Nguyễn Cung Thông[1]
Phần này bàn về cách dùng vừng, mè vào thời LM de Rhodes đến truyền đạo và sau đó là các cách dùng tự vị, tự vựng và tự điển. Đây là lần đầu tiên cách dùng này hiện diện trong tiếng Việt qua dạng con chữ La Tinh/Bồ (chữ quốc ngữ). Tài liệu tham khảo chính của bài viết này là bốn tác phẩm của LM de Rhodes soạn: (a) cuốn Phép Giảng Tám Ngày (viết tắt là PGTN), (b) Bản Báo Cáo vắn tắt về tiếng An Nam hay Đông Kinh (viết tắt là BBC), (c) Lịch Sử Vương Quốc Đàng Ngoài 1627-1646 và (d) tự điển Annam-Lusitan-Latinh (thường gọi là Việt-Bồ-La, viết tắt là VBL) có thể tra tự điển này trên mạng, như trang http://books.google.fr/books?id=uGhkAAAAMAAJ&printsec=frontcover#v=onepage&q&f=false. Các chữ viết tắt khác là Nguyễn Cung Thông (NCT), Hán Việt (HV), Việt Nam (VN), ĐNA (Đông Nam Á), LM (Linh Mục), CG (Công Giáo), PG (Phật Giáo), TVGT (Thuyết Văn Giải Tự/khoảng 100 SCN), NT (Ngọc Thiên/543), ĐV (Đường Vận/751), NKVT (Ngũ Kinh Văn Tự/776), LKTG (Long Kham Thủ Giám/997), QV (Quảng Vận/1008), TV (Tập Vận/1037/1067), TNAV (Trung Nguyên Âm Vận/1324), CV (Chính Vận/1375), TVi (Tự Vị/1615), VB (Vận Bổ/1100/1154), VH (Vận Hội/1297), LT (Loại Thiên/1039/1066), CTT (Chính Tự Thông/1670), TViB (Tự Vị Bổ/1666), TTTH (Tứ Thanh Thiên Hải), KH (Khang Hi/1716), P (tiếng Pháp), A (tiếng Anh), L (tiếng La Tinh), VNTĐ (Việt Nam Tự Điển/Hội Khai Trí Tiến Đức). Các bản Nôm của LM Maiorica là ĐCGS (Đức Chúa Giê Su), KNLMPS (Kinh Những Lễ Mùa Phục Sinh), CTTr (bộ Các Thánh Truyện), MACC (Mùa Ăn Chay Cả), TCTM (Thiên Chúa Thánh Mẫu), TCTGKM (Thiên Chúa Thánh Giáo Khải Mông). Trang/cột/tờ của VBL được trích lại từ bản La Tinh để người đọc tiện tra cứu thêm. Tương quan Hán Việt ghi nhận trong bài không nhất thiết khẳng định nguồn gốc của các từ liên hệ (có gốc Việt hay Hán).
1. Các cách gọi mè, vừng đã có vào thời VBL
1.1 VBL trang 876 ghi nhận vừng và trang 463 ghi mè cùng một nghĩa (sesamum tiếng La Tinh cho ra các dạng sesame tiếng Anh và sésame tiếng Pháp). Cây mè (vừng) có hạt dùng làm dầu vừng hay cho vào các thực phẩm như cơm mè, muối mè, bánh đa vừng… Chỉ Nam Ngọc Âm Giải Nghĩa cũng từng ghi danh từ bánh lồ vừng (~ bánh vừng)
胡餅餅路暈
“Hồ bính” là bánh lồ vừng (trang 111, sđd)
Để ý vừng kí âm chữ Nôm là vựng HV 暈 (bộ nhật).
VBL trang 876
VBL trang 463
Để ý thêm là VBL có hai cách viết[2] vừng và uừng – phản ánh vào TK 17, hai mẫu tự u và v chưa hoàn toàn bắt đầu tách ra trong tiếng La Tinh (v và u có cùng một gốc[3]). Ngoài ra VBL còn cho ta thấy mè có hai nét nghĩa (một loại cây có hạt/sesamum, thanh gỗ dưới mái nhà/scandula[4]) so với vừng chỉ có một nét nghĩa (loại cây có hạt/sesamum). Chỉ Nam Ngọc âm còn cho thêm một nét nghĩa của mè là một loài cá
亇眉号沃魴赬
Cá mè hiệu óc “phường trinh” (trang 181 sđd).
Lồ vừng (VBL trang 876) có thể liên hệ đến dạng tiền Katu/Proto-Katuic *lawɨŋ và tiền Be/Proto-Be *vəŋᴬ² – xem bảng so sánh bên dưới – trích từ trang http://sealang.net/monkhmer/dictionary/:
Bảng so sánh cách gọi mè/vừng trong các ngôn ngữ láng giềng (Bru, Katu, Kui, Pacoh..)
