Người và tôi

                                                                                                                        Truyện ngắn

Khuyết Thư

Làm ơn, trả tôi con mèo

Dòng chữ nhá đi nhá lại trong đầu tôi. Quá ngẫu nhiên quá đột ngột, tôi không thể hút tiếp điếu thuốc. Thuốc lá cháy tiêu từng mẩu, khói thuốc vẩn mảnh như buông tơ. Điếu thuốc cạn đến đầu lọc, tàn thuốc mủn rơi. Môi tôi khô rang, liếm mép thấy đắng vị thuốc lá. Phía ngoài, trời vẫn sáng. Ánh chiều tà dìu dịu, nhiều lưu luyến. Tôi không nhớ nổi đã bao nhiêu lần vừa đi vừa hút thuốc, vừa hút vừa ngẫm nghĩ, đong đếm buồn vui xem bên nào nặng hơn.

Tuổi đời tôi lăn lóc trong những chuyến đi hoang, một mình, đi không lịch trình không kế hoạch, hứng chí là xách tay nải bắt xe đi, cứ thế phăng phăng, thấy mệt thì tìm bừa một chỗ trọ, lỡ quá thì leo vào công trình bỏ hoang, trải áo ngủ trên cỏ như một homeless thuần túy. Tôi băng qua hết đại lộ này đến đại lộ khác, xuyên vào núi, vào rừng, leo lên những ngọn núi và đón mặt trời leo lên leo xuống qua cái túi ngủ. Trong túi ngủ, tôi nằm duỗi mình giữa bãi biển, lúc lạnh chui đầu vào túi, nóng thì ló đầu ra, thò thụt cổ như con rùa.

Cát Nha Trang mềm mại như da thịt thiếu nữ. Gió biển thơm và nếu trước đấy đã có một trận mưa, gió và sóng sẽ ngọt lạ kỳ. Thiên nhiên ru tôi ngủ, cho đến khi mặt trời nhô lên, quất chiếc roi màu vàng xuống mặt đất. Tôi sẽ bừng giấc, chui khỏi kén vải. Nắng bình minh nhẹ nhõm, mặt trời sớm hiền hòa tới mức tôi có thể nhìn chăm chú lên mái vòm của thế giới nửa tiếng.

Ký ức là thế, quá khứ vãn rồi, tôi bây giờ luôn khó ngủ dù trong cái túi kén dệt bằng tơ tằm. Mọi bãi biển trên quê hương tôi giờ tróc lở. Rác rưởi, chất thải cùng sự xuất hiện quá tải quá bát nháo của người tàu khiến biển mất nhiệm màu. Đám du khách nói sồ sỗ, ầm ĩ, hoa chân mua tay loạn lên. Chữ giản thể viết khắp nơi, dòng tiếng Việt nhỏ xíu phía dưới hoặc chẳng cần, nếu đã quá quen, khách du lịch sẽ giao tiếp bằng ngôn ngữ dễ hiểu nhất chứ không cần thông qua một công văn hành chính dưới dạng biển báo hoặc menu. Đốt một điếu thuốc, khói vẩn vào mắt tôi cay cay. Dòng chữ làm ơn, trả tôi con mèo văng vẳng mang tai như tiếng tắc lưỡi thạch sùng.

Những ngày này, tôi quên béng đi giờ giấc. Ngoài giờ ở trường thì tôi về phòng trọ, hút thuốc như con nghiện. Mỗi ngày tọng vào phổi hàng lốc thuốc. Cái ngăn kéo trong nhà tôi đã chật ních vỏ thuốc lá. Ngày trước, tôi vẫn thường đánh dấu tâm trạng mình bằng vỏ thuốc lá. Một vỏ rỗng là một ngày buồn, mỗi một vỏ đầy là một ngày vui nhưng niềm vui chỉ chốc lát, nỗi buồn thì muôn thuở, vỏ thuốc rỗng cứ nhiều dần, đầy ắp thành cái kho bạc rỗng tài nguyên.

Nuốt thuốc khi đấy chẳng thích thú gì, mọi thứ vào miệng nhạt thếch. Đầu óc tôi quá rỗng cũng quá đầy. Công việc rồi công việc, những mối quan hệ đòi hỏi sự chiều chuộng và mánh khóe. Lắm lúc tôi mong mình là một người bên lề, lướt vèo tựa cơn gió rồi mất hút. Rượu và thuốc lá, hai thứ bất ly thân với nhau. Riêng tôi chỉ chọn thuốc lá và chối bỏ rượu. Quãng chừng rất lâu, tôi mua hàng chục cây thuốc. Lúc dọn phòng thấy thuốc chưa được bóc, bao nào cũng đầy nguyên. Rõ là năm đấy cảm xúc tôi không một lần sút xuống. Còn bây giờ, tôi hút thuốc vào mọi lúc. Hút đủ mọi thứ thuốc nhẹ lẫn nặng, thuốc lá cuốn lẫn tẩu. Bất kể vui buồn hay bình thản, hoặc không gì hết, chẳng một lý do, tôi rút thuốc rồi châm lửa, cạn một hơi dài. Lũ bạn bảo rằng tôi đã thành con sâu khói thuốc. “Sâu có ủ kén, thoát thành bướm trắng…”. Bấm bụng thế, tôi giữ câu nói cho riêng mình.

“Thế nào rồi, dạo này kiếm được bao nhiêu tiền?”.

“Bao giờ cưới vợ, đã chăn được con nào chưa?”.

“Dạo này có gì mới không?”.

Luôn là những câu nói sáo sộng bài bản như đồng phục học sinh áo bỏ trong quần. Lũ bạn tôi, người trong gia đình, họ hàng xa mỗi lần gặp chỉ nói mấy lời này, càng quen thân thì càng khó bắt chuyện, xa nhau càng lâu thì chẳng còn biết phải nói gì, bắt chuyện thế nào, âu đó cũng là nghịch lý của thời gian, thất bại của người trưởng thành. Những thèm muốn phi nghĩa theo sát con người đến mức chúng ta trở thành cái bóng của nó, tôi luôn nghĩ thế. Thế rồi, tôi thiêu cháy thêm một điếu thuốc. Bởi quên giảm ga, lửa tóe nhọn hoắt. Thuốc cháy phừng phừng. Tôi nhả miệng, điếu thuốc rơi xuống lòng đường. Đang trên cầu thang bộ, tôi chẳng buồn chạy xuống nhặt lại. Hết đèn đỏ, xe cộ phóng rầm rập. Loa phường đến giờ phát thanh. Chương trình cuối buổi chiều, diễn văn cách mạng, vài trích dẫn trong tư tưởng Hồ Chí Minh.

Một tiếng cười thé tai. Quay ra, tôi thấy một đôi trai gái đứng sau mình. Anh chàng âu yếm quá mạnh khiến cô gái hờn dỗi. Con mắt tít lại vì nụ cười khiến bạn trai như con thiêu thân húc ăn ánh đèn. Thế rồi họ khúc khích. Hai cơ thế ghì nhau khuất khỏi lan can. Loa vẫn vang. Mấy người nữa đi lên cầu thang bộ để sang kia đường. Máy ảnh lia chụp. Tiếng chửi nhau cùng ngón tay chỉ mặt, một quả đấm. Một tiếng “Ê!” không biết nhắm vào ai. Đèn đỏ, xe đổ dồn dưới lòng đường. Tiếng còi inh ỏi, những ống bô nóng rẫy hung hăng chẳng kém ông chủ của chúng.

Mở gói thuốc, chẳng còn điếu nào. Tôi đi theo lối cầu thang. Cần phải vứt rác đúng nơi quy định, đấy là lý do tôi rút khỏi cầu thang bộ.

“Làm ơn trả tôi con mèo…”. Phan nói thế trong lần gặp lại rồi cứ vậy phủ quyết cho mọi cuộc gặp. Hoặc lời mào đầu hoặc lời chốt lại cho một cuộc gặp. Người đàn bà nói rằng Phan rất thích mèo. Sau bữa cơm với thịt cá ê hề, chị không nói thêm gì về Phan ngoài việc mèo, Phan chưa từng nuôi mèo, những lúc thấy một con mèo ngồi ngoài cửa, mèo hoang trên mái nhà, gã chỉ liếc quá, lén nhìn chứ không hau háu, tươi cười, lia mấy bức ảnh như kẻ háo mèo thành bản tính. Lý do của người lớn đến từ tác hại của lông mèo, còn lý do của trẻ nhỏ chẳng gì ngoài những cấm luật từ cha mẹ. Tôi chấm dứt chuyện nuôi mèo vào năm lên mười.

