Đức Phật, Nữ Chúa và điệp viên

Hồ AnhThái

 

Đức Phật

Đoàn khất sĩ đi qua trước cổng chợ thì bỗng nhiên nghe có tiếng hét:

– Chạy đi.

Rồi người ta xô nhau chạy loạn xạ. Bụi đất tung mù lên. Cả đoàn nhà sư dừng một nhịp. Thỉnh thoảng giáo đoàn vẫn gặp chuyện như vậy. Đang đi thì một con trâu hoặc một con bò hùng hổ lao tới. Có khi là một người điên vác dao chạy lung tung. Có khi là một con voi bứt xích chạy rông, như trường hợp dạo nào Devadatta thả một con voi say để nó xông thẳng vào Phật.

– Chạy đi. Bọn mất chim đến đấy.

Người ta vẫn hét và xô nhau chạy. Đám đang bán hàng bê thúng bê mẹt chạy. Hàng quán sập cửa. Xô nhau chạy thế mà vẫn rinh rích cười.

Mới hôm trước vỡ một trại hủi ở xa kinh đô. Vỡ trại. Nghe nói vì trại cung cấp không đủ lương thực, thiếu ăn, mấy trăm người hủi phá trại chạy ùa về kinh thành. Chân tay sứt sẹo, mặt mày bong lở, họ chạy khắp phố phường. Ai cho gì ăn nấy, không cho thì đi xin, có khi xin đểu. Họ đi đến đâu người bỏ chạy đến đấy. Hàng quán đóng chặt cửa.

Bây giờ người ta cũng chạy như chạy hủi. Vừa chạy vừa cười. Bọn mất chim đấy. Bọn cắt chim đấy. Bọn bị thiến đấy. Chưa kịp thấy bọn ấy mày ngang mũi dọc thế nào, người ta vẫn nghĩ là bất thường ghê sợ lắm. Đàn ông không chim như kim không mũi, kim không mũi thì kim vô dụng. Không giới tính như không tôn giáo, chẳng còn thuộc đẳng cấp nào. Không đẳng cấp thì vô loài, chẳng còn ra loài người nữa.

Cứ nghĩ thế mà người ta bỏ chạy.

Đoàn khất sĩ không chạy. Họ đứng lại. Không tiến lên nhưng cũng không lùi lại. Người tu hành được luyện tính bình thản kiên trì, không hoảng sợ bất chợt, không cuống cuồng manh động. Không có gì làm cho người tu hành bất ngờ. Mọi sự đều có nhân duyên, cứ từ từ tìm hiểu cho rõ ngọn ngành.

Đám bụi vừa cuốn lên giờ lắng xuống. Một toán đàn ông từ sau màn bụi ấy tiến đến. Họ đang đến. Không phải là vào xin đểu hay cướp hàng quán. Họ thất thểu đi, không có vẻ gì là đe dọa. Đám người ấy đây. Những người vỡ trại trên một đảo hoang đã thoát ra mà về đây.

Đến trước đoàn nhà sư, toán người dừng lại. Họ chắp tay búp sen cúi chào, rồi bất ngờ họ cúi xuống chạm tay vào bàn chân các sư. Đấy là tỏ lòng kính trọng. Các nhà sư vội đỡ cho họ đứng dậy.

– Xin các khất sĩ cho chúng ta theo về trong giáo đoàn.

Mấy người cùng nói. Giọng the thé. Vậy là đúng rồi, những người này đã bị thiến mất cái vật dương.

– Con đường học đạo mở rộng với tất cả những ai có căn và có nhân duyên.

Vị sư đi trên hàng đầu nói.

– Vậy là sư đã chấp nhận lời thỉnh cầu của chúng ta?

Một người hỏi lại. Người này cũng giọng mái, eo éo.

– Ta nói là những ai có căn và có duyên.

Nhà sư bình thản nhắc lại. Rõ ràng sư không nói là chấp nhận.

Đám người khuyết tật theo đoàn nhà sư trở về tinh xá. Các nhà sư san sẻ cho họ một phần thức ăn mới nhận được. Họ ăn rất khỏe. Đám người hoàn toàn béo tốt, thậm chí phốp pháp, không có vẻ gì là tù tội thiếu ăn.