Vừng, hột vừng: VBL ghi thêm lồ vừng là mè (cây mè), tiếng Mường Bi và Rục cũng có dạng wâng. Tiếng Mã Lai/Inđônêsia gọi là bijan, wijen (ở Java) có thể liên hệ đến dạng vừng tiếng Việt (tiếng Ruc/ Mường Bi). Hai cách dùng vừng và mè đã hiện diện (cùng nghĩa, sesamum/L) vào thời VBL, vào trong Nam Bộ, cây vừng lại mang thêm một nghĩa khác hơn mè/vừng, lá lớn ăn được mọc theo đất bưng (Huỳnh Tịnh Của, ĐNQATV).
Mè (sesamum/L – tiếng Hi Lạp là σήσαμον sēsamon – nhập vào tiếng Anh là sesame và tiếng Pháp sésame) tương đương với vừng. Cách dùng mè và vừng phản ánh ảnh hưởng của phương ngữ vào thời VBL cũng như mũ/nón, heo/lợn/sinh, hồ/keo, hoa (huê)/bông … Có khả năng loại cây mè từng lẫn lộn với loại cây lanh (flax/A) thời nhập vào Á Châu từ Tây Vực (td. tác giả Berthold Laufer 1967). Điều này cũng thể hiện trong tài liệu Bản Thảo Cương Mục của Lí Thì Trân. Mè có thể tương ứng với ma HV 麻 trong các cụm từ HV hồ ma[5] 胡麻, chi ma 脂麻, du ma 油麻 không phải là đại ma 大麻 hay Hán ma 漢麻 (loại cây cần sa) như Lí Thì Trân[6] (1518-1593) viết trong Bản Thảo Cương Mục/BTCM: theo Hán Sử thì Trương Khiên 張騫 nhập loài mè vào TQ từ Tây Vực. Một địa danh (thuộc Tây Vực) được ghi lại trong tài liệu này (BTCM) là nơi xuất xứ của hồ ma hay Đại Uyển 大宛 (TA-YUAN) – xem bản đồ bên dưới
Trích từ trang https://en.wikipedia.org/wiki/Dayuan#/media/File:Ta-YuanMap.jpg hay tham khảo bài viết https://nghiencuulichsu.com/2014/06/10/tim-hieu-ve-dat-tay-vuc-trung-quoc/…
1.2 Chữ ma 麻 蔴 蕂 (thanh mẫu minh 明 vận mẫu ma 麻 bình thanh, khai khẩu nhị đẳng) có các cách đọc theo phiên thiết
莫遐切 mạc hà thiết (TVGT, ĐV, TV, LT)
莫霞切 mạc hà thiết (QV)
莫加切 mạc gia thiết (NT, TTTH)
TNAV ghi vận bộ 家麻 gia ma (dương bình)
CV ghi cùng vần/bình thanh 麻 蟆 (ma mô)
謨加切 mô gia thiết (TV, CV, TG 字鑑, LTCN 六書正)
謨加切, 馬平聲 mô gia thiết, mã bình thanh (TVi)
眉波切, 音摩 mi ba thiết, âm ma (TVi)
莫牙切, 馬平聲 mạc nha thiết, mã bình thanh (CTT), v.v.
Giọng BK bây giờ là má mā so với giọng Quảng Đông maa4 maa2 so với các giọng Mân Nam 客家话:[海陆丰腔] ma2 [客英字典] ma2 [沙头角腔] ma2 [陆丰腔] ma3 [台湾四县腔] ma2 [客语拼音字汇] ma2 [东莞腔] ma2 [梅县腔] ma2 [宝安腔] ma2, giọng Mân Nam/Đài Loan ba5, tiếng Nhật ma ba và tiếng Hàn ma.
Vào cuối TK 18, khi người Việt đã ổn định cuộc sống ở Đàng Trong (gồm đồng bằng sông Cửu Long và Cà Mau), danh từ mè đã trở nên phổ thông ở phía Nam như từng ghi nhận trong tài liệu Flora Cochinchinensis[7] (1790) của học giả Bồ Đào Nha João de Loureiro (1717–1791) – xem hình chụp bên dưới, mô tả chi tiết về loài cây này (trồng ở Đàng Trong, TH, hình dạng của hoa và nhuỵ, cuống…)
Flora Cochinchinensis – trang 382
Đặc biệt chú ý đến dạng vừng trong bài này: chữ Nôm trong Tam Thiên Tự ghi vừng là vựng HV 彙 (cũng như Chỉ Nam Ngọc Âm, chỉ khác bộ thủ là dùng kệ) nhưng Ngũ Thiên Tự lại dùng chữ vần/vựng HV 暈 bộ nhật. Điều này dẫn đến một đề tài liên hệ đến cách dùng vựng là tự vựng và tự vị so với tự điển, càng ngày càng trở nên cần thiết khi văn hoá bản địa tiếp cận văn hoá phương Tây qua các con đường tôn giáo, thương mại và kỹ thuật.
