Giáo sư Tô Ngọc Anh

Lê Học Lãnh Vân

Cô Tô Ngọc Anh, giáo sư Thực vật học tại Khoa học Đại học đường, trưởng chứng chỉ SPCN trước năm 1975, vừa thất lộc tại Sài Gòn ngày 22/7/2023. Hôm nay là lễ động quan!

Tôi, học trò cô niên khóa 1974-1975, vì việc riêng không tới tận nơi tiễn biệt cô, xin gởi những dòng thành kính…

Tôi biết cô Tô Ngọc Anh nhiều hơn một người học trò bình thường biết một người thầy. Ấy là bởi vì gia đình cô và gia đình tôi quen biết nhau từ trước. Cô là con gái út của bác sĩ Tô Phương Ký, trưởng bệnh viện Thủ Dầu Một khi người trưởng thượng trong gia đình tôi là nữ hộ sinh trưởng nơi đó. Những năm cuối thập niên 1950, đầu thập niên 1960 mỗi mùa nghỉ hè được gia đình đưa lên Thủ Dầu Một chơi vài tháng, tôi có dịp tới nhà bác sĩ Tô Phương Ký, được ăn mít, chôm chôm, măng cụt. Cô Ngọc Anh gọi người lớn trong gia đình tôi là cô Ba.

Sau này, khi lớn lên, tôi biết nhiều hơn một số thành viên trong gia đình, và tất cả đều gây cho tôi lòng kính trọng, thương yêu.

Người chị thứ hai của cô Tô Ngọc Anh, tôi gọi cô Hai, là nha sĩ Tô Huệ Mỹ. Năm bảy tám tuổi tôi được gia đình đưa tới chữa răng. Cô Hai đưa miếng nhựa tròn tròn, khá lớn, biểu ngậm trong miệng. Miệng bị há ra, cô vừa đưa dụng cụ làm răng vào thì vì một phản xạ nào đó thằng nhỏ đạp một cú rất mạnh khiến cô té ngồi vào góc xa. Tôi còn nhớ rõ, vừa té cô vừa nói lớn, đừng đánh thằng nhỏ. Ấy là cô sợ chị tôi đánh tôi. Hình ảnh và tiếng nói chăm sóc, hiền hậu ấy theo tôi tới bây giờ, sáu chục năm sau!

Học với cô Tô Ngọc Anh, tôi không có ấn tượng gì mạnh ngoài ấn tượng về một người Thầy vui vẻ, lành tính, chu đáo… Sau đó khi ở lại trường làm cán bộ giảng dạy tôi có nhiều dịp hiểu cô hơn.

Những năm 1980, 1981, nhiều trí thức Miền Nam vượt biên bằng thuyền… Trong ý muốn xoa dịu các nhà trí thức “lưu dung”, thành ủy thành phố Hồ Chí Minh chủ trương hỗ trợ cho các nhà khoa học “lưu dung” một số tiền thêm vào tiền lương. Các cán bộ khoa học từ Miền Bắc vào tiếp quản không được số tiền đó, nhiều người trong số này tổ chức sản xuất tăng gia nuôi heo, nuôi gà. Do họ được phân vào ở trong những căn nhà sang trọng, việc nuôi heo trong sân vườn, thậm chí một góc bếp hay trong phòng khách khiến căn nhà rất bê bối, hôi hám. Có khi đi bộ trên con đường sang trọng của Sài Gòn cũ, người ta nghe mùi hôi phảng phất! Giữa một buổi họp với không ít người khoa Sinh, cô Tô Ngọc Anh cười rất dòn, “Thành ủy nuôi trí thức lưu dung, heo nuôi cán bộ cách mạng!”. Em coi chừng, cẩn thận, một vị thầy lớn tuổi nói với cô. “Em nói thiệt mà chị, những cán bộ cách mạng nuôi heo tuyên bố như vậy!”, cô Ngọc Anh vẫn tiếp tục cười, trả lời!