Một người giải thích:

– Ở trên đảo, chúng ta được ăn uống no đủ. Nữ Chúa cho phép mọi người tự chăn nuôi trồng cấy lấy mà ăn. Chỉ có điều trên ấy là cô đảo, như biệt giam cấm cố, hàng năm trời rồi chưa được về đất liền.

Một người nói thêm:

– Không phải là vỡ trại. Chúng ta không có phá trại, không có nổi dậy hay đập phá gì. Có nổi dậy cũng chẳng được, chẳng ai bơi nổi mấy cây số sông Hằng để vào bờ.

Một người nữa kể. Bỗng nhiên hôm đầu tuần trăng, Nữ Chúa tập hợp toàn trại lại, thông báo kể từ nay trại sẽ chính thức đóng cửa. Các tù nhân sau mấy năm trời cải tạo, giờ được giải tán. Thuyền sẽ đưa tất cả vào bờ, rồi từ trên ấy ai muốn đi đường nào thì cứ thế mà đi.

Từ những năm tháng trên đảo, họ đã nghe nói về một tôn giáo mới. Các nhà sư thỉnh thoảng cũng lên đảo làm từ thiện và giảng kinh, giáo hóa. Tôn giáo ấy không câu nệ đẳng cấp mà nói rằng mọi người đều ngang bằng bình đẳng. Họ bây giờ cũng không còn đẳng cấp. Họ đã bị giật đứt mất sợi dây thiêng của đẳng cấp Bà La Môn và bị nhét một khúc xương bò vào mồm. Thế là thành một kiếp người ô uế và vô loại, vô đẳng cấp.

Giờ đây họ chỉ còn biết tìm đến Đấng Giác Ngộ.

***

Phật không nói gì. Tôn giả Pindola cũng không nói gì. Các sư quản trị thu xếp cho đám người ở trong một dãy nhà xa giảng đường. Tạm trú. Cho đến khi các vị tìm được nơi ở mới. Các sư nói thế.

Phật tổ chức một phiên trao đổi công khai. Một đêm trăng để người nói và người nghe đều nhìn rõ mặt nhau. Những điều đem ra trao đổi vì thế cũng là rõ ràng, nói đến đâu rõ ràng đến đấy, không phải giải thích lại.

Ông chủ ngân khố hoàng gia Ghosita và nhiều vị phú thương trong kinh đô được mời đến. Các thí chủ lòng thành lâu nay cũng được mời đến. Phật gọi đấy là cuộc đàm luận để tháo gỡ khó khăn.

Trăng sáng vằng vặc. Một tù nhân xin được lên nói đầu tiên. Ông ta kể lại tội lỗi mình đã phạm. Một cô gái trong làng thuộc đẳng cấp bất khả tiếp xúc, không ai dám động vào. Vậy mà như là có ma dẫn lối, ông ta đã râm ran khắp người khi nhìn thấy cô ta. Và rồi.

Những người ngồi nghe nhao nhao phản đối. Thôi thôi, tội lỗi của các người không cần nghe chúng ta cũng đã biết. Chẳng việc gì mà phải diễn tả tỉ mỉ cái dâm cái ác như thế. Nhắc lại một lần là thêm một lần phạm lỗi. Một nhóm khác không đồng tình. Thì cũng phải để cho từng đứa nó tự nói thì mới biết tội lỗi nặng nhẹ của từng đứa thế nào. Tự kể như vậy cũng là một sự tự nhận thức.

Nhưng rồi mọi người nhất trí rằng họ không có cả đêm nay để mà nghe từng người hối lỗi. Họ đến đây là để bàn bạc trách nhiệm của xã hội đối với đám tù vừa ra trại.

Trước hết là cách xưng hô. Ông chủ ngân hàng hoàng gia Ghosita nói:

– Ta đề nghị quý vị tránh cách xưng hô phân biệt kỳ thị, có hay không có thì họ cũng là người.

Có hay không có. Ai cũng hiểu là ông đang nói tránh đi cái việc những người nọ không có chim.

