Kỷ niệm với Hoàng Cầm (với hai bài thơ đăng báo Tết Tuổi Trẻ)

Nguyễn Trọng Chức

image

Khoảng đầu tháng 6-1985 lần thứ hai tôi ra Hà Nội sau 1975. Ngày ấy có được vé máy bay rất khó khăn, tôi phải đi đường bộ, quá giang một chiếc xe tải đủng đỉnh chở giấy từ Sài Gòn ra tận Quảng Ninh (ông chủ xí nghiệp giấy là bạn của tôi). Chuyến đi kết hợp nhiều mục đích: công việc của báo Tuổi Trẻ, thăm quê nhà ở Thanh Oai và thực hiện một mong muốn riêng tư đã ấp ủ lâu rồi: tìm cách gặp các nhân vật đặc biệt, cả về tài năng lẫn số phận – những người mà tôi đã biết, đã đọc tác phẩm của họ trên nhiều nguồn tư liệu xuất bản ở Sài Gòn trước 1975 – các nhà thơ, nhà văn trong phong trào “Nhân Văn – Giai Phẩm” như Hoàng Cầm, Lê Đạt, Trần Dần, Phùng Quán…

Nhờ sự giúp đỡ của các thân hữu, đồng nghiệp ở thủ đô, tôi được gặp Lê Đạt, được ông tiếp chuyện thân tình tại nhà riêng trên phố Lãn Ông. Từ cuộc gặp đó, Lê Đạt đã gửi truyện ngắn cho tờ Tuổi Trẻ Chủ Nhật, trong đó có truyện sau này được in trong tập truyện Hèn đại nhân. Khi tìm đến nhà của Hoàng Cầm và Trần Dần, tiếc là không gặp được cả hai ông nên tôi đã viết ít dòng để lại, bày tỏ mong muốn được đón hai ông ở Sài Gòn. Không ngờ những lá thư làm quen ấy của một kẻ hậu sinh phương Nam đã được cả Hoàng Cầm và Trần Dần hồi đáp. Và rất bất ngờ khi tôi còn được diện kiến hai nhà thơ ngay tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ.

Hôm đón tiếp tác giả Người người, lớp lớp, cảm động và mải trò chuyện với ông nên tôi quên khuấy việc nhờ một phóng viên ảnh ghi hình. Rất may có được một bức ảnh với Hoàng Cầm (không nhớ ai đã chụp). Hôm tác giả Bên kia sông Đuống, Lá diêu bông đến tòa soạn, ông gửi bài thơ ngắn Chuyện trăm năm. Bài thơ viết tay đề tặng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sau đó được đăng trên báo Tuổi Trẻ (có thể là số Tết 1986). Tôi lưu giữ bản thảo bài thơ ấy, đến năm 2002 thì tặng cho Hội quán Hội Ngộ – một không gian Trịnh Công Sơn lần đầu tiên được xây dựng tại Làng du lịch Bình Quới. Sau đó nhạc sĩ Hoàng Hiệp đã phổ nhạc bài Chuyện trăm năm nhưng đặt tựa là Em nhìn như mưa trắng (không rõ ca khúc này có được thu âm và ca sĩ nào từng hát?). Bản thảo ca khúc ấy nhạc sĩ Hoàng Hiệp đã gửi tặng tôi.

Cuối năm 1991 Hoàng Cầm gửi tiếp Phía sau lời cầu hôn mà tôi còn giữ được bản thảo viết tay với nét chữ rất đẹp, năm ấy ông đã ở tuổi bảy mươi.

Khô cong thuyền bến cát

Khát dòng sông em

Sóng sánh bờ mi cong

Chiều dài tháng nóng

Trời tức ngực chưa mưa

Mây mỏng

Cánh chuồn kim lim dim nhớ gió ngủ đầy năm

Đánh liều trao thư cầu hôn em

Bật sáng đáy tâm linh trẻ dại

Trở gót về thu

Phố Phái trao nghiêng

Men dẫn thẫn thờ đêm

thêm trăm năm nữa

Đường láng cháng xuân

Cho mình dang dở

Sầu lênh láng phố

Cho mình chơi vơi

Phương ấy em ơi

nhớ tê lên môi

Cơn say cuối đời

cứ ngồi mà thương

Cái buồn đế vương

Tràn dâng tóc úa

Cái vui bạch đinh

Lọt dinh công chúa

Cái gió lưng trần

Vật nhau với lá

Em là tất cả

Riêng mình là ai

Cái hẹn thở dài

Tên là Anh Đợi

Nỗi quăn tóc rối

Là tên Em Chờ

Giường chiếu trơ vơ

Tên là Nam Cực

Đêm dài rạo rực

là tên Đêm Xanh

Sao Em sao Anh

long lanh tình sử

Soi về cuối phố

Tìm phương hương Quỳnh

Những ngày Hoàng Cầm vào Sài Gòn năm 1986, tôi đã chở ông đi nhiều nơi bằng chiếc Bridgestone cà tàng, được mua hóa giá. Một buổi tối, tôi đưa Hoàng Cầm đến nhà của anh Hoàng Hưng trong một con hẻm khu Lăng Cha Cả, Tân Bình. Ở đó, đã có mặt nhà thơ Văn Cao. Trong khi hai ông khề khà bên chén rượu, tôi cứ lặng ngắm hai tượng đài thi ca mà mình có duyên may được gặp gỡ trong đời… Cũng thật tiếc là không ghi lại câu chuyện thú vị của hai nhà thơ!

clip_image002

clip_image004

clip_image006

Comments are closed.