Logic về cô Ba, thầy Ba

Nguyễn Hoàng Văn

Lời tác giả: Năm 2003, từ một cơ hội ngẫu nhiên, tôi phát hiện một “nữ thần” tên Cô Ba, sau đó viết ngay bài “Cô Ba thích thịt quay”, đăng trên trang talawas. Bây giờ thì lại thấy xuất hiện một nhân vật gọi là “sư”, ở một nơi thờ phượng – cúng dường gọi là “chùa”, “Chùa Ba Vàng” tạm gọi là “Thầy Ba” và cứ thắc mắc hai người có quan hệ logic nào với nhau?

Bài viết này được cập nhật từ bài viết cũ.*

Gần hai mươi năm trước cuốn từ điển về thánh thần – ma quỷ của tôi đột nhiên xuất hiện thêm một nhân vật mới: “cô Ba”.

Cô không phải là người đẹp có tiếng một thời, có hình trong nhãn hiệu “Xà bông cô Ba” chế từ dầu dừa, thứ sản phẩm nội hoá cũng có tiếng một thời ở Nam kỳ. Không rõ cô Ba mới này đẹp hay xấu, nhưng, nhất định, cô phải rất đặc biệt và, đầu tiên, là “cô”: sao không là “dì”, là “mợ”, là “thím” hay “bà” mà là “cô Ba”?

Tôi cố giải thích bằng tính gợi hình ở ngôn ngữ xưng hô. Nhắc đến “dì Ba” chúng ta thường nghĩ đến một bà vợ bé thịt da mơn mởn bên ông chồng già khụ mắc chứng đau lưng và những khi chiều xuống hay ngồi ho sù sụ. Nếu nói đến “mợ Ba” thì chúng ta có khuynh hướng tưởng tượng nên một phụ nữ trung lưu trắng da dài tóc có phần lắm mồm và hơi ác nghiệt với đám con cháu ăn nhờ ở đậu. Còn khi nói đến “thím Ba” thì chúng ta hay nghĩ đến một phụ nữ ngồi xắn quần nấu cám lợn hay sàng gạo trong một chái bếp tranh tối tranh sáng nào đó. Riêng “bà Ba” thì, mất hết trang nghiêm, bà dễ nhắc chúng ta nhớ lại thời trẻ con với câu nói toàn những từ bắt đầu bằng “b”: “Bà Ba bả bán bánh bèo bên bờ bể, bả bị bọn bộ binh bắn bể bụng!”

Chữ “cô” thì khác hẳn. Sang ra, nó còn thiêng hẳn lên với mùi nhang khói cùng câu kinh tiếng kệ vì nhắc chúng ta đến mấy “cô” son phấn loè loẹt, quần áo lụa là loè loẹt, điệu đàng với thanh gươm gỗ, dải lụa gấm hay cái mái chèo trên tay như thể đang xông pha giết giặc, chuẩn bị treo cổ giữ trọn tiết liệt hay đang chèo thuyền qua sông. Hễ mỗi lần cô xướng trước điện thờ “Đông, tây, nam, bắc cũng có cô… ô… ô… ô… ô…” với âm ô vuốt đuôi thật dài thì, kính cẩn và tâm thành, đám đệ tử ngồi chầu ba bên lại mọp người sát đất “Dạ ạ ạ ạ ạ…” với làn hơi thật dài trong tiếng mõ tiếng phách lách cách đưa nhịp, trong tiếng đàn kìm rơi rớt tựa mưa sa và tiếng đờn cò nỉ non ai oán như một lời tống biệt. Mà thực. Bầy đệ tử này kính lắm, lo lắm. Họ lo cô… thăng, đi biệt, không ở lại chỉ vẽ để, may ra, cuộc đời họ sẽ sang trang mới tươi sáng hơn, đáng sống hơn; như, mách nước số đề, chẳng hạn; như, giúp họ thăng quan tiến chức, chẳng hạn.