– Ta đề nghị không gọi họ là tù nhân, không gọi họ là người không có. Ta có thể chọn gọi họ là những người khuyết tật, hoặc những người không có năng lực.

Mọi người nhất trí gọi đám người kia là người khuyết tật.

Ông Ghosita nói tiếp:

– Khi có những người phong hủi, lở loét, mụn nhọt, động kinh đến xin vào giáo hội, bác sĩ Jivaka của Phật đã đề nghị không nhận. Những người ấy muốn xin vào giáo hội chẳng qua là để được chữa bệnh miễn phí.

Mọi người nghe đều liên tưởng đến đám người khuyết tật này. Ở mức độ nào đó, họ cũng là những người mang bệnh, những người bệnh tật.

Tôn giả Pindola tiếp lời ông Ghosita:

– Ngay từ những ngày đầu cho đến nay, giáo hội cũng chưa bao giờ là một nhà thương làm phúc, chưa bao giờ là bệnh viện, chưa bao giờ là nơi nghỉ dưỡng. Con đường học đạo chuyên cần, phải là những người đủ năng lực về sức khỏe, về trí tuệ, về nghị lực và quyết tâm.

Sư dừng lại một lúc. Ông Ghosita tranh thủ nói tiếp:

– Ta chưa từng nghe Phật chối từ một ai. Cửa Phật luôn rộng mở cho tất thảy chúng sinh, cho mọi kiếp người. Nhưng giáo hội cũng chưa bao giờ nhận vào những người không đủ năng lực mù què câm điếc, không nhận vào người gù dị hình dị tướng, không nhận người lưỡng tính, thiếu nam căn… Việc đó là của các bệnh viện, các nhà thương, các trại phục hồi chức năng, các tổ chức xã hội.

Mọi người lại liên tưởng đến những người khuyết tật đang ngồi kia. Họ vốn sinh ra là những người có nam căn, nhưng bây giờ thì không. Nhà Phật xếp họ vào loại nào?

Một vị giáo sĩ Bà La Môn đứng lên xin được nói. Ông là giáo sĩ của đạo Bà La Môn, nhưng nghe nói Phật tổ chức cuộc gặp gỡ này thì sốt sắng đến dự. Ông bảo muốn san sẻ gánh nặng xã hội.

– Đánh mất đẳng cấp rồi thì muốn được khôi phục phải gian truân lắm. Mỗi người phải làm lễ ba ngày trời, tốn cả chục con bò. Ta tình nguyện làm lễ phục hồi đẳng cấp cho những người khuyết tật này, ta sẽ làm mà không đòi tiền công xá.

Đấy đang là điều một số người khuyết tật băn khoăn. Có người còn khóc lóc. Để lấy lại đẳng cấp, trong mấy ngày trời làm lễ, người ta phải chay tịnh hoàn toàn, phải gối đất nằm sương, dãi dầu mưa nắng, phải nhờ vào nắng mưa để làm cho tội lỗi phai nhạt đi. Kẻ chịu lễ phải ăn phân bò uống nước giải bò, những vật thiêng có thể giúp tẩy rửa linh hồn bên trong. Từng có người không chịu nổi, đang ăn uống những thứ ấy thì vỡ tim mà chết.

Những người khuyết tật bàn qua tính lại. Cuối cùng đa số quyết định sẽ không làm lễ phục hồi đẳng cấp. Họ xin được Phật giáo hóa, họ muốn đi theo con đường xóa bỏ đẳng cấp, mọi người đều chan hòa, ngang bằng bình đẳng.

Một vị phú thương đề nghị:

– Tất cả các đại phú đại gia có mặt ở đây, chúng ta sẽ góp của góp công xây một mái nhà thương phúc làm chỗ trú cho những người khuyết tật.

Các vị phú thương xôn xao hưởng ứng. Giống như một cuộc đấu giá, từng người bắt đầu xướng lên số tiền bạc mà họ đóng góp. Người vài ba chục đồng bạc, người dăm bảy chục đồng, người hàng trăm hàng nghìn đồng. Rốt cuộc đã thu góp được một số tiền đủ để xây nhà thương phúc.

