Huyền Trân Công Chúa (kỳ 1)

Truyện Khuất Đẩu

Mở

Các nhà viết sử ngày xưa rất kiệm lời. Câu chuyện Công Chúa Huyền Trân chỉ có mấy dòng như thế này:

“Năm Tân Sửu (I301) Thái Thượng Hoàng Trần Nhân Tông đi sang Chiêm Thành xem phong cảnh có ước gả Công Chúa Huyền Trân cho Chế Mân. Được ít lâu Chế Mân cho người đưa vàng bạc và sản vật quý hiếm sang cống và xin cưới. Triều thần có nhiều người không thuận. Chế Mân lại xin dâng châu Ô và châu Rí làm lễ cưới, bấy giờ vua Anh Tông mới quyết ý thuận gả. Đến tháng sáu năm Bính Ngọ (1306) cho công chúa về Chiêm Thành. Chưa được một năm, Chế Mân mất, mà theo tục Chiêm thành vua chết thì hậu phải chết theo. Anh Tông được tin ấy sai Trần Khắc Chung giả mượn tiếng vào thăm để cứu công chúa. Nhân đó Khắc Chung cùng nàng tư thông trên biển…”.

Đọc những dòng trên tôi cứ trăn trở mãi: vì sao một vì vua anh minh và nhân hậu như Trần Nhân Tông lại đem con gái yêu của mình gả bán cho Chế Mân? Trần Khắc Chung là ai mà sau khi cứu được công chúa lại cùng nàng tư tình trên biển gần cả năm mới về? Và Huyền Trân, một trong ba nàng công chúa Việt Nam có số phận nghiệt ngã (hai nàng kia là Mị Châu và Ngọc Hân) đã đi vào lịch sử như một người có công lớn sao vẫn bị hậu thế mỉa mai?!

“Hai châu Ô Rí vuông nghìn dặm

Một gái Huyền Trân đáng mấy mươi!”

Chính vì muốn tìm hiểu những vấn nạn nói trên, cùng với lòng yêu thương và cả căm giận, tôi viết nên tập sách nhỏ này. Tôi không có ý viết lại lịch sử, điều ấy là không thể được. Nước Chiêm bé nhỏ đã không còn bên cạnh một nước Việt hùng mạnh. Sự khôn lanh lọc lõi đă đánh gục sự chân thật đôi lúc gần như dại khờ!

Quê tôi gần thành Đồ Bàn. Cái kinh đô đã từng in dấu chân của Huyền Trân qua bao cuộc biển dâu giờ chỉ còn lại một bờ thành cũ bằng đất và tháp Cánh Tiên. Ngọn tháp đẹp nhất trong các ngọn tháp của xứ Chămpa, vẫn đứng sừng sững cùng với thời gian. Phải chăng vì có bóng dáng của Huyền Trân nên nó vẫn sáng long lanh như một khối ngọc khổng lồ. Ngọn tháp đẹp đến nỗi dù ở xa tận xứ Trầm Hương này, tôi vẫn thấy nó chiếu sáng từng đêm. Đó là cái Đẹp đã cứu rỗi cả một dân tộc.

Với cuốn sách nhỏ này, tôi muốn dâng tặng quê hương tôi, một nơi rất vinh hạnh có được hai người con dâu nổi tiếng là Huyền Trân và Ngọc Hân.

Sau cùng, tôi xin tặng những người học trò cũ hơn 40 năm trước đã từng ngồi nghe tôi dông dài chuyện ngàn năm sử lịch.

1

Thành Thăng Long vào thu. Trời xanh như chưa bao giờ xanh như thế. Gió heo may chỉ làm cho những chiếc lá vàng đẹp hơn lên chứ không tàn nhẫn ném chúng xuống mặt đường như những cơn gió bấc lạnh buốt. Điện Diên Hồng đón vua Nhân Tông trong cảnh đất nước rất thanh bình.

Ngài vừa đi thăm chơi nước Chiêm trở về. Hẳn là có biết bao điều vui. Cứ trông nét mặt tươi tắn hồng hào của ngài là đủ biết. Ngài nói:

-Hỡi các khanh, ta báo cho các khanh một tin vui. Cái miền đất phương nam xinh đẹp mà ta vừa sang thăm chơi sẽ là quê chồng của con gái ta.

Giá như ngài bảo Thoát Hoan đang quay trở lại hay Ô Mã Nhi sống dậy từ lòng biển cũng không làm cho các quan kinh ngạc bằng!

Qua hai cuộc chiến khốc liệt với quân Hung Nô, ngài đã trở thành vị thần chiến thắng. Mỗi lời nói sáng đẹp của ngài như châu ngọc luôn nở hoa trong tim của trăm họ. Hôm nay những lời vàng ngọc ấy vẫn nở hoa, nhưng là hoa xương rồng! Nghe như có hàng trăm cây gai nhọn làm nhức buốt thịt da. Cả điện Diên Hồng nín lặng. Chỉ có một người dám hé mở lòng mình cho ngài thấy những giọt máu ứa là đức vua Anh Tông.

-Muôn tâu thánh thượng, chẳng lẽ ngài muốn Huyền Trân trở thành một Chiêu Quân?

-Dĩ nhiên là không. Nước Chiêm không phải là rợ Hồ và ta đâu có phải là Hán Vũ đế. Không ai ép buộc được ta. Ta chỉ muốn gây tình hoà hiếu để dẹp bớt binh đao mà thôi.

-Muôn tâu thánh thượng, ta có binh hùng tướng mạnh. Đến cả Thoát Hoan còn phải chui vào ống đồng và Toa Đô phải bị chém thì sá gì một Chiêm quốc bé nhỏ mà phải đem lá ngọc cành vàng của nhà họ Trần gửi gắm như một con tin?

-Không phải con tin mà là một vương hậu.

Gần như quá vội vì quá xúc động, vua Anh Tông quên mất hai tiếng muôn tâu, buông thõng một câu nghe như một lời dè bỉu:

-Vương hậu của một nước man di nào có hơn gì thê thiếp của bọn Mường Mán!

