Luật sư Bùi Chánh Thời: “Tranh đấu cho quyền tự do báo chí cũng chính là tranh đấu cho nhân quyền”

Trần Đình Sơn Cước

Đến tháng 11 năm 2022, Luật sư Bùi Chánh Thời tạ thế tròn một năm. Ngày 24 tháng 11 năm 2021, ông đã giã từ cuộc đời thanh thản ra đi bên cạnh những người thân yêu của ông, vợ và hai người con trai. Vì dịch bệnh Covid-19, tiễn biệt ông lần cuối cũng chỉ có những người thân trong gia đình.

Là một luật gia, luật sư, giáo sư với nhiều hoạt động chính trị, văn hóa và xã hội lúc tại thế, nhưng cuối đời ông không viết hồi ký. Những nghiên cứu, tham luận, sáng tác văn, thơ và tranh của ông không được phổ biến rộng rãi, nên tìm hiểu về cuộc đời hoạt động của ông có phần khó khăn. Khi tôi ngỏ ý muốn viết về ông, những người thân trong gia đình cho biết lúc sinh thời ông không muốn nhắc đến những việc ông đã làm. Tuy nhiên, theo tôi nghĩ, ông là chứng nhân của một giai đoạn lịch sử, hoạt động của ông đã có ảnh hưởng nhất định đối với thời đại của ông, nên dù muốn dù không, ông là một tác nhân tích cực của lịch sử. Sống lại giai đoạn lịch sử mà ông đã tham dự, hậu thế không thể không nhắc đến ông.

Vậy Luật sư Bùi Chánh Thời là ai?

Trong cuốn sách “Nhìn Cây Thấy Rừng: 18 phỏng vấn chuyện nước non Việt tại hải ngoại” của nhà văn Đỗ Quyên do nhà xuất bản Văn Nghệ (Hoa Kỳ) in và phát hành năm 1997, khi được yêu cầu cho bạn đọc biết đôi điều về bản thân, Luật sư Bùi Chánh Thời đã khiêm tốn trả lời như sau:

Bình sinh tôi không thích nói về cá nhân tôi. Thật ra thì bản thân tôi cũng chẳng có gì để nói. Sinh ra và lớn lên, được may mắn đi học, mặc dù nhiều lần gián đoạn, vì cách mạng, chiến tranh. (Tôi nói may mắn là vì trong lúc ở thế hệ của tôi, thế hệ đầu 1930, có biết bao người không có cơ may được cắp sách đến trường, dù chỉ để biết đọc biết viết).

Tôi hành nghề luật sư (tại Tòa Thượng Thẩm Sài Gòn) từ năm 1958 cho đến 30 tháng Tư năm 1975 và là giáo sư thỉnh giảng tại các trường Đại Học Luật Khoa Huế; Phân khoa Báo Chí Viện Đại Học Vạn Hạnh (phụ trách môn luật báo chí); Trường Chính Trị Kinh Doanh Viện Đại Học Đà Lạt.

Cũng như nhiều người khác sống trong môi trường sinh hoạt trí thức ở miền Nam lúc bấy giờ, tôi có tham gia vào các hoạt động chính trị, xã hội và một ít về văn hóa. Tôi rời nước vào tháng Sáu năm 1979, thời kỳ cao điểm của chính sách gọi là cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Nam. Sau nhiều ngày lênh đênh trên biển, trải qua một trận bão và bốn lần cướp biển, tôi đến một trại tạm trú trên một đảo hoang của Indonesia và sau đó xin định cư tại Úc-Đại-Lợi…”

LUẬT SƯ TÒA THƯỢNG THẨM SÀI GÒN (1958-1975):

Như phần trả lời của ông ở trên cho biết, đường học vấn của ông bị gián đoạn nhiều lần. Ông từng theo học Viện Đại học Hà Nội và trường Đại học Luật Khoa thuộc Viện Đại học Sài Gòn. Ông thuộc lớp sinh viên tốt nghiệp đầu tiên của trường Đại học Luật khoa Sài Gòn cùng khóa với Luật sư Đoàn Thanh Liêm (1934-2005), Luật sư Nguyễn Tường Bá (1932-2020)… Sau khi tuyên thệ trở thành luật sư thực thụ, ông bắt đầu hành nghề luật sư tại Tòa Thượng Thẩm Sài Gòn từ năm 1958.