Lễ động thổ diễn ra ngay ngày hôm sau. Mảnh đất ở bên cạnh rừng Udaka do phú thương Ghosita mua tặng. Cũng như trước đó ông Ghosita đã hiến tặng giáo đoàn khu tinh xá bên cửa rừng Udaka. Lễ động thổ, Phật cho mời cả vị giáo sĩ Bà La Môn đã nhiệt tình đề nghị làm lễ phục hồi đẳng cấp cho đám người khuyết tật. Hai tôn giáo khác nhau, nhưng lúc này đều chung một thiện ý.

Trước hết là lễ hiến tặng. Phật khum hai bàn tay lại để cho ông Ghosita rót nước vào lòng bàn tay. Nước chảy tràn qua lòng bàn tay Phật mà chảy xuống một cái bát gỗ khất thực. Tượng trưng cho thiện chí của thí chủ đã được giáo hội đón nhận.

Một tiếng reo dậy đất trong đám dân chúng và nhà sư. Như vậy là từ nay nơi này sẽ trở thành nhà thương phúc do giáo hội đỡ đầu. Những người khuyết tật không thể xuất gia nhưng họ được phép ngụ tại đây mà phục hồi nhân tính. Nơi này cho hiện tại và cho tương lai, người bốn phương tám cõi đều có thể tụ họp lại đây mà theo dấu chân Phật.

Tiếp theo là phần lễ tái sinh. Một người thay mặt cho mấy chục người khuyết tật có mặt đến trước Phật. Anh ta chắp tay búp sen và cúi đầu cung kính. Rồi anh ta quỳ xuống, đọc mấy lời tuyên thệ:

Buddham Saranam Gacchami.

Dhammam Saranam Gacchami.

Sangham Saranam Gacchami.

Đệ tử nương tựa Phật. Đệ tử nương tựa Pháp. Đệ tử nương tựa Tăng.

Đấy là câu tuyên thệ của một người xuất gia. Nhưng Phật đã đặc cách cho những người khuyết tật này được nói. Họ sẽ không bao giờ xuất gia. Nhưng kể từ nay, sau khi đọc lời tuyên thệ, họ đã chính thức được tái sinh. Họ sẽ là những hài nhi mới sinh ra trong một nguồn học thuyết mới, trong một hệ thống đạo đức mới. Vị giáo sĩ Bà La Môn chắp tay gật gù tỏ thiện ý. Từ nay những người này sẽ không bao giờ phải băn khoăn về chuyện đẳng cấp nữa.

Govinda, điệp viên

Sau khi cứu chữa cho một người đàn ông tỉnh lại từ cơn tai biến thì ta hình như cũng được tiếp thêm năng lượng. Cơn run giật giãy giụa và những giọt máu chích ra từ các đầu ngón tay như muốn nói rằng sự sống là không dễ dàng gì. Đừng vội buông xuôi, đừng vội trễ nải, đừng vội chán nản.

Ta không nằm nữa mà đã đi khất thực được. Lại làm mọi việc và tu học như các bạn đồng đạo. Sáng sáng lại ôm bát cùng đi trong đoàn khất sĩ trên những đường phố kinh đô.

Một buổi tôn giả Pindola bảo ta cùng đi vào hoàng cung để diện kiến vua Udena. Sư cả đề nghị cuộc gặp này với nhà vua, để bàn về việc ra hàng của Nữ Chúa Manju. Đây là vấn đề đã nhức nhối hàng năm trời, nhà vua chưa làm được gì để giải quyết. Bây giờ nghe nói giáo đoàn sẽ đề xuất phương án đưa Nữ Chúa ra hàng, vua Udena nhận lời ngay. Chắc nhà vua đã cân nhắc thiệt hơn.

Trước đó tôn giả Pindola đã dẫn đầu một đoàn năm nhà sư đi gặp Nữ Chúa. Ta có mặt trong đoàn nhà sư ấy. Địa điểm hẹn gặp là một làng gần chân núi cách khá xa đồn cảnh binh. Trước đó giáo đoàn đã điều đình với chính quyền để lực lượng cảnh binh không tập trung quanh vùng núi đó mà rút hết ra xa. Vùng đó trở thành một khu vực phi quân sự, một vùng trung lập.