Trăm quan nghe nhà vua nói thế đều run sợ cúi đầu, mặc dù người nào cũng thấy như chính lòng mình thốt ra. Nhưng Thái thượng hoàng rất uy dũng mà cũng rất nhân từ. Chính ngài đã cởi áo hoàng bào đắp lên đầu Toa Đô nên với nhà vua còn trẻ người non dạ, ngài chỉ ôn tồn:

-Ta biết khanh rất thương em. Nhưng khanh hãy nhớ, ta cũng rất yêu con gái ta. Trong cuộc nam du vừa rồi ta nhận ra một điều, ấy là ở cái miền đất tưởng là man di mọi rợ, người ta tôn trọng đàn bà xiết bao!

Đức vua Anh Tông bàng hoàng biết mình vừa có lỗi. Nhớ ngày nào say rượu ngủ quên không cùng các quan nghênh đón, lập tức ngài cho xa giá về lại Thiên Trường, phải nhờ đến Đoàn Nhữ Hài làm cả một bài biểu tạ tội mới được ngài tha thứ. Nhà vua vội vàng nhu thuận để làm đẹp lòng ngài.

-Muôn tâu thánh thượng, thần không dám cãi mệnh. Nào các quan, hãy cùng ta chúc mừng thánh ý.

Trăm quan cùng tung hô vạn tuế. Nhưng tiếng vàng tiếng sắt, tiếng đục tiếng trong, tiếng cao tiếng thấp không rền vang một nhịp thấu tận trời xanh như ngày nào các bô lão cùng hô Quyết chiến!

Quả thật cái tin công chúa Huyền Trân sẽ lấy Chế Mân làm chồng như một tảng đá từ trời cao rớt xuống hồ Tây. Muôn ngàn con sóng ấm ức vẫn cứ dội đập mãi.

Việc làm đầu tiên của Trần Khắc Chung khi về đến phủ đệ của mình là rút kiếm ra chém tuốt hàng bao nhiêu cây cảnh. Những tùng những bách, những mẫu đơn hải đường chẳng hiểu vì sao mới hôm qua còn được nâng niu từng chiếc lá từng cánh hoa, giờ bị tàn phá không một chút thương tiếc. Nhựa cây tuôn trào như máu nhưng không phải là máu màu đỏ nên vị tướng quân trẻ tuổi vẫn chưa nguôi được cơn cuồng nộ. Ừ phải như tay và chân hay đầu Chế Mân rơi xuống chân mình. Phải như thế mới hả giận. Chế Mân! Chế Mân! Tên mọi phương nam sao dám động đến ta? Mà Thái thượng hoàng mới già nua lẩm cẩm làm sao! Còn ai hơn ta xứng đáng làm phò mã?

Nỗi hờn căm ấy cứ nung nấu mãi trong đầu không cách gì vọt ra được thành lời nên lũ cây vô tội vẫn cứ tiếp tục bị thảm sát. Bọn gia nhân lúc đầu còn thập thò nhìn trộm, giờ hãi hùng trốn biệt. Trên thềm chỉ còn mỗi một mình lão phu nhân đứng chết lặng. Một lúc sau bà mới nói được:

-Đấy không phải là cách xử sự của một bậc đại trượng phu mà là của một đứa bé hờn dỗi. Ta không ngờ tướng quân của nhà họ Trần lại có thể bạc nhược như thế!

Nhận ra giọng nói trầm nhưng rất sắc của phu nhân, Khắc Chung ném kiếm xuống đất đến quỳ dưới chân bà. Tướng quân nói như khóc:

-Vì sao Thái thượng hoàng đem con gái yêu của mình gả cho bọn mọi? Cả kinh thành Thăng Long này ai không biết Huyền Trân sẽ là của con!

-Nhưng có đấy một người không thèm biết!

-Người đó là ai?

-Công chúa!

-Sao mẹ biết?

-Vì ta là đàn bà và là mẹ của con. Ta rất buồn khi phải nói với con rằng, công chúa không thể lấy con làm chồng!

-Mẹ không nên sỉ nhục con thêm nữa!

-Không. Ta chỉ muốn nói một người như con có thể lấy bất cứ ai ngoại trừ công chúa.

-Vì con là họ Đỗ chăng?

-Cũng có thể dù con đã được ban quốc tính. Nhưng trước hết một người như công chúa sinh ra không phải để bị chiếm đoạt. Với những người như thế không chỉ có muốn là được!

-Thế cần điều gì nữa?

-Tình yêu!

-Ôi, tình yêu (cười nhạt), mẹ không thấy con yêu nàng điên cuồng như thế này sao?

-Không!

-Thế thì như thế nào mới gọi là yêu?

-Ta không rõ lắm. Nhưng ta cảm nhận những ồn ào phá phách không phải là tình yêu. Với một người đàn ông tình yêu là cả một bí mật. Không ai khám phá ra được điều đó ngoài người đàn bà duy nhất mà họ đang yêu.

-Nhưng sao mẹ dám chắc công chúa không yêu con?

-Con cũng biết đấy, không ai cưng chiều công chúa bằng Thái thượng hoàng. Nếu biết công chúa yêu con thì nhất định ngài đã không hứa gả cho Chế Mân.

-Nhưng nàng cũng đâu có yêu Chế Mân.

-Bây giờ thì chưa. Nhưng sau này có thể sẽ yêu. Còn với con, mẹ nghĩ là không bao giờ!

-Con chưa thấy một người mẹ nào lại nguyền rủa con trai mình một cách thậm tệ như mẹ!

-Ta không nguyền rủa con. Ta chỉ muốn nói những điều ta biết về con. Chính vì cái tính thô bạo ầm ĩ của con chỉ đưa tới những tai ương không lường trước được. Ta khuyên con nên từ bỏ cái mộng ước làm phò mã không xứng hợp với mình. Con đang điên cuồng vì không đoạt được cái mình muốn chiếm đoạt chứ không phải vì yêu. Vì vậy, ta xin con đừng hành hạ lũ cây cối tội nghiệp của ta nữa!

Nhìn những cành nhánh ngổn ngang, hoa lá vương vãi như vừa trải qua một cơn bão, tướng quân cảm thấy hơi ân hận.

-Con xin lỗi mẹ!

-Con có biết rằng con đã chém hằng bao nhiêu nhát vào lòng ta không?

-Con thật đắc tội!

-Từ khi cha con mất, cây cỏ đã trở thành bạn quý của ta. Lá hát cho ta nghe, hoa nở cho ta ngắm. Từng đêm ta nghe chúng lớn lên. Từng ngày ta nghe chúng chuyện trò. Vậy mà con cư xử với chúng như quân Nguyên cuồng bạo (bà khóc). Ta là mẹ, dù con có thể nào ta cũng phải dằn lòng mà yêu thương. Nhưng với một người con gái, cũng may công chúa không chứng kiến cảnh này, con biết đấy, làm sao yêu con được!

