Truyện của Lưu Na
Chương 6
Vết Đau Dài
Nối Ngậm Ngùi*
Vậy là anh Lâm đã quyết đi Houston lập nghiệp. Ngà không hiểu lập nghiệp là anh sẽ làm gì bởi vì nơi đây Ngà chả thấy anh có nghề ngỗng gì, nhưng cũng là chuyện thường thôi, bởi Ngà nghĩ những người như anh – độc thân và không vướng bận với một trách nhiệm gì – thì cứ tha hồ đi ngang đi dọc, việc chi phải ở hoài một chỗ. Vốn anh vẫn hằng đi theo bè bạn, theo một đám nào đó vài tháng nơi này vài tháng nơi kia, thì phố Bôn sa cũng không nghĩa gì khoan nói chuyện xem nó là một quê hương thứ hai. Dường như với anh Lâm, khi đã rời bỏ quê hương thì kể như phiêu bạt cho tới chết, có lẽ anh sẽ không bao giờ dừng lại một nơi nào quá lâu để lòng lưu luyến.
Lưu luyến, hay là một điều gì khác Ngà không giải thích được. Những ngày đi loanh quanh chụp hình xem cảnh, dường như nơi nào cũng đẩy cảm xúc của Ngà đến chỗ bàng hoàng. Đứng ở sườn đồi Yosemite nhìn xuống, không phải chiều cao hay độ sâu làm mình sợ mà là màn sương, trắng biếc trong hơi lạnh đến nỗi làm xanh mọi bức hình, gợi những kỳ bí khôn tan trong chuỗi dài năm tháng. Sương có tự bao giờ và bao giờ sẽ hết? Những cây thông cây hồng đại thụ cao trăm thước sống mấy ngàn năm – gió có làm chúng lạnh, mưa nắng có làm chúng buồn, chúng bè bạn với ai và chúng có khổ đau? Những câu hỏi vớ vẩn ấy cứ bám hoài theo óc, mà rồi khi đến những vùng cận sa mạc khô cằn chỉ toàn cát đá Ngà vẫn không thoát khỏi hoang mang, bởi đất đá cũng trơ lạnh ngàn năm dưới trời đêm tím ngắt trăng sao. Nhân thế chỉ là những bầy kiến đen đỏ loay hoay trong kiếp đời ngắn như chớp mắt, chỉ là một đoạn mờ của một vòng vân nào đó nơi thân hồng ngàn tuổi, sao anh Lâm sao Ngà mãi đau lòng khi mất một quê hương? Đáng sợ hơn nữa là rất nhiều khi đi trên phố lạ mà lại cứ thấy thấp thoáng hình ảnh quê nhà, tựa như ai đó chồng những tấm phim trong lên nhau và rồi chỗ trùng lấp nổi cộm lên như một góc phố thân quen đang hiện ra trước mắt. Những lúc ấy Ngà thấy tim mình thắt lại, bởi khi nhớ chính là khi mình đã thực xa rồi. Càng đi cho biết đó biết đây càng mang vào lòng nỗi ngậm ngùi, bởi bất cứ nơi đâu cũng có những hoang tàn bên cạnh nguy nga, những nếp đời cao sang rực rỡ bên những kiếp sống bạc bẽo khổ đau. Dốc sâu núi thẳm, mỗi hòn đá gốc cây con đường vô tận mịt mờ mình đi qua đều mang với nó thiên niên vạn kiếp và cũng chỉ dẫn đến cái hoang lạnh của đất trời; Ngà hay bất cứ ai ai, kiếp nhân sinh có thực để sống hay chỉ là ảo ảnh? Đứng nhìn thế giới bao la nhiều lúc Ngà cảm như mình chỉ còn là công dân của nước địa cầu. Công dân địa cầu, Ngà cho đó là điều hết sức cao sang và đang dần lấn chiếm tâm hồn Ngà, nhưng rồi Ngà vẫn phải ăn cơm, phải chấm nước mắm, phải hát nhạc sến, phải mê cải lương, và không nghĩ mình sẽ dời đổi chỗ ở bao giờ nữa cả bởi đi tới đâu cũng vẫn chẳng phải quê hương mình. Ý nghĩ tìm nơi khác sinh sống cho Ngà cảm tưởng mình lại phải vượt biên, một việc quá sức tưởng tượng và chịu đựng của Ngà. Kiến bò miệng chén.
Mai anh Lâm lên đường, anh Võ nói Ngà có rảnh thì ghé chơi. Là hời hợt qua đường, nhưng tất cả mọi người đều lần lượt xuất hiện: chị chủ báo, triệu phú layout, anh râu ria, anh Võ, con Ngầu, và Ngà.
-Ngầu, thôi em theo anh qua bên đó đi, ở đây hoài chán lắm. Anh Lâm thủng thỉnh nói, Anh Võ và triệu phú layout cười cười. Ngà chăm chú chờ câu trả lời, nhưng con Ngầu không nói chi, như giả điếc. Có vẻ mọi người biết sẵn câu trả lời cho một điều bọn họ đã ngầm hiểu với nhau. Thế giới này xa lạ, sao Ngà lại có mặt nơi này?
Anh Lâm chỉ hai thùng cạc tông nơi góc phòng, nói với anh Võ:
-Ông giữ mấy thùng sách này cho tui. Anh Võ khịt mũi,
-Sách chứ có mẹ gì mà giữ.
-Thì cứ giữ cho tui, nếu ông coi không thích cuốn nào hết thì bỏ, tự nhiên.
-Em coi thử được không? Ngà hỏi.
-Ừ, lấy ra.
Ngà mở thùng sách. Mùa Hè Đỏ Lửa, Tù Binh Và Hòa Bình, Dọc Đường Số Một… Ngà ngước mắt nhìn anh Lâm. Anh đọc những thứ sách này? Anh luôn có vẻ thờ ơ như cuộc sống trên mặt đất chỉ là chuyện vui chơi chốc lát, rất khó biết lòng anh nghĩ gì thích gì vì anh luôn lặng im, cái lặng im nhàn nhạt không vướng bận suy tư không buồn vui. Ngay cả chuyện uống anh cũng uống một cách hững hờ không biết đã uống bao nhiêu và có uống nữa hay thôi.
Ngà ngồi bệt xuống thảm dựa vào tường dở những trang sách của một người không biết mặt nhưng cái tên là một niềm hãnh diện thầm với riêng Ngà. Cộng sản có thể thắng cuộc chiến, có thể chiếm tất cả, nhưng Cộng sản không lấy được nhân cách của những người tù ấy. Họ – Khuất Duy Trác, Tô Thùy Yên, Phan Nhật Nam, thà tù kiên giam tới chết chứ không bị khuất phục. Nếu còn một người tử tế Chúa sẽ không đổ lửa xuống Sodom… những dòng thánh kinh li ti trên trang giấy mỏng Ngà đọc mỗi ngày mong dỗ giấc ngủ mong quên nỗi khốn cùng nói về một điều khác, nhưng với Ngà ba người tù kiên gan ấy chính là những người tử tế cứu rỗi cho cả một miền Nam. Họ là ai?