Cô Ba này cũng thế, thậm chí còn cao hơn một bậc. Đệ tử thờ phượng cô chăm và thành. Đều đều, mỗi tháng họ cúng một cữ, đúng y boong khẩu vị: họ sợ cô bỏ bê còn hơn đám đệ tử chầu đồng sợ cô đồng thăng ngang. Đồng thăng, đám đệ tử sụp lạy dạ rân kia chỉ trật số đề hay chậm thăng quan tiến chức là cùng. Cô Ba mà “thăng”, mà không chiếu cố, đời họ sẽ tàn: không tử hình thì cũng phá sản, tù mọt gông!

Cô Ba là hộ thần của đám đệ tử chuyên làm trò phi pháp, buôn bán thứ bột màu trắng gọi là heroin.

Tục thờ cô có từ lúc nào? Khi bày biện mâm thức ăn khoái khẩu lên bàn thờ rồi sị sụp lạy cầu, đám đệ tử chỉ keo kiệt dâng cho mỗi mình cô thôi hay là hào phóng “thỉnh mời chư vị phúc thần đồng lai phối hưởng” để cô có bạn có bè? Tục này chỉ có với đám đệ tử trên đất Úc hay nơi nào khác nữa? Thú thật, cái sự “nghiên cứu cô Ba” của tôi cũng chỉ là một câu chuyện tình cờ và vui miệng. Hỏi một câu, được trả lời một câu. Hỏi câu nữa, thêm một thông tin. Nhưng hỏi thêm, hỏi thêm thì tịt. Dù tâm thành tín cách mấy và đã tốn tiền hương khói cách mấy thì mấy đệ tử tâm thành cũng hoàn toàn mù tịt về cô. Đời người có bốn cái khoái, họ chỉ biết về cô mỗi một thứ là cái khoái thịt quay, vịt hay heo được tất nhưng quan trọng là phải cúng nước tương. Trừ miếng ăn là miếng tồi tàn kia ra họ chỉ biết thêm một điều, rất chắc: cô Ba thiêng lắm!

Thì cô thiêng. Cô giúp họ đi lọt một chuyến vô mấy trăm ngàn đô, có khi cả triệu. Cô khiến mắt mấy thầy cớm và nhân viên thuế quan mờ hẳn, khiến mũi mấy con chó săn ma túy ở phi trường nghẹt đi dù hàng nằm sờ sờ ra đó. Mà cô lại dễ dãi, hoà đồng. Cô không cầu kỳ bắt đám đệ tử bặm trợn phải ăn chay nằm đất mà đơn sơ mấy món mặn vừa tiện mang xách, vừa ê hề trong các tiệm thịt quay, một thứ sản phẩm cúng tế mà, dễ thường, về tính công nghệ, chỉ chào thua các món thịt hộp hay mì ăn liền. Thế nhưng một bản khai lý lịch mà chỉ có thế thôi thì đơn giản qúa, đến là tội nghiệp. “Tôi vui chơi giữa đời ối a biết đâu nguồn cội…” (Trịnh Công Sơn) cây có cội, sông có nguồn thì cô Ba cũng phải có gốc gác nào đó chứ? Như, cô có… dượng hay không? Như, cô là cô Ba… gì? Nếu “Mặt trận giải phóng…” từng có “cô Ba Định” thì cô Ba của đám đệ tử bặm trợn này cũng phải có chữ gì làm… vốn ở đằng sau chứ? Không những một chữ nối đuôi làm vốn, cô còn phải có một kỳ tích và một quê hương nào đó nữa, ít ra cũng cỡ “Cô Ba dũng sĩ quê ở Trà Vinh, chị Hai năm tấn quê ở Thái Bình” của nhạc sĩ Hoàng Vân chứ? Chẳng lẽ chỉ trần xì là “cô Ba” thôi? Có tích mới dịch ra tuồng, huống hồ gì là một thứ thần hô biến phép thần thông? Đã là một hộ thần có quyền năng bao che, đưa đám đệ tử ra khỏi những tình thế ngặt nghèo và vô hiệu hoá con mắt tinh tường của những hệ thống giám sát cực kỳ hiện đại, hẳn cô phải có một “sự tích”, một “câu chuyện đời tôi” ly kỳ hấp dẫn như thế nào đó chứ?