-Con biết tội nhiều rồi. Con xin lỗi mẹ. Con sẽ cho người thu dọn chăm sóc để chúng xinh tươi như trước.

Tướng quân dìu phu nhân vào nhà. Một lúc sau tướng quân trở ra, nhặt kiếm lên nhìn phớt qua rồi kê vào gối bẻ đôi.

Năm ngày trước, tại phủ Thiên Trường, Khâm Từ hoàng thái hậu cũng đã phải ngất xỉu khi nghe Thái thượng hoàng báo tin sẽ gả Huyền Trân cho Chế Mân. Như một nhát kiếm đâm suốt qua ngực bà. Quân Mông Cổ từng thiêu rụi thành Thăng Long, ngay cả lăng mộ họ Trần bị tàn phá cũng không làm cho bà đau đớn bằng.

Làm sao lại đưa con vào nơi hùm sói ấy?

Làm sao lại rước lấy cái nhục gả con cho Mường Mán?

Sao không gả cho các ông hoàng tôn thất họ Trần?

Nghiêm huấn của Trần thái sư quên mất rồi sao?

Khóc lóc. Vật vã. Van nài. Nhưng Thái thượng hoàng vẫn không hề lay chuyển. Ngài nói:

-Cả kinh thành Thăng Long này tràn ngập họ Trần. Người họ Trần cứ mãi lấy nhau, sinh ra một lũ họ Trần đã bắt đầu bạc nhược, đớn hèn. Nào Trần Kiện, nào Trần Ích Tắc và biết bao ông hoàng bà chúa chỉ muốn hàng giặc để giữ lấy cái vương tước tôi đòi! Những bức thư ô nhục của bọn họ đựng đầy cả một cái tráp. Nếu ta không cho huỷ đi thì đã có biết bao nhiêu kẻ phải cúi gằm đầu xuống chứ đâu dám ngẩng mặt lên mà xưng là con cháu họ Trần!

Thái hậu vẫn ấm ức:

-Còn Trần Khắc Chung. Trẻ. Tài. Đã hết đâu mà phải gả cho bọn mọi phương nam!

-Trẻ. tài, nhưng không có tâm thì chỉ là đại họa. Còn bọn mọi phương nam, ta đã thấy rồi. Bọn họ còn muốn giàu có hơn ta. Nhưng cái điều ta thấy hài lòng nhất là họ rất kính yêu ta nên chắc chắn họ cũng sẽ yêu quý con gái ta. Không như ở đây, Thái sư đã nhốt đám con gái họ Trần vào trong một cái chuồng kết đầy hoa cứ tưởng là ân sủng, thực ra cũng chỉ là một đám cung tần!

Thái hậu đành lui vào hậu cung. Bà biết quá rõ, một khi ngài đã quyết là không đất trời nào lay chuyển được. Chợt nhớ ra công chúa đi chơi đến mấy ngày mà vẫn chưa về, bà lẩm bẩm:

-Cứ như con trai không bằng!

Đúng lúc ấy, một con ngựa trắng tuỵêt đẹp thong thả gõ những chiếc móng trước cổng thành. Một viên hạ quan vội vàng đến đón dây cương từ tay công chúa. Nàng xuống ngựa, nhảy chân sáo lên tam cấp. Phụ hoàng dang hai cánh tay chờ sẵn cho nàng sà vào lòng.

-Phụ hoàng ơi, con nhớ phụ hoàng quá!

-Ta cũng rất nhớ con.

-Phụ hoàng đi chơi đến những chín tháng cơ đấy! Lâu ơi là lâu!

-Ừ, cả một đời ta mới được đi chơi xa một lần. Tiếc là không có con.

-Thích lắm phải không cha?

-Ừ, thích lắm. Có quà cho con đấy.

-Quà từ phương nam chắc lạ lắm.

-Ừ, một tượng nữ thần bằng trầm hương thơm phức.

-Để đeo vào người như một cái bùa hộ mệnh, phải không cha?

-Gần như vậy. Chính Chiêm vương Chế Mân gửi tặng con.

-Chế Mân, cái tên nghe cũng hay hay. Không như A Bát Xích, Ô Mã Nhi, nghe đau nhói cả ruột gan!

-Nếu cái điều mà ta sắp nói là một món quà, thì hãy còn một món quà nữa cho con đấy.

-Là gì ạ?

-Là chồng tương lai của con.

-Chồng của con? Là ai?

-Chế Mân.

-Trời, xin phụ hoàng đừng đùa con!

-Ta không đùa. Đó là một chàng trai đẹp như một pho tượng.

-Nhưng con không muốn lấy một pho tượng, cũng chẳng muốn lấy ai làm chồng. Con chỉ muốn theo phụ hoàng lên Yên Tử. Phụ hoàng biết không, con vừa từ trên ấy trở về. Cái tiếng chuông giữa đất trời cao rộng nghe thật diệu kỳ!

-Trở thành vương hậu của Chiêm quốc, con sẽ là chủ nhân của hàng trăm ngôi tháp xinh đẹp. Ở đó không có tiếng chuông ngân nhưng có tiếng gió rền rĩ trong lòng tháp nghe như tiếng đất trời thầm thì giao hoà.

-Trời ơi, vậy ra phụ hoàng lấy cớ tuần du để đi tìm phò mã?

-Cũng gần đúng như vậy.

-Con không hiểu nổi phụ hoàng đang thương hay đang ghét con!

-Rất thương con ạ! Trên đời này ta chưa yêu ai bằng yêu con!

-Yêu con mà đày ải con vào chốn đầy cọp beo ma quái. Con nghe nói ở đó người và thú sống chung trong những cái hang ăn sâu vào tận lòng núi!

-Đó là những lời đồn nhảm. Chính ta đã ăn ngủ giữa kinh thành Đồ Bàn xinh đẹp chẳng kém gì Thăng Long. Khi ta đến và khi ta đi có hàng trăm con voi quỳ phục dàn chào.

-Nhưng đó là một miền gió cát bão bùng.