Tù Binh và Hòa Bình đây đó kể lại những ngôn từ và trình tự của cộng sản mỗi buổi họp. Ngà bật cười, hóa ra họ luôn như vậy, hằng như vậy, và xã hội dần bị tẩy não bằng cách đó. Cuốn sách đã ra đời từ trước 75 nhưng Ngà không bao giờ được biết, bởi hoàn cảnh cuộc sống nhưng cũng bởi Ba Má không ưa những văn hóa phẩm chống Cộng cho đó là tuyên truyền. Đã sợ tuyên truyền của cộng sản từ ngoài Bắc mà vào Nam lại còn nghe tuyên truyền sao cam!!! Ngà đọc lướt lướt, biết mình chỉ có thể duyệt sơ qua nhưng cũng không thể bỏ những cuốn sách ấy xuống ngay được.
Đây một bài thơ trích tập Dạo Núi Mình Ta của Hà Thúc Sinh, cũng một ông lính:
NGHINH ĐỊCH HÀNH
Giao thừa đâu mà vội
Hay khoan đã chú mày
Cứ đóng xa vài dặm
Mà ăn uống cho say
Ta cũng người như chú
Cũng nhỏ bé trong đời
Có núi sông trong bụng
Mà bất lực hôm nay
Chiến chinh trời cũng sợ
Chỉ còn lại hai bên
Vội vàng chi cho cực
Cứ thong thả nghỉ đêm
Vì nói thật cùng chú
Trăm năm có là bao
Binh đao sao biết được
Sinh tử ở nơi nào
Nếu chú có cha mẹ
Ta chẳng những người thân
Còn mang thêm lắm nợ
Với rượu và gió trăng
Chú cứ ăn cho đủ
Mai chết sẽ chết no
Ta cũng cần đêm cuối
Từ giã gió trăng xưa.
Hm, hồi đó mấy ông lính ăn nói tự do ngon lành, sao họ bảo mình tay sai? Trong thùng còn rất nhiều truyện, thơ, và tạp chí vàng ố. Ngà lật thêm một cuốn. “Một ngày quá buồn, ngày-tháng-năm…,” chữ ký, dấu tay, và vài ba hình vẽ nho nhỏ. “Sau quốc nạn đốt sách, bị bỏ tù, về sưu tập lại. T.T., tháng, năm…” Ngà tần ngần. Những cuốn sách ấy không chỉ mang hồn người viết mà còn mang cả một trời kỷ niệm của người đọc, hình ảnh một xã hội đã qua. Có bí mật gì mà họ phải hủy sạch và có người phải nhặt tìm? Thơ, truyện, văn, nghiên cứu,… đủ mọi đề tài đủ mọi giọng gióng tiếng với đời, sao gọi là đồi trụy? Ngày xưa, những ngày xưa ấy, hóa ra là một khoảng mù mờ trong trí óc của Ngà, nên nỗi bị người ta khinh khi chà đạp mà cũng còn mang với lòng một nỗi nghi ngại băn khoăn. Ngà sẽ phải đọc cho bằng hết!!!
Căn phòng bỗng lao xao ồn ào hẳn lên vì một người xuất hiện. Chị Lệ bước vào, ánh sáng cũng theo vào tỏa rực căn mobile home ọp ẹp. Chị đẹp như một công nương dù chỉ ăn mặc trang nhã.
-Thằng Võ tu chín kiếp mới gặp được Lệ. Anh râu ria tuyên bố.
-Là Lệ tu mười tám kiếp mới gặp được anh Võ.
Anh Võ cười mỉm chi, niềm hãnh diện thỏa mãn như lớp hào quang tỏa ra. Các anh mỗi người một câu, trêu ghẹo thán phục, dóc lác um sùm như thể gặp hội long hoa. Đứng kề bên, chị Lệ chỉ im lặng nhìn anh Võ say đắm. Đôi mắt to như hai hồ nước của chị nhìn anh tha thiết tựa đang nói muôn lời yêu đương nồng cháy, cả thế gian dường không tồn tại trong ánh mắt lánh đen. Tình yêu nào nuôi ánh mắt ấy, của một người đàn bà qua tuổi 40 với vài đời tình dang dở? Ngà đoan chắc hết cả đời mình cũng không thể biểu lộ được tình yêu qua ánh mắt như thế. Ngà có thể yêu hết cả lòng, có thể liều lĩnh, có thể làm đủ chuyện trời ơi, nhưng trước một cử tọa bao quanh mà tỏ niềm tha thiết thì, chịu. Duyên tình cứ thế qua đi dù Ngà không mong gì hơn một mái ấm. Có lúc Ngà sợ, rằng có lẽ cả đôi bên đều biết Ngà cam lòng và chỉ là sự cam lòng. Ngà sợ, rằng người ta chỉ thấy một nùi chỉ rối trong đáy mắt Ngà.
Ngà liếc ngang tìm xem Ngầu ở đâu, con nhỏ đang lúi húi sắp xếp bài vở gì đó như không chú ý đến những gì xảy ra chung quanh. Ngà có cảm tưởng thực ra nó chỉ muốn tránh cái hào quang của chị Lệ và cái nhăng nhố của bọn đàn ông chung quanh, tránh tất cả, vì nó là nó – một mình một cõi không chung đụng cũng chẳng giao hòa.
Mọi người í ới rủ nhau đi ăn, mừng anh Võ từ nay ấm cúng mừng chị Lệ “không gì hạnh phúc hơn được sum vầy cùng anh và bạn hữu dưới ánh đèn vàng võ” nơi mái nhà của anh. Ngà thấy ngại ngần, một nỗi buồn dâng ứ kèm thêm cái háo hức muốn ngốn hai thùng sách mà anh Lâm định giao cho anh Võ.
-Em có muốn lấy sách?
-Dạ, được không anh Lâm?
-Được ngay, để anh mang ra xe cho.
Ngà dứt khoát ra về, thầm muốn gọi bịnh nghỉ một vài ngày mà đọc cho hết mớ sách vừa được thừa hưởng!!!
