Thi xấu, cứng và mềm

Nguyễn Hoàng Văn

Những chuyện thường ngày – ở huyện, ở tỉnh hay ở trung ương – trông giống như một cuộc thi xấu chưa có hồi kết, và xấu trên cả hai phương diện cứng – mềm.

Để đánh giá mỗi quốc gia, xã hội hay cộng đồng thì chúng ta cũng có thể nhìn nhận qua hai yếu tố cứng – mềm, ví như một dàn máy điện toán. Phần cứng, hẳn nhiên, chính là hệ thống hạ tầng, hệ thống gia cư, các cơ sở giáo dục, công nghiệp và những công trình mỹ thuật công cộng, v.v. còn phần mềm lại là hệ thống dịch vụ công quyền hay dịch vụ tư nhân, là những con người điều hành hệ thống đó, là văn hóa ứng xử của họ hay của toàn xã hội, v.v.

Trước đây tôi đã bàn về chuyện “thi xấu” nhưng đó chỉ là “xấu cứng”, cái xấu trên phương diện tạo hình khi những kẻ i tờ về mặt thẩm mỹ lại toàn quyền phung phí tài nguyên của quốc gia hay địa phương vào những công trình công cộng bằng tầm nhìn trọc phú, cốt chỉ theo đuổi cái lòe loẹt và cái phì đại. Cụ thể, đó là cái xấu quê mùa ở “Cụm tượng đài công an nhân dân” ở thủ đô và cái xấu đậm chất trọc phú ở Cầu Rồng của thành phố Đà Nẵng. [1]

Bây giờ chúng ta thử đến “xấu mềm”, là cái xấu của trí tuệ, của nhân cách, của phẩm giá; nhất là sau khi chứng kiến “cuộc thi” của hàng loạt can phạm trong vụ án “chuyến bay giải cứu” trước tòa. Đó là những phiên xử mà những cựu quan chức vô lương thi nhau chứng tỏ với tòa rằng họ chỉ là những kẻ khờ dại: chỉ vì cả tin, vì không biết luật, hay thậm chí không biết… tiền nên mới đưa thân ra tòa.

Nói cách khác, bọn này ra tòa để thi ngu, thi xấu về trí tuệ.

Nếu nhìn đó là thi ngu thì có lẽ Tô Anh Dũng là người chiếm giải quán quân với phát biểu: “Khi nhận tiền, bị cáo không nhận thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật”.

Mà Dũng đâu chỉ nhận tiền mỗi một lần. Y nhận đến những bảy lần mà ngu đến độ không biết đó là tiền hối lộ.

Nhưng Dũng nhận tiền như thế trong vai trò Thứ trưởng Ngoại giao, nghĩa là phải có học vấn đầy người mà, trong đó, dĩ nhiên, phải có bằng “lý luận chính trị cao cấp”, vậy mà…

Còn giải “á quân”, có lẽ, là Trần Văn Tân, cựu Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam. Có bằng tiến sĩ luật và, dĩ nhiên, cũng có bằng “lý luận chính trị cao cấp” nhưng khi đưa thân ra tòa thì Tân cũng lao đầu vào cuộc… thi ngu: “Bị cáo nhận thức rằng đây là tiền doanh nghiệp, không phải tiền ngân sách nên bị cáo nhận”.

Tư túi tiền ngân sách là tham nhũng, đút túi tiền doanh nghiệp là ăn hối lộ, tiến sĩ luật mà lơ mơ như thế này thì không thể ít ngu hơn Dũng.

Tuy nhiên trước tòa Tân cũng đã chứng tỏ mình biết khôn khi liên tục lẩy Kiều.

Bói Kiều, người ta thường canh chừng đoạn cuối mà lật, khi Kiều đã tái hợp cùng Kim Trọng, chẳng ai ngu si đến độ bốc những trang trước, toàn cảnh tang tóc, thê lương. Lẩy Kiều, Tân cũng vậy, y biết chọn, y không ngu dại gì lẩy những câu rất hợp với y, thí dụ như “Có ba trăm lạng việc này mới xong”.

