Giáp tết, lái xe về Thốt Nốt bán cá

Lê Học Lãnh Vân

 

Mỗi năm Xuân tới đuổi Xuân đi (*)

Mây trắng trên cao ngẫm ngợi gì

Soi tóc sông Tiền nghe sóng nắng

Che bờ sông Hậu hát tình quê…

Hồn trăm năm cũ trên doi nổi

Lũ mấy năm qua ít trở về

Tóc bạc cười nhau trong nắng ráng

Quềnh quang tiếng ếch ngập chiều quê…

Lê HL Vân, 210115

Câu Mỗi năm Xuân tới đuổi Xuân đi vụt hiện ra khi ông Vương nghĩ tới một quy luật của cuộc sống, ấy là hai chữ bù trừ trong đạo trời. Khi ta nhận một điều này, ta mất một điều khác. Mỗi năm thời gian cho ta một Mùa Xuân mới thì cũng lấy đi của ta một Mùa Xuân còn lại của cuộc sống. Tuy nhiên, khi viết xuống ông lại ngờ ngợ, không biết mình từng đọc câu nào giống y hệt hay giống giống như thế không?

Ấy là nói cho hợp lẽ với xã hội loài người, trong đó quyền lợi và danh vọng ám ảnh mọi mối giao thiệp nên con người băn khoăn tác quyền. Còn, để hồn mình bay lượn giữa bầu trời cao xanh của muôn vàn suy tưởng kỳ thú, mộng mơ, hồn nhiên, ông rất vui bắt gặp lại tứ đó, cho dù là mình nghĩ ra hay người khác nghĩ ra…

Mỗi năm Xuân tới đuổi Xuân đi

Mây trắng trên cao ngẫm ngợi gì…

Hôm nay, một ngày giáp Tết, ông bà đang lái xe về Thốt Nốt bán hai ao cá tới lúc xuất: mỗi con cá ước tính khoảng một kí-lô-gam. Họ chọn lối đi ưa thích: qua cầu Mỹ Thuận đi hướng Sa Đéc, rồi rẽ đường nhỏ về bắc Phong Hòa. Đường nhiều mây nhưng không u ám…

Soi tóc sông Tiền nghe sóng nắng

Che bờ sông Hậu hát tình quê…

Từ An Hữu trở đi, mây bay lớp lớp. Những đám mây không to lắm, không vụn lắm, trắng bông rải rác trên trời xanh tưởng như vô tận. Xe chạy trên cầu Mỹ Thuận, thấy trời và sông không khác nhau, màu nước như màu trời in lộn hình mây. Hạ cửa kính xuống, chừa một khe hẹp chừng nửa tấc, gió lách qua khe mát vô cùng và tiếng sông chảy rào rào…

Hồn trăm năm cũ trên doi nổi

Lũ mấy năm qua ít trở về

Mây cứ trải dài như vậy từ cầu Mỹ Thuận sông Tiền tới bắc Phong Hòa sông Hậu. Đường về bắc thật đẹp! Dọc đường là làng xóm, là ruộng đồng, là quán đón khách, là nghĩa trang nhỏ của từng tộc họ. Ghé một quán, nghe nói chuyện với nhau không biết ai chủ ai khách, tưởng như câu chuyện được bàn mấy chục năm trước. Doi, bãi, cồn, mùa nước nổi, củ năng, củ sen, bông súng, cá lóc, cá trê, nhà lớn, hội đình, tát đìa, cưới hỏi, giỗ quải… tưởng các bậc tiên hiền cùng lưu dân mở đất còn ngồi đó nói cười sảng khoái!

Bắc vắng, đợi khoảng mười lăm phút mới có chuyến. Lái xe lên bắc, bước khỏi xe đón gió sông Hậu, bên kia sông là Ô Môn, một vùng đất trù phú nằm giữa Long Xuyên và Cần Thơ. Ráng vàng hực chiếu lên thành bắc một sắc đẹp ngẩn ngơ, leo lên sân thượng bắc chụp được mấy tấm hình hiếm. Sắp tới bờ Ô Môn rồi, bước xuống sàn bắc chợt thấy những người đi bắc dáng lam lũ nghèo khổ. Cũng chục năm rồi, tháng bảy hàng năm nước không còn nhảy khỏi bờ và con nước như người bịnh nhợt nhạt thiếu sắc phù sa! Bà con vùng đất từng rất trù phú đã ly hương! Và ông bà, sau mùa cá này cũng sẽ đóng cửa ngành kinh doanh nuôi cá xuất khẩu. Nước nghèo phù sa, phiêu sinh ít hẳn, cá không còn thức ăn tự nhiên nên nuôi cá tốn nhiều thức ăn nhân tạo mà cá tăng trọng chậm, hệ số chuyển hóa thức ăn cao. Cùng với chi phí đầu vào tăng, chi phí giấu mặt cũng tăng, lỗ là chắc! Mình còn sống được, bà con biết sao!

Tóc bạc cười nhau trong nắng ráng

Quềnh quang tiếng ếch ngập chiều quê…

– Thôi anh, băn khoăn làm chi! Nước mình nó vậy! Mình cũng may mắn bảy tám năm qua lời đủ đắp qua lỗ rồi! Đừng nghĩ xa xôi anh, nắng vàng bờ bắc đẹp quá kìa. Mai mới bắt cá, đâu gấp gì!

Lên bờ Ô Môn, ông hạ hẳn cửa kiếng xuống, cho xe chạy từ từ con đường quê còn vương ráng vàng trên ngọn trúc và gốc trúc đã bắt đầu sẫm xuống. Tiếng quềnh quang của loài lưỡng thê ngập không gian chiều.

– Chạy thiệt chậm đi anh! Em thích đi lúc này, nghe ếch kêu…

Họ nhìn nhau, ánh mắt trao nụ cười. Chỉ một lúc sau, cả vùng quê chìm trong nhập nhoạng, đèn xe bật lên quét một cung đường…

Ngày 24 tháng 1 năm 2022

Comments are closed.