Đường về nhà chỉ độ năm bảy phút mà hôm nay phải đi vòng vì lòng đường Bolsa chật cứng người biểu tình. Ngà cũng muốn xà vào xem có tìm thấy bố đứng trong đám biểu tình, nhưng biết đậu xe vào đâu và làm sao tìm được một người giữa đám đông có lúc được cho là tới 35 ngàn người. Biểu tình không biết sẽ kéo dài bao lâu và đi đến đâu, nhưng việc ấy khơi trong lòng Ngà những câu hỏi không sao trả lời được, cũng như những cảm xúc thật khó giải thích. Mỗi buổi chiều vào sở làm, hầu như tất cả nhân viên Việt đều đeo head phones để nghe đài Little Sài gòn tường trình diễn biến biểu tình, và các cơ sở thương mại đồng lòng nhường giờ quảng cáo thương vụ của họ cho nhà đài sử dụng. Cơ sở này mang nước mang bánh mì tặng, cơ sở kia ủng hộ tiền, nhân vật nọ góp mặt… Giờ cơm, cả bọn tụ vào phòng ăn bật ti vi xem trực thăng quần trên đám đông đen nghẹt như kiến.
-Đây là xứ tự do, ai muốn làm gì thì làm sao phải biểu tình. Chị Hương bĩu môi
-Thì ai muốn biểu tình thì biểu tình, sao phải phản đối! Anh Minh nheo mắt.
-Cái thằng đó nó muốn trêu ngươi mình nên hai vợ chồng phải để bàn thờ nơi tiệm làm ăn rồi quì lạy như lạy mả tổ. Nó cứ để bàn thờ ở nhà nó mà lạy cho sói trán cũng chả ai thèm thắc mắc. Thằng Huy đế thêm vào.
-Trần Trường hay chứ, dám nói dám làm, một mình chống lại đám đông. Làm gì nhau! Cả bọn trợn mắt nhìn Kevin.
-Mình phản đối thì thành độc tài như nó, mà im lặng thì nó nhảy lên đầu. Nay mai nó làm hàng xóm của mình mà cứ ngày đêm treo lá cờ đỏ trước mặt mình thì không lẽ dọn đi, mà chấp nhận thì ở quách Việt Nam, qua đây làm chi, ông Thạch góp tiếng.
-Qua đây để tranh đấu cho cái quyền được treo cờ của nó! Cả đám quắc mắc nhìn ông Chữ.
Ngà bật cười thấy trên ti vi cảnh Trần Trường ngã lăn quay ra đất ăn vạ dù chỉ bị ai đó quơ tay tát. Cảnh sát xông tới bảo vệ. Ngà lo ngay ngáy rủi ai đó nổi sung hay thọc gậy bánh xe mà đám đông không giữ được bình tĩnh thì kể như loạn, kể như tai tiếng khó lòng bôi xóa. Bố, bố đứng ở đâu trong biển người ấy? Giờ này ông Thể hàng xóm cũng đang ôm lấy cái ti vi thu lại những đoạn tin do đài truyền hình địa phương trình chiếu. Ngà thấy bồn chồn tức giận những khi nghĩ đến lá cờ ấy, rồi lại buồn rầu sao mình đã ra đi mà không dứt được hai chữ cộng sản. Ngà những tưởng sự liều thân và chặt đứt cội nguồn là giá sòng phẳng mình đã trả cho một chỗ đứng nơi này, và cuộc đời không thể đòi hỏi gì thêm nơi Ngà. Ngà phải bình thản nhìn lá cờ ác mộng ấy? Ngà phải tranh đấu cho quyền của kẻ đã bức hại mình? Trần Trường dùng lá cờ ấy chỉ là khiêu khích, kẻ gieo bài toán đã có đáp số, nhưng một bài toán khác đã rớt vào tay Ngà. Có mảnh đất nào cho người Việt ngoài này sinh sống với nhau mà không phải nhắc đến hai chữ ấy?
Ngà lái xe về nhà, như về tới thiên đường.
Thiên đường lạnh ngắt và vắng vẻ. Năm ngoái thằng Quang đã giã từ “tỷ, muội” về lại Texas với cậu và em trai. Đầu năm nay em Châu lập gia đình và ra riêng.
Những ngày có em Châu là những ngày êm ấm. Châu rất tháo vát và tràn sức sống. Mỗi sáng nó dậy sớm pha cà phê cho chị xong sửa soạn đi học. Đi học còn có nghĩa là đi làm phụ giáo sư kiếm thêm tiền. Về nhà, Châu lao ngày vào bếp nấu cơm. Cuối tuần nó mang quần áo ra tiệm giặt sấy gần nhà để giặt giũ, không quên mang theo cái máy cassette để nghe cải lương ông ổng. Chỉ một mình Châu bước vào mà gian nhà cô quạnh của Ngà đã trở nên ấm cúng và Ngà như có cả một mái gia đình. Ngà cứ tưởng nó rồi sẽ ưng một anh Việt Nam thuần túy nào đó, nhưng nó đã mang về một anh bồ Mỹ cao gấp đôi. Những anh kép về sau tuy cũng là người Việt, nhưng phần nhiều đã sinh sống nơi đây từ thuở bé. Ngày cưới, Châu cũng xếp bàn cưới của mình và phù dâu phù rể riêng trước sân khấu, không như những đám cưới Việt Nam dâu rể ngồi cùng bàn với tứ thân phụ mẫu. Nó cũng mua quà cưới cho chồng, cứ y như Mỹ, Mỹ húp nước mắm nói tiếng Việt. Châu dọn ra rồi gian nhà trở lại cái lạnh lẽo cũ, dù cứ đôi ba ngày là nó gọi điện thoại tỉ tê. Không còn ly cà phê pha sẵn buổi sáng. Không còn những món thức ăn nấu sẵn chỉ việc hâm lên là ăn. Không còn quần áo gấp xếp ngay ngắn, treo gọn gàng vào tủ áo. Châu không phải người ngăn nắp, nhưng Châu chu toàn tất cả mọi việc theo cái ngăn nắp mà nó thấy khi vào ở với Ngà. Sức sống đã theo Châu ra khỏi thiên đường.
Còn lại một mình, cũng nhiều lúc Ngà nấu món này làm món nọ, nhưng nấu xong thì chẳng còn thèm cái món vừa mới cạy cục làm, món ăn bày ra còn nguyên vẹn mà lòng đã ngao ngán ê chề tựa như đó là đĩa thức ăn thừa. Ngà đã đổi tông ăn cơm tháng. Gọi một phần cơm tháng chỉ lấy thức ăn và cơm tự nấu thì ăn được 2 bữa, mà nhà cơm tháng nào cũng chỉ ăn được vài tháng thì phải giã từ. Dần dà, Ngà thấy như mình ăn lông ở lỗ.
Ngà mở gói mì gói trụng sơ rồi đổ vào chảo dầu đã nóng với một bát cơm nguội, rắc lên một nửa gói bột nêm. Năm phút, cơm và mì đã rám thì trở mặt. Mười phút, Ngà đã xong bữa tối.
Ngà vào giường với mớ sách.