2. Tự vị hay tự vựng?
Đầu tiên, xem lại các tài liệu (luôn kiểm chứng được) các cách đọc của chữ 彙
2.1 Chữ vị 彙 (thanh mẫu vân 云 vận mẫu vi 微 khứ thanh, hợp khẩu tam đẳng) có các cách đọc theo phiên thiết
于貴切,音胃 vu quý thiết, âm vị (TVGT, QV, ĐV, TV, VH, LT, TG 字鑑, )
音謂 âm vị (LKTG)
胡貴切 hồ quý thiết (NT)
羽貴切 vũ quý thiết (TV)
羽鬼切 vũ quỷ thiết (LT, TViB)
于位切 vu vị thiết (CV)
CV ghi cùng vần/khứ thanh 胃 謂 㥜 渭 彚 蝟 緯 緭 煟 圍 位 衛 璏 轊 軎 槥 彗 爲 遺 壝 (vị vệ duệ tuệ vị/vi dị/di)
于貴切,音位 vu quý thiết, âm vị (TVi)
烏貴切 ô quý thiết (CTT)
於貴切, 音胃 ư quý thiết, âm vị (TQTHCN 增廣字學舉隅), v.v.
Giọng Bắc Kinh bây giờ là huì wèi (theo pinyin) so với giọng Quảng Đông wai6 wui6 và các giọng Mân Nam 客家话:[梅县腔] lui5 [台湾四县腔] lui5 [客英字典] lui5 [客语拼音字汇] fi4 fui4 [海陆丰腔] lui6 [宝安腔] lui3 [陆丰腔] lui6 潮州话:lui2(lúi).
Các dạng âm cổ phục nguyên của vị là /*ɢruds/ hay /ɦʉi/ (Trịnh Trương Thượng Phương 鄭張尚芳), /ɣĭwəi/ (Vương Lực), /ɣiuəi/ (Lý Vinh 李榮), /ɣiuəi/ (Thiệu Vinh Phân 邵榮芬), /ɦʷɨi/ (Phan Ngộ Vân 潘悟雲), /ɦuj/ (Bồ Lập Bổn 蒲立本), /wei4/ (Thôi Đạo hiện đại Hán Ngữ 推導現代漢語), /yoih/ (Cổ Vận La Mã Tự 古韻羅馬字), /hvoy/ (Hữu Nữ La Mã Tự 有女羅馬字)… Không học giả nào phục nguyên phụ âm cuối là /ŋ/ (theo chính tả là -ng) cả! Tuy nhiên, trong các tài liệu chữ Hán, chữ vị lại có nhiều dị thể
Để ý một trong các dị thể trên có chữ giống chữ vựng 暈 với bộ nhật!
Từ cách đọc vị hay wèi (theo pinyin) thì sự tròn môi để phát âm i/e (giống như uê, oe) nên vị còn có thể đọc là *hoê hay hối/hội, dẫn đến một dị thể là 汇 (hối/hội hay huì theo pinyin – dị thể số 10 trong 11 chữ chụp lại ở trên) hay giản thể của 匯 và 彙. Phụ âm đầu môi răng có khả năng đến từ phụ âm môi môi *m hay *b, hay âm HV vị có khả năng phục nguyên là mùi (vi 未, chi thứ tám) hay mùi (vị bộ khẩu 味), hầu hoá để cho ra dạng ngôi (vị bộ nhân 位) …
2.2 Xem lại các cách đọc chữ vựng 暈 (thanh mẫu vân 云 vận mẫu văn 文 khứ thanh, hợp khẩu tam đẳng) có các cách đọc theo phiên thiết
王問切 vương vấn thiết (TVGT, QV, TV, VH, LT)
有慍切 hữu uấn thiết (NT, TTTH)
音運 âm vận (LKTG)
運音 vận âm (TNTTĐTA 精嚴新集大藏音)
TNAV ghi vận bộ 真文 chân văn (khứ thanh) – thanh mẫu 影 ảnh, tiểu vận 醞 uấn
CV ghi cùng vần/khứ thanh 運 暈 煇 餫 鄆 韻 均 袀 員 韗 (vận vựng *quân/vận *viên/vân)
禹慍切,音運 vũ uấn thiết, âm vận (CV, TVi)
禹問切,音運 vũ vấn thiết, âm vận (CTT)
呼回切 hô hồi thiết (TViB), v.v.
Giọng BK bây giờ là yùn yūn yìn so với giọng Quảng Đông wan4 wan6 jan3 và các giọng Mân Nam 客家话:[梅县腔] jun5 [海陆丰腔] fun2 hin2 run6 fun3 [客英字典] jun5 [宝安腔] fun2 [客语拼音字汇] fun2 vin2 [台湾四县腔] fun2 hin2 jun5 fun3 [东莞腔] jun2 [沙头角腔] fun2, giọng Mân Nam/Đài Loan hun7, tiếng Nhật un và tiếng Hàn hwun wun.