image

Luật sư Bùi Chánh Thời

LUẬT SƯ ĐẦU TIÊN THAM GIA HIỆP HỘI LUẬT SƯ CHÂU Á VÀ TÂY THÁI BÌNH DƯƠNG

Thuộc lớp luật sư trẻ, tài năng của Luật sư Đoàn Sài Gòn (LSĐSG), luật sư Bùi Chánh Thời tham gia Ban Chấp hành LSĐSG, ủy viên của Hội đồng Kỷ luật của LSĐSG. Trong nghề nghiệp, ông đã tạo được uy tín, sự tin cậy của đồng nghiệp và thân chủ. Khi luật gia các nước châu Á bắt đầu hình thành Hiệp Hội mang tên Hiệp Hội Luật Gia Á Châu và Tây Thái Bình Dương (The Law Associtation For Asia And The Western Pacific), Luật sư Đoàn Tòa Thượng Thẩm Sài Gòn là một trong những tổ chức luật pháp của Việt Nam Cộng Hòa trở thành hội viên đầu tiên của Hiệp Hội. Luật sư Nguyễn Lâm Sanh và ông là hai luật sư đại diện cho Luật sư Đoàn Tòa Thượng Thẩm Sài Gòn tham gia ngày lễ ra mắt Hiệp Hội tại Canberra, thủ đô nước Úc-Đại-Lợi, trong các ngày từ 6 đến 13 tháng 8 năm 1966.

imageLs. Bùi Chánh Thời, ngồi đầu tiên từ trái

image

Kỷ yếu Hội nghị thành lập Hiệp Hội

Hiệp Hội hoạt động đến nay đã gần 50 năm, với danh xưng có thay đổi là “Hiệp Hội Luật Gia Á Châu và Thái Bình Dương” (The Law Association for Asia and the Pacific, viết tắt là LAWASIA).

Hiện nay, nhiều tổ chức luật pháp, nhiều Đoàn Luật sư của các thành phố, tỉnh của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam được thâu nhận hội viên của Hiệp Hội. Trong một bản tin của Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh năm 2011 đưa tin về Hội Nghị Thường Niên Hội Luật Châu Á Thái Bình Dương LAWASIA lần thứ 24 tại Seoul, Hàn Quốc, có “giới thiệu một điều rất đặc biệt và thú vị về lịch sử LAWASIA”. Điều mà bản tin cho là “đặc biệt và thú vị” như sau:

“…LAWASIA là một tổ chức luật sư khu vực được manh nha chuẩn bị thành lập từ năm 1964. Lúc đó tại Miền Nam Việt Nam có 2 tổ chức luật sư: Luật sư Đoàn Sài Gòn và Luật sư Đoàn Huế được tổ chức theo khu vực Tòa Thượng Thẩm Sài Gòn và Tòa Thượng Thẩm Huế. Luật sư Đoàn Sài Gòn tham gia LAWASIA từ những ngày đầu thành lập. Các luật sư Nguyễn Lâm Sanh và Bùi Chánh Thời, đại diện cho Luật sư Đoàn Sài Gòn, đã tham gia hội nghị ra mắt LAWASIA ngày 8/8/1966…”

Đọc được điều “đặc biệt và thú vị” ở trên, dù quá khứ đã bị chôn vùi, một chút nhắc nhớ về lịch sử và tên tuổi của những người đi trước là điều hợp với truyền thống “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.

GIÁO SƯ GIẢNG DẠY MÔN LUẬT BÁO CHÍ và LUẬT SƯ TRANH ĐẤU CHO QUYỀN TỰ DO NGÔN LUẬN, QUYỀN TỰ DO BÁO CHÍ

Văn phòng luật sư của Luật sư Bùi Chánh Thời chuyên về luật dân sự. Ông nổi tiếng là một luật sư chuyên bào chữa cho các vụ án về vi phạm luật báo chí. Mặt khác, ông là giáo sư thỉnh giảng dạy về môn Luật Báo Chí tại Phân Khoa Báo Chí thuộc trường Đại Học Vạn Hạnh. Ông là người hoạt động tích cực trong các phong trào bảo vệ quyền tự do ngôn luận và quyền tự do báo chí. Theo ông tranh đấu bảo vệ cho quyền tự do báo chí cũng chính là tranh đấu và bảo vệ nhân quyền. Trong bài trả lời phỏng vấn với nhà văn Đỗ Quyên, ông đã kể lại như sau:

“…Ở miền Nam trước đây, thời Đệ Nhị Cộng Hòa, đã có dân chủ ở mức độ nào đó; nhưng nhà cầm quyền nhiều lúc cũng lạm quyền kiểm duyệt ấn phẩm, tịch thu bừa bãi báo chí, đưa đến sự phản kháng của văn nghệ sĩ và có lần ký giả phải làm một cuộc xuống đường gọi là “Ngày ký giả ăn mày”. Vì đã hơn ba chục năm qua, tôi không nhớ rõ những chi tiết sự kiện, nhưng trong giai đoạn đó, bản thân tôi đã biện hộ hàng trăm vụ án báo chí trước tòa…”.

