Một tình bạn lâu dài (Lời bạt cuốn “Di cảo Nguyễn Huy Thiệp – Anh hùng còn chi”)

Nguyễn Trọng Chức

Với một người làm báo, dễ có cơ hội tiếp xúc với các nhân vật nổi tiếng trong nhiều lĩnh vực; và nếu có duyên may được kết bạn với họ nữa thì thật hạnh phúc. Tôi có cái duyên may đó khi gặp Nguyễn Huy Thiệp rất sớm, khi truyện ngắn “Tướng về hưu” của anh – nói theo ngôn ngữ thời thượng – đang “gây bão dư luận”.

Ngay sau khi đọc “Tướng về hưu” trên báo Văn Nghệ, tôi nghĩ phải đăng lại tác phẩm này trên tuần báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật và phải sớm tìm gặp tác giả. Đề xuất với ban biên tập báo Tuổi Trẻ được chấp thuận nhanh chóng, tôi bay ra Hà Nội tìm gặp anh Thiệp. Đó là vào khoảng giữa tháng 8-1987. Người giúp tôi có được cái hẹn với anh Thiệp là giáo sư Hoàng Ngọc Hiến mà tôi đã sớm quen biết ông trong lần ra Hà Nội trước đó. Cuộc gặp tại Thư viện Quốc gia trên phố Tràng Thi vào một buổi sáng cuối tuần, trời vào thu chớm lạnh. Thầy Hiến và tôi không phải đợi lâu. Người mà tôi nóng lòng và có chút bồn chồn mong được gặp dắt chiếc xe đạp cà tàng vào trong cổng thư viện. Có một thoáng ngạc nhiên nơi tôi. Tác giả “Tướng về hưu” đang nổi đình đám đây sao!

Đã mấy mươi năm rồi từ lần gặp ấy nhưng tôi vẫn nhớ như in hình ảnh đầu tiên về Nguyễn Huy Thiệp. Anh đội cái mũ đan bằng tre rộng vành, áo bộ đội và quần vải đen, một bên ống quần buộc chun để không lấm bẩn dầu nhớt ở xích xe. Trở về từ Hà Nội, tôi viết một bài ngắn tựa “Gặp Nguyễn Huy Thiệp (tác giả “Tướng về hưu”)” trên tờ Tuổi Trẻ Chủ Nhật số 31-1987 ra cuối tháng 9-1987: “Lần đầu tiên gặp Nguyễn Huy Thiệp hẳn nhiều người sẽ không tránh khỏi ngạc nhiên. Anh còn trẻ, quãng giữa độ tuổi 30-40, và vẻ ngoài không có gì báo hiệu đây là một nhà văn, và lại là một nhà văn làm dư luận xôn xao (…). Nguyễn Huy Thiệp trông lam lũ, khắc khổ nhưng có cái nhìn rất tinh” (…). Hiện nay, tập truyện ngắn Tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp gồm mười truyện ngắn đã được nhà xuất bản Trẻ đưa vào kế hoạch ấn hành trong thời gian tới đây. Nếu bạn đọc trẻ tại TP. HCM chưa biết đến một Nguyễn Huy Thiệp – người “đã nhìn thẳng vào sự thật của đời sống hiện tại” và “đã không ngần ngại nêu lên những sự bê tha, nhếch nhác trong cuộc sống, kể cả những sự thật rùng rợn, khủng khiếp” (Hoàng Ngọc Hiến – lời tựa tập truyện “Tướng về hưu”) – bạn hãy, và cần thiết đọc tập truyện này”.

Lần gặp đầu tiên chỉ với mục đích làm quen và mời cộng tác với tờ báo cuối tuần của Tuổi Trẻ mà tôi phụ trách tòa soạn không ngờ đã làm nên một tình bạn lâu dài. Anh Thiệp đã gửi một số truyện ngắn cho Tuổi Trẻ Chủ Nhật cùng nhiều bài viết khác. Hầu hết truyện ngắn được chọn in, dẫu cũng có ý kiến này khác, chẳng hạn với truyện “Trương Chi”. Song rất khó đăng các kịch bản phim, kịch nói do khuôn khổ trang sáng tác văn học của tờ báo (như kịch bản phim “Tướng về hưu” dày đến 80 trang A4, dù trong thư gửi tòa soạn, tác giả cho biết rất muốn được đăng vì anh từng công khai bày tỏ không đồng tình với cách làm bộ phim đã được công chiếu, cả kịch bản lẫn dàn dựng). Và cũng có các lý do “tế nhị” nên báo không thể đăng những “Khoảng trống ai lấp được trong tư tưởng nhà văn”, “Văn học là cuộc sống”… Thậm chí, có giai đoạn nghiệt ngã đến mức tòa soạn được chỉ đạo (thường bằng “lệnh miệng”) phải gạch bỏ tên Nguyễn Huy Thiệp dù chỉ trong một cái tin vắn văn hóa văn nghệ!