Các dị thể của chữ vựng 暈
Các hình khắc/vẽ từ Giáp Cốt Văn, Tiểu Triện đều cho thấy vựng có nguồn gốc tượng hình: hình những vầng (quầng) sáng chung quanh thiên thể ở trên trời – trích từ trang này https://hanziyuan.net/#%E6%9A%88
Một dạng âm cổ phục nguyên của vựng là *ɦiun, với nguyên âm tròn môi u dẫn đến khả năng đọc vựng hay vậng (vầng trăng) thành quầng (nét nghĩa nguyên thuỷ) và váng (choáng váng) và quáng (mục vựng ~ mắt quáng, nét nghĩa thứ nhì).
Béhaine/Taberd (1772/1773-1838) không ghi vựng so với vừng/vầng.
2.3 Cách đọc vựng (chữ quốc ngữ dựa vào mẫu tự La Tinh/Bồ) có lẽ đầu tiên xuất hiện vào năm 1772/1773 khi tự điển viết tay của Béhaine ra đời, sau đó Taberd cũng lặp lại dạng này (1838) – đây là cách dịch tiếng La Tinh dictionarium (td. tự điển VBL):
Béhaine (1772/1773)
Taberd (1838)
“Vocabulaire franco-tonkinois” tác giả Gaston Kahn (1887) – Đàng Ngoài (Hà Nội)
“Vocabulaire français-annamite & annamite-français & grammaire” tác giả Gabriel Aubaret (1867) – Đàng Trong (Sài Gòn).
Các tự điển Pháp Việt hay Việt Pháp (dịch chữ dictionnaire), Việt La Tinh (dịch chữ dictionarium) đến cuối TK 19 và đầu TK 20 đều dùng một dạng tự vị như trên – td. J.M.J. (Tân Định 1877), Theurel (Ninh Phú, 1877), Génibrel (1898), Vallot (1898), Dronet/Ravier (1903), Trương Vĩnh Ký (1884), Paul Maheu (Quinhon, 1910), v.v.
Cách dùng tự vựng từng xuất hiện trong Nam Phong, quyển 1 số 1 (Phạm Quỳnh) 1917
Học giả Phạm Quỳnh cũng không đọc theo nguyên bản của Taberd là tự vị 字彙 (xem hình chụp nguyên bản), mà đổi thành tự vậng trong bài khảo về chữ quốc ngữ (đăng trên Nam Phong số 122) – tuy nhiên ông vẫn dùng tự điển để chỉ quyển VBL
Học giả Nguyễn Văn Tố (1889-1947, một trong Tứ Hổ Tràng An) cùng thời cụ Phạm Quỳnh lại dùng tự vị. Trích lời cụ Nguyễn Văn Tố trong diễn văn khánh thành đài kỷ niệm LM Alexandre de Rhodes (29/5/1941): "Nhà trước thuật ấy là một vị cố người Pháp tên là Alexandre de Rhodes thường dịch là A-lịch-sơn Đắc-lộ, sang đây truyền giáo hồi vua Lê chúa Trịnh, xuất bản trước tiên – vào khoảng năm 1654 – một quyển giáo lý quốc âm và một quyển tự vị tiếng ta, hiện nay vẫn còn giá trị lắm".
Trước Phạm Quỳnh (1892-1945) cả trăm năm, tác giả Philiphê Bỉnh (1759-1833) có thể là người Việt đầu tiên đã dùng danh từ tự vị[8] để chỉ tự điển (VBL) trong các tài liệu chép tay bằng chữ quốc ngữ của ông, cho ta thấy cách dùng này khá thống nhất từ Đàng Trong (Béhaine, Taberd) đến Đàng Ngoài:
Trích từ "Truyện Anam Đàng Ngoài" (Philiphê Bỉnh 1822/1824)
Trích từ trang 601 “Sách Sổ Sang Chép Các Việc" – để ý cách dùng "sách tự vị" trong các tài liệu chép tay của ông (dòng thứ 8).
Tóm lại, tự vị là dạng chữ quốc ngữ đầu tiên dùng để dịch từ La Tinh dictionarium, sau đó là các dạng tự điển và tự vựng. Tại sao lại có các dạng đọc khác nhau như vậy? Đã có nhiều cách giải thích:
a) Đọc nhầm vị thành vựng do tự dạng gần giống – thường gặp trong quá trình đọc Nôm và Hán đã được truyền cho hậu thế như “chữ tác 作 nhầm ra chữ tộ 怍, chữ ngộ 遇 nhầm ra chữ quá 過, chữ hạnh 幸 thành chữ tân 辛, 莘, v.v.”. Các chữ trên chỉ có 7, 8, 12 nét so với chữ vị có 13 nét thì khả năng đọc nhầm chữ vị lại càng cao hơn!