Vì “khôn” như thế nên Tân mới trượt giải “ngu nhất”, chỉ là “ngu nhì”, so với Dũng!

Nhưng giải thứ ba thì tôi thực sự phân vân, thấy Nguyễn Anh Tuấn cũng xứng mà Vũ Hồng Nam cũng đáng.

Tuấn là cựu Thiếu tướng Phó Giám đốc Công an Hà Nội. Tuấn nhận tiền chạy án đến 2,65 triệu Mỹ kim nhưng không biết bao nhiêu, nhận bao nhiêu chuyển hết cho người của ban điều tra vụ án: "Tôi nhận từ Hằng bao nhiêu tôi chuyển thẳng cho Hưng chứ không ghi chép gì cụ thể cả. Tôi rất vô tư trong chuyện này. Sau khi ngồi tính toán lại, tôi đã nhận của Hằng 2,650 triệu USD để lo việc".

Còn Nam thì từng là “Đại sứ đặc mệnh toàn quyền” của nước CHXHCN Việt Nam tại Malaysia. Nam khai trước tòa: “Khi nhận được tiền, bị cáo đã hốt hoảng và xin được trả lại”.

Theo cáo trạng thì Nam cùng bộ sậu của mình ở Tòa Đại sứ ở Malaysia đã tróc tiền của cả những cô gái lưu lạc xứ người bán thân và thậm chí của những tù nhân, là những ngư dân bị bắt vì xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của nước này.

Ăn tiền của gái điếm là ăn dơ, ăn tiền của những tù nhân này là ăn ác, phải nói thêm là cực kỳ ác bởi đó là những đồng bào tội nghiệp nhất của chúng ta. Bị Trung Quốc ức hiếp ở mạn Bắc mà chẳng có sự bảo vệ che chắn nào của nhà nước, họ phải dạt xuống phía Nam kiếm ăn để rồi sa cơ. Mà một lần sa cơ là một lần sạt nghiệp, gia đình ở quê nhà thì vỡ nợ mà mình thì tù tội xứ người.

Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ, nhưng Nam không hề quan tâm, Nam chỉ thừa cơ hút máu.

Táng tận lương tâm, Nam hiện nguyên hình là một tên vô sỉ, vô lương, nhưng y không phải là nhà vô địch về mặt này. Nói về độ ngu thì, trong cuộc thi trên, luôn có có kẻ thấp người cao nhưng xét về mặt này thì ai cũng sàn sàn như nhau: bên tám lạng, đàng nửa cân, sự vô sỉ và vô lương của bọn này chỉ cách biệt nhau trong đường tơ, kẽ tóc!

Bởi đâu chỉ một mình Nam? Dũng cũng thế, nguyên Cục trưởng lãnh sự Nguyễn Thị Hương Lan cũng thế, cựu Thư ký riêng của Thứ trưởng y tế Phạm Trung Kiên cũng thế, rồi Trần Văn Tân cùng bao nhiêu quan chức bệ vệ khác cũng thế. Tất cả đều xem đại nạn của đất nước và sự không may của đồng bào là cơ hội để mình hút máu!

Như đã nói, nếu xem phiên tòa trên một cuộc thi xấu ở khía cạnh trí tuệ và nhân cách thì đó chỉ là một cuộc thi xấu nhỏ, trong một cuộc thi xấu lớn không có hồi kết.

Như thí sinh mới nhất là Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch, kẻ đã gây sóng gió những ngày qua khi đảm nhiệm vai Tú Bà “Ghế trên ngồi tót sỗ sàng” trên tấm thảm đỏ trong nghi lễ đón rước Thủ tướng Malaysia, Anwar Ibrahim. [2]

Cảnh Hùng đóng vai chủ nhà đón khách làm tôi nghĩ đến khoa tướng pháp và những kẻ ngờ vực, không tin. Cứ nhìn vào tấm hình chụp cảnh y sánh vai cùng ông khách Ibrahim, rồi nhìn vào thực trạng của ngành văn hóa – thể thao – du lịch Việt Nam, sự ngờ vực của họ với cái “khoa” này chắc chắn sẽ giảm bớt, không nhiều thì ít!