Nhưng cái sự nghiên cứu cô Ba của tôi bế tắc hoàn toàn. Chẳng có một lớp lang huyền thoại ly kỳ hay bi đát về vị hộ thần đứng bên ngoài pháp luật, sẵn sàng che chở cho những kẻ cũng sẵn sàng bước ra ngoài pháp luật và kết luận rõ nhất là cô, chẳng qua, chỉ là một thứ thần tự phát. Và cô đã “phát” rất sảng, “phát” theo kiểu vớ quàng vớ xiên nhằm tạo dựng một chỗ dựa tinh thần cho cái nghề đòi hỏi sự liều lĩnh, một xanh cỏ, hai đỏ ngực!

Cô Ba đã xuất hiện như bất cứ thứ thần thánh đời mới xuất hiện nhiều đến độ đếm không xuể giữa những ngày này. Nhưng khác với đa số thần thánh vốn chỉ “phát” lên với tôn chỉ hướng đến con đường cứu rỗi và giải thoát vĩnh hằng ở kiếp sau, cô Ba chỉ “phát” theo cái tôn chỉ cứu rỗi ngay trong cái cuộc đời tạm bợ này. Là đấng cứu rỗi khẩn cấp và tạm bợ, bản lý lịch của cô cũng khẩn cấp và tạm bợ như một đấng hộ thần vô sản căn cơ, thậm chí, vô sản cả cá tính, trừ cái tính thích nhìn bầy đệ tử sì sụp lạy con heo hay con vịt quay bày sau bát nhang nghi ngút khói.

Nhưng trong bất cứ tình trạng khẩn cấp nào, và với bất cứ phản ứng cấp thời nào, chúng ta cũng có thể lần ra hai dấu vết xác định: bản năng của kẻ chơi và môi trường chứa đựng cuộc chơi. Khi đưa cô Ba lên bàn thờ như một đấng hộ thần, khi sì sụp lạy cô cùng con heo hay con vịt quay chín vàng giòn, đám đệ tử cũng đã thể hiện những bản năng tín ngưỡng của mình và đã chọn lựa theo đúng những điều kiện thuận lợi nhất cho mình.

Cứ nghĩ: dù không cần phải dũng mãnh cỡ Từ Hải “Vai năm tấc rộng thân mười thước cao” nhưng, theo lẽ thường, thì bậc hộ thần của đám đệ tử bặm trợn kia cũng không nên đứng về phái yếu chứ? Tại sao họ không dâng thịt quay cho “chú Ba”, “bác Ba”, hay “cậu Ba” mà lại phục tùng một phụ nữ chân yếu tay mềm? Lại nghĩ: từ xưa đến nay, có quay về cúi đầu tạ tội, có bao giờ đứa con lầm lạc tìm về với cha đâu? Chỉ có vòng tay mẹ mới là vòng tay bao dung và đám đệ tử làm cái nghề bị cả xã hội lên án, chê là lầm lạc kia cũng phải tìm kiếm sự che chở và tha thứ trong vòng tay của một nữ hộ thần ví như lòng mẹ chứ? Xa hơn, còn có quán tính của tín ngưỡng trong chọn lựa đó nữa. Tín ngưỡng dân gian của ta tràn ngập những nữ thần và niềm tin đó còn thể hiện cả ở những tôn giáo du nhập từ ngoài. Chúng ta có bà Chúa Liễu Hạnh, bà Hoả, bà Thủy và, trong khi người Ấn chỉ có Phật ông, chúng ta lại có thêm Phật bà: Quán Thế Âm Bồ Tát, khi vào đất Việt, đã trở thành Phật bà Quan Âm. Đó là chưa kể một danh sách của những Phật bà đầy “bản sắc dân tộc”, từ Phật mẫu, tức con gái nàng Man đến Quan Âm Thị Kính, còn gọi là Quan Âm tống tử; từ Quan Âm Diệu Thiện, tức Bà chúa Ba cho đến Bà Bụt chùa Dâu, v.v. Với một truyền thống tín ngưỡng như thế thì, khi chọn một đấng hộ thần, ai cũng có khuynh hướng thiên về một bà hay một cô, như một quán tính của tín ngưỡng và của suy nghĩ.