Một quê hương khác hiện ra trước mắt Ngà. Phim ảnh mật được trình chiếu, những tấm vai oằn lội ruộng, những tay chân văng vãi, những ngày trọng cấm, giọt nước mắt không đủ ướt quan tài, những tấm áo bó sát người dưới cơn mưa, thôn làng bốc khói sau gót chiến tranh, thành phố với nhịp sống át tiếng đạn pháo kích… Cậu Kỳ không chỉ là những két bia nhậu tan tành những ngày phép. Anh Đặng không chỉ là mê gái trốn tàu ở lại thành phố. Anh Long hàng xóm không chỉ là khổ đau vợ bỏ nên đăng lính. Những người lính tai trời ách nước ấy chắc cũng không biết đời mình hay cái chết của mình có ý nghĩa gì, những người dân quê không sao hiểu được số phận. A ha, Ngà tìm thấy Ngà trong khúc phim bí mật ấy dưới hàng chữ của một người xa lạ. Cái hãnh diện là người thua cuộc miền Nam không còn là hãnh diện hão, cái nhố nhăng hỗn loạn của xã hội với club Mỹ và con gái bán bar không còn là điều đáng khinh. Ôi Ngà yêu đất nước yêu thành phố của mình, yêu những truyện nhảm đã đọc, yêu cái mộng mơ ngu xuẩn của tuổi dại khờ, yêu luôn những mặt trái vô luân của xã hội. Không sống thực sao có được những cái xấu, không văn hóa giáo dục sao biết tự sỉ vả tự khinh mình. Ngà tự nở nụ cười trong đêm vắng, ừ, tụi tao đồi trụy, nhưng đố tụi mày đồi trụy được vậy. Một tiếng kêu thống khổ của Phan Nhật Nam, với riêng Ngà, đủ giữ phẩm giá cho người thua cuộc. Nếu mai mốt “chả” còn sống mò qua được bên này mình phải tìm tặng một trăm đô. Đêm với những cuốn sách không còn trống lạnh. Ngà hiểu vì sao mình thờ ơ với rừng văn chương của phương Tây, của Nga của Đức, của văn hóa nhân loại, của “thân phận con người,” của ý thức suy tư trăn trở. Ngà không cần những thứ ấy bởi Ngà cần Ngà. Trời sao mau sáng quá.
***
Ngà đi tà tà vào phòng họp báo Người Việt. Trên bàn đã có đủ những khuôn mặt kêu gọi họp báo. Ngà vốn không tha thiết vào những việc này vì thấy mình bất lực, nhưng Ngà muốn xem mặt tác giả Tiếng Vọng Từ Đáy Vực mà Ngà đã đọc khi mới tới Mỹ, Ngà muốn tìm gặp một người để trao một món quà tự hứa với lòng.
Buổi họp đã bắt đầu. Trên bàn chủ tọa, Nguyễn Chí Thiện “kệ cha bác” lên tiếng. Ông nói dõng dạc, rõ ràng và dứt khoát. Ông dùng chữ chính xác cho điều muốn nói. Ngà nghĩ, những người đứng đắn có thể không thích ông nhưng chắc khó có thể bài bác chỉ trích lời nói hay thái độ của ông. Ngà yên tâm với một người đến từ xứ Bắc, và chợt nhận ra, cái máu phân biệt kỳ thị và nghi kỵ đang chạy, vẫn hằng chạy rần rần trong huyết quản của Ngà.
-Đã có mặt nhà văn Phan Nhật Nam.
Một tiếng nói cất lên, một bóng người đang bước dần vào trong. Hai người trao đổi nho nhỏ với nhau sát bức tường, cách chỗ Ngà đứng vài bước. Không ngăn được tò mò, Ngà khẽ chồm nghiêng đầu qua một bên định nhìn lén người lính ấy. Ngay lập tức cái đầu người ấy nghiêng ra ngó vào mặt Ngà qua vai người đối diện. Bị bắt gặp ngay tại chỗ, Ngà nhe răng cười và lui đầu lại, lòng thầm ngán cho cái nhanh nhạy của ông ta.
Phan Nhật Nam bước lên bục, nói vắn gọn đôi điều rồi bước xuống đi thẳng ra cửa. Ngà lật đật đi theo sau lưng.
Nắng chói mắt so với ánh dịu tối trong phòng họp. Người lính gày gò bước những bước chắc đều, đầu hơi chúi ra trước, không vội vã nhưng cũng không thong thả. Ngà rảo bước theo tới. Chưa kịp đến gần, ông ta quay lại nhìn thẳng vào mặt Ngà, đuôi mắt dài như cười, như tò mò, nét mặt nửa cam chịu nửa thách đố, nửa thờ ơ:
-Cô đi theo tôi có việc gì? Câu hỏi thẳng tuột nhưng không sỗ sàng.
-Dạ để làm quen.
-Làm quen để làm gì?
Ngà không biết miệng mình có há ra, mặt mình có đần ra không với câu hỏi ngắn gọn ấy. Ngà không còn có thể lui bước, cứ lúng búng mà không biết trả lời sao bởi Ngà cũng chả biết làm quen để làm gì. Không lẽ nói tui muốn tặng ông một trăm đồng? Một trăm đồng, dưng không Ngà thấy ngượng. Bao nhiêu trăm có thể mua mạng sống của một người lính, bao nhiêu trăm bù được những lao khổ tù đày, bao nhiêu trăm xoa dịu được đớn đau mất mát của một tuổi thanh xuân một tư cách một lý tưởng đã bị dập vùi chà đạp? Ngà thấy mình thật bôi bác, thật không phải, một lòng quí mến chân thành bỗng chốc hóa điều lố bịch. May quá, Ngà không có sẵn một trăm đồng để có thể làm trò ngu xuẩn. Hình như thấy được sự lúng túng bẽ bàng của Ngà, ông ta nói,
-Thôi được rồi, cô ghi địa chỉ email cho tôi, rồi tôi sẽ liên lạc với cô.
Miệng nói tay móc túi áo vest ra một tấm danh thiếp. Ngà kê tấm danh thiếp lên một cốp xe lấn bấn viết xuống địa chỉ email rồi lật bật trao vào tay người lính ấy. Gật đầu, rồi ông ta lặng lẽ đi tiếp. Ngà cũng lủi vào xe mình lái đi ngay như sợ bị ông ta quay lại túm lấy hỏi thêm một điều gì đó.
Ngà về đến chỗ anh Võ thì bình tĩnh lại. Anh Võ tay ôm đàn miệng ngậm điếu thuốc đang ngồi trước hàng ba, thấy Ngà anh dựng đàn xuống sàn khoát tay chỉ băng ghế gỗ bên cạnh.
-Đi đâu vậy?
