"Gia đình vẻ vang"

Hồi ức Lê Đình Khẩn

HINH TAC GIA

Thằng Thủy, nguyên là bạn học lớp năm với tôi (vào khoảng năm 1955-56). Nó bỏ học nửa chừng, vì bị bọn con cái giai cấp bần cố nông trêu chọc và làm nhục. Năm sắp mười tám tuổi, nhân một lần địa phương tuyển quân, nó giấu mẹ, lên ủy ban xin đi bộ đội. Nó muốn thoát khỏi cuộc sống tù túng buồn tẻ, thiếu thốn về mọi mặt. Nó bảo, vào bộ đội thì được ăn no, được phát quần áo, sống tập thể vui vẻ, và quan trọng nhất là mẹ nó sẽ trở thành “mẹ chiến sỹ”.

May cho nó là đúng vào dịp địa phương còn thiếu nhiều chỉ tiêu, nên nó tuy “thấp bé nhẹ cân” gầy còm, lý lịch lại xấu (con “một tên địa chủ gian ác”, bị tử hình trong Cải cách ruộng đất), thiếu tuổi, nhưng cũng vẫn trúng tuyển. Rồi nó được đưa ra vùng núi đá vôi tai mèo, thuộc tỉnh Ninh Bình để luyện tập. Hơn ba tháng sau nó quay về thăm và chào tạm biệt mẹ để “đi B” (tức là vào miền Nam đánh nhau – đó là cách nói để giữ bí mật quân sự, che giấu, tránh né dư luận thế giới sẽ lên án cộng sản Hà Nội vi phạm Hiệp định đình chiến Genève).

Nó mặc đồ bộ đội, vai mang ba lô, cái mặt có vẻ phinh phính, da đen sạm. Bước vào cửa nó liền cất tiếng chào mẹ. Phải mất một lúc sau bà Bộ Phong mới nhận ra con trai mình. Bà sờ nắn khắp người nó. Thủy khoe đã tăng được hơn năm cân (ký lô, theo cách gọi của người miền Bắc, hoặc “lô” theo cách gọi của người Hà Tĩnh). Nó lại còn nói đùa là mình được “vỗ béo” để chuẩn bị “xuất chuồng” (những từ ngữ nông dân chăn nuôi lợn ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa vẫn hay dùng).

Nó đem về cho mẹ một gói bột lương khô nén, một gói bột cá nén, do Trung Quốc cung cấp. Bà Bộ Phong nếm thử một chút lương khô rồi khen lấy khen để. Bà nói, từ thuở cha sinh mẹ đẻ đến giờ, lần đầu tiên bà mới được  ăn một loại bánh kỳ lạ như vậy.  Thằng Thủy kể rằng nó nghe người chỉ huy của nó nói, là khi ở trong rừng nếu lạc đường, không có lương thực, chỉ cần bẻ một mẩu lương khô nhỏ bằng ngón tay mà ăn, rồi múc nước dưới khe suối lên mà uống, là no suốt cả ngày.

Nó còn kể cho mẹ nghe những ngày tháng ở Ninh Bình, nó tập luyện vất vả ra sao. Nó kể, nó phải tập luyện mãi mới đeo nổi cái ba lô nặng ba mươi sáu lô, chống gậy, leo núi, tập hành quân hàng chục cây số mỗi ngày. Vừa đi vừa phải hát bài Chiếc gậy Trường Sơn cho đỡ mệt, và cho có “tinh thần lạc quan cách mạng”. Chính trị viên bảo thế. Hết mười ngày phép, nó chia tay mẹ trở ra đơn vị, để chính thức lên đường vào chiến trường.

Không ai ngờ rằng, đó là lần gặp mặt cuối cùng của hai mẹ con.  

Sau khi đứa con trai duy nhất đi bộ đội, bà Bộ Phong một mình sống lầm lũi, cô quạnh trong túp lều tranh, suốt ngày cửa đóng then gài. Thỉnh thoảng bà mới đảo qua chợ Un bán bó chổi reèng reèng, để mua tí mắm muối. Bà gầy rộc đi trông thấy, lưng còng hẳn xuống.

Đã gần hai năm trôi qua, kể từ hôm Thủy về phép lần đầu, bà không hề có tin tức gì về con trai mình. Có lần bà nói với người hàng xóm, là nhiều đêm bà nằm mơ thấy thằng Thủy về, mà áo quần bê bết máu, nó còn nói với bà: “Mẹ ơi con lạnh lắm!”. 