Con mèo trắng đốm vàng đại tướng qua đời, ông nội tôi an táng người bạn nhỏ dưới gốc vối, ông bảo tôi cắm một nhành hoa trên phần mộ. Mỗi lần vối nở sum, tôi lại reo lên “Ông ơi, con nhớ bạn!”.Ông ngắt sáu lá vối đem đun, mang ra hiên hai ông cháu cùng uống, ông châm thuốc lá rít, phà một hơi khói dài rồi kể tôi nghe chuyện Nguyễn Ánh diệt Tây Sơn. Lúc ông mất thì cây vối cũng bị chặt, xong giỗ đầu ông, tôi xin mẹ lên Hà Nội học nốt cấp 3 và thi đại học. Vào Bách Khoa thì tôi ở hẳn trên phố, ra trường được giữ lại làm giảng viên vì thành tích tốt nhưng tôi từ chối và đề nghị được dạy hợp đồng, thích thì đi, chán thì nghỉ.

Từ lúc ông nội mất, về quê cứ là lạ, người và cảnh đều quái mắt như miền xa xứ. Thường thì, chỉ trẻ con và phụ nữ mới thích mèo, họ yêu vẻ đáng yêu của loài mèo, thích ve vuốt, bế, nựng, ẵm lên giường nằm cùng, trời lạnh thì ngủ chung như bạn đời. Lũ này rất bướng và khôn ngoan, đầy thực dụng, chất thải dơ dáy vô cùng. Một đất nước bạ gì cũng ăn thì nuôi gì cũng nguy hiểm, cứ nghĩ đến cảnh con thú cưng bé bỏng mình hết lòng yêu thương mải chơi lạc nhà rồi bị người ta vồ lấy nhai ngấu nghiến là điên cả đầu. Mèo hay mất bởi tính mải chơi, thích khám phá thế giới bên ngoài. Lũ bốn cẳng chỉ yên khi ngủ. Nay một con mèo bị câu mất, mai một con mèo lạc nhà. Các quán thịt mèo đầy ra và không có chỗ cho lòng xót thương, kẻ cần tiền, người thèm ăn, trong tiếng nhai nhồm nhoàm, rượu nốc khà khà là tiếng gào rú đau đớn của đàn mèo, tiếng dao mài xoèn xoẹt, tiếng cắt xương, lóc thịt quẳng vào chảo dầu.

Phan từng viết thư cho tôi rằng Người nước ngoài tìm đến Việt Nam như một thú tiêu khiển đầy mạo hiểm. Đừng tin những lời ngọt xớt rằng quốc gia các bạn đẹp lắm, tôi yêu các bạn. Ngần ngừ đọc tiếp, tôi như nghe thấy lời thở than của gã trên những con chữ Nhập gia tùy tục chứ làm quái gì có lòng yêu thương nào, bọn họ có hiểu gì về Việt Nam đâu. Bọn tây mỗi lần xem cái gì về Việt Nam là lại rống lên. Bởi sợ hãi, bởi xót xa, không, tôi nghĩ họ đang phấn khích trước một thước phim sống khó tìm ở nước văn minh.

Đứng đấy và nhìn. Bức tường gác xép đầy những tranh dán. Chúng đã cũ, xỉn màu, Số tranh này không có khung, cũng chẳng có hình vẽ gì. Thoạt đầu, tôi tưởng giấy dán màu nhưng Phan bảo đó là tranh, thứ tranh quẹt một màu vàng nhạt như lông mèo. Định ngồi xuống ghế, tôi lại đứng lên. Căn xép này chật và nóng. Mỗi điếu thuốc cháy đều khiến phòng hẹp lại, khí vẩn oi bức.

Ngày hôm nay tôi chưa có dự định gì, thời gian trôi vèo. Trong sổ gọi nhỡ không có gì. Tôi mở máy, vào phần tin nhắn, muốn viết cái gì đấy rồi lại thoát. Trước hết, tôi cần vào danh bạ, dò số để khả dĩ tìm được một ai đấy. Phía dưới có tiếng gọi. Tôi dò số. Danh bạ bắt đầu bằng chữ cái, kết thúc bằng số. Bấm rồi bấm. Tôi không nhớ mình đã ưu tiên ai vào thứ tự đầu tiên của danh bạ. Không phải mẹ tôi càng không phải một cô em đáng yêu nào. Thư mục bạn bè trống. Giọt mồ hôi rịn ra, lăn chậm khi tôi không dò thấy gì. Trong mục nhắn tin thấy hàng tải tin chưa mở, thư của tổng đài, tin nhắn từ dịch vụ báo hết hạn nhạc chờ, khuyến mại thẻ điện thoại, thẻ cào trúng thưởng, xổ số, giới thiệu thuốc cường dương, tư vấn tìm bạn đời…

Tắt máy. Tôi với một điếu thuốc, châm vội lửa rồi rít. Chắc chắn sáng nay đã có tin nhắn hẹn tôi, lời nhắn của đứa cùng lớp hồi sinh viên nhưng giờ không thấy đâu nữa. Tối hôm đó, số đó có gọi cho tôi nhưng tôi lười nghe, lúc gọi lại thì lẫn lộn hết trong bạt ngàn những số máy lạ hoắc. Đâu nhỉ. Tôi dò mãi nhưng không tìm thấy tin nhắn hẹn gặp từ người bạn, tôi có thói quen xóa hết mọi tin nhắn, mọi cuộc gọi trong ngày vào lúc ngủ dậy, biết đâu tôi đã lỡ tay xóa dòng nhắn của đứa bạn hoặc nhớ nhầm sáng hôm nay với sáng tuần trước.

“Em còn trên đấy chứ!” – Tiếng người đàn bà khiến tôi sực tỉnh. Chị ta gọi mãi, cho đến khi tôi đáp lời bằng tiếng Vâng thật kêu. Tắt điện thoại, bỏ vào túi quần, tôi thở phào và hút tiếp thuốc. Phòng của Phan. Nhà của Phan. Tôi là khách.

Cái ghế màu xanh tôi ngồi, Phan cũng từng ngồi. Tôi mở ngăn kéo, lục tay trong khoảng trống chữ nhật. Không có gì ngoài bụi bặm, vài sợi tóc dài rụng khi chải đầu. “Đâu có”. Tôi nói thế và đánh rơi đầu thuốc lá cháy, “Làm quái có con mèo nào”. Sợi đen và dài thế này là tóc chứ không phải lông mèo, ngăn kéo không lấm dấu chân mèo, trên mặt bàn mặt tủ, cái ghế salon dựng phía tường chằng chịt những dấu rách nhưng đấy là dấu cắt của vật nhọn được ngụy trang thành vết mèo cào. Lời kể của Phan lúc này dội lại trong trí nhớ tôi, ấy là về một cái thòng lọng siết cổ, cái bao tải hôi hám lẫn con dao mổ thịt sắc lẹm.