Quán tính của suy nghĩ nghĩa là… không cần suy nghĩ. Cần có một vị thần để thờ, thì dù không tên, không lai lịch, chí ít thần đó cũng phải có một cái danh chung chung theo thứ hạng để mà… tồn tại: không “cô Ba” thì cũng “cô Hai”, “cô Tư”, hay “cô Năm”, “cô Sáu”! Nhưng một khi đã vớ sảng như thế thì cũng phải vớ sao cho tiện miệng, cho trơn tru, cho dễ phát âm và, chợt, trong cái dải dài “Cả, Hai, Ba, Tư, Năm, Sáu, Bảy, Tám, Chín, Mười” ấy, “Ba” đã trở thành đáp số tối ưu: đứa bé có bập bẹ tập nói, nó cũng bập bẹ chữ “ba” trước tiên. Như thế, một cách ngẫu nhiên, cô Ba trở thành hộ thần của đám đệ tử biếng làm, biếng suy nghĩ, biếng cả cái sự mỏi miệng trừ khi chửi thề ăn thua đủ, chỉ chăm chỉ cái sự một chuyến đi lọt bán bằng mười năm cày. Cô Ba, trong cảnh đó, trở thành một hộ thần không tên, không cội nguồn và không bản sắc. Và cũng trong cảnh đó, sở thích của cô cũng phải phù hợp với sự tiện lợi và sở thích của bầy đệ tử lanh liều. Cô không ăn chay nằm đất mà cô xơi mặn. Và cô chỉ xơi những gì tiện nhất, dễ kiếm nhất với đám đệ tử nhưng cũng từng được xem là sang nhất, “truyền thống” nhất từ sâu trong tiềm thức, từ trong tín ngưỡng dân gian của một xứ nghèo, nơi thịt quay là một món hàng xa xỉ. Cứ như thế, mỗi tháng một cữ, từ trên bàn thờ ngập ngụa khói nhang, cô Ba tha hồ “đồng lai phối hưởng” hay “độc lai tận hưởng” món thịt quay chấm với nước tương, vịt hay heo, hay một lần hai thứ trước mặt đám đệ tử bặm trợn nhưng rất tâm thành.

Khi con người cảm thấy lơ láo và bất an vì phải đối diện với cái sự hoạ phúc khó lường, họ càng có nhu cầu tìm một nơi nương tựa tinh thần để bày tỏ “tâm thành”. Không phải ngẫu nhiên mà những nghề nghiệp phụ thuộc thiên nhiên nhất, phụ thuộc vào vào sự may rủi nhiều nhất, như nghề rừng và nghề biển, lại là nghề cúng bái nhiều nhất. Thì cứ cho là cái mặc cảm phá sơn lâm, đâm hà bá, tuy nhiên cái mặc cảm ấy phải xuất phát từ cái tâm lý bất an của một nghề nghiệp mà tai hoạ có thể ập đến bất cứ lúc nào. Đời sống càng bất trắc thì những niềm tin càng vỡ vụn nhiều hơn. Nghe những lời than phiền về tình trạng mê tín trong giới mà, trên lý thuyết, phải là vô thần, kể cả những thành phần cao cấp nhất: đất nước nằm trong sự định đoạt của họ và, đến lượt, họ lại phó thác phần lớn quyền quyết định trong tay bọn thầy bói và thầy phong thủy. Điều đó, xét cho cùng, cũng tự nhiên thôi bởi, dù là vô thần thì bản chất của họ là mê tín: mê tín trước lãnh tụ và mê tín trước những giáo điều. Khi những lãnh tụ và giáo điều đã hết thiêng thì họ cũng phải vớ lấy cái gì đó để bám víu, để tin, để giải toả những tâm trạng bất an của mình chứ? Mà không chỉ là đám đệ tử phạm pháp của cô Ba, không chỉ là những nhà vô thần trong phiên chợ tàn ý thức hệ, trên mức độ toàn cầu, tình trạng vỡ vụn và manh mún của tín ngưỡng đó đã thể hiện ở sự xuất hiện của hàng ngàn giáo phái tàng tàng, tạp nham lớn nhỏ khác nhau, xuất hiện như những biến tấu lạc loài từ những tôn giáo lớn đã xuất hiện ngàn đời. Những giáo phái tàng tàng như thế xuất hiện mỗi ngày mỗi nhiều, nhiều đến độ đếm không xuể, từ Davidian Branch đến Aum Supreme Truth, từ Sukuyo Mahikari đến Temple of Vampire, Wicca, Ralian, v.v.