Nữ Chúa không mặc đồ cảnh binh như những khi đi tấn công. Bây giờ nàng quấn sari như một thiếu phụ ở đồng bằng. Nữ Chúa chấp nhận ra hàng với mấy điều kiện:

Một, Nữ Chúa sẽ không ra hàng với lực lượng cảnh binh của vương quốc mà chỉ ra hàng với giáo đoàn của Phật. Trên thực tế băng của Nữ Chúa không hề thua trận với lực lượng cảnh binh.

Hai, các chiến binh của Nữ Chúa sẽ được trở về làng quê để làm ăn bình thường. Riêng Nữ Chúa sẽ được chấp nhận trở thành tì kheo ni của giáo đoàn nữ khất sĩ.

Ba, các chiến binh ra hàng đều được cấp mỗi người một thửa ruộng để trồng cấy. Phần ruộng của Nữ Chúa sẽ do cha mẹ Nữ Chúa thực hiện canh tác.

Băng cướp và các nhà sư bàn bạc khá lâu về các điều kiện. Không thể nói là Nữ Chúa không nhận ra ta. Mỗi khi đưa mắt nhìn các nhà sư, ánh mắt nàng lại dừng hơi lâu ở ta. Có ánh nhìn như nhận ra một gương mặt. Có ánh nhìn như đã quen thuộc. Chắc là phải nhớ ra. Lần đầu trong một quán cá bên sông Hằng, ta giả làm một thương nhân để vào ăn cá. Nàng giả trai cũng để vào ăn cá. Lần thứ hai là khi ta đi trong đoàn từ thiện của hoàng hậu lên đảo biệt giam. Nàng đã dắt chúng ta đi khắp hòn đảo để giới thiệu về cách tổ chức cuộc sống cho những kẻ bị bắt. Lúc này thì ánh nhìn như muốn hỏi sao một nhà sư của một tôn giáo không sát sinh như ta lại đi ăn cá. Và tại sao sau khi ăn cá rồi mà ta vẫn còn vẻ mộ đạo nhường kia. Ta cung kính ngồi bên và nhắc nhở sư cả khi ngài quên gì đó. Ta cần mẫn ghi chép những điều kiện của Nữ Chúa. Rồi ta đưa văn bản điều kiện ra hàng cho Nữ Chúa điểm chỉ.

Giờ thì chúng ta đang ngồi trong phòng hội kiến của hoàng cung. Sư cả và ta được chỉ chỗ cho ngồi xuống, yên vị rồi thì vua Udena mới bước ra.

Đấy là người có gương mặt trầm lặng. Không tươi hơn hớn mà phảng phất buồn. Không phải buồn vì những điều mới xảy ra mà chắc chắn là quanh năm suốt tháng nó cứ buồn buồn như vậy.

Tôn giả Pindola trình lên nhà vua bản ghi điều kiện của Nữ Chúa, kèm theo văn bản của giáo đoàn kiến nghị tổ chức thực hiện.

Nhà vua đọc. Đọc kỹ. Rồi bảo viên quan đứng bên mang bút ra cho ngài khoanh vào những ý ngài thấy cần khai triển cho rõ hơn.

– Trẫm có lời cảm ơn giáo đoàn đã cất công thực hiện một việc lớn cho vương quốc. Dân có yên thì nước mới vững bền.

Ta cố tìm xem trên gương mặt kia, đâu là nét hoang dâm bắt hết đàn bà con gái về hậu cung, rồi dung túng cho những kẻ một bước lên bà ấy khuynh loát trong triều. Đâu là vẻ tàn ác khi nghĩ ra việc thử lòng thành thật của hoàng hậu bằng cách bắn mũi tên vào người nàng. Đâu là cái yếu hèn mù quáng không nhận ra âm mưu của quý phi để thị âm mưu đốt hậu cung làm cho hoàng hậu chết cháy. Đâu? Đâu?