Chẳng rõ khóc, cười hay mếu. Phan lầu bầu rằng “Bọn tây khóc rống trước cảnh người Việt đánh chén thịt mèo, còn chúng ta cũng cười khẩy sự nhân đạo đến ngớ ngẩn của họ. Một phen hú vía. Nghe này, tôi từng về chơi với một người bạn ở Bắc Giang. Chơi với bạn là chính nhưng quan trọng vẫn là lũ cún con đáng yêu. Tôi mang theo bánh gạo, sữa cùng thịt ba chỉ xé nhỏ. Đấy là món quà dành cho lũ cún luôn bị bỏ đói, hẳn nhiên bố mẹ lũ nhỏ cũng thế. Tôi ôm nựng, ve nuốt, dụi đầu mình vào từng con, sẵn lòng bế chúng ủ trong chăn. Tôi bị chứng lạnh người, tôi nghĩ cún con cũng thế. Gã bạn già luôn phản đối, thường xuyên ném con cún khỏi phòng giữa trời mưa gió. Hễ anh ta ném chú bé, tôi lại chạy ra tìm lại và quyết sẽ ngủ ngoài sân nếu anh ta còn ngang ngạnh. Dĩ nhiên tôi thắng, sau một câu cằn nhằn rằng tôi quá trẻ con, người không thương lại lo lắng cho con chó. Dễ chịu lắm hơi thở nhỏ. Anh biết không, trong lần về chơi nọ, sau khi tắm rửa chuẩn bị ăn cơm. Ông bá pháo binh hiền lành đã dọn cho tôi một mâm thịt chó”. Phan vuốt tóc rồi nắm chân tóc, rứt mạnh “Thế đấy, trong cái đĩa lớn là những lát thịt chó cùng riềng mẻ, bát mắm tôm, cái đĩa nhỏ hơn là mấy cái đầu chó con. Mắt lũ em đã nhắm lại, miệng không còn nheo nhóc đòi ăn nữa. Tôi chạy khỏi chiếu ăn, cố tìm lũ cún con nhưng không thấy ai. Tôi gọi mãi cún ơi, Milu ơi, ráng sủa lớn gâu gâu. Người trong kia gọi tôi vào mâm, đã đến giờ ăn tối. Anh bạn già bình thản, người cha pháo binh và bà mẹ hiền cười cười. Mọi nhẫn nại hòng tìm trong mắt họ chút gợn buồn đều vô ích, chỉ khóe mắt tôi cay. Anh bạn già nói với tôi rằng nuôi để ăn chứ để làm gì. Tôi thấy rát cổ và không hề nôn. Bữa đấy tôi ăn như không ăn, cơm trắng với rau muống, không ăn hết một bát. Tảng sáng, tôi bắt xe về nhà. Đấy là lần cuối cùng tôi về nhà ông bạn. Tiếng cười của bạn già cùng sự vô tư người nhà quê nhạt rồi mùi thiết tha. Đất này, rừng vàng biển bạc, đâu đâu cũng có đền thần phủ thánh. Hàng năm, những cuộc tranh gươm, giành ấn sứt đầu mẻ trán. Không có chỗ cho tôi”. Giọng Phan thều thào, tiếng miệng run rẩy, Phan vuốt tóc, nắm, giật, tóc Phan đứt trên bàn tay. Tôi châm thuốc hút, Phan ho sù sụ, tôi bỏ thuốc. Tôi xòe tay, định đặt tay lên vai Phan thì gã gào lên giữa quán xá “Đừng thương hại! Làm ơn, trả tôi con mèo…”Phan bảo tôi thế, ánh mắt sợ hãi đến thất thần. Tôi nhìn Phan, mỉm cười, Phan thở phào, nói rằng mình đã lạc đề. Gã lại nói về mèo.

Lúc người đàn bà gọi ới thêm một lần nữa thì tôi dạ, vâng rồi trèo xuống, đóng lại cái nắp dẫn lên gác xép. Tôi xin lỗi chị ta vì đã vô ý, quá tự tiện, đến nhà không báo trước và ngồi ì cả tiếng trời trên phòng của Phan.

“Em là bạn, cũng là thầy của Phan nên cứ thoải mái, anh chị luôn chào đón em.” Người đàn bà nói thế, rồi cười, tôi liếc thấy nét buồn trên đôi mắt chị.

***

Làm ơn trả tôi con mèo

Viết vào sổ, dòng nháp đầu tiên trong tuần, tôi gạch chéo. Dòng chữ này của Phan chứ không thuộc sở hữu của tôi. Mỗi tiểu thuyết thường có một dòng mã khóa, gọi là đề từ hoặc câu mở, một cảo bản, dĩ nhiên, Umbreto Eco mào đầu cuốn sách như vậy. Lời đề từ, hay dòng bắt đầu của tiểu thuyết không quyết định số phận bản thảo nhưng ở chừng mực nào đấy đó là dấu hiệu của sự hé mở các ranh giới.

Ngoài nghề dạy hợp đồng ở trường và các trung tâm ôn luyện thì tôi còn viết, cũng bởi vậy tôi đã chọn dạy Anh Văn và Toán Tin để không bị xao nhãng. Tôi từng viết rất nhiều, những thứ chẳng thể gọi là văn chương. Phần lớn bản thảo chết rúm trong ngăn kéo, số còn lại thì đăng báo giấy và các website nhuận bút thấp, tôi kiếm thêm chi tiêu hàng tháng từ những bài viết tủn mủn, nửa truyện nửa tản văn. Lâu lâu, tôi cũng đăng được trên những diễn đàn văn nghệ hải ngoại, đăng cho vui chứ không ăn thua gì.

Lấy thêm một điếu thuốc, phì phèo lửa, chỗ tôi đứng đã quá nhiều đầu lọc lẫn tàn thuốc. Luật pháp Việt Nam không bắt tội ai xả đầu lọc dưới chân, trừ bệnh viện. Trước giờ ngủ tôi găm một điếu thuốc và sau khi tỉnh dậy tôi hút một điếu thuốc rồi mới đánh răng, ăn sáng. Bữa nọ người đàn bà vẫn than thở với tôi về Phan. Chị rưng rức, sướt mướt mãi về chuyến đi không hẹn ngày về của gã. Người đàn bà nhìn hiền lành, siêng năng nhưng chẳng hiểu gì về tâm hồn Phan. Lúc người đàn ông với gọi người đàn bà, tôi xin phép ra về, hai người cãi cọ lúc tôi đóng cửa.

Đốt thêm thuốc, rồi một điếu nữa, tôi lẩm bẩm một mình. Không có lịch dạy trong tháng này và tôi có thể ngồi nhà viết bài quảng cáo quán xá, dịch tin tức nước ngoài đăng kiếm tiền hoặc dành toàn bộ thời gian để viết. Hẹn ai đó ra quán chuyện trò cũng là ý hay, nhưng tôi không tìm được ai nên đành đóng cửa phòng, bắt xe đến phố Huỳnh Thúc Kháng, tạt vào quán cafe vỉa hè trong ngõ quen gần dãy cầu thang bộ. Cái ngõ có vị trí dựa lưng vào tường, đối diện với một bức tường loang lổ dùng làm chỗ để xe, quán chỉ cho dựng xe đạp hoặc xe máy loại nhỏ, khách ngồi theo hàng ngang. Ông chủ bày đồ bán từ 7 giờ sáng đến 7 giờ tối, quán này chủ yếu phục vụ trà đá, nhân trần, ít đồ ăn vặt, café chỉ là món phụ nên chất lượng rất kém nhưng tôi vẫn quen gọi thêm café uống kèm cho hợp khẩu vị thuốc lá. Ngày trước, tôi không hay ngồi một mình, luôn là bạn bè hoặc một mối quan hệ cần thiết phải duy trì, còn bây giờ, tôi chỉ ngồi một mình. Một gói thuốc đầy, trà hoặc café đắng cùng những dòng suy tư bất tận trong đầu đã đủ để thời gian không bị uổng. Hút bằng hết thuốc lá trong bao, ngón tay vẫn cố lần cái hộp rỗng. Mấy lần, tôi đánh lửa, nghiền mãi nút mở ở nấc cao nhất. Bật lửa hết ga, thuốc lá cũng hết.

Phan tìm thấy tôi qua một truyện ngắn dạng hồi ức sinh viên đăng trên báo, bữa đấy người ta quên biên tập, vẫn để số điện thoại của tôi nên Phan chủ động gọi và xin một cuộc hẹn. Đến nơi, Phan à lên một tiếng “Tưởng ai, hóa ra là thầy”. Thấy tôi ngớ người, im lặng nghĩ ngợi, Phan nói thêm “Thầy dạy thay thầy Bổng môn ngoại khóa lý thuyết văn học, thầy dạy đúng một buổi nhưng em nhớ mãi, cách mà thầy bắt sinh viên xưng tôi với thầy”. Tôi gật gù, ngờ rằng Phan là sinh viên cũ, tôi bảo Phan cứ giữ cách xưng tôi và bỏ chữ thầy, gọi là anh bởi tôi chỉ hơn Phan năm tuổi.