Có lẽ đó là hậu quả của một sự khủng hoảng về tinh thần và một sự mất cân bằng về tín ngưỡng. Nếu nhìn lại lịch sử nhân loại chúng ta sẽ nhận ra rằng cuộc khủng hoảng lớn nào cũng sản sinh thêm tôn giáo mới. Và mỗi lần nhân loại bị khủng hoảng về niềm tin là một lần những tôn giáo đó được “cải cách”, được “chấn hưng” hay bị chia ba, chia bảy. Cứ sau những chu kỳ cân bằng và mất cân bằng như thế, tình hình tôn giáo càng thêm khởi sắc và càng “đa nguyên” hơn, đa nguyên đến độ hỗn nguyên.

Trong tình trạng “cân bằng” con người cảm thấy bằng lòng với những quyền năng siêu nhiên mình đang trông dựa. Nhưng càng phát triển thì xã hội càng nẩy ra những nhu cầu mới, những gánh nặng vật chất mới kèm theo những áp lực tinh thần mới. Trong khung cảnh thay đổi với tốc độ chóng mặt đó, nếu chỗ dựa kia xưa cũ kia vẫn cứ rề rà dẫm chân tại chỗ, vẫn cứ man mác siêu hình hay tệ hơn là thoái hoá và sa đọa thì, nhiều hay ít, cách này hay cách khác, giới tín đồ cũng phải tìm tới những chỗ dựa tinh thần mới. Họ cần một lời khuyên cụ thể và… ăn liền cho một cảnh ngộ cụ thể và ăn liền mà bậc tu hành thì vẫn nhai đi nhai lại mấy lý thuyết siêu hình nghe đã chán tai.

Tôi nhớ, đâu vào giữa thập niên 1980, ghé ký túc xá của một trường sư phạm ở Đà Nẵng thăm bạn, chứng kiến cảnh một tân giáo sinh cuống quýt đánh vật với cây đàn guitar trên tay và cuốn Bảy ngày biết đờn của soạn giả Nam Phong trước mặt, anh bạn của tôi đã buông lời mỉa mai “Thằng này phải cho nó cuốn ‘Hai ngày biết đờn’ mới hợp!”, và đó, chính là yếu tố thành công của giới buôn Trời bán Phật. Với những kẻ dễ dãi niềm tin và nôn nóng thành… chánh quả thì họ có hết, không chỉ là “hai ngày” mà nếu cần cũng sẽ có ngay “hai giờ”, “hai mươi phút” hay thậm chí “hai mươi giây cứu rỗi”, v.v.

Nhưng nôn nao chánh quả chỉ là một mặt. Ở một mặt khác, người ta tìm đến nơi thờ phượng trang nghiêm để quên cảnh đời bát nháo nhưng lại gặp cảnh thờ phượng bát nháo khi giới tu hành trong cùng một đường tu công kích, sỉ vả, mạt sát và sân si với nhau. Chính tình trạng hụt hẫng và vỡ mộng từ trò chính trị và thương mại hoá tôn giáo này lại là cơ hội của những giáo phái mới cũng không kém phần thương mại hay chính trị hóa. Như những tay chơi mơí, họ nắm được những nhu cầu mới. Để lấn vào sân của những tín ngưỡng cũ, họ lại bám vào quán tính của cái cũ. Họ xào nấu cũ mới và họ tạo ra những món nộm tín ngưỡng mới, tuy khá sỗ sàng nhưng cũng khá là dễ xơi. Cũ họ có “vô vi”. Tầm tầm, không mới mà chẳng cũ, họ có… điện, cái dòng dịch chuyển của những hạt electron hay các ion, âm hay dương, trong cái nhìn đầy tính mê tín. Mới, họ có cloning, của khoa sinh vật học phân tử. Rồi lời của Phật chen chúc lời Jesus Christ hay Mohammed trong cái lưỡi của những giáo chủ bằng xương bằng thịt, những kẻ vẫn đều đặn tiêu hoá và bài tiết như bất cứ con người phàm tục nào khác.