– Đã bao lâu nay trẫm đã nghĩ cách khuyến dụ băng cướp ấy ra hàng mà chưa được. Giáo đoàn đã lập công lớn khi trực tiếp xử lý vấn đề này. Quả là dân có yên thì nước mới vững bền.

Lặp lại hoàn toàn ý tứ của câu trên. A, cái ông vua này hình như tư duy hơi chậm. Ý tưởng trườn bò như rùa trong cái đầu của ông ta. Ý tưởng luẩn quẩn loanh quanh như con kiến leo cành đa. Lại còn nói chuyện dân yên nước vững. Chính là dưới chính thể của ông ta, dân tình đói khổ, quan lại đục khoét, giặc cướp nổi lên như ong. Ông ta chỉ ngồi đó mà hưởng lạc, đâu có cất nhắc chân tay dẹp loạn cho dân yên.

Sư cả nói ra một điều khoản nãy giờ chưa bàn bạc cho rõ ràng:

– Bẩm hoàng thượng, sau khi ra hàng, Nữ Chúa trở thành nữ khất sĩ trong giáo đoàn của tiểu vương quốc Vamsa. Bằng cách ấy, nữ khất sĩ sẽ được miễn truy tố, được những ưu đãi và những miễn trừ đối với người tu hành.

Vua chầm chậm đáp:

– Tất nhiên rồi. Không chỉ Nữ Chúa mà tất cả những người ra hàng, dù không gia nhập giáo đoàn, cũng sẽ được miễn truy tố. Còn ưu đãi người tu hành thì không đâu. Dân đang đói khổ, người tu hành lại đòi được ưu đãi, dân người ta nhìn vào, người ta oán tôn giáo.

Nghe có vẻ thực tế. Đúng là một ông vua chỉ biết đến những vấn đề thế tục. Làm ra vẻ giữ gìn hình ảnh cho tôn giáo, nhưng thực ra trong lòng đầy những nghi ngại thờ ơ.

Đúng lúc này, nhà vua giơ tay đập đánh bép vào một bên má. Như là tự tát mình. Con muỗi đậu trên má ngài đã bị đập bét xác. Nhà vua thản nhiên giơ lòng bàn tay lên nhìn cái xác muỗi rồi thản nhiên xoa xoa phủi phủi. Hành động sát sinh ngang nhiên như vậy là khiếm nhã trước mặt các nhà sư. Mà có khi đấy là ngài chủ ý tỏ thái độ thách thức trước một tôn giáo chủ trương không sát sinh. Như là muốn bảo, các người có con đường của các người, ta có con đường của ta.

Trước khi chúng ta đứng lên cáo biệt, nhà vua dặn thêm:

– Hãy lưu ý thêm cho trẫm hai việc: một là nói với các địa phương có cấp ruộng cho người ra hàng thì cấp cho mảnh đất tốt, không phải đất hoang hóa không canh tác được, người ta oán thán.

Thật đúng là con người thực tế. Chu đáo đến từng chi tiết. Nhưng nhà vua trong khi tỏ ra quan tâm thì lại quên mất rằng lệnh cho các địa phương là việc của triều đình. Giáo đoàn đâu có quyền làm điều đó.

Nhà vua ngừng ngắn rồi nói tiếp:

– Việc thứ hai: lễ tiếp nhận đầu hàng không phải do triều đình tổ chức trong kinh đô mà là việc của giáo đoàn. Giáo đoàn tự tổ chức là hợp lẽ hơn cả. Các thầy nhớ mời đại diện quan chức trong triều và cảnh binh.

Rất thực tế, nhưng điều này nhà vua không cần phải dặn. Đám người ra hàng đã chọn giáo đoàn chứ không chọn triều đình. Và giáo đoàn đã sẵn sàng kế hoạch tổ chức lễ ra hàng ở thiền viện sư nữ.

Trước khi quay đi, ta vẫn còn thấy trên má vua Udena một vết máu đỏ bầm, ở chỗ con muỗi đã bị đập bét xác.

 

H.A.T

(NXB Trẻ, tháng 3.2022, Tiểu thuyết – trích đoạn)

Comments are closed.