Cuộc café hôm đấy dài 4 tiếng. Thường thì, sinh viên Bách Khoa rất hoạt bát và hướng ngoại, lớp người trầm lặng thì là những con nghiện game, ngồi net 24 giờ hoặc neet nên không thể xếp vào nhóm hướng nội, tâm tư sâu sắc, dân công nghệ thông tin nên ít quan tâm đến văn học nghệ thuật, họ chỉ đọc những đầu sách cần thiết cho bài vở, hỗ trợ kiến thức, khai phá tiềm năng để tìm cơ hội sau khi ra trường. Cách nói chuyện của họ cũng giống nhau chứ không mơ màng những giấc mơ tưởng tượng như Phan, tôi thấy Phan giống với sinh viên Nhân Văn hơn, cũng bởi sự lý thú ở cậu học trò bất đắc dĩ này mà tôi cố giữ liên lạc, gặp nhau thường xuyên. Tôi không lưu số Phan trong sổ danh bạ vì số máy của Phan tôi đã thuộc lòng.

Một lần nọ, tôi ngạc nhiên khi thấy Phan để tóc dài chứ không còn là đầu cua, gã bảo nhìn tôi lạ quá, gầy và xanh xao, hơn ba mươi mà tóc đã trổ trắng, tôi cười gượng, bảo rằng do máu xấu. Gặp gỡ ở một quán café ngẫu nhiên, đôi khi là quán trà đá phố Huỳnh Thúc Kháng hoặc trên cầu thang bộ lúc tối trời, nói đủ thứ chuyện về sách vở, các bản dịch hay trước 1975, tôi kể một bản truyện mới viết, mới đăng, Phan ngồi nghe, vừa góp ý vừa cời thêm sự tưởng tượng của gã vào những đoạn văn tâm đắc. Dẫn ý tưởng vào trang viết người khác là một sự giao thoa, vẽ mắt cho rồng, đấy là tôi nghĩ thế chứ cánh nhà văn luôn muốn độc quyền tác phẩm, ai chê, ai bôi xóa trang viết là cay cú đến phát rồ. Đếm không nổi những lần tôi bị đám khách xung quanh mắng vốn vì hai đứa nói về sự bất công, tham nhũng phá hoại di sản tiền nhân từ cái cây mọc cao trên vỉa hè, những cuộc biểu tình giữa đường lớn gào thét tự do, cổ nhân sáng tạo bao nhiêu thì hậu nhân phá gấp đôi, ông chủ nhắc bọn tôi nói nhỏ lại.

Phan và tôi, hai người bạn, một cặp đôi quái gở đứng ngoài rìa đám đông. Phan thích sách, thời đi học gã vào thư viện từ sáng sớm đến lúc nhân viên báo rằng đóng cửa. Phan vào thư viện đọc và chỉ đọc, có hôm mải đọc mà quên điểm danh, điểm chuyên cần thấp tới mức phải học lại môn. Cuối mỗi tuần, nếu tôi không về quê, Phan không bận rộn thì chúng tôi gặp nhau ở hẻm, ngồi ở quán café giá phải chăng dành riêng cho sinh viên dù khi đó Phan đã tốt nghiệp còn tôi dạy hợp đồng ở mái trường của cả hai. Phan hay kể cho tôi về những cuốn sách gã đọc, nếu hào hứng, tôi sẽ tìm mua. Mang tiếng là thủ khoa, được đặc cách giữ lại làm giảng viên chứ thời sinh viên tôi ngang tàng lắm. Lười chảy thây, đến lớp, điểm danh xong là cúp học giữa giờ. Bài vở, tiểu luận kết thúc học phần, bài thi làm tại nhà tôi đều đọc qua tài liệu rồi viết ngoáy cho xong. Giáo trình triết học Marx-Lenin ai cũng có thể mua trọn gói ngoài quán photo, bao gồm cả tài liệu bỏ túi dùng trong giờ thi. Tuần học chính trị công dân luôn uể oải. Tôi khó bỏ học vì luôn có người điểm danh bằng việc lấy số, ghi tên. Tay lớp trưởng lớp tôi rất hách nhưng khá nể tôi, tiếc rằng hắn không giúp ai trong bọn tôi điểm danh.

Hôm đấy, tôi vác theo hai cuốn sách để đọc trong lúc ông thầy quân đội đang thao thao diễn văn đường lối đảng trong quân sự. Lớp trưởng vỗ vai tôi, bảo mượn cuốn Những Bài Học Nông Thôn đọc giết thời gian, tôi đành đọc cái bản thảo photo mỏng dính mượn của một đàn anh trường Tổng Hợp. Đám bạn trong lớp, trong trường ai cũng mang theo cái gì đấy để tiêu khiển, đám ngồi khuất tầm nhìn với ông thầy hoặc ở tầng trên cùng thì đeo tai nghe bluetooth thưởng nhạc max volume, kẻ thì lúi húi bấm điện thoại, đứa thì mang sách đọc, tay vờ cầm bút hí hoáy ghi chép. Nhóm sinh viên chăm chỉ nhất, diện thanh niên tình nguyện đều ngồi ghế đầu, họ chăm chú gật gù viết như học sinh cấp 2. Tôi đọc bản thảo một lèo. Chữ trôi nhanh và dính như keo bẫy. Đọc nửa cuốn, tôi ngẩng lên xem đã đến giờ điểm danh chưa. Ông thầy vẫn giảng, giọng sang sảng như loa phường. Tiếng khúc khích của đôi bạn ghế trên khiến tôi chững lại, rồi tiếp tục. Cuối buổi khi điểm danh xong, cô chủ nhiệm hỏi mỗi người về cảm nhận trong giờ học. Tôi bảo rằng “Bốn chân tốt hai chân xấu”.

Họ đang hôn nhau. Đôi tình nhân đang ghì nhau trên lan can cầu thang bộ. Tôi nhớ đến ký túc xá, nơi đấy thiếu gì những nụ hôn và những cuộc tình lén lút sau cánh cửa, trên căn phòng bỏ không khóa trái từng có nữ sinh treo cổ vì tình. Lan can cầu thang bộ trước mắt, hình ảnh đôi uyên ương làm tôi nhớ đến lùm cây trên sân thượng, nơi nhiều cặp đôi dựa lưng vào, quàng một vòng hôn trước lúc nuốt hơi thở của nhau. Nụ hôn của tôi không diễn ra ở ký túc xá hay một địa điểm gần trường học, ấn tượng về cái hôn đầu đời mờ quá nhưng chắc chắn tôi đã từng hôn, rất nhiều lần cô gái tôi yêu lẫn những thế thân của người tôi yêu.

Hai bóng người trên cầu thang bộ buông môi, nói gì đó rồi dùng dằng, chàng kéo tay, nàng hất tay rồi chỉ chỏ, nói gì đó, sau đó hai người xuống hai hướng cầu thang, nam tả nữ hữu như người ta xem chỉ tay. Đèn cao áp vụt sáng, mấy cánh thiêu thân lởn vởn trước ngọn sáng. Bức tường rêu loang lổ mờ đi. Dãy ghế bên cạnh và đối diện tôi vừa đầy lại trống. Đặt cốc cafe xuống, tôi gọi một cốc trà đá, loại đặc, thật đặc, đặc như café không đường sữa. Lâu lâu lại có người đi bộ hoặc đạp xe vọt trước mặt tôi. Cầm cốc trà uống, tôi thất thé cổ, quặn cả ruột vì cốc trà chát đặc như nhai lá. Muốn đốt thêm thuốc thì vỏ đã rỗng. Quán café hẻm vẫn còn nhưng đã đổi chủ, chỗ ngồi vẫn thế nhưng chẳng có Phan đấu hót, mấy năm rồi tôi chẳng nhớ nữa.

***

Tôi ngờ ngợ rằng Phan đã từng nuôi một con mèo và để vuột mất. Người đàn bà cùng người chồng đã quả quyết rằng trong nhà này chưa từng có con mèo nào. Những gì tôi biết về gia cảnh của Phan nếu không phải từ hai người này thì là những hình vẽ gã để lại trên gác xép. Từ lúc Phan mất tích, cái gác xép này cũng bỏ đó, hoang, đầy bụi bặm. Người đàn bà nói muốn giữ nguyên hiện trạng căn phòng, không quét dọn cũng không lấy đi và chất thêm món đồ nào, chị không tùy tiện lên đó và cấm anh chồng xâm nhập phòng riêng của em trai. Ổ khóa lớn với cái chìa duy nhất để mở luôn nằm trong tay tôi. Cái chìa khóa này là vật cuối cùng tôi nhận từ Phan, cũng là sự chứng nhận giúp tôi được ưu tiên mời thẳng vào nhà gã, leo lên gác mở khoá nắp, đẩy và bước lên phòng.

