Kim Thuý: Con suối nhỏ bỗng nhiên thành lớn

Dominique Lemieux, Les libraires, ngày 15/04/2013

Nguyễn Quang Bình dịch

Bây giờ, xin giới thiệu với bạn đọc một Kim Thuý người thật việc thật đây. Chắc bạn từng nghe loáng thoáng thành công của chị – một hiện tượng mà có người cho đấy là bất ngờ, có người không tin có chuyện ấy, có người lại nghĩ thần kinh bất thường hay sao mà nói thế. Nhưng chuyện thật đấy, ta đang bàn về sự thành công của một nữ văn sĩ, nhất lại là thành công của một người phụ nữ có điệu bộ thoăn thoắt, khoẻ khoắn lanh lợi. Kim Thuý mở cửa. Tai nghe điện thoại, chị ra hiệu bằng điệu bộ, dẫn tôi về phía bếp. Bàn dọn sẵn. Một đĩa trái cây mới cắt (nào xoài, đu đủ, dâu, quất), bình trà Nhật Bản, hạt điều ngon ngậy, bánh mì quết cà phê và sô cô la rải lên phần yaourt trái cây. Chị tiếp đón đúng điệu. Chị biết cách toả sáng.

Nữ văn sĩ này có mọi lý do để toả sáng. Ru, cuốn tiểu thuyết đầu tay của chị xuất hiện hầu như không tên không tuổi nhưng đã gây nhiều ngạc nhiên vào năm 2009 nhờ sự nhạy cảm, tính xác thực và các phẩm chất văn chương, làm nên một trong những thành công tuyệt vời của ngành xuất bản Québec thời hiện đại. Tác phẩm đã được dịch ra 20 thứ tiếng và tiếp tục thu phục thế giới: trong mười tháng vừa qua, tác giả đã đi Scotland, Rumani, Bungari, Serbia. Đâu đâu, giới phê bình như bị thu hút, công chúng bị chinh phục –220.000 cuốn sách đã bán ra chứng minh cho điều đó!–, rồi được vinh danh, chị nhận nhiều giải thưởng văn chương danh giá (Prix du Gouverneur général, Grand Prix RTL – Lire).

Kim Thuý như xoáy theo cơn lốc: “Đấy không phải là cuộc sống của tôi. Cuộc đời của tôi có đáng chi đâu. Bản thân tôi yếu đuối, bé nhỏ. Tôi nào có mơ gì đâu. Nhưng nó cứ thế đấy… Không tin được”. Rơi vào trường hợp được tâng bốc thế này, nhiều người ắt phải hoang mang lo lắng lắm, kẻ khác e không dám cầm bút viết tiếp nữa. Nhưng đó không phải là trường hợp của Kim Thuý. Lo lắng ư, hầu như rất ít: “Mình không kiểm soát được nữa. Cuốn sách mình xem như xong. Chuyện tiếp theo ư, chỉ biết vui chứ còn làm chi nữa. Mình chỉ ngồi yên mà nghe người ta nói nó như thế nào và đợi các phẩm bình của những bạn đọc nó”. Điều chắc chắn, cuốn truyện mới của chị – Mãn – lại lôi cuốn từng đoàn người tới các tiệm sách. Thấy rồi đấy, cuốn sách thu hút sự lưu ý tại Pháp, ở đất nước mà cuốn truyện được chọn vào chung kết giải văn chương Prix Ouest-France Étonnants Voyageurs.

Nữ ngôn sứ

Kim Thuý luôn tươi cười. Mắt chị tếu tếu, liến thoắng. Đừng tưởng chị ngây ngô, không thế đâu. Đúng là có chút e dè, nhưng ít thôi. Tuy nhiên, khi nói về cuốn truyện mới ra của chị, chị nói hăng lắm: “Mình cất cuốn sách này trong bụng đã lâu. Dù đi liên tục, mình cũng viết được nó trong thời gian giữa tháng bảy và tháng mười hai. Mình chẳng hiểu đã làm thế nào. Mình có cảm tưởng mình là một ngôn sứ, cứ thế mà nó ra”. Rồi một chiều dông bão, chị đánh dấu chấm cuối cùng. Chị không muốn bỏ bê văn bản ấy, nhưng thời khắc đã đến để chia tay với Mãn, nhân vật chính của cuốn truyện, một phụ nữ mang tên còn có nghĩa “hoàn toàn thỏa nguyện’’, sinh ra ở Việt Nam, định cư ở Montréal với một đức ông chồng làm nhà hàng – là cái neo của duy nhất của cô ở Québec–, cô đầu bếp có một không hai.

Mãn kể chuyện tình yêu. Chuyện cũng bình thường: một phụ nữ có chồng gặp người đàn ông. Ngẫu nhiên, hạnh phúc và bối rối. Nàng phát hiện đam mê, một đam mê thật sự, rất khác xa với một cuộc cưới gả có điều kiện, âm thầm và do mẹ cô quyết định, mà cô phải chịu đựng nhiều năm trời. Nàng mới dần dần hiểu được ý nghĩa thực sự của động từ “yêu” là gì. Tình yêu giải phóng Mãn, giúp Mãn khẳng định được chính mình, nghe được cõi lòng mình. “Tình yêu là cái gì đó không định hình được”, bà chủ nhà hàng mới ngày trước đây tuyên bố thế. “Những khoảnh khắc vĩ đại của tình yêu thường không diễn tả được bằng ngôn từ. Khi yêu chồng, thì tự khắc biết theo anh thế nào, biết tựa vai anh thế nào. Tuy nhiên, cách yêu thương cũng khác nhau tuỳ văn hoá từng xứ sở. Ở Việt Nam, tình yêu xây dựng trên sự hy sinh, quên mình”.