Rồi một hôm, người của ủy ban đem đến cho bà một tờ giấy khổ lớn, lồng trong khung giấy bóng cứng, có dòng chữ in đậm Bảng Gia đình Vẻ vang. Họ bảo bà phải treo lên chỗ nào trang trọng nhất trong  nhà.

Bà nghĩ, sự “vẻ vang” là do thằng Thủy đem đến, mà thằng Thủy là con bà, do bà mang nặng đẻ đau, dứt ruột ra mà có, cực khổ trăm bề nuôi nó lớn lên, việc gì lại phải treo chỗ trang trọng. Vả lại, túp nhà lá lụp xụp của bà, làm gì có chỗ nào gọi là trang  trọng đâu. Vì vậy, bà bỏ cái vật bọc giấy kính ấy xuống dưới chiếu, trên cái chõng bà vẫn nằm. Đêm đêm bà lấy ra, rồi ôm nó vào lòng mà ngủ, như vẫn ôm thằng Thủy thuở ấu thơ.

Sự lặng lẽ và vô tình của thời gian khiến ruột gan bà ngày càng như có muối xát. Lâu lâu bà lại chống gậy đi đến ủy ban, để hỏi thăm tin tức con trai. Lần nào bà cũng nhận được chỉ một câu nhàm chán: “Mẹ cứ về, yên tâm chờ đợi”.

Bà chờ đợi. Cứ chờ đợi mãi. Mỏi mòn theo năm cùng tháng tận. Bà giống như tàu lá chuối vàng úa trên cây chuối ở góc vườn. Chỉ cần vài trận gió lào từ sườn núi Trường Sơn thổi về cùng với nắng rát mùa hạ miền Trung, là khô héo mà gục ngay xuống.

Rồi điều bất hạnh khiến bà ngày đêm lo ậu sợ hãi trong suốt bao năm, cuối cùng cũng đã tới.

Một hôm, có người thương binh cụt cả hai tay, quê ở xã Phúc Đồng, nhờ người nhà dẫn đến gặp bà. Anh ta là đồng đội của Thủy, cùng nhập ngũ một đợt, cùng lên đường một ngày và cùng đơn vị đi B. Anh ta khẳng định chắc chắn rằng, Thủy đã bị thám báo địch bắn chết, ngay trên đường hành quân vào Nam, bỏ xác trong rừng sâu Trường Sơn, không kịp tới nơi. (Bà xót xa nhớ lại, thảo nào nó cứ về kêu “Mẹ ơi, con lạnh lắm!”).

Cái tin sét đánh đó đã khiến người đàn bà già nua, ốm yếu, bất hạnh ấy gục hẳn. Sau tiếng kêu “Trời ơi!” thống thiết, bà thả người xuống cái chõng mà vật vã, tay liên hồi đấm thình thịch vào ngực mình. Bà không khóc được nữa, nỗi đau thương đã chặn ngang cổ họng, chỉ nghe những tiếng rên não nuột, uất ức, thì thào: “Thủy… ơi, Thủy… ơi……!”.

Kể từ giờ phút ấy, không ai có thể giúp được gì cho bà nữa. Bà đã trở thành ngây dại, từ chối tất cả, thoát ly tất cả, đoạn tuyệt với con người và thế giới xung quanh.

Đêm hôm ấy sương mù dày đặc, trời giá lạnh. Về khuya, người ta nghe thấy tiếng con Mực gầy ốm của nhà bà cứ tru lên từng hồi từng hồi, thảm thiết và não nuột. Nghe âm thanh vừa giống tiếng những người thợ rừng hú gọi nhau khi lạc đường trong rừng sâu, giữa đêm khuya; vừa giống như tiếng rú gọi đàn của loài chó sói nơi hoang mạc.

Con Mực gắn bó với bà đến hàng chục năm rồi. Nó với bà như hình với bóng, bà xem nó như người bạn thân, có miếng ăn nào cũng chia sẻ. Bà thường nói chuyện với nó, như tâm sự với người thân. Ban ngày khi bà nằm nghỉ trên chõng thì nó nằm dưới chân, ban đêm dù trời nóng nực hay lạnh giá, nó đều nằm ngay thềm cửa để canh chừng, như một người lính gác đầy trách nhiệm.