“Em có tin gì về Phan không?” – Người đàn bà hỏi tôi, nhoẻn một nụ cười ủ rũ. Cách một tháng tôi lại đến nhà Phan vào mỗi chủ nhật, lúc anh chị Phan ở nhà.

Người đàn ông đi đi lại lại, lâu lâu ngước nhìn lên gác xép, rồi tiếp tục đi lại nhiều vòng trong nhà. Như mọi đàn ông làm việc ở tập đoàn của Nhật, anh ta ăn vận rất chỉn chu, áo quần được chọn lọc kỹ lưỡng dù đi làm hay ở nhà, hễ tôi nói đến lúc nào là anh canh sẵn đúng giờ đó để đợi mở cửa, có lần tôi bị anh mắng vì hứa ở lại nhậu mà lại bỏ về, xin nước sôi pha trà thì lúc nước sùng sục, đổ vào phích thì phải xuống uống, sai một phút, một giây cũng không được. Nhiều bữa tôi đã phải cáo về sớm để không chung mâm. Cơm canh đầy ắp, rượu được rót, thế rồi người đàn ông hí hửng vì kèo được bạn rượu. Người đàn bà vui mừng vì có khách đến ăn, lại là người quen của Phan. Chị sướt mướt chỉ rằng Phan thích ăn thịt gà, uống canh cá chua, ăn cơm cháy chấm muối vừng, hôm thì khoai rán tương cà, lúc thì thịt xiên nướng ba chỉ, bữa là nấm xào với đậu, cà rốt cả đĩa lớn, khi thì chỉ một âu mít mật thơm nức…Tôi xin phép hút thuốc và hai người đồng ý.

“Em mượn cái gạt tàn!”.

“Hút trên đó thì đừng vẩy xuống sàn”. – Người đàn ông nói thế.

“Để chị lấy gạt tàn, bụi thì bụi nhưng cấm em làm bẩn gác”. – Người đàn bà nói. Tôi bảo mình gạt vào tờ giấy rồi gói lại bỏ vào túi, ra ngoài vứt thùng rác. Người đàn bà nói:

“Em đừng giận, chị muốn lúc Phan về căn gác giữ nguyên trạng như lúc đi, mặc dù bàn ghế, đồ đạc xê dịch thì Phan sẽ không trách móc nếu đó là em”. Rồi chị vào bếp sắp từng món ra đĩa, đặt đĩa xuống mâm. Người đàn ông rót rượu, tôi lắc đầu, anh ta uống một mình. Người đàn bà mời cơm tôi.

“Em về đây”.

“Ở lại ăn cơm với anh chị đã”.

“Xin lỗi, em có hẹn”.

Những viện cớ công việc rồi cũng nhàm. Bữa cơm sau, tôi nói với hai người rằng mình ăn chay, một cái cớ quá ổn và không cần phải dùng cơm chung, không cần phải uống rượu. Tôi chỉ việc cúi chào rồi ra về. Người đàn ông ăn rất nhanh, người đàn bà thì ăn chậm, lúc tôi ngó xuống thì chị nhìn lên, mắt đăm đăm như nghĩ gì đấy, có hôm người đàn bà bỏ ăn giữa chừng, đến lúc tôi về chị vẫn đang ăn, ới tôi lại hỏi xem ngoài tôi ra Phan hay gặp ai, đi những chỗ nào. Tôi lắc đầu, chính tôi cũng không biết, Phan kể sao tôi biết vậy, gã hẹn tôi ở đâu thì tôi đến đó, những chỗ quen tôi đã đến hàng chục lần, chỗ mới hay những địa điểm khác thì chịu.

“Có thật chỉ là con mèo hay cách gọi yêu dành cho ai đó”. Người đàn bà nói vậy.

“Em không biết nữa”. Tôi không dám nhìn người đàn bà.

“Nếu đi vì tình yêu thì đỡ quá, ngày xưa Trần Dần cũng bỏ Hà Nội, vào Sài Gòn ăn nằm với người yêu, tình tan thì người về. Đằng này, Phan…”. Người đàn ông nói thế, khuôn mặt tài tử của anh ta tối dần dần mỗi lần tôi đến chơi.

“Anh im cho em!”. Người đàn bà quắc mắt, ánh nhìn dữ dằn đầy hoảng loạn của chị rất giống Phan lúc kể lần đi Bắc Giang. Người đàn ông bảo tôi ngồi lại rồi bê mâm vào bếp rửa. Tôi ngồi thêm chục phút, chẳng biết bắt chuyện thế nào, người đàn bà nhìn tôi, định nói gì đấy, lại thôi, tôi muốn nói mấy lời nhưng họng nghèn nghẹn, nán thêm một phút, tôi chào chị rồi đi về, hẹn hôm khác đến. Lúc tôi ra đến cửa, người đàn bà nói vọng rằng “Lúc Phan ra đời, mẹ chị bị băng huyết rồi qua đời, Phan chưa một lần được ước nguyện trước ngọn nến, rồi thổi, cắt bánh kem chia bạn bè, đốt nến trên bánh rồi thắp hương thì thật nẫu ruột. Phan luôn muốn quên đi ngày tháng năm sinh. Năm Phan mười ba thì cha chị đi theo người khác, để lại cái nhà này cùng món nợ một trăm triệu, từ đó Phan luôn thui thủi, rất ghét ai tò mò vào phòng riêng”.

“Em cũng đã làm tốt vai trò của người chị, em cũng phải nghĩ cho gia đình riêng…”. Người đàn ông nói.

“Vai trò là sao, anh đang nghĩ cái quái gì thế. Nếu anh không coi Phan là người trong nhà thì em và anh cũng hết duyên”. Người đàn bà nói, tôi nghe thấy tiếng thủy tinh vỡ vụn dưới sàn, không rõ anh chồng làm rơi cốc rượu hay chị vợ ném cốc xuống đất. Tôi mở khẽ cánh cửa rồi bước chậm ra ngoài, đi xuống cầu thang khu tập thể phố Núi Trúc.

Hớp một ngụm trước lúc vặn nút chai và ném xoảng vào vách tường. Tôi rút thuốc lá, châm, thổi hơi khói dài. Cả tuần nay không có thêm bài viết được dùng trên báo. Các diễn đàn vẫn chạy bài của tôi. Tạp chí mạng làm việc với tiêu chí sân chơi văn nghệ cho khách thập phương, không có cộng tác viên mà chỉ có tác giả mới nổi, bạn bè quen và người chưa tên tuổi gửi bài thường xuyên. Chủ biên của các tạp chí tự phát trong nước và làm việc nhóm đều là người Việt, họ lập ra trang mạng không để cạnh tranh với báo chính thống vì bài đăng không trả nhuận bút. Đó là nơi chia sẻ, đọc miễn phí, ai thèm được đăng bài thì đỡ tủi thân, ai không quan trọng tiền bạc thì gửi như cách lưu trữ tác phẩm, phòng trường hợp máy bị virus mất hết dữ liệu.

Khác với báo giấy, tạp chí mạng luôn cần bài và đăng trọn vẹn mọi thứ, từ truyện ngắn, thơ, tiểu thuyết nhiều kỳ, chuyên luận, hồi ký, phỏng vấn. Chẳng có tiêu chí, chủ đề cụ thể nào, bài tốt là dùng được, trước lúc đăng bài, ban biên tập thường trao đổi với tác giả, sửa lỗi dấu câu, góp ý về vài đoạn viết, nếu tác giả thuận ý thì tự sửa và gửi lại chứ không có chuyện tùy tiện kiểm duyệt theo ý mình mà không thông qua tác giả. Sân chơi phi lợi nhuận. Các tay viết nghèo đừng mong sự cứu đói khi gửi bài, cũng chẳng ích lợi gì nếu ai đó muốn lợi dụng thương hiệu tạp chí, diễn đàn ngoại để lăng xê mua danh hòng thuận lợi cho việc xuất bản sách trong nước.