Tình yêu cũng còn xuất phát từ tình bạn và nhất là khi được làm mẹ, một cách đơn sơ như thế để nhấn mạnh tầm quan trọng của tình bạn trong cuốn tiểu thuyết này. Khi phụ nữ được làm mẹ, đáng ra phải viết như thế. Đầu tiên có một bà mẹ, khi còn vị thành niên, đã sinh ra Mãn, rồi đem bỏ nó trong sân chùa, cô bé con ấy được người ta nhận nuôi, lớn lên và gọi người nuôi là “Mẹ”. Mẹ thật là huyền diệu: “Bà mẹ Việt Nam có trách nhiệm giáo dục con cái hàng ngày, hầu như đó là việc riêng dành cho bà. Bà cũng là dây nối chuyển chở văn hoá, tập tục, thói quen và tập quán… Mẹ sống hy sinh quên mình, cũng có thể kiểm soát cẩn thận đối với con mình. Và chính mẹ của văn sĩ cũng luôn là nguồn cảm hứng của chị: “Mẹ luôn giục tôi đi xa hơn vì bà biết tính tôi yếu đuối và hay ngại ngần. Mẹ bảo vệ tôi. Bà nói: “Lúc nào con thấy sợ, chính là lúc phải nhảy ra. Đó là cách duy nhất để thành công. Vào hang mới bắt được cọp”.

Bản thân chị sinh ra tại Việt Nam, lúc 10 tuổi, chị cùng gia đình trốn chạy khỏi cộng sản, Kim Thuý định cư tại Québec sau một thời kỳ sống gian khổ tại trại tỵ nạn. Hôm nay, định cư tại vùng Rive-Sud của Montréal, chị tin – cũng như nhân vật Mãn – chị có ở đời là nhờ tổ tiên ông bà: “Cái tôi có tôi hưởng ngày hôm nay là từ đại gia đình của tôi, của biết bao người còn cũng như của bao người khuất, người tôi biết cũng như người đã mất trước khi tôi ra đời. Tất tất đều tốt đẹp cả, nên mình phải biết chọn cái gì làm đời mình phong phú và khuyến giục điều tốt cho mình nhưng hãy buông bỏ những gì không hay”.

Tuy nhiên khi đọc truyện này, ta vẫn thấy tồn tại một bản sắc lung linh không rõ ràng, mẹ đâu mà nhiều mẹ thế, thân nhân họ hàng đếm không hết, cứ toả ra cứ tản ra dần ra, đó chính là cái cảm tưởng chính của cuốn sách. Điều này vọng lại trong Kim Thuý: “Mình không có cá tính. Mình bắt chước như con tắc kè hoa, mình chẳng có gì là thật của mình. Người ta nói về một bản sắc rỗng, nhưng mình cũng có thể nói về các bản sắc phức tạp chứ. Mình hoàn toàn thoải mái, bên nào cũng được”.

Cách viết “nhâm nhi”

Cách viết của Kim Thuý luôn luôn vừa thanh tao vừa lấp lánh. Tràn đầy cảm xúc, chị dẫn ta đi từ Sài Gòn đến Montréal, chị gợi cho ta nhớ mùi thơm của lá chuối nấu và âm thanh của những người khóc mướn chuyên nghiệp. “Khi mình viết, cả người mình rung cảm, mình nhâm nhi thưởng thức hết các thứ, mình thấy hết mọi sự. Nếu như có khả năng, mình vẽ hết được vô số tiểu tiết hiện không nằm trong sách thì cũng được. Đối với mình, các cảnh tượng xảy ra rất rõ ràng. Mình thấy rõ hình ảnh khi mình viết. Mình cần cảm giác được cho đến đến tiếng gió, hầu như biết nó thổi đi hướng nào”.

Tính nhân văn tràn trề của Kim Thuý toát ra như hơi thở trên từng trang: “Va chạm, tiếp xúc con người tạo hứng cho mình viết. Đối với cuốn sách này, mình được nhiều người mình gặp hàng ngày tạo hứng cho ngòi bút. Mình chỉ làm công việc là nối các điểm trong các câu chuyện của họ”. Đôi khi, chuyện này xuất phát từ một chị làm móng, lúc khác, từ một anh bán cá lân cận: “Chúng ta ai cũng có những mẫu chuyện giấu kín. Đương nhiên, người ta cố không cho ai biết. Lại nữa thường họ hay bị ép nói ra. Nhưng dân di cư họ không tự tin lắm nên ngại thổ lộ tâm tình: họ thường dè dặt đến độ phẳng lì và chẳng muốn kể ra điều gì. Tuy thế, khi vén màn lên, họ thấy hết từ chuyện tình yêu, đam mê, đau xé chia lìa…”.

Rồi chị kết luận: “Con người ta bao giờ cũng muốn kể chuyện riêng của mình cho người khác nghe”. Đúng vậy thật, nhất đó lại là người kể cho chúng ta nghe có tên Kim Thuý.

Comments are closed.