Và cô Tô Ngọc Anh bộc bạch quan điểm của cô: “Tui không chịu vậy, công chức như nhau, tui cần lương đủ ăn cho tất cả những người cùng làm việc như tui chứ không cần được ai cho thêm!”. Cô Tô Ngọc Anh xuất thân gia đình sang trọng rất giàu có nhưng sau năm 1975 cô cũng rơi vào hoàn cảnh túng thiếu như ai. Dù vậy, cái văn hóa công bình, bác ái thấm sâu vào từng cử chỉ, lời nói thường nhật của cô và các anh chị em cô! Cô Tô Ngọc Anh thẳng thắn, gặp việc bất bình là can thiệp!

Trong những năm bên Pháp, nửa sau thập niên 1980, tôi thăm cô Tô Huệ Mỹ tại nhà riêng ba lần. Người phụ nữ trí thức và nhân hậu này kể tôi nghe những chuyện đời mà tôi lấy làm bài học lâu dài…

Một chuyện kể thấm rất sâu vào suy nghĩ và nếp sống của tôi. Bác sĩ Tô Phương Ký giao thiệp với các ông Trần Văn Chương, Trần Văn Đỗ nên cô Tô Huệ Mỹ thuộc lớp bạn bè với bà Trần Lệ Xuân, tướng Trần Văn Đôn. Cô cho biết khi còn con gái và chưa tham gia chính trường, bà Trần Lệ Xuân là người phụ nữ chăm sóc chị em bạn bè nhiều nhất. Khi ở vị trí có ảnh hưởng, bà ít giao thiệp với chị em bạn, cô không biết bà bận vì dốc sức giúp ông Nhu, ông Diệm, vì lo cho hoài bão lớn, hay vì đổi tánh khi có quyền, hay có thể bà Nhu biết nguy hiểm chực chờ nên không muốn chị em bạn dính líu!

“Xét người khó lắm. Cô biết bà Nhu từ nhỏ, biết mình không bằng bà nên không dám phê bình bà. Nhiều người ghét bà Nhu. Ở địa vị đó, bà không tránh khỏi bị nhiều người ghét. Giả sử bà có tệ thiệt như người ta nói, cô không biết nếu mình ở vị trí của bà, mình có tệ hơn bà không! Cho nên cô không dám phê bình! Đời cô, cô nghiệm là người nào phê bình người khác cay nghiệt thì bản thân mình còn cay nghiệt hơn!”.

Biết tôi có thể có một vị trí làm việc tại Pháp, cô Tô Huệ Mỹ từ tốn bàn rằng tính về lâu dài cô thấy cháu nên về nước. Mình làm việc ở nơi mình có ích, đời mình vui hơn. Về già vui hơn! Cháu chắc đủ sức gây dựng cuộc sống không khó khăn về tiền bạc, vậy nên tìm cuộc sống vui!

Sau đó, khi tôi còn ở nước ngoài thì cô Tô Huệ Mỹ đã về sống và mất tại Việt Nam. Các em trai, em gái cô cũng học cao, nghề giỏi, làm việc và sống đời có ích, thân trong giới thượng lưu mà nếp sống rất giản dị. Ngó lại đất nước mình, thời cuộc như cơn bão dữ cuốn qua, có ai đứng ngoài tâm bão! Sau năm 1975, gia đình cô cũng chịu bao điều tang thương, sầu muộn. Cô Tô Ngọc Anh là em gái nhỏ trong gia đình. Cô Tô Ngọc Anh mất rồi, thời đại của gia đình chị em cô Tô Huệ Mỹ, Tô Ngọc Anh đã qua nhưng nếp sống giản dị, trung hậu, tốt bụng và “sống có ích” như các cô mong muốn, để lại hương thơm và ý vị đượm rất sâu. Với tôi, chỉ cần sống trong hương vị ấy, cuộc sống cá nhân đã có hạnh phúc êm đềm!

Em thành kính tiễn cô. Mà cũng không có cảm giác tiễn cô. Nhớ, không dưới vài lần, cô nói, tui với Lãnh Vân mà! Tui với cô Ba mà! Tui với chị Xuân mà!

Cô ơi, khóc mà không khóc!

Ngày 25 tháng 7 năm 2023

Comments are closed.