Tháng trước tôi đăng một truyện ngắn viết theo hướng tùy bút về chủ đề tiếng hát người da đen trên diễn đàn X ở Đức, ít lâu sau, một diễn đàn khác ở Mỹ lấy về đăng, trong lúc tự tìm kiếm tên mình trên mạng thì tôi thấy bài viết đó được đăng trên diễn đàn người Việt ở Pháp, thậm chí bài còn tái xuất trên trang blog, wesite cá nhân của người trong nước, rõ ràng tôi chỉ gửi bài cho tạp chí X chứ không gửi thêm địa chỉ nào. Trừ trang chủ của tạp chí X đăng theo ý tôi thì những nơi khác ghép thêm tranh minh họa, nơi thì dẫn một đoạn trong bài, có lúc bài còn dài thêm vì lời bình luận người chủ blog, một dãy các dòng comment dài ngẵng dưới bài. Ngoài những tán tụng vô thưởng vô phạt, bình phẩm đãi bôi, họ vớt vài đoạn trong bài viết của tôi rồi suy diễn theo ý mình. Cuộc tranh cãi nối dài, không ai nhịn ai. Tạp chí mạng đã quá dễ dãi khi không sử dụng hệ thống kiểm duyệt cấm sao chép, hay chăng thế giới mạng không có luật đăng độc quyền nên họ thoải mái chôm chỉa, bởi không có hoa hồng cho tác giả nên dù kéo bài không xin phép cũng chẳng vấn đề gì.

Nực cười nhất là cái truyện tôi viết đầy sơ hở, không thuộc thể loại nào, nếu là truyện hư cấu thì lối hành văn như tùy bút, bạ đâu viết đó nhưng lại chẳng phiêu bồng mà bị kẹt lại câu chuyện hai người bạn kể nhau nghe về các bản nhạc gắn với tuổi thơ, nhạc của Boney M, Bad Boys Blue và Houston. Dòng nhạc của thập niên 70-90, ban nhạc nổi tiếng nào cũng có một người da đen, không hát chính thì hát bè, đọc rap, chơi vũ đạo. Chất lượng truyện chỉ đến thế, không đáng để đăng tán loạn, khen lấy khen để rồi xuyên tạc thành câu chuyện kỳ thị chủng tộc, người da trắng thượng đẳng. Đấy là câu chuyện của tháng trước, bài đăng trôi đi và người ta cũng quên khuấy, đến cái bút danh cũng chẳng ai thèm nhớ thèm tìm, trừ tôi và Phan, lúc gã chưa xa nhà.

Gõ bừa bàn phím, tôi vụng về viết ra đoạn thoại giữa tôi và Phan mấy năm trước. Đấy là cuộc gọi đầu tiên của Phan vào máy tôi và gọi tôi là chị, bởi tôi dùng bút danh là Khuyết Thu. Sau này, Phan có dò hỏi ý nghĩa của bút danh, tôi im lặng, không dám nhớ nhưng hình ảnh vẫn gợi ra, tôi vẫy tay đuổi bóng hình xưa như người ta phủi khói thuốc lá. Có phải thầy, à anh lấy tên của… Phan vỗ bàn, tỏ ra đắc chí, tôi cắt ngang thiếu đi một mùa, một năm đã không còn trọn vẹn, hiểu thế là vừa. Phan trầm ngâm, ngẫm ngợi rồi nói cũng là một dụng ý hay, truyện anh viết cũng phảng phất nỗi buồn như mất mùa. Nếu là đàn bà thì tôi viết như đàn ông còn là đàn ông thì bút văn tôi lại thơ mộng đầy nữ tính, đấy là nhận xét của người chủ biên tạp chí X, tôi không phủ nhận cũng không đồng ý, chỉ gõ dòng cảm ơn trên gmail rồi gửi đi. Tôi không chơi với giới văn nghệ bởi lâu lâu mới có bài được đăng nhưng ai đó quen biết hoặc ngay cả Phan gặp tôi ngoài đời thì tôi luôn nhấn mạnh, gọi tên thật chứ đừng réo bút danh. Khuyết Thu là cái tên thuộc về một người khác, một thân phận say mê và đau đớn trên bờ cõi mờ ảo của cuộc đời tôi.

***

Sinh viên phàn nàn rằng dạo này tôi thiếu nhiệt huyết với nghề, dạy trả bài theo công thức như đa số giảng viên chứ không còn hoạt bát, phá cách. Chắc do gần đây tôi không còn lôi tiểu sử tác phẩm nhà văn vào giảng ngoại ngữ, làm bài vấn đáp theo hướng diễn một vở kịch thoại. Thành tích của sinh viên vẫn tốt, qua hết môn nhưng họ thấy thất vọng vì giờ giảng lý thú nhất trong các môn đã bão hòa theo phương pháp dạy máy móc của toàn trường. Đáng ra, lúc thấy tinh thần sa sút thì tôi nên xin nghỉ dạy, ngặt nỗi tôi là giáo viên hợp đồng nên sai sót là bị hủy hợp đồng, thôi, đành vậy, dù gì cũng sắp hết năm thứ 3, tôi sẽ chuộc lỗi bằng giờ dạy ở một khóa khác.

Gần đây tôi ít ngủ, hay thức và không viết được gì. Mất năng lượng, người rỗng ra giấc ngủ chập chờn, hẳn đây là di chứng từ cuộc bia đêm với mấy ông thầy sàn tuổi ở trường. Hôm đấy là sinh nhật một cậu ở khoa Toán Tin, người nhiều lần muốn tôi về trường làm giảng viên chính thức. Tôi mắc chứng ngộ độc bia rượu, uống vài chén là mình mẩy đỏ ửng, ngứa điên như dị ứng nhưng nể bạn nên đành nhập cuộc. Mọi phiền lụy trút xuống trong tiếng bật nút chai, đổ bia. Tôi uống chiều lòng bạn, rồi hút thuốc. Tôi không tìm thấy đôi mắt nào tương tự mình. Không ai nói về Steinbeck hay Goethe, anh chàng dạy chuyên môn quản trị kinh doanh chỉ nói về giá đất giá vàng trên thị trường, lúc tôi nhắc đến Hayek, Popper thì anh lờ đi rồi nâng cốc bia lên bắt cả nhóm cụng, sau đó anh nói về mảnh đất đắc địa đẻ trứng vàng ở Ba Vì. Họ mời nhau ào ào, uống thả phanh, dường như dạy xong, hẹn nhau đến quán bia mỗi người mới thấy nhẹ nhõm, chẳng cần gò bó vào vai vế người thầy, họ có thể ăn to nói lớn, chửi thề, bàn về những cô gái khiêu dâm trên wed cấm. Anh chàng dạy Toán Tin đã thuê riêng một phòng ở tầng trên quán bia nhưng tôi vẫn thấy ầm ĩ, buốt tai như ngồi giữa hàng trăm thực khách. Lại có người gạ tôi về trường, tôi lắc, một người nói rằng biết tôi viết văn và đã đọc nhưng không hứng thú lắm, chữ nghĩa lộn tùng phèo, đọc mãi không hết truyện, anh ta gợi ý rằng nghề thầy lương thấp nhưng biết cách thì có thể làm quan còn nghề văn vừa khó thành vừa nguy hiểm, sẩy bước là vào nhà đá, tôi gượng cười, anh ta đã quá lo xa. Sau đó, tôi chủ động rót bia, cụng cốc cùng mấy ông thầy Bách Khoa. Mặc cho cơn ngứa râm ran đỏ bầm xuống cổ, lan đến ngực và hai cánh tay, đầu váng, tai ù, tôi cảm thấy rõ tiếng tim đập nhanh, gấp, bình bịch như gõ trống nhưng tôi vẫn cố uống. Mấy người dạy trong trường đến đây nhậu để tìm sự khuây khỏa, quên đi gánh nặng gạo cao lương thấp và tôi cũng nên học theo họ, nốc bia để trốn tránh một cuộc tranh luận vô nghĩa.

Tôi sẽ đi đến thị trấn cô đơn [1]

Sẽ ở lại khách sạn tim tàn

Tôi là kẻ khờ

Tôi là kẻ khờ

Không một ai ngăn cản

Tôi đã khóc hết nước mắt

Tôi ngân nga theo dòng nhạc vô tình thoắt qua óc, cậu dạy quản trị tưởng tôi say, hát sảng nên vỗ tay khuyến khích nhưng tôi chỉ nhẩm đến đó, mấy người nhận thấy dấu hiệu cao trào cuộc nhậu nên hò nhau hát, hết nhạc vàng đến nhạc đỏ, tập tọe cả nhạc của Modern Talking nhưng sai bét lời lẫn tiếng vỗ tay thay nhạc nền.