Thật vậy, những năm sau năm 1963, tại Sài Gòn, báo chí và ngành xuất bản nở rộ. Thi hành Luật báo chí, Sắc lệnh báo chí, như Luật sư Bùi Chánh Thời phát biểu, chính quyền nhiều lúc lạm quyền, dẫn tới những vụ bị gọi là vi phạm luật báo chí. Dưới thể chế thượng tôn pháp luật, những vi phạm đó đều phải được giải quyết thông qua hệ thống tư pháp là tòa án. Luật sư Bùi Chánh Thời là một trong những luật sư nổi tiếng thường xuyên khoác áo ra Tòa biện hộ cho các tờ báo như Tin Sáng, Điện Tín, Đại Dân Tộc, các tạp chí Đất Nước, Trình Bày, Đối Diện…Ngoài ra, ông còn là diễn giả trong các buổi hội thảo về luật báo chí, tham gia các cuộc biểu tình, xuống đường, của giới ký giả đòi tôn trọng quyền tự do báo chí.

image

Các Ls. trong phiên tòa biện hộ cho báo chí bị tịch thu (1974). Ls. Bùi Chánh Thời đứng ở góc phải đang cầm tập hồ sơ. Có thể nhìn thấy Ls. Hồ Tri Châu (cựu Thủ lãnh LSĐSG), Ls.Bùi Tường Chiểu (đeo kính) ngồi ở hàng chính giữa.

image

Ls. Bùi Chánh Thời (đứng), Ls. Vũ Văn Mẫu (ngồi phía trước) đang trả lời báo chí nhân ngày “Ký giả ăn mày” (1974)

image

Thuyết trình về Luật báo chí cho giới luật gia tại Trung tâm Luật Pháp Sài Gòn (1974)

HOẠT ĐỘNG VĂN HÓA XÃ HỘI, CHĂM LO GIÁO DỤC TRẺ EM: Bán Nguyệt San “HỒN TRẺ”

Bên cạnh hoạt động nghề nghiệp, chính trị, Luật sư Bùi Chánh Thời dành tâm huyết và thì giờ cho những hoạt động văn hóa xã hội mà ông rất yêu thích. Ông đã cùng các nhà văn, nhà giáo, các vị hiệu trưởng các trường công, tư thục tại Sài Gòn và vùng phụ cận đóng góp công sức, tiền bạc thành lập HỘI BẠN TRẺ EM VIỆT NAM vào khoảng năm 1964 với tờ báo HỒN TRẺ là diễn đàn ngôn luận. Tờ bán nguyệt san HỒN TRẺ nêu tôn chỉ “XÂY DỰNG GIÁO DỤC DÂN TỘC TIẾN BỘ”, nhằm mục đích “Nêu lên mọi khía cạnh giáo dục nhằm xây dựng trẻ em thành người hữu dụng.” Hồn Trẻ số I ra ngày 15-12-1964 ghi Quản nhiệm: Bùi Chánh Thời. Thư ký tòa soạn: Thiên Giang. Bức tranh biếm họa đăng ở trang bìa 1 “Người Ta Giết Trẻ Em Như Thế Nào?” nói lên thực trạng xã hội lúc bấy giờ mà các bậc làm cha mẹ, các nhà giáo dục quan tâm lo lắng cho tương lai trẻ em trong lúc chiến tranh đang dần leo thang, quân đội Mỹ và các nước đồng minh có mặt trên đất nước càng lúc càng đông khiến đời sống xã hội, văn hóa bị dao động mạnh.

image

Bên cạnh những hoạt động nhằm bảo vệ, giáo dục thanh thiếu niên, Luật sư Bùi Chánh Thời đã cùng các văn nghệ sĩ, các nhà giáo dục, các nhà hảo tâm thành lập HỘI BẢO TRỢ HỌC SINH NGHÈO SÀI GÒN và VÙNG PHỤ CẬN đóng góp tiền bạc, sách vở, dụng cụ học đường để giúp đỡ và khuyến khích các trẻ em và thanh thiếu niên nghèo hiếu học. Hoạt động của Hội đã mang lại nhiều kết quả cụ thể, giúp được một số học sinh nghèo nhưng hiếu học, học giỏi, được có cơ hội tiếp tục đường học vấn.