-Nhưng cũng là một miền đất tinh khôi xinh đẹp. Những ngọn tháp cả mấy trăm năm rồi vẫn đỏ rực trong nắng và sóng vẫn vỗ miên man ở đầm Thị Nại.

-Nghe phụ hoàng nói con phải tin là xinh đẹp. Con biết phụ hoàng rất vừa ý. Nhưng còn mẫu hậu thì sao? Dễ gì mẫu hậu chịu để con làm dâu xứ người, mà lại là cái xứ thường ngày mẫu hậu vẫn khinh ghét.

-Đúng vậy, mẫu hậu chỉ muốn con quanh quẩn trong cái kinh thành này thôi. Nghĩa là không lấy chú thì cũng phải lấy cháu, không lấy anh thì cũng phải lấy em mà thôi!

-Ôi chao, cái họ hàng này sao mà rối rắm như tơ vò! Ước gì con được sinh ra từ một dòng họ bình thường, con sẽ lấy một người chồng cũng bình thường, làm ruộng hay chăn tằm dệt lụa cũng được. Con cái của con sẽ rong chơi chạy nhảy trên đường làng. Lớn lên chúng có thể đói, có thể nghèo, nhưng không ai bắt buộc chúng phải lấy lẫn nhau như cái họ kỳ cục của nhà Trần này!

-Ngày trước ta cũng đã từng nghĩ như con vậy. Nhưng rồi vẫn không thể làm khác được. Cái ngai vàng đợi sẵn chính là số phận nghiệt ngã đã dành cho ta. Đó là cái cỗ xe vương giả mà ta phải kéo một cách nhọc nhằn. Ta đã kéo suốt trong bao nhiêu năm để cho cái dòng họ này vẻ vang đi vào lịch sử. Giờ mệt mỏi quá rồi, ta trao lại cho hoàng huynh của con.

-Thế còn con?

-Con chẳng phải kéo cái gì cả. Dẫu có muốn cũng chẳng ai cho. Vì vậy con có thể đào thoát khỏi cái qui luật khắc nghiệt của tổ tông bằng cách lấy chồng xứ người.

-Lấy chồng để đào thoát! Nghe ra thật lạ lùng!

-Nhưng chỉ có làm thế mới tìm được tự do, tìm thấy đất trời tươi mới và những con người mới.

-Mới như thế nào, thưa cha?

-Da nâu bóng, mắt trong veo. Không quỵ luỵ, không cúi luồn. Không mật ngọt đầu môi mà rắn rít trong lòng!

-Đó là xứ sở của hồn nhiên?

-Và cả chân thật nữa.

-Ước gì ở đó con sẽ mới như vừa được sinh ra. Con sẽ bỏ lại sau lưng cả một tuổi thơ bầm dập binh đao, cả những khúc sông loang máu giặc và nghẽn xác thù.

-Đúng, con sẽ bỏ lại hết và chỉ mang theo mỗi một trái tim mà thôi!

-Nhưng đã từ lâu trái tim con dường như rất lạnh lẽo.

-Không hề gì. Ở cái miền mênh mông nắng gió ấy, trái tim con sẽ nồng ấm tươi vui trở lại.

-Và phụ hoàng nghĩ rằng con sẽ hạnh phúc?

-Không phải nghĩ mà là tin. Nhất định con sẽ hạnh phúc.

Một thoáng trầm tư. Một thoáng lưỡng lự. Sau cùng nàng nói:

-Thưa phụ hoàng, nếu đó là một cuộc đào thoát dịu êm, thì con xin vâng. Con cảm thấy quá ngột ngạt ở cái kinh thành chật hẹp này rồi. Chưa biết mai sau thế nào, nhưng con cũng xin cảm ơn cha.

-Ta cũng cảm ơn con, con gái ạ.

Buổi trưa hôm ấy, ngài không dùng ngự thiện mà dùng những thức ăn dân dã cùng với cô con gái yêu. Ngài rất vui vì công chúa đã hiểu được ngài. Như vây, cả việc nước và việc nhà cũng đã tạm xong. Như một ngư phủ đã đưa thuyền về bến. Như một nông dân đã gặt xong ruộng lúa chín vàng.

Đất phương nam ngập tràn nắng gió đã đón tiếp ngài với tất cả nồng hậu của lòng hiếu khách.

Chiêm vương đã ân cần đưa ngài đi thăm những cánh đồng mía bạt ngàn, tạt vào các lò đường xem người ta nấu mật thơm ngạt ngào, xem những guồng nước khổng lồ san sát hai bên sông ngày đêm miệt mài đưa từng giọt nước trong vắt lên tưới mát ruộng đồng.

Rồi qua đêm ở đầm Thị Nại. Những ánh đèn của thuyền câu lung linh như ở thuỷ cung. Và khi mặt trời thức dậy, những ngọn tháp sáng rực lên như được dát vàng. Từ vua quan cho đến thần dân đều cung kính rạp mình chiêm bái.

Lại còn xem đua voi nữa. Những con vật to lớn tưởng lù rù chậm chạp không ngờ nhanh nhẹn chẳng kém gì cọp beo. Chúng lao tới như những cơn lốc. Chúng phóng nhanh còn hơn cả ngựa hồ của quân Mông Cổ. Kỳ lạ nhất là những chú nài. Mặc cho lũ voi lồng lên như có ai đốt lửa sau đít, bọn nài vẫn cứ vắt vẻo trên mình voi, mồm vẫn toét ra tận mang tai cười rất ngộ nghĩnh.

Đất không giàu lắm, ngưòi cũng không thật đẹp lắm, nhưng tất cả cùng sống chan hoà mộc mạc dưới bóng của các vị nữ thần lúc nào cũng phơi mở bộ ngực tròn căng như những bà mẹ trẻ đang sẵn sàng cho con bú.

Sau những ngày dạo chơi khắp cả vương quốc, ngài chợt nhận ra vị vua trẻ của đất phương Nam như đã thân thiết với ngài từ lâu. Đến lúc sắp từ biệt, ngài bỗng hỏi:

-Vương nghĩ thế nào về ta?

-Muôn tâu, ngài là một đại vương uy dũng.

-Chỉ có vậy thôi sao?

-Và… ngài thật hiền.

-A ha! Ta cũng thấy vương như vậy.

-Xin cảm ơn đại vương.

-Ta muốn vương làm phò mã của ta, được không?