Chầu nhậu triền miên, chẳng rõ tôi đã xin về trước hoặc ngồi cho tàn cuộc. Ngủ dậy, tôi thấy mình nằm ở sàn phòng trọ, cửa mở toang, áo quần giày dép chưa thay, đầu óc vẫn đau nhức, tôi cố lết vào nhà tắm, móc họng, ấn bụng để nôn hết cả. Tạng người tôi thế, mỗi lần ngấm bia rượu là bụng dạ anh ách, phải mửa hết ra mới tỉnh táo lại. Ngoại trừ cố sự chia tay người yêu lúc ra trường là tôi cố tình không móc họng nôn, cơn ói mửa dâng đến cổ là tôi nuốt ngược vào tim, tôi giữ trọn cơn chếnh choáng, đờ đẫn thần trí để buông mình vào trận say không lối về, lúc tỉnh lại thì tôi thấy mình trên giường bệnh viện, nghe bác sỹ bảo một người đánh cá sớm phát hiện tôi nằm cứng đơ ở bãi biển, xung quanh đầy lon bia, vỏ rượu, ông bác tưởng tôi uống đêm bị trúng gió nên cõng tôi vào viện, lúc xong xuôi, nghe tin kẻ lạ không sao thì ông ấy thanh toán viện phí rồi ra về, cái ba lô của tôi ông cũng mang theo, để ngay chân giường. Tôi không hỏi được thông tin của người đánh cá tốt bụng, thế là tôi nợ tình, nợ cả nghĩa.

Không có chuyện vì dễ thương quá, đáng yêu quá rồi chăm chú nhìn, nhìn đến nỗi thấy mờ ảo [2], dòng văn gõ trong đầu lúc tôi vục mặt, nín thở dưới bồn rửa mặt, vòi nước vẫn ào ào, chảy xuống thành vũng. Những trang sách mình từng đọc nhảy nhót tùy ý trong đầu không rõ là thói quen vô thức hay dấu hiệu của bệnh ngộ chữ nhưng nhờ sự ngẫu nhiên, một dòng văn lóe trong đầu mà tôi đã có nhiều buổi giảng tiếng Anh đột phá. Đoản văn chạy qua đầu khiến tôi phân tâm, hít sâu một bụm nước rồi sặc, đành nhỏm dậy, ho sặc sụa, nếu hít, nuốt thêm vài ngụm nước nữa tôi có thể hiểu tình trạng của người đuối nước. Đóng vòi lại, kéo nấc bồn rửa mặt cho thoát hết nước, tôi lấy tay lau mặt, vuốt ngược mái tóc rồi nhìn vào gương. Khuôn mặt tôi vẫn vậy, tóc trắng ngày một nhiều, những sợi trắng trổ tứ tán khắp đầu chứ không ăn thành nếp, nhìn qua cứ như bị ai đó nhổ trụi tóc thành những vết hói trước tuổi. Tôi nhìn chằm chằm vào gương, giơ tay vẫy, bóng gương vẫy lại tôi, tôi nháy mắt, gượng cười với kẻ đóng thế mình, ngắm nghía mái đầu dính tuyết mặc cho kẻ kia cũng sao chép mọi cử động. “Có khi máu mình xấu thật”. Lẩm bẩm thế, rồi quay lưng, để ngỏ cửa nhà vệ sinh.

Tôi vào phòng, lục lọi chán chê khắp ngõ ngách không biết vì sao. Một lúc, thấy đồ đạc lộn xộn, bừa bãi tôi dọn dẹp đâu vào đấy rồi như nhớ ra điều gì đó, tôi lại lục, ném tung tất cả, lục cái này, ném cái kia, từ áo quần, sách vở, đèn pin, laptop, tôi mò mẫm như tên trộm trong căn phòng thuê của mình, mãi đến khi nghe thấy tiếng cười đùa của đám trẻ con tầng dưới tôi mới sực người, đứng lặng xem lũ trẻ con đang làm gì. Khu trọ này tầng hai ít phòng dành cho sinh viên, dãy nhà tầng dưới dành cho các cặp đôi sống chung, vợ chồng son hoặc mấy ông chú phụ hồ, nghỉ hè là sinh viên về hết, sót lại mình tôi. Vắng người nên nghe gì cũng rõ, tiếng bọn trẻ con cười ha hả, chạy lê dép thì chắc đang chơi đuổi bắt, có đứa ngã, có đứa hỏi thăm, đứa thì quát bạn đứng lên, đứa trêu thằng mặc váy thích ăn vạ, tiếng xe máy rồ ga, bọn trẻ chào nhau, cuộc chơi thưa đi rồi tàn dần vào cuộc hẹn nghỉ mát ngoài biển. Tôi dọn sạch đống đồ ngả nghiêng trong phòng rồi ra ngoài, khóa cửa phòng.

Từ ban công tầng hai nhìn xuống sân không thấy ai, xuống cầu thang chỉ nghe tiếng kẽo kẹt của cầu thang gỗ, một con thạch sùng tắc lưỡi rồi trườn trên trần nhà, đi xuống sân, tôi nghe thấy tiếng chạy huỳnh huỵch, một đứa bé gái tầm lớp 1 chạy qua tôi, nhìn lên hàng rào, một cái bóng sượt qua mái nhà. Đứa bé đứng ngẩn người, muốn trèo lên nhưng hàng rào cao quá, đành thôi. Nghĩ về cái bóng uyển chuyển của con vật trên mái nhà, tôi quay lưng, nhảy lên xe máy phi thẳng ra ngõ.

Chạy xe bạt mạng, phóng ào ào như chở người ốm, đưa vợ đi đẻ, rồ ga, nhấn nhá chậm lại cho hết đèn đỏ rồi chạy một mạch, đánh võng vào khúc quẹo, phi lên cầu Chương Dương, chạy tứ tung, có lúc liều lĩnh đi qua con đường hẹp của hai chiếc xe tải, tôi làm một lèo ngược về cầu, đi sang Long Biên, tôi chạy xe chẳng nhìn ai nhưng đủ tỉnh táo để không gây tai ương cho ai.

Ông nội tôi qua đời vì tai nạn, mẹ tôi kể, ngày hôm đấy ông nổi hứng thồ gạo chở đi bán, thấy một đàn ngỗng đi sang đường, ông phanh gấp, cố quành xe, bởi bao gạo quá nặng nên cả người lẫn xe bị vít xuống, ông ngã dập đầu. Trước lúc mơ màng, dần chìm vào bóng tối, ông thở phào vì ngỗng mẹ không mất đứa con nào, người ta bảo ông nói sảng, gia đình thì bực bội, chửi bới ông dại, già rồi còn ham chở gạo, rồi đổ tội cho cha mẹ tôi hành ông, có người nói cứ phi thẳng, đâm chết đám ngỗng, có ngã cũng chỉ trầy xước, gãy chân, liệt nửa người thì con cháu chăm, miễn là còn sống. Tôi lúc đó chỉ xót ông, mới sáng sớm hai ông cháu còn ngồi uống nước vối ở sân, ông thì thầm rằng ngày xưa từng mơ giấc mơ nhà văn nhưng gia cảnh nghèo quá, phải đi lính, lúc hết chiến tranh thì đã già. “Lúc đánh nhau đói đã đành, hòa bình lại lo làm gì để hết đói, có mơ cũng chỉ mơ được ăn no, ăn ngon”. Ông cười, xòe cái quạt nan phe phẩy như Khổng Minh, tôi nhớ mình đã nghoéo tay ông, khi đấy tôi chỉ mơ mộng về cô gái sinh ngày 1 tháng 9, đến lúc viết văn thì mộ ông đã rêu phong.