Dạo thằng Thủy mới rời nhà vào bộ đội, đêm nào con Mực cũng đi vòng vòng quanh nhà. Nó ngửng mặt lên trời, vừa đi vừa tru lên như muốn gọi ai đó. Đến cả tuần lễ sau, bà Bộ Phong mất bao công sức dỗ dành,  mãi nó mới chịu thôi.

(Con Mực vốn là một con chó con tội nghiệp, bị người ta vứt vào bụi cây bên con đường vắng khi mới lọt lòng mẹ, còn chưa mở mắt. Có lẽ mẹ nó sinh nhiều con quá mà nó thì lại èo ọt. May thay, hôm đó hai mẹ con bà Bộ Phong trên đường đi gánh củi về, nghe tiếng kêu rên yếu ớt của nó, họ đã đem về chăm sóc, như chăm một đứa trẻ sơ sinh. Bà cho nó uống nước cơm, có khi bỏ thêm vài giọt mật mía, cho nó dễ nuốt. Mực lớn dần lên, trở thành một thành viên không thể thiếu trong nhà. Ba sinh linh bất hạnh đều bị cuộc đời hắt hủi và xua đuổi, cứ quấn quýt nhau không rời, để tìm chút hơi ấm ở nhau).

Sáng hôm sau, khi chị hàng xóm vừa đến trước nhà, con Mực đã chạy nhanh ra đón. Nó không sủa mà chỉ ự ự trong họng, cái đuôi thì vẫy vẫy, rồi nó cứ cà mình cà cổ vào chân chị hàng xóm. Chốc chốc nó lại chạy trước mấy bước như dẫn đường. Linh tính báo cho  chị hàng xóm biết có điều gì đó bất thường đã xảy ra. Chị bước vội, đẩy tấm phên che cửa ra, bước vào trong nhà.

Bếp lửa cạnh cái chõng mà thường ngày bà Bộ Phong vừa dùng để nấu nướng vừa dùng để sưởi ấm, giờ chỉ còn tro lạnh.

Trên chõng, bà nằm còng queo như một con tôm khô, tay ôm cái bảng Gia đình Vẻ vang, đầu và mặt phủ kín mít dưới tấm chăn chiên Nam Định cũ nát, lỗ chỗ nhiều miếng vá. Chị hàng xóm lay gọi nhiều lần, rồi chị giỡ tấm chăn ra. Bà đã bất động. Mặt hốc hác. Mắt vẫn mở. Nhưng bà không nghe, không thấy, không nói gì nữa. Bà đã chết thật rồi.

Bà chết vì quá buồn đau? Vì cảm lạnh? Hay vì chính bà không còn muốn sống nữa? Không ai biết đích xác. Chị hàng xóm đưa tay lên vuốt mắt cho bà.

Người ta nói với nhau là, nên mừng cho bà, vì từ nay bà được giải thoát khỏi gánh nặng trần gian. Gia đình bà sẽ được đoàn tụ ở một thế giới khác. Thực ra, cũng có nhiều người cứ băn khoăn, là không biết ở cái thế giới khác ấy, bà có còn chịu nỗi đau thương cực độ khi mà, chồng thì bị “cách mạng” giết chết một cách nhục nhã trong cuộc Cải cách ruộng đất, con trai thì lại bị kẻ thù của “cách mạng” bắn chết. Tức là cha con họ lại đối nghịch nhau!

Tội nghiệp. Không biết rồi người ta có chôn theo bà cái bảng Gia đình Vẻ vang không. Không biết cái thế giới mới mà bà sắp đến ấy, có chỗ trang trọng nào để cho bà tôn thờ sự vẻ vang mà bà từng được ban thưởng ở cõi trần gian này…

Căn lều tranh trở nên trống vắng, lạnh lẽo, con Mực chịu cảnh mồ côi. Đêm khuya nó lại tru lên những tiếng kêu sầu thảm. Chưa đầy một tuần sau ngày bà chủ qua đời, con Mực cũng nhịn đói nằm chết ở thềm nhà, nơi nó đã quen nằm, để trông nhà và bảo vệ bà chủ suốt nhiều năm.

Khoảng hơn sáu tháng sau ngày tang tóc ấy, các loại dây leo bìm bìm, cỏ dại, mối mọt, mưa gió… đã xóa sổ luôn mọi dấu vết, nơi từng tồn tại một gia đình ở chốn trần gian đầy đau khổ, nơi cái làng quê heo hút ấy của tôi…

(Rút từ tập tự truyện Nơi làng quê heo hút của Lê Đình Khẩn)

HINH BIA SACH

Comments are closed.