Quá bất ngờ và sửng sốt, Chế Mân im lặng một lúc lâu để nén xúc động. Vương chưa dám tin cái vinh hạnh ngàn năm có một chỉ dành cho Vương.

-Vương cần suy nghĩ sao?

-Thưa không, tiểu vương xin vâng thánh ý. Tiểu vương quá hạnh phúc đấy thôi.

-Được, ta đã hứa rồi đấy. Năm sau cứ việc sang cầu hôn.

Cái mối lo gan ruột của ngài đã được cởi bỏ như thế. Ngài đã có thể yên tâm lên đường đi tìm Đạo.

***

Lúc này, tuổi ngài đã gần năm mươi. So với Đức Thích Ca là hơi muộn. Nhưng ngài không phải một mình trong đêm khuya bỏ cả triều đình và trốn vợ con. Ngài đã làm xong những việc lớn trong đời mà số phận hay chướng nghiệp buộc ràng phải trả. Ngài không thể rũ áo ra đi trong khi quân Hung Nô cuồng bạo mấy lần xâm chiếm cõi bờ. Ngài không thể không căm giận khi chúng đốt phá kinh thành, khai quật lăng mộ, giết cả ngưòi già và con trẻ. Ngài ngồi yên dưói cội bồ đề được sao khi trăm họ đắm chìm trong biển máu và nước mắt? Nếu Phật Thích Ca lỡ sinh vào buổi loạn ly như thế, Ngài cũng không thể bỏ mà đi.

Để tránh cái cảnh triều đình ồn ào đưa tiễn, ngài lặng lẽ cải trang thành một ông già nghèo, một mình lầm lũi đi lên Yên Tử. Ngài âm thầm đi qua những con đường, những bến đò, những truông dài dốc ngược, ngài đã gặp những con ngưòi mà trước đây trong sắc áo hoàng bào không một ai được phép tới gần. Những kẻ tật nguyền, những người ăn xin, những phú hộ giàu có xênh xang, những đào nương phấn son lấp lánh và cả những tên thảo khấu dám sờ nắn khắp ngươi ngài để tìm kiếm bạc vàng… Họ, cái đám chúng sinh rên rỉ, ồn ào, kệch cỡm, dâm đãng và hỗn láo ấy không ngớt quấy rầy ngài trên suốt đường đi. Nhưng ngài đã không để cho lòng mình gợn chút ưu phiền. Trái lại, nhờ gặp bọn họ, ngài cảm thấy gần với cuộc đời hơn so với lúc còn ngồi trên ngai vàng. Cái cuộc đời trần trụi không một chút che đậy tô vẽ ấy mới thực là cái cõi ta bà chìm đắm trong bể trầm luân mà Đức Từ Phụ và các môn đệ nguyện cứu vớt cho đến hết mới thôi.

Nhưng ngài thì cứu được ai ngoài chính mình? Cái biển trầm luân ấy so với cái bể khổ trong lòng ngài chưa biết cái nào lớn rộng hơn. Trong khi cứu vớt trăm họ khỏi bị dìm trong biển máu, thì cũng chính vì ngài mà biết bao sinh linh chìm nổi ở sông Bạch Đằng và cả Ô Mã Nhi chới với tuyệt vọng giữa biển khơi. Cái cách trả thù không minh bạch làm cho ngài cảm thấy cứ ray rứt mãi. Thà chết như Toa Đô chứ chết vì bị đục thuyền sau khi đã cho về nước, dù là một tên giặc hung ác, Ô Mã Nhi vẫn oán hận ngài. Biết đến bao giờ ngài mới quên được tiếng kêu tuyệt vọng của hắn?

Lại còn tiếng kêu rền rĩ u uất trong lòng đất của hàng mấy trăm tôn thất nhà Lý ở thôn Đường Lâm! Những con người vô tội bị Trần thái sư chôn sống cho dù không phải là tội của ngài nhưng vẫn là tội của tổ tông!

Làm sao tát cạn?

Làm sao lặng sóng?

Yết đế! Yết đế!

(Quên đi! Quên đi!)

Quên được sao? Yên được sao?

Càng muốn quên lại càng nhớ, càng muốn yên lại càng động! Cái bể trong lòng ngài ngày đêm triều dâng đến cả chục lần! Đã chắc gì câu kinh tiếng mõ ở chùa Yên Tử làm lặng sóng ở lòng ngài. Biết vậy, nhưng ngài vẫn phải đi tìm Cội Bồ Đề cho dù một trăm năm hay một ngàn năm chỉ bước được có mỗi một bước!

Ngài đi mãi, quên mất tháng ngày, cuối cùng ngài cũng đến được nơi muốn đến. Núi Yên Tử trên cao kia đang chìm trong mây mù thăm thẳm.

Trong khi dò dẫm từng bước một trên những bậc đá gập ghềnh có một nữ thí chủ ân cần muốn dắt ngài đi.

-A Di Đà Phật, ta đi được.

-Cha ơi, cha không nhận ra con sao?

-Có lẽ.

-Cha muốn quên cả con sao?

-Đâu phải muốn là được.

-Vậy cha đang nhớ tới cái gì?

-Chẳng nhớ tới cái gì cả.

-Vậy cha đi tu để làm gì?

-Để làm cho mình trở thành hạt bụi.

-Và gì nữa?

-Một hạt sương.

-Và…

-Một phần nghìn ánh sáng trên lưng con đom đóm.

-Hiện giờ cha đang trở thành gì?

-Thành một ông già.

-Nghĩa là chưa trở thành gì hết?

-Chưa!

-Bao giờ thành?

-Có duyên thì một ngàn năm.

-Còn vô duyên?

-Thì một triệu năm.

-Ô trời! Vậy sao cha lên đây làm chi?

-Để nghe những thứ cần nghe.

-Thứ gì, thưa cha?

-Tiếng chuông.

-Gì nữa?

-Tiếng lá.

-Gì nữa?

-Tiếng gió.

-Và gì nữa?

-Tiếng của không tiếng.

-Là sao?

-Là không. Không. Và không.

-Để làm chi vậy, thưa cha?

-Để rơi xuống như một giọt sương và trôi đi như một giọt nước của trường giang vô tận.

-Cha ơi, con cũng muốn được như thế.

-Chưa đâu.

-Vì sao?

-Vì con cần nghe nhiều thứ cần nghe.

-Thứ gì?

-Tuổi trẻ.

-Gì nữa?