Chạy xe và ngẫm, tôi thấy cái chết của ông quá đột ngột, nến chưa hết mà lửa đã tàn, ông đi ngậm ngùi với hình ảnh đàn ngỗng đã sang đường, xuống ao bơi về tổ, tôi mong đàn ngỗng đó thuộc chi ngỗng trời, sống ngoài tự nhiên, lúc chúng vỗ cánh bay đi sẽ tạt ngang cánh đồng, nơi đặt mộ của ông, ngỗng mẹ sẽ kể cho lũ con đủ lông cánh về cảm xúc tốt lành của ông trên đường bay di trú. Cây vối già, lớn lên cùng ông bị đốn bỏ, mẹ tôi dọn mảnh sân hàn huyên của hai ông cháu làm chỗ nuôi gà, rồi thì tôi lên phố học, chẳng thiết tha gì chuyến về quê, mỗi lần về là nhà cửa lại thay đổi, nếp nhà cổ xưa bị đẽo thành nhà cao tầng đầy đủ tiện nghi, mỗi lần viếng mộ ông tôi chỉ thắp hương dọn cỏ, chẳng dám kể cho ông việc mình viết rồi đốt truyện đăng báo, bản thảo trước mộ, giữa đồng mộ chỉ có tôi với hoài niệm về ông chứ ông nào ở đó.

Nhấn ga, tôi phóng xe liều lĩnh như đánh cược với vong ma chết yểu ven đường về nơi mình ngã xuống. Tay lái tôi vẫn vững, dù đường hoang, đông hay vắng người, đi trên đê, lái trên cầu thang lên xuống, đường lớn, đường nhỏ, lối chênh vênh, sai sót là lao đầu xuống sông thì tôi vẫn vượt ải như có người đỡ. Đi chán, gần hết xăng thì tìm chỗ đổ xăng, ních đầy bình rồi rầm rập khắp ngoại ô rồi lại vào phố, tôi cứ chạy xe mãi thế, giữa trời nắng cho đến lúc trời dịu, thiu thỉu chờ sập tối.

“Tại sao? Tại sao chứ, có chuyện gì cũng phải nói ra!”.

“Sao em cứ canh cánh mãi chuyện đó nhỉ? Đã ba năm rồi, em đăng tin khắp nơi, có xảy ra chuyện gì thì sẽ có người báo”.

“Đấy là em ruột của em, người thân, là gia đình của em!”.

“Thế còn anh?”.

“…”

“Không lẽ anh chỉ là người ơn, là món nợ em dùng cả đời mình để trả. Không! Anh không muốn thế, anh sẵn sàng cho em hết, dù em không chịu anh thì anh vẫn đợi”.

“Lúc mẹ mất, em đã tự hứa sẽ chăm sóc Phan tử tế, đến khi cha bỏ đi thì lời hứa đã thành lời thề. Hôm đó, em cứ ngỡ Phan xách ba lô đi du lịch, ai ngờ đi luôn, điện thoại cũng để lại”.

“Nhưng điều đó có tốt không, em có thật sự hiểu Phan chưa. Ngay cả việc em giấu nhẹm chuyện đó”.

“Chuyện vặt, tại sao nó lại”.

“Lúc ông ấy bỏ đi, Phan mười ba tuổi, cái tuổi mọi thay đổi đều tạo thành vết thương. Anh đã nhiều lần nói chuyện với Phan lẫn cậu bạn từng dạy học cho Phan, luôn là câu nói làm ơn, trả tôi con mèo, em hiểu vấn đề chưa?”.

“Em…không…biết nữa”.

“Sự thật thì Phan từng nuôi mèo, năm mười ba tuổi và đã giết…”.

“Không đúng! Phan không cố tình, em nó rất yêu mèo, chỉ là…Tại em đi làm cả ngày, Phan luôn một mình, đến lúc ngủ cũng một mình, chưa từng hưởng giấc ngủ bên mẹ, cha thì lạnh lùng, em không biết làm sao để Phan bớt buồn trừ việc mua một con mèo về”.

“Anh đang nghe”.

“Hôm đấy, em tăng ca, về muộn, vào phòng thấy Phan ngồi nép góc nhà, khóc trong hoảng loạn, trên giường là con mèo vàng chết cứng, mắt mèo trợn trắng, lưỡi thè dài. Phan lầu bầu rằng chỉ muốn ngủ với con mèo nhưng nó toàn chạy đi, Phan bắt, mèo lại vùng chạy, cào, rồi gầm gừ, thế là Phan ôm chặt, vùi nó trong chăn chỉ thò ra cái đầu, thấy mèo giãy, cào quá nên Phan bóp cổ, chặt, rất chặt, những mong con mèo ngoan ngoãn ngủ cạnh, ai ngờ… Em không khuyên được Phan, đành âm thầm đem chôn con mèo, Phan vẫn hoảng loạn, em đành đưa nó đến bệnh viện, nhờ bác sỹ ám thị rằng mọi thứ chỉ là tưởng tượng”.

“Anh vẫn nghe”.

“Nhà mình chưa từng nuôi mèo và chị bị dị ứng lông mèo, em thương chị thì đừng mang mèo về, khổ chị. Em đã nói với Phan như thế, luôn luôn chỉ câu này vào mọi nơi mọi lúc, Phan có thể thích thú, chơi với bọn mèo ngoài đường, miễn là không mang về. Thời gian sẽ xóa đi mọi thứ, lúc lớn hơn con người sẽ có nhiều sở thích khác. Phan từng yêu đương với vài người, mê mẩn đọc sách, ai dè…”.

“Từng có lần, anh dẫn Phan đến nhà người bạn, trong nhà có nuôi mấy con mèo, Phan thích thú ngắm nghía, đuổi bắt nhưng lúc chụp được, ôm mèo trên tay thì liền buông tay, rồi tun rẩy, ôm lấy đầu nép vào góc phòng. Anh đành phải đưa Phan về, không dám hỏi hay nói gì”.

“Lỗi của em!”.

“Em và Phan đều không có lỗi, do kinh nghiệm tháo gỡ vấn đề của hai chị em mà ẩn tàng những điều tai hại cho tương lai”.

“Phan đang ở đâu, rủi như…”.

“Đừng nghĩ vậy, lúc Phan xách ba lô đi, nó bảo phải đi, người nghĩ quẫn sẽ không mang vác nhiều đồ đạc đến thế, anh thấy điều gì đó trong đôi mắt Phan và đấy không phải sự tuyệt vọng. Em nên nghĩ thoáng và cứ đợi. Anh luôn bên em”.

Đứng lặng ngoài cánh cổng, nghe hết mọi chuyện, tôi dè dặt một cái gõ cửa rồi lại thôi. Tôi lặng lẽ rời đi nhưng trượt chân, suýt ngã và đánh động người bên trong.

“Ai đó, có phải Phan”. Tiếng vọng ra, tôi lủi thật nhanh xuống cầu thang trước khi cánh cửa mở bật ra.

Trước lúc đi, tôi đã kẹp trên cánh cửa một lá thư, chính là lá thư tôi nhận lại từ ông già thân quen ở quán café ngõ phố Huỳnh Thúc Kháng. Lúc dựng xe vỉa hè, ông già đã gọi tôi lại và nói về đứa hay đi cùng tôi, ông chỉ bán ca tối và hai năm trước Phan từng đến xin làm thuê chỗ ông một thời gian. Lúc nghỉ, Phan đã nhờ ông gửi cho tôi lá thư nhưng tôi chỉ qua quán vài lần, lại vào ca bán của đứa cháu. Tôi không mở thư, chỉ ngắm nghía, ve vuốt lại cho thẳng rồi nhét vào ngực áo. Tôi gài lá thư trước cửa nhà anh chị Phan, tôi vẫn nhớ ông già mỉm cười bảo rằng lúc Phan ra ga, đi đâu đó, có nói “Cháu đi tìm con mèo”.

Và tôi, chạy xe giữa đêm đen, nghĩ cho mình một cái gì đó, tốt lành như lời chúc của Phan, có thể là một chuyến đi, một sự xê dịch đến vùng đất mới, hoặc giữa đêm dài thắp đèn, nhẩn nha điếu thuốc ngon, ngồi viết cuốn sách về tiếng cào vuốt trơ nốt khâu [3] của con mèo khuyết danh [4].

24.8.2023


[1] I gotta take a trip to lonesome town[1]

Gonna stay at heartbreak hotel

A fool such as i

(A fool such as i)

There never was

I cry my tears away

Lời của bài hát One Way Ticket.

[2] Dẫn từ tiểu thuyết Bồ Công Anh của Kawabata, trang 31.

[3] Dòng thứ 29 trong Bài Không Tên số 9 của Vũ Thành An.

[4] Gợi nhớ đến cuốn tiểu thuyết Tên tôi là con mèo của Natsume Soeki.

Comments are closed.