Hùng còn làm tôi nhớ bài học về phép giao tế đã học lóm từ lúc còn là học sinh lớp Sáu tại trường Trung học Trần Quý Cáp ở Hội An.

Tôi nhớ năm đó trường tổ chức buổi thuyết trình mang tên “Giao tế nhân sự” mà diễn giả là một công chức cấp tỉnh, đang giữ vai trò Chủ tịch Hội Phụ huynh của trường. Vì buổi thuyết trình chỉ dành cho học sinh lớp lớn, 11 và 12, tôi chỉ có thể học lóm khi các bậc đàn anh này hào hứng bàn tán đây đó trong sân trường, nhiều ngày sau đó.

Học lóm thôi nhưng tôi nhớ mãi, suốt đời.

Họ thú vị bàn về cách đưa bạn gái đi dạo phố: đàn ông con trai thì phải đi ở bên ngoài để làm lá chắn che chở phòng khi có tai nạn, hay có khi chỉ là chiếc xe chạy ngang thổi bụi mịt mù hay làm bắn tóe một ổ gà đọng đầy nước mưa.

Hay một điều thú vị khác là khi đưa bạn gái đi bát phố: ngồi ở bàn ăn hay bàn nước mà bạn gái lỡ tay đánh rơi cái gì đó – có thể là cái ví, cái khăn tay hay cái kính râm – cũng chớ nên mau mắn cúi xuống nhặt hộ. Theo lời khuyên thì làm thế bạn gái hay người khác sẽ nghĩ là mình có ý đồ xấu, kể cả khi bạn gái diện quần áo bình thường, đừng nói là diện mini jupe!

Chỉ là học sinh trung học thôi mà đã được một công chức cấp tỉnh lo lắng trang bị những kỹ năng giao tế như thế, tôi thực sự không hiểu những kẻ đại diện cho cả guồng máy cầm quyền có được học các phép lịch sự tối thiểu khi tiếp xúc các nguyên thủ nước ngoài hay không?

Sau ông Bộ trưởng, cái ngành do ông quản lý lại bộc lộ một cái xấu đáng khinh hơn khi báo Văn hóa Thể thao ngày 22/7/2023 chạy hàng tít lớn "Chơi kiên cường trước nhà vô địch World Cup, ĐT Việt Nam khiến nữ Thái Lan phải muối mặt". [3]

Trong thể thao thì thắng thua là chuyện bình thường. Cay cú khi thua đã xấu nhưng hớn hở trên nỗi đau của kẻ không may bị mình đánh bại càng xấu hơn thế nhưng điều này vẫn chưa là gì so với cái xấu này.

Xem ra cuộc thi ngày càng sôi nổi và cái “xấu mềm” ngày càng phơi bày với những mức độ tồi tệ hơn. Ông Bộ trưởng đáng bị chỉ trích đã đành, tờ báo này còn đáng bị chỉ trích hơn khi thượng đội hạ đạp, hãnh diện vì Đội tuyển nữ Việt Nam chỉ thua Đội Mỹ 0-3 và khinh thường Đội Thái Lan vì đã thua Mỹ đến 0-13.

Ông Bộ trưởng Văn hóa thì… vô văn hóa khi tiếp đón một quốc khách. Còn tờ báo mang tên “Văn hóa” thì hạ tiện đến mức tận cùng của sự hạ tiện, hành xử vô văn hóa như thể đó là tờ báo của một bọn vô lại, đá cá lăn dưa.

Bởi thế nên tôi rất bi quan, chẳng nhìn ra manh mối hy vọng nào cho hồi kết của cuộc “thi xấu” trên đất nước chúng ta, “xấu cứng” lẫn “xấu mềm”.

clip_image002

clip_image004Chú thích:

  • 3. Bị chỉ trích, báo này đã sửa chữ “muối mặt” thành “ghen tị” nhưng vẫn không thay đổi bản chất của vấn đề nên vẫn bị chỉ trích, do đó đã sửa lại một lần nữa: “ĐT nữ Việt Nam đã chơi kiên cường trước tuyển Mỹ, làm rạng danh bóng đá Đông Nam Á.
  • clip_image005

    clip_image007

    Comments are closed.