-Nhan sắc.

-Gì nữa?

-Tình yêu.

-Con không cần!

-Những thứ đó là của con. Không muốn nghe cũng không được.

-Con chưa nghe động tĩnh gì hết.

-Rồi con sẽ nghe khi ánh trăng trong đêm khuya vào tận giường con. Khi con đứng một mình trước gương và nhận ra mình rất đẹp. Nhiều lắm, mọi lúc, mọi nơi, mọi giờ, mọi giấc. Thôi con về đi. Ta rất cảm ơn con.

-Cha ơi, con thương cha quá. Con tưởng như cha đang tự hành hạ mình!

-Không đâu, ngồi mãi trên cái ngai vàng ấy mới là tự hành hạ mình.

-Cha không tiễn con về quê chồng sao?

-Có hoàng huynh của con và cả triều đình.

-Cha ơi, con muốn được ôm cha để từ biệt.

Ngài gật đầu. Công chúa ôm choàng lấy phụ hoàng trong đôi tay run rẩy. Nàng khóc ướt hết cả ngực áo của ngài.

Và ngài, bất chợt cũng rơi nước mắt!

2

Mùa xuân năm Nhâm Dần, thành Thăng Long hãy còn co ro trong cái rét nàng Bân. Các cửa sổ đều buông rèm lặng ngắt và các công nương ngà ngọc hãy còn ủ mình trong những chiếc chăn bông.

Nhưng các sứ thần phương Nam đã làm ấm lên bằng cả một đoàn ngựa xe chất đầy bạc vàng và sản vật quý hiếm. Hàng trăm tấm da hổ, hàng chục ngà voi và hàng ngàn tổ yến. Những ché rượu, những buồng cau bằng vàng. Những gỗ đàn hương và trầm kỳ. Lại còn có cả một đoàn thợ thủ công.

Đấy không phải là những lễ vật cống nạp như thường lệ mà là sính lễ của Chiêm vương dâng nạp để xin cưới Huyền Trân. Có lẽ từ xưa đến giờ, ngoài Sơn tinh và Thuỷ tinh không có đồ sính lễ của một quân vương hay hoàng tử nào sánh bằng. Vua Anh Tông rất đẹp lòng, nhưng triều thần chê ít không thuận. Tướng quân Trần Khắc Chung đã nói thay cho trăm quan.

-Muôn tâu bệ hạ, một công chúa lá ngọc cành vàng như Huyền Trân thì bấy nhiêu đồ sính lễ có chi gọi là nhiều. Ngày xưa, môt viên ngọc còn đổi được liên thành huống hồ là một trang quốc sắc.

-Đây là thánh chỉ của Thái thượng hoàng, vua Anh Tông phán, ngài đã hứa là phải giữ lời.

-Muôn tâu bệ hạ, Thái thượng hoàng đã xuất gia tức là đã quên hết thế tục. Thuận hay không là do bệ hạ chứ không phải Thái thượng hoàng. Thần trộm nghĩ nếu để công chúa về với Chế Mân là để tiếng cười cho hậu thế.

-Còn các quan nghĩ thế nào?

Quan ngự sử trung tân Đoàn Nhữ Hài, người học trò năm xưa đă dâng biểu tạ tội cho vua bước ra tấu trình. Có lẽ cậy chút công với vua nên đã đưa ra những lời gián nghị rất sỗ sàng.

-Muôn tâu bệ hạ, thần cũng trộm nghĩ như Trần tướng quân. Ta không thể để công chúa về với Chiêm được vì đó là quốc nhục. Ai mà chịu được cái cảnh công chúa ngọc ngà nằm trong lòng một tên mọi đen!

Cả trăm quan cùng rộ lên tiếng cười. Cái hình ảnh khó chịu ấy được vẽ lên một cách hài hước khiến cho mọi người cảm thấy cái quốc nhục nó lộ ra lồ lộ. Đức vua lưỡng lự đành phải nói nước đôi với các sứ thần:

-Ta vẫn muốn vâng theo thánh chỉ của Thái thượng hoàng. Nhưng hiện giờ công chúa hãy còn nhỏ. Để mẫu thân ta dạy bảo thêm ít lâu rồi sẽ chọn ngày lành tháng tốt đưa về Nam. Các ngươi về thưa lại với Chiêm vương, hãy chờ thêm vài năm nữa.

Mặc dù công chúa chưa về với Chế Mân, nhưng cả kinh thành Thăng Long như sôi lên vì những lời đàm tiếu. Đó là điều chưa bao giờ xảy ra vì những chuyện quốc sự thì đố ai dám lạm bàn. Nhưng giờ đây, chuyện gả công chúa cho một người thấp hèn như động đến máu thịt của trăm họ. Chẳng riêng gì Khắc Chung, Nhữ Hài, mọi người đều cảm thấy xót xa, sỉ nhục. Đây đó vang lên những câu hát mỉa mai:

Tiếc thay cây quế giữa rừng

Để cho thằng mán thằng mường nó leo!

Thực ra, mọi người có ồn ào lên đôi chút cũng chỉ vì quá yêu công chúa mà thôi. Tuy là lá ngọc cành vàng nhưng công chúa đã phải sinh ra trong một chiếc thuyền con nép bên bờ lau sậy. Khi quân Hung Nô tràn vào Thăng Long, xa giá phải rời bỏ kinh thành. Bị quân giặc truy sát, Khâm Từ hoàng hậu đành phải xuống một chiếc thuyền con giả làm dân thường len lách trốn vào một con lạch nhỏ. Bà đã sinh con giữa đám dân nghèo chạy loạn, nên cả bà và công chúa đều được họ hết lòng thương yêu đùm bọc. Suốt những tháng năm quân giặc gầm thét, phụ hoàng phải chiến đấu với chúng đến kiệt cùng sức lực. Cái an nguy của xã tắc cùng với nỗi lo sống chết của trăm họ khiến ngài chẳng còn lòng dạ nào nghĩ đến cô công chúa bé nhỏ của mình. Mãi đến khi Hưng Đạo vương phá tan quân giặc ở sông Bạch Đằng, cả nước mở hội Thái Bình diên yến, lúc ấy ngài mới nhớ là mình có một báu vật. Ngài đã cho phép nàng được ngồi cạnh để các quan lạy mừng. Từ đó nàng lớn lên dưới cái lọng rực rỡ của phụ hoàng. Càng lớn nàng càng đẹp. Nhưng không phải cái đẹp chim sa cá lặn, cũng không yểu điệu thướt tha như các công nương. Nàng như một thiếu niên hoàng tử. Thích cưỡi ngựa bắn cung, thích gần phụ hoàng hơn mẫu hậu. Nàng thường nép sau rèm nghe lén chuyện quốc sự, tranh luận với các anh và đôi khi với cả phụ hoàng. Nhưng không vì thế mà ngài qưở trách. Ngài yêu nàng một phần như để bù đắp những năm tháng ngài xa cách, một phần vì càng khôn lớn nàng càng giống ngài. Ngài yêu nàng đến nỗi có lần ngài bảo nếu nàng là hoàng tử, ngài sẽ nhường ngôi mặc dù nàng sinh sau các anh.