b) Với khả năng vựng đọc thành vận (CV), phải chăng các học giả tiền bối đã cố tình (hay vô tình?) đánh đồng sự xếp loại (vị) ra thành vần để tạo ra tự điển theo vần/vận truyền thống? Người viết (NCT) chỉ đưa ra giả thiết này để gợi ý – hi vọng sẽ tìm ra nhiều dữ kiện (văn bản luôn có thể kiểm chứng được) để bác bỏ hay hỗ trợ cho cách giải thích này, v.v. xem các phê bình thêm trong mục 1 của Phụ Trương.
c) Biến âm (nội tại) trong tiếng Việt (hậu kỳ) – các tài liệu bằng chữ quốc ngữ đều cho thấy tự vị là dạng đầu tiên, sau đó là tự vựng – có lúc dùng cả hai dạng như Gustave Hue (1937, dịch từ Dictionnaire), Nguyễn Văn Khôn (1955, dịch từ Dictionary) – hiện nay đều dùng ‘tự điển’.
d) Có thể vựng là một dạng âm cổ hơn của vị còn bảo lưu trong tiếng Việt hay chăng? Không thấy chứng cớ nào cho dạng vựng dùng trước thời kỳ dùng vị (trong tự vị).
Có nhiều tác giả đã từng suy nghĩ và viết về cách dùng từ vị và từ vựng từ trước đến nay:
– Hoàng Thúc Trâm trong "Hán Việt Tân Tự Điển" (1950) cho ta biết rằng tự vị "tục đọc lầm tự vị thành tự vựng".
– Lê Mạnh Chiến với bài viết "CẦN PHÂN BIỆT CÁC THUẬT NGỮ “TỪ ĐIỂN” VÀ “TỰ ĐIỂN” đăng trong Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 2 (128). 2016 – tác giả cho rằng vựng là do vị đọc lầm.
– Đặng Thế Kiệt trong "Hán Việt Từ Điển Trích Dẫn" cho rằng vựng là đọc lầm chữ vị: “Ghi chú: Âm vị theo Khang Hi tự điển 康熙字典: vu thiết quý âm vị 于切貴音胃. Trong âm Hán-Việt thường đọc là vựng, thí dụ: ngữ vựng 語彙. Có thể vì đã lẫn lộn với chữ vựng 暈.” Tác giả Đặng Thế Kiệt thêm nhận xét về khả năng lầm chữ vị với chữ vựng, nguyên bản của cụ Thiều Chửu chỉ ghi là "ta quen đọc là vựng".
– Huệ Khải trong bài viết (1/2022) "Món quà cuối năm" cũng cho rằng vựng là cách đọc quen của người Việt của chữ vị.
– Một số tác giả vào khoảng giữa TK 20 dùng cả hai dạng tự vị và tự vựng như Gustave Hue (Dictionnaire annamite-chinois-français, 1937), Nguyễn Văn Khôn (Anh-Việt Từ-điển, 1955 – in lại nhiều lần), Lê Văn Đức/Lê Ngọc Trụ (Việt Nam Tự Điển, 1970) …v.v… Một điểm cần nhắc ở đây là tự vị có hai nghĩa chính (a) tự điển hay từ vựng với nét nghĩa khá rộng (~ glossary, lexicon, dictionary, vocabulary, wordbook…) – hay là một danh từ chung (b) Tự Vị – danh từ riêng – chỉ tự điển thời nhà Minh (1615) soạn bởi Mai Ưng Tộ (梅膺祚) với 214 bộ thủ và liệt kê theo số nét mà vẫn còn dùng cho đến nay.
Tóm lại, tự điển VBL cho ta các dữ kiện như mè, vừng đã từng hiện diện trong tiếng Việt vào TK 17. Sau này với sự phân kì từ lăng kính chính trị, kinh tế và địa lí của Đàng Trong so với Đàng Ngoài, phương ngữ các vùng trở thành rõ nét hơn cùng với cách dùng[9] tự vị, tự vựng và tự điển. Ngoài ra, cách dùng từ vựng cho thấy một khả năng dùng từ khác nhau ở trong Nam (td. cụ Huỳnh Tịnh Của) so với ngoài Bắc (td. cụ Phạm Quỳnh) vào đầu TK 20 khi các thuật ngữ khoa học Tây phương[10] bắt đầu xuất hiện trong tiếng Việt một cách có hệ thống. Các dạng chữ Nôm của vừng cho thấy khả năng lẫn lộn của vị và vựng trong cách đọc, tuy nhiên vẫn có khả năng là các học giả tiền bối đã đọc vựng (trong tự vựng) để chỉ một trường hợp đặc biệt của tự điển (td. Nam Phong). Sự phân biệt lại càng cần thiết khi không ít người cho rằng tự điển và từ điển, cũng như tự vựng và từ vựng, đều có cùng một nghĩa: thật ra tự HV bộ tử 字 nghĩa là chữ viết (td. Hán tự) so với từ HV 詞 bộ ngôn chỉ lời nói (td. ngôn từ) hay lời văn – tuy nhiên, giải thích các khác biệt trên không là trọng tâm bài viết này. Hi vọng bài viết nhỏ này là cơ hội hay một động lực cho người đọc tìm hiểu sâu xa hơn về các cách dùng này và khám phá thêm những kết quả thú vị của tiếng Việt – từ những dữ kiện hay văn bản luôn kiểm chứng được.
