịch giả, hiệu đính Hoàng Hưng

Comments are closed.