TRÊN ĐẤT NƯỚC ĐỊNH CƯ: “FLIGHT TO FREEDOM” (“BAY ĐI TÌM TỰ DO”)

Như ông đã tự thuật, sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, nghề luật sư của ông chấm dứt. Dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa, ông không tham gia chính quyền, không gia nhập đảng phái chính trị, không đứng hẵnvề một xu hướng hay phe phái chính trị. Ông là một trí thức yêu nước, có quan điểm độc lập, hành động dấn thân có trách nhiệm. Chính vì vậy, sau năm 1975, ông đã tìm cách vượt biên, dù phải chịu đựng đau thương, mất mát không gì bù đắp được cho ông và gia đình.

Đến được bến bờ tự do, ông và gia đình xin định cư tại Úc-Đại-Lợi. Như bao người tỵ nạn khác, họ phải bắt đầu bằng hai bàn tay trắng. Ông làm ở trường đại học một thời gian. Sau đó, ông giúp vợ trông coi Gallery bán tranh do tự tay ông bà làm lấy. Đó là loại tranh tạo hình độc đáo làm từ vỏ cây Melaleuca. Với lịch sử trên 150 năm, nghệ thuật làm tranh tạo hình ghép bằng vỏ cây Melaleuca do những người di dân người Ái-Nhĩ-Lan đầu tiên, những tội phạm bị kết án từ mẫu quốc bị đày qua Úc châu. Để quên nỗi nhớ cố hương và để giải sầu, những bà nội trợ, những người vợ của các tội phạm bị lưu đày, đã vào những cánh rừng Melaleuca thu lượm những lớp vỏ cây đủ màu sắc tự nhiên, bắt đầu tạo những bức tranh ghép bằng vỏ cây với kỹ thuật đơn giản và nghệ thuật còn đơn sơ. Theo thời gian, lớp người di dân đến sau từ các nước châu Âu khác như Đức, Ý…, công việc chỉ để giải sầu lúc ban sơ đã được phát triển và nâng cao trở để thành một ngành nghệ thuật làm tranh ghép bằng vỏ cây Melaleuca độc đáo của Úc-Đại-Lợi.

Cũng với tâm trạng buồn nhớ quê hương, cọng thêm nỗi đau thương và mất mát của một thuyền nhân, vợ ông, nguyên giáo sư trường nữ trung học Gia Long cũ, bằng tài năng và lòng kiên nhẫn, bà đã theo học các lớp làm tranh nghệ thuật bằng vỏ cây và trở thành hội viên của “Art in Bark Association of Australia”. Riêng ông, với tâm hồn của một họa sĩ, thi sĩ từ thuở thanh niên, ông đã cùng bà, họ đã sáng tác hàng trăm bức tranh nghệ thuật bằng vỏ cây đặc sắc. Gallery của ông bà thành công, bán được nhiều tranh cho khách hàng. Tuy vậy, hiện ông bà vẫn còn giữ được những bức tranh quý, không bán. Tranh được treo khắp các phòng trong nhà. Suốt nhiều năm qua, mỗi lần nhìn tác phẩm do chính mình sáng tạo, ông bà lại hồi tưởng về một chặng đường gian khó đã qua…

image

Ông bà Ls. Bùi Chánh Thời tại Canberra

imageMặt tiền “Art in Bark Gallery”

imageÔng bà bên trong Gallery

Dù miệt mài làm việc để quên và để sống, ông bà vẫn luôn nghĩ tới những người vượt biên chưa được các nước cho vào định cư. Như để giải tỏa bớt những ray rứt, nhiều đêm ngày ông thai nghén về một bức tranh khổ lớn mà ông bà chưa hề làm. Chọn lựa từng thớ vỏ cây mỏng nhẹ như lụa, cân nhắc từng màu sắc, ông tạo nên bức tranh với bầy chim cố tìm cách bay thoát khỏi bầu trời vẩn đục, vần vũ bão dông, bay tới phương trời tự do. Ông đặt tên cho bức tranh là “FLIGHT TO FREEDOOM” (“BAY ĐI TÌM TỰ DO”). Bầy chim bay đi tìm tự do trong tranh chính là tình cảnh bi tráng của thuyền nhân (Boat People), những người dám liều cả mạng sống, bất chấp bão tố, hiểm nguy, vượt đại dương tìm đến đất nước tự do…

Bức tranh đã được Cộng đồng người Việt tỵ nạn tại Queensland (Vietnamese Association of Queensland) chọn để tặng ông Thủ tướng Úc-Đại-Lợi, Ông Malcolm Frazer, khi ông đến thăm và gặp gỡ cộng đồng người Việt tỵ nạn. Thủ tướng Frazer rất xúc động khi nhận được bức tranh. Trong lá thư đề ngày 3 tháng 4 năm 1981 gởi đến Cộng đồng, ngoài phần cảm ơn Cộng đồng, ông Thủ tướng đã đặc biệt cảm ơn tác giả bức tranh, Luật sư Bùi Chánh Thời. Nguyên văn bức thư có đoạn:

My very warmest thanks to you, members to the Vietnamese community and especially to Mr Bui Chanh Thoi for the magnificent work of art…

…We shall treasure the painting not only for its ingenuity in application, but more significantly for the expression of flight from oppression, and symbolism to your community.”

image

"FLIGHT TO FREEDOOM"

image

Thủ tướng Úc Malcolm Frazer (phải). Ls. Bùi Chánh Thời (trái)

Sau lần gặp gỡ ấy, ông Thủ Tướng đã hiểu hơn về tình cảnh của người Việt tỵ nạn, ông đã đề nghị tăng thêm số người được nhận vào định cư ở Úc-Đại-Lợi. Nhờ vậy, bà con tỵ nạn, đặc biệt là các thanh thiếu niên vượt biển mà không có gia đình, thân nhân, đã được nhận vào nước Úc- Đại- Lợi nhiều hơn.

PHẦN RIÊNG: THẦY TÔI

Tôi là học trò của ông tại trường Đại học Luật khoa Huế. Tôi được học với ông hai môn: “Kỹ thuật diễn đàn pháp lý” và “Triết thuyết luật học”. Tôi là luật sư tập sự cuối cùng tại văn phòng luật sư của ông. Dẫu nghề nghiệp bị đứt đoạn, nhưng tình thầy trò của chúng tôi bền chặt qua hơn nửa thế kỷ. Tình nghĩa quý báu đó đã có lần tôi trãi bày qua bài viết mang tựa đề “Kỹ thuật diễn đàn pháp lý” đăng trên Diễn Đàn Forum ở Pháp.

Sau mấy chục năm xa cách, tháng 5 năm 2017, vợ chồng chúng tôi đã từ California qua Canberra thăm ông bà. Suốt một tuần lễ chúng tôi đã cùng ông bà sống lại trong tình thương và kỷ niệm của thời gian hơn 40 năm về trước.

imageThầy và trò (2017)

Ông bây giờ tuổi đã cao, trí nhớ có phần sút giảm. Thế nhưng, nhắc lại tuần lễ gặp gỡ sau đó, ông nhớ đến một câu chuyện trong “Quốc Văn Giáo Khoa Thư”, ông nói với cô rằng chúng tôi là hình ảnh của ông Carnot trong mẩu chuyện. Chuyện kể rằng:

“Ông Carnot xưa là một ông quan to nước Pháp, một hôm nhân lúc rảnh việc, về chơi quê nhà. Khi ông đi ngang qua tràng học ở làng, trông thấy ông thầy dạy mình lúc bé, bây giờ đã đầu tóc bạc phơ, đang ngồi trong lớp dạy học. Ông ghé vào thăm tràng và chạy ngay lại trước mặt thầy giáo, chào hỏi lễ phép mà nói rằng: “Tôi là Carnot đây, thầy còn nhớ tôi không?” Rồi ông ngoảnh lại khuyên bảo học trò rằng: “Ta bình sinh, nhất là ơn cha, ơn mẹ, sau ơn thầy ta đây, vì nhờ có thầy chịu khó dạy bảo, ta mới làm nên sự nghiệp ngày nay.”

Chúng tôi vô cùng cảm động. Những người thân trong gia đình đều ngạc nhiên trước trí nhớ bất ngờ của ông.

Ngồi lặng yên bên ông, chúng tôi tiếc mình không phải là ông quan to như trong chuyện, vì sau năm 1975, cả ông và chúng tôi chẳng còn danh phận. Nơi thầy trò gặp nhau hôm nay không phải là quê hương Việt Nam yêu dấu mà tại đất nước Úc-Đại-Lợi mênh mông trong nỗi niềm thương nhớ Tổ Quốc đã phải lìa xa.

Nhân tưởng niệm một năm ngày ông mất, với tinh thần “Quốc Văn Giáo Khoa Thư”, tôi thành tâm ghi lại một số hoạt động trong sự nghiệp của ông để chúng tôi, thế hệ học trò của ông, ghi nhớ bài học vỡ lòng “Học Trò Phải Biết Ơn Thầy”, và cho hậu thế được biết một vài nét về thân thế và sự nghiệp của ông.

(Chicago 11/2022)

Ghi chú:

Tất cả ảnh trong bài đã được sao chụp lại từ albums của gia đình và đã được sự cho phép của gia đình.

Comments are closed.