3. Tài liệu tham khảo chính
1) Pigneau de Béhaine (1772/1773) – Bá Đa Lộc Bỉ Nhu “Dictionarium Annamitico-Latinum” Dịch và giới thiệu bởi Nguyễn Khắc Xuyên, NXB Trẻ (Thành Phố HCM – 1999).
2) Philiphê Bỉnh (1822) “Sách Sổ Sang Chép Các Việc” NXB Viện Đại Học Đà Lạt, 1968.
(1822) “Phép Giảng Tám Ngày”, “Truyện nước Anam Đàng trong quyển nhị”… Các tài liệu viết tay của chính tác giả còn lưu trữ trong thư viện tòa thánh La Mã.
3) J.M.J. Caspar/Louis Caspar ~ Cố Lộc (1877/1879) “Dictionnaire annamite-francais” nhà in Tân Định xuất bản năm 1877, 1879.
4) Lê Mạnh Chiến (2016) "Cần phân biệt các thuật ngữ ‘từ điển’ và ‘tự điển’". Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 2 (128), 2016
5) Huỳnh Tịnh Của (1895/1896) “Đại Nam Quấc Âm Tự Vị” Tome I, II – Imprimerie REY, CURIOL & Cie, 4 rue d’Adran (SaiGon).
6) J. F. M. Génibrel (1898) “Dictionnaire annamite français” Imprimerie de la Mission à Tân Định (SaiGon).
7) Nguyễn Quang Hồng (2015) “Tự điển chữ Nôm dẫn giải” Tập 1 và 2 – NXB Khoa Học Xã Hội/Hội Bảo Tồn Di Sản Chữ Nôm (Hà Nội).
8) Gustave Hue (1937) “Dictionnaire annamite-chinois-français” Imprimerie Trung-hoà – NXB Khai Trí (Sài Gòn) in lại năm 1971 theo bản gốc năm 1937
9) Giêrônimô Maiorica (thế kỉ XVII) “Mùa Ăn Chay Cả”, “Thiên Chúa Thánh Mẫu – Quyển thượng”, “Thiên Chúa Thánh Mẫu – Quyển trung”, “Đức Chúa Giê-Su – Quyển chi cửu & Quyển chi thập” (ĐCGS), “Thiên Chúa Thánh Giáo Hối Tội Kinh”, “Thiên Chúa Thánh Giáo Khải Mông” (TCTGKM), “Kinh Những Ngày Lễ Phục Sinh – Quyển thứ ba”, “Các Thánh Truyện” (CTTr) từ tháng giêng đến tháng mười hai. Sách lưu hành nội bộ (năm xuất bản 2002/2003, LM Nguyễn Hưng).
10) Josepho Maria Morrone (khoảng đầu TK 19) “Lexicon Cochin-sinense Latinum” đăng trong cuốn “A Dissertation on the nature and character of the Chinese system of writing” viết bởi nhà ngôn ngữ Mỹ Peter Stephen Du Ponceau (1838), in lại bởi NXB Kessinger Publishing. Kèm thêm bảng từ vựng căn bản có 333 chữ Nôm và chữ quốc ngữ với giải thích về cấu trúc và nghĩa.
11) Lã Minh Hằng (2013) “NGUỒN TƯ LIỆU TỪ VỰNG THẾ KỈ 17 – QUA KHẢO SÁT TRUYỆN ÔNG THÁNH INAXU” – bài viết cho Hội Nghị thông báo Hán Nôm Học năm 2013 – có thể xem toàn bài trang này http://xuandienhannom.blogspot.com.au/2013/12/nguon-tu-lieu-tu-vung-ky-17-qua-khao.html
(2013) “Khảo cứu từ điển song ngữ Hán-Việt Đại Nam Quốc Ngữ – nguyên bản Nguyễn Văn San” NXB Đại Học Quốc Gia Hà Nội
12) Hội Khai Trí Tiến Đức – ban văn học (1931/1954) “Việt Nam Tự Điển” NXB Trung Bắc Tân Văn (Hà Nội).
13) Nguyễn Duyên Niên (1932) "Nam Ngữ Chính Tả Tự Vị – Dictionnaire d’orthographe d’usage de la langue annamite"
14) Alexandre de Rhodes (1651) “Phép Giảng Tám Ngày” – Tủ Sách Đại Kết in lại từ Tinh Việt Văn Đoàn (1961 – Sài Gòn) với phần giới thiệu của tác giả Nguyễn Khắc Xuyên.
(1651) “Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum” thường gọi là từ điển Việt-Bồ-La; bản dịch của Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính – NXB Khoa Học Xã Hội, Thành Phố HCM (1991).