-Em mới đi coi họp báo vụ VietWeekly. Anh Võ bật cười khẩy
-Ủa, lại muốn phụ nữ vùng lên nữa à?
-Không phải, đi coi mặt người ta.
-Ai?
-Phan Nhật Nam.
-Sao không nói với anh, anh dẫn tới giới thiệu.
-Nhưng em đâu có muốn được quen nhà văn.
-Vậy tìm gặp người ta làm gì?
Ngà nín thinh, nghĩ xem có nên nói thiệt. Anh Võ chỉ im lặng. Anh hơn Ngà 18 tuổi, có dư kiên nhẫn để chờ Ngà nói hay không nói. Ngà kể cho anh nghe những nhát gừng gập ghềnh khi nãy. Anh Võ bật cười hô hố, nheo mắt nhìn Ngà,
-Làm quen nhà văn mà bị xù, mặt cũng dầy đó chứ.
Câu nói đùa chọc quê làm Ngà bật cười, Ngà thấy vơi bớt dần nỗi bẽ bàng trong lòng. Bây giờ Ngà mới nhớ ra, ông ta không hề cho Ngà số phone hay địa chỉ email. Những phản ứng của ông ta lẹ làng trơn tuột như không cần một chút nghĩ suy. Ai chọn ông đi cãi với Việt Cộng thì cũng sáng mắt đó chứ.
Con Ngầu vác bị xà vào. Chuyện lớn gan đi làm quen mà bị xù lại được đem ra bêu tiếp. Thì còn gì đâu ngoài chuyện tố cáo trêu ghẹo nhau. “Lệ đã đi rồi,” ba năm chung sống, chị đã tìm được điều hạnh phúc hơn được sum vầy cùng anh và bạn hữu dưới ánh đèn vàng võ.
-Tụi nó hỏi tới hỏi lui, anh nói tao liệt rồi, xong, em à.
Xong, và anh mỗi tối ngồi trầm ngâm nơi quán ăn đường số Năm cho đến khi đóng cửa. Có những ngày con Ngầu phải đem xe nê anh về nhà. Ngà chẳng dám nhìn anh vì nỗi cay đắng bốc như hơi ớt hiểm dưới vòi nước nóng. Nhưng anh Võ, anh có biết, dẫu sao chị Lệ cũng là điều tốt đẹp nhất đã đến với anh trong quãng đời cô quạnh mấy mươi năm? Duyên tình, không phải liều mạng thì vững bền, không phải kiên gan thì trốn thoát. Dưng không Ngà tức cười, một người không còn muốn yêu đương thì lại vướng chữ tình, một đứa thèm yêu thì lại cứ lêu bêu mỗi mối tình chỉ kéo được tối đa một năm, còn cái con Ngầu kia, không biết nó muốn làm chồng hay làm vợ… Bóng tối đè dần xuống ba cái tượng trầm ngâm ngó mông vào khoảng tím nhờ trước mặt, trĩu nặng xuống căn mobile home ọp ẹp.
***
Ngà chạy 3 vòng thì tìm thấy một khoảng trống bé tí bên lề đường. Ngó trước, ngoái sau, quay tay lái hết vòng qua trái – de vào được 3 tấc. Đạp thắng quay tay lái hết vòng qua phải, thả cho xe lùi ngay lại. Trái, phải, trái, phải, độ 3 lần thì xe lọt hẳn vào khoảng đất khiêm tốn ấy. Dấn từ từ lên cho đụng nhẹ vào cản xe trước. Lui nhè nhẹ cho chạm hờ vào cản xe sau. Tả xung hữu đột độ mười phút thì đậu xong chiếc xe, na bị sách vở trên lưng băng sân trường vào đến lớp thì đã mất hơn nửa tiếng. Học đại học không chỉ tốn tiền học phí tiền sách vở tiền thẻ đậu xe dù không mấy khi tìm được chỗ đậu trong bãi của nhà trường. Học đại học phải thức khuya chạy bài, dậy sớm tìm chỗ đậu xe, và đi bộ mờ mắt với túi sách vở nặng vài mươi pounds. Những lúc ấy Ngà thèm chuỗi ngày biếng nhác sáng ngủ dậy trễ ra vườn ngửi hương hoa hồng, vào nhà ngâm người vào bồn nước ấm vừa đọc sách vừa nhâm nhi cà phê. Ăn trưa, xay nước trái cây uống rồi đủng đỉnh ra phố đi chơi một vòng trước khi đến sở làm. Ôi, ngày thong thả nay còn đâu.
Nhưng món nợ với Má không trả e không nhắm mắt. Món nợ thiếu học vấn truyền đời, từ những ngày cơ cực thuở ấu thơ cho đến những năm tháng tảo tần vì gia đình và hoàn cảnh của Má đã giao vào tay Ngà. Ở nơi này Ngà có quyền thất học và nghèo khó mà chả sợ bị ai chà đạp, nhưng đã tới lúc phải thanh thỏa. Lời cà khịa của con Lan vang vang bên tai.
Sau những giọt nước mắt mừng vui gặp lại nơi cố hương, sau vài đêm ngủ với nó trên chiếc giường đầy mùi nước đái của đứa con gái một tuổi, Ngà với nó đã cạn niềm vui tái ngộ. Buổi sớm ở Thủ Đức thật êm ả và mát mẻ, Ngà với con Lan ra vườn lan nó gầy trước sân với hàng trăm chậu nhỏ treo tòn teng dưới giàn gỗ mắt cáo. Con Lan không chỉ hãnh diện với căn nhà to đùng khang trang, với thú chơi tao nhã, với cuộc sống rất đầy đủ tiện nghi vật chất và không thiếu những niềm vui xa hoa. Con Lan còn hãnh diện nói cho Ngà hay “Việt kiều tụi bay nhiều đứa nói tiếng Mỹ sai be bét mà cứ bày đặt xổ tiếng Mỹ.”
-????
– Mấy ông thầy bà cô in ra những câu nói của Việt kiều tụi bay rồi chỉ cho biết những lỗi văn phạm và ngữ vựng đầy rẫy. Tao học lớp Anh Văn bằng B xong rồi, nay mai sẽ học luôn bằng C rồi thi Toefl. Mày đừng tưởng cứ ở Mỹ là giỏi tiếng Mỹ hơn tao đâu nha.
Quá sức đúng, và quá sức oan uổng, bởi Ngà có dám sổ ra một chữ Mỹ nào đâu với bạn bè ở Việt Nam. Thôi được, tới xứ học hành mà không học hành khác nào tậu đất rồi bỏ hoang, uổng công Má một đời khắc khoải. Ngà về lại Mỹ lấy thẻ tín dụng đóng tiền đi học lại. Những ngày tháng rong chơi vậy cũng đủ lắm rồi!