Nhận được nhuận bút hay gửi bài mới, anh Thiệp luôn viết thư hồi đáp rất cẩn thận. Rất may là phần lớn thư từ và bản thảo tác phẩm của anh đều được tôi lưu giữ, trước hết như một kỷ niệm với bạn, và cũng nghĩ biết đâu sẽ có ngày nào đó những trang viết ấy sẽ đến được với người đọc. Điều mong đợi đó đã đến khi tôi nhận được điện thoại của họa sĩ Nguyễn Phan Bách, con trai cả của anh Thiệp, vào tháng 3-2023, khi Bách biết qua Facebook rằng tôi còn lưu giữ một số bản thảo của thân phụ, và muốn được tôi chụp lại gửi cho Bách để sẽ làm một tập di cảo Nguyễn Huy Thiệp. Cuộc trò chuyện với Bách và Nguyễn Phan Khoa, con trai thứ anh Thiệp, khiến tôi thật vui mừng.

Tôi đã không gửi bản chụp những trang viết đã được giữ gìn sau hơn ba mươi năm, mà muốn tặng cho các con anh Thiệp toàn bộ bản thảo và cả thư từ của anh gửi cho tòa soạn cũng như cá nhân tôi. Có cả một tập sách dịch sớm nhất bốn truyện ngắn của anh được in tại Pháp năm 1990, do Kim Lefèvre chuyển ngữ với lời bạt của Bạch Thái Quốc, bạn tôi (khi đó đang là Giám đốc Nhà Việt Nam tại Paris, sau này là Trưởng ban Việt ngữ Đài RFI). Cùng nhiều hình ảnh anh Thiệp, được tôi ghi lại trong lần đến nhà anh năm 1987 và những lần anh đến thăm nhà tôi ở Sài Gòn cũng như ở nhiều cuộc gặp khác, có cả một chuyến đi chơi Hải Phòng thật hào hứng. Tất cả, theo lời Bách và Khoa, sẽ được lưu giữ khi Nhà lưu niệm Nguyễn Huy Thiệp được xây dựng ngay trên khu đất mà tôi đã nhiều lần đến những năm xa xưa, ở đó có một tượng Phật nay vẫn còn.

Giữa tháng 4-2023, tôi ra Hà Nội để đến với ngôi nhà sâu trong làng Cò heo hút ngày nào, giờ đã thành chốn thị tứ náo nhiệt. Ở đó, tôi gặp Mai Anh Tuấn, nhà nghiên cứu văn học trẻ, người đang giúp cho Bách và Khoa thực hiện tập di cảo. Thật mừng cho anh Thiệp khi tập di cảo được một người tâm huyết và có năng lực chăm sóc.

Thắp hương cho vợ chồng bạn, bồi hồi nhớ những kỷ niệm như đang sống lại. Tôi thì thầm một lời cảm ơn. Vâng, cảm ơn một tình bạn tôi có được trong đời làm báo của mình. Cảm ơn Nguyễn Huy Thiệp!

 

clip_image001[6]

 clip_image002[6]

 clip_image003[6]

clip_image004[6]

 

clip_image006[6]

Tháng 9-1987 trong sân nhà Nguyễn Huy Thiệp ở làng Cò

 

clip_image008

Với Nguyễn Phan Bách tại cà phê Hàng Hành, tại bàn Nguyễn Huy Thiệp và Nguyễn Bảo Sinh thường ngồi.

clip_image010

Đi Đồ Sơn (2001): Nguyễn Việt Hà – Đồng Đức Bốn – Nguyễn Huy Thiệp – Nguyễn Trọng Chức

clip_image012

Tại nhà Nguyễn Trọng Chức, với Nguyễn Hồng Hưng và Nguyễn Xuân Tiệp

clip_image014

Nguyễn Huy Thiệp – Nguyễn Trọng Chức – Nguyễn Bảo Sinh tại nhà họa sĩ Đặng Xuân Hòa (t8-2014)

clip_image016

Nguyễn Phan Bách – Nguyễn Trọng Chức – Nguyễn Phan Khoa – Mai Anh Tuấn (tháng 3-2023)

Comments are closed.