“Tường Trình về Đàng Trong 1645” bản dịch của Hồng Nhuệ, NXB Ánh Sáng Publishing, Escondido (California/Mỹ, 1994?).
“Lịch sử Vương Quốc Đàng Ngoài từ 1627 tới năm 1646” dịch giả Nguyễn Khắc Xuyên – Tủ sách Đại Kết, Thành phố HCM (1994).
15) Jean Louis Taberd (1838) – tên Việt là cố Từ – “Dictionarium Annamitico-Latinum” Serampore (Bengale) và cuốn tự điển La Tinh – Việt (1838).
16) J. S. Theurel (1877) “Dictionarum Anamitico-Latinum” LM Theurel ghi nhận LM Taberd khởi thảo và ông cố tình ‘bổ sung’ ngay trong cách giới thiệu trang đầu, (td. hàm ý các cách dùng Đàng Ngoài khác với Đàng Trong/NCT) – Ninh Phú (Đàng Ngoài).
17) Nguyễn Cung Thông (2021) Loạt bài viết như "Tiếng Việt từ thế kỉ 17 – từ Luận Phép Học đến Khoa Học (phần 27)", “Tiếng Việt từ TK 17: thợ dào, thợ rèn, thợ máy … dộng chúa (phần 30)” (NCT: đặc biệt về tương quan đ – d như đao dao, đã dã …) có thể tham khảo toàn bài trên trang này chẳng hạn https://nghiencuulichsu.com/2021/06/17/tieng-viet-tu-tk-17-tho-dao-tho-ren-tho-may-dong-chua-phan-30/ …v.v…
18) Pierre-Gabriel Vallot (1898) “Dictionnaire franco-tonkinois illustré” NXB F.H. Schneider (Hà Nội).
(1905) “Grammaire Annamite à l’Usage Des Français de l’Annam Et Du Tonkin” Imprimeur-Éditeur F. H. Schneider, HaNoi.
Phụ Trương
1. Học giả Huỳnh Tịnh Của giải thích sự khác biệt giữa tự vị và tự điển – xem hình chụp trang đầu ĐNQATV bên dưới. Đại khái tự điển là tài liệu được sắp xếp có hệ thống, đầy đủ (diễn giải chi tiết, mang tính chất kinh điển) hơn so với tự vị. Các cách giải thích của cụ Phạm Quỳnh và Huỳnh Tịnh Của khá tương đồng, chỉ khác cách dùng tự vựng (Phạm Quỳnh) so với tự vị.
Dựa vào các bài viết trên của cụ Huỳnh Tịnh Của và Phạm Quỳnh, và dựa vào một nhận xét là vào cuối TK 19 và đầu TK 20 cũng có một số tự điển Pháp – Việt (An Nam) hay Việt – Pháp được gọi là Vocabulaire như Vocabulaire franco-tonkinois (Gaston Kahn 1887), Vocabulaire annamite-francais (Génibrel 1893)… Ngoài ra, một số tự điển cũng được gọi là Léxique như Léxique francais-annamite, bas-malais à l’usage des francais et annamites en Indochine (W. Bolliet 1917), v.v. Các dạng tự điển nhỏ (tự điển con, P. G. Vallot gọi là tự vị nhỏ/con, sđd) như vậy (vocabulaire, léxique…) có thể dẫn đến cách gọi tự vựng để phân biệt với tự điển.
2. Học giả Phạm Quỳnh luôn dùng tập từ vựng cho hai quyển tự điển Bồ – An Nam và An Nam – Bồ của Barbosa và D’Amaral, nhưng lại dùng bộ tự điển để chỉ VBL. Điều này hoàn toàn khác với LM de Rhodes nhắc đến hai tài liệu trên là dictionarium, cũng là cách gọi đồng nhất cho VBL là “Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum”. Bài khảo về chữ quốc ngữ cho thấy hàm ý của cụ Phạm Quỳnh là từ vựng dùng chỉ tài liệu đơn giản so với tự điển quy mô rộng lớn hơn.
[1] Nghiên cứu ngôn ngữ độc lập ở Melbourne (Úc) – email nguyencungthong@yahoo.com
[2] VBL ghi hột vừng, không thấy ghi dạng hạt, phản ánh một biến âm của hạch HV 核 đọc là 下革切 hạ cách thiết (QV, TV, LT, VH) hay 胡得切 hồ đắc thiết (CV, hay nhưng cũng có thể đọc là 胡骨切 hồ cốt thiết (TV, LT, CV) cho ra dạng hột thời VBL. Không thấy tiếng Việt dùng âm 古哀切 cổ ai thiết (TVGT) hay cai/giai/khai để chỉ hạt/hột. Tự điển Béhaine (1772/1773) và Taberd (1838) cho thấy hột xuất hiện 10 lần so với hạt (hạt nước, hạt cơm) xuất hiện 2 lần. Một dạng chữ Nôm của hạt/hột là hột HV 紇 (nghĩa là tua).