Đường vào trường đua có trăm lần thua có một lần huề. Những khi không qua được bài test Ngà thật buồn nản muốn buông tay. Lối học tắt học cho nhanh học bằng thông minh lanh lẹ những năm đầu tới nơi đây chỉ cho những kết quả bề mặt. Giờ đây phải đối diện với cái dốt Ngà nhận ra mình mang một số ảo tưởng về bản thân – gốc gác con nhà tỉnh thành, học sinh Gia Long vân vân… Sự thật này không chắc tổn thương đời sống nhưng rõ ràng nó tổn thương tự ái và lòng hãnh tiến của Ngà, khiến chuyện thi rớt học không qua được một môn nào đó thật khó nuốt. Nhưng Ngà có cách nào hơn là chấp nhận, bởi ăn gian để đủ điểm thì ý nghĩa gì việc học, nhất là việc học đó cần thiết cho tâm hồn của Ngà. Thôi được, cũng lại thôi được, thà học dở ít điểm nhưng ráng học cho xong mảnh bằng, cho xong một ước nguyện, cho xong một bổn phận đối với bản thân còn hơn vì tự ái buông xuôi. Cứ vậy, Ngà đi học đi làm và chẳng còn thì giờ đàn đúm. Con Ngầu không còn lôi kéo Ngà với những đêm hoang bên đàn rượu và thuốc lá. Anh Võ chìm mất giữa biển đời Bôn Sa.
Ngà vào lớp, ông thầy gốc Ấn độ cười cười. Ngà nộp bài viết rồi xuống cuối lớp chọn chỗ trong góc úp mặt xuống bàn thiu thiu ngủ chả nghe thầy giảng điều gì cả.
Hết giờ, Ngà đi ngang bàn giáo sư gật đầu chào. Thầy hỏi “chắc hôm nay bài giảng không thích thú, tôi thấy cô cứ ngủ gật?” “Em chỉ mệt thôi, thưa thầy.” Thầy đâu biết Ngà đã thức suốt đêm để làm cho xong một bài chỉ vài trang giấy, vì cái tật ham chơi đợi nước đến chân mới nhảy. Làm research dù nhỏ hay lớn thì khối lượng tài liệu phải tìm kiếm và sử dụng cũng đều gấp hơn vài mươi lần số trang phải viết. Việc tìm tài liệu, đọc tài liệu, rồi soạn lại để dùng trong bài viết rất tốn thời gian, khoan nói mình có biết muốn nói cái gì trong chủ đề đã đưa ra. Một lớp, rồi một lớp. Cái mệt mỏi cũng mệt mỏi lê theo mình! Ngà chỉ còn biết hoàn tất mỗi mùa 3 lớp, có khi chỉ 1 lớp nếu gặp môn khó. Từng lớp từng lớp, ráng hết sức để nếu không được điểm cao thì cũng đủ điểm vượt qua. Khi khả năng đậu xe song song với lề đường đã khá, Ngà cũng vừa xong chương trình học.
Ngày Ngà ra trường mặc tấm áo đen đội chiếc mũ vuông với chùm tua bỏ qua bên phải thì đã 40 tuổi. Ngà đứng bên vợ chồng em Châu, bên Má vừa qua Mỹ được vài năm, và hai người bạn, nơi một góc thật xa của sân trường. Nắng sáng trải êm trên thảm cỏ mênh mông, bên nỗi mừng vui hãnh diện chợt thấm một nỗi buồn cô quạnh. Ngà vẫn hằng biết mình là một loại người cô lẻ, nhưng tiến được một bước trên bực thang hiểu biết cũng là xa một giòng sông với những gì đang có quanh mình. Cuộc đời cũ còn đó nhưng mình không còn có thể trở lại, cuộc đời mới trước mặt biết có phong phú lên hơn hay sẽ càng thêm lạnh lẽo? Dường như càng biết càng ngại ngần, càng khôn càng thấy mình kém cỏi. Và Ngà vẫn chỉ là một người không cội rễ không một níu kéo buộc ràng ngoại trừ những vấn vương trong tâm tưởng. Nắng bờ sông như màu trang vở cũ, câu thơ Nguyễn Tất Nhiên đọc những ngày mới lớn như úa sậm mắt Ngà.
Ngà nghĩ đến một cuộc đi. Đi tìm hình, tìm cái cô quạnh của đất trời bao la, vì chỉ ở những nơi hoang tịch mới thấy nỗi cô đơn của mình được dung hòa.
Ngà theo đường 395 lên vùng Bishop. Tiếng là đi một mình, thực ra Ngà “đi hôi” theo đoàn săn ảnh của hội dưới Santa Ana. Đi hôi, cứ việc theo đoàn xe của họ, họ ghé đâu dừng đâu thì mình cũng trụ ở đó. Riêng việc ăn uống và phòng ốc phải tự lo, nhưng Bishop Lake đang mùa lạnh, dân cư ít nên việc kiếm chỗ trọ không khó. Chớp mắt, Ngà đã đứng bên hồ nước trong xanh phẳng như gương. Trời tháng 2 dẫu tuyết đã tan nhưng đỉnh núi vẫn trắng xóa và nước trời vẫn lạnh như cắt. Không một làn gió thoảng lay, tiếng cười nói xôn xao của nhóm học viên săn ảnh như những viên sỏi vô hình rơi xuống hồ không một gợn sóng. Ở một góc nào đó, nước nhè nhẹ tuôn chảy mang theo những hoa bọt trắng lặng lờ đầy mặt. Đó có phải hình ảnh của Ngà?
Má rồi cũng đã gặp lại. Gia đình, thì cũng vẫn còn đây. Nhưng Ngà càng thêm cô lẻ, bởi mười mấy năm cách biệt sông đã thêm vạn nhánh đời. Ngà không còn có thể là Ngà xưa cũ nghĩ theo cách Má nghĩ làm theo cách Má làm. Ngà không còn có thể an tâm với văn hóa cội nguồn bởi nó lục đục với những gì Ngà đã thâu tóm vào lòng sau bấy nhiêu năm sống một mình nơi xứ lạ. Dẫu tình thương của Má rộng như cái hồ này, thì khoảng cách của hai tâm hồn cũng chắc như lớp tuyết không tan trên đầu núi, cũng lạnh như sương quanh năm bao phủ mặt hồ. Cái ao ước tưởng như phải đổi hết cả một đời để được gặp lại Má, tìm lại được mái gia đình, bỗng phút chốc như từng sợi tuyết rơi bay bay trong giá lạnh. Ngà nhận ra bây giờ mới thực sự tuyệt lối về. Không tên không tuổi, nỗi buồn như những tảng đá nằm lặng dưới mặt nước, kiên gan chẳng đổi dời và có lẽ không còn có thể đổi dời. Ngà đứng lâu, rất lâu, chả bắt được bức hình nào. Khi đoàn săn ảnh thu dọn, Ngà cũng theo họ ra xe của mình và rồi suốt mấy ngày lẽo đẽo đi với họ Ngà cũng vẫn chỉ cầm máy ảnh làm vì. Lên núi xuống biển, người ta đi đâu cho thanh thỏa nỗi hoang mang?