Để mừng sinh nhật thứ mười lăm, ngài đã ban tặng nàng một con ngựa Hồ màu trắng như tuyết. Nàng sung sướng đặt tên cho nó là Bạch Mã hoàng tử. Từ đó, không quân hầu lính hạ, chỉ một mình một ngựa nàng thong dong đi dạo khắp chốn trong tiếng xuýt xoa reo mừng của mọi người. Chỉ cần nghe tiếng nhạc ngựa leng keng của nàng là mọi người đều bỏ cả công việc để đón chào. Các bé trai thích thú được nàng cho ngồi trên lưng ngựa, các bé gái được nàng cho sà vào lòng để được vuốt ve trìu mến. Các cụ bà bảo nàng là cô Tấm. Các cụ ông yêu cái vẻ giản dị và trong sáng của nàng. Không ai là không cảm thấy thân thiết gần gũi.

Một đôi khi nàng phóng ngựa lên đồi cao. Để mặc cho ngựa lang thang gặm cỏ, nàng nằm dài trên sườn đồi suốt cả buổi chỉ để mơ mộng nhìn trời. Cái hình ảnh mà nàng thích nhất là một đám mây trắng trôi giữa trời xanh. Nó bình yên thanh thoát và đẹp làm sao! Cái rạo rực của tuổi xuân phải chăng là được bay đi như đám mây kia cùng với người yêu dấu?

Bay qua những khu rừng

Bay qua những cánh đồng

Bay qua những mái nhà

Và bay qua khỏi cái kinh thành chật hẹp nhỏ nhen cùng với đám tôn thất họ Trần đang bắt đầu phễnh bụng ra như những con ễnh ương.

Bay đi và sau cùng đáp xuống một miền rất xa. Ở đó trời và biển liền nhau. Núi và biển cùng sóng đôi chạy bên nhau như hai cỗ xe song mã. Và ở đó có những loài chim mỗi sáng bay vút lên tầng cao hớp từng giọt sương tinh khiết để đem về làm tổ.

Mặc cho những lời đàm tiếu, nàng vẫn tin phụ hoàng. Ngài đã lặn lội muôn trùng đâu phải chỉ để kiếm một kẻ to mồm lắm chuyện như Trần Khắc Chung hay những ông hoàng họ Trần xênh xang thị vệ.

Cần gì phải đẹp như một pho tượng. Chỉ cần một người có thể cùng nàng phi ngưạ lên đồi cao hay dám dong thuyền ra tận đảo xa, một người cũng biết vui đùa như trẻ con một đôi khi nghịch phá, một người có thể đưa tay cho nàng gối đầu chứ không phải nằm ngất ngưởng bắt nàng hầu hạ…

Nhiều khi cho ngựa dọc theo sông Phú Lương (sông Hồng) nàng ngắm nhìn không biết chán con sông lúc nào cũng đỏ như máu. Đó là con sông của Thuỷ tinh và tít trên cao kia là Ba Vì của Sơn tinh lẫn mình trong ngàn mây trắng.

Ở nơi ngàn dặm kia, sông chắc không thể nào sâu hơn, núi cũng không thể cao hơn. Trời cũng không thể xanh hơn và mây cũng không thể nào trắng bằng.

Chẳng riêng gì trời mây sông núi mà từng con người, con vật cũng không thể nào thân quen và đáng yêu như ở đây. Những con trâu đen, những con bò vàng, những người mò cua đánh dậm, ngay cả một cụ bà móm mém đang cời lửa để lùi cho cháu một củ khoai… liệu có còn tìm thấy ở nơi xa kia?

***

Mùa xuân, rồi nối tiếp những mùa xuân, các sứ thần Chiêm quốc vẫn buồn bã trở về kéo theo chiếc xe rước dâu dâu lạnh lẽo vì không có Huyền Trân. Đức vua và triều thần vẫn cứ lần lữa hẹn mãi.

Mỗi lần nhắc đến chuyện cưới xin là thêm một lần bạc vàng châu báu được chất đầy lên xe. Nếu đem đúc thành người công chúa có cả chục hình nhân bằng vàng.

Chiêm Vương không hẳn mê đắm một trang quốc sắc đến nỗi phải dốc hết cả kho tàng. Trong cái vương quốc của nữ thần tình ái có biết bao nương tử để cho vương chọn lựa. Những Chiêm nương da nâu bóng ngực căng tròn với hông háng đong đưa lúc nào chẳng sẵn sàng để phụng hiến. Nhưng dưới mắt Vương đó chỉ là những con cừu chứ không phải là chim phượng hoàng ngàn năm có một. Đưa một công chúa của Đại Việt lên ngôi vương hậu đâu phải đời vương nào cũng làm được. Chính cái niềm kiêu hành ấy đã khiến cho Vương dù có phải vét hết cả vàng trong kho, mò hết ngọc trai dưới biển, bắt hết voi đực trên thượng ngàn để lấy ngà, săn hết hổ để lấy xương da…, Vương cũng sẵn sàng làm tất cả.

Bực mình vì cứ hẹn tới hẹn lui, mùa xuân năm Bính Ngọ (1306) chính Chế Mân tự mình đi đón dâu. Một đoàn ngựa xe rầm rập ra tận Thăng Long. Chế Mân đội mũ trụ bằng vàng, mặc áo đỏ quần tía tiến vào điện Diên Hồng trước con mắt sững sờ kinh ngạc của các quan. Rất đường bệ, rất sang giàu. Chẳng còn ai dè bỉu mán mường, cũng chẳng ai dám gọi là mọi dù chỉ gọi thầm trong trí!