[3] Tham khảo bài viết “L’origine des particularités de l’alphabet vietnamien” của Ạ G. Haudricourt (1949). td. khi đứng đầu từ thì v có thể là một nguyên âm hay phụ âm, khi đứng giữa từ thì u dùng thay cho v, phù hợp với các cách dùng trong VBL, v.v.
[4] Nghĩa này lặp lại trong cách dùng rui nhà (VBL trang 659). Rui mè (xà gồ) là một cấu trúc quan trọng đỡ cho mái (gạch hay gỗ) trong quá trình dựng nhà gỗ truyền thống.
[5] Mè tiếng Nhật là goma ごま (hay 胡麻 hồ ma HV). Truyền thuyết ghi lại thiền sư Không Hải 空海 (774-835, thường được biết đến là 弘法大師 Hoằng Pháp Đại Sư vì thuyết giảng đạo Phật cho người Nhật) đã sang Trung Hoa và đem loại cây mè về Nhật và từ đó trở thành món ăn phổ thông bản địa.
[6] Xem nhiều chi tiết về hồ ma trong Bản Thảo Cương Mục, như trên trang này chẳng hạn http://www.zhongyaocai360.com/zhongyao/huma.html, v.v.
[7] Nhờ vào tài liệu này mà người viết (NCT) có thể xác định loài cây nen (Psidium Nigrum, trang 311) đã hiện diện ở Việt Nam vào thời đại cụ Nguyễn Du và có thể đây là loài cây nen mọc san sát nhau như ý của câu 48 truyện Kiều (ngựa xe như nước áo quần như nen ). Dữ kiện này phù hợp với nhận xét của học giả Lê Văn Hoè trong Truyện Kiều chú giải (Quốc Học Thư Xã, 1953) – đây là một chủ đề thú vị cần tra cứu sâu xa hơn nhưng không thuộc phạm vi bài viết này.
[8] Đọc các tài liệu chép tay của Philiphê Bỉnh, người viết ghi nhận ít nhất hai lần cụ Bỉnh dùng cụm danh từ "sách tự vị" (dictionarium/L) để chỉ tự điển VBL, y như cách dùng của Taberd (1838). Trong cuốn "Truyện ông thánh Phanchicô Xavier" cụ Bỉnh giải thích rất rõ cuốn tự điển VBL gồm những phần gì, tuy nhiên cụ không dùng "sách tự vị" (hay quên dùng?). Nên nhắc lại ở đây là cụ Bỉnh chép hết các tác phẩm của Alexandre de Rhodes như phần Bồ Việt và Việt Bồ thành một cuốn sách riêng cũng như nguyên bản (phần tiếng Việt) của cuốn Phép Giảng Tám Ngày Dựa vào các cách viết thời cụ Bỉnh so với thời VBL cho ta nhiều thông tin thú vị về thay đổi ngôn ngữ (language change/A) của tiếng Việt, tuy nhiên không phải trọng tâm của bài này.
[9] Ngay cả học giả Hoàng Xuân Hãn trong cuốn Danh Từ Khoa Học (in lần thứ nhất, 1942) đã dùng tự điển (Đại Nam Quốc Âm Tự Điển) thay vì tự vị trong mục Sách Tham Khảo. Vấn đề lẫn lộn thanh điệu trong phương ngữ khác với cách dùng vựng thay vị. Cụ Hãn cũng từng tham khảo Bách Khoa Danh Vựng (trang XXXI, sđd) có lẽ là Bách Khoa Từ Vựng, cho thấy sự không thống nhất trong cách dùng của giới trí thức/lãnh đạo ngay cả trong thập niên 1930, 1940… Trong những thập niên 1920, 1930 học giả Yên Đằng Nguyễn Duy Nhiên cũng từng than thở "Khốn thay! người An Nam lại ít hay dùng tự vị. Trong bài “Nữ công” đăng ở một số trước, tôi nói phần nhiều rổ may đàn bà An Nam không có bao tay; thì ở đây tôi cũng nói: phần nhiều bàn viết của các nhà văn học An Nam không có cuốn tự vị tiếng An Nam. Khi nào người mình cứ dùng tự vị luôn, khi ấy sẽ viết quốc ngữ được đúng" (NCT: trong bài viết, ông cũng dùng danh từ tự điển/tđ nhưng chỉ tđ Pháp Việt, Hán Việt, Trung Hoa) – trích từ Bài Tựa của "Nam Ngữ Chính Tả Tự Vị" (Nguyễn Duyên Niên, 1932).
[10] Tham khảo thêm bài viết cùng tác giả (NCT) "Nguồn gốc cụm từ "khoa học" trong tiếng Việt (p. 27)" – td. trên trang này chẳng hạn https://www.daophatngaynay.com/vn/phatgiao-vn/van-hoc-vn/30919-nguon-goc-cum-tu-khoa-hoc-trong-tieng-viet-p-27.html, v.v.