***
Nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế chỉ là một nhà thờ nhỏ, các buổi lễ không nhiều giáo dân vì phần nhiều họ đi lễ ở nhà thờ của giáo phận. Phía sau nhà thờ là một dãy phòng ốc dành cho quí cha đã về hưu cư trú. Mấy năm trước Ngà thường theo ca đoàn đến đây thâu ba bốn bài hát mỗi tháng dành cho chương trình truyền hình Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, nhưng nay công việc ấy đã chấm dứt, chỉ còn thỉnh thoảng mới đến hát lễ nhân một dịp gì đó. Dịp này là lễ tạ ơn của quí sơ cho công việc bác ái ở Việt Nam.
Ban thánh ca ngồi bên trái của cung thánh, nhìn xuống thấy chỉ độ 60 người xem lễ, mà có hết hai phần là quí sơ và gia đình. Tuy vậy, niềm thành kính tri ơn tỏa ra trên từng khuôn mặt hiền hòa đơn sơ. Cha chủ lễ còn rất trẻ đang hăng say với một bài giảng. Cha nói tiếng Việt, nhưng là tiếng Việt của những đứa trẻ lớn lên nơi xứ này, âm giọng có phần ngọng nghịu rất dễ thương. Đứng bên cạnh cha là một cha cao nhòng đen thui, có lẽ ở Việt Nam sang? Ngà không biết sao mình bị thu hút bởi nét mặt đen đúa nhưng thanh tú ấy. Miệng cha luôn có một nụ cười an hòa. Ngà nghĩ mặt Cha đẹp như nét mặt Chúa Jésu. Có lúc Ngà thấy như Cha đang nhìn mình cười chúm chím. Ngà hoa mắt hay vì cái nhìn chòng chọc của Ngà đã làm cha phải chú ý? Ca trưởng đã phất tay, cả bọn đứng lên chăm chú vào câu hát.
Khi hiệp lễ có phần đọc lời nguyện bằng Anh ngữ, và ông Cha đen thui đẹp như Chúa Jésu của Ngà đã nói một tràng không vấp váp. Ủa, Ngà thầm ngạc nhiên thú vị cái điều Cha ở Mỹ nói tiếng Việt và Cha ở Việt Nam giỏi tiếng Mỹ. Đi lễ không chú tâm hiệp lễ mà cứ nghĩ bắng nhắng, Ngà tự mắng mình, may chưa hát sai nhịp sai lời. Lễ tan, một sơ đại diện lên nói lời cảm tạ và còn tặng cho mỗi ca viên một món quà nho nhỏ làm vui sau khi đã ân cần mời mọi người ra ngoài dùng bữa. Ngà cất sách nhạc vào giỏ chuẩn bị đi thay bộ áo dài cho đỡ vướng, chung quanh những ca viên khác đang lao xao hỏi thăm Cha Việt Nam.
-Tôi là cha Bách ở Missouri.
Ngà lóng cóng đánh rơi giỏ. Bách, Bách đây mà, sao mãi Ngà chẳng nhận ra? Ngà lật bật bước tới hỏi:
-Cha có nhận ra ai đây không?
-À, tôi thấy rất quen nhưng thật không nhớ tên. Vẫn nụ cười điềm nhiên an hòa, giọng nửa Trung nửa Nam. Đúng là Bách không còn có thể lầm lẫn. Ngà kiễng chân nói nhỏ vào tai Cha,
-Ngà!!!
-À, phải rồi, không kịp nhớ ra. Vẫn cười cười.
Hèn nào Cha nói tiếng Mỹ giỏi. Hèn nào Ngà cứ bị dính mắt vào khuôn mặt ấy. Ngà vào phòng vệ sinh loay hoay với bộ quần áo dài mãi không cởi ra được phải nhờ một bạn giúp. Khi Ngà ra ngoài sân, Cha Bách cũng đã thay một bộ vest đen với cổ trắng cố hữu của linh mục. Linh mục – Bách, Bách… Ngà đứng bên cạnh không biết nói từ chỗ nào cho khoảng cách mấy mươi năm, cho khoảng cách đạo đời như hai bờ vực.
-Ngà vẫn ở chỗ cũ?
-Dạ không, nay Ngà đã dời xuống Westminster, chắc Bách không biết đâu.
-Cũng biết chứ, mình có bà chị ở vùng Brookhust.
-Ngà đã quen cách cũ mà xưng gọi nhau bằng tên, nhưng nay Bách đã là Cha, xin đừng giận Ngà.
-Không sao, cứ xưng gọi như thông thường cũng được.
Bách di di mũi giầy trên nền xi măng, Ngà nghĩ ra Bách đã nhận ra Ngà từ trước. Ngà ngước nhìn Bách, như đoán được câu Ngà sẽ hỏi, Bách thủng thỉnh nói,
-Hồi trước cũng đi nơi này nơi kia, tìm kiếm, nhưng khi đã… từ lúc tìm được… thì thấy rất thanh thản bình an…
Nỗi bồi hồi làm cho Ngà không nghe được trọn câu nói, nhưng Ngà hiểu, Ngà nghĩ mình hiểu, rằng sau nhiều năm tháng tìm kiếm Ngà, tìm kiếm một tâm hồn, giờ đây Bách đã tìm được niềm ủi an nơi Chúa. Là định mệnh đã an bài. Có thật không Bách?
Ngà từ giã Bách ra về, quên cả một lời chúc lành cho ngày mai. Hai bên không hỏi nhau số phone địa chỉ hay hẹn một lời liên lạc. Hiển nhiên định mệnh đã an bài. Có thật là định mệnh, để Ngà gặp lại Bách trong bộ áo chùng?
Ngày ấy Bách là một thanh niên hiền lành trong sáng. Bách phụ trách một đội thiếu nhi thánh thể, mỗi lần lên đồi tôn giáo Ngà thường thấy các em quấn quít bên Bách chơi một trò chơi, học một bài giáo lý. Bách rất đơn sơ và hơi có vẻ rụt rè mỗi khi gặp Ngà nơi lớp Anh Văn dưới hội trường. Thỉnh thoảng lỡ một buổi học, Bách thường ghé qua lều của Ngà hỏi mượn bài. Ngà chả bao giờ nhìn Bách hai lần, trong mắt Ngà Bách là một thanh niên dễ thương nhưng chỉ có vậy.