Và trong cái rừng nấm tín ngưỡng hỗn nguyên đó, tôi phát hiện ra hình bóng lẻ loi và khiêm tốn của cô Ba. Khác với những kẻ nhìn xa trông rộng với sự giải thoát đời đời, dù là đời đời một cách rất ăn liền; “đạo” của cô thực tế hơn nhiều khi chỉ hướng đến sự “cứu rỗi” theo đơn vị chuyến hàng. Cô “cứu” một chuyến, đệ tử tiền vô như nước. Cô “không cứu” một chuyến, đệ tử tin những bàng hoàng. Nếu Karl Marx bảo tôn giáo là thuốc phiện của quần chúng, tôn giáo đã ru ngủ họ, làm thui chột ý thức đấu tranh của họ thì “đạo” của những kẻ nuôi mộng làm giàu từ chế phẩm của thuốc phiện này là… thuốc phiện của ai?

Đặt ra câu hỏi này thì rất dễ mích lòng đám đệ tử bặm trợn của cô. Khi công cuộc “nghiên cứu cô Ba” của tôi chỉ mới mon men đi xa ở khoản gia vị, thắc mắc là đĩa nước tương dâng kèm thịt quay lên kia có được đâm ớt và tỏi hay không, đệ tử vui miệng của cô đã giận dữ quắc mắt, sừng sộ rằng tôi hỏi xấc.

Tôi quan tâm đến miếng ngon của cô mà bảo là tôi xấc, đệ tử này của cô rất là phi logic nhưng dẫu sao thì đây cũng là chuyện của gần 20 năm trước: cái logic đáng quan tâm lúc này là của thầy Ba, cái ông gọi là “sư” đang làm sôi động công luận.

Rõ ràng, khi đất nước hình thành hẳn một “công nghiệp đại tự” hay “công nghiệp tâm linh”, ắt phải có một thứ logic nào đó về mối quan hệ tương liên giữa đám đệ tử sụp lạy dâng tiền đến thầy rồi, đến một “siêu thầy” nào đó ẩn mặt sâu trong hậu trường.

Mà, hơn nữa, còn có một logic nào đó liên quan đến thuốc phiện cho quần chúng. Quần chúng cần phải hướng về những bài vị phía sau bát nhang, là những gì đã thuộc về quá khứ thay vì quan trọng hóa hiện tại và tương lai. Và quần chúng, hoặc nên bằng lòng với những lợi lộc thực tiễn trước mắt, hoặc phải hướng tới những tương lai hư ảo và xa vời như ở kiếp sau. Họ không nên lo toan cho tương lai xa xôi nhưng ở kiếp này, thí dụ tương lai rất thực của đời cháu, đời chít, ngay trên đất nước rất thực của mình.

Như thế vấn đề không phải là tự thân những kẻ như thầy Ba mà là những “siêu thầy”, những gì đã thai nghén, đã dung dưỡng nên loại “tu hành” như kẻ gọi là sư đang gây tranh cãi. Bọn này, về tội ác, chẳng khác gì mấy đệ tử buôn bán heroin của cô Ba, nhưng sâu rộng hơn, vĩ mô hơn. Nếu đệ tử cô Ba góp phần làm tan nát bao nhiêu gia đình, bao nhiêu đời trẻ đầy hứa hẹn thì bọn này, qua việc làm băng hoại niềm tin của con người mà, đang gián tiếp phá hủy tương lai của đất nước.

Ý đồ của chúng cực kỳ nguy hiểm và tội ác của chúng cũng cực kỳ nghiêm trọng. Nguy hiểm và nghiêm trọng bởi, nếu niềm tin của con người hôm nay bị băng hoại theo cấp số cộng, tương lai của đất nước sẽ sa lầy theo cấp số nhân.

24.4.2003 – 26.8.2022

Comments are closed.