Vương còn làm cho cả triều đình kinh ngạc hơn nữa khi cái món đồ sính lễ mà Vương dâng nạp là bản đồ của hai châu Ô, Rí. Chưa ai hình dung nó lớn rộng đến nhường nào nhưng ít ra nó cũng gần bằng hai châu Hoan, Ái.

Như thế thì làm sao chối từ! Đem cả ngàn dặm vuông để đổi lấy một người con gái quả thật là hết sức điên rồ! Cái giá của Huyền Trân đă được đẩy lên chót vót!

Không đợi Đức vua ban thánh chỉ, cả trăm quan đều tung hô vạn tuế để chúc mừng. Trong nỗi vui không ngờ, vua bước xuống ngai vàng, đến nâng Chiêm vương dậy. Ngài vỗ vai thân thiết, tươi cười cùng Chế Mân sánh bước giữa tiếng hô vạn tuế một lần nữa lại vang lên như sấm dậy.

Công chúa từ sau rèm liền bước ra. Cả điện Diên Hồng bỗng lặng im như đang nín thở. Không một chút thẹn thùng, nàng nhìn từ đầu đến chân người chồng tương lai. Ừ, da có nâu sẫm như trái bồ quân, tóc quăn và cứng như rễ tre, nhưng cùng với màu tía của lụa, màu xanh của ngọc, màu vàng của vàng, tất cả làm cho chàng như vừa bước ra từ một bức tranh của Ấn Độ. Chàng chẳng những đẹp mà còn rất lạ, không như các vương tôn công tử bạc thếch và mềm rũ ra trong mớ gấm vóc lụa là!

Còn trong mắt vương, nàng còn hơn cả hai châu Ô, Rí. Nàng đẹp và uy nghiêm như nữ thần Parvati! Nếu phải dâng cả nước, chàng cũng dám chơi ngông một phen sử lịch!

Hai hôm sau, Chiêm vương và Huyền Trân làm lễ ở thái miếu. Không có Thái thượng hoàng. Chỉ có thái hậu gầy nhom như vừa mới ốm dậy. Bà vẫn thầm khen con mắt tinh đời của chồng khéo chọn cho con một tấm chồng cũng khá xứng với danh phận. Nhưng để con đi vào nơi lành ít dữ nhiều bà không thể vui lên được. Lại còn cách xa ngàn dặm, biết đến bao giờ mới gặp lại! Bà đã cố hết sức dằn lòng nhưng khi Huyền Trân đến lạy từ biệt, bà không còn đủ sức để khóc. Cảm thấy như trời đất quay cuồng, bà lảo đảo ngã xuống. Bọn thị nữ phải vội vã đưa bà vào cung.

Mặc dù vậy, cả điện Diên Hồng vẫn rền vang tiếng nói cười chúc tụng. Người ta khen ngợi công chúa và Chiêm vương đẹp đôi. Người ta xưng tụng là kỳ duyên kim cổ có một không hai. Cả đám tôn thất dù mất đi một cô công chúa- cũng có đáng là bao- nhưng lại được thêm đến mấy châu quận. Thế là có thêm đất để phong vương. Vui quá, vui còn hơn khi Hưng Đạo đại vương quét sạch quân Hung Nô. Trong hơi men có người ứng khẩu thành thơ:

Hai châu Ô Rí vuông ngàn dặm

Một gái Huyền Trân đáng mấy mươi!

Hay! Hay quá! Rất nhiều người cùng phụ hoạ. Ngay cả Trần Khắc Chung cũng gật gù khen ngợi. Quả đúng như lời phu nhân từng nói, tướng quân chỉ muốn ngôi phò mã chứ chẳng yêu gì Huyền Trân. Khi thấy không thể lay chuyển được Thái thượng hoàng, tướng quân đã cưới một công nương họ Trần lớn hơn đến những năm tuổi. Bù lại tướng quân có cả một thái ấp và hàng trăm gia nô tỳ nữ.

Chiêm vương đón Huyền Trân còn hơn cả một nữ hoàng. Hai thớt voi mang trên lưng hai cái bành đỏ tía được che bằng lọng xanh lục. Theo sau là cỗ xe song mã với rèm ngọc lưu ly. Một đội ngự lâm áo giáp và thắt lưng như cũng được làm bằng vàng sáng rực.

Nhưng Huyền Trân không muốn ngồi trên bành voi, cũng không muốn ngồi trong xe. Nàng vận quần chẽn áo chẽn màu đỏ cỡi trên lưng con Bạch Mã hoàng tử. Chiêm vương chiều nàng, cũng cỡi một con ngựa ô đen tuyền. Hai người sóng đôi đi bên nhau đẹp như trong tranh vẽ.

Ra khỏi kinh thành đoàn người phải đi rất chậm vì dân chúng chen nhau đưa tiễn. Mọi người đều khóc. Không như tôn thất họ Trần và các quan, chẳng một ai thấy vui vì được thêm đất. Hai cái châu quận mới cũng chỉ để lưu đày những kẻ tội đồ và những dân nghèo mà thôi! Cái vùng ma thiêng nước độc ấy như đã dành sẵn cho họ!

Từ nay họ mất đi một người tuy rất cao rất xa nhưng lại rất gần với họ. Một người từng xuống ruộng xem họ gặt lúa, lên nương xem họ hái chè. Một người đã từng cùng họ trú mưa trong những căn lều dột nát, từng cùng họ ăn ngô ăn khoai. Một người sẵn lòng bênh vực họ khi thấy bọn hạ quan hay đám thị vệ sách nhiễu. Một người làm cho họ thấy gần vua và vì vậy họ sẵn sàng được chết khi vua cần đến họ. Một người như thế hôm nay đi làm dâu xứ người!

Từ nay chẳng còn ai thấy cái bóng con ngựa trắng trên lưng đồi hay lửng thửng trên những con đê ở hai bên bờ sông Phú Lương. Từ nay nghe tiếng vó ngựa người ta phải cuống cuồng trốn chạy chứ không còn bình yên đón đợi.

Người nối người cho đến tận cuối sông. Lúc này cả ngàn người cùng gào lên tuyệt vọng.

Công chúa ơi!

Công chúa ơi!

Có kẻ kêu tên Huyền Trân tha thiết đến nỗi công chúa phải rơi nước mắt.

Comments are closed.