Cho đến đêm cuối rời đảo. Hùng rủ lên chỗ của Thanh dự tiệc nhậu từ giã nhưng Ngà nại cớ phải thu xếp hành lý để ở nhà. Lều bên của gia đình cũng trống vắng, mọi người ai cũng có một bữa tiệc giã từ, ngay cả mợ cũng theo bố đi chào bè bạn. Còn một mình Ngà lại thấy thoải mái, bởi lòng Ngà ngổn ngang về một ngày mai mơ hồ. Có ai bình tĩnh trước bước đường bất định? Ngà ra sau rửa mặt mũi tay chân.
-Ngà ơi…
Nghe tiếng gọi, Ngà lật đật chạy ra trước hai tay vẫn còn níu hai ống quần nước nhiễu dòng theo ống chân và tóc mai còn dán sát vào má. Bách bước vào trong tay cầm lá thư miệng nói tiếp,-tính nhờ Ngà… Nhưng rồi Bách im bặt. Ngà không cần nghe hết cũng biết nghĩa vụ mặc nhiên của người sắp rời đảo, nhưng Bách chỉ im lặng vẻ sững sờ. Trăng hắt xéo qua khung cửa chéo một vạt lên nét mặt đen đúa của Bách rồi chìm rớt vào đáy mắt, từ đó dội ra một ánh xám bạc hoang liêu dừng trên mặt Ngà. Như mê muội, Bách bước tới hay tai nâng mặt Ngà lên cúi sát xuống. Ngà bất động trong nỗi ngạc nhiên như bị thôi miên. Bách đặt môi lên miệng Ngà, cánh môi nhẹ nhàng hưỡn đãi vờn quanh vành môi của Ngà rồi nhẹ nhàng đẩy bật hai hàm răng. Bách hôn Ngà thắm thiết như đam mê, một nỗi đam mê cuồng lạnh, tay đỡ lưng Ngà xuống tấm phản gỗ. Là ánh trăng hay là nỗi sững sờ của Bách đã thôi miên, Ngà thấy mình bình thản tiếp nhận Bách như tiếp nhận một điều hiển nhiên của sự sống, như tiếp nhận một nguồn suối bình an vào cơ thể mỏng manh. Bách không vồ vập nhưng nỗi thúc bách như không thể cạn dừng, như nước lũ đã tới ghềnh phải đổ xuống. Nỗi đam mê như bao bọc Ngà rồi thâm nhập vào tận cùng xương tủy.
-Ngà, Ngà… Bách đã dừng chuyển động, một giọt nước mắt long lanh nơi khóe. Bách úp mặt vào tóc Ngà, tấm thân hơi run. Bách khẽ nhấc mặt lên nói một điều gì đó, nhưng tâm trí Ngà còn vấn vương với hai vành môi bật răng của mình, cơ thể Ngà còn buốt với một giao tiếp không cuồng nộ nhưng đủ bầm dập. Bách, chúng ta là hai kẻ lạ, lạ hơn cả ánh trăng, điều gì đã xảy ra cho hai đứa? Ngà nằm im với da thịt lâng lâng, đầu óc bảng lảng mò mẫm trên thân thể mình nhớ lại từng chỗ đã xúc chạm. Bách, tiếng gọi mơ hồ như con người của Bách, nhưng cảm giác trên thịt da vẫn như đang rung động dù hai thân xác đã rời nhau. Bách đã bước vào đời Ngà bất ngờ hơn cả một giấc mơ.
Tiếng loa chợt vang lời chào kết thúc buổi phát thanh trong ngày. Bách đứng lên rời rã ngẩn ngơ như kẻ bị ma ám. Ngà thấy mình đã có quần áo trên người dưới lớp chăn mỏng. Rồi Bách vuốt má Ngà khẽ lời từ giã. Nhưng Bách đứng mãi nơi khung cửa lều cho đến khi nghe tiếng người lao xao cuối dốc.
Buổi sáng Ngà rời đảo, Bách len giữa đám đông nắm chặt bàn tay Ngà, đưa vào tay kia hai lá thư, ánh mắt đau đớn bất lực.
-Nhớ liên lạc? Bách nói như khẩn cầu. Đám đông lục đục lao xao không ai để ý đến Ngà, và Ngà đã quay bước như mộng du không biết mình đã nhận được gì để lại gì nơi đảo vắng.
Những ngày mới định cư, khi ổn định Ngà đã nối liên lạc với Bách. Nhưng Bách qua một giấc mơ vẫn là Bách xa lạ, là Bách mà Ngà không nhìn hai lần. Ngà thương cái kỷ niệm đầu đời của mình nhưng Bách không kịp là người Ngà mong tưởng. Khi Ngà gặp lại Bách dường chỉ có sự ngượng ngùng – ngượng vì nỗi hai kẻ xa lạ đã có một lần chập sát vào nhau. Bước chân bên cạnh Bách tựa như hai người đi hai bên bờ vực. Giả Ngà gặp Bách trễ hơn biết đâu đã có thể cùng Bách nắm tay nhau đi dưới hàng cây trong thinh lặng. Biết đâu Ngà đã có thể cùng Bách đứng bên hồ im nghe tiếng thời gian. Nhưng biết Bách có lớn kịp cùng Ngà trên dốc đời, có là chỗ cho Ngà tựa lưng, có là nơi cho Ngà chôn dấu tâm hồn. Cuộc sống như sóng dồn, đẩy tấm thuyền bé ngày một xa khơi qua muôn khúc quanh qua ngàn dòng nước. Ngà và Bách đã dạt khỏi nhau như một giấc mơ tỉnh dậy là quên hết. Mọi sự đều có thể và đều không có thể, trăng còn mãi với thời gian nhưng làm sao để có lại một lần cái màu xám bạc hoang liêu. Gặp lại Bách như gặp lại một mảnh đời thất lạc. Gặp lại Bách như tìm thấy bóng mình của thuở đầu đời. Gặp lại Bách như đã đi hết một vòng của cuộc sống. Ngà nhận ra mình vẫn nhớ bờ môi ấy. Ngà nhận ra mình vẫn nhớ hơi ấm của bàn tay xưa.
Vành môi cũ nay ban lời Chúa. Bàn tay xưa nay mở ra phúc âm. Ta là khởi đầu và cũng là kết thúc. Hết một vòng đời Bách rồi đã đến thiên đường, chỉ còn Ngà đứng trên kỷ niệm xưa nhìn lại tháng năm, thấy quãng đời đã qua chỉ là vết đau dài.
L.N.
*Nguyễn Đình Toàn, Hoa Trên Muôn Cây.
Lênh Đênh
Truyện của Lưu Na.
Tủ Sách T.Vấn & Bạn Hữu
Ấn bản điện tử
2016
©Tác Giả giữ bản quyền
©T.Vấn 2016