Một nét Trịnh Công Sơn

Vũ Thư Hiên

Thế là trên bầu trời nghệ thuật Việt Nam một vì sao đã tắt.

Tôi ra tù sau 9 năm từ 1967 tới 1976, nhưng còn bị quản thúc tại chỗ bằng lệnh miệng của trưởng ban Tổ chức Trung ương Lê Đức Thọ. Mãi tới mùa thu năm 1980, tôi mới vào được Sài Gòn. Ấy là còn phải nhờ mưu kế của ông bạn thân thiết Mai Lộc, giám đốc Xưởng phim Giải phóng.

Tôi đến với Trịnh Công Sơn vào một sáng sớm, quá sớm thì đúng hơn. Chả là tôi hay bị mất ngủ, một thứ bệnh không nguyên nhân, chữa không khỏi. Chị Xuân Phượng, y sĩ cơ quan Văn hoá đối ngoại, nhác thấy tôi là hỏi:

– Meprobamat hả?

Ngoài Meprobamat tủ thuốc của chị không có thứ thuốc ngủ nào khác.

Vào Sài Gòn, tôi được Mai Lộc dẫn tới khách sạn Bến Nghé (tên trước năm 1975 là Embassy) lấy cho tôi một phòng. Khi ấy nó là nhà khách của thành uỷ. Phòng cho tôi sạch sẽ, thơm tho, nhưng mất ngủ vẫn hoàn mất ngủ.

Sau một đêm chong mắt, tôi quyết định không nằm thêm nữa.

Tôi thả bộ qua các phố hoang vắng. Bước chân lang thang dẫn tôi tới nhà Trịnh Công Sơn – một ngôi nhà nhỏ nằm sâu trong một khu vườn rộng. Tôi bấm chuông. Người ra là một phụ nữ đứng tuổi. Bà ta chắp tay, thẽ thọt:

– Thưa, cậu con còn ngơi.

– Chị nói giúp tôi có một người tên là như thế như thế đến gặp cậu.

Chị ta lật đật vào nhà.

Một chàng trai mảnh khảnh, da trắng xanh, tóc dài, chạy ra mở cổng, ôm lấy tôi.

Nhà thơ Dương Tường vào Sài Gòn trước đã kể về tôi, nên Trịnh Công Sơn tiếp tôi không e dè. Chúng tôi nói chuyện với nhau cả buổi sáng. Bên bàn trà, như một cuộc hàn huyên giữa hai người bạn lâu ngày không gặp, chúng tôi nói với nhau đủ thứ chuyện, nhiều nhất là về sáng tác, về thiên chức của nghệ sĩ…

Giữa câu chuyện, tôi hỏi Sơn tại sao không ra nước ngoài. Sơn trầm ngâm:

– Mình có nghĩ tới chuyện đó. Nhưng mình không thể đi. Người nghệ sĩ không thể sống xa quê hương. Xa nó, anh ta sẽ cạn nguồn cảm hứng, mà cái đó thì chẳng khác gì cái chết.

Sơn nghĩ đúng. Mặc dầu ở lại trong nước Sơn phải sống trong một xã hội xa lạ, ở đó không còn cách nào khác là hoặc tự nguyện nhập vào nó, hoặc tự tạo một thế giới cho riêng mình. Mà tạo ra cái thế giới đó, ai cũng biết, chẳng dễ gì. Cần phải có cái tâm của đạo sĩ mới có thể thiền giữa chợ.

Cũng trong lần gặp ấy, Sơn đọc cho tôi nghe một số bài thơ anh mới viết, mở băng cho tôi nghe một số ca khúc vừa làm xong. Có bài hay, có bài rất hay, có bài không đặc sắc cho lắm. Những bài này tôi thấy Sơn không cho chúng ra đời. Ở Văn Cao cũng vậy. Số lượng những gì mà các nghệ sĩ làm ra thường lớn hơn rất nhiều so với những gì chúng ta được biết.

Có trời biết số phận những sáng tác chết yểu ấy ra sao? Rất có thể chúng đã làm mồi cho lửa trong một cơn buồn cô quạnh, khi nghệ sĩ chán chường tất cả, không trừ chính mình. Người ta không bao giờ biết con số tác phẩm bị bức tử.

Cũng hôm đó Sơn nói với tôi:

– Mình nhiều lúc cũng ngã lòng, nhất là khi mình thấy người ta chẳng hiểu mình, người ta chửi bới mình, người ta khoái trá hành hạ mình. Ðến nỗi muốn thoả hiệp cho xong. Nhưng nghĩ lại thấy không được, ông ạ. Nghệ sĩ không thể tạm lảng tránh, có thể tạm lui bước, nhưng thoả hiệp với cái xấu thì không bao giờ.

Và Sơn đã không thoả hiệp.

Anh sáng tác ít hơn. Những ca khúc mất dần tính triết lý. Sơn sợ những hiểu lầm, những suy diễn ác ý. Rồi anh quay sang vẽ tranh. Những bức tranh siêu thực, cái tặng bạn bè, cái bán khi lác đác có người hỏi mua. Rồi tự giam mình trong căn phòng hẹp, lấy rượu dập đi nỗi chán chường. Bè bạn khuyên can, Sơn bỏ rượu, nhưng không ngừng uống bia. Rồi quay lại rượu lúc nào không biết.

Tôi yêu con người Trịnh Công Sơn hơn yêu Trịnh Công Sơn nhạc sĩ.

Là nói thế thôi, chứ ở Trịnh Công Sơn ranh giới này gần như không có. Trường hợp tương tự không nhiều, khi con người trần thế và con người nghệ sĩ nhập làm một.

Cha tôi cũng rất yêu Sơn. Một lần ra Hà Nội, nghe tin cha tôi lâm bệnh, Sơn vác đàn đến bên giường, ngồi dưới sàn hát cho ông nghe. Cha tôi nói rằng ông cảm thấy hạnh phúc khi nghe Sơn hát. Những ca khúc của Sơn hoá ra còn có tác dụng chữa bệnh. Bởi vì chúng là những lời chân thành của con người nói với con người, những lời tâm tình, những lời an ủi, những lời chia sẻ…

Có một sự nhất trí sai lầm rằng nhạc Trịnh Công Sơn là nhạc phản chiến. Tôi nghĩ nhạc của anh là một cái gì lớn hơn nhiều. Nó là lời chia sẻ những suy ngẫm về ý nghĩa nhân sinh, về sự vô nghĩa của chiến tranh bên cạnh tình yêu thương giữa con người với con người. Anh nói những lời này vào mọi lúc, mọi nơi, không phải chỉ trong chiến tranh để gọi chúng là phản chiến.

Xét cho cùng, Trịnh Công Sơn là một nhà thơ. Nhạc là cái xe tải anh lắp lấy để chở thơ anh đến với chúng ta.

Khi tôi viết những dòng này thì Sơn đã an nhiên trở về với cát bụi, như anh từng nói trước. Mộ anh phủ đầy hoa của những người hiểu anh và yêu mến anh.

Khi anh qua đời, có những người từng coi thường anh, từng hành hạ anh khi anh còn sống, đến nghiêng mình trước linh cữu anh, cả những người chửi anh là nhạc tặc, là tên phản quốc.

Nếu Sơn biết, anh cũng sẽ lẳng lặng mỉm cười.

Và không nói gì hết.

Warszawa 4.2001

Comments are closed.